Di tích kiến trúc văn hóa óc eo trên vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUỐC MẠNH
(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)

     Vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ là bộ phận cấu thành nên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, đồng thời là một địa bàn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, hàng loạt dấu tích văn hóa vật chất thời kỳ văn hóa Óc Eo, đặc biệt là giai đoạn văn hóa Óc Eo muộn, đã được phát hiện trên vùng đất này. Bài viết tổng hợp những nguồn tư liệu mới giúp nhận diện các đặc trưng văn hóa, khung niên đại cũng như xác định vị trí – mối quan hệ của các di tích khảo cổ học trên vùng đất này trong bối cảnh văn hóa Óc Eo ở Tây Nam Bộ, qua đó, làm rõ những đặc trưng riêng của loại hình di tích kiến trúc tôn giáo và những chuyển biến về tôn giáo, văn hóa, xã hội của các cộng đồng cư dân cổ trên vùng đất này.

Từ khóa: kiến trúc văn hóa Óc Eo, giai đoạn Óc Eo muộn, hố thờ, Bà La Môn giáo, Phật giáo, vùng giồng cát duyên hải miền Tây Nam Bộ.

x
x x

     Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển trong khoảng thiên niên kỷ I Công nguyên (AD) và được xem là nền tảng văn hóa vật chất của quốc gia cổ đại đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á – vương quốc Phù Nam. Trên không gian rộng lớn với nhiều phân vùng địa lý – môi trường khác nhau của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, mỗi giai đoạn tồn tại và phát triển của nền văn hóa này lại có những thay đổi về mặt không gian phân bố, cấu trúc kinh tế – văn hóa dân cư. Mỗi phân vùng địa lý với đặc trưng riêng biệt cũng thể hiện vai trò cụ thể trong mỗi giai đoạn phát triển tương ứng.

     Trong nền cảnh văn hóa – môi trường chung Đồng bằng sông Cửu Long, vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa Óc Eo. Nó phản ánh diện mạo của nền văn hóa này trong một giai đoạn phát triển cụ thể thông qua hàng loạt di tích vật chất được phát hiện và khai quật, đặc biệt là các di tích – di vật liên quan đến loại hình di tích kiến trúc tôn giáo.

     Nghiên cứu này tổng hợp các phát hiện trên vùng giồng cát duyên hải miền Tây Nam Bộ, đồng thời làm rõ đặc trưng của các di tích kiến trúc tiêu biểu đã được thẩm tra, khai quật hoặc đào thám sát từ thập niên 1980 đến năm 2014, gồm: Gò Thành, Gò Huyện Ủy, Chùa Bà Kết, Trường Sơn A (Tiền Giang), An Phong (Bến Tre), Lưu Cừ II, Chùa Lò Gạch (Trà Vinh) và một số hiện vật tiêu biểu phát hiện trên phân vùng địa lý này.

1. Điều kiện tự nhiên vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ

     Vùng giồng cát Tây Nam Bộ nằm trên địa bàn các tỉnh duyên hải gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và một phần tỉnh Sóc Trăng. Các giồng cát hình cánh cung, phân bố liên tục ven biển theo hướng đông bắctây nam tạo thành hệ thống đê tự nhiên với nhiều lớp. Chúng che chắn cho vùng đồng bằng châu thổ bên trong khỏi tác động của sự xâm nhập mặn và bị biến đổi bởi thủy triều. Những giồng cát này là một dạng địa hình đặc biệt của vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long, được hình thành từ quá trình tác động bởi các dòng chảy của sông, thủy triều, sóng biển trên cơ sở sự bồi tụ của phù sa.

     Chúng là dấu tích của các đường bờ biển cổ hình thành do sự dao động của mực nước biển theo xu hướng hạ thấp dần trong thời kỳ Holocene cách nay (BP) khoảng 4.000 năm. Theo đó, các giồng trẻ hơn ở bên ngoài có cao độ lớn hơn các giồng hình thành trước ở sâu trong nội địa, tiêu biểu có giồng Cai Lậy (4.000 năm BP), giồng Tiền Giang (3.000 năm BP), giồng Trà Vinh (3.000 năm BP), giồng Bến Tre (khoảng 2.000 năm BP)y Xen giữa những giồng cát là vùng đất trũng thấp với hệ thống kênh rạch phát triển mạnh có hệ thực vật đặc trưng của vùng đất ngập nước như dừa nước, ô rô, bần, đước…

     Trên phân vùng địa lý này, từ thập niên 1980 đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật hàng loạt di tích kiến trúc cổ trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc, kiến trúc – mộ táng, di chỉ cư trú cùng với các loại hình hiện vật tương ứng mang đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Các thành tựu nghiên cứu này đã góp phần quan trọng cho nhận thức đối với giai đoạn muộn của nền văn hóa này.

2. Quá trình phát hiện và nghiên cứu loại hình di tích kiến trúc trên vùng giồng cát duyên hải miền Tây Nam Bộ

     Hoạt động nghiên cứu khảo cổ học trên vùng giồng cát duyên hải miền Tây Nam Bộ đã trải qua hai thời kỳ nghiên cứu cơ bản sau:

     2.1. Thời kỳ trước năm 1975

     Vào nửa đầu thế kỷ XX, các học giả người Pháp đã ghi nhận và phát hiện hàng loạt các vết tích vật chất thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo trên vùng giồng cát, gồm các giồng Phủ Nô, Sóc Trăng, Mahã Dab, Cơn Pò (Sóc Trăng) (L. Malleret 1969: 210-231), các giồng Tiểu Cần, Hiếu Tử, Bắc Trang, Hội Long Kim Hòa, Lưu Nghiệp Anh, Câu Ngạn, Ba Tục, Basei (hay Ba si), Càng Long, Cầu Kèy (tỉnh Trà Vinh) (L. Malleret 1963: 9-43). Những phát hiện đáng chú ý trong thời kỳ này gồm các điêu khắc tôn giáo (tượng thờ, mảnh tượng thờ hay vật liệu trang trí kiến trúc, trong đó có những dấu tích được xem là hải cảng cổ, hồ nước cổ…). Tuy nhiên, trong giai đoạn này công tác nghiên cứu thực địa trên vùng giồng cát chưa được quan tâm nhiều so với vùng miền tây sông Hậu.

     2.2. Thời kỳ sau năm 1975

     Sau năm 1975, khảo cổ học tiếp tục có những phát hiện quan trọng về thời kỳ văn hóa Óc Eo trên vùng giồng cát thuộc địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.

     Tại Tiền Giang, di tích Gò Thành (huyện Chợ Gạo) đã được phát hiện năm 1979, khảo sát năm 1987 và khai quật với quy mô lớn liên tục vào các năm 1988, 1989, với hàng loạt vết tích kiến trúc và di vật tượng thờ. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra trên địa bàn các giồng cát của tỉnh đã phát hiện nhiều di tích kiến trúc như Giồng Bà Phúc, Chùa Bà Kết, Gò Chùa Bửu Tháp, Gò Huyện Ủy, Trường Sơn A… Còn tại Trà Vinh hai cuộc khai quật quy mô lớn đã được tiến hành ở các di tích Lưu Cừ II (huyện Trà Cú, 1986) và Chùa Lò Gạch (huyện Châu Thành, 2014). Ngoài ra, nhiều đợt điều tra khảo cổ học đã được triển khai ở các di tích Gò Lâm Vồ, Chong Bát, Gò Ông Tà, Chùa Cây Hẹ, Chùa Tháp, Chùa Trà Kháo,… Ở Bến Tre cũng đã ghi nhận các vết tích kiến trúc thời kỳ văn hóa Óc Eo, tiêu biểu là phát hiện di tích kiến trúc An Phong.

      2.2.1. Các di tích kiến trúc tiêu biểu

     * Di tích kiến trúc Gò Thành

     Di tích Gò Thành (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nằm trên một giồng cát rộng khoảng 10.000m2, dài 200m (đông-tây), rộng 150m (bắc-nam). Mặt gò cao hơn mặt ruộng khoảng 2-2,5m, có bề mặt rộng và tương đối bằng phẳng, chung quanh chân gò về phía tây giáp bên chùa là con lung có nước chảy quanh năm (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995: 75).

     Di tích được phát hiện năm 1979, điều tra lần đầu tiên vào năm 1987 và các nhà khảo cổ học đã xác định đây là một di tích khảo cổ học thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo (Đào Linh Côn 1990: 117-118).

     Kết quả khai quật phát hiện được 5 nền móng kiến trúc bằng gạch không còn nguyên vẹn nằm xen lẫn với các kiến trúc mộ táng trên gò (Võ Sĩ Khải 2002: 80), gồm “12 cấu trúc ‘mộ thờ’ có huyệt hình giếng vuông” (Đào Linh Côn 1995: 55). Trong các di tích mộ thờ, thu được 196 hiện vật vàng; trong di tích kiến trúc cũng tìm thấy 6 hiện vật bằng đồng (gồm 2 nhẫn bằng đồng, 1 xập xòe, 1 ống đồng nhỏ có trang trí viền chấm nổi, 2 mảnh đồng hình thang). Nhóm hiện vật đồ đồng này có kiểu dáng rất gần gũi với đồ đồng phát hiện ở các di tích kiến trúc Gò 8, Đức Phổ (khu di tích Cát Tiên, Lâm Đồng), được định niên đại vào khoảng thế kỷ VIII AD hoặc muộn hơn.

     Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật bằng đá, đất nung tìm thấy trong phạm vi mộ và kiến trúc. Trong đó có 1 tượng thần Vishnu, 1 tượng thần Ganesa nhỏ và 1 tượng nam thần, 6 mảnh diềm ngói có in nổi hình người/Phật ngồi thiền, 5 mảnh vỡ kiến trúc màu tím sẫm, 2 phiến đá granite hình chữ nhật có chốt hai đầu, những tấm đan, những bệ đá hình khối vuông giữa có lỗ xuyên trục dọc để đặt vật thờ và 10 chén nhỏ làm bằng đất nung, bên trong có tạp chất màu đen.

     – Di tích kiến trúc

     Cả 5 kiến trúc đều tập trung trên thế đất gò, trong đó, 4 kiến trúc nằm về phía bắc và 1 kiến trúc nằm về phía nam.

     + Kiến trúc K: có bình diện hình vuông, mỗi cạnh rộng 8,2m bao quanh một cấu trúc hình chữ nhật dài 3m (đôngtây), rộng 2,2m (bắc-nam).

     Kiến trúc K1: phía tây bắc, gồm một sàn gạch dài 17,0m (bắc-nam), rộng hơn 10m (đông-tây). Giữa sàn, về mạn nam là một cấu trúc hình chữ nhật dài 7,2m (bắc-nam, bắc chếch đông 150) rộng 3,2m.

     Kiến trúc K3: chỉ còn lại 2 vỉa gạch song song chạy theo hướng bắc-nam (bắc lệch đông 150 ). Ở mạn bắc hai vỉa gạch tiếp giáp với một sàn gạch đã bị đào phá có 1 tượng thần Ganesa nhỏ bằng sa thạch nằm lẫn với một nhóm đá cuội.

     Kiến trúc K4: nằm về phía đông cụm di tích kiến trúc Gò Thành, còn lại một sàn gạch dài 6m theo hướng bắc-nam (bắc lệch đông 200), rộng 4,2m theo hướng đông-tây; cấu tạo gồm 3 phần: giữa là một nền được lát bằng gạch dài 6m, rộng 1,6m nằm ở độ sâu 0,5m so với mặt gò, hai phía đông và tây là hai bờ gạch cao 0,1m – 0,15m so với nền gạch ở giữa, rộng trung bình 1,3m (Võ Sĩ Khải 2002: 80-81).

     Di tích “kiến trúc mộ táng”: bên cạnh loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, còn có một loạt cấu trúc kiến trúc được các nhà khai quật xác định thuộc loại hình di tích mộ táng, gồm 12 mộ có huyệt hình giếng vuông, nằm theo hướng đông chếch bắc từ 20 đến 250.

     Ở giữa mặt đáy của mỗi cấu trúc thường có ngăn nhỏ hình tứ giác hay hình tròn xây bằng gạch, bên trong được cấu trúc bằng các viên gạch được xếp bằng hoặc chỉ đơn giản được lấp đầy bằng cát sạch. Hiện vật chôn trong các cấu trúc này được tìm thấy ở giữa đáy, ở các cạnh hoặc góc,y gồm những lá vàng có chạm khắc hình voi, hình hoa sen (Đào Linh Côn 1995: 55-56).

     Các hiện vật tượng thờ, mảnh vỡ vật dụng bằng đá (pesani, hòn lăn), đất nung (các thỏi đất nung hình thoi dạng bàn in)y cũng được tìm thấy trong quá trình xử lý đào bóc làm xuất lộ kiến trúc trong lớp xà bần gia cố xung quanh chân móng của các kiến trúc.

     Nhận xét về di tích Gò Thành, các nhà khảo cổ trực tiếp khai quật xác định đây là một phế tích kiến trúc có quy mô lớn, với hai loại hình kiến trúc và mộ táng đều nằm tập trung trên một gò, vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch; và voi là hình chạm chính trên các mảnh vàng chôn trong mộ (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995: 79).

     Di tích kiến trúc – mộ táng Gò Thành được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ VI – VIII AD kéo dài đến thế kỷ IX AD (Đào Linh Côn 1988: 151; Võ Sĩ Khải, 2002: 81, 139).

     * Di tích Gò Huyện Ủy

     Gò Huyện Ủy thuộc thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang, phân bố trong phạm vi một gò lớn, cao hơn địa hình xung quanh khoảng 4m – 5m. Các cuộc khảo sát tại đây vào những năm 1980 đã xác định đây là một di tích kiến trúc có quy mô lớn, có phần chân đế và móng kiến trúc bằng gạch. Hiện vật đáng chú ý ở đây là một phiến đá bậc cửa có hình bán nguyệt, được chế tác bằng sa thạch hạt mịn màu xám đen. Loại bậc cửa bằng đá này vốn là phần bậc thềm ở cửa chính của loại hình đền thờ Bà La Môn giáo có quy mô lớn. Loại hình cấu kiện này có niên đại thế kỷ VIII AD.

     * Di tích Trường Sơn A

     Di tích Trường Sơn A (ấp I, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nằm trên vùng địa hình giồng đất sét pha cát. Tại đây, trong cuộc điều tra khảo cổ học năm 1988, người dân địa phương cho biết đã tìm được một bình gốm, một tượng thần Ganesa và vài mảnh gốm vỡ. Việc tìm thấy tượng thờ thần Ganesa là dấu hiệu cho thấy khả năng có di tích kiến trúc tôn giáo. Di tích có niên đại đoán định khoảng thế kỷ VI – VII AD (Lê Xuân Diệm, Võ Sĩ Khải, Đào Linh Côn 1995: 298).

     Ngoài ra, vùng giồng cát tỉnh Tiền Giang còn có các di tích kiến trúc Chùa Bà Kết, Giồng Bà Phúc (Chợ Gạo, Tiền Giang), Gò Chùa Bửu Tháp (Cai Lậy, Tiền Giang)y được xác định niên đại thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Óc Eo (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995: 79-80).

     * Di tích kiến trúc An Phong

     Di tích An Phong thuộc ấp An Phong, xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), được phát hiện và khảo sát năm 2003, đào thám sát năm 2010.

     Kết quả đào thám sát đã phát hiện vết tích kiến trúc cổ bằng gạch xây dựng trên nền móng được gia cố bằng kỹ thuật đắp đất (đầm nền) (Hà Văn Cẩn 2010: 29), gồm hai cụm kiến trúc A và kiến trúc B.

     Cụm kiến trúc A là một nền gạch hình chữ nhật có quy mô còn lại 2,72x 2,65m, chỗ còn lại gồm 4 lớp gạch (Hà Văn Cẩn 2010: 29).

     Cụm kiến trúc B cũng có bình đồ hình chữ nhật 1,25m x 2,1m (hướng bắcnam), còn lại 5 lớp gạch.

     Nhiều mảnh gốm làm bằng chất liệu sét mịn và gốm sét trộn cát hạt thô, gồm mảnh vỡ bình gốm, mảnh vòi bình, mảnh chai gốmy tìm thấy trong các hố thám sát được các nhà khảo cổ học khai quật di tích cho là “loại gốm mang đặc trưng của văn hóa Óc Eo tại khu vực miền Nam Việt Nam” (Hà Văn Cẩn 2010: 34).

     Trên cơ sở đánh giá kết quả thám sát, các nhà khảo cổ học cho rằng nhiều khả năng khu vực này “tồn tại một khu di tích kiến trúc lớn”, có đặc điểm kiến trúc và loại hình di vật gốm, vật liệu gạch kiến trúcy “rất đồng nhất về loại hình, kích thước và chất liệu với vật liệu kiến trúc ở một số địa điểm thuộc văn hóa Óc Eo đã được khai quật trước đây”, đặc biệt là di tích Gò Thành (Tiền Giang). Theo đó, “niên đại của di tích An Phong có thể tương đương với di tích Gò Thành, vào khoảng thế kỷ IV – VIII AD, thông qua phong cách tượng đá và niên đại tuyệt đối C14. Vì vậy, di tích An Phong được xếp vào thế kỷ IV – VIII AD (Hà Văn Cẩn 2010: 34).

     * Di tích kiến trúc Lưu Cừ II

     Di tích kiến trúc Lưu Cừ II thuộc xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, được phát hiện năm 1985 và khai quật quy mô lớn vào cuối năm 1996 – đầu năm 1997.

     Cuộc khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ nền móng của một kiến trúc gạch có quy mô lớn, bình đồ hình chữ nhật (31,2 x 17,2m) dài theo hướng đôngtây. Kiến trúc này có hai giai đoạn xây dựng, gồm:

     – Kiến trúc bên trong – giai đoạn 1: có dạng hình chữ nhật (17,5 x 8,4m) hướng đông-tây, mặt phía đông bẻ góc vuông ba lần đối xứng nhau qua trục trung tâm. Chính giữa là lối chính dẫn vào kiến trúc có cấu trúc dạng bậc tam cấp với bậc cửa bằng gạch hình bán nguyệt cách điệu hình cánh hoa sen.

     Hai bên mặt ngoài lối vào có hoa văn trang trí được đục trực tiếp trên bề mặt gạch. Trên mặt ngoài của các cạnh tường có trang trí các cột giả giật cấp cách đều nhau. Bề mặt lòng – sàn kiến trúc có hai hàng gồm 5 cặp ngăn ô vuông đều nhau và phân bố đối xứng nhau qua trục đông-tây, đầu phía tây còn lại dấu vết của 3 – 4 ngăn tương tự phân bố nằm ngang theo hướng bắc-nam.

     – Kiến trúc bên ngoài – giai đoạn 2: bình đồ kiến trúc gần như lặp lại tương tự vòng kiến trúc giai đoạn 1, song có kích thước lớn hơn và nối dài về phía đông (31,2 x 17,2m). Bề mặt của các cạnh chân tường được trang trí các cột giả giật cấp. Xung quanh bên ngoài chân tường còn lại năm cấu trúc bệ gạch hình khối trụ vuông, tương tự hình dáng những bệ thờ bằng sa thạch (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995: 199).

     Hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật di tích kiến trúc Lưu Cừ II gồm bệ đá, yoni, cốc bằng đồng, mảnh tượng đồng, đồ trang sức bằng vàng (Võ Sĩ Khải 2002: 49). Ngoài ra còn có 3 hiện vật linga-yoni bằng thạch anh được sưu tầm trong khu vực di tích.

     Di tích kiến trúc Lưu Cừ II thuộc nhóm di tích kiến trúc gạch có quy mô lớn nhất từng được phát hiện ở Nam Bộ và được xem là một trong những di tích kiến trúc tiêu biểu trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ cũng như vùng giồng cát duyên hải miền Tây Nam Bộ.

     Các nhà khảo cổ học đã nhận định Lưu Cừ II là một trong những di tích kiến trúc thuộc loại hình đền thờ Ấn Độ giáo, có niên đại vào khoảng thế kỷ V – VI và kéo dài muộn hơn (Võ Sĩ Khải 2002: 59, 133, 139).

     * Di tích kiến trúc Chùa Lò Gạch

     Di tích Chùa Lò Gạch thuộc địa phận ấp Ba Se A, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), nằm trong không gian liền kề với di tích văn hóa – lịch sử “Ao Bà Om”. Di tích có không gian phân bố trong khoảng 1 hecta, gồm nhiều công trình kiến trúc bằng gạch trên một gò cát cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 5 -7m.

     Di tích được biết đến vào thập niên 1980 và đã được khảo sát nhiều lần. Dấu vết kiến trúc phân bố tập trung trong khuôn viên của chùa Lò Gạch (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995: 71).

     Năm 2014, di tích được khai quật với diện tích 772m2, phát hiện được nền móng của 6 kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn trong khuôn viên chùa Lò Gạch, đồng thời đã ghi nhận các nền móng kiến trúc trên các gò lân cận. Trung tâm của các kiến trúc này là cấu trúc hố thờ xây sâu xuống lòng đất, có dạng hình vuông. Tuy nhiên, cấu trúc bên trong lòng mỗi – Kiến trúc 14CLG.KT1 nằm về phía nam-tây nam của di tích Chùa Lò Gạch, có bình đồ hình vuông (khoảng 10 x 11m). Toàn bộ kiến trúc đã bị sụp đổ, phần móng còn lại cũng bị hư hỏng nặng với các lớp gạch bị đào bóc cắt phá nhiều đoạn, đặc biệt là cạnh phía nam đã bị cắt phá hoàn toàn do việc xây dựng tường bao chùa Lò Gạch.

     Trung tâm của kiến trúc là hố thờ được xây bằng gạch, diện tích 1,88x 2m, sâu khoảng 2m. Mặt trong hố bằng phẳng, mặt ngoài có các viên gạch xếp không đều, với các khoảng trống được lấp đầy bằng cát mịn màu xám nâu xỉn, nện chặt.

     Việc xử lý hiện trường xác định hố thờ có dạng hình khối trụ vuông (đáy 1,7x 1,88m), có phần trung tâm đã bị đào phá và toàn bộ hiện vật đã bị lấy mất. Tuy nhiên, khoảng giữa bốn cạnh của đáy hố thờ có 4 ngăn nhỏ, bên trong mỗi hộc là một lá vàng cắt hình vuông chạm khắc hình con voi giống nhau.

     – Kiến trúc 14CLG.KT2 cách kiến trúc 14CLG.KT1 khoảng 8m về phía tây tây bắc, là phần nền-móng của một kiến trúc có quy mô rất lớn (khoảng 10×11,4m) trong tình trạng bị phá vỡ cấu trúc khá nhiều, mang dấu vết lối đi vào chính ở giữa cạnh phía đông.

     Ở vị trí trung tâm của kiến trúc KT2 là cấu trúc hố thờ đã bị phá vỡ gần như toàn bộ phần trên, song phần đáy còn nguyên vẹn. Cấu trúc hố thờ có dạng hình trụ vuông (1,8 x 1,8m), được xây bằng gạch, có 4 mặt tường bên trong bằng phẳng. Lòng hố được xây bằng nhiều lớp gạch, tạo thành một khối kết cấu gạch đặc ở phần trên, bên dưới lớp cấu trúc bằng gạch là lớp cát mịn, sạch với cấu trúc dạng ô vuông mà phần còn lại gồm 4 viên cuội đặt ở bốn góc, trên mỗi viên cuội đều có dấu vết của đồ đồng (hố đào phá tìm đồ quý cũng kết thúc ở vị trí của cấu trúc này). Đáng chú ý, giữa các cạnh bắc và cạnh tây của cấu trúc ô vuông còn 2 lá vàng nhỏ cắt thành hình vuông. Trong ô này có vết tích đồ đồng bị vỡ nhỏ, cho thấy khả năng tại đây có những hiện vật được chôn theo mang tính chất nghi lễ đã bị những người đào phá lấy mất.

     Dưới lớp cát dày khoảng 0,3m là đáy hố thờ có cấu trúc còn nguyên vẹn, gồm 5 ô nhỏ được xây, xếp bằng gạch: 1 ô lớn nhất ở trung tâm và 4 ô nhỏ hơn tương tự và nằm đối xứng nhau ở 4 cạnh. Trong mỗi ngăn có một lá vàng nhỏ có chạm khắc hình voi (ở 4 ngăn nhỏ) và hình hoa sen (ở ngăn lớn nằm giữa).

     Đặc điểm bình đồ kiến trúc, vật liệu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và cấu trúc hố thờ của các kiến trúc ở Chùa Lò Gạch rất gần gũi với di tích kiến trúc phát hiện ở Gò Thành (Tiền Giang), Gò Xoài (Long An). Riêng nhóm hiện vật vàng lá hình vuông có chạm khắc hình voi của di tích Chùa Lò Gạch giống hệt với hiện vật vàng phát hiện ở kiến trúc Gò Thành, cũng như có sự tương đồng rất cao với nhóm hiện vật vàng tìm thấy trong hố thờ di tích kiến trúc Gò Xoài.

     Những kết quả so sánh trên đây cho thấy nhóm di tích kiến trúc Chùa Lò Gạch mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ với những ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Ấn Độ. Từ đó, có thể khẳng định đây là nền móng phế tích kiến trúc tôn giáo thờ Phật quy mô lớn và rất phong phú, có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ thiên niên kỷ I, mang đặc trưng truyền thống văn hóa Óc Eo. Di tích được đoán định niên đại khoảng thế kỷ VII – IX AD (Nguyễn Quốc Mạnh, Lê Hoàng Phong, Nguyễn Đức Tố 2016: 734-735).

     Ngoài ra, trên vùng đất giồng tỉnh Trà Vinh còn nhiều vết tích kiến trúc được tìm thấy như kiến trúc Chùa Cây Hẹ, Chùa Tháp, Chong Bat, Gò Ông Tà, Gò Lâm Vồ… có khung niên đại chủ yếu thuộc giai đoạn muộn trong văn hóa Óc Eo.

     Như vậy, từ thập niên 1980 đến nay, khảo cổ học đã có nhiều phát hiện mới về loại hình di tích kiến trúc trên vùng giồng duyên hải Tây Nam Bộ. Các di tích này đều được xây dựng bằng gạch, có đặc điểm cấu trúc tương đồng hoặc gần gũi với nhiều di tích kiến trúc khác thuộc văn hóa Óc Eo ở Tây Nam Bộ, có khung niên đại được xác định vào khoảng thế kỷ VI – IX AD, sớm nhất là di tích An Phong (thế kỷ IV) và tồn tại lâu dài nhất là di tích Gò Thành (thế kỷ IX).

     Về loại hình, di tích gồm có hai nhóm chính: kiến trúc tôn giáo và di tích mộ táng. Trong đó, các di tích kiến trúc An Phong, Lưu Cừ II, Gò Huyện Ủy, Chùa Lò Gạchy được xác định cụ thể là kiến trúc tôn giáo, riêng di tích Lưu Cừ II là một đền thờ Ấn giáo có quy mô lớn (Võ Sĩ Khải 2002: 133).

     2.2.2. Di vật

     Hiện vật được tìm thấy trong các di tích kiến trúc có số lượng không nhiều, gồm các loại tượng thờ, vật thờ mang tính chất Bà La Môn giáo (sa thạch, đá thủy tinh, vàng, đồng thau) cùng với một số vật dụng (như đồ trang sức) bằng kim loại (đồng thau) và đất nung…

     * Tượng thờ

     Tượng thờ được phát hiện gồm chủ yếu là tượng thờ bằng sa thạch, hình thần Vishnu, Ganesa, tượng Bồ Tát, tượng Phật, tượng nam thần…

     – Nhóm tượng thần Vishnu: gồm 2 hiện vật phát hiện ở di tích Gò Thành (1 tượng còn nguyên) và 1 đầu tượng ở Chùa Bà Kết, đều thuộc loại hình tượng tròn, làm bằng sa thạch. Các tượng này có đặc điểm phong cách thuộc giai đoạn thế kỷ VII – VIII AD.

     Tượng Vishnu còn nguyên có thanh đỡ nằm ngang nối hai bên đầu với hai cánh tay đưa lên cao của thần Vishnu thuộc cùng nhóm loại hình với tượng thần Vishnu phát hiện ở di tích Gò Trâm Quỳ (Long An). Tuy nhiên tượng Vishnu Gò Trâm Quỳ có kích thước nhỏ hơn rất nhiều và có đặc điểm phong cách có phần muộn hơn, khoảng sau thế kỷ VIII – IX AD.

     – Nhóm tượng thần Ganesa: gồm 2 hiện vật phát hiện ở di tích Gò Thành và Trường Sơn …

     Tượng Ganesa Gò Thành là mảnh vỡ của một tượng có kích thước nhỏ (cao còn lại 0,16m), chỉ còn lại phần thân thể hiện trong tư thế đứng thẳng, thân người tròn mập, quấn sampot kiểu luồn vòng qua giữa hai chân lên trước bụng với vạt ngắn buông xuống rẽ ra hai bên xếp hình đuôi cá, các nếp sampot ở hai bên đùi nằm ngang quấn cong hướng lên chỗ dây thắt nút. Tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ VI – VII AD.

     Tượng Ganesa Trường Sơn A bằng sa thạch mịn màu xám xanh, patin màu xám trắng, vỡ mất hai chân và bàn tay bên trái (cao 0,44m). Ganesa thể hiện trong tư thế đứng thẳng, hai tay để cao ngang hông. Vòi để vắt lên tay trái đã bị vỡ mất (đầu vòi nhúng vào bát nước), bàn tay trái cầm quả cầu trong tư thế lật ngửa. Ganeas mặc sampot ngắn có thắt lưng buộc trước bụng xếp nếp hai lần về hai bên hình đuôi cá, ngang bụng trên có thắt dây. Niên đại của tượng vào khoảng thế kỷ VII – VIII AD.

     * Vật thờ:

     Hiện vật vật thờ được tìm thấy trong các di tích kiến trúc Lưu Cừ, Chùa Lò Gạch, Chùa Cây Hẹy gồm các loại linga, yoni, bộ linga-yoni hoặc bệ thờ…

     – Linga: 1 linga ba phần kích thước lớn (đường kính thân lên đến 50cm) tại Chùa Cây Hẹ (Trà Vinh) đã bị chôn sâu dưới nền gạch, chỉ còn lộ lên phần đầu hình trụ tròn có khắc chìm vòng quy đầu và phần giữa hình bát giác. Hiện vật thuộc nhóm linga ba phần có kích thước lớn nhất trong số hiện vật cùng loại ở Tây Nam Bộ.

     – Linga-yoni liền khối: gồm 1 hiện vật bằng sa thạch và 3 hiện vật bằng đá thủy tinh, đều được phát hiện ở di tích Lưu Cừ II. Về loại hình, những hiện vật này thuộc hai nhóm: linga yoni liền khối có bệ hình vuông và linga-yoni liền khối hình tròn. Yoni BTTHTV.196 bằng đá thủy tinh trong suốt, kích thước nhỏ (3,9 x 3,4 x 2,3cm; dày bệ 1,4cm) có phần bệ yoni hình tròn dẹt, dáng loe choãi rộng dần xuống đáy (tiết diện hình thang cân), vòi ngắn và dẹt mỏng. Bề mặt trong lòng yoni lõm nhẹ, tạo một viền nổi xung quanh bề mặt yoni và nối liền ra phần vòi (đường kính lòng trong 1,9cm). Phần linga hình trụ tròn-thấp, đầu tròn đều (cao 0,9cm; đường kính 0,95cm).

     – Yoni: được ghi nhận khá nhiều song chưa được thu thập và thống kê đầy đủ. Tiêu biểu là nhóm hiện vật phát hiện ở di tích Chùa Lò Gạch, gồm 2 hiện vật yoni còn nguyên và 1 mảnh của yoni kích thước lớn được làm từ nhiều phần ghép lại.

     Hiện vật là phần nửa của bệ yoni kích thước lớn, được chế tác hoàn chỉnh với gờ nổi cao trên bề mặt thân (6cm) và liền với phần vòi, tạo thành phần yoni hoàn chỉnh (dài cạnh bên 94cm). Vòi ngắn, thể hiện các cạnh sắc nét và vuông vức. Giữa lòng yoni có một lỗ hình tứ giác vuông góc đục xuyên xuống mặt đáy và nằm lọt lòng bên trong một ô tứ giác có kích thước lớn hơn, có thể là phần gắn khớp với bệ và chốt tượng thờ. Xung quanh bên ngoài rìa cạnh làm tạo nấc chờm ra ngoài thể hiện như một khối bệ.

     Hiện vật yoni còn nguyên (87 x 87cm; dày 11,5cm), làm bằng sa thạch hạt mịn màu xanh đen, bề mặt có lớp patin màu xám xanh nhạt. Yoni được chế tác vuông vắn, cân đối với các chi tiết sắc nét. Giữa lòng yoni có một khung hình chữ nhật giật cấp xuống 0,5cm so với bề mặt và chiều dài theo hướng ra phía vòi yoni. Bên trong khung giật cấp hình chữ nhật là một lỗ tròn xuyên qua đáy yoni. Hiện vật có niên đại đoán định khoảng thế kỷ VIII AD.

     – Nhóm vật thờ bằng vàng: được tìm thấy trong các cấu trúc hố thờ của hai di tích Gò Thành (66 hiện vật) và Chùa Lò Gạch (12 hiện vật định hình có chế tác và 6 mảnh vàng vụn), gồm chủ yếu là những hiện vật vàng lá dát mỏng được chế tác thành các miếng vàng hình vuông, hình chữ nhật có chạm-khắc hình voi, hoa sen và các loại hoa-lá.

     Nhóm hiện vật vàng lá phát hiện trong các cấu trúc hố thờ ở di tích Gò Thành, gồm 20 lá vàng được chế tác, chạm-khắc các chủ đề voi, hoa sen. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật tạo hình hoa 6 cánh, chuỗi hình ống, hình mũi tên cụt…

     – Nhóm hiện vật vàng lá phát hiện ở di tích Chùa Lò Gạch được tìm thấy trong các cấu trúc hố thờ, gồm 12 hiện vật có hình dáng nguyên vẹn định hình và một số mảnh kim loại vàng được cắt nhỏ, vụn hoặc bị nhàu rách. Trong 10 hiện vật có hình chạm khắc, có 8 hiện vật hình voi, 1 hình hoa sen và 1 hình chưa xác định.

     Những hiện vật vàng lá ở di tích Gò Thành, Chùa Lò Gạch cũng có chủ đề chính là hình voi và hoa sen. Trong đó nhóm hiện vật thể hiện hình voi ở tư thế nhìn chính diện có đặc điểm thống nhất, gần như tương đồng về cả kỹ thuật, kích thước cũng như hình thức tạo hình.

3. Một số nhận định về loại hình di tích kiến trúc vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ

     Trên cơ sở tổng hợp và phân tích tư liệu thu thập được từ các di tích kiến trúc phát hiện ở khu vực giồng cát duyên hải, đặc biệt trong di tích Chùa Lò Gạch và đặt trong nghiên cứu so sánh với các loại hình di tích kiến trúc khác thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, một số vấn đề khoa học của vùng đất này cần được nhận thức và nhận thức lại:

     3.1. Niên đại của di tích Lưu Cừ II

     Di tích kiến trúc Lưu Cừ II có 2 giai đoạn kiến trúc, trong đó giai đoạn kiến trúc I có bình đồ hình chữ nhật có bẻ góc nhiều lần. Đặc điểm bình đồ kiến trúc này gần giống với kiến trúc Linh Miếu Bà (khu di tích Gò Tháp, Đồng Tháp), kiến trúc Gò Tháp – An Lợi (An Giang). Trong đó, kiến trúc Gò Tháp – An Lợi có niên đại đoán định vào khoảng thế kỷ VIII AD (Đào Linh Côn, Bùi Xuân Long, Nguyễn Minh Sang, Nguyễn Ngọc Vân 2003: 881). Đặc biệt, cấu trúc bậc cửa chính được xây bằng gạch và điêu khắc tạo thành hình bán nguyệt có dạng giống như hoa sen với hai bên có kiểu trang trí hai hình xoắn ốc đối xứng nhau, tương tự như loại bậc cửa bằng sa thạch phát hiện trong các kiến trúc giai đoạn Óc Eo muộn ở Nam Bộ như Gò Huyện Ủy (Tiền Giang), Gò Miếu (Tây Ninh), các bậc cửa kiến trúc ở khu vực Núi Sam – Bảy Núi (An Giang), kiến trúc Gò 8 (khu di tích Cát Tiên, Lâm Đồng). Loại cấu kiện kiến trúc này cũng có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII AD.

     Cũng tại di tích này, hai hiện vật linga bằng đá thủy tinh kích thước nhỏ có đặc điểm tương tự với hai hiện vật phát hiện ở khu vực Núi Sam – Bảy Núi và Gò Trâm Quỳ (Long An). Loại hình hiện vật linga-yoni có bệ liền khối kích thước nhỏ thì có đặc điểm tương tự với hiện vật cùng loại phát hiện ở di tích Gò Rộc Chanh (Long An). Nhóm hiện vật này đều có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII AD. Ngoài ra, tại di tích Lưu Cừ II còn có 1 hiện vật gốm hình tháp tương tự hiện vật đã tìm thấy trong hố khai quật di tích kiến trúc Gò Thành (Tiền Giang).

     Từ những so sánh trên đây, có thể nhận thức khung niên đại của Lưu Cừ II muộn hơn so với nhận định trước đây. Theo đó, kiến trúc giai đoạn 1 có niên đại vào khoảng thế kỷ VII – VIII AD; giai đoạn kiến trúc thứ 2 có niên đại sau thế kỷ VIII AD hoặc muộn hơn.

     3.2. Về đặc điểm loại hình kiến trúc và sưu tập hiện vật trong hố thờ

     Trước đây, các kiến trúc ở di tích Gò Thành được cho là thuộc “loại hình kiến trúc mộ hỏa táng xây bằng gạch có huyệt hình vuông” (Đào Linh Côn 1995: 55), nhưng những phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là các phát hiện mới nhất ở di tích Chùa Lò Gạch khai quật năm 2014, đã đem lại những nhận thức mới.

     Với nguồn tư liệu mới đầy đủ, toàn diện hơn từ di tích Chùa Lò Gạch và so sánh loại hình học với loại hình di tích – di vật ở các di tích như Gò Xoài, Giồng Xoài,y đã cho phép xác định lại các kiến trúc ở Chùa Lò Gạch và Gò Thành thuộc loại kiến trúc có bình đồ hình vuông, trung tâm là cấu trúc hố thờ được xây âm, ở đáy có chôn theo những lá vàng chạm khắc hình voi, hoa seny đặc điểm này rất gần gũi với di tích kiến trúc Gò Xoài ở Long An với một bản kệ Phật giáo được tìm thấy ở đáy hố thờ.

     Những phát hiện mới cũng giúp khẳng định các di tích Gò Thành, Chùa Lò Gạch và cả An Phong là những di tích kiến trúc tôn giáo, có những thay đổi trong bình đồ và có qui mô lớn. Sưu tập hiện vật vàng lá chôn ở đáy hố thờ của di tích Gò Thành và Chùa Lò Gạch cho thấy nhiều khả năng chúng là những kiến trúc Phật giáo.

     3.3. Về sự thay đổi trong tôn giáo ở các di tích Văn hóa Óc Eo vùng giồng cát duyên hải

     Tại Gò Thành, Trường Sơn A, khảo cổ học đã phát hiện các nguyên bản tượng thần Vishnu và Ganesa mang đặc trưng phong cách thế kỷ VII – VIII AD. Tại Lưu Cừ II cũng tìm thấy mảnh vỡ tượng thần bằng đá có kích thước khá lớn mang phong cách nghệ thuật Phù Nam (thế kỷ VI – VII AD) cùng với hai bộ linga-yoni bằng đá thủy tinh (thế kỷ VIII AD). Những cứ liệu trên đây cho thấy rõ Bà La Môn giáo, cụ thể là Vishnu giáo từng có vị trí quan trọng, là tôn giáo chính được thờ cúng tại các di tích ở vùng đất này cũng như đồng bằng miền Tây Nam Bộ, trong một giai đoạn nhất định, có lẽ tương đương với giai đoạn đầu tiên của các di tích này (thế kỷ VI – VII AD).

     Nhưng những thế kỷ sau, xuất hiện hiện tượng các hiện vật tượng thờ Bà La Môn giáo hầu hết được tìm thấy trong tình trạng phế vật, mảnh vỡ hoặc nằm vương vãi hoặc dồn chung với các vật liệu gia cố bên ngoài chân móng của các kiến trúc, đặc biệt rõ nét ở Gò Thành, Trường Sơn A. Tình trạng các vật thờ Bà La Môn giáo bị loại bỏ, sử dụng làm vật liệu tấn nền hoặc bị chôn vùi như trên cũng được ghi nhận rất phổ biến trong nhiều di tích văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn ở miền Tây Nam Bộ, gồm: kiến trúc Gò Tháp Mười – giai đoạn II (khu di tích Gò Tháp, Đồng Tháp), Gò Trâm Quỳ (Long An), Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), An Lợi (An Giang)…

     Bên cạnh đó, trên địa bàn vùng giồng duyên hải Tây Nam Bộ đã tìm thấy hàng loạt tượng thờ mang tính chất Phật giáo, gồm các tượng Matreya Trung Điền (thế kỷ VII AD), Lokesvara Vat Cetdei ở Gò Xẻo Da, Avalokitesvara ở Ngãi Hòa Thượng, Lokesvara Ngãi Xuyêny đều trên vùng giồng Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) có niên đại vào khoảng nửa sau thế kỷ VII – đầu thế kỷ VIII AD và muộn hơn. Nhóm các tượng Phật bằng đá phát hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như tượng Phật Phno Cangêk, Svày Xiêm Càs, Sơn Thọ… đều có khung niên đại vào khoảng sau thế kỷ VII đến thế kỷ VIII AD. Đặc điểm loại hình cũng như đặc điểm phong cách nghệ thuật của các tượng Bồ Tát và tượng Phật trên đây về cơ bản khác biệt so với nhóm tượng thờ Bà La Môn giáo tìm thấy trên khu vực này (có đặc điểm phong cách thuộc giai đoạn thế kỷ VI – VII AD).

     Những phát hiện trong cấu trúc trung tâm ở các di tích mang đậm nét dấu ấn Phật giáo, cho thấy có sự thay đổi sâu rộng về mặt tín ngưỡng tôn giáo trong các cộng đồng cư dân trong giai đoạn sau thế kỷ VIII AD ở những khu vực này, cụ thể là vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ và một phần vùng Đồng Tháp Mười. Dấu ấn Bà La Môn giáo dường như bị lu mờ và thay thế bởi Phật giáo, đồng thời Phật giáo hay dấu ấn của Phật giáo rõ ràng ngày càng có vai trò lớn hơn sau khi cùng tồn tại song song bên cạnh Bà La Môn giáo trong khoảng trước thế kỷ VII AD. Mặc dù cần thêm tư liệu và phân tích sâu hơn để có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này, song hiện tượng các tượng thờ thần Vishnu và đền thờ Bà La Môn giáo bị phá hủy hoặc thay đổi cấu trúc, đặc điểm bình đồ bằng những hạng mục xây chồng lên kiến trúc ban đầu được ghi nhận rất phổ biến trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với khung thời gian dường như rơi vào giai đoạn khoảng thế kỷ VII – VIII AD.

     Có thể, sự tác động của môi trường (đợt biển tiến đột biến với đỉnh cao năm 650), sự nổi lên của trung tâm thương mại mới ở quần đảo Molucas và tuyến hàng hải qua eo Malacca khiến Óc Eo – Ba Thê mất dần vị trí trên tuyến hàng hải quốc tế, thêm vào đó là cuộc chiến xâm lược của Lục Chân Lạpy đã dẫn đến sự sụp đổ Phù Nam và sự hình thành của Thủy Chân Lạp (quốc gia thu nhỏ của Phù Nam sau khi quốc gia này suy vong) trong thế kỷ VII ADy là những yếu tố tác động trực tiếp đến sự phân hóa của văn hóa Óc Eo trong giai đoạn muộn. Tuy nhiên, sự phân hóa này (dù có thể diễn ra một cách nhanh chóng) đã không dẫn đến những suy vong đối với nền văn hóa, do nền tảng văn hóa nông nghiệp lâu đời, truyền thống văn hóa bản địa tồn tại mạnh mẽ, bên cạnh đó là khả năng thích ứng rất cao của cộng đồng cư dân cổ văn hóa Óc Eo thời kỳ này.

     3.4. Về đặc điểm phân bố di tích

     Xét trên bình diện đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, có thể thấy thế kỷ VII là khung thời gian kết thúc cho hàng loạt di tích phân bố trên vùng đồng bằng trũng thấp như Nhơn Thành (Cần Thơ), Đá Nổi (An Giang), Đá Nổi (Kiên Giang),y Đồng thời đây cũng là thời điểm kết thúc của giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển trong phân kỳ khung niên đại văn hóa Óc Eo, khởi đầu cho giai đoạn Óc Eo muộn, là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của đế chế Phù Nam.

     Trong giai đoạn Óc Eo muộn, không gian phân bố của các di tích có xu hướng chuyển dịch lên các vùng đất cao, trong đó có vùng giồng duyên hải Tây Nam Bộ, bên cạnh vùng Núi Sam – Bảy Núi thuộc Tứ Giác Long Xuyên, thềm phù sa cổ phía bắc Đồng Tháp Mười và lưu vực sông Vàm Cỏ Đông… Một số di tích phân bố quanh vùng chân núi hoặc trên các gò cao thuộc vùng đồng bằng trũng thấp Tây Nam Bộ tiếp tục tồn tại như Óc Eo – Ba Thê, Gò Tháp,… với hiện tượng nhiều di tích có các kiến trúc giai đoạn muộn chồng lấn lên nền móng của kiến trúc giai đoạn sớm hơn. Sự hình thành và phát triển của hàng loạt di tích kiến trúc trên các thềm cao phù sa cổ ở vùng Núi Sam – Bảy Núi, lưu vực sông Vàm Cỏ hay vùng giồng cát duyên hải gắn liền với những thay đổi trong quy mô, đặc điểm bình đồ và tính chất tôn giáo.

4. Kết luận

     Vùng giồng cát duyên hải miền Tây Nam Bộ là một trong những địa bàn quan trọng trong văn hóa Óc Eo, đặc biệt là giai đoạn Óc Eo muộn. Các di tích kiến trúc phát hiện trên vùng này là những kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn, thể hiện quá trình phát triển của loại hình di tích kiến trúc tôn giáo trong văn hóa Óc Eo với khung niên đại từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII – IX AD.

     Có thể nhận thấy các kiến trúc tôn giáo trên vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ có hai giai đoạn phát triển chính: giai đoạn Óc Eo phát triển và giai đoạn Óc Eo muộn. Đặc biệt, tập trung chủ yếu trong giai đoạn Óc Eo muộn với số lượng di tích tăng lên, mật độ tập trung cao và quy mô kiến trúc lớn.

     Bên cạnh những đặc trưng về không gian phân bố, số lượng và quy mô, loại hình di tích kiến trúc tôn giáo ở vùng giồng cát còn thể hiện rõ nét sự thay đổi về đối tượng thờ phụng giữa hai giai đoạn Óc Eo phát triển và Óc Eo muộn, theo đó, Phật giáo dường như thay thế cho Bà La Môn giáo (chủ đạo là Vishnu giáo) vốn rất phát triển trong giai đoạn Óc Eo sớm.

     Các di tích kiến trúc giai đoạn Óc Eo muộn ở vùng giồng cát duyên hải có quan hệ chặt chẽ với các di tích đồng đại ở miền Tây Nam Bộ như Óc Eo – Ba Thê, Gò Tháp, Gò Đồn, Gò Trâm Quỳ, Gò Xoàiy tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển trong văn hóa Óc Eo.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Đào Linh Côn. 1990. Phát hiện di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1987. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

2. Đào Linh Côn. 1995. Mộ táng trong văn hóa Óc Eo. Luận án Phó tiến sĩ Khoa học lịch sử – chuyên ngành Khảo cổ học, Tài liệu Trung tâm Khảo cổ học.

3. Đào Linh Côn, Bùi Xuân Long, Nguyễn Minh Sang, Nguyễn Ngọc Vân. 2006. Khai quật di tích Gò tháp An Lợi (An Giang). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2005. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

4. Hà Văn Cẩn. 2010. “Di tích kiến trúc văn hóa Óc Eo tại tỉnh Bến Tre”. Tạp chí Khảo cổ học, số 6/2010.

5. Louis Malleret. 1959. Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long – tập 1, bản dịch năm 1969. Hà Nội: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

6. Louis Malleret. 1963. L’archéologie du delta du Mékong-Tome Quatrième. Paris, P.E.F.E.O, Tome IV – Le Cibassac. École Française d’Extrême orient – Volume XLIII, Paris.

7. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải. 1995. Văn hóa Óc Eo – những khám phá mới. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

8. Nguyễn Quốc Mạnh (2014), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Chùa Lò Gạch (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

9. Nguyễn Quốc Mạnh, Lê Hoàng Phong, Nguyễn Đức Tố. 2016. Khai quật di tích kiến trúc Chùa Lò Gạch (ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Trong Những Phát hiện mới về khảo cổ học năm 2015. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

10. Võ Sĩ Khải. 2002. Di tích kiến trúc cổ ở đồng bằng Nam Bộ. Luận án Tiến sĩ lịch sử. Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM.

11. Van Lap Nguyen – Thi Kim Oanh Ta – Masaaki Tateishi. 2000. “Late Holocene Depositional Environments and Coastal Evolution of the Mekong River Delta, Southern Vietnam”, Journal of Asian Sciences 18 (2000).

     Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 11 (219), 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Di tích kiến trúc văn hóa óc eo trên vùng giồng cát duyên hải Tây Nam Bộ (Tác giả: Nguyễn Quốc Mạnh)