“ĐÁ” trong TÂM THỨC của NGƯỜI VIỆT (Phần 2)

TS. TRẦN THỊ MAI NHÂN

     2.3. Đá – Sự bền vững trước thời gian

     Trong dòng chảy văn hoá Việt Nam, chúng ta nhận thấy con người đã tạc tình yêu của mình vào đá, đã khắc chạm lời thề lên đá, thậm chí đã hoá thành đá để vĩnh cửu hoá tình yêu. Bởi đá là biểu tượng cao nhất cho sự bền vững với thời gian/sự sắt son chung thuỷ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà dân gian dùng thành ngữ “nồi đồng cối đá” để nói đến sự bền vững trước thời gian của sự vật, con người. Và để ghi nhớ hay lưu danh cho muôn đời con cháu mai sau, cha ông ta thường khắc ghi trên các tảng đá hay trên bia đá. Là người Việt Nam, ai không tự hào về Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đó là 82 tấm bia đá ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng (1442 – 1779). Bia Tiến sĩ vừa là hình thức tôn vinh các bậc trí thức Nho học đương thời vừa là hình thức “lưu giữ ký ức”, lưu giữ di sản tinh thần cho nhiều thế hệ. Vì trước những biến thiên của tự nhiên và những thăng trầm của thời cuộc, chỉ có khắc vào đá, những di sản tinh thần của dân tộc mới được trường tồn. Năm tháng qua đi, bụi thời gian có phủ mờ lên trí nhớ của con người thì Bia Tiến sĩ và những trí thức Nho học một thời, từng làm rạng danh cho non sông nước Việt, sẽ vẫn còn mãi với thời gian. Đó cũng là lý do mà Bia Tiến sĩ được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, năm 2010.

     Trong hành trình đi mở nước của cha ông, có những huyền tích còn lưu lại gắn liền với đá mà mỗi lần nhắc đến, chúng ta không tránh khỏi nỗi chạnh lòng pha lẫn niềm tự hào. Trong đó có huyền tích về Đá Bia hay còn gọi là Thạch Bi Sơn (tỉnh Phú Yên). Đá Bia là một khối đá cao 76m, vươn thẳng lên bầu trời. Người ta kể rằng, hơn 500 năm trước, trong hành trình mở nước về phía Nam, vua Lê Thánh Tông đã cho người khắc chữ trên Đá Bia (mùa xuân năm 1471). Đá Bia trở thành nơi lưu lại dấu ấn của lịch sử một thời trên hành trình Nam tiến đầy gian khó của cha ông. Đá Bia trở nên thiêng liêng hơn khi được chạm khắc vào đó lòng cảm thương, sự ngưỡng mộ của hậu thế đối với các bậc tiền nhân:

“Mảnh đá đầu non dựng
Tầng cao ngất một phương
Chia bờ nêu cột Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử dọi gương
Chạm bia người đã vắng
Lữ khách chạnh lòng thương”.

     Đó là tấc lòng của quan đại thần triều Nguyễn Phan Thanh Giản dành cho vua Lê Thánh Tông khi có dịp đến Thạch Bi Sơn. Thời hiện đại, trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đá Bia lại trở thành chứng nhân của lịch sử. Năm tháng qua đi, Đá Bia vẫn sừng sững, uy nghi trên đỉnh núi cao, mời gọi bước chân của du khách thập phương. Tinh thần dũng cảm của cha ông một thời đi mở nước cũng chính là “tinh thần đá” thiêng liêng, mạnh mẽ, bền vững được tạc vào Thạch Bi Sơn để nhắc nhở muôn đời con cháu mai sau tưởng nhớ cội nguồn…

     Trong dòng chảy của văn hoá Việt, tượng đá, cột đá, bệ đá… đã trở thành những di vật biểu hiện cho sự kiên định, vững bền. Trong đó, thạch Kinh (khắc Kinh lên đá) trong văn hoá Phật giáo là một minh chứng hùng hồn cho sự tương tác tinh thần giữa người và đá. Theo các nhà nghiên cứu, Thạch kinh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm Tống Khai Bảo thứ 4 (năm 971). Vua Tống đã cho khắc Kinh Đại tạng lên cột đá để cúng dường. Ở Việt Nam, chỉ hai năm sau (973), Nam Việt Vương Đinh Liễn (con trai Đinh Tiên Hoàng) đã cho dựng ở Hoa Lư 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc Kinh Đà la ni. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam13. Đặc biệt, trong dòng chảy văn hoá đó, sau này vua Lê Đại Hành cũng đã cho dựng cột kinh (trụ đá) để khắc kinh dâng nhà Phật ở chùa Nhất Trụ (Chùa Một Cột). Đó là một cột đá cao hơn 3m, tiết diện hình bát giác. Hiện nay, một số chùa lớn ở Việt Nam cũng phát huy truyền thống dựng Thạch kinh trước điện thờ Phật hoặc trong khuôn viên chùa (chùa Pháp Vân – Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Thiên Hưng – Huyện An Nhơn, Bình Định). Khắc Kinh lên đá là cách nhờ đá lưu giữ những triết lý của nhà Phật bền vững đến muôn đời. Khắc Kinh lên đá cũng là cách con người thổi hồn mình vào đá và được đá truyền cho năng lượng và sức mạnh tinh thần.

     Trong cái bận rộn, xô bồ của cuộc sống thường nhật, nếu ai có dịp thoát ra, đi dọc hành trình của đất nước để bàn chân cảm nhận được hơi ấm của mảnh đất quê hương sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được “mục sở thị” những dấu tích của đời sống tinh thần, tình cảm của người xưa qua những “gương mặt” đá. Đó là sự hoá thân kỳ diệu của con người để minh chứng cho những mối tình thuỷ chung son sắt, trường tồn mãi với thời gian.

     Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng khái quát về sự hoá đá của người xưa để góp cho sông núi những gương mặt thời gian:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
(Đất Nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng) – Nguyễn Khoa Điềm)

     Câu chuyện về người vợ ôm con chờ chồng đến hoá đá (Đá vọng phu) được lưu truyền trong dân gian đã từng làm rung động trái tim của bao người con đất Việt. Bởi con người đã kết “khối tình” của mình thành đá hay nói cách khác, đá là những “khối tình” đã đã được thăng hoa từ những khúc bi ai. Mặt khác, bi kịch của người phụ nữ trong câu chuyện không còn là bi kịch đơn nhất mà đã trở thành bi kịch mang ý nghĩa phổ quát. Và tấm lòng son sắt, thuỷ chung người vợ hoá đá đã trở thành biểu tượng cho phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, có nhiều huyền thoại về đá vọng phu được kể trong dân gian: Sự tích Nàng Tô Thị, Đá vọng phu, Sự tích đá Bà Rầu (Dân tộc Kinh), Đá trông chồng14 (dân tộc Nùng)… Và chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những hòn đá vọng phu ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam: hòn đá Vọng phu (Nàng Tô Thị) hình mẹ bồng con, quay mặt ra biển trên đỉnh ngọn núi Tam Thanh (Lạng Sơn); hòn đá Vọng phu trên đỉnh núi Nhồi (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa); tượng Bà Rầu cô đơn buồn bã (ở Quảng Nam); hòn đá Vọng phu trên đỉnh núi Đề Bi (huyện Phù Cát, Bình Định), v.v…

Hình: Đá vọng phu (Phù Cát – Bình Định)

     Đặc biệt, với một đất nước mà lịch sử gắn liền với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như Việt Nam thì ở đâu, chúng ta cũng thấy lịch sử soi mình trong đó. Vì vậy, từ câu chuyện dân gian với motif anh em lấy nhầm nhau, khi phát hiện ra, người chồng – người anh lẳng lặng bỏ đi, để người vợ – người em trông chờ đến hoá đá, chúng ta có thể gặp vô số những hòn vọng phu lớn nhỏ – vọng phu thời hiện đại. Đó là những người vợ chờ chồng ra trận đến hoá thành đá núi:

Dân tộc ấy có gì kỳ lạ
Một nước bao nhiêu là đá Vọng phu
Những năm tháng đợi chờ, những thập kỷ đợi chờ
Chỉ một là người, hai là hóa đá
Dân tộc ấy có gì kỳ lạ…”
(Phạm Tiến Duật)

     Trở thành một mạch nguồn văn hoá (yêu nước, nhân hậu, kiên trinh, chung thuỷ) và âm thầm chảy trong dòng văn hoá Việt Nam, những hòn vọng phu thời hiện đại ấy đã lay động lòng cảm thương pha lẫn sự ngưỡng mộ, tự hào của nhân dân và đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca:

Đầu nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng…
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng vọng phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông…
“Người ra đi chắc gì quay lại nữa
Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh...”
Hay:
“… Không hóa thạch kẻ ra đi, hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao, không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở lại giữa đơn côi”.
(Vọng phu – Chế Lan Viên)

     Vì vậy, không phải không có lý khi nhân vật Hoài trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài nhận thấy chiến tranh không “mang bộ mặt đàn ông tươi rói, hào hùng”mà “chiến tranh đích thực mang bộ mặt đàn bà, xót xa khắc khoải”15. Sự hoá thân ấy của những người phụ nữ đã góp phần làm nên dáng hình Đất Nước, để Đất Nước bền vững đến muôn đời. Đó chính là cái “tinh thần đá” mang “tính âm”, là “nốt lặng”, “nốt trầm” trong bản hoà ca hào hùng của dân tộc, nhưng lại có sức ngân vang trong suốt bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông.

     Đá – biểu tượng cho sự sắt son chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng còn được lưu truyền qua sự tích Hòn Trống Mái (Sầm Sơn – Thanh Hoá). Mối tình thuỷ chung, sống chết bên nhau, cùng nhau hoá đá của cặp vợ chồng trẻ (người trần và tiên nữ) đã khiến cho người đời cảm động. Đá Trống – Mái “trơ gan cùng tuế nguyệt”, trường tồn vĩnh hằng với thời gian thật đáng cho người đời chiêm ngưỡng. Trước bạo lực, cường quyền mà không thể đương đầu (vì đó là cha mình – Ngọc Hoàng Thượng Đế), người con gái ấy chỉ còn cách hoá thân thành đá mới có thể bảo vệ tình yêu và bảo vệ tính mạng của người yêu. Đến tham quan địa danh này, chiêm ngưỡng Hòn Trống Mái, người ta muốn nhắc nhau về tấm lòng chung thuỷ và sự bất diệt của tình yêu.

Hình: Hòn Trống Mái (Sầm Sơn – Thanh Hóa)

     Motif hoá đá đã trở thành motif quen thuộc và giàu ý nghĩa biểu tượng trong văn hoá Việt Nam. Cho đến nay, bi kịch gia đình và bi kịch quốc gia trong câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thuỷ vẫn làm cho các thế hệ bạn đọc Việt Nam xót xa, day dứt. Nhân dân đã rất nghiêm khắc trong việc trừng phạt Mỵ Châu (vì nàng đã làm lộ bí mật quốc gia dẫn đến bi kịch nước mất, nhà tan), nhưng cũng rất công minh và nhân đạo khi cảm thông cho bi kịch hôn nhân của nàng. Vì vậy, kể lại câu chuyện này, nhân dân đã để cho Mỵ Châu hoá thành ngọc trai nơi đáy biển. Nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện Mỵ Châu hoá đá và người dân đã mang phiến đá hình cô gái cụt đầu (Mỵ Châu bị vua cha chém đầu) về thờ tại Đền Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ở đây, đá Mỵ Châu không phải là biểu tượng của lòng thuỷ chung hay tinh thần bền vững trước không gian và thời gian mà là thông điệp gửi đến các thế hệ sau: phải biết giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa tình nhà và nghĩa nước để tránh những bi kịch đau lòng. Thông điệp gửi đi từ pho tượng đá cụt đầu này rất có ý nghĩa với các thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người phụ nữ nói riêng. Vì điểm mạnh và cũng là điểm có thể gây nên bao nông nỗi đời người trong văn hoá Việt Nam là “trọng tình”. Vì vậy, trong bài thơ Trước đá Mỵ Châu, nhà thơ Trần Đăng Khoa như “giải mã” bi kịch của tảng đá cụt đầu ấy:

Nhớ vận nước có một thời chìm nổi
Bắt đầu từ một tình yêu
Em hóa đá ở trong truyền thuyết
Cho bao cô gái sau em
Không còn phải hóa đá trong đời”.

     Có thể nói, “tinh thần đá” tích tụ thẳm sâu trong văn hoá Việt Nam và trở thành một mạch nguồn âm thầm chảy trong dòng sông văn hoá Việt Nam qua nhiều thời đại. Và mãi mãi, “tinh thần đá” ấy sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ thi nhân.

3. Kết luận

     Khác với người phương Tây (xem thiên nhiên là nền tảng để làm bật nổi con người), người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng coi thiên nhiên là một khách thể độc lập, tồn tại trong mối quan hệ tương tác với con người. Điều này xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, “thiên nhân tương cảm, địa nhân tương chí” của người xưa. Chính vì tồn tại trong mối quan hệ tương tác, đồng điệu như vậy nên thiên nhiên (cỏ cây, đất đá, sông suối…) trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong đời sống con người. Đi tìm “tinh thần đá” trong văn hoá Việt Nam chính là đi tìm cái minh triết dân gian được khúc xạ qua các tín ngưỡng dân gian và những biểu hiện phổ biến của một nền văn hoá gắn liền với nông nghiệp của dân tộc, từ đó hiểu hơn đời sống tâm hồn và nhân cách Việt Nam. Hiện nay, trên đất nước Việt Nam có những bãi đá lộ thiên, ẩn chứa những thông điệp quý đang chờ các nhà khoa học giải mã (như bãi đá cổ Sapa). Đây có thể xem là những bảo vật của quốc gia, cần được gìn giữ. Hiểu được vai trò của đá trong đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, cũng như hiểu được “tinh thần đá” ẩn tàng trong đời sống văn hoá của dân tộc, mỗi người dân Việt sẽ biết trân trọng, bảo tồn những cổ vật đá trước nguy cơ tàn phá của thời gian và sự vô tình của con người; đồng thời biết gìn giữ và phát phát huy tinh thần ấy của cha ông trong đời sống đương đại, khi mà nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một hay bị lãng quên.

__________
13. Chu Minh Khôi (2007), Đá – linh khí trong di vật cổ Phật giáo, Nguồn: CAND, antg.cand.com.vn.

14. Tuyển tập truyện cổ các dân tộc Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, 2006, trang 227.

15. Phạm Thị Hoài (1988), Thiên sứ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, tr.117.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Huy Bỉnh (2013), Truyền thuyết Thạch Tướng Quân trong mối quan hệ với tín ngưỡng thờ đá, Nguồn: Viện Văn học, vienvanhoc.vass.gov.vn,ngày 12/6/2013.

[2]. Nguyễn Hữu Bỉnh (2009), Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về Thạch thần, baobacninh.com.vn, ngày 24/01/2009.

[3]. Leopold Cadiere (2010), Văn hóa tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, tập II (Đỗ Trinh Huệ dịch), Nxb. Thuận Hóa.

[4]. Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế (1987), Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, Nxb.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

[5]. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội.

[6]. Lục Tiểu Linh Đồng (2010), Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du Tập 1, (Phạm Uyên Minh dịch), Nxb. Thời Đại.

[7]. Phạm Thị Hoài (1988), Thiên sứ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội.

[8]. Nguyễn Việt Hùng (2010), Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam,
www.vanchuongviet.org, ngày 13/7/2010.

[9]. Chu Minh Khôi (2007), Đá – linh khí trong di vật cổ Phật giáo, Nguồn: CAND, antg.cand.com.vn, ngày 03/4/2007.

[10]. Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.

[11]. Trịnh Sinh (2014), Nét phồn thực giao duyên đọng trên cổ vật, www.vntravellive.com.

[12]. Phan Xuân Viện (2009), Môtíp đá thiêng / hóa đá và tín ngưỡng thờ đá trong truyện kể dân gian Nam Đảo, khoavanhoc_ngonngu.eu.vn, ngày 21/9/2009.

[13]. Lý Tế Xuyên (1994), Việt điện u linh, Nxb.Văn học.

[14]. Nhiều tác giả (1997), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng.

[15]. Tuyển tập truyện cổ các dân tộc Việt Nam (2005), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TPHCM, 2015
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)