ĐỊA DANH ĐƯỜNG PHỐ HÀ NỘI: Quá trình HÌNH THÀNH và PHÁT TRIỂN (Phần 1)
PHÙNG THỊ THANH LÂM
(Thạc sĩ, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN)
1. Mở đầu
Địa danh (place name) xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi nhóm người đầu tiên đến sinh tụ hay di chuyển ngang qua một khu vực nào đó. Xuất phát từ nhu cầu cần có một cái tên để xác định một địa bàn hay một mỏm núi, một con sông, một cánh rừng mà địa danh ra đời. Các địa danh này được các nhóm người đến sau giữ nguyên hay thay đổi tuỳ theo các đặc điểm ngôn ngữ văn hoá hay nhu cầu chính trị của nhóm người đó. Vì vậy, địa danh không phải là một thực thể bất biến mà là sự chồng xếp, kế thừa của bao lớp văn hoá, đặc trưng tộc người.
Tên đường phố (street names) là một tiểu loại nằm trong nhóm địa danh đô thị (urban names) bao gồm tên đường phố, tên các tượng đài, vườn hoa, cửa hàng, biển hiệu, v.v. Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, địa danh đường phố không chỉ đơn thuần là một tên gọi mà nó còn thể hiện ý tưởng chính trị, thái độ tôn trọng của xã hội đối với một cá nhân hay một vùng đất 1. Vì vậy, nghiên cứu về hệ thống tên đường phố của một đô thị nào đó có thể hiểu được mối dây liên hệ giữa chính trị, văn hoá, các mối xung đột, sự thay đổi về nhận thức của một chế độ hay một cộng đồng.
Hà Nội bắt đầu là thủ đô của Việt Nam từ năm 1010 nhưng lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Hà Nội theo phong cách đô thị châu Âu chỉ mới thực sự xuất hiện vào nửa cuối thế kỉ XIX, khi người Pháp xâm chiếm và biến Hà Nội thành nhượng địa của họ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, rồi Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976). Giai đoạn tạm chiếm, Hà Nội còn chịu sự quản lí của chính quyền Đế quốc Việt Nam, là một chính quyền thân Nhật do vua Bảo Đại đứng đầu. Sau khi chính quyền này tan rã, từ năm 1948 đến năm 1955, Hà Nội chịu sự kiểm soát của chính quyền Quốc gia Việt Nam cũng do vua Bảo Đại làm quốc trưởng. Hơn 1 thế kỉ qua, Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và địa danh ở Hà Nội nói chung, tên gọi đường phố nói riêng cũng có nhiều biến đổi theo các giai đoạn lịch sử.
___________
1. Alderman H. Derek, Creating a new geographi of memory in the south: (re)naming of streets in honor of Martin Luther King, Jr, Southeastern Geographer, Vol. 36, No.1, 1996, 51-69.
Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của địa danh đường phố Hà Nội từ khi đô thị Hà Nội bắt đầu được người Pháp xây dựng đến năm 1954 là năm người Pháp rút quân ra khỏi Đông Dương. Trong bài viết, chúng tôi đề cập đến sự hình thành và phát triển của hệ thống địa danh đường phố Hà Nội từ 3 nhóm phố: a) Nhóm phố được đánh số; b) Nhóm tên phố được đặt theo tên người; và c) Nhóm tên phố không đặt theo tên người.
2. Địa danh Hà Nội trước thời kì thuộc Pháp
Vào thế kỉ XVIII, các Hàng Hà Nội chỉ xuất hiện lác đác trong một ít sách như vạn Hàng Bè, vạn Hàng Mắm, bến Tây Long xuất hiện trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ 1. Ngược lên thế kỉ XV, các phường Tàng Kiếm, phường Thuỵ Chương, phường Hàng Đào, phường Tả Nhất, phường Đường Nhân xuất hiện trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi 2. Càng ngược dòng lịch sử, tên tuổi cụ thể của các thôn làng, phố phường Hà Nội càng ít xuất hiện. Các ghi chép của các sử gia hay của các học giả hẳn không phải ít nhưng bởi những tao loạn thời cuộc mà không còn mấy văn sách được lưu giữ đến ngày nay.
Vào thế kỉ XIX, việc ghi chép địa danh các xã, thôn, phủ, huyện đã cụ thể và khá đầy đủ. Ngay trong cuốn địa chí đầu tiên của triều Nguyễn là Hoàng Việt Nhất thống địa dư chí do Lê Quang Định biên soạn đã thấy xuất hiện 10 Hàng của Hà Nội 3 và ghi chép rất cụ thể khoảng cách từ các cửa thành đi các nơi.
Đối chiếu hai giai đoạn đầu (1810 – 1813) và gần cuối (1886 – 1888) trong thế kỉ XIX, địa danh Hà Nội có nhiều biến đổi cả về số lượng lẫn cấu trúc. Về số lượng, các xã, thôn, phường, trại của Hà Nội được liệt kê trong giai đoạn 1810 – 1813 4 của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận 5 là 260 đơn vị. Đến giai đoạn 1886 – 1888, số lượng đơn vị giảm xuống chỉ còn 156 đơn vị6. Việc giảm số lượng đơn vị hành chính này xuất phát từ chủ trương cải cách hành chính của vua Minh Mệnh vào năm 1831 trong đó hầu như không có các xã thôn, phường được tách ra (để dẫn đến tình trạng tăng số lượng đơn vị hành chính) mà hầu hết là sáp nhập các xã, thôn, phường lại với nhau (dẫn đến sự giảm số lượng đã nói trên đây).
Có thể nhận thấy một số đặc điểm nổi bật trong hệ thống địa danh hành chính Hà Nội thế kỉ XIX. Thứ nhất, hệ thống địa danh hành chính Hà Nội thế kỉ XIX rất hiếm địa danh đặt theo tên người (ngoại trừ địa danh của hai thôn là Tả Bà Ngô và Hậu Bà Ngô của tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương mặc dù hai địa danh này cũng không phải là địa danh đặt theo tên người một cách “chính danh” bởi Bà Ngô chỉ dùng để chỉ một phụ nữ người Hoa chứ không phải là tên chính thức). Thứ hai, các địa danh gắn với đặc trưng địa lí chiếm số lượng rất cao (93 đơn vị trong tổng số 260 đơn vị địa danh thôn phường của Hà Nội giai đoạn này). Chẳng hạn, trong tổng số 29 tên phường, thôn của tổng Tả Túc (huyện Thọ Xương) thì có đến 18 địa danh có một yếu tố địa lí như biểu thị phương hướng hay địa lí.
Những yếu tố miêu tả được sử dụng trong địa danh Hà Nội thế kỉ XIX thường là những yếu tố chỉ sự sở hữu (sử dụng các từ thuộc, kiêm), chỉ vật chiếu là một đặc trưng địa lí nổi bật của khu vực (với sự xuất hiện của các từ chùa, cửa, chợ, miếu), chỉ hướng (với sự góp mặt của các từ chỉ hướng tả, hữu, thượng, hạ, trung, nội, đông, tây, nam, bắc), hay gắn với một tính chất nào đó (to, nhỏ, cũ, mới). Những địa danh miêu tả này ngoài việc định hướng dễ dàng (là chức năng cơ bản nhất của địa danh) còn giúp người đời sau có thể hình dung về cảnh quan tự nhiên của Hà Nội khi còn là một đô thị theo kết cấu thành + thị (chợ).
Một đặc điểm nữa của hệ thống địa danh Hà Nội giai đoạn này là số lượng địa danh tên chữ (biểu thị những nội dung tốt đẹp) chiếm tỉ lệ lớn. Nếu trừ đi các địa danh tên chữ đã tính trong nhóm địa danh gắn với yếu tố địa lí bởi có sự xuất hiện của yếu tố địa lí trong phức thể địa danh (ví dụ: Yên Ninh – tên chữ + Hạ – yếu tố địa lí) thì hệ thống địa danh đầu thế kỉ XIX vẫn còn 167 địa danh thôn, phường, xã, trại thuộc nhóm tên chữ.
Sau cải cách hành chính của vua Minh Mệnh năm 1831, số lượng đơn vị thôn, phường Hà Nội giảm xuống và tương ứng với việc đó là số lượng địa danh cũng giảm. Việc giảm này tập trung vào nhóm địa danh miêu tả hoặc gắn với các đặc trưng địa lí. So với giai đoạn 1810 – 1813, các Hàng Hà Nội giảm xuống còn 0 đơn vị vào giai đoạn 1886 – 1888 6.
Số lượng địa danh chỉ phương hướng hoặc gắn với một đặc trưng địa lí nào đó cũng giảm xuống. Năm 1813, loại địa danh này tương đương với 40,4% địa danh tên chữ thì giai đoạn 1886-1888 tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn tương đương với 15,1%. Việc giảm số lượng địa danh chỉ phương hướng hoặc gắn với một đặc trưng địa lí ở giai đoạn 1886-1888 cho thấy vào đầu thế kỉ XIX, địa danh Hà Nội được đặt theo nguyên tắc cơ bản nhất của việc định danh đó là nguyên tắc miêu tả (+descriptive) còn giai đoạn sau việc định danh thiên về nguyên tắc phi miêu tả (-descriptive) 7.
__________
1. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, NXB Trẻ, NXB Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh, 2012.
2. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, NXB Sử học, Hà Nội, 1960.
3. Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất thống địa dư chí (Phan Đăng dịch), NXB Thuận Hoá, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2003.
4. Dương Thị The – Phạm Thị Thoa, Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ tĩnh trở ra (Các tổng trấn xã danh bị lãm, 1810-1813), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981.
5. Địa giới của hai huyện này tương đương với địa giới của các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, một phần Tây Hồ, một phần quận Thanh Xuân, một phần quận Hoàng Mai ngày nay.
6. Phan Huy Lê (chủ biên), Địa bạ cổ Hà Nội huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, tập 1, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr. 22-24.
7. Jan Tent, David Blair, Motivations for naming: The Development of a toponymic typology for Australian Placenames, Names, Vol. 59 No.2, June, 2011
3. Nhận xét chung về địa danh đường phố Hà Nội giai đoạn Pháp thuộc
Vào ngày 20 tháng 11 năm 1873, Pháp nổ súng tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Ngay sau khi nắm được quyền quản lí Hà Nội, Pháp đã tổ chức vẽ bản đồ, xây dựng quy hoạch thành phố, cải tạo khu phố của người bản xứ ở phía đông thành Hà Nội và xây dựng khu phố mới dành cho người Tây và những người Annam giàu có hoặc làm việc cho Pháp ở khu vực phía đông – đông nam tòa thành. Các Hàng của Hà Nội được chính quyền Pháp liệt kê rất sớm bằng tiếng Pháp (vào năm 1890 1) theo các đặc điểm hàng hoá được trao đổi ở Hàng đó với mục đích là phân chia thành các hạng để định mức thu thuế (vào năm 1893). Tuy vậy, nhờ việc liệt kê với mục đích không thiện chí như vậy mà có thể nói rằng lần đầu tiên các Hàng của Hà Nội được xuất hiện một cách tương đối đầy đủ trong văn bản hành chính của một thể chế chính quyền theo cấu trúc tiếng Pháp là Rue/ Ruelle + X, ví dụ như Rue des Balances (phố Hàng Cân), Rue des Bambous (phố Hàng Tre), v.v.
Chúng ta hẳn ai cũng thuộc như in bài ca dao “Rủ nhau chơi khắp Long Thành” trong đó kể tên đủ 36 phố Hà Nội. Trong 36 phố này, chỉ có 9 phố không còn xuất hiện trên bản đồ Hà Nội hiện tại do đã nhập vào các phố khác hoặc đã được đổi tên còn lại 27 phố vẫn giữ tên như xưa, chỉ có mặt hàng buôn bán tại phố là có đổi khác. Tuy nhiên, những thống kê từ cuối thế kỉ XIX của người Pháp cho thấy, con số phố Hà Nội gắn liền với các mặt hàng lớn hơn số 36 rất nhiều, tuỳ từng giai đoạn thống kê mà con số dao động từ 41 đến 50 phố Hàng.
Theo thống kê của chính quyền Pháp vào năm 1890, Hà Nội có 120 phố 2 trong đó có 12 phố mang tên danh nhân (10%), 50 phố được đánh số (42%), còn lại là 58 phố mang đặc trưng nghề nghiệp hoặc gắn liền với đặc trưng địa lí (48%). Trong 58 phố này có 41 phố Hàng.
Sơ đồ 1. Đặc điểm tên phố Hà Nội năm 1890
So với hệ thống địa danh Hà Nội thời kì trước, hệ thống tên đường phố Hà Nội năm 1890 xuất hiện hai đặc điểm mới: có tên phố đặt theo tên người được dùng với mục đích tôn vinh cá nhân và có các con đường dự kiến xây dựng được đánh số.
Những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, người Pháp đẩy mạnh tốc độ xây dựng và hoàn thiện bộ mặt đô thị Hà Nội. Bằng Nghị định số 162 ngày 1 tháng 7 năm 1904 3, người Pháp đã chia thành phố Hà Nội thành 8 khu phố (quartier), tổng số phố thuộc 8 phường là 125, tăng chỉ 2 phố so với 14 năm trước đó. Mười năm sau vào năm 1914, số lượng phố đã tăng lên 92% so với năm 1904 tương đương 240 phố vào năm 1914. Hai mươi năm tiếp theo, chỉ có 42 phố được mở mới tương đương với 282 phố vào các năm 1933 – 1934 4 và trong sách chỉ dẫn tên phố kèm theo bản đồ được in vào năm 1951, tổng số phố, vườn hoa, quảng trường ở Hà Nội đã tăng lên 387 đơn vị 5
Sơ đồ 2. Biến đổi tỉ lệ các nhóm tên phố ở Hà Nội giai đoạn 1891-1951
Sơ đồ 2 cho thấy, tỉ lệ phố mang tên danh nhân tăng dần theo từng giai đoạn, biên độ tăng đạt từ dưới 20 phố năm 1891 đến 197 phố vào năm 1951. Trong khi đó, tỉ lệ phố mang số lại có sự dao động, năm thấp nhất là 7 phố (năm 1904) và năm cao nhất là 53 phố (năm 1914). Tỉ lệ tên phố không đặt theo tên người cũng tăng khá ổn định theo từng mốc thời gian.
Sơ đồ 3 và sơ đồ 4 trên đây cho thấy, tỉ lệ phố mang tên nhân vật lịch sử tăng từ 47% vào năm 1933 lên 49% vào năm 1951 trong khi tỉ lệ phố Hàng giảm 4%, nhóm tên phố mang đặc điểm địa lí cũng giảm 3% giữa hai năm này.
Tỉ lệ phố mang tên mượn (tên địa danh có nguồn gốc từ một nơi khác) luôn thấp nhất trong các năm. Năm 1933, có 8 phố mang địa danh mượn chiếm 2% tổng số phố của năm. Năm 1951, tỉ lệ này vẫn ổn định là 2% tương đương 7 phố.
__________
1. D. Ganter, Recueil de la Législation en vigueur en Annam et au Tonkin Depuis l’origine du Protectorat jusqu’au 1ermai 1895. Hanoi: F.H Schneider, Imprimeur Éditeur, 1895.
2. D. Ganter, Recueil de la Législation en vigueur en Annam et au Tonkin Depuis l’origine du Protectorat jusqu’au 1ermai 1895. Hanoi: F.H Schneider, Imprimeur Éditeur, 1895.
3. Gouvernement Général De L’indo-chine, Ville De Hanoi (Tonkin), Historique, Dévelopment financier, Règlementation administrative et Fonctionnement des diversservices municipaux de la Ville de Hanoi, Hanoi, 1905.
4. Messieurs J. Dickson et A.J. Burtschi Madame L. Lacroix-Sommé, Indochine Adresses: Annurai Complet (Européén et Indigène) de toute l’Indochine, Commerce, Industrie, Plantations, Mines, Adresseses particulières, 1933-1934.
5. Papeterie Imprimerie Militaire Administrative, Hanoi en 9 Coupures: Papeterie Imprimerie Militaire Administrative, 60 Rue Paul-Bert, Hanoi, 1951.
Còn tiếp: