Đặc trưng VĂN HOÁ ỨNG XỬ của NGƯỜI VIỆT qua TỤC NGỮ (trên tư liệu TIỂU THUYẾT và TRUYỆN NGẮN) – Phần 1

ĐỖ THỊ KIM LIÊN
(Giáo sư, tiến sĩ, Trường Đại học Vinh)

1. Đặt vấn đề

     Trong kho tàng tri thức văn hoá phi vật thể của người Việt, ngôn ngữ là một trong những nhân tố quan trọng, lưu giữ những nét văn hoá đặc thù của người Việt, trong đó có văn hoá ứng xử. Trong các đơn vị của ngôn ngữ thì tục ngữ là những thông điệp phản ánh rõ nhất các quan niệm của người Việt về phép ứng xử trong gia đình và xã hội.

     Tục ngữ không chỉ chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho những người đương thời mà còn truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, vì vậy, chúng có tác dụng giáo dục, ảnh hưởng về mặt tư tưởng, nhận thức đối với thế hệ mai sau. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu “Đặc trưng văn hoá ứng xử của người Việt qua tục ngữ” (trên tư liệu tiểu thuyết và truyện ngắn), để qua đó khẳng định những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, góp phần hữu ích trong công tác quản lí, xây dựng con người mới phù hợp với thời kì phát triển về kinh tế mới của đất nước.

2. Phân biệt tục ngữ và thành ngữ

     Vấn đề phân biệt thành ngữ và tục ngữ được thể hiện qua một số công trình tiêu biểu [4, 34]; [5, 25]; [6, 29]; [7, 29]; [13, 41]; [8, 13];… Tuy vậy, những điểm khác nhau để nhận diện tục ngữ và thành ngữ trong các bài viết, công trình nghiên cứu trên đều tiếp cận theo hướng cấu trúc, ở dạng mô hình khái quát. Đề tài của chúng tôi nghiên cứu thành ngữ, tục ngữ theo hướng chức năng, nghĩa là nghiên cứu tục ngữ trong hành chức (biểu hiện qua văn bản nghệ thuật, thuộc phong cách nghệ thuật).

     Tiến hành thống kê trên tư liệu truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, chúng tôi thu được tổng số cả thành ngữ và tục ngữ là 8.740 đơn vị, trong đó có 8.230 thành ngữ, chiếm 94, 6% và 510 câu tục ngữ, chiếm 5,58% (xem bảng 1).

Bảng 1: Bảng thống kê số lượng thành ngữ và tục ngữ xuất hiện trong truyện ngắn và tiểu thuyết

Tổng số thành ngữ và tục ngữThành ngữTỉ lệTục ngữTỉ lệ
8.4708.23094,16%5105,58%

     Số lượng chênh lệch giữa tục ngữ và thành ngữ nói lên khi tham gia hoạt động trong tác phẩm văn chương (thông qua lời nói của nhân vật, lời trần thuật của nhà văn) thì thành ngữ xuất hiện nhiểu hơn hẳn tục ngữ. Tục ngữ chiếm một số lượng gần 6% so với thành ngữ. Sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là vì, thành ngữ khác tục ngữ về cấp độ. Thành ngữ là cụm từ cố định, có chức năng định danh tương đương từ, có cấu tạo cố định chặt chẽ, mang nghĩa biểu trưng. Thành ngữ có chức năng cấu tạo nên câu, làm thành tố của câu. Trong văn bản nghệ thuật, thành ngữ thường được sử dụng nhằm miêu tả đặc điểm hình dáng, tính cách, tâm trạng của nhân vật hoặc đặc điểm của thiên nhiên một cách sinh động. Trái lại, tục ngữ được xem là một thông điệp, nhưng nó khác với những thông điệp nghệ thuật khác ở chỗ, nó là thông điệp nghệ thuật có hình thức chỉ gồm một câu, tục ngữ có cấu tạo tự do, được tổ chức một cách có vần điệu, nhịp điệu, tạo sự nhịp nhàng cân đối và thường có hai nghĩa: nghĩa đen (đối với nhóm tục ngữ chỉ kinh nghiệm sản xuất, nhận diện thời tiết) và đồng thời có cả nghĩa đen và nghĩa bóng (đối với nhóm tục ngữ chỉ các quan hệ xã hội). Tục ngữ thường nêu lên những kinh nghiệm của người xưa về đối nhân xử thế, khuyên răn, triết lí, nhận diện theo các chủ đề: đạo đức, giới tính, buôn bán, tốt xấu, hôn nhân, tình yêu, thiện ác, khinh trọng,…

     Kết quả khảo sát về số lượng khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ của chúng tôi cũng gần với kết quả thống kê của tác giả Võ Thị Vân trong đề tài “Cấu tạo và vai trò của thành ngữ trong tác phẩm của Vũ Bằng” (Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Vinh, số XXXIII, 2012). Tác giả viết: “Vũ Bằng cũng sử dụng cả thành ngữ và tục ngữ, nhưng tục ngữ chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ so với thành ngữ. Ông chỉ sử dụng 87 tục ngữ, chiếm 9,45% với 95 lượt sử dụng (tổng số thành ngữ là 723, chiếm 90,55% với 910 lượt). Thành ngữ được Vũ Bằng sử dụng chủ yếu là nhóm mang nghĩa biểu trưng rất rõ, còn tục ngữ đi vào tác phẩm lại mang tính triết lí, giáo huấn, đề cập đến những kinh nghiệm, khuyên răn con người thiên về đạo đức (xem bảng 2).

Bảng 2: Bảng thống kê số lượng thành ngữ và tục ngữ xuất hiện trong tác phẩm của Vũ Bằng

Tổng số thành ngữ và tục ngữThành ngữTỉ lệTục ngữTỉ lệ
81072390,55%879,45%

     Qua kết quả khảo sát ở hai bảng trên, chúng tôi rút ra kết luận: Số lượng thành ngữ, tục ngữ ở mỗi tác giả có thể khác nhau, nhưng khi tham gia trong hành chức (thể hiện qua lời của nhân vật cụ thể trong tác phẩm văn chương), thành ngữ xuất hiện với số lượng lớn hơn hẳn tục ngữ. Thành ngữ thường làm thành tố cấu tạo trong câu, có thể đứng làm chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ. Còn tục ngữ xuất hiện với số lượng ít hơn và thường đứng thành câu độc lập, xuất hiện trong đoạn văn để nêu lên một suy đoán, nhận xét, đánh giá, nhận thức của nhân vật. Số lượng thành ngữ đứng độc lập thành câu có xuất hiện nhưng không nhiều, còn tục ngữ xuất hiện với tư cách là thành tố cấu tạo trong câu lại chiếm số lượng nhiều hơn thành ngữ. So sánh:

     a) Ăn xong, Lạc xỉa răng, lại dần dà quay lại chuyện cũ: – Thật… Cô có chửi tôi thì chẳng qua tôi dại, vì quá mến cô thôi. Trông cô ăn đậu ở nhờ, tôi không đành lòng.

(CV, BB2, 260)

thành ngữ ăn đậu ở nhờ cùng với chủ ngữ “cô” làm bổ ngữ cho động từ “trông” trong bộ phận trạng ngữ cách thức của nòng cốt chính “Tôi không đành lòng”.

     b) – Nhài đã khóc nhiều. Nhưng ngày này ngày khác qua đi. Những đau xót khổ nhục về tinh thần nó cũng làm cho tâm hồn tê dại đi. Nhài đành liều vậy. Cho nó ra sao thì Cô có thể sẽ đi xa như lời mẹ nói, có thể là sẽ trở về làng cũ. Ba tháng thấy cười chẳng đến ba năm. Người ta sống được thì mình cũng sống.

(CV, BB2, 253)

Câu tục ngữ Ba tháng thấy cười chẳng đến ba năm đứng thành câu riêng, không làm thành tố trong câu mà là thành tố cấu tạo đoạn văn. Sau đây, chúng tôi chỉ chọn nhóm tục ngữ nói về văn hoá ứng xử của người Việt trong gia đình và xã hội, từ đó, rút ra những đặc điểm văn hoá ứng xử khái quát của người Việt.

3. Khái niệm văn hoá

     Theo Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên), n hoá có các nghĩa sau: 1. (dt) là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Kho tàng văn hoá dân tộc. Văn hoá phương Đông. Nền văn hoá cổ; 2. Những hoạt động của con người nhằm thoả mãn những nhu cầu của đời sống tinh thần (nói tổng quát). Phát triển văn hoá. Công tác văn hoá; 3. Tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát). Học văn hoá. Trình độ văn hoá; 4. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh. Sống có văn hoá, ăn nói thiếu văn hoá; 5. (chm). Nền văn hoá của một thời kì lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau. Văn hoá rìu hai vai. Văn hoá gốm màu. Văn hoá Đông Sơn [10, 1062]. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm văn hoá với nghĩa thứ nhất, chỉ tổng thể những giá trị vật chất và tình thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

     Theo F. Mayor (nguyên Tổng bí thư UNESCO) thì “Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỉ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc” [Tạp chí Người đưa tin, UNESCO, 1994, số 10, tr. 34-36]. Theo định nghĩa của F. Mayor thì ngôn ngữ chính là sản phẩm của quá trình hoạt động sáng tạo của con người và chúng tạo nên các giá trị. Qua ngôn ngữ, chúng ta nhận ra những nét văn hoá riêng của mỗi dân tộc, trong đó có cả người Việt.

Còn tiếp:

     Mời xem: Đặc trưng VĂN HOÁ ỨNG XỬ của NGƯỜI VIỆT qua TỤC NGỮ (trên tư liệu TIỂU THUYẾT và TRUYỆN NGẮN) – Phần 2