Dấu ấn VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM qua một số ẨN DỤ Ý NIỆM trong THƠ NGUYỄN BÍNH (Phần 2)

PHAN NGỌC TRẦN
(Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

     3.3. TÌNH CẢM LÀ SỢI TƠ TẰM

     Những mô hình văn hoá khác nhau sẽ có những cách lựa chọn các bộ phận khác nhau của cơ thể con người để biểu trưng những ý niệm nhất định. Những vị trí chủ đạo trong đa phần các văn hoá tập trung ở vùng bụng, vùng tim và vùng đầu hay cụ thể hơn là vùng não. Theo F. Sharifian et al., ba loại ý niệm hoá này được gọi tên là quan niệm hướng bụng (abdominocentrism), hướng tim (cardiocentrism) và hướng não (cerebrocentrism hay cephalocentrism) [9, tr. 4] như là một kết quả từ quá trình tri giác mang tính nghiệm thân của con người.

     Trong khi hướng tim được xem là kiểu ý niệm hoá truyền thống tại các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thì quan niệm hướng bụng là cách tiếp cận nổi trội nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Quả thực trong tiếng Việt thì vùng bụng được xem là nơi chứa đựng tư duy, tình cảm, tâm tư con người. Theo Trịnh Sâm, ta tìm thấy trong Từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị các biểu đạt như “để bụng”, “sáng dạ”, “ưng bụng”, “chột bụng”, “mở lòng”,… quy các bộ phận thuộc vùng bụng như các cơ quan của lí trí, nhận thức, trí nhớ, cảm xúc, tình cảm [3]. Trong dân gian ta cũng tìm thấy những cách nói như “rối ruột”, “rối lòng”, “rối trí”,… Như vậy tính chất rối của sợi biểu trưng cho một trạng thái tâm lí có vấn đề mà để giải quyết thì ta phải “gỡ rối (tơ lòng)”. Sự ý niệm hoá này trong tư duy người Việt chính là cơ sở cho một ẩn dụ thú vị trong thơ Nguyễn Bính: TÌNH CẢM LÀ SỢI TƠ TẰM.

     Tơ tằm là những sợi rất nhỏ mà tằm dâu nhả ra từ trong bụng của mình. Việc ý niệm hoá bụng như cơ quan tư duy, tình cảm làm cho việc biểu lộ tâm tư con người có thể được nhận hiểu như sự trích rút ra những sợi tơ từ bụng con tằm.

Miền nguồn: SỢI TƠ TẰM→ Miền đích: TÌNH CẢM
Người vương tơ
Lượng tơ
Độ rối của tơ
Chất dính của tơ
→ Người dính líu trong một quan hệ tình cảm
→ Mức độ tình cảm
→ Sự phức tạp trong tình cảm
→ Sự dai dẳng trong tình cảm

     Trong thơ Nguyễn Bính, sợi tơ có thể trở thành miền nguồn giúp nhận hiểu nhiều hiện tượng tâm lí trừu tượng:

     a. Nỗi nhớ được ý niệm hoá như sợi tơ. Vì nỗi nhớ là sợi tơ, ta có thể thao tác lên nó, đồng thời nó cũng chứa đựng những thuộc tính nổi bật nhất của miền ý niệm nguồn.

     Ví dụ: “Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ/ Em thử quay xem được mấy vòng?”, “Anh ơi! Em nhớ, em không nói/ Nhớ cứ đầy lên, cứ rối lên.” (Nhớ (I)).

     b. Tình cảm đôi lứa được ý niệm hoá như sợi tơ. Vì tình cảm là sợi tơ nên giữa hai đối tượng trong quan hệ tình cảm này luôn được nhận hiểu như có tồn tại một mối dây liên kết tuy có thể mong manh nhưng khó tách rời, như có chất keo dính trên sợi tơ rút ra từ bụng con tằm.

     Ví dụ: “Gặp gỡ, hẳn duyên trời định trước/ Tội gì chẳng để tóc vương tơ?” (Tơ trắng), “Lâu nay tôi thấy ở lòng tôi/ Như có tơ vương đến một người.” (Mùa đông đan áo), “Nàng đi còn có bao giờ/ Ngoảnh trông lại kẻ se tơ lỡ làng?” (Lỡ duyên), “Ruột tằm đứt cả tơ vương/ Ái ân sang đến nửa đường lại thôi.” (Gặp nhau), “Tơ duyên đến thế thì thôi!/ Thế là uổng cả một đời tài hoa.” (Dòng dư lệ), “Lòng cô chẳng có dây tơ/ Ước sao đến thấp mà mơ đến nghèo.” (Tình tôi), “Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.” (Mưa xuân (I)).

     c. Tâm lí tiêu cực được ý niệm hoá như sợi tơ.

     Ví dụ: “Nghẹt dưới bàn tay thần định mệnh/ Nàng đương dệt tấm hận muôn đời.” (Bao nhiêu đau khổ của trần gian trời để dành riêng…), “Đầu bù trở lại kinh đô/ Tơ vương chín mối sầu cho một lòng.” (Đoá hoa hồng).

     3.4. TÌNH YÊU LÀ VIỆC DỆT VẢI

     Ở trên đã bàn về ẩn dụ ý niệm TÌNH CẢM LÀ SỢI TƠ TẰM. Nếu tâm tư tình cảm được nhận hiểu như sợi tơ thì chuyện tình đôi lứa có thể được hiểu như một sự phức hoá hay sự hợp lại của nhiều sợi tơ, đoạn tơ. Trên cơ sở ý niệm này, Nguyễn Bính đã vận dụng để tạo nên ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ VIỆC DỆT VẢI.

Miền nguồn: SỰ DỆT VẢI→ Miền đích: TÌNH YÊU
Người dệt vải
Sợi tơ tằm
Con thoi, khung cửi
Tấm vải
Công việc dệt vải
→ Người đang yêu
→ Tâm tư tình cảm
→ Phương tiện trong tình yêu
→ Kết quả của tình yêu
→ Sự vun đắp tình yêu

     Ẩn dụ này được thể hiện theo một số dạng thức như sau:

     a. Sự suy tưởng về viễn cảnh tình yêu được nhận hiểu như sự dệt vải.

     Ví dụ: “Có một buổi chiều qua lối ấy/ Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.” (Người con gái ở lầu hoa), “Dệt mộng bao lần tủi phấn hương.” (Xuân vẫn tha hương), “Mộng đẹp theo ngày tháng/ Đi êm đềm như thơ/ Khác nào trên khung cửi/ Qua lại chiếc thoi tơ...” (Thoi tơ), “Gieo thoi, gieo thoi, lại gieo thoi/ Nhớ nhớ, mong mong, mãi mãi rồi…” (Nhớ (I)).

     b. Mối quan hệ đôi lứa được nhận hiểu như sự dệt vải.

     Ví dụ: “Giường mộng con thoi còn chạy lẻ/ Hay là nàng đã dệt thoi đôi.” (Rét), “Em đi dệt mộng cùng người/ Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh.” (Rượu xuân), “Tôi giờ như một người tang tóc/ Chả dám cùng ai dệt mộng vàng.” (Rượu xuân), “Mắc hẳn đường tơ sang cửi khác/ Dệt từng tấm mộng để dâng ai.” (Vâng).

     4.

     Bài viết đã xác lập được bốn ẩn dụ ý niệm ĐỜI NGƯỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH BẰNG THUYỀN, HÔN NHÂN LÀ CHUYẾN ĐÒ NGANG; TÌNH CẢM LÀ SỢI TƠ TẰM, TÌNH YÊU LÀ VIỆC DỆT VẢI xuất phát từ miền nguồn cụ thể CON THUYỀN và VIỆC DỆT VẢI trong thơ Nguyễn Bính. Các ẩn dụ này lấy cơ sở từ các ẩn dụ thường quy rất phổ biến trong dân gian, được sử dụng như là phương tiện nghệ thuật để biểu hiện các ý niệm trừu tượng, phức tạp. Nói cách khác chúng là những ảnh tượng tinh thần có giá trị kích hoạt khả năng sáng tạo trong tâm trí. Trong quan hệ đồng dạng với các ẩn dụ nguyên cấp tương ứng, ẩn dụ ý niệm cụ thể hoá sẽ nhấn mạnh vào các chi tiết mang tính đặc trưng văn hoá, nghĩa là cách thức ý niệm hoá ở đó luôn chịu chi phối của các yếu tố đặc thù trong đời sống văn hoá xã hội. Xét riêng ở phạm vi thơ Nguyễn Bính, sự chi phối của văn hoá truyền thống thể hiện rõ ở các hình ảnh – ý niệm làm nguồn mà từ đó các ánh xạ ẩn dụ được phóng chiếu sang cái đích trừu tượng. Hình ảnh con đò, chiếc thuyền trên sông nước hay sợi tơ tằm, khung cửi, người phụ nữ dệt vải,… là những gì vô cùng quen thuộc trong đời sống văn hoá truyền thống, chúng thâm nhập vào đầu óc cộng đồng diễn ngôn từ xa xưa và chi phối sâu sắc cách thức thành viên của cộng đồng ý niệm hoá thế giới cũng như biểu thị cách thức ý niệm hoá đó qua giao tiếp bằng lời.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Trịnh Sâm, Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt, Ngôn ngữ, số 12 (271), 2011, tr. 1-15.

2. Trịnh Sâm, Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam Bộ, Khoa học trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, số 46 (80), 2013, tr. 5-12.

3. Trịnh Sâm, Một vài nhận xét về ý niệm “tim”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 4, 7/2014.

4. Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.

B. Tiếng nước ngoài

5. Kövecses, Z., Metaphor in Culture: Universality and Variation, Cambridge University Press, Cambridge, 2005.

6. Kövecses, Z., Metaphor: A Practical Introduction, 2nd Edition, Oxford University Press, New York, 2010.

7. Lakoff, G. and Johnson, M., Metaphors We Live by, The University of Chicago Press, Chicago and London, 2003 [1980].

8. Lakoff, G. and Turner, M., More than Cool Reason: A Field Guide to Poetic Metaphor, The University of Chicago Press, Chicago and London, 1989.

9. Sharifian, F. et al., Culture, Body, and Language: Conceptualizations of Internal Body Organs across Cultures and Languages, Mouton de Gruyter, Berlin and New York, 2008.

     Xem lại: Dấu ấn VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM qua một số ẨN DỤ Ý NIỆM trong THƠ NGUYỄN BÍNH (Phần 1)