ĐỊA DANH ĐƯỜNG PHỐ HÀ NỘI: Quá trình HÌNH THÀNH và PHÁT TRIỂN (Phần 2)
PHÙNG THỊ THANH LÂM
(Thạc sĩ, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN)
4. Các phố được đánh số
Khi người Pháp mới quy hoạch xây dựng đô thị Hà Nội, các phố mới mở hoặc dự kiến sẽ xây dựng được đánh số (50 phố số trên tổng số 120 phố của năm 1890). Người Pháp xây dựng một số phố tạo thành các trục chính theo hướng đông – tây như đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo), đại lộ Rollandes (phố Hai Bà Trưng), đại lộ Carreau (phố Lý Thường Kiệt) và theo trục Bắc – Nam như đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền), đại lộ Đồng Khánh (Hàng Bài), đại lộ Gia Long (Bà Triệu). Các phố dự kiến được xây dựng được đánh số bắt đầu từ khu Nhượng địa. Các phố từ số 1 đến số 8 nằm xung quanh khu Nhượng địa, từ số 9 đến số 14 là xung quanh các đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Tràng Tiền, ra đến khu lò mổ trên đê Lương Yên cũ, các phố từ số 15 đến số 36 bắt đầu từ phố Cầu Gỗ ngược lên phía bắc đến phố Quan Thánh, các phố từ số 37 đến 47 nằm xung quanh hồ Hoàn Kiếm và từ số 48 đến 50 chạy qua khu vực phía tây Hà Nội.
Trong những năm sau của giai đoạn thuộc Pháp và tạm chiếm, các phố số luôn chiếm một tỉ lệ nhất định trong tổng số phố của Hà Nội qua các thời kì.
Sơ đồ 5. Phố mang số ở Hà Nội giai đoạn 1891-1951
Để tạo nên sơ đồ 5 trên đây, chúng tôi đã tổng hợp số liệu từ các phông tư liệu hành chính của chính quyền thuộc địa.
Quan sát sơ đồ trên, số lượng các phố được đánh số có sự dao động qua các mốc thời gian. Nguyên nhân là do các phố được đánh số đều là những phố được dự kiến xây dựng nên sự tăng giảm của số lượng phố mang số đôi khi do phố đó đã hoàn thành và nó đã được đặt bằng một tên khác. Điều này có thể được chứng minh bằng số lượng đặt đổi tên các phố số của chính quyền thuộc địa. Chẳng hạn, năm 1909, có 10 phố số được đổi tên, năm 1928, có 31 trong tổng số 35 phố được đổi tên là phố đã được đánh số trước đó [1].
Cho đến khi người Pháp rút quân ra khỏi Hà Nội, còn 48 phố được đánh số trên bản đồ vẫn chưa được xây dựng [2]. Hầu hết các phố này nằm ở khu vực phía đông và đông nam hồ Bảy Mẫu. Ngoài ra, lác đác còn một số phố ở khu vực Cát Linh – Nguyễn Thái Học ngày nay và một vài phố ở Hồ Tây.
__________
[1]. Tổng hợp từ Đào Thị Diến (chủ biên), Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954, Tập 1, 2010, sđd.
[2]. Papeterie Imprimerie Militaire Administrative, Hanoi en 9 Coupures: Papeterie Imprimerie Militaire Administrative, 60 Rue Paul-Bert, Hanoi, 1951
5. Địa danh đường phố Hà Nội mang tên người
Sau khi người Pháp đến Hà Nội, cấu trúc các nhóm địa danh đặc biệt là địa danh khu vực đô thị nói chung và đô thị Hà Nội nói riêng có sự thay đổi đột ngột có phần ngược lại với nguyên tắc định danh của giai đoạn trước đó. Cùng với sự ra đời của nhóm địa danh đường phố mang số như chúng tôi đã nói ở mục 3 trên đây, địa danh Hà Nội còn xuất hiện một nhóm địa danh mới là địa danh đặt theo tên người nhằm tôn vinh các cá nhân. Có thể nói, địa danh đặt theo tên người không phải là chỉ đến khi người Pháp đến mới xuất hiện ở Việt Nam mà nó đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu trước đó. Trong hệ thống địa danh Hà Nội trước khi người Pháp vào đã có sự xuất hiện của địa danh mang tên người cho dù chiếm tỉ lệ không đáng kể. Chẳng hạn như địa danh đền Bà Kiệu hay địa danh các thôn Tả Bà Ngô, Hậu Bà Ngô, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương như chúng tôi đã đề cập đến ở mục 2. Trong số 12 phố mang tên người năm 1890 chỉ có hai tên người Việt Nam là Đồng Khánh và Gia Long còn lại là tên các chính trị gia, sĩ quan quan đội Pháp. Các phố này đều là các phố chính nằm theo hai trục Đông – Tây (5 phố) và Bắc – Nam (7 phố).
Sơ đồ 6. Phố mang tên danh nhân ở Hà Nội giai đoạn 1891 – 1951
Sơ đồ 6 cho thấy, tỉ lệ tên phố Hà Nội được đặt theo tên người luôn giữ xu hướng tăng. Cho đến năm 1951, số lượng phố mang tên người đã đạt đến 49% tương đương 195 phố trên tổng số phố. Tuy vậy, điều đáng nói là trong số các phố này chỉ có một số lượng rất ít tên người Việt Nam được đặt cho phố. Trong số 195 phố mang tên người năm 1951, chỉ có 26 phố được đặt theo tên người Việt Nam trong đó có 10 người làm việc trực tiếp cho Pháp, 2 vua Việt Nam có chủ trương thân Pháp, 2 danh nhân quân sự của dân tộc và có đến 11 người là sử gia hay nhà văn.
Trong số các nhân vật lịch sử được người Pháp lựa chọn để đặt tên phố, 55% các nhân vật là tướng lĩnh, nhà cầm quyền hay chính trị gia. Chỉ có 25% số lượng các nhân vật lịch sử được lựa chọn để đặt tên phố là doanh nhân, nhà văn, nhà sinh vật học hoặc các đối tượng khác.
6. Địa danh đường phố Hà Nội không được đặt theo tên người
Nhóm địa danh đường phố không mang tên người được chúng tôi chia thành các tiểu nhóm như sau: nhóm phố Hàng, nhóm mang các đặc điểm địa lí, nhóm mang tên truyền thống và nhóm phố mang địa danh mượn từ nơi khác đến.
Về nhóm phố Hàng
Có thể nói, tiểu nhóm địa danh phố Hàng luôn chiếm một tỉ lệ đáng kể trong nhóm tên phố không đặt theo tên người. Với số lượng 41 phố Hàng trong tổng số 58 tên phố mang đặc trưng địa lí hoặc đặt theo các mặt hàng, nghề nghiệp (chiếm 70,7%) năm 1891, có thể nói đô thị Hà Nội thời kì này mang diện mạo của một đô thị thương mại – tiểu thủ công nghiệp.
Quan sát tiểu nhóm tên phố Hàng, có thể thấy rằng hình ảnh cảnh quan tự nhiên Hà Nội được phản ánh gián tiếp qua các mặt hàng buôn bán. Các phố nằm ven sông Hồng và cửa sông Tô Lịch cũ buôn bán các mặt hàng gắn với sông nước như Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Cá, Hàng Rươi, Hàng Mắm. Các mặt hàng được vận chuyển từ nơi khác đến bằng đường thuỷ trên sông Hồng cũng tạo thành các Hàng nằm ven các bến sông như Hàng Vôi, Hàng Tre, Hàng Muối, Hàng Chiếu. Các mặt hàng vừa sản xuất vừa buôn bán tại chỗ thì cách xa sông Hồng hơn như các phố Hàng Da, Hàng Đồng, Hàng Thiếc.
Về tiểu nhóm tên phố gắn với các đặc điểm địa lí
Trong bảng liệt kê các phố Hà Nội năm 1890, các đặc điểm địa lí được miêu tả trong tên phố chủ yếu dựa vào các công trình, kiến trúc xây dựng (phố Pont en Bois – Cầu Gỗ), dựa vào cảnh quan tự nhiên (phố Lac – Hồ), hoặc dựa vào đặc trưng của cộng đồng dân cư ở phố đó (phố Pavillons Noirs – Quân Cờ Đen nay là phố Mã Mây). Về sau, trong giai đoạn 1900 – 1920, bên cạnh những đặc điểm địa lí đã nói ở trên, có nhiều phố mới mở nhưng chưa kịp đặt tên đã được chính quyền thành phố Hà Nội định danh bằng cách nêu hai điểm mốc ở hai đầu phố, chẳng hạn, phố từ phố Đồng kéo dài đến đại lộ Carnot (Rue du Cuivre prolongé au boulevard Carnot) hay phố từ phố Pháp quốc đến phố Felloneau (de la Rue de France à la rue Fellonneau). Các phố được định danh kiểu này chiếm số lượng lớn vào năm 1914 và giảm dần vào những năm về sau.
Tiểu nhóm địa danh đường phố Hà Nội gắn với các đặc điểm địa lí phản ánh cảnh quan chung của Hà Nội là một đô thị thương mại – tiểu thủ công nghiệp bên cạnh sông hồ. Tuy nhiên, đặc trưng tự nhiên nổi bật nhất của Hà Nội là sông và hồ thì cũng ít được phản ánh trong địa danh đường phố.
Về tiểu nhóm tên phố mang tên truyền thống
Trong danh sách các phố Hà Nội năm 1904 [1], chỉ có 3 thôn phường được đặt tên cho phố là Yên Thành, Hà Trung và Vọng Đức. Cũng trong danh sách này các thôn, phường truyền thống thuộc địa giới sẽ lấy đất để xây dựng đô thị Hà Nội được phân vào tám khu phố. Chẳng hạn, các làng Nam Tràng, Yên Ninh, Châu Yên, Cơ Xá được phân vào khu phố số 1, các làng Hương Bài, Ưu Nghĩa, Hà Khẩu, Giang Thọ, v.v. được phân vào khu phố số 3. Về sau khi các con phố chạy qua các làng này được hoàn thành thì số tên thôn, phường truyền thống được lấy đặt cho phố cũng tăng lên. Nếu năm 1904 mới chỉ có 3 tên thôn phường truyền thống được sử dụng để đặt tên phố thì năm 1914 con số này đã tăng lên 22 tên và đến năm 1951 thì con số này đã tăng lên 39 phố mang tên thôn phường cũ.
Về tiểu nhóm tên phố mang địa danh mượn
Tiểu nhóm tên phố mang địa danh mượn luôn chiếm tỉ lệ thấp nhất (chỉ 1 – 2%) trong tổng số tên phố qua các giai đoạn. Có hai loại địa danh mượn trong số này: một là mượn địa danh của các địa phương ở Việt Nam và loại thứ hai là mượn địa danh của các địa điểm ở nước ngoài. Địa danh mượn đầu tiên được đặt cho phố Hà Nội là Rue de France (phố Pháp quốc), sau đó lần lượt là các phố Bắc Ninh, Takou (là một thị trấn ở Hoa Bắc, nơi Pháp tấn công để ép triều đình Mãn Thanh kí hiệp ước [2]), Tuyên Quang, Nam Kì, Tien-Tsin, Verdun (là một pháo đài của Pháp ở gần biên giới nước Đức, nổi tiếng về những trận đánh ác liệt trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất [3]), Pescadores (là tên của quần đảo Bành Hồ là nơi hải quân Pháp tấn công tạo áp lực ép Trung Quốc công nhận chế độ bảo hộ ở Việt Nam [4]). Có thể thấy, việc đặt tên cho phố bằng những địa danh ghi dấu sự chiến thắng của Pháp với các nước là một cách để người Pháp thể hiện sự tự hào về những chiến thắng đó. Tuy nhiên, qua mỗi thời kì, sự lựa chọn các biểu tượng chiến công này đều có những thay đổi, chẳng hạn, phố Bắc Ninh đã nhanh chóng được đổi tên thành phố Maréchal Pétain vào năm 1919 và càng về sau thì các địa danh được mượn để đặt cho tên phố Hà Nội đều là nơi ghi dấu những chiến công của Pháp với các nước khác chứ không phải Việt Nam.
__________
[1]. Gouvernement Général De L’indo-chine, Ville De Hanoi (Tonkin), Historique, Dévelopment financier, Règlementation administrative et Fonctionnement des diversservices municipaux de la Ville de Hanoi, Hanoi, 1905.
[2]. Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX, tập 2, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2010, tr. 880.
[3]. Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX, tập 2, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2010, tr. 897.
[4]. Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX, tập 2, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2010, tr. 868.
7. Kết luận
Hệ thống địa danh đường phố Hà Nội nói riêng và một số đô thị khác ở Việt Nam nói chung xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX cùng với sự xuất hiện của người Pháp tại Việt Nam. Sự ra đời của địa danh đường phố làm phong phú thêm hệ thống địa danh ở Việt Nam.
Từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1954 là năm người Pháp rút quân khỏi Việt Nam, hệ thống địa danh đường phố Hà Nội từng bước hình thành và phát triển theo sự mở rộng của đô thị Hà Nội. Địa danh đường phố Hà Nội giai đoạn này có thể chia thành ba nhóm chính: nhóm phố được đánh số, nhóm phố mang tên người và nhóm phố không mang tên người. Trong nhóm thứ ba là nhóm phố không mang tên người, có thể phân chia thành một số tiểu nhóm như tiểu nhóm phố Hàng, tiểu nhóm phố mang tên gắn với đặc điểm địa lí, tiểu nhóm phố mang tên thôn, phường truyền thống và tiểu nhóm phố mang tên là các địa danh mượn. Tính về mặt số lượng, nhóm phố được đánh số có xu hướng giảm trong khi nhóm phố mang tên người lại tăng cao nhất. Số lượng phố trong tiểu nhóm phố Hàng và tiểu nhóm phố mang địa danh mượn tương đối ổn định qua các năm.
Nhóm phố Hàng Hà Nội cho thấy cảnh quan chung của Hà Nội giai đoạn này là một đô thị thương mại – tiểu thủ công nghiệp nằm bên cạnh sông và hồ. Tuy nhiên, các yếu tố tự nhiên khác như tên các loài động thực vật vốn rất phổ biến ở hệ thống địa danh của các khu vực khác lại không xuất hiện trong địa danh đường phố Hà Nội. Bên cạnh đó, nhóm phố mang tên người là một cách để chính quyền nhà nước biểu thị sự tôn trọng đối với các cá nhân có những đóng góp nhất định cho một lãnh thổ, một khu vực hoặc có những đóng góp nhất định đối với sự hình thành và tồn tại của chính quyền đó. Chính vì lẽ đó mà rất ít số lượng danh nhân người Việt có công lao đối với đất nước được dân tộc Việt Nam thừa nhận được người Pháp sử dụng để đặt tên phố Hà Nội.