Đặc sắc ĐỜI SỐNG Kinh tế-Xã hội, Văn hóa ở THĂNG LONG cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHI
(Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Kinh đô Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nhiều triều đại quân chủ Việt Nam, cũng là nơi thu hút, hội tụ nhiều nhân tài như các trí thức nho học, nghệ nhân, thợ giỏi, thương gia, danh sĩ từ các địa phương trong cả nước. Quá trình hội tụ đó cũng đồng thời là sự hội tụ nhiều phong cách sống, nhiều nét văn hóa ứng xử khác nhau từ các vùng miền. Qua thời gian, văn hóa đô thị với sức sống bền lâu đã trở thành chuẩn mực vươn tới, tạo nên một bản sắc văn hóa Thăng Long độc đáo, kết tinh tinh hoa văn hóa của nhiều vùng văn hóa. Cuối thế kỷ XVI, thế kỷ XVII, Thăng Long chứng kiến nhiều sự đổi thay, đặc biệt nhất ở thời kỳ Lê Trung hưng là giai đoạn duy nhất Việt Nam vừa có vua lại vừa có chúa. Đặc điểm chính trị độc đáo này là một trong những yếu tố khiến cho đời sống văn hóa, xã hội của Thăng Long có được những nét riêng biệt trong lịch sử phát triển.

Từ khóa: Thăng Long, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, các thế kỷ XVI và XVII.

Phân loại ngành: Sử học

ABSTRACT

     Thăng Longcapital, the political, economic, and cultural hub of numerous Vietnamese monarchy dynasties, is the place where a variety of talents, including Confucian intellectuals, artisans, skilled workers, merchants, etc., from around the nation, congregate. The gathering of numerous diverse regional cultures and ways of life is also a part of this convergenceprocess. Urban culture with enduring vitality has evolved over time into the qualification to aim for, forming a distinct Thăng Long cultural identity and combining the cultural quintessence of several cultural regions. Thăng Long experienced a great deal of upheaval between the sixteenth and seventeenth centuries, particularly during the Lê Trung Hưng era, which was the only time Vietnam had both a king and a lord. One of the elements that contributes to Thăng Long’s cultural and social life having its own unique characteristics throughout its growth history is this peculiar political trait.

Keywords: Thăng Long, economic, socialand cultural life, XVI-XVII centuries.

Subject classification: History.

x
x x

1. Mở đầu

Cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII là khoảng thời gian cuối triều Mạc, đầu triều Lê Trung hưng. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử dân tộc, ở triều Mạc (1527-1592), ngay khi thiết lập vương triều, Mạc Đăng Dung đã cho xây dựng Dương Kinh tại quê nhà1 (nay thuộc huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) và nhiều thành quách ở miền núi, nhưng nhà Mạc vẫn coi Đông Kinh (Hà Nội) là quốc đô. Đông Kinh vào thế kỷ XVI và các thế kỷ sau, khi tiếp xúc với lái buôn phương Tây, được gọi là “Ton-quin”, “Tonkin” rồi Thăng Long. Mặc dù vào đầu thế kỷ XVI, khi triều Lê sơ suy yếu, Đông Kinh từng chứng kiến những cuộc xung đột của các phe phái và là nơi tấn công của các cuộc nổi dậy của nông dân như Trần Cảo (Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép là Trần Cao) đã ba lần tiến đánh Đông Kinh, trong đó có một lần chiếm được kinh thành, nhưng những dòng người đổ về đây làm ăn buôn bán vẫn ngày càng đông. Do chính sách mở mang giao thương của nhà Mạc và Lê -Trịnh, người dân các nơi tụ hội về Thăng Long buôn bán tấp nập. Phố phường, bến chợ ngày càng đông vui, nhộn nhịp. 36 phường2 hội tụ ở Thăng Long với đủ các nghề thủ công. Thăng Long thời kỳ này được nhà Mạc, nhà Lê-Trịnh tu sửa, xây dựng, mở rộng. Nhất là dưới thời Lê -Trịnh, nhà Trịnh đã có xây dựng thêm phủ chúa, đẹp lộng lẫy, hình thành một Thăng Long quy mô rộng lớn nhất so với trước.

2. Chính sự giai đoạn cuối thế kỷ XVI -thế kỷ XVII

     Do nhà Mạc thường phải chạy khỏi kinh thành do chiến tranh, nên kinh thành Thăng Long ít được tu bổ xây dựng. Mặt khác, thiên tai cũng huỷ hoại kinh thành khá nhiều. Năm 1581, mưa bão lớn đã khiến cho từ “cung điện đến giao đàn, Thái miếu, Văn Miếu và Đàn xã tắc, cả đến nhà cửa cùng dinh thự, thảy đều đổ nát gần hết…” (Viện Sử học, 2007, t.3: 507). Cuối thế kỷ XVI, vào năm 1585, Mạc Mậu Hợp, khi ấy muốn vào ởtrong kinh thành, ra lệnh cho tu sửa quy mô lớn kinh thành, trong vòng một năm mới xong. Năm 1587, Mạc Mậu Hợp lại cho tu sửa thành bên ngoài của Thăng Long và các đường phố. Năm 1588, thực hiện kế hoạch phòng thủkinh thành, ba bức luỹ đất được đắp ở bên ngoài thành Đại La. Sử chép: “Họ Mạc thấy quan quân một ngày một mạnh, bèn bàn định kế đánh giữ. Hạ lệnh cho binh dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lần lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ-Hà Nội), vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa (nay là ô Chợ Dừa thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa -Hà Nội) đến Cầu Dền (nay là Ô Cầu Dền, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thấu đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị, cao hơn thành Thăng Long vài trượng, rộng 25 trượng, đào ba lần hào, đều trồng tre, dài mấy mươi dặm để bọc phía ngoài thành” (Đại Việt sửkí toàn thư, 1973,t.4: 178-179).

     Nhưng chẳng bao lâu sau, Kinh thành lại bị phá huỷ, ấy là vì, vào cuối đời Mạc Mậu Hợp, do sự suy yếu của nhà Mạc, Trịnh Tùng, sau một thời gian củng cố lực lượng, lại bắt đầu tấn công ra Bắc, đánh chiếm Thăng Long, lật đổ vương triều Mạc. Từ năm 1583 trở đi, năm nào Trịnh Tùng cũng tấn công ra Bắc rồi lại rút lui. Nhưng cuộc tiến quân quy mô hơn cả của quân đội Lê -Trịnh là vào tháng Chạp năm Tân Mão (đầu năm 1592). Quân của Trịnh Tùng sau khi đánh bại quân Mạc ở Sơn Tây, thừa thắng, đã tiến quân uy hiếp kinh thành, “đốt lửa to làm hiệu, bắn liền 7 phát súng, đốt cháy nhà cửa, khói bốc mù trời, trong thành hỗn loạn” (Lê Quý Đôn, 1978: 353). Cuộc chiến không chỉ biến kinh thành Thăng Long lộng lẫy trong chốc lát bị phá hủy tàn khốc, mà nhân dân kinh thành “già trẻ gái trai, tranh nhau xuống thuyền để qua sông, bịchết đuối đến hơn nghìn người” (Lê Quý Đôn, 1978: 353). “Thây chết nằm chồng chất lên nhau”. Quân Mạc thua. Sau khi chiếm được kinh thành, Trịnh Tùng sai quân san phẳng các thành lũy, thu lấy của cải rồi hạ lệnh rút quân. Lực lượng nhà Mạc sau nhiều lần đại bại hầu như kiệt quệ, không thể phục hồi lại được. Chính sự nhà Mạc dần đổ nát, lòng dân hoang mang. Địa vị thống trị của nhà Mạc tại kinh đô Thăng Long đến đây là kết thúc. Nhà Lê -Trịnh chiếm được kinh thành trong cảnh hoang tàn đổ nát. Trịnh Tùng giao cho Bùi Khắc Nhất, Hữu Thị lang Bộ Công gấp rút sửa sang cung điện để đón vua Lê. Sau hơn một tháng cung điện được sửa xong, ngày 16 tháng 4 năm Quý Tỵ (1593), vua Lê ngự ở Chính điện, “trăm quan chầu mừng”.

     Từ năm 1599, chúa Trịnh Tùng bắt đầu cho xây dựng Phủ Chúa. Phủ Chúa Trịnh có nhiều khả năng ở vào quãng phía nam hồ Hoàn Kiếm ngày nay, tức là ở giữa hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng lúc đó. Có thể ở quãng giữa phố Tràng Thi, cạnh Nhà Thờ Lớn bây giờ. Nhưng về sau, chúa Trịnh đã cho xây dựng tiếp thêm nhiều cung điện lớn, bao gồm tới 52 tòa, phát triển dần sang phía đông và đông nam, cho tới tận sát bờ sông Hồng, cùng với các cung điện là các ao cảnh, nguyệt đài, thủy tạ, chuồng voi, chuồng ngựa, kỳ đài, bãi hội quân và duyệt quân (Diễn vũ trường). Chúa Trịnh còn cho sửa sang các điện đường của nhà Quốc Tử Giám (1662), sửa sang lại và khánh thành Võ học sở ở gần sông Hồng (khoảng năm 1723) (Lê Quý Đôn, 1962: 105). Chúa Trịnh còn sai trưng mua các loại gỗ quý trong nhân dân để dùng vào việc xây cất các doanh trại, cho xây dựng lầu Ngũ Long cao 300 thước (khoảng 120 mét) ở ven hồ Hoàn Kiếm… Ngoài ra, ở Thăng Long lúc này còn thường xuyên có một đạo quân đồn trú gồm khoảng 5 vạn người, với một chuồng voi lớn chừng 150 đến 200 con, các kho chứa thuốc súng, vũ khí và các cỗ đại bác bên cạnh bãi duyệt quân.

     Thời Lê Trung hưng là thời kỳ duy nhất vừa có vua lại vừa có chúa. Chúa Trịnh nắm thực quyền, vua Lê tồn tại trên danh nghĩa. Nhưng ngay trong nội bộ họ Trịnh không phải là êm ấm, mà luôn luôn có mâu thuẫn, xung đột. Thăng Long lại chứng kiến những cuộc xung đột trong nội bộ họ Trịnh.

     Năm 1623, Trịnh Xuân, con thứ Trịnh Tùng, nổi loạn, phóng lửa đốt kinh thành Thăng Long. Trịnh Tùng phải rời khỏi kinh thành, đến ở làng Hoàng Mai, rồi đánh lừa giết chết Trịnh Xuân.

     Năm 1644, Trịnh Lịch, Trịnh Sâm, con thứ Trịnh Tráng nổi loạn, bị Trịnh Tráng bắt và giết chết ở kinh thành Thăng Long.

     Năm 1657, Trịnh Tạc giết em ruột là Trịnh Truyền, vì sợ ảnh hưởng của Truyền bất lợi cho thế lực của mình…

     Chính quyền trung ương trong thời này về hình thức vừa có triều đình vừa có phủ chúa, nhưng thực chất quyền hành tập trung về phủ chúa. Kiến trúc cung đình ở Thăng Long lúc này tồn tại cả cung vua lẫn phủ chúa. Phủ chúa là nơi giải quyết mọi việc lớn nhỏ trong nước, triều đình vua Lê chỉ có danh mà không có thực. Các chúa Trịnh ngày càng lấn át, ức chế vua Lê. Đứng đầu phủ chúa cũng là đứng đầu chính quyền trung ương có chức Tham tụng và Bồi tụng, do Trịnh Tùng đặt ra từnăm 1600. Nhiệm vụcủa chức Tham tụng, Bồi tụng là trực tiếp giúp chúa bàn định mọi việc quốc chính ởvương phủ. Phan Huy Chú đã viết: “Từthời Trung hưng vềsau, chính quyền thuộc vềphủchúa, mới có những chức tham tụng, bồitụng ởtrong Phủliêu, quyền binh của các quan ởđài ởcác, sựthểkhông được thống nhất. Từđời Vĩnh Thịnh (1705-1720) vềsau đặt quan lại ởsáu phiên, thì chính sựởcác bộbịlấn cướp mất hết, đến cảcác bậc ởkhoa, ởtựcũng chỉlà những chức hàm hư không và nhàn tản. Tuy phẩm trật thì còn theo cũ nhưng danh hiệu quy chếrối lẫn, thểthống lộn xộn, không phải như giường mối của triều đình ởbuổi quốc sơ nữa” (Phan Huy Chú, 2007: 626).

     Như vậy, kinh thành Thăng Long từng được tu bổ, sửa chữa dưới thời Mạc, vào cuối thế kỷ XVI, nhưng chiến tranh Trịnh -Mạc đã khiến cho thành quả của nhà Mạc bị quan quân nhà Trịnh san bằng. Nhà Trịnh chiếm được Thăng Long mới tiếp tục sửa chữa, xây dựng thêm nhiều cung điện lộng lẫy ở ngoài Hoàng thành của vua Lê. Kiến trúc cung đình thời vua Lê -chúa Trịnh ởkinh thành Thăng Long chuyển dịch về phía đông và đông nam. Đặc biệt, do nội chiến giữa các thế lực chính trịlúc bấy giờ, mà tại kinh thành, còn hình thành nên khu doanh trại, kho vũ khí… Đây được coi là thời kỳ kinh thành Thăng Long phát triển, mở rộng nhất so với các thời kỳ trước đó.

     Vấn đề đặt ra là, ngoài những hậu quả do nội chiến giữa các thế lực chính trị lúc bấy giờ, cũng cần khẳng định vai trò quan trọng của nhà Trịnh đối với kinh đô Thăng Long trong các thế kỷ XVI và XVII.

3. Đời sống kinh tế, xã hội

     Đời sống kinh tế, xã hội của cư dân Thăng Long, cho dù không mong muốn, vẫn bị tác động bởi bối cảnh chính trị lúc bấy giờ.

     Sau khi nhà Mạc thất bại, dưới triều Lê Trung hưng (1533-1789), dòng người đổ về Thăng Long ngày càng đông. Thăng Long có sự phát triển khá mạnh, đặc biệt là về kinh tế. Kinh đô Thăng Long đã thu hút nhiều thợ thủ công và thương nhân từ các trấn lân cận tới. Bia đình Hoa Lộc ở phố Hàng Đào ghi lại việc xây dựng ngôi đình do 4 họ ở làng Đan Loan (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) lên kinh đô lập nghiệp, làm nghềnhuộm và buôn bán. Một bia khác cũng ởđình này ghi danh sách những vị đỗ đạt tiêu biểu trong thôn, trong đó có Bùi Thế Vinh đỗ Tiến sĩ năm 1580, Vũ Thạnh đỗThám hoa năm 1685… Đình Hải Tượng tại ngõ Hải Tượng (ngõ Thợ Giầy) thờ tổ sư nghề thuộc da và đóng giầy của các làng Chắm tức Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (thuộc tỉnh Hưng Yên). Đình Xuân Phiến ở phố Hàng Quạt thờ tổ sư nghề làm quạt của dân làng Đào Xá Huệ (thuộc tỉnh Hải Hưng cũ). Đình Tú đình Thị hay đình Chợ Thêu ở ngõ Tạm Thương, của dân Quất Động (thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Đình Thợ Tiện ở phố Hàng Hành thờ tổ sư nghề tiện của dân làng Nhị Khê (thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ) (Tuyển tập Văn bia Hà Nội, 1978: 18-19). Nội dung những tấm bia này là minh chứng sinh động cho sức hút mạnh mẽ của đất kinh thành đối với các trấn trong nước.

     Sự phồn thịnh của các làng thủ công chuyên nghiệp đã góp phần vào sự phát triển kinh tế hàng hóa. Nhiều làng ở xung quanh kinh thành Thăng Long là những làng chuyên thủ công như các làng La Khê, La Cả, La Nội (Sơn Nam) dệt the lụa, Vạn Phúc (Sơn Nam) dệt gấm, Phùng Xá (Sơn Tây) dệt lượt, các làng Trung Nha (tên Nôm là làng Nghè), Tiên Thượng (tên Nôm là làng Tân), Vạn Long (tên Nôm là làng Dâu)3 là ba làng gốc của Nghĩa Đô đều dệt lụa, dệt lĩnh. Riêng làng Trung Nha còn có thêm nghềlàm giấy sắc4. Các làng Hương Canh, ThổHà, Phù Lãng (Kinh Bắc) và Đinh Xá (Sơn Nam) làm đồ gốm, các làng Đại Bái, Đề Cầu, Đông Mai (Kinh Bắc) đúc và làm đồ đồng, Đào Xá (Hải Dương) làm quạt, thợ vàng bạc ở Đồng Sâm, Đình Công (Sơn Nam), thợ tiện ở Nhị Khê (Sơn Nam), thợ sơn ở Hà Vĩ, Bình Vọng (Sơn Nam), thợ da ở làng Trúc Lâm, Phong Lâm, Văn Lâm (Hải Dương), thợ thêu ở Quất Động (Sơn Nam)… (Nguyễn Thừa Hỷ, 1993: 11-12). Ông tổ của các làng nghề này đã được nhân dân lập đình thờ như đã dẫn ở trên. Ở ngay ven kinh thành Thăng Long, các trung tâm thủ công nghiệp cũng tăng cường hoạt động, như các làng gốm Bát Tràng, dệt lĩnh ở Trích Sài và Bái Ân, làm giấy ở Yên Thái, Hồ Khẩu và Nghĩa Đô. Tư liệu lịch sử cho biết, người dân Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay) không chỉ buôn bán nội vùng mà còn thâu gom các mặt hàng ở miền ngược về miền xuôi về Thăng Long. “Thương nhân Trang Liệt lên tận Tụ Long5 trấn Tuyên Quang mua đồng về bán ở Kinh Bắc và Kẻ Chợ” (Lịch sử Hà Bắc, 1986, t.1: 10); “Người Kinh Bắc mang tơ, lụa, chè và các hàng hóa sang bán tại các chợ ở kinh thành bằng các đường thủy, bộ. Các thợ thủ công ở Kinh Bắc làm các nghề mộc, nghề đồ đồng, đồ sắt, đồ thờ cúng kéo ra kinh thành lập nên những phố phường ngày càng đông…” (Phạm Thị Thùy Vinh, 2003: 49). “Bách nghệ kinh đô” phần lớn có gốc gác từ tứ trấn Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương và Sơn Nam. Nhân tài từ bốn phương trong nước hội tụ về Thăng Long -Kẻ Chợ, làm nên cảnh phồn vinh của kinh đô.

     Sản xuất phát triển, hàng hoá phong phú dẫn đến sự phát triển của trao đổi hàng hóa, thể hiện trong việc mở rộng mạng lưới chợ-phố. Lúc này, thương nghiệp là ngành kinh tế phát triển nhất ở Thăng Long. Hệ thống sông ngòi trở thành huyết mạch giao thông hết sức thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán giữa Thăng Long với các địa phương trong nước. Những thuyền buôn từ Thanh Hóa -Nghệ An và các trấn ở phía nam ra, các thuyền buôn từ mạn ngược về khiến cho kinh thành không ngày nào vắng bóng các thuyền buôn. Việc buôn bán trên sông Hồng trở nên nhộn nhịp. Giáo sĩ Marini, từng ở kinh thành Thăng Long khoảng đầu thếkỷXVII, đã viết: “Sông bọc lấy thành thị (Thăng Long), trong một khuỷu rộng, nên việc buôn bán được dễ dàng, thuyền bè luôn luôn đi lại trên sông: sông còn chia ra nhiều ngành, nhiều sông đào, rất có ích cho việc chuyên chở các hàng hóa và làm cho việc buôn bán giữa các tỉnh ngoài với kinh thành được thuận tiện” (Trần Huy Liệu, 1960: 72).

     Sông Tô Lịch lúc ấy cũng là nơi thuyền bè buôn bán ra vào tấp nập. Phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) ở ngay trên sông Tô, đổ ra sông Hồng trở nên rất sầm uất, nhiều hiệu buôn của người ngoại quốc đều tập trung ở đây. HồTây khi ấy vừa ăn thông với sông Hồng vừa ăn thông với sông Tô, nên những phường ở trên bờ hồ như phường Nhật Chiêu, phường Tây Hồ đều có thuyền bè ra vào. Sự buôn bán ở Thăng Long càng thịnh vượng, thì dân số càng tăng, phố phường đông đúc. Trong thế kỷXVII, ở kinh thành Thăng Long, ngoài Nhật thương và Hoa thương thì bắt đầu có người phương Tây tới buôn bán: đông nhất là người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, người Anh, rồi dần dần người Tây Ban Nha, người Pháp. Các nhà buôn Trung Quốc, Nhật Bản cũng có nhiều người buôn bán lớn ở Thăng Long. Sự xuất hiện và tồn tại trong vài chục năm của các thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan (1645-1699), Công ty Đông Ấn Anh (1683-1697) ở Thăng Long (địa điểm cửa hàng ở phía bờ sông Hồng, gần cầu Long Biên ngày nay) như những đại lý thu mua nguyên liệu và hàng hóa, đã đóng vai trò kích thích, thúc đẩy các luồng hàng hóa từ các địa phương thuộc Tứ trấn (Kinh Bắc -Sơn Tây -Hải Dương -Sơn Nam) chuyển về kinh thành. Thời kỳ này, thương nhân ngoại quốc thường mua bán các sản phẩm như: tơ sống, lụa tấm, gốm sứ, vàng, xạ hương. Năm 1654, người Hà Lan thu mua tơ sống ở Thăng Long với giá 5,15guiders/catty6 để đưa sang Nhật Bản. William Dampier, người Anh đến Đàng Ngoài năm 1688, đã mô tả những thợ thủ công dệt lụa như sau: “Họ khéo tay, nhanh nhẹn, tháo vát và tinh nhanh trong tất cả mọi nghề thủ công họ làm. Đây là điều người ta có thể thấy trong vô số những thứ lụa mỏng dệt tại đây cũng như tất cả những đồ vật lạ mắt người ta làm ra hàng năm…” (William Dampier, 2006: 60). Người Anh và Hà Lan muốn mua được hàng hóa phải đặt trước tiền cho họ, ít nhất là một phần ba hoặc một nửa giá trị hàng hóa họ đặt. Tiền đặt từ hai đến ba tháng trước ngày sản phẩm được giao cho thương nhân. Vì thế các tàu đến giao dịch thường trú lại từ năm đến sáu tháng. Ngoài ra, còn phải kể đến các mặt hàng khác như bạc và tiền đồng zeni của Nhật Bản. Năm 1637, thương đoàn Hà Lan đến Kẻ Chợ (tức Thăng Long), quan hệ thương mại và bang giao được thiết lập và kéo dài đến 1700. Mua bán tơ lụa đổi lấy bạc là trọng tâm. Trong những năm 1637-1654, mua bán tơ lụa Hà Lan -Đàng Ngoài đã đem lại lợi nhuận cao. Bạc của Nhật Bản được Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đưa sang Kẻ Chợ trung bình 100.000 lạng/năm. Trong giai đoạn hoàng kim (1644 -1652), Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đưa đến Đàng Ngoài gần 130.000 lạng/năm (Hoàng Anh Tuấn, 2009: 21). Bên cạnh đó, tiền đồng zeni của Nhật Bản cũng trở thành mặt hàng buôn bán, thu lợi nhuận cao. Trong giai đoạn 1661-1677, riêng số tiền người Hà Lan đưa vào Đàng Ngoài khoảng 215 triệu đồng tiền đồng zeni (tương đương 360.000 quan tiền, tính theo mức quy đổi 600 đồng/quan), không kể số lượng lớn tiền zeni do Hoa thương mang vào Kẻ Chợ (Hoàng Anh Tuấn, 2009: 18-30). Vai trò của thương nhân và thợ thủ công được đề cao. Trong cuốn: Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Daiel Tavernier trong dịp đến Kẻ Chợ với tư cách là sĩ quan phụ trách kế toán, hành chính trên tàu buôn của Công ty Đông Ấn của Hà Lan trong khoảng thời gian 1639-1645, đã mô tả “nghi lễ khi vua xứ Đàng Ngoài lên ngôi”, trong đó đáng chú ý là, trong thành phần dân chúng vào chầu chúc mừng vua thì có hai đại biểu, một đại biểu cho thương nhân, một đại biểu cho thợ thủ công. “Dân chúng được phép vào chầu, hai đại biểu, một là đại biểu cho thương nhân, một là đại biểu cho thợ thủ công, đọc lời chúc tụng vua, nội dung là những trưởng giả và dân chúng thành Kẻ Chợ công nhận vua là vị chúa tể chính thức, và họ có thể xin hết đời trung thành với đức vua. Nghe chúc tụng xong, nhà vua ban cho đoàn thể thương nhân 50 đĩnh vàng và 300 thỏi bạc, và ban cho đoàn thợ thủ công 20 đĩnh vàng và 100 thỏi bạc. Sau đó, đại biểu nhân dân lui ra, các khu phố đua nhau mở tiệc, hát tuồng, chèo, đốt cây bông, nhân dân còn phải bỏ thêm nhiều tiền riêng và số tiền vua ban để vui chơi hàng tuần…” (Jean Baptiste Tavernier, 2005: 83)7.

     Thăng Long là trung tâm buôn bán của các tuyến đường dài trong nước và quốc tế: Thăng Long -thượng du và Thăng Long -Thanh, Nghệ. Gạo, muối từ đồng bằng qua Thăng Long, đã ngược lên mạn thượng du và từ đó lại xuôi về các đặc sản như kim loại (chủ yếu là đồng đỏ), trâu bò, lâm sản, gỗ và tre nứa. Từ Thanh, Nghệ, các thuyền đinh lớn đi ven biển và ngược sông Hồng, sông Đáy đã đưa đến Thăng Long nhiều đặc sản, trong đó có muối, nước mắm, cá khô, quế, cau khô… để từ đây tỏa đi các địa phương vùng đồng bằng; Thăng Long -Vân Nam (thuyền đi đến Mạn Hảo), Trung Quốc; Thăng Long -Phố Hiến, từ đó các tầu thuyền ngoại quốc có thể nhổ neo đi Quảng Châu, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây (Nguyễn Thừa Hỷ, 1993: 14-15).

     Sự phát triển của kinh tế hàng hóa, chủ yếu là ở các trấn xung quanh Thăng Long, một mặt đã đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của nhân dân Thăng Long, mặt khác tạo tiền đề kinh tế để duy trì và thúc đẩy sự phồn vinh của Thăng Long trong quá trình phát triển ở các thế kỷ sau.

4. Khoa cử và văn hóa

     Ngay sau khi trở về Thăng Long, năm 1595, vua Lê đã cho hội các cống sĩ ở bên bờ sông Nhị tổ chức thi Đình, lấy đỗ Tiến sĩ xuất thân và Đồng Tiến sĩ xuất thân. Sang thế kỷ XVII, thi cử ngày càng được chỉnh đốn quy củ.

     Dưới thời Mạc, phương thức tuyển chọn quan lại qua khoa cử Nho giáo được nhà Mạc chú trọng. Văn bia Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529) ghi: “Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều…”8. Văn Miếu -Quốc Tử Giám vẫn được coi là trung tâm giáo dục lớn nhất nước. Ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã cho tổ chức khoa thi đầu tiên vào năm 1529 và đến khoa thi cuối cùng vào năm 1592, thời Mạc Mậu Hợp, được 22 khoa, lấy đỗ 485 Tiến sĩ, trong đó có 13 Trạng nguyên, nhiều người nổi tiếng tài năng như Nguyễn Bỉnh Khiêm9, Hà Nhậm Đại10, Giáp Hải11, Nguyễn Thiến12

     Dưới thời Lê Trung hưng, vẫn duy trì hệ thống trường học từ trung ương đến địa phương, trong đó trung tâm vẫn là Quốc Tử Giám ở Thăng Long. Năm 1595 khi mới trở về Thăng Long, nhà Lê Trung hưng tổ chức kỳ thi Hội cho các cống sĩ ở bờ sông Nhị và sau đó thi Đình, lấy đỗ Tiến sĩ xuất thân (Nguyễn Thực và Nguyễn Viết Tráng) và Đồng Tiến sĩ xuất thân (Nguyễn Đức Mậu)(Khâm định Việt sử thông giám cương mục, 2007, t.2: 207).

     Về tôn giáo, Thiền phái Trúc Lâm được phục hưng ở kinh thành Thăng Long và cả Đàng Ngoài. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, khá đông các tăng từ Trung Hoa đã đến Đại Việt để hành đạo. Lúc này, sau gần một thế kỷ rưỡi loạn lạc, con người bắt đầu quay trở về với đạo Phật. Tinh thần từbi, bác ái của đạo Phật xoa dịu những mất mát trong chiến tranh. Các chúa Trịnh không phải là những người học Phật uyên thâm và có ý chí tu học như các vua thời Trần, nhưng đã hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần. Nhiều thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam đến trụ trì và hoằng pháp tại Thăng Long, và vì thế, nhiều ngôi chùa nổi tiếng được trùng tu hoặc dựng lên ở đây.

     Thiền sư Chuyết Chuyết, người Trung Quốc đến kinh thành Thăng Long năm 1633. Ông và đệ tử ở lại chùa trên núi Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp. Chúa Trịnh cũng cho phép tu tạo, sửa chữa nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác ởThăng Long. Năm 1624, tu tạo thượng điện, tam bảo, tiền đường, nghi môn và hương lô ở chùa An Quốc. Năm 1628, lại trùng tu nâng cấp một lần nữa và đổi tên là chùa Trấn Quốc. Năm 1639, chúa Trịnh sửa lại: làm tam quan, xây hành lang hai bên tả hữu, quy mô rộng rãi đẹp đẽ… Vào thời kỳ này, các vua Lê, chúa Trịnh, nhất là Trịnh Giang (1729-1740), và Trịnh Sâm (1767-1782) hầu như giữ độc quyền về chùa Trấn Quốc để dạo mát và thưởng sen.

     Đạo giáo cũng được phát triển ở Thăng Long và được vua chúa tôn trọng. Bên cạnh những tôn giáo có từ trước, tại kinh thành Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI trở đi đã xuất hiện thêm một tôn giáo nữa, Kitô giáo, do các giáo sĩ phương Tây truyền giáo. Năm 1627, giáo sĩ người Pháp A lếch xăng đờ Rốt tới Thăng Long được yết kiến Trịnh Tráng (1623-1657). Ông tặng cho chúa Trịnh một chiếc đồng hồ quả lắc có bánh xe, một hộp phấn thấm mực, và một quyển sách Toán pháp mạ vàng in gáy bằng chữ Nho. Trong 3 năm, giáo sĩ A lếch xăng đờ Rốt cùng với cha Máckê đã làm lễ rửa tội cho 6.700 người. Sau đó, chúa Trịnh còn cho phép các giáo sĩ phương Tây được xây dựng nhà ở và nhà thờ tại kinh thành Thăng Long. Riêng trong thế kỷ XVII, đã có tới 3 nhà thờ đạo Kitô. Từ thế kỷ XVII trở đi, số giáo sĩ, tín đồ Kitô đã càng ngày càng đông, ở kinh thành Thăng Long cũng như các lộ, các trấn.

     Những ngày tết, ngày hội ở Thăng Long tổ chức tại phủ của các nhà quyền quý rất tưng bừng, long trọng. Tết Trung thu tổ chức trong phủ chúa Trịnh ở Thăng Long được mô tả như sau: “Mỗi năm đến Tết Trung thu, từtrước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự giá ra chơi Bắc cung. Cung có ao gọi là Long Trì, rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất chồng đá làm núi. Chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình có thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng dập dờn. Trông xa tựa hồ hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn áo như đàn bà, bầy hàng ở ria đường bán những hàng tạp hóa cùng các đồ hoa quả chả rượu, thứ gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá bao nhiêu; đua nhau đem những câu hát quê ra đối chọi với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài. Nửa đêm chúa ngự kiệu đến ao xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vi vút và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, ca hát, tiếng vang lanh lảnh, khiến người tưởng như lên cung Quảng Hàn (cung trăng) mà nghe khúc hát Quân Thiều (khúc hát trên trời). Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, đến mãi gà gáy mới về” (Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, 2000: 27).

     Cách chải tóc và ăn mặc của người Thăng Long trong những năm 1639-1645 được mô tả như sau: “Dân thường thì tết tóc lại, búi tóc lên thành một búi to ở trên đỉnh đầu, còn những người quý phái, những quan tòa và binh lính lại quấn những bím tóc tết đó ở quanh cổ cho chúng khỏi đập vào mặt… Trang phục của họ trang trọng và đơn giản. Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống như áo dài của Nhật Bản, đàn ông, đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt. Cái áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân mình bằng một cái thắt lưng lụa hay có đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp. Binh lính thì áo chỉ dài đến đầu gối và quần thì chỉ đến ngang bắp chân. Họ không đi bít tất và cũng chẳng có giày” (Jean Baptiste Tavernier, 2005: 48).

     Người con gái Thăng Long khi đi lấy chồng được J. B. Tavernier viết trong Tập du ký như sau: “Khi đi lấy chồng có thể may hai, ba áo dài đẹp, sắm một chuỗi hạt san hô hay hổ phách vàng và nhiều hạt cài vào tóc. Họ để những hạt đó phủ xuống lưng, càng dài bao nhiêu thì họ cho là càng đẹp bấy nhiêu. Chẳng có đám cưới nào lại không ăn uống đến ba ngày, nhiều khi ăn uống đến 9 ngày. Từ sau ngày cưới chồng gọi vợ là em, vợ gọi chồng là anh…” (Jean Baptiste Tavernier, 2005: 51).

     Luật lệ triều Lê Trung hưng rất nghiêm ngặt đối với tội ngoại tình. Nếu có chứng cớ về người đàn bà phạm tội đó thì người đàn bà đó bị ném cho voi giày. Đối với triều đình, tội ngoại tình cũng bị nghiêm trị tàn khốc. J. B. Tavernier viết: “Khi em tôi ở triều đình Đàng Ngoài, cậu ấy đã chứng kiến sự trừng phạt nghiêm khắc đó đối với một cung phi đã bị bắt quả tang thông dâm với một vị hoàng tử… Hoàng tử liền bị đưa đến trước vua và ông đã bắt hoàng tử phải đeo xiềng vào cổ, vào tay và vào người, sau đó cho người dắt đi suốt trong 5 tháng liền để cho dân chúng trông thấy. Về sau, hoàng tử bị nhốt vào trong một gian ngục hẹp, trong bảy năm cho đến khi nhà vua qua đời

     Mãi sau khi thái tửlên nối ngôi, ông mới tha tội cho nhưng vẫn bắt đày ra biên viễn làm lính. Còn người cung phi bị giam vào một phòng nhỏ trên một cái chòi, trong 12 ngày không được ai cho ăn uống gì hết, sau đó người ta dỡ mái phòng ra cho ánh nắng gay gắt chiếu vào làm cho người lảđi và chết” (Jean Baptiste Tavernier, 2005: 53).

     Văn hóa ẩm thực của người Thăng Long khá phong phú và đặc sắc. Các du khách phương Tây đến đây đều khen các món ăn của kinh kỳ là ngon, hấp dẫn. Ở đây không chỉ nổi tiếng với các món ăn đặc sản và các loại quà bánh như: thịt bò tái Cầu Dền, ốc Hồ Tây, cá rô đầm Sét, các loại bún (bún thang, bún ốc, bún chả), bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng được nhiều người ưa thích mà còn cả những món ăn dân dã như cá gỏi, thịt chó, châu chấu cũng rất ngon. Rượu thì nổi tiếng là rượu Mơ (“rượu Hoàng Mơ, cờ Mộ Trạch”).

     Uống trà không chỉ là thú vui mà còn là phương tiện trong giao tiếp. Uống trà đã từng có lịch sử lâu đời. Thời Trần, trong Hoàng thành Thăng Long có điện Hô Trà, nơi quan lại trước khi ra khỏi thành thường dừng lại ở đó để uống trà. Uống trà đã trở thành thói quen của người dân Thăng Long trong nhiều thế kỷ.

     Người dân Thăng Long rất thích ăn trầu. Đàn ông, đàn bà đều ăn trầu. Các nhà quyền quý thường thể hiện sự sang trọng khi kén chọn bộ đồ trầu, gồm cơi trầu sơn then thếp vàng hoặc khảm xà cừ, một ống vôi bằng bạc chạm, một ống nhổ cốt trầu bằng đồng thau.

     Nghệ thuật ca nhạc vũ, tuồng, chèo rất phổ biến trong thời kỳ này và triều đình Lê -Trịnh ở Thăng Long cũng rất chú ý. Theo ghi chép của D. Tavernier, chèo tuồng là môn nghệ thuật được nhân dân thích nhất. Chèo tuồng thường diễn ra vào ban đêm, những vở nào diễn ngày đầu có trăng là những vở hay nhất. Chèo tuồng diễn từ chập tối đến lúc mặt trời mọc. Samuel Baron đã ghi lại sự phát triển của những nghệ thuật ấy ởThăng Long vào năm 1683 trong cuốn Description du Royaume du Tonquin (Mô tả xứ Đông Kinh). Ông còn nhờ một người Việt Nam đương thời vẽ lại những cảnh nhảy múa của người Việt Nam bấy giờ. Samuel Baron còn ghi lại những trò chơi như đánh cầu, chọi gà, thi bơi thuyền, v.v.. cũng rất thịnh hành ở Thăng Long thế kỷ XVII (Trần Huy Liệu, 1960: 78).

     Quần áo của người dân chủyếu may bằng lụa và bông sợi. Những người giàu sang và quan lại cao cấp thường mặc đồ dạ khổ rộng của Anh. Khi đến bái yết nhà vua, họ mặc áo thụng rủ tận gót. Họ đội mũ không rộng vành và cùng màu với áo. Những người nghèo và lính tráng chỉ mặc đồ vải sợi và để đầu trần. Dân chài và thợ thuyền khi trời mưa thì đội mũ rộng vành làm bằng rơm, sậy, lá cọ (William Dampier, 2006: 62).

5. Kết luận

     Thăng Long hồi cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII mặc dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, những cuộc nội loạn, nội chiến Ðàng Trong -Ðàng Ngoài, nhưng do chính sách kinh tế cởi mở đối với thủ công và mở mang giao thương quốc tế của nhà Mạc và nhà Lê -Trịnh, có nền kinh tế không ngừng phát triển, với cơ cấu có đủ nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Thăng Long, trung tâm sầm uất, thịnh vượng của đất nước, xứng đáng được đánh giá “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, đã có những người thợ đồng tài hoa đúc pho tượng Trấn Vũ mà thời đó gọi là kỳ vĩ. Những người thợ gốm Bát Tràng đã làm ra những sản phẩm hiện được lưu giữ tại các bảo tàng của nhiều nước. Thương nhân nước ngoài đến Thăng Long ngày một đông. Họ lập hãng buôn, thương điếm. Ngoài Hoàng thành, có thương điếm của người Hà Lan và thương điếm của người Anh. Thương nhân Hoa kiều ngụ ở bến phường Hà Khẩu (nay là phố Hàng Than), hình thành nên khu vực buôn bán của kinh thành Thăng Long đông đúc và sầm uất, nên cũng từ thời đó người ta bắt đầu gọi kinh thành Thăng Long là Kẻ Chợ. Số người đổ về đây làm ăn, buôn bán ngày càng nhiều, phố phường -chợ bến càng đông vui, nhộn nhịp. “Khu phố phường buôn bán thủ công phía đông là một khu có số dân và mật độ dân số đông nhất của Thăng Long – Hà Nội. Trong thế kỷ XVII, các giáo sĩ và lái buôn phương Tây đến Kẻ Chợ đã ước tính số dân ở đây có thể đã lên đến 1 triệu người […], vượt cả những thành phố lớn ở châu Âu “về sự hoạt động và về cư dân””(Nguyễn Thừa Hỷ, 2011: 317-344). William Dampier cho biết Kẻ Chợ năm 1688 có khoảng 20.000 nóc nhà. Những ngôi nhà này thường thấp, tường trát bùn và mái lợp rơm. Tuy vậy, cũng có một số ngôi nhà xây bằng gạch và lợp ngói. Những đường phố chính ở Kẻ Chợ đều rất rộng rãi, cho dù vẫn có một vài con đường chật hẹp. Phần lớn những con đường đều được lát đá hay đúng hơn là rải những hòn đá nhỏ nhưng rất cẩu thả (William Dampier, 2006: 64-66).

     Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục Thăng Long có bước phát triển đáng ghi nhận. Nơi đây vẫn là chốn hội tụcác danh sĩ của cả nước. Bên cạnh Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, Ðạo giáo cũng khá phát triển, nhất là dưới thời Mạc.Quánlà nơi tu hành của những người theo Đạo giáo. ỞThăng Long có bốn quán lớn (Thăng Long tứ quán) gồm quán Trấn Vũ, quán Ðồng Thiên, quán Huyền Thiên, quán Ðế Thích. Sự có mặt của nhiều tầng lớp nông dân, thợ thủ công, thương nhân (trong và ngoài nước), binh lính, trí thức Nho học, quan lại, vua, chúa là điểm khá độc đáo ở kinh đô Thăng Long thời kỳ này.

___________
1. Huyện Kiến Thuỵ ngày nay vẫn còn làng Cổ Trai thuộc xã Ngũ Đoan, địa danh được sử cũ chép là quê hương của Mạc Đăng Dung, nơi đó hiện có từ đường họ Mạc và một chi họ Mạc. Làng Cổ Trai chính là quê hương của Mạc Đăng Dung, đồng thời cũng là trung tâm của Dương Kinh (kinh đô thứ hai sau Thăng Long ở thời thịnh Mạc và được các nhà nghiên cứu xem là kinh đô ven biển đầu tiên của người Việt) triều Mạc ở thế kỷXVI. Theo Đại Việt thông sử, vào tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung đã cho dựng thêm một ngôi điện để ở, gọi là điện Phúc Ý, tại phía tây điện Hưng Quốc Dương Kinh. Năm 1530, sau khi vừa mới lên ngôi, Mạc Đăng Doanh tôn cha làm Thái Thượng Hoàng, dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở, mỗi tháng vào ngày mồng 8 và ngày 22 Đăng Doanh dẫn quần thần tới điện triều yết. Điện Tường Quang có quy mô to lớn và nguy nga. Công trình này không chỉ là nơi ở của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung, mà còn là nơi thiết triều hàng tháng của vua tôi nhà Mạc thời bấy giờ. Các lăng mộ ở CổTrai cũng được chú trọng xây dựng, sửa chữa. Đến thế kỷ XVIII, khu lăng mộ nhà Mạc ở Cổ Trai được gọi là xứ Mả Lăng. Cổ Trai, trung tâm của Dương Kinh thời Mạc đã được xây dựng có quy mô lớn với nhiều quần thể kiến trúc khác nhau, bao gồm nơi ở và sinh hoạt, nơi thiết triều và lăng mộ của nhà Mạc. (Theo Nguyễn Ngọc Chất, Dương Kinh nhà Mạc ở đâu?, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngày 04/09/2008. Hiện nay, Từ đường họ Mạc là một quần thể các di tích lịch sử-khảo cổ bên cạnh các công trình kiến trúc được xây mới, nằm trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch 10,5ha đất tại xã Ngũ Đoan (đất phát tích nhà Mạc và khu vực Dương Kinh xưa của vương triều Mạc) để xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc và các vua nhà Mạc. Năm 2004, Bộ Văn hóa -Thông tin quyết định xếp hạng di tích, công nhận “Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, Tp. Hải Phòng là Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia”. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định đưa công trình này vào danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, bởi lịch sử vương triều Mạc là một phần không thể thiếu của lịch sử Thăng Long-Hà Nội.

2. Phường: là tổ chức của người cùng quê (ngoài nghề nông) và cùng có lợi, tập hợp lại vì mục đích “tương trợ” hay “sân siu” nhau về lợi ích… (Trần Quốc Vượng, 2005: 198).

3. Ba làng Trung Nha, Tiên Thượng, Vạn Long thời Lê đều thuộc xã Nghĩa Đô. Đến thế kỷ XVII, làng An Phú mới thành lập và gia nhập vào xã này.

4. Giấy sắc cung cấp cho triều đình dùng viết những sắc phong cho quan lại và các vị thánh.

5. Tụ Long (khu vực Hoàng Su Phì hiện nay, trong thời Pháp thuộc khu vực mỏ đồng Tụ Long đã mất về phía Trung Quốc, nay thuộc tỉnh Vân Nam), thời Lê Trung hưng thuộc xã Tụ Long, tổng Phương Độ, châuVị Xuyên, trấn Tuyên Quang. Nằm giữa hai lưu vực sông Lô và sông Đổ Chú là những dãy núi cao, quây quần liền lạc như hình con rồng nên gọi là “Tụ Long”. Tụ Long không chỉ có các mỏ đồng mà còn có cả mỏ bạc, đá nam châm (sắt từ) và ngân sa.

6. Catty: tức cân Trung Hoa, cân ta, là đơn vị đo khối lượng, tương đương 500-600g.

7. Năm 1648 Daiel Tavernier qua đời, người anh trai của Daiel là Jean Baptiste Tavernier, một thương nhân lữ hành đã từng đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia châu Á, nhưng chưa một lần đến Đại Việt, đã tập hợp các bản nháp, tranh ảnh bản đồ của em mình viết về xứ Đàng Ngoài rồi san nhuận, chỉnh lý, bổsung, gộp lại với các du ký khác của mình thành cuốn: Sưu tập nhiều du ký và chuyên khảo kỷ thú và hấp dẫn của J.B. Tavernier, Hiệp sĩ Nam tước Aubonne, xuất bản ở Paris năm 1681. Cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam, nguyên bản tập du ký đã được đăng trong Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) năm 1908-1909.

8. Bia Minh Đức tam niên đề danh ký.

9. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1486-1580) người xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là thôn Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông đố Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến chức Thượng thư, Thái phó, tước Trình quốc công. Sau khi về trí sĩ (1542), vua Mạc (Phúc Nguyên) vẫn thường sai trung sứ đến hỏi quốc sự. Mất năm 1585, thọ 95 tuổi (Các nhà khoa bảng Việt Nam, 2006: 332).

10. Hà Nhậm Đại (1435-?) người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch, nay là thôn Bình Sơn, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Em Hà Sĩ Vọng. 49 tuổi đỗ Đẹ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang 7 (1574). Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ (Các nhà khoa bảng Việt Nam, 2006: 409-410).

11. Giáp Hải (1507-1581), nguyên tên là Giáp Trưng, hiệu Tiết Trai, người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, nay là xã Dĩnh Kế thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Cha của Giáp Lễ. 32 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiễn sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Ông từng đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các, Nhập thị kinh diên, Thái bảo, tước Sách quận công. Thọ 75 tuổi (Các nhà khoa bảng Việt Nam, 2006: 340).

12. Nguyễn Thiến (1495-1557), người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, nay là thôn Canh Hoạch (làng Vác) xã Nhân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đỗ Hội nguyên năm 38 tuổi, được ban Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư bộ Lại, Ngự sử đài đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, tước Thư quân công. Sau bất mãn với nhà Mạc, ông quy thuận triều Lê Trung hưng (Các nhà khoa bảng Việt Nam, 2006: 325-326).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Các nhà khoa bảng Việt Nam.(2006). Nxb. Văn học.

     Đại Việt sử kí toàn thư.(1973).t.4. Nxb. Khoa học xã hội.

     Hoàng Anh Tuấn. (2009). Kim loại tiền Nhật Bản và chuyển biến kinh tế-xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Nghiên cứu Lịch sử, tháng 12.

     Jean Baptiste Tavernier. (2005). Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài. Nxb. Thế giới.

     Khâm định Việt sử thông giám cương mục. (2007). t.2, Nxb. Giáo dục.

     Lê Quý Đôn. (1962). Kiến văn tiểu lục. Phạm Trọng Điềm dịch và chú giải. Nxb. Sử học.

     Lê Quý Đôn. (1978). Đại Việt thông sử. Nxb. Khoa học xã hội.

     Nguyễn Thừa Hỷ. (1993). Thăng Long -Hà Nội thế kỷ XVII -XIX. Hội Sử học Việt Nam xuất bản.

     Nguyễn Thừa Hỷ. (1993). Thăng Long -Hà Nội thế kỷ XVI -XVII -XVIII. Hội Sử học Việt Nam xuất bản.

     Nguyễn Thừa Hỷ. (2011). Phố phường Thăng Long-Hà Nội trong những thế kỷ XVII-XVIII-XIX. Trong Với Thăng Long -Hà Nội. Nxb. Thế giới.

     Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án. (2000). Tang thương ngẫu lục. Nxb. Văn hóa.

     Phạm Thị Thùy Vinh. (2003). Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã. Nxb. Văn hóa Thông tin, Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bắc Cổxuất bản.

     Phan Huy Chú. (2007). Lịch triều hiến chương loại chí. t.1. Nxb. Giáo dục.

     Trần Huy Liệu. (chủbiên, 1960). Lịch sử Thủ đô Hà Nội. Nxb. Sử học.

     Trần Quốc Vượng. (2005). Hà Nội như tôi hiểu. Nxb. Tôn Giáo.

     Tuyển tập Văn bia Hà Nội. (1978). Nxb. Khoa học xã hội. Viện Sử học. (2007).

     Lịch sử Việt Nam, tập 3 thế kỷXV-XVI. Nxb. Khoa học xã hội.

     William Dampier. (2006). Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688. Nxb. Thế giới.

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số7-2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đặc sắc đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa ở Thăng Long cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII (Tác giả: Nguyễn Thị Phương Chi)