Đặc điểm SỬ DỤNG của UYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT (Phần 2)
5. Mức độ, phạm vi sử dụng uyển ngữ
5.1. Uyển ngữ được dùng nhiều giữa cấp trên và cấp dưới
Cấp trên và cấp dưới là chỉ mối quan hệ giữa ông chủ và nhân viên, thầy giáo và học sinh, người lớn và trẻ nhỏ, bố mẹ và các con. Bố mẹ trước mặt các con, thầy cô giáo trước mặt học sinh, người lớn trước mặt trẻ con thường chú ý đến tôn nghiêm của mình đồng thời cũng nghĩ đến trách nhiệm giáo dục, thường rất thận trọng trong lời nói, do vậy họ thường dùng rất nhiều uyển ngữ cũng như những lời nói lịch sự, nhưng với người cùng lứa, người thân, bạn bè, do quan hệ thân mật nên rất ít dùng uyển ngữ.
5.2. Uyển ngữ được sử dụng nhiều trong giao tiếp khác giới, nữ giới dùng uyển ngữ nhiều hơn nam giới
Trong giao tiếp xã hội, ngôn từ cử chỉ của con người với đối tượng khác giới khá nhạy cảm, do vậy họ thường để ý đến thể diện bản thân và sự uyển chuyển của ngôn từ khi đối diện với những đối tượng khác giới. Nữ giới có xu hướng sử dụng uyển ngữ nhiều hơn nam giới, điều này có lẽ vì trước giờ phụ nữ thường lép vế so với nam giới, do vậy họ thường chú ý đến ngôn từ cử chỉ của mình. Mọi người thường cho rằng nam giới có phần tuỳ tiện hơn, thô lỗ chút cũng vẫn chấp nhận được, nhưng đối với nữ giới thì lại không dễ dàng như vậy, có khi còn khá hà khắc. Nữ giới có tâm lí khá đặc biệt, khi nói chuyện với người khác thường tỏ ra ý nhị, như thế nữ giới để bảo vệ hình ảnh tốt đẹp trong mắt người khác nên sẽ hay dùng uyển ngữ hơn. Ví dụ, khi nói chuyện nữ giới sẽ hay dùng những uyển ngữ như: “tôi nghĩ, tôi cảm thấy, tôi cho rằng,…” để diễn đạt cách nghĩ của mình, khi biểu đạt ý kiến, thỉnh cầu hoặc điều gì không hài lòng họ thường dùng những câu như: “Em thấy anh nên …”, “Em nghĩ tốt nhất là anh …”
Khi con người giao tiếp với bạn khác giới, họ hay dùng uyển ngữ hơn là với bạn cùng giới, nữ dùng uyển ngữ nhiều hơn nam. Trong giao tiếp khác giới, do sự ảnh hưởng của yếu tố tâm sinh lí, đôi bên đều rất trau truốt lời nói cử chỉ của mình, đều muốn để lại một hình ảnh đẹp cho đối phương. Nam giới thì muốn tạo ra một phong cách lịch lãm, nữ giới thì muốn tạo ra một hình ảnh thục nữ đoan trang, họ đều chú ý sử dụng uyển ngữ để toát lên phẩm hạnh, sự nho nhã của bản thân.
5.3. Uyển ngữ thường được dùng trong lĩnh vực chính trị và khoa học xã hội, còn trong giới khoa học tự nhiên thì được dùng rất ít
Điều này xuất phát từ yêu cầu đặc trưng của từng môn khoa học. Tính chủ quan trong nghiên cứu của khoa học xã hội hoàn toàn khác với của khoa học tự nhiên, yêu cầu nghiêm ngặt về độ tỉ mỉ, tính chính xác, nhấn mạnh đến sự thực khách quan, hoàn toàn không có tính chủ quan, yêu cầu ngôn ngữ miêu tả có tính chính xác nên trong tất cả các văn bản, sách nghiên cứu của khoa học tự nhiên hoàn toàn không có bóng dáng của uyển ngữ. Đối với một sự việc, các học giả có xuất phát điểm khác nhau, góc độ quan sát, cũng như phương pháp nghiên cứu khác nhau, tự nhiên cách nhìn cũng khác nhau. Đặc biệt các thuyết khách làm việc trong lĩnh vực chính trị, lịch sử cũng như văn học, rất ít thấy họ dùng uyển ngữ.
5.4. Uyển ngữ được dùng ít hơn trong giới trí thức
Con người thường cho rằng, càng được giáo dục cao họ càng chú ý đến ngôn từ của bản thân, càng dùng nhiều uyển ngữ. Tôi cho rằng, ý kiến này có chút phiến diện. Thường thì những người được giáo dục cao so với những người có mức độ giáo dục thấp hơn thậm chí không được học hành xét về phương diện ngôn ngữ cử chỉ đúng là có chút văn minh hơn, nhưng sự thực này đang tồn tại: Những người càng được giáo dục cao sẽ càng có tư tưởng phóng khoáng, đối với một số người, họ còn không kiêng kị. Ngược lại, những người địa vị xã hội không cao, trình độ văn hoá thấp để thể hiện sự văn minh của mình lại sử dụng uyển ngữ rất nhiều.
6. Kết luận
Uyển ngữ là từ hoặc ngữ, cách nói năng được sử dụng thay thế những từ ngữ và cách nói năng được coi là chưa nhã nhặn, quá trực tiếp, dung tục, chướng tai gai mắt hay thô thiển trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong quá trình giao tiếp, sử dụng uyển ngữ có thể làm cho người nghe cảm giác thấy thoải mái, thân thiện, lễ toàn chu đáo. Sử dụng uyển ngữ hoàn toàn phù hợp với những chuẩn tắc này, nếu sử dụng uyển ngữ không đúng hoặc sử dụng lời nói quá thẳng thắn không coi trọng uyển ngữ đều vi phạm nguyên tắc lễ phép. Trong giao tiếp chúng ta sử dụng uyển ngữ là để biểu đạt giao tiếp thành công, có được hiệu quả của một cuộc giao tiếp tốt, cho nên luôn phải chú ý trong việc sử dụng chiến lược giao tiếp, chúng ta cố gắng nhân nhượng người khác mà hạ thấp mình, giành được sự thống nhất và đạt được sự hài hoà của người khác, tìm điểm tương đồng và giữ lại điểm bất đồng. Do vậy có thể thấy sử dụng uyển ngữ là để tăng thêm sự dung hoà mối quan hệ giữa hai bên khi giao tiếp, đạt được sự giao tiếp thành công.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. Nguyễn Chiến, Uyển ngữ xét từ góc độ lịch sử và cấu tạo, Ngữ học trẻ, 1996, tr. 170-173.
2. Bằng Giang, Tiếng Việt phong phú, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1997.
3. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
4. Đinh Trọng Lạc, 99 Phương tiện và biện pháp tu tù tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
5. Lê Quang Thiêm, Ngữ nghĩa học, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2006.
6. Hà Hội Tiên, Dạy học uyển ngữ tiếng Hán cho sinh viên Việt Nam, Hội thảo quốc tế, 2009.
7. Hà Hội Tiên, Uyển ngữ và chức năng giao tiếp của uyển ngữ, Từ điển học & Bách khoa thư số 5, 2013.
8. Trương Viên, Hoàn cảnh kinh tế xã hội và việc sử dụng uyển ngữ trong tiếng Anh-Mĩ và tiếng Việt, Ngữ học trẻ, 2000.
9. Trương Viên, Uyển ngữ trong lĩnh vực chiến tranh và quan hệ quốc tế, Ngữ học trẻ, 2002.
B. Tiếng nước ngoài
10. Burchfield, R., An Outline History of Euphemism in English, Fair of Speech, Ed.D.J.Enright, Oxford University Press, 13-31, 1985.
11. Enright, J, Fair of Speech, the Uses of Euphemism, New York: Oxford University Press, 1985.
12. Halliday, M.A.K, The Users and Uses of Language, Readings in the Sociology of Language. Ed.J.A.Fishman, The Hague: Mouton, 139-169, 1968.
13. Leech, G.H, Semantics, Second Edition, Harmandsworth: Penguin Books, 1981.
14. Leech, G.H, Principles of Pragmatics, London: Longman, 1983.
15. Rawson, Hà Nội, A Dictionary of Euphemisms and Other Douletalk, New York: Crown Publishers, 1981.
16. 陈玉玲,英汉委婉语的语用心理, 《武警工程学院学报》第 4 期:74-76, 2003
17. 李军华,汉语委婉语研究, 中国社会科学出版社。, 2010
18. 刘文贞,外交委婉语的语用原则及翻译一 以外交部新闻发布会为例, 长春理工大学学 报 (社会科学版) 第26卷第1期
19. 彭 莉,委婉语的社会语用功能, 《池州师专学报》第 4 期:130-131, 2004
20. 阮玉水,汉越死亡委婉语比较研究, 硕士学位论文, 2012.
21. 王雅军主编,实用委婉语词典, 上海辞书出版社, 2005
22. 王立廷主编,委婉语, 现代汉语文化语汇丛书,新华出版社, 1996
23. 张竞碧,政治活动中的英语委婉语,《湖北工学院学报》第 5 期:77-80, 2003
Xem lại: Đặc điểm SỬ DỤNG của UYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT (Phần 1)