ĐÁM TANG TRUYỀN THỐNG của NGƯỜI THÁI họ Lò ở PHÙ YÊN (Sơn La)
1. Dòng họ Lò là một trong những dòng họ lớn có mặt rất sớm ở Phù Yên. Trong lịch sử phát triển của mình, đến nay dòng họ Lò có khoảng 034 hộ/4.244 khẩu, cư trú nhiều nhất là ở các xã Tường Phù (409 hộ/1.995 khẩu), Tường Thượng (305/1.349 khẩu) 1, chiếm 2/3 dân số tộc người Thái nơi đây. Trong nghi lễ vòng đời người Thái Phù Yên còn được bảo tồn đến nay, đám tang là nghi lễ lớn, quan trọng, có giá trị nhiều mặt, thể hiện nhiều phương diện văn hoá tín ngưỡng của người Thái ở Phù Yên, trong đó có đám tang truyền thống họ Lò. Vì thế khảo sát đám tang các dòng họ nói chung, họ Lò nói riêng sẽ giúp chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá tín ngưỡng tôn giáo cũng như nhân sinh quan tộc người Thái, trong đó có trường hợp người Thái ở Phù Yên.
Quy trình nghi lễ tổ chức đám tang truyền thống của họ Lò người Thái, Phù Yên tổ chức giống với các họ khác diễn ra trong khoảng 3 ngày 2 đêm. Đó là khoảng thời gian tương đối, vì thực tế có thể thừa hoặc thiếu do phụ thuộc vào thời gian người chết và thời gian chôn.
2. Các công việc và các nghi lễ diễn ra trong ngày đêm đầu tiên
2.1. Khi sắp mất
Con cháu trong nhà đến ngồi quây gần người sắp chết để nghe lời trăng trối, dặn dò, báo tin với anh em họ hàng gần xa đến để chuẩn bị: đun nồi nước lá thơm, tắm gội, khâu đồ tang (chăn tối, đệm tối, gối tối bằng vải thổ cẩm đen nẹp đỏ và khâu chiếu ma cũng bằng viền vải đỏ 2), đục đẽo lại quan tài, dọn dẹp, kê bàn ghế, căng phông bạt, mượn chiêng, trống, dụng cụ, đồ dùng,… Trưởng họ cử người đi đón kèn, tùm, ông mo, chọn cử dâu ma rể ma 3…
___________
1. Theo số liệu của Ban Công an xã Tường Thượng và xã Tường Phù, tháng 6 năm 2012.
2. Viền vải đỏ: Tất cả đồ dùng chuẩn bị cho người chết như 3 chiếu đơn (chiếc kê bàn thờ, chiếc lót trong quan tài, chiếc rải dưới huyệt mộ), 2 bộ chăn, đệm màu đen (bộ trong quan tài, bộ trong huyệt mộ), khăn, túi, nón, quạt,… đều được khâu lại bằng viền vải màu đỏ. Trang phục của ông mo, dâu ma, rể ma (xưa) cũng chuộng gam màu đỏ có kim tuyến óng ánh. Theo các cụ cao tuổi giải thích sở dĩ vì người Thái chuộng gam màu đỏ trang trí sặc sỡ nổi bật trong đám tang là để thể hiện sự sang trọng giàu có với ma nhằm “thi thố trưng diện làm giàu với thế giới ma” (mi chương đẻnh sạnh húng hệt hăng nặm phỉ), họ hàng và linh hồn người chết không hèn kém trước khi nhập với thế giới ma.
3. Dâu ma, rể ma: Dâu ma họ Lò người Thái Phù Yên thuộc vùng trong (6 xã Huy) thường chọn hai dâu ma, còn vùng ngoài (7 xã Tường) có từ 4 -9 dâu ma, trong đó có dâu họ nội, ngoại, dâu trong nhà; còn rể ma thì cả 2 vùng đều giống nhau chỉ chọn 2 rể ma, một bên nội một bên ngoại, thuộc vai hàng con hoặc cháu rể của người mất, rất ít trường hợp chọn cả rể trong nhà là 3 rể ma.
2.2. Khi đã tắt thở
Anh em họ hàng làng biết hoặc được thông báo sẽ đến để giúp gia đình. Một người sẽ báo động bằng cách đánh hồi chiêng, hoặc trống cái 2 hồi 3 tiếng, trước kia còn bắn 3 phát súng; một người vào nâng cằm, vuốt mặt để phòng di chứng xấu. Rồi người chết được gia đình tắm gội bằng nước lá thơm rồi lau khô toàn thân, mặc quần áo giầy dép mới (hai quần ba áo nếu là nam, hai váy áo nếu là nữ). Khi chưa liệm chưa đeo giầy dép tất tay thì 2 ngón chân, 2 ngón tay người chết được buộc bằng sợi rơm bện (gọi là buộc nài). Đến giờ liệm, thi thể người chết sẽ được cuốn bằng vải bông trắng thổ cẩm, rồi bó lại gọi là vào cuống tôm (giống hình con tôm) theo chiều thi thể, nam 7 lượt nữ 9 lượt vải, bó ngang làm 3 đoạn, rồi vạch than đen trên cuống tôm 7 vạch đối với nam, 9 vạch đối với nữ. Vài phụ nữ căng màn ba góc, quanh màn chăng vải mặt chăn buông hờ chờ giờ nhập quan.
JAi đến thì tự giác vào tang theo thứ bậc tang 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng 1. Người Thái không có tục lệ phát tang chung như người Kinh. Bàn thờ tạm được đặt giữa nhà sát cột cái nhà dưới quá dang gần cạnh quan tài, trên bàn thờ bày hoa quả bánh kẹo, 1 số quần áo, đồ đạc hay dùng của người quá cố.
2.3. Nghi lễ nhập quan (Ạu kháu long)
Chuẩn bị để nhập quan, trưởng họ ra hiệu cho anh em họ hàng làng xóm chuẩn bị quan tài vào nhà, đất sét trộn lá dẻo 2, dây buộc, chốt chêm, chày cối,… Quan tài truyền thống của người Thái làm bằng đoạn cây gỗ to, hình tròn, bổ đôi, khoét rỗng lòng máng, chiếc trên để úp xuống gọi là chiếc đực (kim po), chiếc dưới gọi là chiếc cái (kim me).
Một nhóm anh em tập trung khiêng chiếc quan tài đến sân, trát đất dẻo bên trong cho kín; đưa chiếc cái vào bệ chuối kê ngang, trong chiếc cái rải đều khoảng 5kg chè khô, một lớp bông thấm, trên cùng đặt tấm phên thưa, gọi là chong sa nen (giả gường).
Một hai phụ nữ thu đủ áo con cháu trong nhà buộc túm lại, làm quai để ông mo khoác vai làm lễ nhập quan. Nếu áo con cháu nào thiếu thì lấy nan nứa bẻ từng đoạn nhỏ, mỗi đoạn ứng với áo của một người vắng mặt. Đứa con trai đi ra trước nhà, cạnh nhà và đằng sau nhà gọi hồn người mất mỗi chỗ 3 lần đến nhập quan.
Đến giờ nhập quan (khau cọm), một người thắp sẵn cho ông mo 7 nén hương, một chiếc vợt xúc cá (ki vịnh), túm áo con cháu đưa cho ông mo làm lễ giữ hồn, ngăn hồn con cháu không vào theo người chết và hồn người chết không ở lại theo con cháu.
Trưởng họ hô con cháu, nội tộc xúm lại túm mép chiếu khiêng thi thể đặt vào lòng áo quan gọn gàng. Người được phân công vạch vải cuống tôm cắt dây nài, cúc áo ra ngoài, nâng cằm đặt vào ít tiền dưới cằm để người chết đi đường, đắp chăn mỏng mới lên, dắt gọn mép chiếu, chăn, trên cùng đắp chăn tối lên. Trước khi đậy chiếc trống, ông mo còn làm lễ cắt duyên trần và lễ giữ hồn, ông mo vừa khấn vừa dùng vợt xúc 3 lần, rồi hô người đậy nắp quan tài lại, bịt kín mép, buộc dây, chêm chốt ở 2 đầu mép quan tài.
Trưởng họ tiếp tục chỉ đạo người làm các loại vật dụng trong đám tang (sào quây, tóng phá, cờ ma, giá đèn, cho ỏn cho mạy, hề mó, mũ rơm, gậy chống, dụng cụ cho dâu ma,…) không để thiếu thứ gì.
__________
1. Tang 3 tầng (thuộc hàng 1): là tục tang đối với hàng con đẻ con dâu, cháu nội tang bố mẹ ông bà gồm cả khăn, áo, quần, váy, mũ rơm, chống gậy; khi đội mũ rơm thì khăn phải buộc ngang lưng, tay chống gậy. Tang 2 tầng (thuộc hàng 2): là đồ tang hàng con gái, con rể, em ruột, cháu chắt còn lại đội khăn và mặc áo tang, gọi là tang 2 tầng. Nếu con rể không còn bố mẹ thì tang 3 tầng. Tang 1 tầng (tang thường hàng 3) là tất cả những người còn lại chỉ tang bình thường bằng cách đội khăn tang trắng: nam đội khăn cuốn tròn như khăn xếp, nữ thì cuốn khăn đội đầu như đội khăn piêu thường ngày, tất cả đều sổ mép gấu hoặc không gấu.
2. Lá dẻo: Ngày xưa người Thái lấy lá dẻo (bợ mặn) giã nhuyễn trộn với đất sét (thường lấy ở đống mối) để làm keo gắn quan tài rất tốt. Ngày nay, gắn quan tài có các loại chất dẻo công nghiệp như cốn, keo, băng dính rất tiện lợi.
2.4. Nghi lễ mo cắt số (Mọ tắt đậy), nhập quan (Ạu kháu bốc) và cởi tội (ke xôi)
– Nghi lễ mo cắt số gồm một mâm lễ bằng vịt luộc và một mâm vải đặt dưới gầm sàn nơi đối diện với gian giữa nhà đặt quan tài, nối với quan tài bằng sợi chỉ.
Trước khi hành lễ, ông mo phải thỉnh khấn tổ sư táy 1 bằng mâm lễ riêng. Thông thường trước và sau khi ông mo vào mo các lễ đều khấn táy trước để táy phù hộ dẫn đường. Ông tùm (đội kèn trống) trước khi thổi lần đầu cũng phải khấn táy mới được thổi.
– Nghi lễ mo nhập quan và cởi tội cho con cháu. Khi bắt đầu vào mo, con cháu được tập hợp đến quỳ lạy trước vong linh người chết, mong người chết xoá tội, ông mo khấn xong, trưởng họ giới thiệu, cầu chúc người đi kẻ ở tốt đẹp, con cháu lạy 3 lần trước khi đứng dậy.
__________
1. Táy: Là tổ sư nghề và các thế hệ thầy dạy của ông mo, có công truyền nghề cho ông mo hành lễ giúp bản, mường làm phúc. Khi ông mo chết nếu chưa truyền được cho ai, trong lễ tang đồng thời với mo tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, đồng thời phải có thêm lễ để tiễn cả táy của người chết trả về với mường Mo, mường Một (mương Mọ, mường Một). Sau này con cháu có ai học mo hoặc tự nhiên được táy “chạm truyền” thì phải làm lễ rước táy “hắp táy” từ mường Mo, mường Một đến ngụ ở bàn thờ táy để kế nghiệp hành nghề mo.
2.5. Nghi lễ báo hiếu mẹ, con trai đẻ ăn bốc và ngồi lửa
Trưởng họ điều khiển các con trai đẻ làm lễ báo hiếu mẹ bằng cách lấy váy mẹ vắt vào cổ, mồm giả làm con chó cắp mẩu xương bò từ trong nhà ra ngoài, trong sự xua đuổi của trưởng họ và người có mặt; ra đến ngoài sân các con tiếp tục đi giặt váy mẹ phơi rồi quay lại cạnh bếp ngồi lửa hơ lưng.
2.6. Nghi lễ dâu quạt lên ngồi ghế (Pớ vi khưn năng tẳng)
Mỗi con dâu mổ một con gà đặt lên bàn thờ, thắp hương, không phải khấn. Từ lúc này trở đi dâu quạt ma (Pơ vi phi, nang chau) túc trực chuẩn bị thực hiện các nghi lễ quạt theo sự hướng dẫn của một bà cô (êm mú).
2.7. Bày các mâm lễ vật, mâm ăn tối
Mỗi khi sắp mâm cúng trong nghi lễ mo ăn sáng sớm (mọ ngai cày), mo ăn bữa trưa (mọ ngai nọi), mo ăn bữa tối (mọ ngai luộng) đều phải sắp mâm lễ vật cúng táy (tổ sư) ông mo, táy ông tùm, mâm thờ thổ thần (sai công), mâm thờ vía trưởng họ, dâu quạt, rể ma,… Sau đó mới chuẩn bị mâm ăn cho cả nhà đám. Các loại mâm lễ vật cúng và mâm ăn trong đám tang của người Thái đều rải bằng lá chuối.
Trưởng họ, tang chủ, nhà chức trách lên phương án tổ chức các công việc cho ngày hôm sau và giao nhiệm vụ cho từng nhóm người, số người đi, người phụ trách. Trưởng họ chọn một hoặc hai người trong hàng con của người chết cùng ông mo đi chọn chỗ, xin đất đào huyệt. Trước khi đào tang chủ (trưởng trai) làm lễ xin thổ địa, rồi mới động thổ bằng 3 nhát cuốc, mới giao cho các phe (những đào huyệt, làm dàn khiêng áo quan) đào theo yêu cầu của tang chủ và ban tổ chức.
3. Các công việc và các nghi lễ diễn ra trong ngày đêm thứ hai
3.1. Nghi lễ mo ăn cơm sáng (Nho pan mọ ngai cày) diễn ra từ sáng sớm.
– Hai rể ma, dâu quạt chuẩn bị mâm lễ và bê mâm. Trưởng họ hô gọi con cháu đến bê mâm nâng lên đặt xuống ba lần mới đặt xuống bàn thờ để mo.
– Nghi lễ mo ăn cơm sáng sớm (mọ ngai cày). Ông mo làm thủ tục ngồi vào hành lễ cúng, tất cả con cháu, dâu rể chầu trực nghe mo và tiếp khách đến viếng.
– Trong lần mo này, nếu gia đình có trâu bò mổ thì phải có thêm nghi lễ mo nộp trâu bò, kể chuyện cuộc đời trâu, bò (tày ăm ọc khoai, ngua), mo xong bảo con rể vắt vai dắt trâu bò ra ngoài giao cho người làm bếp mổ.
– Nghi lễ dâng mâm cỗ bánh tạ ơn người quá cố. Trong lúc ông mo đang hành lễ, hoặc đã xong, các chi họ có mâm cỗ bánh tạ ơn người chết nên thỉnh thoảng trưởng họ sắp xếp cho các chi họ bưng mâm cỗ bánh vào dâng.
Trưởng họ hô đoàn người gồm dâu ma, rể ma, con cháu, phường kèn ra đón đoàn tiễn đưa cỗ của nhóm chi họ từ ngoài ngõ vào dâng, để ông mo giao nộp, trưởng đoàn và trưởng họ cùng con cháu làm lễ chào chúc cảm ơn lẫn nhau, rót rượu. Mỗi lần các chi họ con cháu dâng cỗ bánh đều theo trình tự này, công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy.
3.2. Nghi lễ mo ăn bữa trưa (Pan mọ ngai nói)
Lễ này thường diễn ra trong khoảng từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều, thường là lễ kèm theo bữa của chú bác họ hàng đóng góp. Chuẩn bị mâm lễ và bê mâm cũng lặp lại quy trình như mâm lễ mo ăn sáng nhưng khác về đối tượng con cháu – chủ nhân có mâm lễ và nội dung bài mo nộp.
– Nghi lễ chào cảm ơn mo, cảm ơn tùm. Để chuẩn bị nhấc mâm lễ mo bữa cơm chiều tối trong đêm cuối cùng và rạng sáng là mo đi đường, trưởng họ mời con cháu đến làm lễ chào lạy cảm ơn mo, tùm lần thứ 2, nội dung giống với lần đầu nhưng có thêm thủ tục trao tiền công và quà biếu cho ông mo, ông tùm.
3.3. Nghi lễ mo bữa chiều tối (Mọ pứa ngai luổng, nho pan pau)
Chuẩn bị mâm lễ và thủ tục bê mâm giống quy trình như đã nêu trong 2 bữa mo trước, mo trong khoảng thời gian tiếng rưỡi.
Đến hơn 5 giờ chiều, nhà đám tổ chức bữa ăn cơm tối tổng kết chung, thường đông đủ con cháu, anh em họ hàng. Trong lúc mọi người đang ăn, ban tổ chức tiếp tục thông báo lời cảm ơn và phổ biến kế hoạch đưa tang.
3.4. Đêm ngày thứ hai
Anh em họ hàng làng xóm, bạn bè các thành viên trong gia đình đến ở đêm (dù cu tăng khăm) chia buồn, nghe kèn trống, ủng hộ đội kèn làm trò, dân gian Thái còn gọi là “thưởng tùm” (xương tum). Đêm tối thứ 2, con cháu trong gia đình: người ngồi chầu trực, người nằm ngay gần quan tài, bên gian trong, gian ngoài, bạn bè, bà con hàng xóm đến cùng thức để động viên gia đình; dâu quạt, rể ma mệt thì tranh thủ nghỉ ngơi tại chỗ, đến gần 3 giờ sáng bắt đầu vào lễ mo tiễn hồn người chết lên trời, lúc này ai ai cũng phải dậy để nghe mo.
4. Công việc và các nghi lễ diễn ra trong ngày thứ ba
4.1. Chuẩn bị nghi lễ mo đi đường và giao nộp đồ đạc
Hai rể ma cùng những người phụ giúp chuẩn bị sẵn đồ cúng từ chiều tối để sắp mâm lễ vật sao cho xong trước 3 giờ sáng. Mâm cúng đi đường (pan khoăn pạy tang) đặc biệt là làm bằng rổ khiêng (pan hề mo) có gà nướng hun (cày pinh chì). Lúc đưa tang, mâm cúng được 2 rể ma khiêng đi trước. Trước khi mo, trưởng họ xem đủ lễ trong mâm mới yêu cầu con cháu bê mâm cúng và yêu cầu kèn trống thúc lên như lúc bê mâm lễ thờ 3 lần trước đó.
Gia đình chuẩn bị tất cả đồ đạc hàng ngày của người chết hay sử dụng ra giữa nhà, thứ nào không bê ra được thì cắm que hương vào để ông mo giao nộp cho người chết đầy đủ.
4.2. Diễn xướng mo tiễn hồn đi lên trời (Mọ xồng khỏn pảy tang mưa phá)
Thời gian mo (tính cả nghỉ giải lao) thường mất hơn 3 tiếng đồng hồ, từ rạng sáng khoảng 2 giờ 15 đến 5 giờ 30 phút. Ông mo vừa mo vừa diễn xướng các chương đoạn bài mo, có lúc còn dừng lại giải thích cho người nghe hiểu. Khi nào dâu ma cần múa quạt, rể ma cần phải vào rót rượu, các ông thổi kèn, đánh trống hay đội khua đuống cần phải khua thì ông mo sẽ ra hiệu.
Nội dung bài mo đi đường có các phần, đoạn: thức dậy, ăn trầu cau, mời ăn cơm, giao nộp của cải, dặn dò chia tay, đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, qua nhiều địa danh mường người (mường trần gian), mường phạ (mường trời), rồi gọi hồn con cháu từ trên trời xuống lại trần gian.
4.3. Làm lễ truy điệu và đưa tang
Trưởng bản tuyên bố làm lễ truy điệu, đọc điếu văn, đại diện gia đình đọc lời cảm ơn được chuẩn bị sẵn, trước khi đưa tang lúc 6 giờ 5 phút.
Con cháu, thanh niên, dân quân được phân công tập trung đến nhấc quan tài. Khi nhấc quan tài ra khỏi nhà, cả nhóm dâu quạt thi nhau đá ghế mây vừa ngồi ra ngoài sân và để ý nó lật ngửa hay sấp, nếu lật sấp thì người đó sẽ gặp may mắn theo vía đàn ông, nằm ngửa thì may mắn theo vía đàn bà 1. Trên đường, nhóm dâu quạt đi theo hành phái sau quan tài, vừa đi vừa quạt cho đến huyệt mộ.
Con cháu trong nhà là nữ ngồi xếp hàng ở ngoài ngõ, mặt quay vào nhà cho đoàn khiêng quan tài qua đầu để giữ hồn không đi theo người chết. Vợ hoặc chồng người chết không được đi đưa tang.
Quan tài đặt trong khung bệ (hán dua) được buộc chắc chắn, trưởng họ hoặc trưởng bản chỉ đạo đội khiêng nhấc lên vai và bắt đầu hành trình đưa đi lên đồi nghĩa địa của bản. Huyệt mộ được đào cẩn thận từ ngày hôm trước. Hiện nay có nhà còn xây luôn huyệt bằng gạch.
Đoàn người đưa tang ra nghĩa địa theo thứ tự, ông mo cầm kiếm đi trước, đến rể ma khiêng mâm lễ đi sau, đến ông kèn trống, đến người cầm chiêng đánh từng hồi 3 tiếng một (hoặc 2 người khiêng trống, người đi sau vừa đi vừa đánh mỗi lần 3 tiếng một), đến đoàn con cháu cầm bức trướng, vòng hoa, đến nhóm đông người bấu vào khiêng quan tài, tiếp đến là các cô dâu, tiếp đến các con cháu trong nhà, họ hàng, làng xóm, bạn bè đi tiễn đưa rất đông.
Một số con cháu vừa đi vừa cầm theo một số giống cây trồng quen thuộc, cây làm rào, dụng cụ lấp huyệt, nước uống, gạo muối tiền âm phủ ném qua đường, v.v. Đoàn người tiễn đưa đến bãi tha ma, chuẩn bị hạ huyệt, trưởng họ đại diện gia đình cảm ơn con cháu, nội tộc, bà con cô bác và mời mọi người trở lại nhà ăn cơm chia buồn cùng gia đình.
Sau lời cảm ơn, quan tài được hạ dần xuống, rồi lấp huyệt, làm nhà ma. Trong nhà ma đặt bát hương, đồ dùng của người chết, quần áo đặt phía trên, mũ nón treo trong, dụng cụ lao động sản xuất để dưới. Ngoài nhà ma, các con cháu trong nhà chôn hòn đá tiêu (hịn mô). Con trai cả chôn 1 hòn phía trên giữa đầu mộ, con út chôn 1 hòn dưới giữa chân mộ, còn con gái chôn 2 bên mộ. Xung quanh nhà ma được con cháu rào vòng ngoài, có cổng ra vào. Trong vườn, con cháu trồng cho người chết chuối, mía, giềng, hoa, dây trầu,… Con dâu còn kiếm 9 bó củi, 9 bó lá chuối cho người chết lên nhà mới nhập bản mường âm phủ.
Trong cổng ngay dưới cây cờ ma (cọ cao), có dòng họ còn chôn theo một con gà trống con hoặc bộ xương gà trống to để gáy mỗi ngày cho nhà ma.
__________
1. Theo vía đàn bà: Tín ngưỡng Thái còn có quan niệm khác nhau về chiếc ghế mây của các nàng dâu ma khi đá xuống cầu thang lật ngửa, lật nghiêng hay hay lật sấp. Có ý kiến cho rằng, hiện tượng ghế của ai lật sấp trong tư thế để ngồi là họ hàng gần của người đó vẫn còn đám tang nữa trong năm.
4.4. Nghi lễ đóng cửa mả (Hắp tu ma)
Xưa kia, lễ đắp cửa mả phải ba ngày mới làm. Nay con cháu mải làm ăn, có ít thời gian nên làm lễ này luôn cho tiện. Chọn chỗ đất bằng dưới mộ, rải chiếu đơn nằm ngang, sắp đồ cúng đã chuẩn bị sẵn từ nhà lên tàu lá chuối. Ông mo được giao nhiệm vụ mo xin đất với thổ thần, vui lên nhà mới, nhập ma với cõi ma.
Vài người cùng con cháu đích tôn bê ảnh người chết về nhà cẩn thận.
4.5. Nghi lễ tẩy uế, làm vía, buộc chỉ cổ tay (Vải mạt, hệt khoặn, phục khẹn)
Ông mo và nhóm người trở về nhà tang chủ gọi hồn người chết về bàn thờ tạm tại gian chính, lấy chậu nước lá gai 1 làm lễ tẩy uế ra ngoài nhà và làm lễ vía. Mo làm vía có nội dung chính là mời lại hồn vía con cháu, nội tộc, trưởng họ, dâu rể đã đưa tang từ trời xuống ở theo người, vía ai theo người ấy, cho vía khoẻ vía lành.
Tiếp theo lễ vía là lễ buộc chỉ cổ tay, ông mo mời người già, trưởng họ, dâu quạt, rể ma, con đẻ người quá cố đến để ông buộc chỉ cổ tay. Tay ông mo cầm hai đầu sợi chỉ đen trắng bện sẵn, miệng nói lí do buộc chỉ cổ tay và cầu chúc những lời tốt đẹp cho người được buộc và người được buộc đáp từ. Con cháu đến buộc chỉ cổ tay thêm cho người già, chủ nhà,… cũng với lời cầu chúc và đáp từ như trên.
Ngay sau lễ làm vía là bữa cơm trưa (ngày thứ 3), đó là bữa cơm kết thúc quy trình tổ chức lễ tang. Gia đình tang chủ mời đầy đủ các thành phần trong ban tổ chức, anh em, nội tộc, làng xóm đến ăn uống động viên nhau. Ông mo, kèn, tùm dùng bữa xong thì xin phép gia chủ về nhà. Trưởng họ thay mặt gia đình, nội tộc làm lễ cảm ơn và cử người đưa về đến nhà theo đúng thủ tục.
__________
1. Nước lá gai: là chậu nước lã có dúm cành lá gồm 3 hoặc 5 loại cành cà gai (bơ khánh bơ khựa), lá tre (bợ nga), cành cây tranh (kha bợ liu), lá thài lài (nha say), đài bi (bợ nạt) để cho ông mo làm lễ vẩy nước tẩy uế, đuổi ma xấu làm sạch mát nhà (mạt hươn) từ trong nhà ra ngoài. Ông mo thực hiện luôn lúc ông vừa từ mộ về đến nhà trước khi làm các lễ tiếp Chậu nước còn lại sau khi ông mo tẩy uế, được con cháu, nội tộc đến sau sẽ tự lấy ít nước này vẩy rửa tẩy uế khí cho mình.
4.6. Tổng kết gia đình
Buổi chiều cùng ngày, anh em họ hàng thân cận ở lại cùng gia đình tang chủ, trông coi bàn thờ (phau khoặn), tiếp khách, chia buồn, dọn dẹp,…
Những ngày sau lễ tang: Con cháu các chi họ nội ngoại chọn ngày đón bát hương mời ông mo và anh em họ hàng đến làm vía, buộc chỉ cổ tay cho cha mẹ mình. Con cháu ruột thịt vẫn qua lại để thắp hương và động viên gia đình.
5. Đám tang của người Thái nói chung, dòng họ Lò nói riêng có giá trị nhân văn rất lớn, có ý nghĩa nhận thức thế giới theo nhãn quan của dân gian và có ý nghĩa giáo dục ý thức đạo đức con người rất lớn. Trong tang thương, tâm hồn tình cảm con người như được thanh lọc để trở về với bản ngã rất người của mình. Quá trình tổ chức đám tang, nhất là qua các nghi lễ tâm linh diễn ra bên cạnh linh cữu, bàn thờ người chết, với sự hướng dẫn thực hiện các nghi lễ của trưởng họ, ông mo, trước sự chứng kiến nhiều người, được con cháu tự giác chấp hành đúng theo bổn phận của mình, tuân thủ theo nghi lễ một cách tự nhiên, nếu không tuân thủ sẽ bị lên án, hoặc bị coi là không làm vui lòng người chết, sợ người chết trách cứ không hay. Vì thế, đám tang là dịp tốt nhất để giáo dục răn dạy con cháu biết yêu thương, biết lẽ phải, biết buồn, biết quý trọng sự sống, biết mình, biết trên, biết dưới, theo trật tự vai vế, biết cầu mong cái tốt cho tương lai mà biến đau thương thành hành động cụ thể, tích cực. Trong khung cảnh đặc biệt của đám tang, nội dung các bài mo, lời chào vong giữ vía hàm chứa những giá trị giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc, chí lí chí tình cần phải được nhận thức lại để tiếp tục phát huy. Điều đặt ra cho sự phát triển văn hoá hiện nay là bản sắc văn hoá của người Thái trong đám tang vẫn còn nhiều giá trị chưa được giới nghiên cứu và nhà quản lí văn hoá quan tâm đúng mức.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đinh Văn Ân, Mo đường lên trời, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2002.
2. Đinh Văn Ân, Nhạc lễ của người Mường và người Thái Phù Yên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
3. Lò Xuân Dừa, Lễ tang họ Lò bản Tặt, NXB Văn hoá Thông tin Hà Nội, 2011.
6. Minh Đường, Nghi lễ dân gian-nghi lễ tang ma, NXB Thời đại, Hà Nội, 2009.
7. Lê Hồng Lý, Sự biến đổi trong tang lễ của người Thái ở Tây Bắc (qua nghiên cứu trường hợp ở Quỳnh Nhai, Sơn La), Nguồn sáng dân gian, số 3, 2009, tr. 3-9.
8. Cầm Trọng, Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Tân Việt, Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2010.
LÒ XUÂN DỪA 1
__________
1. Trường PTTH Tân Lang, huyện Phù Yên, Sơn La.