ĐẶC TRƯNG CẤU TẠO LỚP ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THĂNG LONG _ HÀ NỘI TK 19 (Phần 1)
NGUYỄN THỊ VIỆT THANH
(PGS TS, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – ĐHQG Hà Nội)
1. Địa danh và địa danh đơn vị hành chính Thăng Long – Hà Nội
Thuật ngữ địa danh có nguồn gốc từ một từ Hi Lạp cổ là Toponima hay Topoma. Địa danh chịu sự chi phối của những quy luật ngôn ngữ chung, mang đặc trưng của một ngôn ngữ cụ thể (quy tắc kết hợp từ, cấu tạo ngữ pháp, phát âm…), đồng thời lại có những quy tắc riêng trong cấu trúc nội tại của nó (phương thức định danh, quy tắc cấu tạo phức thể địa danh). Địa danh không phải là một thực thể bất biến mà luôn thay đổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như địa lí, lịch sử, văn hoá. Sự ra đời của một địa danh thường chịu ảnh hưởng của 2 nhân tố: nhân tố địa lí và nhân tố xã hội (gồm các yếu tố như nhân văn, văn hoá lịch sử và chính trị). Vì vậy địa danh không chỉ được nghiên cứu như là một cá thể riêng biệt mà còn phải đặt nó gắn liền với các điều kiện lịch sử, xã hội, văn hoá, địa lí,…
Mỗi nhà nghiên cứu tuỳ theo cách tiếp cận mà đưa ra những cách phân loại khác nhau. Có thể chia thành hai khuynh hướng cơ bản. Khuynh hướng thứ nhất tập trung phân loại bản thân đơn vị địa danh trên cơ sở nguồn gốc ngôn ngữ và đối tượng mà địa danh phản ánh. Khuynh hướng thứ hai đưa ra cách phân loại dựa trên động cơ đặt tên (motivations of naming) của các chủ thể định danh chứ không dựa trên các đặc tính hiện hữu của các đơn vị địa danh. Một trong những đại diện của khuynh hướng này là Jan Tent, David Blair và ANPS (Australia National Place Names Survey). Theo Jan Tent và David Blair, cách phân loại này đạt được hai mục đích: Phải đưa ra được đầy đủ các phạm trù để có thể bao chứa được tất cả các kiểu địa danh và bảng phân loại phải thể hiện các sự khác biệt về động cơ định danh và các phạm trù phải không được loại trừ lẫn nhau. Với việc sử dụng thủ pháp lưỡng phân thành sơ đồ hình cây của ngôn ngữ học, kết quả phân loại của Jan Tent, David và các nhà nghiên cứu của ANPS được coi là những cách phân loại hiệu quả trong ngành địa danh học hiện nay.
Khi tiếp cận hệ thống địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội thế kỉ XIX, bên cạnh việc mô tả, phân loại các sản phẩm địa danh, chúng tôi đặc biệt chú ý tới các phương thức cấu tạo địa danh, qua đó tìm hiểu động cơ, mục tiêu và cả phương thức tư duy của chủ thể định danh thuộc triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, khi xây dựng tên gọi cho các đơn vị hành chính.
Địa danh hành chính là tên gọi của các đơn vị hành chính trong chính quyền địa phương, đối lập với chính quyền trung ương, bao gồm từ các đơn vị tỉnh/thành phố đến quận/huyện, phường/ xã… Sự khác biệt quan trọng của địa danh hành chính so với các địa danh khác ở tính chính thức, do chính quyền quy định chứ không hình thành một cách tự phát, có khả năng biến đổi thường xuyên cùng với những thay đổi về tổ chức hành chính hoặc do những biến đổi về phương diện chính trị.
Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, việc tổ chức các đơn vị hành chính có thể không đồng nhất. Sau khi thống nhất đất nước, thiết lập quyền thống trị của vương triều, năm 1802, triều Nguyễn quyết định chuyển Kinh đô vào Huế. Các cấp hành chính được tổ chức có sự khác biệt nhất định giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong.
– Ở Đàng Ngoài, các cấp hành chính là trấn → phủ → huyện → tổng → xã.
– Ở Đàng Trong, các cấp hành chính trấn → dinh → huyện → tổng → xã.
Riêng đối với Thăng Long – Hà Nội, khái niệm đơn vị hành chính bao gồm các cấp lần lượt là tỉnh → phủ → huyện → tổng → phường. Phường là đơn vị hành chính cơ sở đặc trưng riêng của Thăng Long.
Giai đoạn từ năm 1802 – 1831, Thăng Long, phủ Hoài Đức gồm 2 huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương. Huyện Thọ Xương có 8 tổng, gồm 193 phường, thôn, trại. Huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, gồm 56 xã, thôn, phường, trại.
Giai đoạn từ năm 1831 – 1888 (trước khi Pháp lấy đất xây dựng phố): Cùng với công cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh, tên gọi Hà Nội lần đầu tiên xuất hiện, bao gồm 4 phủ Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hoà, Lí Nhân và 15 huyện. Tuy nhiên, hạt nhân của Hà Nội vẫn là hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương. Toàn bộ tên gọi các tổng của huyện Thọ Xương thay đổi, thành tổng Vĩnh Xương, Kim Liên, Yên Hoà, Thanh Nhàn, Phúc Lâm, Thuận Mĩ, Đồng Xuân, Đông Thọ. Số lượng đơn vị hành chính hai huyện giảm xuống còn 156 đơn vị hành chính cơ sở.
Sau năm 1888, cùng với sự rút gọn các đơn vị hành chính do đại bộ phận đã được lấy đất làm phố, Hà Nội mặc dù vẫn còn hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, song tổng cộng chỉ còn lại 7 tổng với 41 thôn, phường.
2. Bộ phận chỉ loại trong phức thể địa danh
Theo kết cấu thông thường, phức thể địa danh hành chính (có người gọi là tổ hợp địa danh) được cấu tạo gồm hai bộ phận: phần chỉ loại và phần định danh. Phần chỉ loại biểu thị các cấp hành chính như Phủ, Huyện, Tổng, Phường/Thôn/Xã. Như đã nói ở trên, Phường là loại đơn vị hành chính cơ sở đặc thù, chỉ có ở Thăng Long, được xuất hiện từ triều đại nhà Trần và tồn tại liên tục hàng mấy trăm năm cho tới đời Lê (cuối thế kỉ XVIII). Tuy nhiên sang thế kỉ XIX, Phường không còn là đơn vị hành chính cơ sở duy nhất nữa. Các đơn vị với tên gọi có chữ Thôn, Trại, Xã,… bắt đầu xuất hiện với những lí do và đặc thù tổ chức riêng.
Huyện Thọ Xương chỉ có 20 Phường nhưng có tới 172 Thôn, 1 Trại, trong khi đây có thể coi là khu vực trung tâm nhất của Thăng Long, bao quanh Kinh Thành. Thôn – đơn vị mang tính đặc trưng của khu vực nông thôn lại chiếm đa số tại khu vực chủ yếu phổ biến các phường nghề thủ công, sản xuất, buôn bán. Với hai tổng Tả Túc và Hậu Túc nằm giữa thành Thăng Long và sông Nhị Hà, khu vực sầm uất với các phường nghề nổi tiếng, hoạt động theo cơ cấu tổ chức kiểu đô thị phong kiến, nhưng đơn vị hành chính với tên gọi Thôn lại chiếm đa số. Tổng Tả Túc có 23/29 đơn vị Thôn, 6 đơn vị được gọi là Phường lại là các phường Thuỷ Cơ chỉ làm nghề chài lưới ven sông Hồng. Tổng Hậu Túc (trung tâm khu vực phố cổ hiện nay) có 25/29 đơn vị Thôn và chỉ có 4
Phường là phường Thái Cực, Đông Hà, Đồng Lạc, Phúc Phố. Một số phường cổ có từ rất lâu đời ở đất Thăng Long như phường Cổ Vũ, phường Báo Thiên được tách thành một số đơn vị hành chính nhỏ hơn nhưng đều được chuyển gọi là Thôn: thôn Thị Vật, thôn Nhân Nội, thôn Thượng,… Hay các thôn Chùa Tháp, thôn Thương Môn Hạ, thôn Thương Môn Thượng được tách ra từ phường Báo Thiên. Đây là một minh chứng cho chủ trương “nông thôn hoá” của triều đình nhà Nguyễn đối với vùng đất phồn hoa này khi Thăng Long không còn là Kinh Thành nữa mà một số nghiên cứu sử học đã nhắc tới.
Trong khi đó huyện Vĩnh Thuận mặc dù diện tích có phần lớn hơn song dân cư thưa thớt, chủ yếu là nghề nông, số lượng đơn vị hành chính ít hơn nhiều so với huyện Thọ Xương. Huyện gồm 16 Phường, 25 Thôn, 13 Trại và hai đơn vị được gọi là Tràng (Ngũ Xá tràng và Tứ Chiếng tràng). Tuy vậy toàn bộ đơn vị cơ sở của hai tổng Thượng và tổng Trung đều được gọi là Phường, mặc dù khu vực này nằm bao quanh Hồ Tây, chủ yếu làm nghề trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa,… như các phường Tây Hồ, Quảng Bá, Nghi Tàm, Hoè Nhai, Võng Thị,… Còn tổng Yên Thành nằm ở vị trí bao sát ngay cạnh thành Hà Nội (Kinh thành cũ) phía Tây và Bắc thì 24 trên tổng số 26 đơn vị hành chính được gọi là Thôn, 2 đơn vị còn lại được gọi là Tràng (do địa phương làm nghề đúc đồng). Hai tổng Trung và tổng Hạ là vùng đất thuần tuý nông nghiệp, toàn ruộng nước, ao hồ, cư dân từ nhiều vùng khác nhau đến khai hoang, lập trại, 13 đơn vị hành chính của khu vực này được gọi là Trại (thập tam trại).
Sang giai đoạn sau năm 1831, các đơn vị hành chính cấp cơ sở của 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận chiếm đại đa số vẫn là Thôn (115 đơn vị, chiếm 74,5%). Sau thôn là Phường (26 đơn vị, chiếm 16,7%), tiếp đó là Trại (14 đơn vị, chiếm 8,1%). Hai đơn vị vốn được gọi là Tràng đã được sáp nhập và mang tên gọi mới là Thôn (thôn Lạc Chính). Bên cạnh đó xuất hiện một đơn vị hành chính được gọi là Xã, nhưng chỉ có 1 đơn vị duy nhất là xã Cơ Xá. Cuối thế kỉ XIX xuất hiện thêm đơn vị chỉ loại mới là Châu như châu Vạn Ngọc, châu Ngọc Xuyên và thôn Nội Châu Tam Đa, thôn Ngoại Châu Tam Đa. Sự xuất hiện loại đơn vị này tương đối đặc biệt, bởi theo các quy định từ trước thế kỉ XIX, đơn vị Châu chỉ sử dụng cho khu vực miền núi mà thôi.
3. Đặc trưng cấu tạo bộ phận định danh
3.1. Các phương thức cấu tạo địa danh
Phương thức định danh có liên quan chặt chẽ với lí do đặt tên và ý nghĩa của địa danh, tác động trực tiếp đến nghĩa, đồng thời cũng thể hiện đặc trưng tư duy của người định danh. Khi nghiên cứu đặc trưng cấu tạo địa danh Thăng Long – Hà Nội, về cơ bản chúng tôi sử dụng cách phân loại của Lê Trung Hoa khi xuất phát từ chủ đích, ý đồ của người định danh, chia thành ba phương thức cấu tạo:
– Phương thức tự tạo: là phương thức mà người định danh tạo ra một tên gọi bằng năm cách thức với năm cơ sở khác nhau: (1) Dựa vào đặc điểm của chính bản thân đối tượng; (2) Dựa vào sự vật, yếu tố có quan hệ chặt chẽ đến đối tượng; (3) Ghép các yếu tố có sẵn để tạo nên một đơn vị định danh mới; (4) Dùng số đếm hoặc chữ cái thuần tuý mang tính kí hiệu; (5) Dùng yếu tố và số đếm, chữ cái để kết hợp, tạo ra địa danh phái sinh hoặc hỗn hợp.
– Phương thức chuyển hoá: Là phương thức lấy tên của một đơn vị địa lí này để gọi tên một đối tượng địa lí khác. Sự chuyển hoá có thể xảy ra trong nội bộ một loại địa danh hoặc xảy ra giữa các loại địa danh với nhau.
– Phương thức vay mượn: là phương thức mượn tên của đối tượng địa lí ngoài địa bàn để đặt tên cho đối tượng địa lí trong địa bàn nghiên cứu.
Khi khảo sát hệ thống địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội thế kỉ XIX, chúng tôi nhận thấy phương thức tự tạo là phương thức được sử dụng phổ biến hơn cả so với hai phương thức còn lại. Trong phương thức này, ba nhóm đầu tiên (dựa vào đặc điểm của chính bản thân đối tượng; dựa vào sự vật, yếu tố có quan hệ chặt chẽ đến đối tượng; ghép các yếu tố có sẵn để tạo nên một đơn vị định danh mới) xuất hiện với tần số lớn tuy rằng mức độ sử dụng của từng nhóm trong các giai đoạn khác nhau là không đồng nhất.
3.2. Cấu tạo địa danh dựa vào đặc điểm của chính bản thân đối tượng
Thực tế phương thức này rất phổ biến trong hệ thống địa danh chỉ các vùng đất ở nước ta, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung. Các địa danh thôn Bắc, thôn Đoài, thôn Đông, làng Thượng, làng Hạ… có mặt ở rất nhiều địa phương tuy rằng giá trị định danh của các tên gọi này chỉ hạn chế trong một vùng nhất định theo những hệ quy chiếu hẹp. Phương thức này cũng được sử dụng phổ biến để cấu tạo nhiều địa danh của Thăng Long. Có thể dẫn trường hợp tiêu biểu nhất là địa danh huyện Thọ Xương giai đoạn 1802 – 1831. Huyện gồm 8 tổng với tên gọi được chia thành hai nhóm, thường được gọi chung là 4 Túc và 4 Nghiêm. Lần lượt hai yếu tố Túc và Nghiêm kết hợp với 4 yếu tố biểu thị phương hướng: Tiền, Hậu, Tả, Hữu tạo thành các đơn vị định danh.
Đối với các đơn vị hành chính cơ sở, việc sử dụng yếu tố biểu thị phương hướng hoặc vị trí cũng là một phương thức rất phổ biến giai đoạn này, tạo thành những “cặp” địa danh có quan hệ “đối xứng”:
Thôn Tả Bà Ngô // Thôn Hữu Bà Ngô (tổng Hữu Nghiêm);
Thôn Hữu Giám // Thôn Hậu Giám (tổng Hữu Nghiêm);
Thôn Khánh Thuỵ Tả // Thôn Khánh Thuỵ Hữu (tổng Tiền Túc)…
Một điều khá đặc biệt là trong hệ thống địa danh hành chính Thăng Long ít khi xuất hiện các địa danh có các từ chỉ phương hướng Đông – Đoài – Nam – Bắc như nhiều khu vực khác của đồng bằng Bắc Bộ. Một số ít địa danh có chữ Đông 東 như thôn Đông Thành Thị (東市村城), thôn Đông Thành Yên Nội (東城安內村), thôn Đông Hoa Môn (東花門村) đều là tên gọi của các khu vực nằm bên cửa phía Đông của Hoàng Thành chứ không nằm trong thế đối lập với các khu vực có chữ Đoài (hay Tây) nào cả.
Các yếu tố chỉ vị trí (thượng, trung, hạ, nội, ngoại) cũng thường xuyên được sử dụng để cấu tạo địa danh. Hầu hết tên gọi các tổng thuộc huyện Vĩnh Thuận được cấu tạo chỉ bằng 1 âm tiết: tổng Thượng, tổng Trung, tổng Hạ, tổng Nội (ngoài ra còn một tổng là Yên Thành). Khi đặt các địa danh trên, nhà cầm quyền đương thời chắc chắn dựa trên tư duy không gian mang tính ước lệ nhất định, đặt vị trí các tổng trên một mặt phẳng tính từ Bắc xuống Nam, từ trung tâm ra ngoại vi để quyết định tên gọi. Nếu hình dung bản đồ Thăng Long trên một mặt phẳng đứng thì tổng Thượng nằm phía trên cùng (phía trên Hồ Tây), phía dưới là tổng Trung, tiếp theo là tổng Nội. Nằm ở vị trí dưới cùng (sát phủ Thường Tín trước đây, nay là vành đai 2 tại ranh giới các đường Đại La, đường Trường Chinh, đường Láng) là tổng Hạ. Ngoài ra, các yếu tố chỉ vị trí thường xuyên xuất hiện tại các địa danh cấp thôn, phường, cũng tạo thành các “cặp địa danh” có giá trị khu biệt rõ rệt:
Thôn Kim Bát Hạ // Thôn Kim Bát Thượng.
Thôn Nguyên Khiết Thượng // Thôn Nguyên Khiết Hạ.
Thôn Báo Thiên Thượng // Thôn Báo Thiên Hạ…
Bản thân tên gọi “Hà Nội” cũng là một sản phẩm của cách thức định danh này. Khác với tên gọi Thăng Long có ý nghĩa mang tính truyền thuyết lịch sử thì tên gọi Hà Nội có giá trị mô tả đặc điểm địa lí mang tính đặc trưng của khu vực, với nghĩa “nằm bên trong sông”. Nhưng “nằm trong sông nào” thì có một số cách giải thích không giống nhau. Nếu xét trên cơ sở điều kiện lịch sử của năm 1831, năm lần đầu tiên tên gọi Hà Nội xuất hiện với tư cách tên của một tỉnh hành chính, địa giới Hà Nội được mở rất rộng, bao gồm 4 phủ (Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hoà, Lí Nhân) và 15 huyện, thì Hà Nội là khu vực nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồng (còn gọi là sông Nhị) và sông Đáy. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, phần lớn diện tích của tỉnh Hà Nội thời xưa được chuyển trở về tỉnh Hà Tây, tỉnh Hà Nam, song tên gọi Hà Nội vẫn không thay đổi, dùng cho khu vực nhân lõi của Hà Nội cổ truyền vẫn chỉ là hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương. Do vậy, nếu chỉ xuất phát từ điều kiện địa lí của Hà Nội hiện nay hoặc thời kì Pháp thuộc thì khó có thể tìm cách giải thích thích hợp.
Còn tiếp:
Mời xem: ĐẶC TRƯNG CẤU TẠO LỚP ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THĂNG LONG _ HÀ NỘI TK 19 (Phần 2)