Đa văn hóa ở Australia và Hàn Quốc một góc nhìn so sánh

MULTICULTURALISM IN AUSTRALIA AND SOUTH KOREA
A COMPARATIVE PERSPECTIVE

Tác giả bài viết: NGÔ VĂN LỆ
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Australia và Hàn Quốc là hai quốc gia, mà theo cách phân chia bình thường thuộc hai châu lục khác nhau. Quá trình hình thành quốc gia dân tộc và quá trình hình thành văn hóa cũng có nhiều nét khác biệt. Nhưng chúng tôi lại tìm thấy sự tương đồng của hai quốc gia này ở chỗ cả hai cùng thừa nhận sự đa văn hóa và cùng với sự thừa nhận này là những chính sách có liên quan đến chính sách đa văn hóa. Bài viết của chúng tôi, trên cơ sở trình bày về sự hình thành nền văn hóa của mỗi nước với những đặc điểm riêng của mình, rồi so sánh giữa hai cách tiếp cận về cùng một vấn đề cũng như ứng xử của hai quốc gia trong việc giải quyết vấn đề đa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Từ khóa: đa văn hóa, quốc gia dân tộc.

ABSTRACT

     Australia and Korea are two countries on different continents. Their processes of forming a national ethnicity and culture exhibit many differences. But we do see similarities with both countries in that they recognize the importance of multiculturalism policy related to multiculturalism. Our article, based on the description of the formation of unique cultures of each country, compares the each country’s approach on this issue as well how they deal with multicultural issues in the context of today’s globalization.

Keywords: multiculturalism, national ethnicity.

x
x x

1. Ba dòng chảy hình thành văn hóa Australia

     Cách đây không lâu, chúng tôi đã có một bài viết nhan đề: “Văn hóa Australia nhìn từ lịch sử hình thành dân tộc Australia”, nhấn mạnh đến tính đa dạng của văn hóa Australia [5: 114-126]. Bởi vì quốc gia – dân tộc Australia (hiểu là nation – état) ngày nay được hình thành từ ba bộ phận chính là: a) Các cư dân bản địa sinh sống lâu đời tại quốc đảo này trước khi những người châu Âu có mặt, b) Cộng đồng cư dân châu Âu, mà nòng cốt là người Anh, hạt nhân chính hình thành tộc người Astralia và c) Những cộng đồng cư dân từ châu Á, châu Phi di cư đến ở những giai đoạn sau này, khi chủ nghĩa tư bản phát triển, mở rộng thị trường. Ba cộng đồng cư dân này rất đa dạng về thành phần, khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng [5].

     1.1. Về văn hóa cư dân bản địa

     Cư dân bản địa Australia được hình thành không phải từ một cộng đồng dân cư có chung nguồn gốc với sự tương đồng về văn hóa, mà trái lại, đó là một quá trình lâu dài của những cộng đồng cư dân có nguồn gốc khác nhau và văn hóa cũng khác nhau. Trước khi người châu Âu xuất hiện, trên lục địa Australia có khoảng 500 bộ lạc sinh sống, phân bố chủ yếu ở vùng Đông và Đông Nam Australia. Các bộ lạc này sử dụng khoảng 250 thứ tiếng khác nhau. Mỗi bộ lạc có tổ chức xã hội – văn hóa riêng. Cho đến thời điểm xuất hiện người châu Âu trên lãnh thổ của Australia ngày nay, cư dân bản địa Australia, nhìn chung ở vào trình độ phát triển thấp, nhưng họ đã sáng tạo nên một phức hợp văn hóa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của họ. Nhưng sự có mặt của các cộng đồng dân cư này vào các thời điểm khác nhau và văn hóa cũng có những nét khác biệt nhau. Tính đa dạng về thành phần dân cư tạo nên tính đa dạng về tâm lí, sinh hoạt, tập quán trong một cộng đồng thống nhất, trong quá trình cộng cư, gắn bó với nhau ở vùng đất mới. Sự khác biệt về tâm lí, tập quán, sinh hoạt là nguyên nhân dẫn đến tính đa dạng về văn hóa của các cộng đồng cư dân bản địa trên lãnh thổ của Australia ngày nay cả khi có sự hiện diện của người châu Âu.

     Mặt khác, các cư dân bản địa Australia cùng sinh sống trong những điều kiện địa lí, tự nhiên tương đồng lại hoạt động kinh tế (chủ yếu là phụ thuộc vào những điều kiện tự nhiên, săn bắn, hái lượm) giống nhau, nên giữa họ có sự tương đồng về trình độ kinh tế, xã hội. Vì vậy, giữa các cộng đồng dân cư có sự tương đồng về văn hóa cũng là điều dễ hiểu. Sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa của các cộng đồng cư dân bản địa Australia là một đặc điểm nổi bật, mặc dù họ sinh sống trên một vùng rộng lớn. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tính đa dạng, phong phú của nền văn hóa Australia hiện đại.

     1.2. Về văn hóa của cộng đồng cư dân gốc châu Âu

     Cộng đồng cư dân thứ hai góp phần làm nên tính đa dạng, phong phú của văn hóa Australia hiện đại là những di dân từ châu Âu. Những đại biểu của các nước, mà tiêu biểu là những nước đi dầu trong việc tìm kiếm vùng đất mới ngoài châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, không phải là những người đầu tiên có mặt ở Australia. Có lẽ, do những nước này phải bỏ nhiều công sức cho việc duy trì sự cai trị của mình tại các thuộc địa đã chiếm được trước đó như ở Philippines, Malaca (Malaysia), Indonesia, mà không vươn ra những vùng khác, tạo những thuận lợi cho người Anh, là những nước chậm chân hơn trong việc xâm chiếm thuộc địa vào thời gian này. Người Anh có mặt ở Australia vào cuối những năm 80 của thế kỉ XVIII. Thời gian đầu người Anh không có ý định định cư lâu dài tại vùng đất xa xôi này. Đến năm 1788, người Anh mới bắt đầu định cư ở vùng ven biển phía Đông của Australia (thành phố Sydney ngày nay). Vào năm 1828 trên toàn bộ lãnh thổ của Australia ngày nay (trừ đảo Tasmania) có khoảng 37 ngàn người da trắng, chủ yếu là người Anh. Những người da trắng, phần lớn là những quan chức, những sỹ quan, binh lính, nên thời gian phục vụ có thời hạn. Họ chỉ ở lại Australia một thời gian, sau khi hết hạn phục vụ họ trở về Anh, hoặc lại đến những thuộc địa khác. Những người Anh ở lại lâu dài trên đất Australia xa xôi này là những tội phạm bị lưu đầy biệt xứ. Cũng có những trường hợp những sỹ quan, quan chức Anh sau khi mãn hạn phục vụ tại Australia đã ở lại đây lập nghiệp. Tuy vậy, số lượng người Anh là không nhiều so với cư dân bản địa, hơn nữa họ lại sống trong những khu vực nhất định, nên ít có tác động đến cư dân bản địa. Mãi đến nửa đầu thế kỉ XX, do những hiểu biết về vùng đất này ngày một sâu sắc hơn, toàn diện hơn, nhất là những tiềm năng khoáng sản, phát triển nông nghiệp, đã thôi thúc người Anh di cư đến vùng đất này nhiều hơn. Lực lượng di cư lúc này chủ yếu là những người nông dân tự do, muốn thử vận may ở vùng đất mới, xa lạ. Cùng với người Anh còn có những nhóm cư dân thuộc các nước châu Âu khác. Sự di dân của người Anh và những người châu Âu khác đã dẫn đến hệ quả. Thứ nhất, lãnh thổ tộc người của cư dân bản địa ngày một thu hẹp lại. Nếu như trước đây, khi người châu Âu chưa có mặt tại Australia, thì toàn bộ lãnh thổ của vùng đất này là nơi cư trú của cư dân bản địa. Nhưng khi người châu Âu đến với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nên đã dẫn đến việc chiếm dụng đất đai. Ở một trình độ phát triển kinh tế, xã hội cao hơn, lại được sự hỗ trợ đắc lực của bộ máy cai trị, người châu Âu đã mở rộng địa bàn cư trú, đẩy lùi những người bản địa ra khỏi những vùng có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đẩy những cư dân bản địa đến những vùng khó khăn, khắc nghiệt ở phía Tây Australia hoang mạc. Thứ hai, bằng chính sách cai trị hà khắc được thiết lập trên toàn bộ lãnh thổ của Australia, đẩy cư dân bản địa tới những vùng khó khăn, đã dẫn đến việc suy giảm dân cư. Trong vòng một trăm năm (từ năm 1788 đến đầu thế kỉ XX) cư dân bản địa Australia không những không tăng, mà trái lại suy giảm một cách nghiêm trọng. Vào đầu thế kỉ XX cư dân bản địa Australia giảm xuống dưới 100 ngàn người, có tộc người bị xóa sổ hoàn toàn (trường hợp cư dân trên đảo Tasmania là một thí dụ). Thứ ba, do số lượng người châu Âu tăng nhanh, lại cư trú ở các vùng miền khác nhau của Australia đã dẫn đến việc cư dân sống đan xen trên một vùng lãnh thổ. Quá trình sống đan xen giữa các cộng đồng cư dân đã dẫn đến giao lưu văn hóa giữa người Anh và những cộng đồng cư dân thuộc các nước châu Âu vơi cư dân bản địa. Chính quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư đã làm cho bức tranh văn hóa tộc người thêm đa sắc màu. Bản thân cộng đồng cư dân có nguồn gốc từ Anh và cac nước châu Âu khác đã rất đa dạng về thành phần cư dân cũng như những sắc thái văn hóa. Nhưng với ưu thế về số lượng dân cư, lại là những người có vai trò lớn trong việc cai trị vùng đất mới này, nên người Anh và cùng với nó là văn hóa Anh giữ vai trò nòng cốt trong việc xác lập ảnh hưởng của Anh không chỉ trong đời sống chính trị, mà cả trong đời sống văn hóa của Australia. Nhưng, xét về khía cạnh văn hóa, thì những người Anh và những người châu Âu khác không có nhiều sự tương đồng. Vì vậy, bản thân văn hóa của những người châu Âu sinh sống ở Australia đã thể hiện tính đa dạng, đầy sắc màu. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới khía cạnh của động lực phát triển, thì văn hóa của người Anh và và văn hóa của những cộng đồng cư dân châu Âu khác, là động lực và là dòng chảy chủ đạo của nền văn hóa Australia đương đại.

     1.3. Khi nền kinh tế của Australia phát triển, tạo nên sức hút, làm cho làn sóng di cư từ các nước khác đến Australia trong những thập kỉ sau.

     Lực lượng di dân này có lẽ không nhiều, nên trong bức tranh văn hóa tộc người ở Australia không có thêm gam màu nào, ngoài những nét văn hóa của cư dân bản địa và của người Anh cũng như các cộng đồng cư dân từ các nước châu Âu khác. Sau khi giành được độc lập (1901) trong một khoảng thời gian dài, chí ít cũng đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, với chính sách kỳ thị chủng tộc đã hạn chế những dòng di dân từ các nước khác trong khu vực. Vào những thập niên 60, 70, 80 tình hình khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á có những biến động lịch sử dẫn đến một bộ phận dân cư tìm đến sinh sống ở các nước lân cận, trong đó Australia. Đã có một làn sóng di cư từ Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc đến định cư lâu dài ở Australia.

     Tiếp đó, trong những năm gần đây, trước những biến động xã hội tại các nước Đông Âu và Liên Xô (trong những năm 90 của thế kỉ XX) đã có những người từ các quốc gia này di cư đến Australia. Chính vì vậy, xét về thành phần tộc người, thì những đợt di dân từ các nước trong khu vực đến Australia ngày một gia tăng, làm cho bức tranh tộc người thêm đa dạng và cùng với tình hình này, bức tranh văn hóa tộc người cũng thêm đa dạng, phong phú hơn. Có thể những sắc thái văn hóa của những cộng đồng nhập cư sau này chưa xác lập được chỗ đứng của mình trong bức tranh văn hóa Australia, nhưng chí ít, sự hiện diện của các cộng đồng dân cư với những sắc thái văn hóa riêng của mình cũng góp phần làm cho bức tranh văn hóa Australia thêm đa sắc màu hơn. Bởi vì, bản thân mỗi nhóm dân cư di cư đến Australia trong những thập niên gần đây đã mang theo những nét văn hóa của mình góp phần vào nền văn hóa Australia vốn đã đa sắc màu. Quá trình giao lưu văn hóa ở Australia đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là sau khi chính phủ Australia thực hiện chính sách đa văn hóa. Hơn nữa, gần đây Chính phủ đương nhiệm đã có lời xin lỗi cư dân bản địa về những việc làm không nhân bản của các chính phủ tiền nhiệm, đã tạo nên động lực và niềm tin cho quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra trong sự bình đẳng, tôn trọng.

     Như vậy, xét về nguồn gốc hình thành, thì nền văn hóa Australia đương đại, là sự kết tinh của những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất của các cộng đồng cư dân đang cộng cư trên lãnh thổ của Australia ngày nay. Trong dòng chảy văn hóa Australia ngày nay giữ vai trò chủ đạo là những giá trị văn hóa của các cộng đồng cư dân châu Âu, mà nòng cốt thuộc về văn hóa Anh. Văn hóa của các cư dân bản địa cũng như của các cộng đồng cư dân di cư đến Australia trong những thập niên sau đã góp phần làm phong phú văn hóa Australia đa tộc người. Văn hóa Australia là một nền văn hóa đa tộc người, nhưng trong suốt một giai đoạn dài (cho đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX) sự thật lịch sử đó không được các chính phủ của người da trắng thừa nhận. Sự không thừa nhận này đã làm suy tàn nền văn hóa của cư dân bản địa cũng như của các cộng đồng cư dân khác. Chính sách đa văn hóa ra mặt, thừa nhận sự đa dạng về văn hóa ở Australia. Sự đa dạng văn hóa này bắt nguồn từ nguồn gốc tộc người. Mỗi tộc người trong chiều dài lịch sử của mình đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa. Sự đa dạng về nguồn gốc tộc người dẫn đến tính đa dạng về văn hóa. Mặt khác, chính sách đa văn hóa cũng phản ảnh xu hướng phát triển của thời đại, khi mà các tộc người đều bình đẳng với nhau và tộc người nào cũng có khả năng sáng tạo văn hóa. Đây là một quan điểm rất rõ ràng của Liên Hợp Quốc, khi ra Nghị quyết về Thập kỉ thế giới phát triển văn hóa, đã nhấn mạnh đến sự tôn trọng tính đa dạng của văn hóa thế giới, mỗi nền văn hóa của mỗi tộc người phải được tôn trọng theo nguyên tắc bình đẳng như nhau, không có sự cao thấp, không có sự phân biệt văn hóa của tộc người này tiên tiến hơn tộc người kia, cũng không có văn hóa của tộc người này lạc hậu hơn văn hóa của tộc người khác. Văn hóa của nhân loại là sự thống nhất trong đa dạng.

2. Văn hóa Hàn Quốc – một số nét khắc họa

     Khi nghiên cứu văn hóa của các dân tộc (nation – état) trên thế giới, các nhà khoa học thường quan tâm đến nguồn gốc của các cộng đồng dân cư trong quốc gia đó. Bởi vì, thông thường, khi các cộng đồng cư dân trong một quốc gia chung nguồn gốc, thì đây là một trong những yếu tố dẫn đến tính tương đồng về văn hóa. Trong một quốc gia đa tộc người, thì bức tranh văn hóa của quốc gia đó cũng phản ánh tính đa dạng văn hóa. Văn hóa của một tộc người cụ thể gắn liền với sự sáng tạo của tộc người đó trong tiến trình lịch sử. Bất kỳ một tộc người nào trên thế giới, không phân biệt số lượng dân cư nhiều hay ít, ở trình độ phát triển kinh tế, xã hội cao hay thấp, về phương diện văn hóa thì những giá trị văn hóa của họ cũng phải được tôn trọng và bình đẳng như những giá trị văn hóa của những tộc người khác. Sự hình thành văn hóa Hàn Quốc, bên cạnh những tính phổ quát cũng có tính đặc thù của phát triển, do những điều kiện tự nhiên và môi trường quy định.

     2.1. Tính thống nhất giữa văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người

     Trong lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau đã dẫn đến tình hình đa tộc người trong một quốc gia. Trên thế giới hiện nay có khoảng 6500 ngôn ngữ được sử dụng. Mỗi tộc người có ngôn ngữ của riêng mình. Tuy nhiên, số quốc gia và vùng lãnh thổ (thành viên của Liên Hợp Quốc) chỉ chưa tới 200. Hàn Quốc là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới lại có sự tương đối thuần nhất về phương diện tộc người. Đây cũng là một trong số ít những trường hợp hiếm hoi trong lịch sử nhân loại, khi có sự đồng nhất giữa quốc gia – dân tộc (nation – état) với tộc người (ethnie). Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay là quốc gia đa tộc người (có nhiều tộc người sinh sống trong một quốc gia có cương vực lãnh thổ, có thể chế chính trị, có tiếng phổ thông), nên không có sự đồng nhất giữa dân tộc và tộc người. Trong một quốc gia đa tộc người, mỗi con người thường có hai ý thức: a) ý thức quốc gia dân tộc (ý thức thuộc về quốc gia nào), b) ý thức tộc người (thuộc về tộc người nào).

     Trong trường hợp như người Hàn, thì ý thức quốc gia dân tộc và ý thức tộc người là một, nên ý thức dân tộc là rất mạnh mẽ – hình thành chủ nghĩa dân tộc. Khi xem xét những khía cạnh văn hóa, thì văn hóa Hàn Quốc là văn hóa của tộc người Hàn. Vì văn hóa bao giờ cũng gắn liền với một tộc người – chủ thể sáng tạo ra chính những giá trị văn hóa đó. Quá trình hình thành dân tộc Hàn với tính thuần nhất về phương diện tộc người, thì không thể có đa văn hóa. Một báo cáo khoa học được trình bày tại Hội thảo khoa học Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á đã nêu lên ba yếu tố quy định tính cách văn hóa của người Hàn là:

     Thứ nhất, xét về môi trường sống thì Hàn Quốc ở vào một khu vực có khí hậu ôn đới với mùa đông lạnh giá, với địa hình tới 70% là núi đá, đất đai trồng trọt được rất ít và manh mún, trồng lúa nước được lại càng ít nữa, nói chung, là một môi trường sống khắc nghiệt.

     Thứ hai, xét về nguồn gốc dân tộc như một trong những nguồn gốc của tính cách thì tổ tiên người Hàn hiện đại là cư dân thuộc ngữ hệ Altai (cùng họ với cư dân nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Tungus), ít nhiều mang trong mình chất du mục của dân săn bắn và chăn nuôi Siberia, nói chung là mang nhiều chất động hơn là tĩnh.

     Thứ ba, xét về loại hình kinh tế chủ yếu thì bắt đầu từ thời kỳ đồ đồng (khoảng từ thế kỉ VIIII đến IV trước công nguyên), nghề nông nghiệp lúa nước vốn bắt nguồn từ khu vực Đông Nam Á cổ đại phía Nam sông Dương Tử qua cư dân Hoa Hạ ở lưu vực sông Hoàng Hà đã thâm nhập vào bán đảo Korea và từ đó trở thành loại hình kinh tế chủ yếu trong suốt trường kỳ lịch sử Hàn Quốc [8: 61-67]. Trong các bài viết của mình, chúng tôi luôn cho rằng những yếu tố tự nhiên, môi trường xã hội nơi tộc người sinh sống và hoạt động kinh tế chính của một tộc người chi phối sâu sắc đến đặc trưng văn hóa của tộc người đó [6]. Đã có nhiều công trình của các nhà khoa học nói về văn hóa Hàn Quốc [8]. Với thành phần tộc người thuần khiết, nông nghiệp trồng lúa nước đã quy định đặc tính văn hóa của Hàn Quốc văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người là một. Vậy tại sao trong những năm gần đây người ta lại nói đến đa văn hóa, giáo dục đa văn hóa trong bối cảnh hiện nay của Hàn Quốc?

     2.2. Vấn đề đa văn hóa ở Hàn Quốc

     Không phải đến những năm 50, 60 hay 70, 80 của thế kỉ XX Hàn Quốc mới bắt đầu tiếp xúc với thế giới. Những biến động lịch sử (có thể trước năm 1910) đã làm cho nhiều người Hàn phải ly tán, sinh sống ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Một báo cáo được trình bày tại Hội thảo khoa học Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á đã đưa ra một số liệu làm cho chúng ta có thể rất ngạc nhiên. Theo đó, thì hiện nay có 4.940.000 người Hàn Quốc, chiếm 8 % dân số Hàn Quốc đang sinh sống tại 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung đông nhất là tại Trung Quốc (1.920.000 người), kế đến tại Mỹ (1.530.000) [1: 205-217]. Tác giả báo cáo cũng không cho biết số lượng người Hàn Quốc sinh sống ở nước ngoài đã bao gồm cả cư dân Bắc Triều Tiên hay không. Chúng tôi đồ rằng số người Hàn Quốc đang sống ở nước ngoài được đề cập tới trong báo cáo đã bao gồm những người Triều Tiên (bao gồm cả Bắc và Nam Triều Tiên). Khi người Hàn Quốc ra nước ngoài sinh sống, cũng là lúc quá trình giao lưu tiếp xúc với nước ngoài ngày một gia tăng.

     Một khi quá trình giao lưu tiếp xúc với nước ngoài gia tăng cùng với việc kinh tế Hàn Quốc ngày một khẳng định được vị thế của mình, cũng là lúc dẫn đến các cuộc hôn nhân đa văn hóa (hôn nhân giữa người Hàn Quốc với người nước ngoài). Có lẽ những cuộc hôn nhân như vậy đã diễn ra từ lâu, nhất là khi những binh lính Hàn Quốc tham chiến tại miền Nam Việt Nam (có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng là người Hàn Quốc ở giai đoạn này) và ở giai đoạn sau này, khi Hàn Quốc đã trở thành một trong những cường quốc kinh tế ở châu Á. Tuy có các cuộc hôn nhân đa văn hóa, nhưng về cơ bản, văn hóa Hàn Quốc vẫn phản ánh tâm lí của một cộng đồng cư dân thuần khiết với những nét đặc trưng riêng, tạo nên một sắc thái riêng, không thể hòa trộn được. Một tâm lí như vậy, cùng với nó là chủ nghĩa dân tộc đã là rào cản vững chắc trước sự thâm nhập của những giá trị văn hóa từ ngoài du nhập vào. Khi nền kinh tế phát triển cũng là lúc nảy sinh những vấn đề xã hội. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ lâu trong lòng xã hội Hàn Quốc (cũng như ở các nước Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo), nhưng không gây ra những vấn đề xã hội – khi chưa có chính sách kiểm soát dân số. Một khi nhà nước thắt chặt những quy định hạn chế sinh đẻ, cũng là lúc mọi người phải tuân thủ. Việc làm đó dẫn đến sinh con theo mong muốn (mà chủ yếu là thích sinh con trai), làm cho tỉ lệ nam, nữ chênh lệch một cách đáng kể, dẫn đến khủng hoảng xã hội. Nhiều thanh niên đến tuổi trưởng thành không thể kết hôn với những phụ nữ Hàn Quốc, mà phải kết hôn với những phụ nữ là người nước ngoài. Do hôn nhân đa văn hóa, do những người nước ngoài đến định cư làm ăn, sinh sống tại Hàn Quốc làm cho người nước ngoài không ngừng gia tăng. Số lượng người nước ngoài hiện nay ở Hàn Quốc là không thống nhất. Theo thông tin từ một báo cáo khoa học thì vào tháng 8 năm 2007 tại Hàn Quốc có 720.000 người nước ngoài (chiếm 1,5 % dân số cả nước) [2: 61]. Một tác giả khác, ghi nhận vào tháng 11 năm 2007 tại Hàn Quốc có 1.046.181 người nước ngoài (chiếm 2% dân số cả nước) [4: 62]. Cũng theo các báo cáo đó thì phần lớn những người nước ngoài hiện nay chủ yếu sinh sống ở nông thôn và có tới 90% trong số đó đến từ các nước Đông Nam Á. Điều này cũng phù hợp với một nghiên cứu mới được công bố, cho rằng, phụ nữ Việt Nam lấy chồng là người Đài Loan đang có xu hướng giảm và xu hướng lấy chồng Hàn Quốc gia tăng trong những năm gần đây [7:19]. Khi người nước ngoài, nhất là khi phụ nữ nước ngoài lấy chồng là người Hàn Quốc gia tăng làm nảy sinh những vấn đề mới trong đời sống xã hội. Trong lịch sử cũng như trong suy nghĩ của những người Hàn Quốc, thì xã hội Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc là thuần nhất, hầu như không có sự pha tạp. Quốc gia – dân tộc và tộc người là một, nên tạo cơ sở xã hội cho chủ nghĩa dân tộc có điều kiện phát triển. Sự xuất hiện những người nước ngoài đã làm cho bức tranh tộc người xuất hiện những gam màu mới. Tuy những gam màu này chưa tạo nên một sự thay đổi nào trong đời sống văn hóa, xã hội, nhưng lại gây nên một sự phản cảm dưới mắt của người Hàn [2: 61]. Chính phủ Hàn Quốc hiện chưa có một động thái nào để xử lí vấn đề đa văn hóa, nhưng các nhà khoa học, những người đi tiên phong trong nhận thức đã phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội và đã cảnh báo trong Hội thảo khoa học quốc tế Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á, được tổ chức taị Hà Nội ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2008 [3].

     Chúng tôi đã trình bày một số vấn đề có liên quan đến quá trình hình thành nền văn hóa của Australia và Hàn Quốc. Tình hình văn hóa ở hai quốc gia này (cũng là tình hình chung của các quốc gia trên thế giới) là các quốc gia đa văn hóa (được hiểu là nền văn hóa được hình thành từ nhiều yếu tố văn hóa của các tộc người). Từ thực tế của Australia và Hàn Quốc có thể nêu lên một sự so sánh giữa hai nền văn hóa này.

3. Một góc nhìn so sánh

     3.1. Quá trình hình thành quốc gia dân tộc

     Dân tộc Australia được hình thành là quá trình cố kết của ba cộng đồng dân cư (hiểu theo một ý nghĩa tương đối) là: cộng đồng cư dân bản địa, cộng đồng cư dân có nguồn gốc châu Âu (nòng cốt là ngưới Anh) và cộng đồng cư dân di cư từ các châu Phi, châu Á. Quá trình hình thành dân tộc Hàn, là một trong ít những trường hợp hiếm hoi của lịch sử nhân loại, mà thành phần tương đối thuần nhất xét về khía cạnh tộc người. Như vậy, xét về dân tộc thì ngay từ khi hình thành đã là quốc gia đa tộc người, còn Hàn Quốc cho đến những năm gần đây vẫn là quốc gia dân tộc một tộc người. Trong tình hình đó, cư dân Australia luôn có 2 ý thức: ý thức tự giác tộc người (có thể không đậm nét) và ý thức tự giác dân tộc. Ở người Hàn ý thức tự giác tộc người và ý thức tự giác dân tộc là một. Đây là cơ sở để hình thành chủ nghĩa dân tộc, làm cho tính cố kết tộc người của người Hàn Quốc chặt chẽ hơn tính cố kết tộc người của người Australia.

     3.2. Về sự hình thành đa văn hóa

     Do quá trình hình thành dân tộc Australia khác với quá trình hình thành dân tộc Hàn Quốc. Vì vậy, nếu ở Australia ngay từ khi hình thành quốc gia dân tộc thì cũng là lúc hình thành đa văn hóa, còn tại Hàn Quốc là những năm gần đây, khi số lượng người nước ngoài tăng nhanh, làm xuất hiện những ‘gam màu’ mới trong thành phần cư dân cũng như những nét văn hóa. Văn hóa Australia là văn hóa được hình thành từ các giá trị văn hóa của các thành phần dân cư góp phần hình thành dân tộc Australia. Tính đa sắc màu của văn hóa Australia thể hiện rõ nét ngay từ khi khởi đầu. Trái lại, tính đa sắc của nền văn hóa Hàn Quốc chỉ được hình thành trong những năm gần đây. Ở trường hợp Hàn Quốc thì văn hóa tộc người và văn hóa dân tộc trùng khớp, làm nên tính cố kết hơn nhiều so với văn hóa Australia.

     3.3. Một sự nhìn nhận

     Ở Astralia đa văn hóa đã tồn tại từ lâu, nhưng những nhà nước của người da trắng với chính sách phân biệt chủng tộc đã không thừa nhận thực tế lịch sử này. Trong nhiều năm, bằng chính sách phân biệt chủng tộc, văn hóa của các bản địa cũng như từ các châu khác di cư đến góp phần phát triển kinh tế Australia, nhưng đã bị nằm ngoài dòng chảy phát triển chung. Cho đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, chính phủ của người da trắng mới thừa nhận sự đa văn hóa trong xã hội Australia. Để có thể buộc chính phủ của người da trắng thừa nhận một thực tế lịch sử cư dân da màu ở Australia đã trải qua hàng trăm năm đấu tranh bằng cả xương máu và mồ hôi. Còn ở Hàn Quốc trong suốt chiều dài lịch sử luôn là quốc gia mà thành phần tộc người tương đối thuần nhất. Đó là cơ sở hình thành một nền văn hóa thống nhất, mà sự khác biệt giữa các địa phương, nếu có, thì cũng rất mờ nhạt. Đa văn hóa ở Hàn Quốc xuất hiện trong những năm gần đây. Tuy vậy, những yếu tố văn hóa ngoại nhập, nhân tố làm nên đa văn hóa ở Hàn Quốc lại chưa đủ mạnh để có vị trí trong xã hội Hàn Quốc.

     Quá trình hình thành hai quốc gia dân tộc Australia và Hàn Quốc diễn ra khác nhau, đã dẫn đến sự hình thành hai nền văn hóa cũng rất khác nhau. Đa văn hóa ở Australia, được hình thành ngay từ khi hình thành Australia với tư cách là một nhà nước. Nhưng do thái độ phân biệt chủng tộc, nên các chính phủ của người da trắng không thừa nhận sự thật lịch sử và có hành vi ứng xử không bình đẳng trong nhiều năm. Trong những năm 70 của thế kỉ XX, chính phủ Australia đã có những thay đổi trong chính sách với cộng đồng da màu, đang sinh sống tại Australia. Chính sách đa văn hóa ra đời, một mặt thừa nhận sự đa dạng về văn hóa ở Australia. Đó là sự đa văn hóa bắt nguồn từ sự đa dân cư. Mặt khác, chính sách đa văn hóa cũng phản ánh xu hướng phát triển của thời đại, khi mà các tộc người đều bình đẳng với nhau và tộc người nào cũng có những giá trị văn hóa, tộc người nào cũng có khả năng sáng tạo văn hóa. Quá trình hình thành dân tộc Hàn diễn ra trong một bối cảnh không gian xã hội hoàn toàn khác. Sự thuần nhất về thành phần tộc người đã dẫn đến sự đồng nhất về phương diện văn hóa. Đa văn hóa ở Hàn Quốc xuất hiện trong thế giới đương đại với sự giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Một nhận thức đúng đắn về đa văn hóa của Hàn Quốc sẽ có một định hướng đúng trong việc xây dựng một niềm tin của cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Cho, Jeong-Bong, Immigration and Education: the study on the form of Korean peoples life, Kỉ yếu Hội thảo khoa học: Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á , tr. 205 – 217.

     [2] Cho, Jeong-Bong, Multiculture. Identity and Education in Korea, Tóm tắt báo cáo tại Hội thảo: Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á , tr. 61 (bản tóm tắt).

     [3] Kỉ yếu Hội thảo khoa học Hàn Quốc học khu vực châu  Á –Thái Bình Dương lần thứ IX: Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á, tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 25 và 26 thng 11 năm 2008.

     [4] Lee, Janghwan và các tác giả, The Pattern of the Presentation of Medi and Discourses Analysis: Focus on Multi – Culturalism of Comtemporary Suoth Korea, tóm tắt báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế: Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á, tr. 62.

     [5] Ngô Văn Lệ, Văn hóa Australia nhìn từ lịch sử hình thành dân tộc Australia, in trong sách Nghiên cứu Australia, Nxb Giáo dục, 1999, 114 – 126.

     [6] Ngô Văn Lệ, Tộc người và văn hóa tộc người, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM 2004; Ngô Văn Lệ, Làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ, Hội thảo khoa học quốc tế Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: cách tiếp cận nhân học, Bà Rịa – Vũng Tàu, thng 12 năm 2007; Ngô Văn Lệ, Các tôn giáo bản địa và ảnh hưởng của nó đến văn hóa người Việt Nam Bộ, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Nam Bộ thời cận đại, Cần Thơ, tháng 3 năm 2008.

     [7] Phan An, Trở lại chuyện phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, Tập san Khoa học xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 6/2007.

     [8] Trần Ngọc Thêm, Tính cách văn hóa Korea nhìn từ Việt Nam, Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á, tr. 61 -71.

Nguồn: Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 2 – 2011

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đa văn hóa ở Australia và Hàn Quốc một góc nhìn so sánh
(Tác giả: Ngô Văn Lệ)