Danh thần PHẠM PHÚ THỨ và những đóng góp cho Vương triều Nguyễn

Tác giả bài viết: THÁI VĂN THƠ
(Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh

TÓM TẮT

     Danh thần Phạm Phú Thứ là biểu tượng sáng ngời của một vị quan thanh liêm, chính trực, gương mẫu, luôn hết lòng hết sức phục vụ đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân. Thông qua việc khảo cứu, phân tích các tài liệu liên quan và sử dụng các phương pháp lịch sử, phương pháp logic, kết quả nghiên cứu đã nêu bật những đóng góp lớn của danh thần Phạm Phú Thứ cho vương triều Nguyễn trên nhiều phương diện từ nội trị đến công tác đối ngoại, đặc biệt là những đề xuất canh tân phát triển đất nước rất thiết thực và toàn diện của ông từ chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế cho đến văn hóa, giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu này cũng góp phần làm rõ thân thế, sự nghiệp, các trước tác đồ sộ, những công trạng lớn của Phạm Phú Thứ cho vương triều Nguyễn để hậu thế ngợi ca và noi theo tấm gương mẫu mực về tinh thần tận hiến, tận tâm tận lực vì nước vì dân của danh thần Phạm Phú Thứ.

Từ khóa: Công trạng; Đóng góp; Phạm Phú Thứ; Triều Nguyễn; Nửa cuối thế kỉ XIX.

ABSTRACT

Pham Phu Thu is a shining symbol of an honest, upright, and exemplary official who always wholeheartedly serves the country and takes care of the people’s lives. Byresearching and analyzing related documents and using historical and logical methods, the research results have highlighted the great contributions of Pham Phu Thu to the Nguyen dynasty in many aspects from internal affairs to foreign affairs, especially his very practical and comprehensive proposals for reforming and developing the country frompolitics, diplomacy, military, economics to culture and education.At the same time, this research also contributes to clarifying the life, career, great literary works, and great contributions of Pham Phu Thu to the Nguyen dynastyas well as for posterity to praise and imitate Pham Phu Thu’s example of dedication to the country and people.

Keywords: Merits Contributions; Pham Phu Thu; The Nguyen Dynasty; The second half of the nineteenthcentury.

x
x x

1. Giới thiệu

     Từ giữa thế kỉ XIX, cũng như nhiều quốc gia ở châu Á, vương triều Nguyễn phải đương đầu với làn sóng xâm lăng của ngoại bang có tiềm lực quân sự, kinh tế vượt trội gấp nhiều lần so với chính quyền nhà Nguyễn đã qua thời thịnh trị và đang bước vào thời kỳ suy yếu. Trước thử thách hiểm nguy đó nhiều quan đại thần, sĩ phu yêu nước luôn trăn trở âu lo cho vận mệnh quốc gia. Họ đã chủ động đề xuất với triều đình nhiều kế sách canh tân, phát triển nước nhà, nổi bật trong số đó là danh thần Phạm Phú Thứ. Nghiên cứu về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội triều Nguyễn cũng như những công trạng, sự nghiệp và đóng góp của danh thần Phạm Phú Thứ trong thời gian qua có một số công trình tiêu biểu. Tác giả Chu Tuyết Lan [1] nghiên cứu tác phẩm Giá Viên biệt lục (Tây hành nhật ký) và Tây Phù thi thảo của Phạm Phú Thứ, cho rằng tư tưởng canh tân toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Phạm Phú Thứ không chỉ thể hiện trên lý thuyết mà còn được áp dụng một cách khá thành công vào thực tiễn Việt Nam lúc bấy giờ và khẳng định Phạm Phú Thứ không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, một nhà ngoại giao yêu nước, một nhà thơ lớn mà còn là một nhà canh tân sáng suốt của thế kỉ XIX. Hà Thị Thu Thủy [2] khẳng định rằng ở Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX, các nhà cải cách (trong đó có Phạm Phú Thứ) với những tư tưởng canh tân đã khuyến khích sự phát triển công thương nghiệp trên cơ sở tiềm năng vốn có của đất nước. Tác giả Dương Thanh Mừng [3]cho rằng trước yêu cầu mới của lịch sử, nhiều nho sĩ, trí thức với lòng nhiệt thành ái quốc (trong đó có Phạm Phú Thứ) đã đứng ra vận động canh tân đất nước, gieo nên những hạt mầm duy tân đầu tiên ở Việt Nam. Mặc dù không được hiện thực hoá vào trong đời sống xã hội, nhưng các xu hướng canh tân giai đoạn này đã góp phần hâm nóng truyền thống ái quốc của dân tộc, mở đường cho một trào lưu cải cách mới ở nước ta vào đầu thế kỉ XX[3]. Tác giả Trần Thị Hoa [4] đã khái quát điều kiện lịch sử-xã hội và những nội dungcơ bản của tư tưởng canh tân như kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục, quân sự và ngoại giao của các nhà tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, trong đó đặc biệt phân tích tư tưởng, chủ trương canh tân phát triển đất nước toàn diện của Phạm Phú Thứ. Nghiên cứu của tác giả Lư Vĩ An [5] khẳng định tác phẩm Tây hành nhật ký do Phạm Phú Thứ ghi chép, biên soạn là tài liệu sớm nhất của người Việt có nội dung viết về các nước ở khu vực Trung Đông và là một tài liệu có giá trị về mặt lịch sử phản ánh nhận thức và những hiểu biết của người Việt đương thời về các vùng đất, con người nơi sứ bộ nhà Nguyễn dừng chân ghé qua trong hành trình đi sứ (1863 -1864). Tác giả Đào ThịThu Thủy [6] khi nghiên cứu tập thơ Giá Viên thi thảo khẳng định Phạm Phú Thứ là một người con chí hiếu, một vị đại thần liêm chính, tận trung, lo cho vua, cho nước, cho dân, một người yêu thiên nhiên say đắm, nhà thơ, nhà văn xuất sắc. Tác giả Trần Quốc Anh [7] khi khảo sát hai quyển hồi ký Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ và Như Tây ký của Ngụy Khắc Đản đã khái quát hành trình của sứ bộ triều Nguyễn gồm Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản trong những năm 1863 -1864 đi Tây, nhận định những khó khăn sứ đoàn gặp phải, nêu nhận xét về tư tưởng của các sứ thần sau khi đích mục sở thị nền văn minh phương Tây đương thời. Trong khi đó, các tác giả Doãn Chính và Phạm Đào Thịnh cho rằng “vào cuối thế kỉ XIX nhận thấy Nho giáo đã đi vào con đường suy tàn, bất lực trước yêu cầu của lịch sử, nhiều nhà tư tưởng tiến bộ đã đề xuất tư tưởng canh tân đổi mới nhằm chấn hưng đất nước tiêu biểu như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… Họ chính là những người đã trồng cái mầm khai hóa trước tiên […], và bước đầu tạo ra một bước chuyển trong tư tưởng chính trị, từ tư tưởng quân chủ sang tư tưởng dân chủ, từ vương quyền sang dân quyền” [8, tr.31-33].

     Có thể nhận thấy, các công trình nghiên cứu đã công bố tập trung phân tích làm rõ tư tưởng canh tân đất nước cùng những thành tựu trước tác nổi bật trong cuộc đời quan lộ thăng trầm của danh thần Phạm Phú Thứ. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu, tổng kết về những thành tựu và đóng góp lớn của danh thần Phạm Phú Thứ cho đất nước và nhân dân. Kế thừa những công trình nghiên cứu trước đó, bài viết này bước đầu góp phần khái quát cơ bản những thành tựu và đóng góp quan trọng bao trùm trên nhiều lĩnh vực của danh thần Phạm Phú Thứ cho triều Nguyễn và quốc dân lúc bấy giờ.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Vận dụng các phương pháp lịch sử và logic, nội dung bài viết mô tả, phân tích và nêu bật thân thế, sự nghiệp, những công trạng và đóng góp lớn, thiết thực toàn diện trên nhiều lĩnh vực cho triều Nguyễn của danh thần Phạm Phú Thứ. Đồng thời, bài viết cũng chỉ rõ những bài học còn nguyên giá trị để hậu thế học tập và cần noi theo tấm gương sáng ngời về sự tận tụy cống hiến, tận trung ái quốc ái dân của danh thần Phạm Phú Thứ.

3. Kết quả nghiên cứu

     3.1. Đôi nét về thân thế và sự nghiệp của danh thần Phạm Phú Thứ

     Danh thần Phạm Phú Thứ (1821 -1882) quê quán xã Đông Bàn, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam, nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo ghi chép, mô tả trong Đại Nam liệt truyện chính biên, Phạm Phú Thứ “tự là Giáo Chi, hiệu là Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, tổ tiên từ Bắc sang, lệ thuộc vào sổ ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Phú Thứ mẹ chết sớm, nhà nghèo chăm học, cùng với anh là cử nhân Phú Duy thờ cha mẹ rất hiếu. Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) đỗ tiến sĩ cập đệ, lúc đầu bổ biên tu, trải Tri phủ Lạng Giang, thăng thị độc, vì có tang cha mẹ nghỉ chức, khi hết trở sung Kinh diên khởi cư chú” [9, tr.247]. Với tài học, con đường quan lộ của danh thần Phạm Phú Thứ đã mở ra từ rất sớm. Năm 23 tuổi, ông đã đỗ Giải nguyên Ân khoa năm Nhâm Dần (1842), tại trường Thừa Thiên. Năm 24 tuổi, Phạm Phú Thứ đỗ Hội nguyên và đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Hội năm Quý Mão (1843). Sự nghiệp học hành sáng rạng của ông cũng đồng nghĩa với sự thăng tiến trong đường quan lộ. Ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ Hàn lâm biện tu, Tri phủ Lạng Giang, thăng thị độc rồi đến Tri phủTư Nghĩa, Viên ngoại lang ở bộ Lễ, Án sát Thanh Hóa, Hà Nội. Năm 1851, Phạm Phú Thứ được cử đi công cán Trung Hoa. Đến năm 1858, Phạm Phú Thứ về kinh giữ chức Tham biện Nội các sự vụ, Hàn lâm viện Thị độc Đại học sĩ. Sau đó, ông từng kinh qua các công tác ở Viện Cơ mật, kiêm coi Viện Tập hiền, Tả tham tri bộ Lại, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ, Tham tri bộ Binh. Danh thần Phạm Phú Thứ còn từng được cử làm Chủ khảo trường thi Thừa Thiên, Sử quán phó Tổng tài, kiêm quản Quốc tử giám, Khâm sai đại thần… Trong những năm 1863 -1864, Phạm Phú Thứ làm Phó sứ trong sứ bộ của Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Năm 1879, ông là Vinh Lộc Đại phu Trụ quốc thự Hiệp biện Đại học sĩ, kiêm Đô sát viện, hữu Đô ngự sử, lĩnh Tổng đốc Hải Dương, Quảng Yên, Đề đốc quân vụ kiêm lý lương hướng, kiêm sung Tổng lý Thương chính đại thần. Sau đó, Phạm Phú Thứ bị giáng xuống Quang Lộc Tự khanh lĩnh Hữu tham tri bộ Binh. Như vậy, đường quan lộ của danh thần Phạm Phú Thứ khá thăng trầm. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Dù đảm đương việc lớn hay nhỏ, danh thần Phạm Phú Thứ vẫn hoàn thành trọng trách được triều đình giao phó. Trọn cuộc đời phục vụ triều đình, trong gần bốn thập kỷ ở chốn quan trường, Phạm Phú Thứ đã có những đóng góp lớn cho quê hương, triều Nguyễn và quốc dân.

     3.2. Những đóng góp của danh thần Phạm Phú Thứ cho vương triều Nguyễn

     3.2.1. Phạm Phú Thứ là vị quan cương trực, thanh liêm của triều Nguyễn, suốt đời tận trung cống hiến, phụng sự đất nước, chăm lo đời sống nhân dân

     Năm 1850, nhận thấy sự chểnh mảng triều chính của vua Tự Đức, Phạm Phú Thứ không sợ trách phạt, viết sớ dâng lên can ngăn vua và khuyên vua nên dành nhiều thời gian cho chính sự quốc gia. “Thị độc sung Kinh diên khởi cư chú là Phạm Phú Thứ dâng sớ can. (Nói: Lễ ở sân lớn ít thấy chầu hầu; vui ở vườn trong, liền ngày đàn sáo. Kinh diên lâu không tiến giảng; triều thần lâu chẳng ban hỏi, các quan ở phủ, huyện 4 phương, lâu không được hỏi đến[…]. sớ thỉnh an của các quan tình thực không được nói ra)” [10, tr. 179]. Những lời lẽ can ngăn thẳng thắn của Phạm Phú Thứ đã dẫn đến hệ quả là ông bị vua trách phạt “khép cho tội trượng đồ” và giáng chức. Qua hành động “nhắc nhở” nhà vua trên có thể thấy, ông là một vị quan cương trực, vì dân vì nước mà sẵn sàng lên tiếng can ngăn, chẳng sợ trách phạt. Tính tình chính trực, thấy việc đúng thì làm, việc sai thì lên tiếng can ngăn kể cả bậc vua chúa, cho thấy Phạm Phú Thứ là vị quan luôn luôn nghĩ đến lợi ích của triều đình, vì đại sự quốc gia.

     Năm 1864, trước tình trạng thiên tai hạn hán, sâu bệnh hoành hành gây hại ở các địa phương, trong đó có quê hương ông là Quảng Nam, danh thần Phạm Phú Thứ đã tấu xin cứu xét tình hình tệ hại của quan lại tỉnh Quảng Nam và thay đổi sai phái cán viên đi đến cứu giúp. Bản tâu nêu rõ hiện trạng tai hại trong tỉnh: “Về các hạt trong tỉnh thì mùa đông năm ngoái đến nay, hạn hán và sâu cắn lúa xảy đến. Mùa màng năm nay, hết thảy các loại có thể ăn được như lúa má, khoai, đậu, rau dưa, trái cây, nếu không bị nắng làm hại thì sâu cắn hại, riêng có thứ lúa không thu hoạch được, chỉcó một, hai phần. Từ trước đến nay chưa bao giờ đói kém quá quắt đến như thế[…]. Xin khẩn thiết cho phép tỉnh thần mau lẹ xem xét, vẽ đồ bản, trù tính đánh giá nhân công vật liệu, lập hồ sơ đệ tấu, may được chỉ thị bằng lòng thì sẽ tập họp dân nghèo sáu huyện, khởi công làm việc, nếu làm khoản này thì xin chiếu theo lệ khơi vét nước sông Hương Thủy, năm Tự Đức thứ 14, cấp phát cho mỗi người ngày một chút gạo, và hai tiền lãi, để cho đám dân đói đó được dư một tiền lãi để nuôi vợ con, mới có thể hết sức công tác. Tưởng trong vòng hai, ba tháng, tất nhiên có thể hoàn thành xong, đương lúc giáp hạt này, dân chúng đói kém toàn hạt, đều được nhờ vào đó để sinh sống mà người làm quan lâm thời cũng không có sự hao phí về chẩn tế không thôi, kể cũng là làm được cả hai việc” [11, tr. 1381-1385].

     Năm 1865, Phạm Phú Thứ tâu xin “lập nhà Thuỷ học để dạy việc tập chở thuyền; bỏ tiền chi phí quy định về tiễu tuần ở cửa biển để giúp chi dùng việc công; khuyến khích thợ làm ở các cục để giúp thêm các đồ dùng” [10, tr. 958]. Đến năm 1866, mặc dù đã được cho về quê nghỉ nhưng tình hình tỉnh Quảng Nam có chuyện “tai hại”, được vua cho xét hỏi, Phạm Phú Thứ về kinh tâu nói: “Nguyên do tỉnh Quảng Nam mất mùa mấy năm luôn, hoặc có người nói vì cớ tỉnh thành ở chỗ thấp trũng không tốt, xin tìm đất đặt tỉnh ra chỗ khác. Lại xin khai nhiều giếng ở phủ Điện Bàn dùng guồng nước hút nước để tưới ruộng, đào khơi sông Trà Kiệu, làm cánh chắn giữ chỗ nước giáp nhau ở làng Văn Lý để bớt thế nước, đào rộng cảng Bình Lục, khơi thông đoạn dưới cảng Mỹ Xuyên, làm kho ở Đà Nẵng, để chứa đồ vật của công, 2 chiếc tàu thuỷ đi buôn về, xin cho thay đổi nhau đi tuần tiễu, thuyền bọc đồng đi theo, thì vừa làm thuyền buôn, vừa làm thuyền chiến, thanh thế thêm mạnh, giữ được không lo giặc biển quấy rối, còn như các làng thừa một vài người, phải chịu 1 suất lính và thuế lệ còn thiếu năm trước, có nên cho hoãn cho giảm, xin do quan tỉnh điều tễ, cho nỗi khổ của dân được thư” [10, tr. 1005]. Có thể thấy, dù đương việc hay nghỉ công tác, lòng ông không ngừng trăn trở, lo toan việc nước nhà, nhất là ông luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của muôn dân. Danh thần Phạm Phú Thứ luôn nghĩ đến đời sống của dân, làm sao cho dân sống no đủ, bớt “nỗi khổ” vì thiên tai mất mùa hay sự quấy phá của giặc cướp biển hoặc phải chịu thuế khóa nặng nề. Cũng trong năm 1865, Phạm Phú Thứ được vua ban chức thự Thượng thư bộ Hộ. Ông đã khiêm cung dâng sớ tấu xin từ tạ không nhận chức thự Thượng thư bộ Hộ. Bởi ông cho rằng mình “học kém tài hèn” [11, tr. 1395] không đủ sức đảm đương. Nhưng vì lệnh vua ông phải đành nhận. Mặc dù thực tế ông thừa đức dư tài sức để đảm đương chức vụ này. Sự khiêm tốn, không ham hư vinh, chức vị của ông thật đáng để ngợi ca. Đồng thời, sự tận trung với nước, tinh thần tận hiến vì dân, luôn quan tâm và chăm lo đời sống quốc dân của quan đại thần Phạm Phú Thứ trở thành gương sáng, là những bài học còn nguyên giá trị để hậu thế soi chung.

     3.2.2. Đề xuất canh tân nhiều lĩnh vực quan trọng để phát triển đất nước

     Phạm Phú Thứ không chỉ là vị quan chính trực, thanh liêm, suốt đời tận trung, tận tụy cống hiến phục vụ vương triều Nguyễn mà còn là người sớm có những tư tưởng canh tân đất nước trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế cho đến giáo dục đào tạo, văn hóa -xã hội. Mặc dù là đại quan triều Nguyễn, chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Nho giáo truyền thống nhưng Phạm Phú Thứlà người có tư duy đổi mới, cởi mở, sớm tiếp thu tư tưởng, thành tựu kỹ thuật tiến bộ của phương Tây và là người đề xuất với triều đình nên học tập, tiếp thu cái hay cái tốt của Tây phương kết hợp với tinh hoa của dân tộc để xây dựng và phát triển nước nhà trong thời kỳmới. Khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) bị rơi vào tay thực dân Pháp sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862 do triều đình Huế ký với Pháp, nhận thấy có những điều khoản chưa thoả đáng, đến năm 1863, vua Tự Đức phái sứ đoàn do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Phạm Phú Thứ giữ chức Phó sứ sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Lần đầu tiên phái đoàn chính thức của vương triều Nguyễn đi công cán các nước châu Âu, được tận mắt chứng kiến sự “khác lạ” của Tây phương, nhất là Pháp và Tây Ban Nha đã khiến cho những vị sứ thần thông tường nhiều mặt của Nguyễn triều lúc bấy giờ không khỏi “giật mình” và bất ngờ. “Từ ngày đi sứ tới Tây kinh. Thấy việc Âu châu phải giật mình” [12, tr. 51]. Đây là cảm nhận đầu tiên của Chánh sứ Phan Thanh Giản và dường như cũng là của Phó sứ Phạm Phú Thứ và phái đoàn vềvăn minh Tây phương và những điều mắt thấy tai nghe ở trời Âu đã được các ông ghi chép cẩn thận lại trong nhật ký hành trình của mình. Chuyến đi sang Pháp quốc đã giúp cho những thành viên trong sứ bộ của vương triều Nguyễn mở mang kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết để sớm thúc đẩy hình thành trong Phạm Phú Thứ những tư tưởng canh tân phát triển quốc gia. Năm 1864, sau khi về nước, Phạm Phú Thứ dâng lên vua Tự Đức những đề xuất canh tân đất nước trong nhiều lĩnh vực. Ông cũng đề xuất những cải cách trong giáo dục, thay đổi cách dạy và học theo lối “tầm chương trích cú” vốn có nhiều hạn chế, sáo rỗng sang lối học thiên về chú trọng nội dung thực hành, học kỹthuật và cần thiết phải tiếp thu, học hỏi kỹ nghệ của Tây phương, gửi sinh viên sang các nước châu Âu học tập khoa học kỹ thuật để về canh tân đất nước. Đại thần Phạm Phú Thứ tin rằng: Nếu nước nhà thông thạo khoa học kỹ thuật tất sẽ phát triển không thua kém gì các nước Âu châu. Trong lúc ngồi xe lửa quan sát Pháp quốc, Phạm Phú Thứ không khỏi ngạc nhiên trước sự hiện đại và phát triển của quốc gia này. Ông đã viết: “Cây hoa, sông núi xem qua kính. Dây điện giăng theo đường, phố, đài” [11, tr. 787] và ông kết luận: “Phương Đông giá sớm nắm kỹ thuật. Paris, London chưa hẳn tài” [11, tr. 787].

     Năm 1865, nhận thấy tình hình quốc gia cần phải chuẩn bị đầy đủ việc binh bị, tăng cường công tác nội trị, phát triển kinh tếnước nhà, danh thần Phạm Phú Thứ có những đề xuất kiến nghị quan trọng và thiết thực trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại cho đến giáo dục, đào tạo. Trong bản Tuân phê điều trần túc binh dụ tài cường nội trị các khoản, Phạm Phú Thứ đã liệt kê các công việc thiết thực cần làm ngay: “1) xin ban hành sách vở nước nhà để tìm kiếm thực học; 2) xin lập ban thủy học (môn học nghiên cứu về thủy quân và tàu thuyền trên sông biển) để tu bổ chế tạo thuyền chính (công việc sử dụng thuyền bè và sửa chữa tàu thuyền); 3) xin phiên dịch tinh tường các chữ nghĩa ngoại quốc để xem xét tình hình các nước lân bang; 4) xin giải tỏa lệnh cấm chặt gỗ lim để đầy đủ gỗlạt dùng; 5) xin giải tỏa lệnh cấm các thương gia nhà Thanh buôn gạo để dồi dào tài nguyên của cải; 6) xin ra sắc lệnh cho các địa phương có cửa biển, ước lượng tính xem có bao nhiêu thuyền buôn của người Thanh vào cảng mua gạo, mà đánh thuế ước độ mấy hộc, hoặc nặng mỗi một trăm cân thu thuế bao nhiêu thì số thu được tưởng cũng nhiều lắm; 7) xin đánh thuế rượu để ngăn chặn sự lãng phí; xin bỏ phí quy định về tuần phòng cửa biển để giúp vào sự chi dùng công cộng; 8) xin khuyến khích các cục công nghiệp để đủ đồ dùng…” [11, tr. 1390-1394]. Những đề xuất canh tân đất nước của các sứ thần triều Nguyễn có dịp sang phương Tây, trong đó có danh thần Phạm Phú Thứ cũng như của những nhà tư tưởng canh tân tiếp sau là rất thiết thực, hữu ích và toàn diện trên nhiều mặt nhưng rất tiếc đã bị“triều đình khăng khăng trong một thái độ thủ cựu hẹp hòi; các quan đình thần đều chống đối các sự canh tân theo gương Tây phương, thường chỉ trích các dự án cải cách, khiến nhà vua tính tình đã sẵn hay do dự và tù túng trong tinh thần câu nệ, cuối cùng đã bác bỏ các dự án này” [13, tr. 71]. Do đó, phần lớn những đề nghị canh tân đất nước ích quốc lợi dân nhằm làm cho phú quốc binh cường đã không được tiến hành trong thực tiễn. Mặc dù phần lớn những nội dung canh tân đất nước của Phạm Phú Thứ cũng như của các nhà canh tân cùng thời không được thực hiện nhưng cũng đã có tác dụng tích cực, phần nào góp phần thức tỉnh đông đảo quần chúng nhân dân và một bộ phận quan lại triều đình mở mang tri thức, tiếp thu học tập kỹ thuật tiến bộ bên ngoài. Ông cũng góp phần quan trọng thổi một làn gió mới vào xu hướng cải cách canh tân quốc gia lúc bấy giờ cũng như trong các giai đoạn tiếp sau.

     3.2.3. Tiến cử nhiều hiền tài để kiến thiết, xây dựng quốc gia

     Năm 1871, Phạm Phú Thứ đã tiến cử cho triều đình nhiều người có tài đức để xây dựng quốc gia. Trong Cử tri sớ (Sớ cử người mình biết) năm 1871, ông đã đề cử nhiều người có tài đức sở trường phù hợp cho từng công tác, trong đó phải kể đến như Phó bảng Vũ Tiến Thảng, các cử nhân Nguyễn Thiện Chánh, Nguyễn Hữu Lập, Trần Văn Điển, Võ Văn Thanh, Nguyễn Phiên (đỗ nhã sĩ), Nguyễn Vĩ (giải nguyên)… Phần lớn những người được ông tiến cử đã phô diễn tài năng và có nhiều đóng góp lớn cho triều đình ở các địa phương cất đặt. Trước đó, vào năm 1867, ông cũng tâu xin lưu Nguyễn Tư Giản cùng lo việc ở bộ Hộ một, hai năm bởi theo ông: “Nguyễn Tư Giản tinh lực đều tốt, văn lý kín đáo chân thực, giúp lo việc hộ tưởng không thểít. Người này nay việc bộ điền thay thảy đều sát việc, công lao khá được[…]. Duy đấy là thuế khóa nhà nước, của cải dân, trách nhiệm xuất nạp rất là hệ trọng […] xin ban ân chuẩn cho viên ấy (Nguyễn Tư Giản) lưu lại lo việc Bộ (bộ Hộ) một, hai năm cốt để lo tròn chức vụ” [11, tr.1402]. Năm 1873, vua Tự Đức than phiền với quần thần trong triều và trước nhất là danh thần Phạm Phú Thứ rằng: “Nước nhà năm gần đây nhiều việc rắc rối gian nan đến thế, mà các ngươi sao không hiến kế. Có hỏi cũng không nói hết, không rõ ấy là ý gì. Trẫm không khỏi lo sợ. Ngươi Phạm Phú Thứ có thực phúc đầy đủ, không được che giấu ít nhiều (bên trên ngươi một mình xem)” [11, tr. 1429]. Tuân theo lời châu phê của vua, Phạm Phú Thứ đã dâng sớ trình bày chính sự hiện thời, chấn hưng và cải cách. Theo đó, Phạm Phú Thứ từ việc phân tích tình hình chính sự đất nước hiện thời đã hiến kế sau: “Một là tha lỗi nhỏ để dùng ngư; dùng mà không chuyên thì người không dám hết sức. […]. Hai là thêm bổng lộc dưỡng nuôi để khuyến khích kẻ sĩ, chuyên trách tướng để làm mạnh binh. Bởi lộc không đủ thì hại dân, tướng không có quyền thì binh tan rã. Kẻ hiền tài thì được bậc nhân chủ xét công mà phân chức cho để cai trị. Sớm hôm theo việc mà lộc không đủ để thay thế cho việc cấy cày thì khó trách người đều phải có phẩm hạnh của kẻ sĩ quân tử […]” [11, tr. 1432]. Biết rõ tài năng thao lược của Ông Ích Khiêm, Phạm Phú Thứ không ngừng tiến cử Ích Khiêm cùng ông tham gia công việc triều đình giao phó. Trong năm 1874, Phạm Phú Thứ từ tỉnh Quảng Nam về kinh đô phụng mệnh, sắp đến tỉnh Hải Dương cung chức dâng sớ nói: “Ngày gần đây tướng tài ở đất Bắc chỉcó Tôn Thất Thuyết và viên phải cách là Ông Ích Khiêm là hơi khá, […], kính xin ban ơn cho Ích Khiêm theo thần đến tỉnh, tạm cấp cho hàm giúp việc coi quân, ủy cho tên ấy hết sức làm việc, thần vẫn điều khiển, may nhờ uy linh nhà vua, có thể ít việc được, thần được chuyên tâm về việc dân, việc buôn, đấy là thần tuân theo đức ý, phải lo ở trong chức phận, không dám lấy tình riêng cùng châu, cùng làng giúp địa vịcho tên ấy” [14, tr. 79]. Việc nhận diện và tiến cử đúng nhiều hiền tài để xây dựng, kiến thiết quốc gia thể hiện rõ năng lực và tầm nhìn sáng suốt của đại thần Phạm Phú Thứ. Ngày nay, trong công tác phát hiện và tiến cử nhân tài góp phần xây dựng và phát triển nước nhà đòi hỏi những quan chức, người đứng đầu các địa phương cần xem xét thật kỹ, lựa chọn và giới thiệu đúng người tài đức, bố trí đúng việc, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn và luôn quan tâm, hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể phát huy hết sở trường, năng lực công tác.

     3.2.4. Đề xuất chấn chỉnh, xây dựng quân đội và phát triển giao thương trong nước

     Phạm Phú Thứ cũng đề xuất với triều đình “nay việc binh chính thực phải cần một phen chấn chỉnh, chọn cẩn thận các viên thống quản, cấp cho khí giới mới lợi hại hơn, chuyên trách huấn luyện ắt là vì chuyện sống chết mà tinh hơn, có thể trông cậy được hơn là nhiều mà đối phó không kịp, vảlại nuôi sĩ luyện binh là việc gấp ngày nay, thực hiện phải theo cái đạo giản dị của trời, mong mỏi cho được dài lâu như đạo thường. Tuy là theo lẽ thường mà lo liệu, nhưng kế hoạch từng tháng, kế hoạch từng năm cũng phải xem xét cho đến khi thành kết quả” [11, tr. 1433]. Nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương phát triển cũng như thuận tiện cho việc bảo vệ an ninh ởcác địa phương, Phạm Phú Thứ dâng sớ tâu xin đặt 4 chức Tuyên phủ sứ ở các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Nghệ An, Hưng Hóa. Năm 1866, “Phạm Phú Thứ tâu kín xin đặt 4 chức Tuyên phủ sứ[…]; các nơi địa đầu, đắp thành mở chợ làm chỗ buôn bán, bề ngoài thì sửa việc buôn, nhưng việc quân ở trong đó. Lại xin đặt thổ tù được thế tập mà liệu đánh thuế, khiến cho con em cha anh cùng nhau chống giữ, không như quan người Kinh chẳng biết tình thế, thì đến lúc đó có việc mới mong được việc” [10, tr. 1007].

     Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực trong các kho chứa dự trữ của triều đình, trong khi lực lượng tàu thuyền của vương triều không đáp ứng đủ, đảm bảo vận chuyển đủ dùng cho nhu cầu, ông cũng chủ trương “đem ngay các thuyền dân chở thêm” để kịp chi dùng: “Năm 1874, Hộ bộ Thượng thư Phạm Phú Thứ tâu xin đem ngay các thuyền dân chở thêm, cấp thêm giá cước. (Gấp rưỡi thêm lên gấp đôi, gấp đôi thêm lên gấp đôi rưỡi) tới kỳ phải chở để kịp chi dùng” [14, tr. 71]. Nhận thấy tài năng trong quản lý hoạt động giao thương cùng với sự giàu kinh nghiệm lại “am hiểu trước sau” trong lĩnh vực này của danh thần Phạm Phú Thứ, vua Nguyễn đã giao cho ông trọng trách quan trọng quản lý hoạt động buôn bán mà triều đình mới khởi sự. “Năm 1874, Vua cho là việc buôn mới thi hành, các nước tụ họp, đi lại, sự thể thù ứng khó khăn quan trọng, tất phải là người thông hiểu nhanh nhẹn giỏi giang, mới mong có lợi không tệ. Bèn chuẩn cho thự Hộ bộ Thượng thư Phạm Phú Thứ đổi làm thự Hải -An Tổng đốc kiêm sung Tổng lý thương chính đại thần. Vì Phú Thứ đã từng ở Cơ mật viện, am hiểu trước sau” [14, tr. 76] và Phạm Phú Thứ đã hoàn thành tốt công việc của mình, hoạt động giao thương trong phạm vi quản lý của ông thu được những kết quả quan trọng, buôn bán phát triển, thu nhiều nguồn lợi lớn cho triều đình. Năm 1876, để tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng mua gạo ở địa phương, Tổng đốc Hải Dương Phạm Phú Thứ xin đặt trường mua gạo ở chợAn Biên (thuộc huyện An Dương) và xã Đồn Sơn (thuộc huyện Đông Triều) cho dân mua gạo, đánh thuế. Vua y cho [14, tr. 175].Đến năm 1877, nhằm hạn chế phí tổn cho triều đình cũng như tạo thuận lợi cho dân chúng các địa phương, Tổng đốc Hải -Yên là Phạm Phú Thứ dâng sớ xin dời lỵ sở các phủ huyện làm ở nơi khác (lỵ sở phủ Ninh Giang nguyên trước ở xã Thanh Xuyên, nay dời đến xã Bất Bế; phủ lỵ phủ Kiến Thụy nguyên trước ở xã Xuân La, nay dời đến hai xã Nghiệp Hương, Phương Đường chỗ giáp cận; huyện lỵ Tứ Kỳ trước ở xã La Tỉnh, nay dời đến xã Mặc Xá; huyện lỵ An Dương nguyên trước ở xã An Khê, nay dời đến xã Hàng Kênh), những công nhân, vật liệu cần dùng, đều do dân trong hạt tự biện, hoặc khuyên dân quyên giúp, để đỡ phải cấp của công. Vua y cho [14, tr. 265]. Như vậy, bên cạnh việc đề xuất chấn chỉnh và xây dựng quân đội phát triển theo hướng “tinh” và mạnh, đủ sức vệ quốc thì với cương vị quan phụ mẫu tại các địa phương nơi Phạm Phú Thứ đảm nhiệm và công tác, hoạt động giao thương diễn ra thuận lợi, đạt nhiều kết quả. Là đại quan đứng đầu địa phương, khi nhận thấy cần thiết phải có những điều chỉnh, dời đổi, sắp đặt lỵ sở các phủ huyện mới phù hợp với thực tiễn phát triển, tạo sự thuận tiện cho các hoạt động buôn bán, giao thương của dân chúng, ông đã chủ động đề xuất lên triều đình và các chủ trương được vua y cho này đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động giao thương, buôn bán phát triển ở các địa phương sau đó.

     3.2.5. Phát triển quan hệ bang giao hữu hảo với các nước để tranh thủ hòa bình, tự cường và bảo vệ độc lập nước nhà

     Trong quan hệ quốc tế, đại thần Phạm Phú Thứ chủ trương tăng cường phát triển quan hệ hữu hảo hòa hiếu với các nước Đông phương lẫn Tây phương. Năm 1867, trong Trần tấu thủ bị giao thiệp yếu khoản phiến (Phiến tấu tâu bày về khoản quan trọng hoàn bị việc giao thiệp) tâu lên vua Tự Đức, Phạm Phú Thứ cho rằng “sự thế ngày nay, bên trong sửa đổi vững để tự cường, ắt phải ngoại giao để đuổi tặc đảng […].Với người Pháp thì mong nên lấy cái nhu của Hán văn, Tống nhân mà tiếp đãi họ. […]. Ta dùng thuyền công đi qua Hương Cảng, soạn thư thương bạc, bày tỏ tình với viên trấn thủnước Anh, giãy bày hàn huyên, tỏ tình nghĩa cũ, nhân đó nói đến ý tìm đuổi bọn phỉ[…]. Bên ngoài thì lấy giao thiệp để thăm dò, bên trong tất phải làm cho Bắc Kỳ yên vững, mà từ đó về sau hoặc có đi qua Tây hoặc có mưu kế gì đều có thể từ bên trong mà hiểu nó rành mạch, để cho ta từ từ toan liệu, ấy là việc gấp rút ngày nay” [11, tr. 1448-1449]. Giữa năm 1881, ông có bản Phúc tấu trí Hương Cảng lãnh sự dữ Anh giao hảo (Phúc tấu vềviệc đặt lãnh sự ở Hương Cảng để giao hảo cùng Anh quốc). Phạm Phú Thứ đề xuất triều đình nên đặt lãnh sự ở Hương Cảng (bấy giờ thuộc Anh quốc) để tiện bề giao hảo, phát triển thông thương hai nước. Ông viết: “Xét tình hình của Anh thì nếu ta ngỏ lời xin đặt quan trú ở Cảng, Anh sẽ không gì không nghe” [11, tr. 1484] và ông khuyên nên nhanh chóng “thương thuyết đòi đặt một viên hoặc gọi là lãnh sự, hoặc là quản lý học sinh, kiêm lo công việc buôn bán của nhà nước, thuê hãng ở lại lâu dài, cùng với họ giao thiệp, tưởng họ đều không chống lại. Từ đó việc người Tây, tình hình buôn bán tự ta có thể tùy cơ ứng phó nhanh chóng, nếu không thế thì sẽ chậm trễ” [11, tr. 1485]. Có thể thấy, khác với nhiều bậc đại Nho đương thời thường có tư tưởng “đóng cửa” với bên ngoài, trong quan hệ bang giao với các nước, mặc dù còn hạn chế bởi thời đại nhưng danh thần Phạm Phú Thứ nhận thấy rằng để quốc gia có thể tập trung cho phát triển, độc lập, tựcường thì tất cần phải có sự chủ động, uyển chuyển, linh hoạt về đối ngoại, tăng cường giao thiệp, mở rộng quan hệ hòa hiếu, hữu hảo, thúc đẩy giao thương với nhiều quốc gia để kịp thời nắm bắt các cơ hội hợp tác phát triển, tranh thủ hòa bình, bảo vệnền độc lập và phát triển nước nhà. Rõ ràng đây thực sự là tư tưởng rất cấp tiến của danh thần Phạm Phú Thứ về quan hệ đối ngoại đặt trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đa phần mang tư tưởng thủ cựu bấy giờ.

     3.2.6. Phạm Phú Thứ là biểu tượng sáng ngời về vị đại quan luôn chủ động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong mọi công tác được giao phó

     Hầu hết những công vụmà triều đình nhà Nguyễn giao phó trọng trách, ông đều hoàn thành. Thậm chí ông còn là người chủ động thực hiện những công vụ ích nước lợi dân nhưng không thể trì hoãn chờ đợi chỉ thị của vua trên mà phải làm ngay và ông đã làm tốt. Với cương vị là quan đầu tỉnh Hải Dương, khi nhận thấy vấn đề gây khó khăn trở ngại cho dân chúng trong hoạt động giao thông đi lại, Phạm Phú Thứ với tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đã cho tiến hành đào khơi thông đường vận tải cho dân. Giữa năm 1878, Tổng đốc Hải Dương Phạm Phú Thứ xét con sông chảy qua làng Quang Dực, Đông Lôi (thuộc phủ Bình Giang) nhỏ hẹp và quanh co, bắt dân đào để thông đường vận tải, đào rồi mới tâu [15, tr. 527]. Chính việc làm ích quốc lợi dân này đã khiến ông bị vua trách phạt và truyền chỉ giáng lưu vì chưa trình tấu vua đã cho tiến hành. Một vị đại quan trong mọi công tác luôn chủ động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm như ông mãi là tấm gương sáng cho các quan chức thời nay soi chung, nhất là những quan chức đứng đầu địa phương, các tỉnh cần phải luôn phát huy tốt tinh thần, phương cách làm việc này trong thực tiễn công tác. Nước nhà hiện nay cần có nhiều hơn nữa những quan chức trong việc nước việc dân phải luôn năng động, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đổi mới để nhanh chóng đưa quốc gia phát triển giàu mạnh, đồng thời không ngừng chăm lo đến đời sống nhân dân no ấm, hạnh phúc như tấm gương mẫu mực trong công vụ của danh thần Phạm Phú Thứ.

     3.2.7. Để lại cho hậu thế những trước tác đồ sộ với nhiều tác phẩm thơ văn, biểu tấu trình có giá trịvăn học cao, đóng góp lớn vào kho tàng văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX

     Bên cạnh sựnghiệp quan trường hiển hách, danh thần Phạm Phú Thứ còn để lại cho hậu thế những trước tác đồ sộ, có giá trị và góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỉ XIX. Các công trình, tác phẩm của Phạm Phú Thứ gồm nhiều thể loại phong phú, trong đó có thể kể đến như tác phẩm Giá Viên biệt lục bản khắc in, gồm 3 quyển; Giá Viên toàn tập, bản khắc in 27 quyển; nhiều thơ, văn trong các sách Chư danh gia thi, Dã sử, Danh nhân thi tập, Hoàng triều văn tập, Nam giao nhạc chuông, Nguyễn Trường Tộ điều trần tập, Quốc triều thi thái, Quốc triều văn tuyển, Tập mỹ thi văn, Tây phù thi thảo phụ chư danh gia thi, Thi thảo tạp biên, Trúc Đường thuật cổ thi tập… Tựu trung nội dung phần lớn những trước tác, tác phẩm thơ, văn có giá trịcủa danh thần Phạm Phú Thứ không chỉ hiển hiện rõ cả cuộc đời, phản ánh chốn quan trường thăng trầm, việc công, việc quốc gia đại sự, chuyện buồn vui thế sự mà còn ẩn chứa trong đó tư tưởng, những trăn trở âu lo, đau đáu của ông về vận mệnh quốc gia -dân tộc trước những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc bấy giờ. Ngoài ra còn có nhiều sách phương Tây do Phạm Phú Thứ viết tựa và xuất bản như Bác vật tân biên, Hàng hải kim châm, Khai môi yếu pháp, Vạn quốc công pháp [11,tr. 14-15]. Các sách được ông xuất bản đã góp phần truyền bá tri thức, mởmang dân trí từ quan lớn đến quốc dân,thúc đẩy sự nghiên cứu, học tập và phát triển về khoa học tựnhiên, cách thức đi biển, phương pháp khai mỏ cũng như cách thức giao thiệp quốc tế.

     Đầu năm 1882, danh thần Phạm Phú Thứmất. Vua Tự Đức thương tiếc, Dụ rằng: “Viên này từng trải nhiều khó nhọc, sang Trung Quốc, sang Tây, tuy sức yếu không từ chối; việc thương chính ở Hải Dương lúc mới mở ra bèn hay vâng mệnh đi ngay, công việc đều xong xuôi, về sau có thể noi theo được. Tỉnh Quảng Yên dân xiêu tán, giặc giã quấy rối lâu năm, kinh lý cũng dẹp yên; lập đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa, đó là công lao tài năng ngày thường rực rỡ đáng nêu. Vậy gia ân cho truy phục hàm thự Hiệp biện Đại học sĩ, chuẩn cho được thực thụ, sai quan ban cho tuần tế, ban cho rượu đều một lần” [14, tr. 505-506]. Những nhận xét, đánh giá của vua Tự Đức phần nào cho thấy công trạng cùng những đóng góp lớn của danh thần Phạm Phú Thứcho nước,cho dân.Có thể khẳng định, danh thần Phạm Phú Thứ đã có sựnghiệp quan trường hiển hách nhưng cũng lắm thăng trầm. Ông đã dành trọn cuộc đời cống hiến tận tụy cho quốc gia, nhân dân và có những đóng góp lớn, quan trọng cho sựphát triển của vương triều Nguyễn. Hậu thế ngày nay có thể học tập và noi theo tấm gương mẫu mực của danh thần Phạm Phú Thứ, đó là luôn đặt lợi ích quốc gia, nhân dân lên trên hết; chẳng ngại xông pha gắng sức hoàn thành mọi công việc cấp trên giao phó; thân dân; trung thực, cương trực, thanh liêm, khiêm cung; tận trung, ái quốc ái dân; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vì việc nước việc dân, vì sự tiến bộvà phát triển của quốc gia.

4. Kết luận

     Cả đời tận trung tận hiến cho vương triều Nguyễn cùng đất nước với những công trạng lớn nhưng danh thần Phạm Phú Thứchẳng màng công lao cũng như chưa bao giờ tự cho mình tài năng hơn người mà chỉ là một người làm việc luôn gắng sức vì quốc dân. Không chỉ cần mẫn, tận tụy cống hiến cho quốc gia dân tộc,danh thần Phạm Phú Thứ còn là biểu tượng mẫu mực của vị đại quan thanh liêm, chính trực, thân dân với tinh thần chủ động, luôn học hỏi tiếp thu cái mới tiến bộ; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong việc công. Đặc biệt, hòa chung trào lưu canh tân từ nửa cuối thế kỉ XIX, với những tư tưởng, chủ trương đề xuất canh tân thiết thực bao trùm trên nhiều lĩnh vực của ông đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vương triều Nguyễn và qua đó cũng đưa tên tuổi của Phạm Phú Thứ đứng vào hàng ngũ những nhà canh tân lớn của đất nước. Ngoài sự nghiệp chính trị có nhiều dấu ấn nổi bật, danh thần Phạm Phú Thứ còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc với những trước tác đồ sộ, phong phú về thể loại và có giá trị. Ngày nay, đất nước rất cần cũng như mong chờ có nhiều hơn nữa những vị đại quan bản lĩnh, tài năng, dám dấn thân, tiên phong đổi mới sáng tạo và không quản khó nhọc tận hiến vì dân, vì sự phát triển thịnh vượng quốc gia, như gương sáng chiếu rọi nghìn đời của bậc đại trung thần xuất chúng, suốt đời tận tụy, tận tâm cống hiến vì nước vì dân -danh thần Phạm Phú Thứ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES

     [1] L. T. Chu, “Some documents related to the relationship between Vietnam and the West under the Nguyen dynasty,” Journal of Historical Research, no. 6, pp. 80-83, 2000.

     [2] T. T. T. Ha, “The issue of mining in Vietnam in proposals for economic reform in the second half of the 19th century,” Journal of Historical Research, no. 11, pp. 52-58, 2005.

     [3] M. T. Duong, “Causes of failures of renovation trends in Vietnamin the second half of the 19th century,” UED Journal of Social Sciences, Humanities & Education, vol. 7, no. 1, pp. 45-54, 2017.

     [4] H. T. Tran, “Reformation ideology in Vietnam in the late 19th and early 20th centuries,” Journal of Social Sciences, vol. 257+258, no. 1 + 2, pp. 56-65, 2020.

     [5] A. V. Lu, “Vietnamese’the First Record of the Middle East in “The Western Diary”,”Journal of African and Middle Eastern Studies, vol. 181, no. 9, pp.45-56, 2020.

     [6] T. T. T. Dao, “Pham Phu Thu’s loyalty and filial piety in Gia Vien Thi Thao volume,”Hai Phong University Science Journal, no. 51, pp. 39-43, 2022.

     [7] A. Q. Tran, “Phan Thanh Gian’s Diplomatic mission to Europe, 1863-1864,” Dong A University Journal of Science, vol. 1, no.2, pp.126-147, 2022.

     [8] C. Doan and T. D. Pham, “Content and characteristics of Vietnamese political ideology in the late 19th and early 20th centuries through typical thinkers,” Journal of Philosophy, no. 3, pp. 31-37, 2008.

     [9] National Historical Office of the Nguyen Dynasty, Dai Nam Liet Truyen, vol. 4. Thuan Hoa Publishing House, 2005.

     [10] National Historical Office of the Nguyen Dynasty, Dai Nam Thuc Luc, vol. 7. Education Publishing House, 2007.

     [11] T. P. Pham, Complete Works. Danang Publishing House, 2014.

     [12] H. N. Thai, Pham Phu Thu with the trend of innovation. Tre Publishing House, 1999.

     [13] A. T. Nguyen, Vietnam under French domination. Lua Thieng publisher, 1970.

     [14] National Historical Office of the Nguyen Dynasty, Dai Nam Thuc Luc, vol. 8. Education Publishing House, 2007.

     [15] National Historical Office of the Nguyen Dynasty, Quoc Trieu Chinh Bien Toat Yeu. Thuan Hoa Publishing House, 1998.

Nguồn: TNU Journal of Science and Technology,
228(16): 101-110, 29/11/2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Danh thần Phạm Phú Thứ và những đóng góp cho vương triều Nguyễn
(Tác giả: Thái Văn Thơ)