Cộng đồng người Hoa ven biển miền Trung trong giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển
Cultural exchanges, intergration and developmet of
the chinese community in central coastal provinces
Tác giả bài viết:Thạc sĩ Khảo cổ học ĐÀO VĨNH HỢP
(Trường Đại học Sài Gòn)
Thạc sĩ Khảo cổ học VÕ THỊ ÁNH TUYẾT
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)
TÓM TẮT
Trong bối cảnh người Hoa đến các nước trong vùng Đông Nam Á, Đàng Trong của quốc gia Đại Việt đã trở thành điểm dừng chân của nhiều đoàn di dân Trung Hoa. Nhờ vị trí địa lý tự nhiên giáp biển, cộng với những điều kiện thuận lợi trong và ngoài nước, vào các thế kỷ XVI–XIX, các thương nhân và di dân Trung Hoa đã có mặt tại các tỉnh ven biển miền Trung (đặc biệt là tại địa phận khu vực ngày nay thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Khi định cư tại các nước Đông Nam Á, cũng như miền Trung Việt Nam, bên cạnh việc bảo lưu các yếu tố truyền thống nhằm kiến tạo những thành tựu kinh tế, văn hóa tại vùng đất mới, cộng đồng người Hoa đã sớm hoà nhập vào khối cộng đồng dân cư bản địa, chủ động giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển. Bài viết tìm hiểu sự giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển của cộng đồng người Hoa ở ven biển miền Trung trong lịch sử và hiện tại. Từ đó cho thấy sự đóng góp của cộng đồng cư dân này trong lĩnh vực văn hoá, kinh tế, xã hội nhằm góp phần xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ khóa: người Hoa, miền Trung, giao lưu, hội nhập, phát triển.
Abstract
In the circumstance of the Chinesse emigrants going abroad to seek shelter and find new lands, especially southeast Asia, Dang Trong of Dai Viet kingdom has gradually become a point of arrival which attracts them strongly. Depending on geographic position of contigous sea and advantage of Dang Trong context at home and abroad, Chinese merchants and emigrants have come to the central coastal parts (especially in Quang Nam, Quang Ngai, Binh Dinh, and Phu Yen). Having settled in southeast Asia region as well as in the central part of Vietnam, Chinese emigrants have preseved their traditional culture to gain achievements in this land region. Besides, they have actively integrated into native communities, exchanging culture for prosperity and development. This paper indicates cultural exchanges, integration and development of the Hoa in the central coastal provinces in history and present, which asserts their contributions in the fields of culture, economy and society to build Vietnam nation, notably in the age of present international integration.
Index Terms: the Hoa, the central coastal provinces, exchanges, integration, development.
x
x x
1. Khái lược về cộng đồng người Hoa ở ven biển miền Trung
1.1 Lược sử cộng đồng người Hoa đến vùng đất miền Trung
Miền Trung Việt Nam là vùng đất có điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Ở vào các thế kỷ XVI – XIX, nhờ có các yếu tố trong và ngoài nước, khu vực Trung Bộ, nhất là tại bốn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã thành nên các phố cảng nổi tiếng như: Hội An (Quảng Nam), Thu Xà (Quảng Ngãi), Nước Mặn (Bình Định), Vũng Lấm, Mỹ Á (Phú Yên) … Trong thời kỳ thịnh đạt nhất, các phố cảng này giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động kinh tế trong nước và quốc tế. Bấy giờ tại đây, thương thuyền các nước đã vào ra cập bến đến buôn bán.
Nhờ chính sách cai trị nhu viễn của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, cộng với những biến động từ đất nước Trung Hoa, thương nhân Hoa tới khu vực các tỉnh miền Trung ngày một đông. Khi Hội An trở thành một đô thị – thương cảng phồn thịnh, trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á trong các thế kỷ XVI – XVIII, thương thuyền Trung Hoa đã có mặt. Giai đoạn trước thế kỷ XVII, người Hoa chỉ dừng chân mua bán chứ không lưu trú, nhưng giai đoạn sau thế kỷ XVII, người Hoa dần dần thế chân người Nhật nắm quyền buôn bán, xây nhà, lập phố ở Hội An. Cộng đồng người Hoa đã lập phố “Phố Khách” (“Đường nhân phố” hay “Phố Tàu”) riêng bên cạnh “Phố Nhật” của người Nhật. Việc buôn bán của các thương nhân người Hoa ở Hội An rất phát đạt và thuận lợi, do đó các Chúa Nguyễn phải đặt ở đây một cơ quan gọi là “Tàu vụ ty” để kiểm soát ngoại thương, thu thuế thương thuyền, cứu giúp những thuyền ngoại quốc bị bão trôi giạt đến và giao phó cho người Trung Quốc và người Minh Hương giữ các chức quan trong Tàu vụ ty này ([8], tr. 538-539).
Tại Quảng Ngãi, có thể nói Thu Xà là địa điểm quy tụ nhiều người Hoa nhất vào cuối thế kỷ XVII. Tác giả Đoàn Ngọc Khôi căn cứ vào nội dung tờ thị: “thị tỉ phong chức của chúa Nguyễn Phúc Chu cho Trần Công Vinh, giao cho ông này nhiều việc, trong đó có việc quản lý trông coi dân chánh hộ trong các huyện, tổng, xã, thôn, phường thuộc bản phủ cùng thương nhân người Hoa” viết năm Chính Hòa thứ 12 (1691) để suy đoán người Minh Hương tụ cư khá đông ở Thu Xà trước năm 1691 ([7], tr. 32). Tuy nhiên, thương cảng Thu Xà hình thành và phát triển muộn hơn: các thế kỷ XVIII, XIX và đầu thế kỷ XX ([7], tr. 26, tr. 31). Vào giai đoạn thịnh vượng của Thu Xà, người Hoa phát triển đông và có thế lực mạnh nên đã xây dựng nhiều kiến trúc của cộng đồng (hình 1 – 2).
Khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, người Hoa đã có mặt đông đúc tại vùng đất thuộc Bình Định, Phú Yên ngày nay. Tại đây, người Hoa đến lập các Minh Hương phố buôn bán nhộn nhịp và tạo lập nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Thực chất từ thời kỳ phát triển của cảng thị Nước Mặn trong thế kỷ XVII, người Hoa đã có mặt tại khu vực Bình Định. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ XIX, khi Quy Nhơn phát triển thành đô thị thương nghiệp lớn của cả nước dưới triều Nguyễn, đồng thời cũng là trung tâm, thương mại lớn của các tỉnh miền Trung, là đô thị cảng bao gồm thương cảng và quân cảng quan trọng của đất nước, thì dấu ấn của người Hoa ở đây mới đậm nét. Sự xuất hiện và hoạt động kinh tế thương mại của người Hoa tại bến cảng Quy Nhơn đã góp phần làm cho đô thị Quy Nhơn trở thành nơi có hoạt động mậu dịch đối ngoại đặt biệt là buôn bán với Trung Quốc thật năng động ([2], tr. 153). Bấy giờ, tại Quy Nhơn người Hoa đã lập nên rất nhiều hội quán, bao gồm: Hải Nam (Quỳnh Phủ) hội quán, Triều Châu hội quán, Quảng Đông hội quán, Phúc Kiến hội quán và Ngũ bang hội quán. Còn riêng đối với vùng biển Phú Yên, các tàu buồm người Hoa cũng đã cập bến và định cư ở thị xã Tuy Hòa cùng hầu hết các thị trấn, thị tứ và những vùng đông dân cư, đặc biệt là tại các địa phương ven biển như Tuy An, Sông Cầu… Theo thống kê của tòa hành chánh tỉnh Phú Yên, năm 1964, Phú Yên có 332.401 người, trong đó có 11.058 người Thượng1 và 1.288 người gốc Hoa kiều ([5], tr. 77-78). Hiện nay, Phú Yên còn hiện diện nhiều di sản của người Hoa, trong số đó có các miếu, hội quán thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh ở thị xã Sông Cầu hay ngay tại thành phố Tuy Hòa (hình 3).
1.2 Về các di sản của cộng đồng người Hoa tại miền Trung
1.2.1. Các nếp văn hóa ăn, mặc, ở, quan hệ hôn nhân, sinh đẻ, tang ma:
Các gia đình người Hoa ở miền Trung cũng có những thói quen, tập quán ẩm thực riêng. Đặc biệt như trong cách chế biến các món ăn, giờ giấc và cách sử dụng đồ dùng ăn uống. Ngoài cơ cấu bữa ăn hàng ngày giống người Việt, vào những dịp lễ tết, các gia đình người Hoa thường quây quần bên nhau, chế biến các món ăn đặc trưng mang nguồn gốc Trung Hoa.
Người Hoa trong lịch sử đã sử dụng các trang phục truyền thống gắn với quê hương của họ. Ngày nay, cách ăn mặc của người Hoa có phần giống người Việt, tuy nhiên họ vẫn thích sử dụng loại áo nhiều lớp và hoa văn sặc sỡ. Người Hoa vốn có quan niệm và hình thức sinh đẻ, tang ma, cưới hỏi… riêng theo kiểu Trung Hoa (kiểu Tàu), nên trong các gia đình người Hoa ở miền Trung, việc cưới xin thường theo Chu công Lục lễ với những lễ nghi có phần trang trọng hơn người Việt, nhất là tục xem giờ, xem tuổi. Trước đây, người Hoa có quy định nghiêm khắc, họ chỉ cho con trai lấy vợ Việt nhưng không cho con gái lấy chồng Việt, trừ một số trường hợp rất đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay, quy định này đã ít ngặt nghèo hơn trước. Trong nghi lễ tang ma, người Hoa theo Văn công gia lễ và Thọ mai gia lễ. Đồng thời, việc sinh đẻ, người Hoa có những tập tục, lễ nghi riêng, trong đó họ rất đề cao vai trò của ba Bà Chúa Thai Sanh và 12 bà Mụ ([10], tr. 159).
1.2.2. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội của các gia đình, dòng họ và cộng đồng:
Trong phạm vi gia đình, dòng họ, các gia đình người Hoa đều dành những vị trí trang nghiêm nhất, trên các khám thờ, trang thờ, am thờ, bàn thờ… để thờ cúng ông bà tổ tiên, gia tộc, thờ cúng các vị thần phù hộ (thần bếp, thổ địa, thần tài…). Họ tổ chức các ngày giỗ kỵ ông bà; cúng rằm, mồng một hàng tháng và nhiều lễ tết quan trọng. Rộng hơn trong phạm vi cộng đồng, người Hoa thờ cúng các vị thánh thần của cộng đồng (Quan Công, Thiên Hậu, Ông Bổn…). Nhìn chung, người Hoa có một số lễ tết quan trọng như: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu (ngày 15 – 1 âm lịch còn gọi là rằm tháng giêng), Tết Thanh minh (khoảng giữa tháng 3 âm lịch hằng năm), Tết Đoan ngọ (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), Tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch), Tết đông chí (khoảng giữa tháng 12 âm lịch)…
1.2.3. Các di sản kiến trúc:
Khi định cư tại miền Trung Việt Nam, người Hoa đã xây dựng các công trình kiến trúc như miếu, hội quán, nhà ở, cửa hàng, chợ, trường học, bệnh viện, ngân hàng, chùa miếu, nghĩa trang… Các kiến trúc cổ này được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc truyền thống Trung Hoa. Người Hoa đặc biệt chú trọng đến thuật phong thủy trong việc chọn hướng đất, hướng nhà và xây dựng nhà cửa cũng như các công trình kiến trúc khác.
Các công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là nhà ở của người Hoa có cách trang trí, bày biện hết sức đặc biệt: có mái lợp ngói âm dương, kết cấu chịu lực của ngôi nhà chủ yếu bằng khung gỗ với kèo, cột, trính xuyên, kiến trúc chính được chia thành ba gian, các đề tài trang trí thường là thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây, các hình tượng con vật “tứ linh”, bảo vật, “bát bửu”… với thủ pháp chạm khắc độc đáo. Các di tích có gắn “mắt cửa” và dải lụa đỏ, nội thất treo hoành phi, câu đối… Bên cạnh các công trình kiến trúc cổ, các làng nghề truyền thống, một trong những thiết chế tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng quan trọng của người Hoa các miếu, hội quán. Tại các trung tâm tụ cư của người Hoa, buổi ban đầu, Hoa thương thường lập chùa Ông (đền Quan Công) cùng với chùa Bà (Thiên Hậu cung) để làm cơ sở tín ngưỡng chung của cộng đồng. Các miếu Hoa chính là các cơ sở tín ngưỡng văn hóa dân gian, tổng hợp các tín ngưỡng Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo. Đây là nơi bảo lưu những giá trị về kiến trúc truyền thống và văn hóa tín ngưỡng của người Hoa ven biển miền Trung nói chung cùng các nhóm người Hoa nói riêng.
2. Hội nhập và giao lưu văn hóa của người Hoa ở ven biển miền Trung qua các di sản của cộng đồng
Người Hoa đến Việt Nam nói chung vốn có nguồn gốc từ các địa phương ven biển phía Nam và Đông Nam của Trung Quốc, khi định cư, sinh sống tại khu vực miền Trung Việt Nam, phần đông người Hoa lại tiếp tục định cư lập nghiệp ở các địa phương ven biển, do đó văn hóa dân tộc Hoa nhanh chóng hòa nhập, giao thoa và gắn liền với nền văn hóa bản địa. Điều này thể hiện qua các lĩnh vực sau:
2.1 Giao lưu văn hoá và hội nhập qua các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng
Khi đến định cư tại vùng đất mới ven biển miền Trung, cuộc sống dần ổn định và kinh tế phát triển, người Hoa đã xây dựng các thiết chế kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, ổn định và phát triển cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời hòa nhập với cộng đồng cư dân bản địa. Tại các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng, sự giao lưu và hội nhập văn hóa được thể hiện dưới nhiều góc độ: kiến trúc, trang trí; đối tượng được thờ cúng; bộ sưu tập di vật; phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng của người dân xưa và nay… Đây là mối quan hệ hai chiều: các yếu tố văn hóa Việt đã được thể hiện tại các di tích dưới nhiều góc độ. Ngược lại, những dấu ấn văn hóa Trung Hoa cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người Việt ở miền Trung.
2.1.1. Qua kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất
Kế thừa và tuân thủ theo truyền thống Trung Hoa, khi đến miền Trung, người Hoa cũng đã xây dựng các công trình kiến trúc, đặc biệt là các cơ sở văn hóa tín ngưỡng cộng đồng theo nguyên tắc kiến trúc Trung Hoa. Các di tích đều được xây dựng dựa theo quan niệm vũ trụ âm dương, thẩm mỹ, chủ trương đối xứng vững vàng và chỉnh tề nghiêm ngặt. Bố cục mặt bằng tổng thể kiến trúc, tiêu biểu như các miếu, hội quán theo hình chữ “Khẩu 口” hay chữ “Quốc 國”, “nội công 工, ngoại quốc 國” (trong hình chữ công ngoài hình chữ quốc) hay cũng có thể được gọi là hình cái ấn. Trên cùng một trục chủ đạo Bắc – Nam, các đơn nguyên kiến trúc được sắp thành 3 trục nhỏ: trục chính ở giữa và hai trục phụ hai bên đối xứng qua trục chính, gồm: cổng tam quan, tiếp đến là sân trước, tiền điện, sân, chính điện, hai bên các điện thờ nằm ngang là hai dãy nhà đông tây nằm dọc, nối từ trước ra sau, giữa các tòa nhà tạo thành một khoảng không gian trống gọi là “sân thiên tỉnh”. Các nếp nhà trong từng di tích hình chữ nhật hay vuông. Kiến trúc ở trục giữa là nơi tôn nghiêm dành cho các hoạt động tín ngưỡng. Khu vực phía sau cùng là vườn cây. Trong các sân có trồng cây xanh, hồ nước. Các di tích thường quay mặt về hướng nam hay đông nam. Việc chọn hướng nam và thế đất cao thể hiện ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa nhằm đề cao thần linh và khả năng chi phối của họ ([9], tr. 152). Bên cạnh đó, kiến trúc và trang trí của các công trình cũng thể hiện ảnh hưởng của văn hóa Việt.
Bên cạnh đó, có thể thấy, cũng giống như nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác của người Hoa được xây dựng trên đất nước ta, buổi ban đầu, các nguyên vật liệu, hiện vật cổ của hầu hết các hội quan đều được đưa từ Trung Quốc sang như các cột gỗ, cột đá to, tượng thờ, các hiện vật… Bộ khung đỡ mái gồm kiến trúc gồm: rui, đòn đông, đòn tay, bộ vì… được làm bằng các loại gỗ tốt như mít, lim, kiền kiền… Các cấu kiện gỗ lớn và còn tồn tại đến ngày nay đều do đưa từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên, ngay từ lúc mới xây dựng cũng đã có không ít những sản phẩm do thợ người Việt tạo tác. Qua thời gian các di tích đã thực hiện nhiều đợt trùng tu lớn, người Hoa đã sử dụng thêm các nguyên vật liệu, kỹ thuật tại địa phương để tu bổ, gia cố. Đó là các nguyên vật liệu của các làng nghề địa phương như: tại Hội An là các làng mộc Kim Bồng, làng đá Non Nước, làng gạch ngói và gốm Thanh Hà; hay các làng gốm Vân Sơn, đúc đồng Bằng Châu ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định)… Bấy giờ, những nhóm thợ tại các tỉnh đã góp phần quan trọng cho xây dựng, trùng tu di tích. Theo thời gian, hiện nay nhiều công trình kiến trúc cổ của người Hoa đã được sửa sang và chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách Việt. Các cổng chính của các miếu, hội quán đã được xây lại theo kiểu tam quan thể hiện ảnh hưởng của các tam quan trong kiến trúc chùa Việt. Trang trí đầu mái đao di tích theo kiểu cong hình hồi long và các đề tài rồng, lân, mây, hoa… cũng thể hiện sự ảnh hưởng văn hóa Việt. Đây chính là hình thức phổ biến trong trang trí mái đao đình chùa Việt.
Sân thiên tỉnh – khoảng sân trống nằm giữa lòng kiến trúc khép kín của các miếu, hội quán vốn là đặc điểm của nhiều chùa, miếu Hoa, nhằm giúp di tích có đủ diện tích thoáng rộng để thông gió, đón nhận khí trời, lấy được ánh sáng tự nhiên đầy đủ cho khu vực thờ cúng, thoát khói hương và thoát nước. Ở miền Trung, hầu hết các hội quán đều có sân thiên tỉnh được đặt trước chính điện theo truyền thống Trung Hoa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có trường hợp di tích có cả hai sân thiên tỉnh đặt trước và sau chính điện như ở hội quán Phúc kiến (Hội An – Quảng Nam). Việc xây dựng sân thiên tỉnh sau chính điện thể hiện ảnh hưởng văn hoá Việt (hình 4).
Theo truyền thống Trung Hoa, hệ khung gỗ của các kiến trúc này thường được khắc chạm cầu kỳ và sơn các màu khác tương phản và sặc sỡ, đặc biệt là những cột đá lớn được chạm khắc công phu. Tuy nhiên, các hội quán miền Trung đa số lại được xây theo kiểu nhà rường truyền thống của khu vực, sử dụng đa dạng các bộ vì khác nhau: vì trính chồng trụ đội, vì chồng rường giả thủ, vì chồng rường, vì vỏ cua, vì kèo… Thay vì dựng các cột gỗ được sơn son thếp vàng, khắc chạm liễn đối lên trên và sơn các màu sắc sặc sỡ theo văn hóa truyền thống Trung Hoa, một số cấu kiện kiến trúc của các di tích ở miền Trung đã được để mộc hay chỉ sơn màu đen của gỗ. Cột gỗ thường chỉ sơn đen, nâu đen hay đỏ và không khắc chạm liễn đối lên trên thân cột mà treo bên ngoài. Các hội quán đã sử dụng các cột có chân đá tán hay chân đá tảng, tức cột không chôn xuống mặt đất mà được đặt trực tiếp lên bệ đá nhỏ. Các cột này rất giống với kiến trúc các ngôi đình của người Việt. Yếu tố văn hóa Việt cũng được thể hiện trong trang trí. Chúng ta thường bắt gặp các đề tài chạm khắc những con vật, các loại cây trái gần gũi với người dân Việt ở ven biển miền Trung tại các di tích. Đó là các đề tài chim, cua, cá… hay trái cây dân dã gồm quất, mãng cầu, dây bầu, dây bí… vốn gần gũi và thể hiện cuộc sống của người dân địa phương ven biển.
2.1.2. Qua các bộ sưu tập di vật
Trừ một số ít các tượng thờ có niên đại sớm được đưa từ Trung Hoa sang, hầu hết các tượng thờ còn ở các di tích kiến trúc Hoa đã được các nghệ nhân địa phương dân gian hóa, tạo nên sự gần gũi gắn bó giữa Thần và người, nên khi bước chân vào di tích, ta không thấy sợ sệt mà thấy thỏa mái như có sự đồng cảm, giao hòa, che chở từ các vị thần. Các tượng có niên đại muộn do các nghệ nhân địa phương tạo tác bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong vùng như các loại gỗ (gỗ mít), đá, gốm, xi măng… đã cho thấy nét đặc trưng, tài năng và sự sáng tạo trong nghệ thuật điêu khắc tượng thờ của các nghệ nhân địa phương người Việt. Hơn nữa, việc bài trí các tượng thờ cũng thể hiện ảnh hưởng yếu tố Việt và sáng tạo của các nghệ nhân bản địa. Xích Thố được xem như một trong những Thần Mã của lịch sử Trung Quốc, vốn là con ngựa của Quan Công và nổi tiếng trong Tam Quốc. Việc thờ Xích Thố tại các miếu của người Hoa đã thể hiện sự trung thành của con người và thường chỉ thờ một con. Tuy nhiên, ở hai bên tả hữu chính điện miếu, hội quán Quảng Triệu, miếu Quan Thánh (Chùa Ông) (Hội An – Quảng Nam) đã thờ thêm Bạch mã đối xứng với Xích thố. Việc chọn thờ hai con ngựa này trong chính điện nhằm tôn thêm không khí linh thiêng, thể hiện sự cân đối, hài hòa và tư duy sáng tạo của người dân địa phương và đã trở thành nét độc đáo cho các miếu, hội quán.
Các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa thường thờ bộ ngũ sự, tức 5 món đồ thờ gồm: một lư trầm, hai đồ cắm đèn cầy, hai bình cắm hoa (hay một dĩa đựng trái cây và một bình cắm hoa). Tuy nhiên, các miếu, hội quán miền Trung thường thờ bộ tam sự bên cạnh bộ ngũ sự hay thay thế hẳn bộ ngũ sự. Bộ tam sự gồm 3 món đồ thờ: một lư trầm hoặc lư hương ở giữa; hai bên là giá cắm đèn cầy. Việc thờ bộ tam sự thể hiện sự ảnh hưởng của các cơ sở thờ tự của người Việt. Một số di tích còn thờ cặp qui – hạc (hạc đứng trên rùa) vốn là hiện vật phổ biến trong các ngôi đình của người Việt.
2.2 Giao lưu văn hoá và hội nhập qua các phong tục tập quán, hoạt động tín ngưỡng và lễ hội của cộng đồng
2.2.1. Qua hệ thống các vị thần được thờ cúng
Trên hành trình nguy nan, nhiều sóng gió vượt qua được mọi trở ngại để đến vùng đất mới mưu sinh và an cư lạc nghiệp, người Hoa tin tưởng vào sự linh nhiệm chở che của các thế thực siêu nhiên với mong muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi “đất khách quê người”. Vốn mang sẵn truyền thống tín ngưỡng tại quê hương cũ và tâm trạng bất an, lo sợ trong buổi đầu nên đối với người Hoa, nhu cầu tín ngưỡng trở nên cấp thiết. Họ đã thành kính tôn thờ nhiều vị thánh nhân và thần linh khác nhau, đặc biệt là Bà Thiên Hậu ngay trong nhà hay các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng.
Người Hoa ở ven biển miền Trung có đối tượng thờ cúng khá phong phú, đa đạng gồm nhiều thể loại như: nhân thần (Quan Công, Thiên Hậu, 108 vị anh linh, Lục Tánh, Mã Viện…), thần bảo sanh (Ba Bà Chúa Thai Sanh cùng 12 Bà mụ, Quan Âm… (hình 5)); thần kiết tường (Phúc, Lộc, Thọ; Thần tài…), thần động vật (Hổ, Ngựa…)… Việc thờ tự kết hợp nhiều đối tượng khác nhau ngoài các vị thần chính như Thiên Hậu, Quan Thánh, 108 vị anh linh tại các hội quán đã cho thấy sự đa dạng trong đời sống tâm linh của người Hoa khi đến định cư ở vùng đất mới và sự ảnh hưởng của văn hóa Việt. Với mong muốn cho cuộc sống hàng ngày được bình an, mua may bán đắt, người Hoa đã chủ động thờ thêm các vị thần như Ông Bổn, Phúc Đức Chính Thần, Thần Tài (Tài Bạch Tinh Quân)… là những vị thần có nhiệm vụ phù hộ giàu sang, phú quý cho những người kinh doanh buôn bán. Cư dân miền Trung nói chung và những người Hoa hoạt động thương nghiệp đều lập khám thờ Thần Tài. Hầu hết các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa đều thờ Thần Tài với các tên gọi kèm theo thể hiện là một bảng gỗ ghi chữ bằng tiếng Việt: “Thần tài công” hay Tài Thần công. Bên cạnh các vị thần kể trên, người Hoa miền Trung còn chủ động thờ các thêm vị tiền hiền, bang trưởng, bang phó, danh nhân, cô bác và những đối tượng thờ cúng. Tai các miếu, hội quán, những đối tượng thờ cúng này được thể hiện dưới dạng bài vị ghi tên bằng chữ Việt và chữ Hán. Cũng do tiếp thu, ảnh hưởng của văn hóa Việt, các hội quán còn thờ cả Thổ địa bên cạnh Thần tài. Điều này giống cách thờ tự của rất nhiều gia đình người Việt.
Đặc biệt hơn, cả những yếu tố mâu thuẫn trong lịch sử hoặc sự không đồng nhất trong tín ngưỡng lại được cư dân ven biển miền Trung chấp nhận, dung hòa. Trường hợp đặc biệt này được chứng minh tại hội quán Triều Châu (Hội An, Quảng Nam) với việc thờ thần chủ là Phục ba tướng quân Mã Viện nhưng người dân Hội An, nhất là ngư dân các làng Cẩm An, Cẩm Kim, Tân Hiệp vào các ngày vía Ông vẫn đến dâng lễ với tâm nguyện được Ông phù hộ bể yên sóng lặng. Nhiều di tích người Hoa miền Trung thờ 108 người Hoa vùng Hải Nam bị quan quân nhà Nguyễn giết nhầm vì nghi là cướp biển. Tiêu biểu có “Chiêu ứng từ” ở Mỹ Á (thôn Long Thuỷ, An Phú, Tuy An), lập năm 1868 nhưng về sau bài vị 108 người Hoa được chuyển vào thờ trong miếu Quan Thánh Hải Nam (Tuy Hòa), ngôi miếu Hải Nam mới xây dựng ở Tuy Hòa cũng thờ 108 người Hoa. Ở Hội An – Quảng Nam, hội quán Trung Hoa của ngũ bang thờ bài vị 108 vị anh linh người Hoa này. Những di tích thờ cúng 108 vị anh linh người Hoa trở thành những ngôi chùa giải oan của người dân, người dân địa phương thường tìm đến với ý niệm cầu xin cởi giải oan khuất.
2.2.2. Qua hoạt động tín ngưỡng và lễ hội của cộng đồng xưa và nay
Trong bối cảnh tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Nam Trung Quốc, khi du nhập vào Việt Nam, tín ngưỡng Thiên Hậu2 của người Hoa đã bắt gặp tục thờ Mẫu của người Việt nên dễ dàng được người dân địa phương tiếp nhận. Đặc biệt, tại vùng ven biển miền Trung, tín ngưỡng Thiên Hậu đã hòa chung vào dòng chảy tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa và thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt – Hoa rất rõ nét. Đó là hiện tượng đồng nhất Thiên Hậu Thánh Mẫu và Thánh Thiên Yana – vị Mẫu thần của người Việt miền Trung phương Nam có nguồn gốc Chăm hay thờ phối tự Phật Quan Âm cùng Thiên Hậu theo kiểu “tiền Phật, hậu Thần” như ở Hội An, Quảng Ngãi… Thiên Hậu từ chức năng chuyên phù trợ cho những người đi biển đã trở thành vị thần mang nhiều chức năng khác nhau như: phù hộ cho sức khỏe, mua may bán đắt, mang lại những an lành cho phụ nữ như đường con cái, lúc mang thai, sinh nở, trẻ em khỏe mạnh, giống như thờ bà Mụ ([3], tr. 402). Bà Thiên Hậu từ một “nữ thần bảo hộ đi biển” của người Hoa, trở thành “nữ thần buôn bán”, “ban phát tài lộc” của cả người Hoa lẫn người Việt ([4], tr. 39). Hàng ngày hay vào dịp Vía Bà, các chị em phụ nữ hay đến khấn vái, thỉnh cầu, trong ngày Vía Bà bao giờ nữ cũng đi lễ đông hơn nam giới. Thiên Hậu dần dần được dân gian xem như vị thần cứu khổ, cứu nạn, phổ độ chúng sanh giống như Quan Âm Bồ Tát. Ba hội quán ở Hội An đều thờ phối tự Quan Âm Bồ Tát bên cạnh Thiên Hậu, hội quán Phúc Kiến ở Hội An thờ Bồ Tát cùng với Thiên Hậu theo kiểu “tiền Phật hậu Thần”. Tại Phú Yên, miếu thờ Quan Thánh ở Triều Sơn (Xuân Thọ – Sông Cầu) vốn được người Minh Hương xây dựng đầu thế kỷ XX, nhưng sau đó đã hiến tặng cho Hội phật giáo địa phương quản lý và di tích thờ thêm Phật, nên còn được gọi là “niệm Phật đường”. Điều này cũng thể hiện tính chất hỗn dung, hòa hợp trong tín ngưỡng, nhằm thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân.
Trong lịch sử và cả hiện tại, các miếu, hội quán đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống cư dân. Đây không chỉ là sở hữu của người Hoa mà thực sự trở thành nơi tín ngưỡng chung cho người Việt, người Hoa. Từ xưa đến nay, cả cư dân Việt – Hoa đều đến các hội quán để gởi gắm tâm linh của mình. Họ cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình. Theo tư liệu điền dã dân tộc học và lời kể của các vị cao niên cho thấy trước đâymột số hội quán còn là nơi để cư dân đến xin xăm, vay lộc về làm ăn. Trước đây trong ngày lễ vía Bà, vía Ông, người Hoa tổ chức lễ diễu hành qua nhiều đường phố, tổ chức hoạt động văn hoá – nghệ thuật. Qua đó đã thu hút rất nhiều người Việt tham gia, người Việt cũng đã xuống đường diễu hành hay tham gia vào các lễ hội của người Hoa.
Hiện nay, hàng ngày các hội quán đón nhận khá đông người đến tham quan, cúng lễ, cho nên các di vật được thờ cúng hay các lời hướng dẫn tại các hội quán đều được ghi chú bằng hai thứ chữ Việt – Hoa. Trong năm, các hội quán tổ chức cúng, lễ lớn vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh minh, Tết Đoan Ngọ, Tam triều (đưa Ông bà), Tết Trung thu, Rằm tháng 10, Đông chí, Tất niên, các “ngày vía” tức là ngày sinh của các vị thần được thờ. Vào những dịp cúng lễ, các hội quán thu hút đông đảo bà con người Hoa, Hoa kiều, người Việt và du khách trong và ngoài nước… qui tụ về đây để gặp mặt, làm lễ tưởng niệm và cúng bái, cầu nguyện. Qua đó thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống tâm linh vào cuộc sống hàng ngày, đồng thời là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt– Hoa.
Tại miền Trung, bên cạnh những ảnh hưởng của văn hóa Việt đến cộng đồng người Hoa, những dấu ấn văn hóa Trung Hoa cũng ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của người Việt. Một số vị thần thánh của người Hoa được thờ trong các hội quán đã được cư dân miền Trung thờ cúng trong các gia đình, tiêu biểu là tục thờ Thiên Hậu, Quan Thánh. Các người thợ miền Trung tiếp thu kiểu trụ đội trái bí mang phong cách Hoa Bắc (Trung Quốc) để cấu thành bộ vì trính chồng – trụ đội các nhà cổ. Trang trí mắt cửa có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ.
Môn thần của người Hoa ([11], tr. 543) cũng được người Việt sử dụng trong các công trình kiến trúc. Người Hoa ở miền Trung, đặc biệt là các thương nhân có hoạt động kinh tế vững mạnh, có mối liên hệ mật thiết nhau qua sự thành lập hội quán chung như trường hợp “Ngũ Bang hội quán” chung cho 5 bang ở Bình Định, Hội An… Đồng thời người Hoa ở miền Trung cũng có mối quan hệ với cộng đồng người Việt, người Minh Hương, người Hoa ở những nơi khác và có mối quan hệ với quê hương Trung Hoa của mình thông qua các di sản còn tồn tại. Ngoài những di tích tôn giáo tín ngưỡng thuần Hoa, sự giao lưu, hội nhập văn hóa Việt – Hoa, Hoa – Việt ở khu vực ven biển miền Trung còn thể hiện qua các di tích mang tính chất chung, do cả người Hoa và người Việt cùng nhau tạo lập. Điển hình có trường hợp chùa Ông (số 411 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn) và chùa Bà (số 152 Trần Hưng Đạo TP. Quy Nhơn) được xây dựng bởi người Hoa và người Việt để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Còn ở Phú Yên, năm 1943, bà con người Hoa Phú Yên và các địa phương như: Quy Nhơn, Bồng Sơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Ninh Hoà, Vạn Giã, Sài Gòn – Chợ Lớn quyên góp tiền để xây lại chùa Hải Nam và Trường tiểu học Minh Nam của người Hoa (nay là trường tiểu học Lê Quý Đôn, 04, đường Chu Mạnh Trinh, Tp. Tuy Hòa, Phú Yên)3([1], tr. 14).
3. Giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển của người Hoa ven biển miền Trung trong giai đoạn hiện nay
Theo số liệu công bố chính thức từ cuộc điều tra dân số cuối năm 2009, người Hoa của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là 19.057 người, chiếm 2,315% tổng số người Hoa của cả nước. Tại các tỉnh, số lượng người Hoa cụ thể như sau: Quảng Nam: 943 người, chiếm 0,115% tổng số người Hoa của cả nước, Quảng Ngãi: 173 người, chiếm 0,021% tổng số người Hoa của cả nước, Bình Định: 651 người, chiếm 0,079% tổng số người Hoa của cả nước, Phú Yên: 482 người, chiếm 0,059% tổng số người Hoa của cả nước ([12], tr. 188 – 192). Tại vùng đất mới miền Trung, các thế hệ người Hoa đã ra sức lao động và góp phần tạo lập nên các di sản kinh tế, văn hóa, xã hội.
Là kết quả của mối quan hệ, giao lưu văn hóa Việt – Hoa, Hoa – Việt trong nhiều thế kỷ, một số người Hoa ở miền Trung đã có hôn nhân hỗn hợp với người Việt. Mặc dù đồng bào Hoa rất yêu mến chữ Hoa và tiếng nói địa phương của mình, tuy nhiên do số lượng cư dân ít và hoạt động cộng cư rải rác nên ngày nay, phần lớn người Hoa miền Trung ít sử dụng thường xuyên ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tiếng Quảng Đông và các ngôn ngữ khác như tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu… không được thông dụng trong đồng bào Hoa ở miền Trung, thậm chí các thế hệ con cháu người Hoa sau này có nhiều người không biết đến chữ Hoa và các ngôn ngữ mẹ đẻ. Rất nhiều người Hoa và hậu duệ của họ đã sử dụng phổ biến ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt, nhiều trường hợp sử dụng song song hai ngôn ngữ Việt và Hoa. Đa số các hội quán, trong tổ chức hội quán, thành phần hội viên đã có sự tham gia của người Việt gốc Hoa, thậm chí có cả người Việt bên cạnh thành phần chủ đạo là người Hoa…
Văn hóa cộng đồng người Hoa ở các tỉnh miền Trung chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Trung Hoa trên vùng đất Trung Bộ trong quan hệ giao lưu văn hóa Việt và các dân tộc anh em. Ngày nay, phong tục, tập quán trong các gia đình, dòng họ người Hoa không còn thuần yếu tố Hoa, các lễ tết, lễ hội cổ truyền của người Hoa hay vốn có nguồn gốc Trung Hoa đã được người Việt và các dân tộc khác hưởng ứng và trở thành tài sản chung của cộng đồng cư dân, thu hút rất đông người Việt và các du khách nước ngoài tham gia. Tại các cơ sơ tín ngưỡng, tôn giáo Hoa, không chỉ người Hoa mà người Việt cũng đến tham quan, cúng lễ, cầu tài, cầu lộc, cầu con, cầu phước cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm ăn may mắn… Tại đây đã diễn ra rất nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, lễ hội… thu hút rất đông người Hoa, Việt ở trong các tỉnh và khu vực lân cận về tham dự. Các lễ hội của cộng đồng người Hoa đã trở thành lễ hội chung của các tỉnh và cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Thông qua đó thể hiện sự hòa hợp giữa niềm tin tâm linh vào cuộc sống hàng ngày, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng không chỉ có ý nghĩa đối với người Hoa mà còn cả với người Việt. Đồng thời, các hoạt động lễ hội còn góp phần tạo nên những nguồn quỹ tương trợ xã hội, tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng và trở thành nét văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Đây chính là điểm tựa tinh thần cho cộng đồng người Hoa miền Trung chung vai góp sức vào sự phát triển phồn thịnh của vùng đất.
Hiện nay, các kiến trúc cổ cùng hoạt động tín ngưỡng, lễ hội của người Hoa miền Trung vẫn được bảo tồn, duy trì khá tốt. Đây chính là những nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, mang đến cho các tỉnh miền Trung cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch bền vững. Sản phẩm du lịch mới độc đáo: du lịch văn hóa, du lịch di sản, du lịch lễ hội... qua các di sản của người Hoa đã và đang thu hút du khách, đem lại doanh thu cao cho ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế của khu vực, đặc biệt là góp phần tạo cơ hội hội nhập quốc tế cho các tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung, Việt Nam nói chung.
Vùng đất miền Trung vốn đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, do vậy lịch sử cộng đồng người Hoa sinh sống tại đây cũng có nhiều biến thiên. Lịch sử ghi nhận người Hoa đến miền Trung nhiều nhất là trong các thế kỷ XVIII, XIX. Vốn mang đặc trưng của nền văn hoá phương Đông, khi đến các nước Đông Nam Á, cộng đồng người Hoa đã sớm hoà nhập vào khối cộng đồng dân cư bản địa, cùng đồng cam cộng khổ phấn đấu làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng và cho đất nước, đồng thời chủ động giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rất nhiều người Hoa đã sát cánh cùng quân dân Việt Nam đứng lên bảo vệ chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), hoạt động kinh tế – văn hoá của cộng đồng người Hoa ngày càng sôi nổi, nhộn nhịp, phát triển theo chiều hướng đi lên.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người Hoa, đặc biệt là giới công thương đã khá nhạy cảm với đường lối chính sách kinh tế, vươn lên làm giàu. Những năm qua, họ đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, khu vực. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, người Hoa có những đóng góp nhất định đối với kinh tế văn hóa, xã hội của nước ta nói chung, trong đó có các tỉnh miền Trung nói riêng. Hiện nay, hoạt động kinh tế, văn hoá của người Hoa rất sôi nổi, nhộn nhịp. Họ vẫn tiếp tục phát triển nhiều ngành nghề khác nhau như trên lĩnh vực kinh tế, thủ công nghiệp, trồng trọt, thương mại, dịch vụ, ngân hàng…, phạm vi hoạt động mở rộng ra nhiều tỉnh thành và mang cả tính quốc tế. Hoạt động kinh tế của người Hoa miền Trung nói chung khá phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, phục vụ đời sống của cộng đồng, tăng cường mối quan hệ đoàn kết Việt – Hoa, góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của các tỉnh miền Trung.
Người Hoa ở ven biển miền Trung Việt Nam phần lớn có nguồn gốc đến từ các tỉnh miền biển phía Nam và Đông Nam Trung Quốc, đông nhất là từ các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam. Trong quá trình định cư, chung sống tại miền Trung, người Hoa có mối quan hệ chặt chẽ với các dân tộc ở nước ta, nhất là các dân tộc ở vùng Nam Trung Bộ… Vốn có truyền thống hoạt động kinh tế thương mại, gắn kết sản xuất với kinh doanh, nên các nhà sản xuất người Hoa luôn chú ý tìm kiếm và mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài, tận dụng mọi điều kiện quan hệ thị trường quốc tế. Ngày nay, người Hoa miền Trung còn có mối quan hệ chặt chẽ với người Hoa ở nước ngoài, đặc biệt các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thậm chí, thông qua các hoạt động kinh tế và sự di cư đến các nước theo quan hệ huyết thống, ngày nay người Hoa miền Trung còn có các mối quan hệ thân thiện với bà con người Hoa khắp năm châu như: Mỹ, Úc, Canađa và các nước Tây Âu. Điển hình như trường hợp nhiều người Hoa ở Hội An hiện đang sinh sống và định cư tại Mỹ, Canađa hoặc có thân nhân ở các nước này. Trong các dịp Lễ, Tết, nhiều kiều bào người Hoa đã đóng góp cho các hoạt đọng của hội quán hay trở về nước và họp mặt tại hội quán chúng của các bang – hội quán Trung Hoa.
Như vậy, vốn là một bộ phận hết sức quan trọng trong 54 dân tộc anh em ở nước ta, qua các giai đoạn lịch sử định cư và phát triển tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, người Hoa đã góp phần chung tay xây dựng đất nước, hợp tác hội nhập và phát triển.
4. Kết luận
Trong suốt quá trình di cư, làm ăn buôn bán, định cư tại các tỉnh ven biển miền Trung, người Hoa đã trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng, lúc trầm nhưng họ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá, xây dựng các tỉnh, thành phố nói riêng và diễn trình lịch sử văn hóa vùng đất nói chung. Quá trình hội nhập, giao lưu văn hoá của cộng đồng người Hoa vốn một xu thế tất yếu, đã diễn ra rất tự nhiên và hoà bình nên các yếu tố đặc sắc vốn có của văn hóa Trung Hoa vẫn được lưu giữ và mang nét độc đáo riêng. Qua đó đã chứng minh cụ thể quá trình người Hoa tụ cư ở ven biển miền Trung và vai trò quan trọng của họ đối với sự ra đời và thịnh đạt của các đô thị thương cảng trong lịch sử Việt Nam thời trung – cận đại. Đặc biệt hơn, các bằng chứng về sự giao lưu văn hóa Việt – Hoa còn thể hiện quá trình giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hoá diễn ra sôi động ở miền Trung xưa và nay, tạo nên sự đa dạng cho văn hóa miền Trung và văn hóa Việt Nam. Giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển đã giúp các di dân Trung Hoa giữ gìn bản sắc dân tộc, kiến tạo những thành tựu văn hóa tốt đẹp trên vùng đất mới. đồng thời còn cho thấy những người Hoa tha hương đã dần hội nhập vào đại gia đình các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
__________
1 “Người Thượng” là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, như Ba Na, Jarai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông…
2 Thiên Hậu “天 后” là nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc. Bà vốn là vị nữ thần phù hộ cho những người đi biển, đồng thời cũng là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Hoa.
3 Trên bức tường ở trường Minh Nam còn lưu lại một bia đá khắc tên 419 hộ ở Phú Yên và các địa phương bạn quyên góp 64.983 đồng để xây dựng lại chùa và trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban công tác người Hoa thị xã Tuy Hòa – Phân hội nghiên cứu văn hóa dân tộc Hoa tỉnh Phú Yên, 2003, Người Hoa Phú Yên, UBMTTQVN tỉnh Phú Yên.
[2] Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiểu, 2002, Lịch sử thành phố Quy Nhơn, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
[3] Ngô Đức Thịnh, 2012, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Trẻ.
[4] Ngô Hữu Thảo, 2006, Tín ngưỡng thánh nhân và tín ngưỡng thần linh trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam (Qua nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh), Đề tài cấp bộ, Viện nghiên cứu tôn giáo.
[5] Nguyễn Đình Tư, 2004, Non nước Phú Yên, Nxb. Thanh Niên.
[6] Nguyễn Văn Đăng, 2011, “Vài nhận xét về tổ chức cộng đồng người hoa ở Nam Trung Bộ (các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên)”, Tạp chí Khoa học trường Đại học
Huế, Số 66.
[7] Nguyễn Văn Đăng, Trần Thị Thu Hương, 2011, “Bước đầu tìm hiểu về phố cảng Thu Xà ở Quảng Ngãi (từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX)”, Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, số 10, tr. 32.
[8] Phan Khoang, 1969, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
[9] Trần Lâm Biền, 1998, “Giao lưu mỹ thuật Hoa – Việt”, Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt – Hoa trong lịch sử. Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr.152.
[10] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008, Lễ lệ lễ hội Hội An, Hội An.
[11] Võ Văn Hoàng, 2006, “Tìm hiểu chi tiết “mắt cửa” trong trang trí kiến trúc ở khu phố cổ Hội An”, Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[12] Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, (2010), trang 188 – 192.
Nguồn: Tạp chí phát triển Khoa học & Công nghệ:
Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 2, số 4, 2018
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Cộng đồng người Hoa ven biển miền Trung trong giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển (Tác giả: Đào Vĩnh Hợp, Võ Thị Ánh Tuyết) |