DẠNG SO SÁNH TƯƠNG ĐỒNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CA DAO
TRIỀU NGUYÊN
Thạc sĩ (chuyên ngành Lí luận ngôn ngữ)
(Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế)
TÓM TẮT
Bài viết là sự miêu tả hai nhóm so sánh tương đồng được sử dụng trong ca dao: nhóm so sánh ngang bằng và nhóm so sánh tương tự. Việc hệ thống hoá các dạng so sánh thuộc hai nhóm vừa nêu theo các mô hình so sánh không những giúp việc nhận diện vấn đề đặt ra mà còn cho thấy cái hay, cái đẹp của phương thức tu từ, cũng như sự thích ứng của nó đối với thể loại ca dao.
ABSTRACT
The article is the description of two similar comparison groups which is used in folk song: equal comparison and similar comparison groups. The systermatization of the comparison types just mentioned by the model compared, not also help everyone identifies the problem set up but also show the attractiveness, the beauty of the rhetorical methods, as well as its adaptatuon to the folk genre.
x
x x
1. Khái niệm
Các giáo trình nghiên cứu về phong cách học đều khá thống nhất về cách tu từ so sánh: “So sánh tu từ là cách công khai đối chiếu hai hay nhiều đối tượng cùng có một dấu hiệu chung (nét giống nhau) nào đấy, nhằm diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm của một đối tượng” [3, 272]; “So sánh (hình ảnh) là sự đối chiếu hai đối tượng cùng có một dấu hiệu chung nào đấy nhằm biểu hiện một cách hình tượng đặc điểm của một trong hai đối tượng đó” [4, 145]; “So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó, để gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc, người nghe” [2, 188].
Cơ sở của so sánh là sự tương đồng về thuộc tính giữa hai đối tượng A và B. Thí dụ:
Sự thật đã rõ như ban ngày
A + t + tss + B + (t)
(t: thuộc tính, nét giống nhau giữa A và B (t thường ẩn); tss: từ so sánh) (1)
Có thể chia cách tu từ so sánh làm hai loại, là so sánh có từ ngữ so sánh, và so sánh không có từ ngữ so sánh. So sánh có từ ngữ so sánh dựa vào sự tương đồng hay dị biệt về thuộc tính mà chia làm hai loại, là so sánh tương đồng và so sánh dị biệt. Bài viết này chỉ trình bày loại so sánh có từ ngữ so sánh, dạng tương đồng, và chỉ xét trong ca dao người Việt. Tài liệu ca dao được dùng để xem xét là Kho tàng ca dao người Việt [1], sách này tập hợp 12.487 lời ca dao, từ 40 cuốn (49 tập) sách sưu tập ca dao, trong đó có 13 tập viết bằng chữ Hán, chữ Nôm (ra đời khoảng cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX), số còn lại viết bằng chữ quốc ngữ, xuất bản trước 1975.
2. Miêu tả dạng so sánh tương đồng được sử dụng trong ca dao
Dạng so sánh tương đồng được sử dụng trong ca dao, có thể chia làm hai nhóm: nhóm so sánh ngang bằng và nhóm so sánh tương tự.
2.1. Nhóm so sánh ngang bằng
Nhóm này dùng các từ ngữ so sánh: là, tày, bằng, cũng bằng, bao nhiêu… bấy nhiêu.
2.1.1. Dùng tss là, tày
(a) Tiền là gạch, ngãi là vàng,
Muốn bán vàng mua ngãi, ngại chàng giá cao.
(b) Hồn tôi là hồn con cua,
Tám chân hai mắt, biết bò ngang ngang.
Lời ca dao có mô hình so sánh A là B, [đặc tính của B] ⇒ t: (“hồn tôi”) mạnh mẽ, đầy cá tính, không dễ bị đè nén, sai bảo.
(c) Tuy rằng áo rách tày sàng,
Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi.
Lời ca dao có mô hình Tuy rằng P (nhưng đã) Q thì thôi, so sánh được thực hiện ở P (“áo rách tày sàng”), P = A tày B ⇒ t: thủng rất nhiều lỗ.
2.1.2. Dùng tss bằng, cho bằng
(a) Cao Li sâm đem sắc với ngưu hoàng,
Uống vô không mát dạ bằng gặp mặt nàng, nàng ơi!
(b) Ơn cha rộng thênh thênh như biển,
Nghĩa mẹ dài dằng dặc bằng sông.
Dòng sau có mô hình so sánh A t bằng B: A = “nghĩa mẹ”; t: dài dằng dặc; B = “sông”.
(c) Em về mua thuốc nhuộm răng,
Mua khăn chít lại cho bằng duyên anh.
A = “em về mua thuốc nhuộm răng, mua khăn chít lại”; B = “duyên anh”; ⇒ t: làm đẹp để được yêu.
2.1.3. Dùng tss cũng bằng – mô hình A cũng bằng B
(a) Con gái lấy phải ông già,
Cũng bằng con lợn cọp tha vào rừng.
(b) Đứng xa thấy dạng em cười,
Cũng bằng vàng chín vàng mười trao tay.
(c) Duyên mình bắt bén duyên ta,
Cũng bằng tiến sĩ đi ba lọng vàng.
Phân tích lời (a): A = “con gái lấy phải ông già”; B = “con lợn cọp tha vào rừng”; tss: “cũng bằng”; t: (là) một sự uổng phí thấy rõ mà khó bề cứu chữa.
2.1.4. Dùng tss bao nhiêu… bấy nhiêu – mô hình: [Tạo] A, A bao nhiêu a ,… thương (sầu, nhớ,… )… bấy nhiêu (a: danh từ, và a ∈ A)
(a) Qua cầu dừng bước trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu.
(b) Sơn lâm mấy cội tương vàng,
Cành bao nhiêu lá, thương chàng bấy nhiêu.
(c) Tay cầm quyển sách bìa vàng,
Sách bao nhiêu chữ, thương nàng bấy nhiêu.
(d) Chiều chiều bước xuống ghe buôn,
Sóng bao nhiêu gợn, dạ em buồn bấy nhiêu.
Phân tích lời (a): [Tạo] A = “Qua cầu dừng bước trông cầu” (A = “cầu”); a = “nhịp” (“nhịp” ∈ “cầu”); vì a được hiểu là rất nhiều, không đếm xuể, nên nỗi thương (sầu, nhớ,…) là chất ngất; t: điều lớn lao, vô hạn ([i]).
2.2. Nhóm so sánh tương tự
Nhóm này dùng các từ ngữ so sánh: như, như thể, như là, cũng như, giả như, tỉ như, tựa, khác nào, khác thể, khác như, khác gì, kém gì, ví như, như dường, thức như, cầm như, cũng thể như, cũng tỉ như,… Dưới đây, là các từ ngữ so sánh thường gặp, kèm mô hình so sánh liên quan.
2.2.1. Dùng tss như
A. Mô hình A như B
(a) Bạn ơi có nhớ ta chăng,
Ta thời nhớ bạn như trăng nhớ trời.
(b) Bàng màng một tí ngoài da,
Trong thời rỗng tuếch như hoa muống rừng.
(c) Bây giờ ta gặp nhau đây,
Như con cá cạn gặp ngày trời mưa.
Phân tích: phạm vi của mô hình A như B có thể chỉ một dòng thơ – như dòng bát của (a) và (b); có thể gồm hai dòng – lời (c). Với lời (c): A = “(bây giờ) ta gặp nhau đây”; B = “con cá cạn gặp ngày trời mưa”; ⇒ t: hạnh phúc tràn trề.
B. Mô hình A như B, như B’
(a) Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
(b) Tình cờ anh gặp nàng đây,
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
(c) Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây,
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi.
Phân tích: Tuy mô hình được thể hiện trên cặp lục bát, nhưng ở (a) và (b) dòng lục biểu đạt A, trong lúc ở (c), dòng lục không chỉ biểu đạt A mà còn thêm như B. Với lời (a): A = “bây giờ em đã có chồng”; B = “chim vào lồng”; B’ = “cá cắn câu”; t: bị lệ thuộc, mất tự do.
C. Mô hình A như B, như B’, như B’’ (có thể thêm như B’’’)
(a) Lấy chồng như trống cặp kèn,
Như dao cặp thớt, như đèn cặp khâu.
(b) Trông em như lửa trông lư,
Như mực trông giấy, như ngư trông mồi.
(c) Đôi ta như lửa mới nhen,
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
(d) Vợ anh như trúc, như thông,
Như hoa mới nở, như rồng mới thêu.
Phân tích: các lời (a), (b), (c) theo mô hình A như B, như B’, như B’’ (thí dụ, với (a): A = “lấy chồng”; B = “trống cặp kèn”; B’ = “dao cặp thớt”; B’’ = “đèn cặp khâu”), lời (d) thêm như B’’’ (B’’’ = “rồng mới thêu”); t của (a): mối hoà kết tạo ra sự đồng điệu, hợp lẽ; t của (d): xinh đẹp, đáng yêu.
D. Mô hình A như B, [đặc tính của B] (B có thể kép)
(a) Anh chưa có vợ như chợ chưa có đình,
Trời mưa dông đôi ba hột, biết ẩn mình vô mô?
(b) Anh đã có vợ con riêng,
Như bông hoa riềng, nửa đắng nửa cay.
(c) Nghĩa nhân mỏng dánh,
Như cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
(d) Đôi ta như bấc với dầu,
Khêu ra cho rạng, kẻo sầu tương tư.
(e) Anh với em như mía với gừng,
Gừng cay mía ngọt, ngát lừng mùi thơm.
Phân tích:
– Việc thể hiện A như B của mô hình ở các lời ca dao: với các lời (a), (d), (e) là dòng đầu; với lời (b) là dòng lục và nửa đầu dòng bát; với lời (c) là hai dòng đầu. B ở các lời (d), (e) kép (thí dụ, B của (d) = “bấc” + “dầu”).
– t được suy theo [đặc tính của B], dạng khái quát hoá đặc tính này; thí dụ: t của (a): thiếu chỗ để cậy nhờ; t của (b): (riêng em) thật khó đặt quan hệ với anh; t của (c): không sâu dày nên nhạt nhẽo, tuỳ tiện;…
2.2.2. Dùng tss giả như, cũng như, cũng thể như, cầm như; tỉ như, ví như; cũng tỉ như; khác thể, khác nào, khác gì; như thể, như là, như dường
A. Mô hình A giả như (cũng như, cũng thể như, ngẫm như, cầm như) B
(a) Bữa nay ta lại gặp ta,
Giả như lụa mới thêu hoa vẽ rồng.
(b) Trai cách đời vợ gặp gái trở đời chồng,
Cũng như triêng nặng qua sông gặp đò.
(c) Anh xa em ngày tháng đeo phiền,
Cũng thể như Thuý Kiều xa Kim Trọng, mười mấy niên đoạn trường.
(d) Đôi ta đã quyết thì liều,
Ngẫm như con trẻ chơi diều đứt dây.
(e) Một đêm nằm ở thuyền rồng,
Cầm như chín tháng ở trong thuyền chài.
Phân tích: giữa các từ ngữ so sánh có sự gần nghĩa, chúng đều được đặt ở vị trí đầu dòng bát, và trong một chừng mực nhất định về sai số ngữ nghĩa cho phép, thì chúng có thể thay thế cho nhau. Thử suy t: t của (a): cuộc gặp gỡ đẹp đẽ; t của (b): cuộc gặp gỡ tương xứng; t của (c): nỗi đau buồn khi yêu nhau mà phải xa nhau,…
B. Mô hình A tỉ như (ví như) B
(a) Trai tơ gặp gái đương xuân,
Tỉ như trời hạn nửa chừng gặp mưa.
(b) Vắng em một bữa anh buồn,
Tỉ như con chim nhạn dưới luồng mây xanh.
(c) Thiếp xa chàng trăm người trăm tiếc,
Chàng xa thiếp vạn kẻ vạn thương;
Trăm năm chiếu nỏ bén giường,
Ví như đòn gánh gãy giữa đường chàng ơi!
Phân tích: A của (a), (b) là dòng lục, của (c) là “thiếp xa chàng” (hoặc “chàng xa thiếp”). Suy t: t của (a): sự khát khao được đáp ứng; t của (b): (buồn) vì nỗi trống vắng, lẻ loi; t của (c): cái đau của việc “giữa đường gãy gánh”.
C. Mô hình A khác gì (khác nào) B
(a) Có chồng mà chẳng có con,
Khác gì hoa nở trên non một mình.
(b) Thương nhau chẳng đặng chờ nhau,
Khác chi con trẻ trèo cau đứt nài.
(c) Thân em đi lấy chồng chung,
Khác nào làm cái bung xung chịu đòn.
Phân tích: quan hệ liên tưởng giữa A và B của mô hình này sâu rộng hơn mô hình A giả như B đã trình bày; suy t: t của (a): có cũng như không, vì không được thừa nhận; t của (b): hết hi vọng; t của (c): chịu cảnh đoạ đày, nhục mạ.
D. Mô hình A như thể (khác thể) B, [đặc tính của B]
(a) Em đẹp như thể ông sao,
Để anh đi lại ra vào mỏi chân.
(b) Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay bể Bắc, đi tìm bể Đông.
(c) Thân em khác thể tai bèo,
Sóng dồi gió dập, khổ phận nghèo lắm thay!
Phân tích: mô hình này tương tự mô hình A như B, [đặc tính của B] đã trình bày, nhưng mức độ sử dụng hạn chế hơn nhiều. Có sự phân bố đều đặn: A như thể (khác thể) B thực hiện ở dòng lục; [đặc tính của B] thực hiện ở dòng bát. Suy t theo [đặc tính của B]: t của (a): sự hấp dẫn, lôi cuốn bởi cái đẹp của em; t của (b): chẳng biết đâu là chốn ở; t của (c): bị vùi dập khiến phải nổi trôi, lận đận.
3. Nhận xét, kết luận
Trong các hình thức so sánh thuộc dạng so sánh tương đồng, lối so sánh sử dụng từ so sánh như phổ biến hơn cả, ngoài những lời đã dẫn, còn một số lời khác mà cả cái được so sánh lẫn cái so sánh đều tạo ấn tượng mạnh, như:
– Nếu đẹp đã có tiếng đồn,
Lọ là nhí nhảnh như trôn chích choè.
– Thương ai rồi lại nhớ ai,
Mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng.
– Trai làng có thiếu gì đâu,
Sao em vỏng vảnh như cau cuối mùa.
Đặc biệt, là mô hình so sánh A như B, [đặc tính của B], và mô hình gần gũi A như thể (khác thể) B, [đặc tính của B]. Hai mô hình này đã tạo được nhiều lời so sánh hay đã dẫn. Cũng xuất phát từ chúng mà ta có những so sánh lạ, như:
– Thân em như thể hàng săng,
Anh nào muốn chết thì quăng mình vào!
– Con gái như thể hàng săng,
Bán thì muốn bán, biết răng chào mời.
Cái “hàng săng” (quan tài) của lời đầu có đặc tính “anh nào muốn chết thì quăng mình vào!”, phù hợp với một “thân em” có cá tính mạnh mẽ, muốn thách thức, mời gọi đám mày râu. Cái “hàng săng” của lời sau có đặc tính “bán thì muốn bán, biết răng chào mời”, không thể mời ai mua quan tài, cũng như mời ai đến cưới cô con gái của mình, dù trong lòng người làm cha mẹ rất muốn. Ta thấy, khi cùng B mà khác A, thì [đặc tính của B] tuỳ thuộc vào A tương ứng: A thế nào, đặc tính của B thế ấy. Điều này khẳng định vai trò của thuộc tính so sánh t. Đó là lí do vì sao t luôn được quan tâm khi tìm hiểu vấn đề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (Đồng Chủ biên), Kho tàng ca dao người Việt, hai tập, NXB Văn hoá Thông tin, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây kết hợp xuất bản, Hà Nội, 2001.
[2] Đinh Trọng Lạc (Chủ biên), Nguyễn Thái Hoà, Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993.
[3] Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
[4] Cù Đình Tú, Lê Anh Hiền, Nguyễn Thái Hoà, Võ Bình, Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1982.
Chú thích:
(1) Thí dụ này dẫn theo: Hoàng Kim Ngọc, “So sánh và các phương tiện ngôn ngữ biểu hiện quan hệ so sánh trong ca dao tục ngữ Việt Nam”, trong: Nhiều tác giả, Ngữ học trẻ 2001 (Kỉ yếu Hội thảo, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức), Hội Ngôn ngữ học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 2001; tr. 426.
(2) Xem thêm: Triều Nguyên, “Những bài ca dao có câu cuối theo cấu trúc A bao nhiêu a,… thương (sầu, nhớ,… ) bấy nhiêu”, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1(49), 1995; tr. 59-63.