Di sản văn hóa Dù Kê trong phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh
Tiến sĩ TRƯƠNG THU TRANG
(Trường Đại học Bạc Liêu)
TÓM TẮT
Dù Kê đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Nghệ thuật Sân khấu Dù kê là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian (theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL, ngày 25/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có NTSK Dù Kê). Bài viết khẳng định giá trị nghệ thuật di sản văn hóa Dù kê tại Trà Vinh, đặc biệt là giá trị của loại hình di sản này trong phát triển du lịch, qua đó nêu lên một số giải pháp phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Từ khóa: Dù kê, Trà Vinh, văn hóa du lịch.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trà Vinh là tỉnh ven biển, có nhiều điều kiện khai thác du lịch, nhiều tài nguyên du lịch. Đó là những cánh rừng ngập mặn, cồn, cù lao, biển Ba Động, ao Bà Om, những làng nghề… và hàng loạt những di tích lịch sử, kiến trúc cổ, đặc biệt là những ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc độc đáo. Như vậy, Trà Vinh có đủ điều kiện phát triển du lịch cả về du lịch sinh thái lẫn du lịch văn hóa, và du lịch văn hóa đang được khai thác hiệu quả dựa trên nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Trong đó, không thể không kể đến một tài nguyên du lịch văn hóa hiếm có, đó là nghệ thuật sân khấu Dù kê, một loại hình nghệ thuật đã tồn tại trên dưới trăm năm trong lòng dân tộc Khmer. Tuy nhiên làm thế nào để nhận diện rõ và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê trong phát triển du lịch tại tỉnh Trà Vinh? Bài viết đóng góp một cái nhìn từ góc độ người nghiên cứu văn hóa, tìm hiểu giá trị văn hóa trong phát triển du lịch.
2. Sơ nét về di sản văn hóa Dù Kê ở Trà Vinh
2.1. Tên gọi
Về xuất xứ tên gọi, tồn tại trong dân gian một cách lí giải như sau: “Một số người cho rằng, từ này xuất phát từ tên chú tiểu Kê, một chú tiểu ở chùa Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh). Theo các bô lão Khmer ở Trà Vinh kể lại thì vào thập niên 20 của thế kỷ trước, chú tiểu này rất mê xem hát, và xem xong thì chú thường rủ bạn bè đến sân sau của chùa để phân vai biểu diễn, xem vừa ngộ vừa vui. Những buổi biểu diễn của chú càng ngày càng đông người đến xem, và mỗi lần đến thì người dân bảo nhau là đi xem Kê vũ, lâu dần biến âm thành Dù Kê.”2
Trong công trình “Sân khấu dân gian”, tài liệu do Đàm Văn Hiển – Trần Văn Bôn – Lê Hàm sưu tầm, biên dịch và giới thiệu, thì từ Dù Kê (Dukê) là do đọc trại từ Dì kê (Dikê). Dì kê vốn là một loại hình nghệ thuật sân khấu hát lâu đời của Campuchia. Loại hình nghệ
thuật của đất nước Chùa Tháp này đã được du nhập vào Việt Nam qua vùng biên giới Tri tôn, An Giang.
Như vậy, bản thân từ này không có ý nghĩa gì đặc biệt, từ Dù kê được hình thành chỉ do đọc trại một vài từ ngữ có âm tương tự, lâu dần thành quen.
Ngoài ra, khi đoàn Dù kê của ta sang lưu diễn tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), người Campuchia đã đón nhận nồng nhiệt và gọi nghệ thuật sân khấu Dù kê của ta là L’khôn Bassac, tức kịch hát miền sông Hậu.3
2.2. Quá trình hình thành và phát triển
Nhiều tác giả đã quan tâm tìm hiểu về loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ mà Trà Vinh là một trong những cái nôi hình thành và phát triển. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng: “Dukê được ra đời bởi một nhóm văn nghệ sĩ, trí thức người Khmer Nam Bộ, am hiểu nghệ thuật và thông thạo thơ ca, văn học, dưới sự lãnh đạo của ông Thạch Sua, nguyên sư cả trụ trì chùa Kh’sach Kanh-đal, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh”4. Nhiều tài liệu khác cũng khẳng định: “Yukê do chính người khmer Đồng bằng sông Cửu Long (Nam Bộ) khai sinh ra”5.
Theo tác giả Trương Thu Trang, quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ trải qua ba giai đoạn:
“Về giai đoạn hình thành, Dù kê xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX, chỉ sau nghệ thuật Cải lương của người Việt ở Nam Bộ vài năm, chính xác hơn là vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, khi nghệ thuật sân khấu Rôbăm không còn thịnh hành, ngày càng ít công chúng, kéo dài đến khoảng những năm 30”; “từ những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ XX, đó chính là thời kỳ Dù kê dần phát triển và đạt mức cực thịnh, nhất là vào những năm 50 của thế kỷ này”; đến “những năm chiến tranh ác liệt, nhất là khoảng những năm 60 – 70, Dù kê cũng lâm vào tình cảnh điêu đứng”; “sau đó, Dù kê được khôi phục và đi vào giai đoạn phát triển ổn định kể từ năm 1975 đến nay. Đó là khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối, từ đó đến nay, nhiều đoàn nghệ thuật Dù kê được thành lập, tồn tại và phát triển, như: Đoàn nghệ thuật khmer Sóc Trăng, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh – Trà Vinh, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu…”6.
Như vậy, non một thế kỷ sinh thành và bám rễ trong lòng dân tộc Khmer, được dân gian nuôi dưỡng, trải bao thăng trầm thì ngày nay Dù kê vẫn chứng tỏ sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, cần mẫn phục vụ nhân dân và được nhân dân yêu quý.
3. Vai trò của loại hình nghệ thuật Dù Kê
3.1. Nghệ thuật Dù kê trong đời sống tinh thần đồng bào dân tộc Khmer
Có thể nói, nghệ thuật sân khấu Dù kê là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh nói riêng, vùng Đồng băng sông Cửu Long nói chung, và đặc biệt là ở các tỉnh có nhiều người Khmer sinh sống.
Nhìn chung, các vở diễn Dù kê thường mang đậm tính nhân văn, có giá trị giáo dục cao, như một truyện cổ tích với kết thúc có hậu, người hiền gặp hiền, người ác gặp quả báo. Chẳng hạn như các vở: “Linh-thôn”, “Sac-kinh-ni”, “Thạch Sanh chém chằn”, “Tấm Cám”, “Trụ vương mê Đắc Kỷ”, “Tam Tạng thỉnh kinh”, “Phàn Lê Huê-Tiết Đinh San”… Có thể thấy sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc qua các vở diễn xuất phát từ tuồng tích của cả ba dân tộc Khmer – Kinh – Hoa; và cho dù tuồng tích xuất nguồn từ câu chuyện của dân tộc nào, thì phần trình diễn vẫn đậm nét dân tộc Khmer, không thay đổi về kết cấu nhân vật, các tuyến nhân vật cố định, hóa trang nhân vật có tính ước lệ cao.
Dù kê thường được biểu diễn tại các ngôi chùa Khmer trong dịp lễ hội hay trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng dân tộc Khmer. Có thể thấy các tiết mục trình diễn Dù kê luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, ai ai cũng háo hức mong chờ những nhân vật quen thuộc xuất hiện trong trang phục lộng lẫy, rực rỡ, với những động tác uốn cong từ những đôi bàn tay kỳ diệu, tựa như mái chùa dân tộc rực vàng trong nắng. Nghệ thuật Dù kê vừa làm thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng thức văn nghệ, mà còn là chất keo kết nối cộng đồng trong những đêm hội chung, và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc.
3.2. Nghệ thuật Dù kê trong phát triển du lịch
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch chủ yếu dựa vào những giá trị văn hóa như lễ hội truyền thống, phong tục, tín ngưỡng… để tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Đối với du khách có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu trên. Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương, nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa và các giá trị văn hóa khác. Việc thu hút du khách tham gia du lịch văn hóa tạo ra dòng khách mới, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.7
Nghệ thuật sân khấu Dù kê chính là giá trị văn hóa truyền thống, hoàn toàn có khả năng tạo sức hút lớn đối với du khách, không chỉ là những du khách say mê nghiên cứu, khám phá, mà còn với đa dạng đối tượng du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài; kể cả người dân địa phương quanh vùng thuộc thành phần các dân tộc khác thì nhiều người cũng cho biết họ không được biết nhiều về loại hình nghệ thuật độc đáo này, và khi xem được lần đầu tiên thì họ luôn cảm thấy hứng thú, mong muốn được xem thêm các vở khác. Điều đó cũng cho thấy một hiện trạng là Dù kê chưa được khai thác đúng mức để phục vụ du khách, và khi không được khai thác thì loại hình nghệ thuật này có khả năng mai một dần và hiếm người kế thừa. Do vậy phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê trong phát triển du lịch vừa mang lại giá trị về mặt kinh tế, vừa bảo tồn văn hóa và đồng thời cũng tạo sinh kế cho người dân địa phương.
4. Giáp pháp phát huy giá trị nghệ thuật Dù Kê trong phát triển du lịch tại Trà Vinh
4.1. Xây dựng sản phẩm du lịch Dù kê
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là khâu xây dựng sản phẩm du lịch Dù kê. Bởi vì thông thường, cái chúng ta có được là những tuồng tích tồn tại trong dân gian, nay muốn phát triển những vở diễn này thành sản phẩm du lịch thì chúng ta phải xây dựng lại những tiết mục phù hợp đối tượng thưởng thức, thời gian thưởng thức.
Nếu như khi diễn bình thường ở sân khấu địa phương, thì vở diễn Dù kê diễn ra đầy đủ các giai đoạn, diễn trọn vở. Còn khi phục vụ du lịch, chúng ta sẽ cắt ra theo điều kiện cụ thể, thành từng gói sản phẩm, chẳng hạn như: Diễn giao lưu khoảng 10, 15 đến 20 phút một trích đoạn ngắn, hoặc một lời ca điệu múa thật ngắn nhưng vẫn thể hiện cái hồn của Dù kê, có thể mời du khách biểu diễn theo; Diễn một chương trình khoảng 30 – 60 phút thể hiện cô đọng tất cả các công đoạn của một đêm diễn Dù kê; Một đêm diễn trọn vẹn như sân khấu ngày thường nhưng với chất lượng nghệ thuật cao.
Về tuồng tích, cần phải có sự tập vợt các tuồng tích đa dạng để có thể phục vụ được các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn khi phục vụ đoàn người Kinh, Hoa, có thể diễn những đoạn gần gũi với văn hóa truyền thống của họ, để họ cảm nhận được sắc thái văn hóa đặc trưng của Dù kê và thấy luôn cái hồn dân tộc họ được thể hiện trên từng vai diễn.
Muốn có được những vở diễn tốt, những tiết mục đầy tính nghệ thuật thì công tác đào tạo diễn viên là vô cùng quan trọng. Bởi vì không phải ai cũng có thể biểu diễn được Dù kê, nhất là trong tình hình hiện nay khi Dù kê chưa mang lại lợi ích kinh tế thì tìm người theo nghề, tâm huyết với nghề cũng khá khó khăn, đội ngũ kế thừa từ con em dân tộc Khmer cũng còn rất hạn chế. Vì lẽ đó cần tìm những người đầy tiềm năng, đầu tư cho họ được học, huấn luyện, bồi dưỡng sâu về nghệ thuật sân khấu Dù kê, làm sao để họ vừa có thể hát múa được, vừa có thể am hiểu, giới thiệu cho du khách về loại hình nghệ thuật này. Đồng thời cũng cần tập huấn cho họ cách giao tiếp với du khách, giúp du khách múa theo, chụp ảnh cùng du khách. Ngoài ra, đội ngũ này cũng cần được học kiến thức nền tảng về du lịch và kiến thức về vùng miền, về dân tộc Khmer và các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc họ. Cũng cần nói thêm là khả năng ngoại ngữ, tiếng Anh là cần thiết hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay, vì vậy họ cũng cần được học giao tiếp cơ bản và những từ chuyên môn bằng tiếng Anh để giới thiệu được với du khách nước ngoài.
4.2. Quảng bá sản phẩm
Sở dĩ Dù kê chưa đến được với đông đảo công chúng và đặc biệt là chưa phục vụ nhiều cho phát triển du lịch, một phần lớn là vì khâu quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng. Sau khi xây dựng sản phẩm du lịch từ nghệ thuật sân khấu Dù kê phù hợp nhiều đối tượng thưởng thức, linh động trong nhiều không gian biểu diễn, thì việc tiếp theo là quảng bá sản phẩm. Bởi vì một sản phẩm du lịch dù hay và đẹp đến mức độ nào thì nếu không có quảng bá, sản phẩm ấy vẫn không thể đến được với rộng rãi du khách gần xa, kể cả trong và ngoài nước.
Khi quảng bá sản phẩm cần lưu ý một điều rất quan trọng, đó là mức độ chân thực trong quảng bá. Nghĩa là tránh hiện trạng nói quá, để rồi khi du khách đến trải nghiệm mà không đúng mức độ đã quảng bá thì du khách sẽ bị hụt hẫng và truyền miệng nhau về sản phẩm du lịch Dù kê của địa phương, khi ấy địa phương mất rất nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời khi đó khả năng quay lại của du khách là rất ít, điều đó cũng sẽ làm ảnh hưởng đến các sản phẩm du lịch khác của địa phương.
Có rất nhiều cách quảng bá sản phẩm như: Thiết kế tờ rơi giới thiệu sản phẩm, biên soạn sách, thực hiện các đoạn clip quảng bá Dù kê Trà Vinh đưa lên các trang mạng xã hội, đưa Dù kê vào biểu diễn trong các không gian hội chợ về đêm, trong các tuần lễ văn hóa du lịch, lập không gian trưng bày di sản văn hóa Dù kê gắn với không gian chùa Khmer nổi tiếng, thực hiện các chương trình biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ hội, tết, các chương trình biểu diễn giao lưu sân khấu Dù kê giữa các tỉnh, biểu diễn giới thiệu Dù kê cho các đoàn famtrip,… Ban đầu các đoàn có thể biểu diễn miễn phí với chất lượng cao, sau đó mới có thu phí chương trình, tuy nhiên việc thu phí cũng vừa phải cho khách ta và khách nước ngoài, để đông đảo du khách và kể cả khách là người dân địa phương có điều kiện tiếp xúc, thưởng thức loại hình văn hóa nghệ thuật này, từ đó họ sẽ giúp truyền miệng, quảng bá đến công chúng.
4.3. Phương pháp kết nối và duy trì sản phẩm
Để sản phẩm du lịch từ nghệ thuật Dù kê hoạt động hiệu quả, việc kết nối các bên liên quan là không thể thiếu.
Một là vai trò của chính quyền địa phương trong hỗ trợ, giúp đỡ việc kết nối đến các bên liên quan để quảng bá và bán sản phẩm. Bởi vì người dân và kể cả các nghệ sĩ của đoàn Dù kê đôi khi còn hạn chế nhiều trong việc có đủ tầm để kết nối và duy trì sản phẩm hoạt động. Chính quyền địa phương có tầm bao quát mang tính chiến lược, nắm rõ quy hoạch du lịch, chủ trương phát triển du lịch từ lãnh đạo tỉnh; kể cả nắm các chương trình cho đi đào tạo và đào tạo lại về nghệ thuật Dù kê; đề xuất các chương trình hành động để phát triển du lịch của địa phương trong đó có Dù kê… Vì vậy lãnh đạo địa phương có vai trò vô cùng quan trọng để giúp hình thành, quảng bá, và kết nối, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu sản phẩm.
Hai là kết nối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xúc tiến du lịch ở các cấp để biết thông tin về tình hình du lịch của tỉnh, của địa phương; biết về các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch mà Dù kê có thể tham gia; đồng thời giới thiệu về Dù kê để nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị này có biện pháp giúp quảng bá sản phẩm.
Ba là kết nối với các công ty, đơn vị có thực hiện dịch vụ du lịch, đặc biệt là lữ hành. Bởi vì các công ty, đơn vị này khi biết đến sản phẩm du lịch Dù kê thì họ mới có thể thiết kế điểm đến trên hành trình du lịch của du khách; đồng thời họ sẽ giúp giới thiệu đến các công ty, đơn vị khác ở ngoài tỉnh, thậm chí là ở nước ngoài. Bởi vì đối với các công ty, đơn vị làm lữ hành thì việc tìm ra một sản phẩm du lịch đầy mới lạ, đặc sắc cho du khách, sẽ khiến họ vô cùng phấn khởi, vì qua đó họ thiết kế tour có nội dung hơn, giàu giá trị văn hóa hơn, đáp ứng được mong muốn của du khách khi tham gia du lịch.
Và một kết nối không thể thiếu đó là sự kết nối giữa các đoàn Dù kê trong và ngoài địa phương. Kết nối để hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi diễn viên, thực hiện được tất cả các chương trình dù nhỏ nhất hay chương trình quy mô hoành tráng cần sự tham gia của một lực lượng đông đảo nghệ sĩ diễn Dù kê.
Bên cạnh đó, tại Trà Vinh, để sản phẩm du lịch Dù kê có đất sống và duy trì hoạt động thì cần có một địa điểm biểu diễn cố định phục vụ du khách. Địa điểm này nên đặt trong không gian một ngôi chùa nổi tiếng, có thể biểu diễn ngắn, hoặc tái hiện hoạt động lễ hội mà trong đó Dù kê là một hoạt động văn hóa văn nghệ không thể thiếu, thậm chí là một điệu múa nghi lễ trong lễ hội. Khi xây dựng được địa điểm này thì bất kỳ khi nào các đoàn du khách đến cũng có nơi biểu diễn, giới thiệu sản phẩm.
4.4. Những sản phẩm, dịch vụ đi kèm
Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong làm du lịch đó là các dịch vụ đi kèm, các dịch vụ liên quan du lịch. Bởi vì các sản phẩm du lịch dù hay, đặc sắc thế nào nhưng nếu chỉ đến đó thưởng thức rồi đi thì du khách cũng thấy nhàm chán và địa phương cũng không thu được gì từ du khách.
Các dịch vụ liên quan đến Dù kê có thể là: Cho thuê trang phục của nghệ sĩ diễn Dù kê để khách chụp ảnh trong không gian đậm chất Dù kê, chụp ảnh cùng diễn viên; các sản phẩm quà lưu niệm liên quan đến nghệ thuật Dù kê, như chiếc móc khóa, miếng dán lên tường, có hình thiếu nữ múa Dù kê, hình hoa Chămpa, các loại nhạc cụ; các biểu tượng chùa, Dù kê để trưng trên bàn làm việc; các bức điêu khắc gỗ, hoặc giả gỗ, hoặc lồng kiếng, với các biểu tượng nêu trên…
Bên cạnh đó là các dịch vụ về ẩm thực địa phương, có những gian hàng được trưng bày đẹp, người phục vụ mặc trang phục dân tộc, bán các sản phẩm từ địa phương làm nên, nhất là những món ăn dân dã, có thể ăn tại chỗ, và có sản phẩm loại đóng gói, nhãn mác đẹp, nhiều kích cỡ, cân nặng, bánh kẹo đặc trưng Khmer để du khách có thể mua về làm quà.
Ngoài ra, một sản phẩm du lịch đi kèm không chỉ Dù kê mà còn với tất cả các sản phẩm khác đó là các homestay. Homestay không đơn thuần chỉ là nơi nghỉ lại của du khách trong hành trình tham quan, mà quan trọng hơn homestay đó phải chính là một sản phẩm du lịch phục vụ du khách, để du khách trải nghiệm văn hóa Khmer ngay chính ngôi nhà này, kể từ việc trang trí, thiết kế homestay, đến người phục vụ, đến dịch vụ ẩm thực, giới thiệu, thuyết minh du lịch…. Homestay ở đây phải được thiết kế một không gian đậm chất Dù kê và văn hóa Khmer để du khách thưởng thức và cảm nhận trọn vẹn về loại hình nghệ thuật độc đáo này và về văn hóa đồng bào dân tộc Khmer.
5. Kết luận
Nảy sinh từ dân gian, được dân gian gìn giữ, tiếp nhận sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc nhưng chưa bao giờ để lạc bản sắc, và non thế kỷ qua Dù kê mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh cũng như ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong giai đoạn hiện nay, khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là “con gà đẻ trứng vàng”, song song với việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, thì Dù kê thực sự là sản phẩm du lịch rất đáng được trân trọng, vì đây là di sản văn hóa của dân tộc Khmer, thể hiện bản sắc Khmer, và hoàn toàn có thể hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc sắc có giá trị nhân văn cao. Để thực hiện được điều đó thì các giải pháp nêu trên trong bài viết này sẽ là một nguồn tư liệu nhỏ để quý lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học, các nghệ sĩ Dù kê, và các công ty, đơn vị thực hiện xúc tiến du lịch hoặc làm lữ hành tham khảo, qua đó vừa làm du lịch, vừa gìn giữ, bảo tồn đất sống cho nghệ thuật sân khấu Dù kê.
__________
1 Trường Đại học Bạc Liêu.
2 Trương Thu Trang (2018), Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu dù kê, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Quốc tế “Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Việt Nam” – Trường ĐH An Giang tổ chức; NXB ĐH Cần Thơ.
3 Trương Thu Trang (2018), Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu dù kê, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Quốc tế “Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Việt Nam” – Trường ĐH An Giang tổ chức; NXB ĐH Cần Thơ.
4 Đàm Văn Hiển – Trần Văn Bổn – Lê Hàm. (2012). Sân khấu dân gian. TP.HCM: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tr.260.
5 Phạm Thị Phương Hạnh. (Chủ biên). (2011). Văn hóa Khmer Nam Bộ – Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. TP.HCM: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, tr.183.
6 Trương Thu Trang. (2018). Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu dù kê, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Quốc tế “Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Việt Nam” – Trường ĐH An Giang tổ chức. NXB ĐH Cần Thơ.
7 Hoàng Văn Thành. (2014). Giáo trình văn hóa du lịch. NXB Chính trị Quốc gia, tr.18.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Ngọc Chừ. (1999). Văn hóa Đông Nam Á. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia.
2. Phạm Thị Phương Hạnh. (Chủ biên). (2011). Văn hóa Khmer Nam Bộ – Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. TP.HCM: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật.
3. Đàm Văn Hiển – Trần Văn Bổn – Lê Hàm. (2012). Sân khấu dân gian. TP.HCM: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
4. Đào Huy Quyền – Sơn Ngọc Hoàng – Ngô Khị. (2007). Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng. TP.HCM: Nhà xuất bản Tổng hợp.
5. Hoàng Văn Thành. (2014). Giáo trình văn hóa du lịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
6. Trương Thu Trang. (2018). Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu dù kê, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Quốc tế “Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Việt
Nam” – Trường ĐH An Giang tổ chức. NXB ĐH Cần Thơ.
7. Nhiều tác giả. (2000). Văn hóa Nam bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á. TP.HCM: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia.
8. Viện Văn hóa. (1993). Văn hóa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. TP.HCM: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
Nguồn: Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh”, năm 2019
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Di sản văn hóa Dù Kê trong phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh (Tác giả: TS. Trương Thu Trang) |