Đánh giá hiện trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực Đầm Chuồn, tỉnh Thừa Thiên Huế
EVALUATING STATUS, CAUSES OF AND PROPOSING
SOLUTIONS FOR DEVELOPING COMMUNITY-BASED ECOLOGICAL TOURISM IN CHUON LAGOON, THUA THIEN HUE PROVINCE
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HOÀI THANH
(Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế)
TÓM TẮT
Bài nghiên cứu với tiêu đề “Đánh giá hiện trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực đầm Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế” tập trung khảo sát thực tế về hoạt động du lịch tại khu vực đầm Chuồn nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo lợi ích của cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ bền vững các nguồn tài nguyên. Trên cơ sở phân tích thực trạng, làm rõ những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động du lịch sinh thái của vùng, bài viết cũng đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững của người dân địa phương.
Từ khóa: Du lịch sinh thái, cộng đồng, đầm Chuồn.
ABSTRACT
The paper focuses on the actual survey of tourism activities in Chuon lagoon area to develop tourism in a sustainable manner, ensuring the benefits of the community, reducing poverty and protecting the resources sustainably. Based on the analysis of the current situation and clarifying the problems that exist in the ecotourism activities of the region, the article also boldly proposed a number of solutions to develop eco-tourism, which is plays an important role for sustainable income of local people.
Key words: Ecotourism, community, Chuon lagoon.
x
x x
1. Mở đầu
Đầm Chuồn hay còn được gọi là Đầm Sam, Đầm An Truyền là một trong những đầm phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Đây được xem là một trong những điểm nhấn độc đáo về phong cảnh trữ tình của xứ Huế, nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 12km về hướng đông nam, thuộc địa phận xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong vài năm trở lại đây, đầm Chuồn trở thành một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Hiện tại, ngành du lịch địa phương đang trong quá trình tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Lịch sử vấn đề nghiên cứu liên quan: Trong những năm trở lại đây đã có rất nhiều công trình như bài báo, tạp chí, luận văn, v.v. nghiên cứu về tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Đáng kể như tác giả Bùi Thị Tám với bài viết “Nhu cầu tiềm năng đối với du lịch dựa vào cộng đồng ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai” được đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1/2011; công trình “Khảo sát đánh giá về tiềm năng du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế – Một số phương hướng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới” của Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên Huế; bài viết của tác giả Nguyễn Duy Quỳnh Trâm với tiêu đề “Đặc điểm môi trường và đa dạng của thủy sinh vật trong hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai”, v.v. Ngoài ra còn có rất nhiều công trình khác nữa.
Các công trình nghiên cứu nêu trên đã làm rõ nhiều vấn đề về du lịch sinh thái ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đối tượng nghiên cứu diễn ra trên một phậm vi rộng bao gồm các xã, huyện ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế nên rất khó cho các địa phương trong việc ứng dụng các giải pháp nhằm phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các công trình chỉ tập trung làm rõ những đặc điểm về sinh thái, về điều kiện tự nhiên mà chưa thực sự đi sâu phân tích chuỗi hoạt động kinh tế, truyền thống sinh hoạt văn hóa, cũng như vai trò và tác động của người dân địa phương đối với việc phát triển du lịch.
Mục tiêu nghiên cứu: Bài nghiên cứu của chúng tôi tập trung khảo sát thực tế về hoạt động du lịch tại khu vực đầm Chuồn nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo lợi ích của cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ bền vững các nguồn tài nguyên. Trên cơ sở phân tích thực trạng, làm rõ những vấn đề đang còn tồn tại trong hoạt động du lịch sinh thái của vùng, bài viết cũng đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững của người dân địa phương.
Câu hỏi nghiên cứu:
1. Thực trạng khai thác hoạt động du lịch sinh thái trên khu vực đầm Chuồn hiện nay như thế nào?
2. Những vấn nạn đang đặt ra cho hoạt động du lịch ở đây là gì?
3. Biện pháp để khắc phục những tình trạng nói trên nhằm phát triển du lịch và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương là gì?
2. Cơ sở lý luận
2.1. Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái (DLST) (ecotourism) là một khái niệm tương đối mới và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với một số người, DLST được hiểu đơn giản là sự kết hợp cử hai từ ghép “du lịch” và “sinh thái”. Ở một số ý kiến khác, người ta lại cho rằng DLST là du lịch tự nhiên. Theo đó, mọi hoạt động du lịch có liên quan đến thiên nhiên như tắm biểm, leo núi, tham quan rừng nhiệt đới, vườn quốc gia, v.v. đều được hiểu là DLST.
DLST còn được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như:
– Du lịch thiên nhiên (Nature Tourism)
– Du lịch dựa vào thiên nhiên (Nature – based Tourism)
– Du lịch môi trường (Enviromental Tourism)
– Du lịch đặc thù (Particular Tourism)
– Du lịch xanh (Green Tourism)
– Du lịch thám hiểm (Adventure Tourism)
– Du lịch bản xứ (Indigenous Tourism)
– Du lịch có trách nhiệm (Responsible Tourism)
– Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) (Phạm Trung Lương, 2002).
Năm 1991, Tổ chức Du lịch Sinh thái Quốc tế (The Internatinal Ecotourism Society) đã đưa ra một trong những định nghĩa sớm nhất là: DLST là một loại hình du lịch lữ hành có trách nhiệm đến các khu thiên nhiên, bảo tồn môi trường và mang lại phúc lợi lâu dài cho người dân địa phương (Đinh Thị Mỹ Hằng, 2014).
Năm 1996, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xác định: DLST là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường ở các khu thiên nhiên tương đối còn hoang sơ với mục đích thưởng ngoạn thiên nhiên và các giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại, thúc đẩy công tác bảo tồn, ít có tác động đến môi trường và tạo ra các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế – xã hội cho cộng đồng địa phương (Đinh Thị Mỹ Hằng, 2014).
Hội thảo Quốc gia về xây dựng chiến lược phát triển DLST ở Việt Nam (07-09/09/1999) đã đưa ra định nghĩa: DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường và có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương (Đinh Thị Mỹ Hằng, 2014).
Theo Luật du lịch Việt Nam: DLST là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững.
Như vậy, về cơ bản, DLST được hiểu là loại hình du lịch tham quan, thám hiểm, đưa du khách đến với những môi trường còn tương đối nguyên vẹn, về các vùng thiên nhiên hoang sơ để tìm hiểu, nghiên cứu về hệ sinh thái và các nền văn hóa bản địa độc đáo, làm thức dậy ở khách du lịch tình yêu và trách nhiệm bảo tồn và phát triển đối với tự nhiên và cộng đồng địa phương. Hay nói cách khác, DLST là loại hình du lịch với những hoạt động có nhận thức mạnh về thiên nhiên và ý thức trách nhiệm đối với xã hội. Theo đó, DLST gắn liền với Du lịch trách nhiệm. Do vậy, có thể hiểu DLST là hình thức du lịch trách nhiệm, không làm ảnh hưởng đến các ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường, mặt khác còn góp phần vào việc duy trì, phát triển cuộc sống của cộng đồng người dân địa phương.
Qua các khái niệm nếu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, DLST là một loại hình du lịch đảm bảo những yêu cầu sau đây:
– DLST phát triển dựa vào những giá trị hấp dẫn của thiên nhiên và văn hóa bản địa.
– DLST được quản lý bền vững về môi trường sinh thái.
– Phải bao gồm những hoạt động có giáo dục và diễn giải về môi trường.
– Hạn chế mức thấp nhất các tác động đến môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội.
– Có sự hỗ trợ bảo tồn tự nhiên bằng cách tạo ra lợi ích kinh tế cho địa phương, các tổ chức và chủ thể quản lý, tạo cơ hội về việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương.
2.2. Cộng đồng (CĐ)
Theo Từ điển tiếng Việt, cộng đồng (CĐ) được hiểu là “chung nhau và công khai”. Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam, CĐ xã hội được hiểu là “một tập đoàn người, có những dấu hiệu, những đặc điểm xã hội chung về thành phần giai cấp, nghề nghiệp, địa điểm sinh tụ và cư trú. Cũng có những cộng đồng xã hội bao gồm cả một dòng họ, một sắc tộc, một dân tộc”. Như vậy, CĐ xã hội bao gồm một loạt yếu tố xã hội chung mang tính phổ quát. Đó là những mặt CĐ về kinh tế, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, tâm lý, lối sống. Những yếu tố này trong tính tổng thể của nó tạo nên tính ổn định và bền vững của một cộng đồng xã hội. Khẳng định tính thống nhất của một CĐ xã hội trên một quy mô lớn, cũng đồng thời phải thừa nhận tính đa dạng và nhiều màu sắc của các cộng đồng xã hội trên những quy mô nhỏ hơn. CĐ là một tập hợp các gia đình và cá nhân sống trên cùng một vùng địa lí và cuộc sống của họ có những yếu tố chung thể hiện bởi phong tục tập quán, truyền thống và ngôn ngữ. Theo một nghĩa hẹp hơn, CĐ có thể được hiểu như là một nhóm người (tập thể) có những đặc điểm chung về hoàn cảnh kinh tế, có cùng mối quan tâm, mục tiêu, chí hướng và cùng thực hiện những hành động tập thể để đạt được các mục tiêu chung đó (Nguyễn Thị Vinh Hương, 2013).
Ở Việt Nam, CĐ thường đề cập đến thôn bản hay nhóm người sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Hầu hết người dân đã tham gia vào một số tổ chức đoàn thể đang tồn tại như Mặt trận, Hội Phu nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, v.v. Các tổ chức này được xem như là một phần của hệ thống chính trị xã hội tại địa phương. Nhiều hình thức tổ chức cộng đồng khác đã và đang phát triển để phát triển các mục tiêu và nhu cầu phát triển như Nhóm tương trợ, Nhóm tiết kiệm và tín dụng, nhóm sở thích, hội chữ thập đỏ, v.v. Các tổ chức đoàn thể và tổ chức cộng đồng nói trên có thể được xem là tổ chức dựa vào CĐ.
CĐ là nền tảng phát triển của mọi xã hội. CĐ có thể được hiểu ở những mức độ, quy mô khác nhau từ làng, bản đến bộ tộc, dân tộc, quốc gia. Tác động của CĐ lên các giá trị tài nguyên, trong đó có tài nguyên du lịch và qua đó ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho phát triển du lịch bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng động đồng, trong đó các giá trị truyền thống và vai trò của cộng đồng được phát huy đầy đủ nhất.
2.3. Du lịch cộng đồng (DLCĐ)
Du lịch cộng đồng được định nghĩa tại Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó: DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Hiện nay, DLCĐ đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. DLCĐ không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.
Theo Nicole Hausle và Wolffgang Strasdas (2009) cho rằng: “DLCĐ là mô hình phát triển du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương”. Quan niệm trên nhấn mạnh đến vai trò chính của người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch ngay trên địa bàn quản lý (Nguyễn Thị Vinh Hương, 2013).
Một số ý kiến khác lại cho rằng: “DLCĐ là nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch tại điểm du lịch đón khách vì sự phát triển du lịch bền vững dài hạn. DLCĐ khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương trong du lịch và có cơ chế tạo các cơ hội cho cộng đồng. DLCĐ là một quá trình tương tác giữa cộng đồng (chủ) và khách du lịch mà sự tham gia có ý nghĩa của cả hai phía mang lại các lợi ích kinh tế, bảo tồn cho cộng đồng và môi trường địa phương” (Nguyễn Thị Vinh Hương, 2013).
Như vậy, trên cơ sở của những lập luận nêu trên có thể khái quát, DLCĐ là một mô hình phát triển du lịch, trong đó CĐ dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. CĐ dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Phát triển DLCĐ sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Xét về bản chất, DLCĐ là một loại hình du lịch do chính CĐ người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…). Mô hình DLCĐ tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và ẩm thực dân dã đậm chất địa phương. Ngoài ra, mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình triển khai và thực hiện, đề tài đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội phối hợp với phương pháp nghiên cứu liên ngành. Cụ thể:
Phương pháp tiếp cận liên ngành và khu vực học
Thực hiện phương pháp này nhằm phân tích và đánh giá nội dung nghiên cứu dựa trên nhiều hệ quy chiếu khác nhau, từ đó có cái nhìn tổng thể đa chiều nhằm làm rõ về điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội, thách thức của hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Phú An.
Phương pháp điền dã dân tộc học
Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến văn hóa, du lịch. Thông qua đối thoại với người cung cấp thông tin, thông qua phỏng vấn sâu, trao đổi cá nhân, thông qua quan sát thực địa, chụp ảnh, ghi âm để có thêm thông tin phục vụ cho đề tài. Với sự hỗ trợ của những phương tiện nói trên, thông tin thu được từ phương pháp này khá phong phú và cho kết quả nghiên cứu chân thực.
Phương pháp điều tra bảng hỏi
Phương pháp điều tra bảng hỏi là một phương pháp phỏng vấn thông qua các phiếu điều tra được thực hiện cùng một lúc với nhiều người dựa trên một bảng khảo sát cho sẵn. Người được hỏi trả lời ý kiến của mình bằng cách đánh dấu vào các ô tương ứng theo một quy ước mặc định với các câu hỏi được xếp đặt trên cơ sở các nguyên tắc: tâm lý, logic và theo nội dung nhất định.
Phương pháp này với các bước như sau:
– Khảo sát, xác định đối tượng và nội dung cần điều tra: để thực hiện mục tiêu của đề tài, việc điều tra được tiến hành khách du lịch đã đến với khu du lịch sinh thái đầm Chuồn, xã Phú An.
– Thiết kế bảng hỏi: Phiếu điều tra được thiết kế với hệ thống câu hỏi phù hợp về cả cấu trúc, thời gian với các đối tượng là khách du lịch (số lượng phiếu là 70 phiếu phát ra và thu về 70 phiếu). Nội dung các câu hỏi đề cập sở thích, đối tượng, thời gian, nhận xét, v.v. của du khách nhằm đáp ứng cho yêu cầu và mục tiêu của đề tài.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Thực trạng khai thác hoạt động du lịch sinh thái tại Đầm Chuồn
Hệ thống đầm Chuồn thuộc địa phận xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng diện tích gần 2.000 ha, trải dài và tiếp nối với các xã Phú Mỹ, Phú Dương và thị trấn Thuận An. Đây là nơi có nhiều loại thủy sản phong phú và có tính đa dạng sinh học cao. Không những thế, đầm Chuồn có phong cảnh đẹp, nên thơ. Sự hòa quyện giữa hệ thống nò sáo với phong cảnh tự nhiên trở nên rất quyến rũ vào buổi bình minh và hoàng hôn trên đầm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn của đầm Chuồn đối với khách du lịch. Bởi vậy, đã từ lâu, đầm Chuồn được nhiều người biết đến bởi nhiều cảnh đẹp, sản vật ngon, người dân thân thiện, chất phác. Người ta thường ví von rằng:
“Đầm Chuồn khung cảnh như tranh
Ai đi nhớ mãi ân tình thân thương
Về rồi vẫn mãi vấn vương
Thịnh tình nơi ấy luôn còn trong tim”.
Cộng đồng dân cư trên địa bàn xã chủ yếu sống dựa vào nghề nông và nghề đánh bắt thủy hải sản. Về sản xuất nông nghiệp: tổng diện tích gieo cấy cả năm là 320 ha, sản lượng đạt 2.048 tấn, năng suất trung bình đạt 65 tạ/ha (Ủy ban nhân dân xã Phú An, 2018). Về nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là 250 ha với các giống thả chủ yếu là tôm P15 900 vạn con, tôm 2-3 là 900 vạn con, cá kình 65 vạn con, cua 100 vạn con, tôm rảo 350 vạn con, cá dìa 65 vạn con, v.v. (Ủy ban nhân dân xã Phú An, 2018). Hoạt động sản xuất của người dân địa phương đã góp phần hình thành những phong tục tập quán riêng cho cư dân của vùng. Sự phong phú và tinh tế của các ngành nghề và công cụ khai thác cùng với những yếu tố lâu đời đã góp phần tạo ra những yếu tố văn hóa, nhân văn mang tính đặc trưng của khu vực. Các lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm ở đây như lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền, lễ hội thu tế, v.v. thường gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ và khát khao cuộc sống. Hầu hết các lễ hội truyền thống ở đây được tổ chức với tinh thần “ly hương bất ly tổ” là dịp tập trung con cháu ở khắp mọi miền đất nước, ở nước ngoài sum họp. Đây là một nét văn hóa truyền thống giúp người dân địa phương bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng như các di tích lịch sử văn hóa khác, theo thời gian, các lễ hội này đang bị mai một hoặc mất dần.
Các hoạt động du lịch ở khu vực đầm Chuồn nói riêng và ở xã Phú An nói chung mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Người dân địa phương đã đầu tư xây dựng các hàng quán, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí để phục vụ du khách. Điển hình như Đầm Chuồn Hội Quán, Đầm Chuồn Hương Quán, Đầm Chuồn Việt Quán, Đầm Chuồn Lộng Gió, v.v. Mùa du lịch chủ yếu diễn ra từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, nhưng tập trung cao nhất là các tháng mùa hè. Vào mùa du lịch cao điểm, ở những nhà hàng lớn nằm giữa đầm Chuồn trung bình mỗi ngày đón tiếp hơn 350 khách. Mỗi quán khác trung bình đón khoảng trên dưới 100 lượt khách/ ngày. Cũng có nhiều ngày lượng khách du lịch đến đầm Chuồn rất đông, các nhà hàng trở nên quá tải, không còn chỗ ngồi cho khách. Phần lớn khách du lịch đến khu vực này là từ thành phố Huế. Trong quá trình khảo sát ý kiến của khách du lịch cho thấy, phần lớn du khách quan tâm đến những điểm du lịch sinh thái nằm trong phạm vi thành phố Huế, nơi thuận tiện cho các tour du lịch kết nối.
STT | Điểm tham quan | Ý kiến | Tỉ lệ (%) |
1 | Phá Tam Giang | 48 | 68,6 |
2 | Đầm Sam – Đầm Chuồn | 65 | 92,9 |
3 | Đầm Thủy Tú | 8 | 11,4 |
4 | Đầm Cầu Hai | 12 | 17,1 |
70 | 100 |
Tam Giang–Cầu Hai
Dựa vào Bảng 1 có thể thấy so với các điểm du lịch khác trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, phần lớn khách du lịch quan tâm đến những điểm du lịch nằm ngay trung tâm thành phố, hoặc những điểm có giao thông thuận lợi. So với các điểm du lịch khác thuộc hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, khả năng tiếp cận điểm du lịch ở đầm Chuồn thuận tiện hơn rất nhiều. Với vị trí nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km, du khách có thể di chuyển dễ dàng đến đây bằng xe ô tô hoặc xe máy. Du khách cũng còn có thể tiếp cận các thôn ven đầm Chuồn bằng đường thủy. Trong những năm gần đây, nhiều hãng lữ hành đã xây dựng các tour du lịch đầm phá bằng thuyền. Các tour này sẽ đưa khách du lịch đi từ Huế đến Thuận An theo sông Hương, sau đó sẽ đi vào khu vực đầm Sam – đầm Chuồn và tiếp cận xã Phú An.
Ngoài ra, chính quyền xã Phú An cũng đã đầu tư nâng cấp hệ thống đường sá, giao thông rất thuận tiện. Hệ thống các tuyến đường liên xã và liên huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%; hệ thống các tuyến đường liên thôn cũng đã được bê tông hóa đạt tỉ lệ 90%, v.v. Từ năm 2011 đến năm 2016, UBND xã đã đầu tư xây dựng 4,5km đường mới với kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng (Ủy ban nhân dân xã Phú An, 2017). Sự đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông thủy, bộ là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển du lịch ở khu vực này.
Cũng theo kết quả khảo sát, điểm hấp hẫn nhất của đầm Chuồn khi du khách đến đây là có thể đắm mình trong không gian thơ mộng, bình yên, nhẹ nhàng của cảnh vật nơi đây và thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.
STT | Tiêu chí | Ý kiến | Tỉ lệ (%) |
1 | Khí hậu trong lành, mát mẻ | 62 | 88,6 |
2 | Cảnh quan đẹp | 65 | 92,9 |
3 | Môi trường sạch sẽ | 48 | 68,6 |
4 | Món ăn ngon | 67 | 95,7 |
5 | Sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương | 5 | 7,1 |
6 | Có nhiều lễ hội đặc sắc | 6 | 8,6 |
7 | Những điểm khác | 0 | 0 |
Tổng cộng | 70 | 100 |
Với nét độc đáo đậm chất sông nước, khách du lịch có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên lãng mạn. Thêm vào đó, khách du lịch đến đây có thể tham gia trải nghiệm các loại hình du lịch như đánh bắt thủy sản trên đầm, tham quan khám phá đầm phá lúc bình minh và hoàng hôn, hoặc có thể đi thuyền ra đầm phá để được ngồi trên các nhà chồ thưởng thức hải sản tươi sống, v.v…
STT | Các hoạt động du lịch | Ý kiến | Tỉ lệ (%) |
1 | Tìm hiểu văn hóa bản địa | 0 | 0 |
2 | Giao lưu văn hóa với cộng đồng | 2 | 2,9 |
3 | Khám phá đặc sản địa phương | 68 | 97,1 |
4 | Chèo thuyền ngắm cảnh trên đầm phá lúc bình minh hoặc hoàng hôn | 39 | 55,7 |
5 | Ngủ lại trên các nhà chồ và đón bình minh trên đầm | 26 | 37,1 |
6 | Trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên đầm phá cùng với người dân địa phương | 13 | 18,6 |
7 | Tham dự lễ hội của cộng đồng | 2 | 2,9 |
8 | Nghỉ dưỡng | 0 | 0 |
9 | Các hoạt động khác | 0 | 0 |
Tổng cộng | 70 | 100 |
4.2. Thực trạng khai thác và hoạt động du lịch trên đầm Chuồn: Một số khó khăn đang đối mặt
Trước hết phải kể đến đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Việc khai thác thủy sản và du lịch sinh thái tại đầm Chuồn đã gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước một các nghiêm trọng. Xung quanh đầm, rác thải được chất đống, bốc mùi, trải dài hàng trăm mét, từ triền đê, dưới nước. Xung quanh các hàng quán trên đầm, vì không có bãi rác, cũng không có người thu gom nên hầu như toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân và khách du lịch đều được đổ thẳng ra đầm. Hiện nay mức độ ô nhiễm nguồn nước nơi đây ngày càng nghiêm trọng. Toàn xã có hơn 200ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, nhưng thường xuyên xuất hiện dịch bệnh, năng suất và sản lượng thấp. Nhiều diện tích mặt nước phải bỏ hoang vì quá ô nhiễm. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan của vùng đầm phá, làm cản trở tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở đây.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND xã Phú An đã thực hiện đề án xử lý rác thải, bảo vệ môi trường đầm Chuồn bằng cách thành lập các tổ thu gom rác. Theo đó, mỗi tuần các tổ này sẽ thực hiện thu gom rác ở khu dân cư và ven mặt đầm phá 2 lần, sau đó, đưa lên xe tải chở về bãi tập kết rác của tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý. Thế nhưng, vấn đề thu gom rác thải không được hợp lý nên đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không nên xả rác xuống đầm để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cũng là ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, xã đã có đội thu gom rác, vận chuyển rác tập kết về bãi rác của tỉnh nhưng do người dân nơi đây cũng như du khách vẫn chưa ý thức được việc bỏ rác đúng nơi quy định, dẫn đến tình trạng rác thải ngổn ngang.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách phát triển du lịch của chính quyền xã còn chậm và kém hiệu quả. Tại hầu hết các điểm du lịch chưa có sự quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái cho toàn vùng, phần lớn chỉ hoạt động đơn lẻ và dựa vào những tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương. Việc thiếu sự phối hợp giữa các bên đã tác động rất lớn đến sự phát triển du lịch đầm phá nói chung và mô hình du lịch sinh thái nói riêng. Các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái chưa được thực hiện.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn tồn tại một số khó khăn khác về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: đường vào điểm du lịch đầm Chuồn còn khá hẹp. Vào những dịp cao điểm, hoặc vào cuối tuần, lượng khách đông dễ gây ra tình trạng va quẹt, tai nạn giao thông; tại các điểm du lịch lớn trên địa bàn xã không có bãi đậu xe; bến thuyền và cầu dẫn khách lên thuyền còn tạm bợ, gây khó khăn cho khách khi di chuyển; thiếu hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trên đầm phá, do vậy thuyền chở khách rất khó tìm kiếm các luồng lạch trên đầm phá; thiếu phương tiện vận chuyển (các thuyền, ghe nhỏ) để đưa khách tham quan trong đầm hoặc thực hiện các loại hình du lịch khám phá đầm phá lúc bình minh và hoàng hôn; không có nhà vệ sinh và thùng rác cộng cộng,…
Thêm vào đó, các dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh doanh nhà hàng trên đầm phá cũng có một số bất cập như: hầu hết các nhà hàng được xây dựng tự phát, không có quy hoạch và quản lý chung về hoạt động kinh doanh trên đầm phá; các nhà vệ sinh trên các hàng quán này đều rất tạm bợ, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước; nước thải từ các nhà hàng chảy trực tiếp xuống đầm phá không qua xử lý gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh, v.v.
Một khó khăn nữa đang đặt ra là trình độ dân trí và năng lực quản lý du lịch của cán bộ và người dân địa phương còn nhiều hạn chế. Hiểu biết và kiến thức cơ bản về du lịch và nghiệp vụ du lịch của người dân còn thấp. Do vậy các sản phẩm du lịch sinh thái trên địa bàn xã còn quá nghèo nàn, thiếu tính đặc trưng, tính chuyên nghiệp và từ đó chưa có sức thu hút khách du lịch. Bên cạnh những hoạt động du lịch hiện có như tham quan nghỉ dưỡng trên đâm phá, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống, v.v. trên địa bàn xã có thể kết hợp thêm một số hoạt động du lịch trên đầm phá như tham gia trải nghiệm vào cuộc sống sinh hoạt cùng với cư dân vạn đò; trải nghiệm các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản cùng với người dân. Điều đó sẽ tạo ra sự mới lạ và thu hút khách du lịch hơn so với các hoạt động du lịch truyền thống. Đây cũng chính là những hoạt động nằm trong mô hình du lịch sinh thái mà chúng tôi đang nghiên cứu và đề xuất trên địa bàn xã Phú An. Ưu điểm của hoạt động du lịch này là vừa kế thừa được những hoạt động du lịch mang tính truyền thống ở địa phương và có thể khai thác thêm thế mạnh sẵn có của vùng. Hơn nữa, lợi ích nhất đối với mô hình du lịch sinh thái này là có thể dựa vào cộng đồng, dựa vào những giá trị tự nhiên và nhân văn sẵn có trên địa bàn xã để phát triển du lịch sinh thái, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên cũng như đem lại nguồn sinh kế cho người dân địa phương.
5. Thảo luận và đề xuất
Phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở khu vực đầm Chuồn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã Phú An là chủ trương đúng dắn nhằm góp phần sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực kinh tế của địa phương, cải thiện sinh kế và thu nhập cho người dân. Trên cơ sở của kết quả nghiên cứu nêu trên, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch tại khu vực đầm Chuồn như sau:
Đối với chính quyền địa phương: Chính quyền địa phương cần có quy định rõ ràng về các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên hệ thống đầm Chuồn. Khoanh vùng cụ thể về khu vực khai thác, cấm người dân địa phương đóng cọc nuôi trồng thủy sản vùng gần bờ, gây ô nhiễm nguồn nước. Nghiêm cấm việc sử dụng các dụng cụ đánh bắt trái phép như rà điện hay sử dụng chất nổ, v.v. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quy định, làm tổn hại đến môi trường và nguồn lợi thủy sản đầm phá.
Đối với hoạt động DLST, việc bảo tồn và phát huy các tài nguyên sinh thái là yêu cầu quan trọng. Do vậy chính quyền địa phương cần chú trọng và thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhà đầu tư và du khách về công tác bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên bằng các biện pháp như: tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, họp dân có sự tham gia của chính quyền và người dân; tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền, v.v. Tuyên truyền người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Thực hiện nhiều đợt ra quân của các hội, đoàn thể trên địa bàn để thu gom rác thải. Có các chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp vi phạm.
Lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết về phát triển DLST vùng đầm Chuồn. Tiến hành rà soát, điều chỉnh và cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh du lịch đủ tiêu chuẩn. Đồng thời cũng có quy định xử lý nghiêm khắc những cơ sở kinh doanh vi phạm. Thành lập Ban quản lý và thành lập các quy chế quản lý du lịch.
Thực hiện nhiều dự án thu hút vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn xã. Đồng thời, để tránh tình trạng xuất hiện quá nhiều dự án “treo” làm mất hình ảnh mỹ quan của không gian phát triển DLST cũng như gây lãng phí nguồn tài nguyên, ngay từ khi cấp giấy phép đầu tư xây dựng, các cơ quan ban ngành chức năng cần đưa ra các quy định về thời gian, tiến độ thực hiện dự án và biện pháp xử lý nếu dự án không đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá cho hoạt động DLST trên địa bàn xã. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh – Truyền hình của huyện để xây dựng các chuyên mục giới thiệu về cảnh quan, tiềm năng và thế mạnh của vùng. Đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, các nét văn hóa, những giá trị du lịch đặc sắc của địa phương như món ăn, hàng lưu niệm, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, v.v đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chính quyền địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân địaphương tham gia vào hoạt động du lịch. Cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống, để vừa thu hút các nguồn vốn đầu tư vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Các hỗ trợ ban đầu như chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm, v.v. Xu thế phát triển du lịch cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc vào người dân và những trải nghiệm của khách du lịch phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ do người dân cung cấp. Do đó, cần có sự hỗ trợ ban đầu đối với những người mới tham gia làm du lịch như: tư vấn đầu tư, tư vấn kỹ thuật sản xuất – kinh doanh, tổ chức tập huấn; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, v.v. giúp họ có các kỹ năng cần thiết để cung cấp các sản phẩm du lịch cộng đồng một cách tốt nhất.
Đối với người dân địa phương: Cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái. Họ là những chủ nhân thực sự, là những người am hiểu khu vực tổ chức du lịch sinh thái hơn ai hết. Sẽ không còn du lịch sinh thái nếu nguồn tài nguyên bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt. Trách nhiệm đó là của cả xã hội, cả tỉnh, cả huyện, cả xã, của chính quyền nhà nước nhưng trước hết và quan trọng nhất là của cư dân bản địa. Do vậy, cộng đồng dân cư cần có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên của mình.
Thêm vào đó, cộng đồng cần thực hiện tham gia từ đầu các kế hoạch phát triển du lịch. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững thì yếu tố cộng đồng dân cư được tham gia bàn bạc ngay từ đầu về các chủ trương, kế hoạch, cũng như trong quá trình triển khai, thực hiện các kế hoạch, chương trình. Các vấn đề bàn bạc thảo luận cần được công khai dân chủ đặc biệt là cơ chế ăn chia các lợi ích đảm bảo công bằng, người tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phải là người chứng kiến phân chia các lợi ích cho các bên tham gia.
Đồng thời tăng quyền lực cho cộng đồng là thực hiện quyền kiểm soát, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cộng đồng được giao trách nhiệm giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch từ chủ trương, triển khai các kế hoạch, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng đến vấn đề bảo vệ, bảo tồn tài nguyên. Tăng quyền lực bao gồm tăng cường khả năng kiểm soát và khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với vấn đề có liên quan đến phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Tăng quyền lực cho cộng đồng dân cư bao gồm các việc xây dựng nguồn nhân lực cho cộng đồng có đủ điều kiện và khả năng thực hiện, tiếp cận, cũng như đủ các yếu tố chuyên môn trong việc giám sát các vấn đề phát triển du lịch. Quyền lực của cộng đồng tại đây được thể hiện trên cơ sở pháp lý và cho phép của cộng đồng đối với mọi công việc từ việc tham gia kế hoạch phát triển đến việc tổ chức, quản lý, thực hiện và giám sát nhằm đạt được sự phát triển bền vững cả về kinh tế xã hội, tài nguyên và môi trường.
6. Kết luận
Xã Phú An là một trong những xã có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xã nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, là nơi có nhiều giá trị về kinh tế – xã hội, lịch sử – văn hóa, đặc biệt là có hệ sinh thái và môi trường rất đặc trưng. Ngoài ra, xã Phú An còn được biết đến với những điểm đến hấp dẫn như làng cổ An Truyền, làng Chuồn, tham dự lễ hội Thu Tế, thưởng thức những đặc sản địa phương như bánh xèo cá kình, rượu làng Chuồn; trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên đầm phá; tham quan khám phá đầm phá lúc bình minh và hoàng hôn, v.v. Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của xã Phú An nói riêng và huyện Phú Vang nói chung, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo, cải thiện và chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại xã Phú An theo hướng bền vững, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của các tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn xã, việc khai thác nguồn tài nguyên một cách ồ ạt, thiếu hợp lý, khai thác không kết hợp với việc giữ gìn và bảo tồn bền vững cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả du lịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Thị Tám (2011). Nhu cầu tiềm năng đối với du lịch dựa vào cộng đồng ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Thừa Thiên Huế: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 84, 89-94.
Đinh Thị Mỹ Hằng (2014). Đánh giá tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái tỉnh Gia Lai. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Khoa học Huế.
Lê Huy Bá (2011). Du lịch sinh thái. Hà Nội. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Nguyễn Hữu Cử (1999). Tổng quan tình hình nghiên cứu tài nguyên và môi trường đầm phá ven bờ miền Trung Việt Nam. Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Nguyễn Thị Vinh Hương (2013). Vai trò của cộng đồng về phát triển du lịch bền vững tại huyện Nam Đông, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Khoa học Huế.
Phạm Trung Lương (2002). Du lịch sinh thái – Những vấn đề lí luận và thực tiễn phát triển ở VN. Hà Nội: Nhà xuất bản giáo dục.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế (2005). Khảo sát đánh giá về tiềm năng du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế – Một số phương hướng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới. Thừa Thiên Huế.
Thế Đạt (2004). Du lịch và du lịch sinh thái. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động.
Ủy ban nhân dân xã Phú An (2017). Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2017 của xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phú An – Phú Vang – Thừa Thiên Huế.
Ủy ban nhân dân xã Phú An (2018). Báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng năm 2018. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Phú An – Phú Vang – Thừa Thiên Huế.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa,
ISSN 2525-2674 Tập 4, Số 3, 2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đánh giá hiện trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực Đầm Chuồn, tỉnh Thừa Thiên Huế (Tác giả: Nguyễn Thị Hoài Thanh) |