Để HOÀ NHẬP mà KHÔNG HOÀ TAN

1. Thử tìm một vài đặc điểm của công cuộc hoà nhập trên đất nước hiện nay

     Cuộc sống vốn có hai quy luật: độc lập (Indépendant) và phụ thuộc lẫn nhau (Interdépendant). Hoà nhập chính là biểu hiện của quy luật phụ thuộc lẫn nhau để phát triển. Tất nhiên quy luật phụ thuộc lẫn nhau lại sóng đôi với quy luật cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua, vốn mang tính chất hai mặt: tích cực tiêu cực mà từ đó đòi hỏi tối đa vai trò chủ thể của con người để hạn chế mặt tiêu cực. Nước ta, ở thế kỉ XX, với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kế đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 giải phóng miền Bắc, Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 thu gọn non sông về một mối, thì tưởng đã “từ nay sạch bóng quân thù”, nhưng ngay sau đó lại có chiến tranh biên giới Tây Nam (1976), rồi chiến tranh Trung – Việt ở biên giới phía Bắc (1979), ở Vĩ Xuyên (1984) rồi cuộc đánh chiếm Gạc Ma (1988) và hôm nay sang thế kỉ XXI thì những gì đang diễn ra ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra, cả thế giới đã rõ. Đúng là đã độc lập nhưng nguy cơ ngoại xâm vẫn rình rập đó đây.

     Trong hoàn cảnh đó, quy luật phụ thuộc lẫn nhau để phát triển vẫn trỗi dậy mỗi lúc một đa dạng, sôi động, khẩn trương, gấp gáp. Vậy thì đặc điểm của công cuộc hoà nhập đất nước trong thời đại ngày nay là gì so với quá khứ? Muốn hoà nhập mà không hoà tan, thiết tưởng trước hết phải tường minh về những đặc điểm của công cuộc hoà nhập đó. Tôi xin thử nêu một vài đặc điểm để mong được quý vị góp ý, chỉ bảo thêm:

1.1. Hoà nhập trong hoàn cảnh quan hệ quốc tế của đất nước đã mang tính chất toàn cầu hơn bao giờ hết

     Nhìn lại lịch sử thì thấy công cuộc hội nhập của đất nước đã đi qua ba chặng lớn:

     – Chặng thứ nhất là thuộc thời kì cổ trung đại vốn mang tính chất khu vực, trong đó công cuộc hội nhập đã diễn ra chủ yếu là với quan hệ Việt – Trung và thêm nữa là quan hệ Việt Ấn mà trạng thái hoà nhập có sự khác nhau. Với quan hệ Việt – Trung, công cuộc hoà nhập diễn ra theo hai chiều: bị áp đảo và được nâng đỡ. Áp đảo là do gắn với các cuộc xâm lăng của các thế lực phong kiến Trung Hoa. Nâng đỡ là do có quy luật tự thân của văn hoá trong đó có sự lan toả ảnh hưởng của một nền văn hoá lớn đối với một nền văn hoá nhỏ trong phạm vi khu vực mà dân tộc ta đã tiếp và biến (acculation) một cách có bản lĩnh trong trạng thái vừa lệ thuộc vừa li khai dần yếu tố Hán. Với quan hệ Việt Ấn thì chỉ một chiều là nâng đỡ. Cuối cùng dân tộc ta đã tạo dựng được một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc mà hậu thế đang khát khao phục hưng trong công cuộc xây dựng nền văn hoá của đất nước hôm nay và mai sau.

     – Chặng thứ hai thuộc thời kì cận đại thì đã mang tính thế giới nhưng chưa trọn vẹn. Trong đó sự hội nhập chủ yếu diễn ra với quan hệ Việt Pháp và cũng theo hai chiều: có áp đảo có nâng đỡ, có mất có được. Mất là ở chỗ có sự áp đảo dẫn đến hiện tượng hao hụt về truyền thống văn hoá của dân tộc. Được là ở chỗ có sự nâng đỡ mà hiện đại hoá được nền văn hoá của đất nước trong đó có sự khắc phục những hạn chế của văn hoá truyền thống, có sự bổ sung một số giá trị nhân văn mới đáng nói là quyền sống của cái Tôi cá thể vốn là điều mà văn hoá truyền thống cơ bản chưa đặt ra vì đang dốc sức cho quyền sống cộng đồng, vì nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển, vì yếu tố kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa cơ bản chưa có.

     – Chặng thứ ba là từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay trong đó có hai giai đoạn:

    a) Từ 1945 đến 1975: đất nước chưa thống nhất. Có vùng giải phóng, có vùng chưa giải phóng, có miền Bắc miền Nam mà mỗi vùng có sự hội nhập riêng. Bởi một bên có quan hệ với thế giới xã hội chủ nghĩa. Một bên có quan hệ với thế giới tư bản chủ nghĩa.

     b) Từ 1975 đến nay: đất nước thống nhất, sự hội nhập cũng thống nhất và mang tính toàn cầu trọn vẹn, từ đó mà trở nên đa dạng đa chiều, vừa phong phú vừa phức tạp, theo luật gia tốc chưa từng thấy.

     1.2. Hoà nhập mang tính toàn cầu trọn vẹn trong hoàn cảnh thế giới đã trở thành thế giới phẳng, thời đại công nghệ thông tin đã bỏ lại phía sau thời đại công nghệ cổ điển, văn hoá mạng vừa phong phú vừa phức tạp đã và đang có chiều hướng lấn át văn hoá truyền thống và chính thống của các quốc gia. Trình độ tư duy của người dân ở mọi quốc gia, trước hết là trí thức và người dân ở các đô thị, cũng càng ngày càng giảm bớt trạng thái tư duy so sánh lịch sử thuộc phạm vi quốc gia để chuyển sang tư duy so sánh đồng đại thế giới; giảm bớt trạng thái tư duy dân tộc ít nhiều mang tính chất khép kín để chuyển sang tư duy toàn cầu mang tính chất rộng mở; giảm bớt trạng thái tư duy cục bộ, hiện tượng để chuyển sang trạng thái tư duy tổng thể, bản chất; giảm bớt trạng thái tư duy ảo tưởng để chuyển sang trạng thái tư duy thiết thực, kể cả thực dụng.

     Đúng là từ góc nhìn tư duy luận thì thấy rõ trạng thái tư duy của nhân loại trong thế giới phẳng đang có sự chuyển động rõ rệt như thế mà thiết tưởng những nhà lãnh đạo đất nước, cũng như những bậc thức giả cần thức nhận trong khi quan tâm tới vấn đề Hoà nhập mà không hoà tan.

     1.3. Hoà nhập trong hoàn cảnh đất nước đã vượt qua ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, chiến tranh ý thức hệ của hai phe trên thế giới rất chi bất lợi để có quan hệ rộng khắp với toàn thế giới với đường lối ngoại giao có lợi cho đất nước là Việt Nam chủ trương làm bạn với cả thế giới theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên đều có lợi. Chưa bao giờ Việt Nam có vị trí và vai trò trên trường quốc tế như hôm nay mặc dù vẫn gặp không ít chông gai, kể cả đối địch. Trong tương quan so sánh giữa Việt Nam là nước vừa thoát khỏi nền kinh tế phong kiến nông nghiệp lạc hậu, èo ọt và nền kinh tế thực dân nửa phong kiến tồi tàn, lại phải trải qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt, so với các nước phát triển Tư bản chủ nghĩa giàu có quả có sự khác biệt, chênh lệch, cao thấp, hơn thua ở nhiều phương diện của cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, công cuộc hội nhập đã diễn ra là có lợi rất lớn nhưng không phải không có bất lợi. Lợi lớn là nhờ đó mà giàu có hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn rõ nhất là ở đời sống vật chất. Còn về đời sống tinh thần, cũng không phải không có lợi mặc dù cũng phức tạp. Bất lợi là có sự hoà tan gây nên sự hao hụt bản sắc văn hoá dân tộc đang diễn ra cũng khá rõ, không dễ gì ngăn chặn trước yêu cầu hoà nhập mà không hoà tan.

     Chuyện từ phương diện đối ngoại là thế. Còn ở phương diện đối nội thì phải chăng lại là thế này. Cái thời “Bác bảo đi là đi, Bác bảo đứng là đứng”, cả nước một lòng, trên bảo sao dưới nghe vậy đã nhường chỗ dần cho sự phân tâm đang có chiều tăng trưởng trong xã hội. Cho khát vọng tự do dân chủ, cho yêu cầu đối thoại, phản biện… “Cái thời lãng mạn” (Nguyễn Khải), cái thời tụng ca đã nhường chỗ dần cho cái thời hiện thực nghiêm ngặt, tỉnh táo, thiên vào phân tích, mổ xẻ hiện tượng, sự vật. Cái thời chủ nghĩa duy tình duy cảm đã nhường chỗ dần cho chủ nghĩa duy lí. Cái thời mà công tác tuyên huấn và công cuộc giáo dục của gia đình của trường học là lấy chân lí từ sách vở (trong đó không ít là sản phẩm giáo điều) để cứ thế mà rót vào đầu óc của trẻ con, của học sinh, của người dân cũng đã phải nhường chỗ dần cho ý tưởng mỗi cá thể người phải tự tìm lấy chân lí theo triết lí “Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại” (Je pense, donc je suis) của Descartes. Cái thời mà cái Tôi đã nhường chỗ cho cái Ta thì nay nó đang muốn đòi lại trong trạng thái chỉ biết đòi mà chưa phân biệt rõ thế nào là cái Tôi chân chính cần được sớm trỗi dậy khác cái tôi ích kỉ bất chính phải tiêu diệt ngay. Cái thời mà các hệ hình lí thuyết được định sẵn và được mọi người dễ dàng chấp nhận đã được chuyển dần sang nhiều hệ hình lí thuyết khác vừa phong phú vừa phức tạp mà lại chưa thấy rõ bản lĩnh trong khi tiếp nhận… Trong các trạng thái chuyển đổi trên, ở cũ ở mới, ít nhiều đều có mặt phải và mặt trái mà hôm nay, với yêu cầu hoà nhập mà không hoà tan đang rất cần làm sáng tỏ. Nếu không thì vẫn bị hạn chế.

2. Làm thế nào để hoà nhập mà không hoà tan

     Trong hoàn cảnh xã hội đối ngoại và đối nội như thế, đặt vấn đề hoà nhập mà không hoà tan thì quả thật là một bài toán vô cùng khó của thời đại. Thực tế đã cho thấy như thế. Nói không hoà tan là đối với bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng bản sắc văn hoá dân tộc là gì thì cho đến nay dễ gì rõ hẳn được, chưa nói là với toàn dân mà ngay ở các nhà lãnh đạo. Nói không hoà tan, không có nghĩa là chỉ giữ nguyên xi những gì đã có mà không chấp nhận sự đổi khác, đổi mới. Nhưng đổi khác đổi mới thế nào thì không hoà tan, mà thế nào thì hoà tan. Đây cũng là vấn đề chưa cho ra đáp án. Chính người viết bản tham luận này cũng đang rất tơ lơ mơ trước những câu hỏi cần và đủ đó. Cho nên chỉ xin được coi đây là chuyện đang mò mẫn tìm lời đáp, mong được quý vị cao minh cao kiến chỉ bảo và bổ sung thêm để dần dần từng bước có đáp án đích đáng.

     2.1. Hãy thức tỉnh nhanh về sự áp đảo của văn hoá ngoại lai đối với văn hoá dân tộc

     Thôi không nói chuyện thời trung đại. Chỉ nói chuyện từ thời cận đại đến nay. Thì quả có như thế. Trong cuộc đụng độ Tây Đông, phương Tây là trên đường phát triển tư bản chủ nghĩa mà C.Mác đã nói trong Tuyên ngôn Cộng sản “một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa đã tạo ra một nguồn của cải vật chất bằng hàng nghìn năm phong kiến cộng lại” trong khi phương Đông đã ngủ dài trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Trong tương quan đó, quan hệ giữa Tây và Đông trên phương diện văn hoá và tinh thần như đã nói là vừa có sự nâng đỡ vừa có sự áp đảo. Áp đảo là thuộc tương quan mạnh yếu trong cuộc sống. Mạnh nên áp đảo được. Yếu nên bị áp đảo. Nhưng kẻ mạnh không phải cái gì cũng hay, vẫn có cái dở. Kẻ yếu không phải cái gì cũng dở, vẫn có cái hay. Có điều là một khi đã có sự áp đảo thì cái dở của kẻ mạnh cũng thắng thế. Ngược lại, cái hay của kẻ yếu cũng thất thế. Nền văn hoá của phương Đông trong đó có văn hoá Việt Nam ta từ khi có cuộc đụng độ với văn hoá phương Tây. Nho Phật Đạo với những thế giới quan, nhân sinh quan phong phú và không ít những triết lí nhân văn cao siêu từng gắn bó với đời sống văn hoá phương Đông, Việt Nam, hàng ngàn năm thì bị rơi vào địa vị bà con nghèo, thậm chí như Nho giáo thì còn bị tấn công điêu đứng mà khốn nỗi kẻ trực tiếp tấn công lại chính là con cháu nội ngoại trong khi bị choáng ngợp trước nền văn minh thiên về vật chất của phương Tây. Kinh Dịch, một thành quả triết học siêu đẳng phi thường với hạt nhân là thuyết âm dương, chính là đụng đến quy luật bao trùm nhất, bản chất nhất của mọi sự sống thì bị cho là siêu hình vô nghĩa (1). Quan điểm và phương pháp tiếp cận văn học nghệ thuật từng gắn bó với thành quả văn học nghệ thuật bề thế của phương Đông cổ trung đại bị lép vế trước quan điểm và phương pháp tiếp cận của phương Tây. Nền Đông y từng chăm sóc sức khoẻ, cứu chữa hiệu nghiệm cho sinh mạng của người phương Đông hàng ngàn năm như thế mà bị Tây y rẻ rúng trong khi đáng ra là phải kết hợp Đông Tây y như sau này. Võ thuật của phương Đông kì diệu như thế mà bị thờ ơ trong khi đổ xô về võ thuật phương Tây. Cờ tướng vốn là sản phẩm của phương Đông, trí tuệ thế cũng bị cờ vua cưỡi lên đầu. Rồi y phục cũng thế, các kiểu ăn mặc truyền thống, kể cả quốc phục đều vắng bóng dần. Các trò chơi của phương Đông cũng chung số phận đó. Quê hương bóng đá vốn là của Trung Hoa thì bị sang tên cho Anh quốc… (2) Sự áp đảo đã diễn ra rõ như ban ngày là thế, sao ta không nhìn thẳng vào trong khi phấn đấu cho khẩu hiệu Hoà nhập mà không hoà tan.

     Điều cần nói thêm là riêng Việt Nam ta lại có chuyện thay chữ viết từ Hán Nôm sang quốc ngữ Latin hoá. Trong khi cả khu vực không đâu thay. Chỉ Việt Nam ta bị thực dân Pháp ép thay. Mà thay thì cũng có lợi là từ đó mà dễ dàng dân chủ hoá hơn nền văn hoá và văn học. Điều đó mọi người đã thấy. Nhưng điều dường như nhiều người chưa thấy mà chính cố đạo Puginier, người hăng hái cổ động chính quyền thực dân nhanh chóng thay đổi chữ viết đã nói là: “Thay chữ viết là thay cả một nền văn hoá”. Đúng là thế. Bỏ Hán Nôm, thay bằng quốc ngữ là tạo ra một sự giãn cách lịch sử rất bất lợi, làm cho con cháu người Việt Nam càng về sau vừa không hiểu vừa hiểu sai không ít giá trị đặc sắc của văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là một sự thật. Sao hôm nay lại không nhận ra trong khi đang rất cần phục hưng văn hoá dân tộc để hạn chế hiện tượng hoà tan (3).

     Dưới thời Pháp thuộc là thế đó. Còn sau ngày Cách mạng thành công là thế nào? Xin để các nhà lãnh đạo đất nước, các nhà khoa học và nhân văn cao minh cao kiến cho ý kiến. Người viết tham luận này xin không nói những gì thuộc vinh quang của thời đại, trong đó có nền văn hoá mới mà sách báo đã nói nhiều mặc dù vẫn còn sự thử thách của thời gian vốn là quy luật. Ở đây chỉ xin nói qua một chút về cách tiếp nhận chủ nghĩa Mác mà thấy rất rõ sự khác biệt giữa người tiên phong tiếp nhận và hậu thế. Không ai khác, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam tiên phong đón nhận chủ nghĩa Mác, đã nói rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một nền triết lí nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Đó chưa thể là toàn thể nhân loại.”(4) Người cũng đã chỉ ra một số điều về thực tế của phương Đông, của đất nước không đúng như điều Mác nói. Tóm lại là Người theo chủ nghĩa Mác nhưng không tuyệt đối hoá nó. Trong khi xu hướng tuyệt đối hoá chủ nghĩa Mác đã là sự thật và xét ra đó cùng nằm trong đà áp đảo của phương Tây đối với phương Đông. Hậu quả của sự áp đảo này là gì vốn có liên quan đến sự hao hụt trong nhận thức về giá trị văn hoá truyền thông, thiết tưởng nhiều người đã có đủ dẫn chứng. Ở đây xin miễn nói thêm. Nếu cần chỉ nói thêm thế này. Muốn hoà nhập mà không hoà tan thì phải thật sự khách quan, tỉnh táo, phải môn ra môn khoai ra khoai. Chứ cứ u u minh minh, thì chuyện gì vẫn là chuyện ấy. Dứt khoát phải từ sự nhận chân thấu triệt, khách quan và đích đáng mà tìm đường tiến lên, mà giảm thiểu sự hoà tan trong khi hoà nhập.

     2.2. Hãy khởi động một cuộc tổng kiểm kê những gì thuộc bản sắc văn hoá dân tộc

     Vừa có tính chất tự phát của nhân dân vừa có sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là các các cấp thuộc Bộ Văn hoá Thông tin và Du lịch, trong nhiều năm qua, phong trào chấn hưng văn hoá dân tộc đã có nhiều khởi sắc. Dễ thấy nhất là việc tái thiết đền chùa trong khí thế chấn hưng Phật giáo, chấn hưng đời sống tâm linh; việc khôi phục các lễ hội truyền thống; việc xếp hạng di tích lịch sử văn hoá ở cấp quốc gia và cấp tỉnh thành; việc đề nghị UNESCO công nhận một số di tích, một số thành tựu dân ca, một số văn hoá phẩm đặc biệt… Qua đó đã thấy dù nói ra hay không nói ra thì cái gọi là chủ nghĩa vô thần khoa học hay không khoa học cơ bản đã bị đẩy lùi ra khỏi đất nước. Đã tự giác hay chưa tự giác, thực tế cũng đã không chê bai văn hoá phong kiến một cách dễ dãi, kể cả phũ phàng như ngày nào. Đã thấy khách quan thì lí thuyết duy vật duy tâm vốn của phương Tây nhập vào cũng đã mất hiệu nghiệm phần nào… Và chưa rõ thế nào nhưng phỏng đoán thì các cơ quan lãnh đạo văn hoá của đất nước hẳn cũng đã có những bản tổng kết về việc thực hiện khẩu hiệu Hoà nhập mà không hoà tan. Tuy nhiên, tôi vẫn xin phép nói rằng trước bài toán vô cùng khó này của thời đại, những gì có được đó, vẫn chưa thấm vào đâu. Bởi đây, có những vấn đề lộ thiên dễ thấy nhưng quan trọng hơn là những vấn đề thuộc bên trong, thuộc chiều sâu của đời sống tinh thần, nhân văn, tâm thức, tâm linh, cái gốc của mọi biểu hiện bên ngoài thì xem ra chưa thoả đáng. Có thể nói được là mới thấy ngọn mà chưa thấy gốc một khi mà như trên đã nói, sự nhận thức về thực trạng được mất, nhất là mất, chưa thật tường minh. Cho nên đã đến lúc cần có một cuộc tổng kiểm kê về bản sắc văn hoá dân tộc. Dĩ nhiên đặt vấn đề này ra là vấp ngay phải trở ngại về bản sắc văn hoá dân tộc là gì? Đúng là vậy. Nhưng chính vì vậy mà phải đặt vấn đề ra, để lần mò từng bước mà tìm ra kết quả cần có. Trong nghiên cứu khoa học, chẳng phải đã có thao tác ban đầu là đặt giả thuyết và nghiên cứu khoa học là việc tìm đi tìm lại (Recherche) đó sao.

     Với cách đặt vấn đề như vậy tôi xin đề nghị hãy có một chương trình khoa học cấp quốc gia để khởi động một cuộc tổng duyệt về bản sắc văn hoá dân tộc bao gồm các bình diện cụ thể như sau:

     1) Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thuộc các phạm vi văn hoá: gia đình, dòng họ, làng xã, khu vực, Bắc Nam, sắc tộc, các tôn giáo, các lĩnh vực của cuộc sống: kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục.

     2) Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thuộc phạm vi giới tính, lửa tuổi (thiếu niên, trung niên, phụ lão), các thành phần, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp cầm quyền.

     3) Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thuộc phạm vi văn hoá phi vật thể trong toàn quốc.

     4) Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thuộc phạm vi văn hoá phi vật thể, đặc biệt là những vấn đề thuộc vũ trụ quan và nhân sinh quan, thuộc về tư tưởng, tinh thần, tâm hồn, tâm thức, tâm linh. Bởi đây mới là phần cốt lõi nhất, hồn vía của bản sắc văn hoá dân tộc. Người Việt Nam mất gốc hay không mất gốc chủ yếu không phải ở chỗ ăn cơm Tây hay ăn cơm ta, mặc đồ Tây hay mặc đồ ta, ở nhà theo kiến trúc Tây hay kiến trúc ta… mà ở chỗ có biết tha thiết giữ trọn cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ nữa hay không. Có nhớ ngày giỗ Tổ là các vua Hùng nữa hay không. Có nao nao lòng thành kính thiêng liêng nữa hay không khi đứng trước bàn thờ tiên tổ ngan ngát hương thơm. Có ngây ngất nữa hay không khi nghe dân ca ca dao, khi xem tuồng chèo, khi nghe Bình Ngô đại cáo, khi đọc Truyện Kiều,… Có biết quý trọng nữa hay không vẻ đẹp của tiếng Việt mà thiên tài Nguyễn Du đã dày công trau chuốt huyền diệu đến như thế. Có biết dạy con lễ phép chào hỏi khi có khách đến nhà. Có biết tận tình nhã nhặn chỉ bảo khi có người hỏi đường. Lên xe buýt có biết nhường chỗ cho các cụ cao tuổi. Có biết thương khi thấy người hoạn nạn… Bản sắc văn hoá dân tộc vừa ở chuyện thiêng liêng, vừa ở chuyện trần tục, vừa ở chuyện trọng đại vừa ở chuyện vụn vặt đời thường như thế đấy. Hãy làm một cuộc tổng duyệt xem hôm nay ở cả nước là thế nào? Những gì còn lại? Những gì đã mất? Vì sao mất?

***

     Có được độc lập rồi mà không phụ thuộc lẫn nhau, không hoà nhập thì nghèo khổ là cầm chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng đã nói độc lập mà để dân nghèo khổ thì có nghĩa lí gì. Cho nên phải hoà nhập để đất nước được giàu có và văn minh hơn. Nhưng hoà nhập để giàu có lên mà bị hoà tan thì giá trị sống cũng chẳng là gì. Ở thế kỉ XIX, vua Tự Đức cũng đã ý thức được điều đó khi nhà vua ra chế sách Đình thí đã yêu cầu các đại thí sinh trình bày ý kiến về vấn đề: “Hiện nay, Nhật Bản bắt chước phương Tây mà giàu có lên như thế. Vậy ta có nên bắt chước Nhật Bản không? Nếu bắt chước Nhật Bản thì làm thế nào để giữ bản sắc dân tộc.” Tiếc cho nhà vua có ý tưởng hay như thế nhưng thực tế đã không làm được gì cho đất nước để hậu thế chê bai. Trong khi Nhật Bản đã làm được một cách phi thường. Với khẩu hiệu “Tinh thần Nhật Bản, kĩ thuật phương Tây” để sau này họ đã lại tuyên bố với thế giới là “Tinh thần Nhật Bản, kĩ thuật Nhật Bản”. Thiết tưởng Việt Nam ta trên đường hội nhập, hoà nhập hôm nay nên học tập Nhật Bản hơn đâu hết.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Chú, Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hoá tinh thần, Đông Nam Á, số 3 (20), 1995.

2. Nguyễn Đình Chú, Giáo trình Văn hoá học đại cương và Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1996.

3. Nguyễn Đình Chú, Cần khẩn trương khôi phục việc học chữ Hán ở nhà trường phổ thông, Hán Nôm học trong nhà trường, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập I, NXB Sự thật, Hà Nội, 20054, tr. 465.

5. Nguyễn Đình Chú, Thêm một công trình Dịch học (Lời giới thiệu sách Kinh Dịch diễn giải

– Đạo lí mưu cầu tồn tại và phát triển, Trần Trọng Sâm, khảo cứu biên soạn), NXB Văn học, Hà Nội, 2010.

NGUYỄN ĐÌNH CHÚ 1

___________
1. GS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.