Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

THE CHARACTERISTICS OF THE WORSHIP OF HUNG KINGS
IN PHU THO PROVINCE

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN CHÍ BỀN
(Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)

1.

     Như tất cả các thành tố của văn hóa dân gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, trong quá trình phát triển của mình, cũng đã chịu ảnh hưởng, tác động của các yếu tố xã hội, lịch sử. Những gì chúng ta quan sát thấy về tín ngưỡng này hôm nay đều là sự quan sát trên lát cắt đương đại. Trong dòng sông thời gian cùng không gian, tín ngưỡng này có sự vận động và biến đổi. Chính sự vận động và biến đổi ấy tạo cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có những đặc điểm riêng so với các tín ngưỡng khác trong tâm thức dân gian người Việt. Nói khác đi tí chút, chính những đặc điểm riêng ấy tạo ra giá trị cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.


2.

     Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn bó với một không gian rất cụ thể, mà trên ranh giới địa lý đương đại là tỉnh Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, với phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp tĩnh Sơn La, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Đông Nam giáp thành phố Hà Nội.

     2.1

     – Thực ra, tên tỉnh Phú Thọ mãi đến năm 1903 mới xuất hiện, do sự đổi tên của tỉnh Hưng Hóa mà thành. Biến đổi ranh giới địa lý của tỉnh Phú Thọ trong lịch sử có phần không đơn giản. Thời tiền sử, vùng Phú Thọ nằm trong bộ Văn Lang, một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang mà theo truyền thuyết gắn bó với Hùng Vương. Thời sơ sử, vùng Phú Thọ thuộc huyện Mê Linh. Trong thời Bắc thuộc, Phú Thọ thuộc quận Mê Linh, Tàn Xương, Phong Châu. Bắt đầu từ thế kỷ thứ x, cơ cấu hành chính của nhà nước Đại Việt có nhiều thay đổi, chế độ quận huyện của thời kỳ bị người phương Bắc đô hộ được thay đổi bằng các đạo (lộ, trấn, xứ, tỉnh), dưới đạo là các phủ, châu, huyện thì vùng Phú Thọ thuộc lộ Tam Giang. Từ thời nhà Lê (1428 – 1788) đến thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), trừ huyện Thanh Xuyên (nay là các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Thanh Thủy) và huyện Yên Lập (phủ Quy Hóa) thuộc tỉnh Hưng Hóa, phần lớn tỉnh Phú Thọ hiện nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Người Pháp vào xâm lược Việt Nam, năm 1891, Toàn quyền Đông Dương đã thành lập tỉnh Hưng Hóa mới, với các huyện Tam Nông, Thanh Thủy của tỉnh Hưng Hóa cũ và các huyện Sơn Vi, Thanh Ba và Phù Ninh của phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây. Năm 1903, tỉnh Hưng Hóa được đổi thành tỉnh Phú Thọ gồm hai phủ: Lâm Thao và Đoan Hùng; 8 huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hạc Trì; và hai châu: Thanh Sơn, Yên Lập. Năm 1968, hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1996, hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc lại được tái lập. Đến nay, tỉnh Phú Thọ gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Yên Lập, với 277 xã/phường/thị trấn.

     Biến đổi ranh giới địa lý ấy của tỉnh Phú Thọ trong lịch sử tạo ra vị thế địa – văn hóa của chính vùng đất Phú Thọ trong lịch sử Việt Nam.

     2.2

     Trong quan niệm của nhiều nhà địa lý, Phú Thọ là một tỉnh trung du, nơi hội tụ của ba dòng sông: sông Hồng (sông Thao), sông Lô, sông Đà. Nếu hình dung châu thổ Bắc Bộ như một hình tam giác với cạnh đáy là vịnh Bắc Bộ thì đỉnh của tam giác ấy là Việt Trì. GS. Trần Quốc Vượng từng có nhận xét khá chính xác: “Đồng bằng Bắc Bộ với diện tích hiện tại khoảng 15.000 – 16.000km2, được hình thành chủ yếu theo con đường tam giác châu… sông Hồng dài 1.150km, trong đó có 510km nằm trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại. Đó là một con sông tương đối lớn và mạnh (tới 30,000m3/giây), chuyên chở một lượng phù sa khổng lồ, tính ra tới 130 triệu tấn/năm. Và, Việt Trì là cái đỉnh nón phóng vật đầu tiên của dòng sông này, còn ngã ba sông Hồng – sông Đuống (cửa Dâu) gần cổ Loa là cái đỉnh thứ hai và thị xã Hưng Yên là cái đỉnh thứ ba hiện tại của tam giác châu sông Hồng mà cạnh đáy nằm ven biển từ Yên Lập (Quảng Ninh) tới Nho Quan (rìa Ninh Bình). “Sông Hồng” được hiểu như một “ hệ” (système). Vậy Việt Trì và vùng xung quanh – tức là Vĩnh Phú là vùng đỉnh xưa nhất của tam giác châu Sông Hồng”1.

     Vị thế địa – văn hóa, địa – chính trị của Việt Trì và vùng Phú Thọ liên quan đến quá trình người Việt chinh phục dòng sông Hồng, bắt đầu khai phá châu thổ Bắc Bộ.

     2.3

     Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX chứng kiến những thành tựu to lớn của giới khảo cổ nước ta ở vùng Phú Thọ. Năm 1968, các giáo sư và sinh viên khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát hiện văn hóa Sơn Vi, với niên đại C14: 10.000 – 20.000 năm cách ngày nay vào cuối thời đá cũ2. Theo GS. Hà Văn Tấn: “văn hóa Sơn Vi là một văn hóa trước thời đại đá mới và sau sơ kỳ thời đại đá cũ”3. Sau văn hóa Sơn Vi là nền văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên mà đến nay tại Phú Thọ đã phát hiện hơn 40 di tích. Cùng với nền văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên, Phú Thọ còn có các nền văn hóa khảo cổ Đồng Đậu, Gò Mun4. Đáng lưu ý là di chỉ khảo cổ làng Cả. Từ năm 1960 đến năm 1980, các nhà khảo cổ học đã thám sát và hai lần khai quật với tổng diện tích 6.589m2, phát hiện 311 ngôi mộ Đông Sơn. Các nhà khảo cổ học đã thống nhất nhận định, trước khi trỏ thành một khu mộ táng, làng Cả đã là một khu di chỉ cư trú, một trung tâm trung du của văn hóa Đông Sơn. Nhận xét về quan hệ giữa các nền văn hóa khảo cổ này, Cung Đình Thanh, nhà nghiên cứu người Việt ở Australia, cho rằng văn hóa đồng thau từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn chia làm ba giai đoạn: văn hóa Phùng Nguyên, khoảng thế kỷ XV trước Công nguyên; văn hóa Đồng Đậu và Gò Mun thuộc các thế kỷ XIV, XIII và XII trước Công nguyên; và văn hóa Đông Sơn phát triển đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ thứ VII, VI trước Công nguyên5.

     Nhắc lại những cứ liệu của các nhà khảo cổ để thấy rằng: Phú Thọ là một trong những vùng gắn bó với sự sinh thành của nhà nước ở khu vực châu thổ Bắc Bộ thời sơ khai: “Miền trung du chính là khởi điểm địa lý của sự hình thành nhà nước sơ khai ở Việt Nam”6. Và, “Việt Trì – Bạch Hạc, trung du là trung tâm địa – chính trị của nhà nước Việt Nam cổ đại thời cách mạng luyện kim đồng – sắt”7. Trong tâm thức dân gian, nhà nước ấy gắn liền vối Hùng Vương, gắn liền với nhà nước Văn Lang cổ đại. Phải có tiền đề lịch sử ấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới có thể hình thành và phát triển. Bởi lẽ, thực chất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự tưởng niệm lịch sử của các thế hệ sau với công lao của tổ tiên.

3.

     Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là một tín ngưỡng có vị thế đặc biệt trong tâm thức dân gian của người dân ở Phú Thọ.

     3.1

     Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là kết quả của quá trình biến đổi, lắng đọng các lớp phù sa văn hóa – tín ngưỡng khác nhau, d0ể trên lát cắt đồng đại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng thờ cúng thủy tổ của dân tộc – quốc gia, không phải chỉ của người Việt nơi châu thổ Bắc Bộ, mà của người Việt ở Trung Bộ, Nam Bộ, một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Hình thành nơi vùng đất trung du, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà chúng ta quan sát được là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên lát cắt đương đại. Lớp văn hóa tín ngưỡng mà chúng ta dễ dàng quan sát thấy tầng văn hóa sâu nhất ở tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng thờ thần núi. Kết quả kiểm kê khoa học năm 2010 – 2011 của nhóm thực hiện công tác kiểm kê khoa học do PGS.TS. Bùi Quang Thanh làm trưởng nhóm trên địa bàn của tỉnh Phú Thọ cho thấy, có 46 di tích ở 29 xã, 11 huyện mà nhân vật phụng thờ chính là Hùng Vương, đồng thời lại có 108 di tích khác ở 52 xã, 12 huện thì nhân vật phụng thờ lại mang các mỹ tự: Đột Ngột Cao sơn thánh vương, Ất Sơn thánh vương, Viễn Sơn thánh vương. Bản thân bài vị ở đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh cũng thờ Hừng Vương dưới các mỹ tự này. Thần tích xã Hà Lộc, tổng Khải Xuân, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ghi rõ mỹ tự được tiến phong của Hùng Quốc Vương là Thánh tổ Hùng Vương Nam thiên thượng thánh tiền hoàng đế khai quốc hồng đồ, đột ngột cao sơn, cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế vương; mỹ tự được tiến phong của Hùng Hi Vương (chi Cấn) là Hùng Vương viễn sơn thánh vương, ân trạch phổ huệ thánh vương; mỹ tự được tiến phong của Hùng Hi Vương (chi Tốn) là Hùng Vương Ất Sơn thánh vương trợ thắng công bình hoàng đế. Thần tích xã Vi Cương cũng ghi các mỹ tự của các vị Hùng Vương này như vậy. Tầng văn hóa tín ngưỡng về sau đã hội nhập giữa tín ngưỡng thờ Thần Nông với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

     3.2

      Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng phát triển giữa hai chiều lực tác động: thái độ của các vương triều và thái độ của dân chúng trong lịch sử. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tự bản chất của nó có sự gặp gỡ đồng thuận sâu sắc giữa các vương triều và thái độ của người dân. Vị thế của một vị thánh vương, với tư cách là một thủy tổ của dân tộc tạo ra sự đồng thuận này. Có thể nhìn nhận thái độ của các vương triều thông qua các hành động của họ. Henri Maspero, trong công trình nghiên cứu của mình đã tin rằng, đền thờ Hùng Vương được thành lập vào thời nhà Trần. Nếu có đền thờ Hùng Vương thời nhà Trần, có lẽ phải xuất hiện sau năm 1313 (năm Hưng Long thứ 21), là thời điểm nhà Trần phong tước hiệu cho các vị thần mà Lý Tế Xuyên ghi chép trong Việt điện u linh. Vương triều có tác động nhiều nhất với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nhà Lê. Bản Ngọc phả “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố biên soạn vào năm Nhâm Thìn (1472), niên hiệu Hồng Đức năm thứ 3 được Hàn lâm thị độc Nguyễn Trọng trùng đính vào năm Canh Tý (1600), niên hiệu Hoằng Định thứ nhất đời vua Lê Kính Tông và Lễ phiên Lê Đình Hoan phụng sao. Có thể thấy, ngọc phả này là văn bản hoàn chỉnh đầu tiên ghi chép đầy đủ về thời Hùng Vương. Cùng với ngọc phả là các thần tích về Hùng Vương. Cho đến nay, ít nhất, chúng ta có thần tích xã Hạ Giáp, xã Thanh Thúy, xã Yên Khê, xã Hà Lộc, xã Tiên Cương, xã Vy Cương, xã Hy Cương, xã Nghĩa Cương, thôn Quế Trạo do các nhà Nho ghi chép về sự tích và việc phụng thờ Hùng Vương. Bên cạnh đó là các lệnh dụ của nhà Lê – Trịnh với các năm Đức Nguyên thứ nhất (1674), năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), của nhà Tây Sơn với lệnh chỉ của vua Quang Trung năm 1789 (Quang Trung năm thứ hai). Nhà Nguyễn (1802 – 1945) nhiều lần phong sắc cho các làng xã thờ cúng Thánh tổ Hùng Vương. Xin đơn cử sắc của vua Gia Long:

     “Sắc chỉ Thanh Ba huyện, Chân Lao xã, viên ấp xã trưởng toàn đẳng xã. Hệ nhĩ xã tòng tiền phụng sự Thánh Tổ Hùng Vương nhất vị, kinh hữu lịch triều gia tôn mỹ tự. Tư chuẩn hứa y cựu phụng sự dĩ thân kính ý.

     Cố sắc!

     Gia Long cửu niên bát nguyệt nhị thập nhất nhật” (Thần sắc làng Chân Lao, tổng Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, FQ 4018/XVI, 45).

      Dịch nghĩa: “Sắc chỉ cho các quan viên, xã trưởng cùng toàn dân xã Chân Lao, huyện Thanh Ba. Vốn bản xã từ trước có phụng thờ một vị Thánh tổ Hùng Vương, từng nhiều lần được các triều trước gia tôn mỹ tự.

     Nay chuẩn cho phụng thờ như cũ để nối rõ thêm ý thành kính!

     Cho nên ban sắc này.

     Ngày 27 tháng 8 năm Gia Long thứ 9 (1810)”.

     Hoặc sắc của vua Tự Đức năm thứ 3 (1850) cho xã này.

     Nét chung của các vương triều này đều coi Hùng Vương là thủy tổ hoặc thánh tổ của Nam Việt. Đồng thời, trước năm 1945, nhà Nguyễn vẫn duy tri việc giao cho quan tỉnh Phú Thọ về chủ trì các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh.

     Sau năm 1945, nhà nước Việt Nam rất coi trọng việc duy trì lễ hội đền Hùng và thờ cúng Hùng Vương ở đền Hùng. Năm đầu tiên của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ, Phó chủ tịch nườc Huỳnh Thúc Kháng đã lên đền Hùng dâng lễ tưởng niệm các vua Hùng. Năm 1956, lễ hội đền Hùng được tổ chức trọng thể. Phóng viên của Tân Hoa xã (Trung Quốc) viết về lễ hội đền Hùng với những lời lẽ trân trọng: “Vua Hùng là tổ tiên và cũng là anh hùng trong lòng người dân Việt Nam, căn cứ theo truyền thuyết thì ông được sinh ra vào triều đại Hồng Bàng tức là vào khoảng hơn 2800 năm trước Công nguyên. Vua Hùng đã có công lớn trong việc đẩy lùi dị tộc xâm lược, đẩy mạnh sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Vì thế, mỗi năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, nhân dân Việt Nam tổ chức những hoạt động kỉ niệm các Vua Hùng”8. Từ ấy đến nay, nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc thờ cúng Hùng Vương từ việc quỵ hoạch khu di tích lịch sử đền Hùng đến quy định ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

     Mặt khác, thái độ của người dân các thế hệ với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại là một chiều lực tác động từ dưới lên khiến tín ngưỡng này phát triển trong lịch sử. Thế kỷ XVII, Nam Việt thần kỳ hội lục cho biết có 73 làng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 11 làng đã có sắc phong. Mấy trăm năm sau, năm 1973, ông Nguyễn Ngọc Chương cung cấp những số liệu thật đáng suy ngẫm: “Nếu chỉ tính từ Việt Trì ngược sông Thao lên đến Hạ Hòa, ngược sông Đà lên đến Thanh Thủy, ngược sông Lô lên đến Đoan Hùng thì ít nhất cũng có thể đếm được 432 di tích, trong đó có đền miếu thờ vua Hùng là 40 nơi, vợ con các vua Hùng là 77 nơi, thờ Cao Sơn, Tản Viên và các tướng lĩnh là 288 nơi và 87 di tích khác có liên quan đến các sự kiện lịch sử thời các vua Hùng”9. Như vậy, bên cạnh việc phụng thờ Hùng Vương ở các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh, Hùng Vương còn là nhân vật được người dân ở các làng quê thuộc tỉnh Phú Thọ trực tiếp thờ cúng. Thái độ tôn kính Hùng Vương, với tư cách là thủy tổ của dân tộc, theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân các thế hệ khiến cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phát triển sâu rộng. Trong hệ thống các tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, khó có tín ngưỡng nào có được đặc trưng ấy. Có lẽ, tính cố kết cộng đồng, nhận thức về một ông Tổ của đất nước là cơ sở tạo ra đặc trưng ấy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Chính tác động của các vương triều trước năm 1945 và của nhà nước hiện nay đã khiến tín ngưỡng này phát triển. Tưởng niệm lịch sử vượt qua xúc cảm tâm lý, niềm tin tín ngưỡng đơn thuần trở thành cảm thức lịch sử – chính trị bền vững, thành một nhận thức lý tính đưa vị thủy tổ của dân tộc, trở thành ông Tổ của một quốc gia. Người dân các vùng miền nhắc nhau:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

     Nói đến một tín ngưỡng là nói đến niềm tin tưởng vào một nhân vật phụng thờ. Nhân vật phụng thờ của tín ngưỡng bao giờ cũng được đẩy vào cõi thiêng vừa huyền ảo, vừa kỳ bí. Và, con đường thiêng hóa nhân vật phụng thờ sẽ là con đường người dân trong trường kỳ lịch sử đã lịch sử hóa và huyền thoại hóa nhân vật phụng thờ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen một cách hài hòa. “Hồi quang của lịch sử” – chữ dùng của Tạ Chí Đại Trường, khiến cho quá trình lịch sử hóa nhân vật phụng thờ này càng đậm đà chất lịch sử. Quả tình, trên dải đất Việt Nam, khó có nơi nào có thể có một vị thế địa – lịch sử như tỉnh Phú Thọ để có cơ hội cho quá trình lịch sử hóa nhân vật phụng thờ phát triển. Nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường có một nhận xét hết sức thú vị: “ký ức tập thể của dân chúng đã lưu giữ hình ảnh về những người cầm đầu một vùng đất nước trước thời ngoại thuộc (trong một hình thức tập hợp chính trị nào đó) mà những dạng thức tương tự, có co rút, có biến đổi một chùng mực- vẫn còn lưu giữ trong suốt thời Bắc thuộc và về sau, khiến cho ký ức thêm củng cố, bền vững”10. Quá trình huyền thoại hóa là cơ sở tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian nói chung, huyền thoại nói riêng ở Phú Thọ. Các tác giả công trình Địa chí Vĩnh Phú văn hóa dân gian vùng đất Tổ hoàn toàn có lý khi phân chia tỉnh Vĩnh Phú cũ (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) thành ba khu vực văn hóa dân gian: khu vực Hùng Vương, khu vực Thánh Tản, khu vực Hai Bà Trưng và đánh giá: “ở khu vực Hùng Vương chằng hạn, chúng ta thấy xuất hiện dày đặc những truyền thuyết, cổ tích, thần tích về 18 đời vua Hùng… Hội hè ở đây cũng là những cuộc tế lễ, những diễn xướng dân gian xung quanh các sự tích liên quan đến chủ để dựng nước, ở đây còn có nhiều hình thức hát múa, lễ thức, phong tục gắn với cuộc sống xa xưa nhất như múa tùng dí, rước tiếng hú, tế nõ nường, rước ông Khiu, bà Khiu, tiệc trâu, tiệc bánh dầy, bánh mật….”11, cả hai quá trình này tương tác lẫn nhau, càng làm cho nhân vật phụng thờ có tín ngưỡng càng thêm thiêng liêng. Trong tâm thức dân gian cúa cộng đồng cư dân Phú Thọ, Hùng Vương vừa là vị thủy tổ, vừa là Thánh vương, vừa là người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại gần gũi, có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống của cuộc đời của mỗi con người, trong cuộc sống của cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên của mùa vụ. Vì thế, người dân làng Trẹo (nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) có lễ hội rước Hùng Vương từ các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết vào ngày 24 tháng Chạp. Bởi họ coi các vua Hùng như một thành Viên không thể thiếu vắng trong dịp dân làng ăn Tết Nguyên đán.

     3.4

     Phú Thọ, do vị thế địa – chính trị, địa văn hóa của nó, trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từ đây, tín ngưỡng này lan tỏa ra mọi miền đất nước. Có thể thấy quá trình lan tỏa ấy ở hai đợt sóng khác nhau. Từ vùng đất cội nguồn, tín ngưỡng này lan tỏa ra một số địa phương ở Bắc Bộ. Rồi từ đây, trong hành trang của cư dân mở nước về phương Nam, có tâm lý hướng về nguồn cội.

     Bởi vậy, các lưu dân Việt trên đất Trung Bộ, rồi Nam Bộ đã xây dựng những đền thờ Hùng Vương tại đây, để thực thi tín ngưỡng của mình. Bởi vậy, có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình hội tụ và lan tỏa; lan tỏa và hội tụ, trở thành tín ngưỡng của cả một tộc người, một quốc gia có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian đến hôm nay.

Lời kết

     Kết thúc công trình Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, GS. Hà Văn Tấn viết: “không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng, có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm”12. Tôi nghĩ rằng, đó là chiêm nghiệm đáng kính của một nhà khảo cổ học hàng đầu ở Việt Nam về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên lát cắt đương đại. Như một dòng chảy từ quá khứ xa mờ của lịch sử đến hôm nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã vận động, tiếp nhận những lớp phù sa văn hóa – tín ngưỡng khác nhau trong sự tác động của các lực từ các chiều kích khác nhau, đã hội tụ và lan tỏa, để trở thành động lực của sự nghiệp thống nhất, đoàn, kết dân tộc trong một tiếng nói chung của con Lạc cháu Hồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Thuận Hóa tái bản, Huế, 1994.

2. Phạm Xuân Độ, Phú Thọ tỉnh chí, Nam Kỳ xuất bản, H, 1939.

3. Lê Văn Hảo, Hành trình về thòi đại Hùng Vương dựng nước, Thanh Niên, H, 1982.

4. Nguyễn Duy Hình, Văn minh Lạc Việt, Nxb. VHTT, H, 2004.

5.  Ngô Quang Nam – Xuân Thiêm chở biên, Địa chí Vĩnh Phú, văn hóa dân gian vùng đất Tổ, Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú.

6. Nhiều tác giả, Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao Phú Thọ và Hội Văn Nghệ dân gian Phú Thọ, tập 3, 2002.

7. Nhiều tác giả, Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ, Sở Văn hóa – Thông tin và Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xuất bản, 2005.

8. Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng, Thời đại Hùng Vương, in lần thứ hai, Nxb. KHXH, H, 1976.

9. Hà Văn Tấn (chủ biên), Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, KHXH, H, 1994.

10. Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hóa cổ, KHXH, H, 1997.

11. Cung Đình Thanh, Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học, Tư tưởng, Sydney, Australia, 2003.

12. Lê Tượng, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Hoàng Oanh, Nước Văn Lang thời đại các vua Hùng, Sở Vãn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội sử học tỉnh Phú Thọ xuất bản, 2009.

13. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Văn Nghệ xuất bản, USA, 1989.

14. Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Văn học xuất bản, USA, 1999.

15. Trần Quốc vượng, Theo dòng lịch sử, những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Văn hóa, H, 1996.

16. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, VHDT, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, K 2000.

17. Trần Quốc Vượng, Môi trường, con người và văn hóa, VHTT và Viện Văn hóa, 2005.

18. K.W Taylor, The birth of Vietnam, University of Caitfonia press USS, 1989, bản tiếng Việt với tên Việt Nam khai quốc của Da Màu.

19. O.W. Wolters, “Narrating the fall of the Ly and the rise of the Tran Dynasties (Sự suy vong cua nhà Lý và sự hưng khởi của nhà Trần)”, bản tiếng Việt của nhiều tác giả in trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Trẻ và tạp chí Xưa và Nay, 2001.

20. O.W. Wolters, “Sự thịnh trị về văn hóa của Việt Nam thế kỷ XIV”, bản tiếng Việt của nhiều tác giả in trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Sđd, 2001.

     Chú thích:

1. Bài “Vĩnh Phú, vị thế địa – chính trị và bản sắc địa- văn hóa”, in trong tập Theo dòng lịch sử, Văn hóa, H, 1996, tr. 72 – 73.

2. Trần Quốc Vượng, Sđd, 74.

3. Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hóa cổ, KHXH, H, 1997, tr. 223.

4. Xin xem Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hóa cổ, KHXH, H, 1997, từ tr. 447 – 593.

5. Xin xem Cung Đình Thanh, Tim về nguồn gốc văn minh Việt Nam, dưới ánh sáng mới của khoa học, Tư tưởng, Sydney, Australia, 2003, tr. 141.

6. Trần Quốc Vượng, Môi trường, con người và văn hóa, VHTT và Viện Văn hóa, H, 2005, tr. 123.

7. Trần Quốc Vượng, Theo dòng lịch sử, những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Văn hóa, H, 1986, tr. 82.

8. Xã luận của Tân Hoa Xã tân văn cảo số 2147, năm 1956; Tư liệu của dự án xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, viện VHNTVN, bản thảo vi tính.

9. Bài “Về tỉnh hình phân bố các di tích lịch sử thuộc thời các vua Hùng”, in trong Hùng Vương dựng nước, tập 3, Nxb. KHXH, H, 1973, tr. 127.

10. Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, bản mới, Văn học xuất bản Califonia, USA, 2000, tr. 138.

11. Ngô Quang Nam – Xuân Thiêm, Địa chí Vĩnh Phú văn hóa dân gian vùng đất Tổ, Sở Văn hóa – Thông tin Vĩnh Phú xuất bản, 1986, ír. 57.

12. Hà Văn Tấn chủ biên, Văn hóa Đông Sơn ở việt Nam, KHXH, H, 1994, tr. 429.

x
x x

From the viewpoint of folk belief is a cultural object that operated in space and time, and from the geo-culture, geo-politics, the worship of Hung kings is the worship of national ancestors. This belief had developed from the unity of dynasties and ordinary people in history. It is a belief of both convergence and spread, and is a harmonious result of the process of histoncalization and mythicalization.

Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, số 2 (35) – 2011

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF bản cứng): Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
(Tác giả: PGS.TS Nguyễn Chí Bền)