Dấu ấn dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến
TRẦN THỊ HOA*
Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam vào giai đoạn cuối. Thơ văn của ông đã phản ánh mặt trái của xã hội lố lăng đương thời và bày tỏ tâm sự của những người “ưu thời mẫn thế”. Trong thơ Nôm của ông, những chất liệu từ cuộc sống đời thường, từ những nét văn hóa, hay nguồn văn học dân gian phong phú… được đặt vào câu chữ một cách tài tình. Thông qua chuyên đề: “Dấu ấn dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến”, chúng tôi nhằm mục đích tìm hiểu về vấn đề này.
1. Dấu ấn dân gian biểu hiện qua các ứng xử truyền thống người Việt
1.1. Hình ảnh làng quê đậm chất dân gian
Thiên nhiên nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến đặc trưng cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ông đã vận dụng chính những hình ảnh quen thuộc nơi làng quê như lá vàng, ao nước, ngõ trúc, ngõ tối, trâu, đom đóm, tiếng chó sủa… để miêu tả. Trong thơ ông, tính ước lệ đã phai nhạt hẳn, mà thay vào đó là tính cụ thể, sinh động, gần gũi của cảnh vật đời thường.
Ta bắt gặp sự yên ắng của một buổi trưa hè:
Chuông trưa vắng tiếng người không biết
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây
( Nhớ cảnh chùa Đọi)
Và cảnh vật của đời thường:
Trâu già gốc bụi phì hơi nặng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
(Đến chơi nhà bác Đặng)
Hay cái lặng lẽ đìu hiu của một ngôi chùa cổ:
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây.
(Nhớ cảnh chùa Đọi)
Và trong sáng hơn cả, êm dịu hơn cả là cái thiên nhiên của miền quê bao la, nhất là vào những ngày thu muộn được tái hiện trong chùm ba bài thơ thu: Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm. Một cảnh thu mà theo như Xuân Diệu nhận xét: “Đây là ba bức tranh thu đẹp và điển hình nhất cho mùa thu miền Bắc cũng như của nước ta” [2, tr.56].
Trước đây, khi miêu tả mùa thu, các thi sĩ thường sử dụng hình ảnh lá ngô đồng, rừng phong. Riêng Nguyễn Khuyến, ông dùng những hình ảnh thiên nhiên nơi vùng quê để vẽ nên bức tranh thu chân thực mà nên thơ. Đó là cảnh một đêm thu với bóng tối sâu thẳm với những chấm sáng của những con đom đóm lập lòe:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
(Thu ẩm)
Hay hình ảnh một vài cọng khói nơi lưng giậu, bóng trăng phản chiếu trên mặt ao:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
(Thu ẩm)
Mùa thu làng quê yên ả với chiếc thuyền câu trôi nhẹ:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
(Thu điếu)
Ba bức tranh mùa thu trong ba bài thơ hiện lên đẹp như một bức tranh thủy mặc. Một vẻ đẹp vừa tao nhã, yên bình vừa nhuốm chút buồn man mác đúng với không khí làng quê Việt Nam. Với những chất liệu dân gian đời thường, thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ, chân thực, mộc mạc như chính người dân quê nơi đây.
1.2. Quan hệ ứng xử con người
Cùng với cảnh vật thiên nhiên của vùng quê Bắc Bộ hiện lên thật đơn sơ mộc mạc, thì con người cũng được nhà thơ đưa vào tác phẩm của mình hết sức sinh động trong khá nhiều mối quan hệ ứng xử xã hội.
Hình ảnh con người gắn với đời sống nông thôn đó chính là những người nông dân. Người nông dân dưới ngòi bút của Nguyễn Khuyến được miêu tả chân thực như đang sống ở ngoài đời vậy. Ngòi bút tả thực của Nguyễn Khuyến tài tình khi khéo léo phác họa nên những bức chân dung người dân quê mộc mạc, giản dị như thế. Cuộc đời họ quanh năm “chân lấm tay bùn”, vất vả lo toan cho cuộc sống, cho gia đình như hình ảnh bà vợ Nguyễn Khuyến “xắn váy quai cồng”, “thắt lưng bó que”, “tất tả chân đăm đá chân chiêu”. Công việc đồng áng khiến người phụ nữ nông thôn không có lúc nào được ngơi tay.
Đó còn là hình ảnh người dân quê gồng gánh đi chợ về hỏi han nhau:
– Năm nay chợ họp có đông không.
– Hàng quán người về nghe xao xác
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
(Chợ đồng)
Hình ảnh các cụ già nông thôn chân chất, hiền hòa khi hỏi thăm sức khỏe:
Gậy men ngõ trúc dạo đường quai
Quá bước lên nhà bác Đặng chơi
Một lũ tóc râu ai tuổi tác
Nửa phần làng xóm đã thay đời.
(Đến chơi nhà bác Đặng)
Hay hình ảnh các cụ bô lão trong làng ra chợ nếm rượu tết:
Dở trời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông.
(Chợ Đồng)
Rồi hình ảnh cụ già trầm tĩnh ngồi trên chiếc thuyền câu cá:
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Thu điếu)
Với những tác phẩm của mình, Nguyễn Khuyến nổi lên như bậc thầy về việc sử dụng chất liệu dân gian trong việc xây dựng hình ảnh thiên nhiên và con người trong thơ. Chính những hình ảnh giản dị của cảnh vật, của con người nơi mảnh đất mà nhà thơ sinh sống đã tạo nên nguồn cảm hứng vô tận để nhà thơ viết nên những vần thơ trong sáng, giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường như thế.
Viết về những con người nơi thôn dã, Nguyễn Khuyến đã sống cùng nỗi trăn trở, lo âu, niềm vui, nỗi buồn của người nông dân. Trong bài Chốn quê, tác giả cất lên tiếng nói của mình như tiếng than của người nông dân trong cảnh mất mùa, đói kém:
Năm nay cày cấy vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa.
Không những mất mùa, trên lưng họ còn gánh nặng nợ nần và trả thuế cho quan:
Phần thuế quan tây phần trả nợ
Nửa công đứa ở nửa thuê bò
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua.
Nguyễn Khuyến như sống cùng cảnh ngộ với người dân quê, ông thấu hiểu sâu sắc và lo lắng siết bao trước cảnh đói kém, lụt lội vỡ đê:
Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi,
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.
(Nước lụt Hà Nam)
Và xót xa hơn khi chứng kiến cảnh nước lụt tràn đồng:
Bóng thuyền thấp thoáng giờn trên vách
Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà.
(Vịnh lụt)
Thế nhưng, bên cạnh những lo âu, đau đớn, bức tranh nông thôn của Nguyễn Khuyến còn có những cái vui đầm ấm của những ngày giáp tết được mùa. Lúc đó mọi người rủ nhau gói bánh chưng, chung thịt lợn… một bức tranh quê đầm ấm, sum vầy:
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài cửa bi bo rủ chung thịt.
Hay âm thanh ồn ã lúc xuân sang:
Ình ịch đêm qua trống các làng,
Ai ai mà chẳng rước xuân sang.
(Khai bút)
Có thể nói, bằng ngòi bút tài hoa và từ những trải nghiệm chính cuộc sống với những tình cảm gắn bó thiết tha với những người dân nghèo khổ, Nguyễn Khuyến đã vẽ lên bức tranh đời sống dân dã, chân thực, tinh tế và gần gũi. Đồng thời, qua đó người đọc như cảm nhận được tâm hồn của người dân quê tuy nghèo khổ nhưng giàu đức hy sinh, chịu thương chịu khó, chất phác, trong sáng và tràn đầy lạc quan tin tưởng.
2. Phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc trong thơ
Phong tục, tập quán truyền thống là những khái niệm mang tính trừu tượng. Theo từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn: “Phong tục là những thói quen chung của số đông người từ lâu đời đúc thành khuôn khổ nhất định”. Ở mỗi địa phương sẽ có những phong tục khác nhau và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo dòng thời gian, những phong tục có những biến đổi nhất định để phù hợp với cuộc sống. Trong đó, những phong tục nhằm hướng đến mong muốn điều tốt đẹp cho con người, xã hội luôn được giữ gìn và phát huy. Điều đó duy trì được nét văn hóa đậm đà bản sắc mỗi dân tộc.
Trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến, nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp được nhà thơ nhắc đến một cách trân trọng. Cuộc sống chan hòa, bình yên nơi “Vườn bùi” với nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân quê đã đi vào thơ Nguyễn Khuyến một cách tự nhiên, sinh động như: lễ mừng thọ, đi chợ cuối năm, tục khai bút đầu xuân… đều được khắc họa vào trong thơ một cách tự nhiên.
Người đọc bắt gặp một lễ mừng thọ đông đúc người thân, hàng xóm, bạn bè:
Anh em, làng xóm xin mời cả
Giò bánh trâu heo cũng gọi là
Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông Từ ngõ chợ lễ cùng ta.
( Lên lão)
Đó còn là bức tranh phiên chợ cuối năm khi tiết trời lất phất mưa phùn:
Tháng chạp hai mươi bốn chợ đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông
(Chợ đồng)
Trong khung cảnh không gian buồn não nề của một phiên chợ đã vãn, nhưng nét đẹp của tục “nếm rượu tường đền” của các cụ già trong phiên chợ cuối năm vẫn được diễn ra. Vào ba phiên chợ Tết, các bô lão coi việc tế tự trong làng thường ra ngồi tựa lưng vào tường đền nếm rượu, xem thứ rượu nào ngon thì mua về để tế lễ thánh trong dịp tết. Đây là một phong tục của quê hương Nguyễn Khuyến. Ngày nay tục lệ này đã không còn nhưng qua thơ của ông, chúng ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh đấy.
Tục khai bút đầu Xuân có từ trước thời Nguyễn Khuyến nhưng nó vẫn tồn tại và giữ nguyên nét đẹp vốn có:
Ình ịch đêm qua trống các làng
Ai ai mà chẳng rước xuân sang
Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén
Bút mới xô tay thử một hàng.
(Khai bút)
Nhìn chung, thấm đượm trong các bài thơ của Nguyễn khuyến là bức tranh về vùng quê đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ với những phong tục tập quán tốt đẹp của ông cha ta. Những nét đẹp đó đã tồn tại từ ngàn xưa và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
3. Nghệ thuật sử dụng chất liệu dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến
3.1. Vận dụng tục ngữ, ca dao, thành ngữ
3.1.1. Tục ngữ
Nguyễn khuyến đã vận dụng khá nhiều tục ngữ trong thơ của mình. Tiêu biểu như trong các bài: Khai bút, Thơ khuyên học, Bạn đến chơi nhà…
Trong bài Thơ khuyên học, từ câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ông đã vận dụng thật sáng tạo:
Đen thì gần mực, đỏ gần son
Học lấy cho hay, con hỡi con.
Nguyễn Khuyến đã vận dụng khôn khéo, tài tình câu tục ngữ, để răn dạy con cháu của mình chăm lo học hành. Với mong muốn con mình sẽ biết noi theo những điều tốt đẹp mà học tập, tu dưỡng đạo lý làm người nhưng không hề giáo điều, cứng nhắc.
Hay từ câu tục ngữ “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ông đã viết:
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta.
(Bạn đến chơi nhà)
Hàng loạt những câu tục ngữ đã được Nguyễn Khuyến vận dụng khéo léo làm cho những câu thơ, lời thơ của ông thêm phần thi vị, gần gũi và giàu hình ảnh. Ta có thể liệt kê một số câu tục ngữ khác được Nguyễn Khuyến vận dụng như:
Một năm một tuổi trời cho tớ
Tuổi tớ trời cho tớ lại càng…
(Khai bút)
Hai câu thơ được lấy ý từ câu tục ngữ “càng già càng dẻo càng dai”.
Hay trong bài Đĩ cầu nôm:
Người ba đấng, của ba loài,
Nếu những như ai thì đĩ mốc.
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc
Khá khen thay làm đĩ có tông
(Đĩ cầu nôm)
Những câu thơ trên được rút từ câu tục ngữ :
Người có người tốt người xấu
Của có của tốt của xấu
Và câu tục ngữ “làm đĩ có tàn, có tán, có hương án thờ vua”
Việc vận dụng tục ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến khiến cho câu thơ trở nên giản dị, ý nghĩa và phù hợp với cách tư duy của đông đảo quần chúng nhân dân.
3.1.2. Ca dao
Ca dao được vận dụng trong thơ Nguyễn Khuyến nhuần nhụy, tinh tế tạo cho thơ Nôm của ông mang một dáng vẻ mới đậm đà phong vị dân gian.
Là một bậc đại nho, tài hoa uyên bác nhưng Nguyễn Khuyến cũng là người có tính cách phóng khoáng, hóm hỉnh. Trong “Đề ảnh tố nữ”, ông không ngại thể hiện sự “đáo để” trong cái cười kín đáo của mình trước một cô gái đẹp. Ca dao có câu:
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.
Khi biến chuyển vào thơ Nôm Nguyễn Khuyến, câu chữ được chuyển đổi mềm mại theo chủ ý cười của tác giả với hàm ý mỉa mai thật sâu sắc:
Người xinh cái bóng tình tinh cũng …
Một bút một thêm một điểm tình.
Còn trong bài Thầy đồ ve gái góa, Nguyễn Khuyến đả kích sâu cay thói dâm ô, mất đạo đức tư cách của những thầy đồ biến chất:
Thầy bảo rằng thầy yêu cháu đấy
Thầy yêu mẹ cháu có ai hay
Bắc cầu câu cũ không hờ hững
Cầm kính tình xưa vẫn đắng cay.
Từ “bắc cầu” ở đây đã được Nguyễn Khuyến mượn từ câu:
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Và từ “cầm kính” là rút từ câu ca dao:
“Trách người quân tử bạc tình
Có gương mà để bên mình chẳng soi”
Hàng loạt những câu ca dao khác được Nguyễn Khuyến vận dụng như:”Ăn mày chớ có ăn tao nhé” lấy ý từ câu ca dao :
Ăn mày là ai? Ăn mày là ta
Đói cơm rét áo hóa ra ăn mày.
Hay như câu :
Phơ đầu đã tự đời bàn cổ
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con
(Chơi núi non nước)
Hai câu thơ được lấy ý từ câu ca dao :
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Việc vận dụng thành thạo, uyển chuyển những câu ca dao trong thơ khiến cho những vần thơ Nôm của Nguyễn Khuyến thêm sinh động, tinh tế, giàu hình ảnh và giàu tính biểu cảm và quan trọng là khiến cho thơ rất gần gũi với đời sống con người.
3.1.3. Thành ngữ
Cùng với việc vận dụng tục ngữ – ca dao, Nguyễn Khuyến còn sử dụng những câu thành ngữ làm cho lời thơ thêm bóng bẩy, giàu ý nghĩa biểu cảm. Chẳng hạn như trong bài Anh giả điếc, ông viết:
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”
Lối điếc ấy sau này em muốn học …
Với những câu thơ đó, Nguyễn Khuyến đã sử dụng thành ngữ “sáng tai họ, điếc tai cày” nhằm ám chỉ sự giả vờ của “anh giả điếc”. Anh ta chỉ giả vờ ngô nghê, dại khờ chứ thực ra anh rất khôn chứ không hề ngốc nghếch như người ta tưởng. Trong bài Tạ lại người cho hoa trà, Nguyễn Khuyến đã vận dụng thành ngữ “tóc bạc, da mồi” để chỉ người già, sức yếu:
Da mồi, tóc bạc, ta già nhỉ ?
Áo tía, đai vàng bác đó a!
Hay thành ngữ “lấm như trâu lỗ” trong bài Tặng đốc học Hà Nam, nhằm chỉ việc gia đình ông đốc học mới thoát khỏi cảnh làm ăn lam lũ:
Dấu nhà vừa thoát sừng trâu lỗ.
Và từ ý của câu thành ngữ “già kén kẹn hom”, ông viết:
Tình trong yểu điệu đà nên gái
Đấng bậc coi chừng muốn lấy ông.
(Gửi người con gái xóm Đông)
Từ ý của câu thành ngữ Nguyễn Khuyến ngụ ý đùa cô gái coi chừng kén chọn nhiều vào rồi “quá lứa lỡ thì”, lỡ làng đến nỗi phải lấy ông già ngang tuổi ông nội mình.
Vận dụng thành ngữ một cách sáng tạo, Nguyễn Khuyến đã mang đến cho người đọc những vần thơ Nôm dung dị, tự nhiên và đi sâu vào lòng người.
3.2. Sử dụng lối chơi chữ
Chơi chữ là một hiện tượng thường thấy trong văn học dân gian và trong đời sống của con người. Chơi chữ là một lối chơi nghệ thuật trên cơ sở vốn ngôn ngữ có sẵn nhưng đã được người dùng “gia công” nhằm đạt hiệu quả sử dụng cao nhất.
Trong dân gian đã tồn tại nhiều hiện tượng chơi chữ trên cơ sở từ đồng âm khác nghĩa để tạo nên ý nghĩa châm biếm nhẹ nhàng, ngầm ẩn. Chẳng hạn như:
Bà già đi chợ cầu đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”
Tiếp thu lối chơi chữ trong thơ ca dân gian, Nguyễn Khuyến đã vận dụng loại nghệ thuật độc đáo này trong sáng tác thơ. Bất cứ lúc nào ông cũng có thể cho chữ, làm thơ, viết câu đối đáp ứng nhu cầu của bà con làng xóm. Điều đó đã đều thể hiện tài chơi chữ của Nguyễn Khuyến. Chẳng hạn như câu đối trong bài Vợ thợ rèn khóc chồng:
Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp
Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
Trong câu đối, tác giả đã huy động cả một trường từ vựng phong phú gồm những từ nói về nghề rèn như: than, rèn cặp, bễ, đe loi. Về hình thức nội dung câu đối vẫn được bảo đảm mà việc sử dụng một loạt từ cùng trường đúng với những thứ có liên quan trong nghề rèn của người chồng khiến cho câu thơ thêm hấp dẫn, thú vị. Hay trong bài Anh hàng gà khóc vợ, tác giả dùng những từ như “lồng”, “đáy”, “nháo nhác”, “con”, “gánh”, “lục cục”, “trống”, tất cả đều liên quan đến gà và nghề mua bán gà của anh ta. Và các câu đối khác như trong bài Vợ thợ nhuộm khóc chồng, Vợ người hàng thịt khóc chồng… đều thể hiện tài chơi chữ độc đáo của tác giả.
Không chỉ nhằm đùa vui, cười cợt mà Nguyễn Khuyến dùng lối chơi chữ nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình:
Ăn mày chớ có ăn tao nhé.
“Ăn mày” và “ăn tao”, “mày” và “tao” có gì khác nhau? Mới nghe cứ nghĩ đây là một câu đùa vui nhưng thực chất nó lại có hàm ý sâu xa cùng một dòng suy tưởng, niềm tâm sự với câu ca dao:
Ăn mày là ai? ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.
Trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến ta còn bắt gặp các trường hợp chơi chữ khác. Chẳng hạn như trường hợp các tín hiệu đồng âm và ngược lại được liên kết lại thành chuỗi, tạo ra một sự luyến láy về hình thức, có giá trị như một điểm xoáy, một “cơn lốc“ nhỏ về âm điệu, ngữ điệu. Trong bài Khóc dương khuê là một ví dụ như thế:
“Bác dương thôi đã thôi rồi”
“Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”
“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”
(Khóc Dương Khuê)
3.3. Sử dụng ngôn ngữ hàng ngày
Ngôn ngữ hàng ngày hay còn gọi là khẩu ngữ, là lời ăn tiếng nói hàng ngày, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm,… đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống. Ngôn ngữ hàng ngày của nhân dân khi đi vào thơ văn khiến cho những áng văn chương trở nên gần gũi, giàu tính chân thực với đời sống. Nguyễn Khuyến đã vận dụng ngôn ngữ hàng ngày đạt đến mức nhuần nhụy, đa dạng như ngôn ngữ đời sống trong dân gian. Dù là một vị Tam Nguyên Yên Đỗ, Nguyễn Khuyến vẫn sống như một người dân quê. Cuộc sống dù đạm bạc, nghèo khổ nhưng chứa chan tình nghĩa với anh em, bè bạn, làng xóm. Có lẽ vì thế mà ta cũng thật dễ hiểu khi thấy thơ Nôm của ông mộc mạc, giản dị như chính lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây:
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua.
(Chốn quê)
Cách nói “cho qua bữa”, “chẳng dám mua” như một lời đối thoại thông thường của người dân gặp cảnh khó khăn. Bữa ăn chỉ qua quýt cho xong chuyện với “dưa muối” chứ chẳng mong gì đến cao lương mỹ vị. Ngay đến trầu cau là thứ bình thường mà đành chịu,”chẳng dám mua”.
Chốn quê ấy với những con người bình dị và đến cách nói chuyện cũng xuề xòa, không tô vẽ cầu kì:
Tần trên thế mà không khá nhỉ
Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho.
(Nhà nông tự than)
Ngay cả lời thăm hỏi bạn bè của ông Tam Nguyên mà chẳng khác gì lời hỏi han của mấy bà, mấy cô ở nhà quê:
Ai lên nhắn hỏi bác châu cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé?
Vài gian nếp cái ngập nông sâu?
(Lụt hỏi thăm bạn)
Không chỉ dùng lời hiền lành, tế nhị mà có lúc ông cũng chao chát, chua ngoa, nói thẳng như người dân quê trước những điều “trái tai gai mắt”:
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín
Còn một phương nhịn để lấy chồng
Chém cha cái kiếp đào hồng
(…) cha đời con đĩ cầu nôm.
(Đĩ cầu Nôm)
Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác, Nguyễn Khuyến sử dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân vào thơ của mình. Có lẽ vì thế mà những lời thơ chứa chan tình nghĩa ấy dễ đem lại ấn tượng đối với người đọc.
Tóm lại, qua việc tìm hiểu nghệ thuật sử dụng chất liệu dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến với việc sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, con người cùng với việc vận dụng vốn ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lối chơi chữ, ngôn ngữ hàng ngày ta như có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn về dấu ấn dân gian in đậm trong thơ văn của ông. Đặc điểm này góp phần tạo nên tiếng cười trào phúng của dân gian trong thơ Nôm một cách tinh tế, nhuần nhụy, tự nhiên. Và ẩn sau nét bình lặng, trầm tĩnh của ông là một tâm hồn cao quý, một tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước sâu sắc, đặc biệt là mảnh đất ruột thịt chứa chan tình cảm.
Cùng với những tên tuổi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Nguyễn Khuyến đã góp phần tạo nên kho tàng văn học phong phú, đa dạng cho đất nước. Là người chứng kiến biết bao bước đi thăng trầm của lịch sử dân tộc và có lẽ, hơn ai hết chính ông đã cảm nhận một cách sâu sắc sự sụp đổ của hệ tư tưởng phong kiến đã lỗi thời và sự bất lực của lớp nhà nho cuối mùa. Bằng tài năng thơ phú và tâm hồn nặng lòng trước thời cuộc, lại được “tắm mát” trong bầu không khí văn hóa đậm chất dân gian của dân tộc, thơ văn Nguyễn Khuyến đã để lại những dấu ấn đậm nét trong kho tàng văn học nước ta. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, Nguyễn Khuyến đã tìm về với cuội nguồn, về với những truyền thống văn hóa quý báu từ ngàn xưa của cha ông ta để được chia sẻ, được cảm thông và hơn hết là tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mình. Chính đời sống ở thôn quê với những người dân hiền lành, chất phác là mạch nguồn cho những thi hứng vô tận, là chỗ dựa vững chắc để nhà thơ nói lên tiếng lòng từ tận đáy sâu tâm hồn mình. Vì vậy mà ta dễ dàng nhận ra dấu ấn mang đậm nét dân gian trong thơ Nôm của ông – những vần thơ sẽ mãi còn vang vọng đến mai sau
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bảo (1999), Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Nguyễn Khuyến, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
2. Xuân Diệu (1997), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
3. Nguyễn Bích Hà (2008), Giáo trình văn học dân gian, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
4. Hoàng Văn Hành (2005), Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, NXB văn hóa Sài Gòn.
5. Lại Văn Hùng (2009), Nguyễn Khuyến – tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
6. Nguyễn Lân (2011), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
7. Nguyễn Lộc (1997), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
8. Vũ Ngọc Phan (2004), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
9. Vũ Thanh (2003), Nguyễn Khuyến về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
Trích dẫn: Phạm Ngọc Hiền
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)