Điểm qua một vài TÁC NHÂN ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH và PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ VĂN HỌC nửa đầu thế kỉ XX
NGUYỄN THỊ HOA
(Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội)
Nửa đầu thế kỉ XX là giai đoạn gắn với nhiều đau thương nhưng cũng nhiều chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, giai đoạn này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá, trong đó có văn học nước nhà và ngôn ngữ văn học Việt Nam. Đầu thế kỉ XX văn hoá Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam nói riêng đã rẽ sang một chặng đường mới. Hầu như toàn bộ những tác phẩm văn học thế kỉ này đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, thay vì viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm như ở các thế kỉ trước. Ngoài ra, so với các thế kỉ trước thì văn chương đầu thế kỉ XX có nhiều thành tựu nổi bật đáng kể như Tự lực văn đoàn, Thơ mới,…
1. Nhân tố chính trị, xã hội
1.1. Thực dân Pháp đô hộ trên toàn xứ Đông Dương, đưa Việt Nam vào quỹ đạo Âu hoá
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và nắm quyền lực trên mọi lĩnh vực đời sống. Thực dân Pháp đã cai trị và thi hành đủ chính sách nhằm nhanh chóng tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa đại quy mô. Trên danh nghĩa, Việt Nam vẫn là nước có chủ quyền còn Pháp chỉ là “mẫu quốc bảo hộ”, thực dân Pháp tìm đủ cách để cô lập chính quyền thực dân phong kiến Nam triều, kiểm soát mọi vấn đề của cuộc sống, đưa nước ta vào quỹ đạo Âu hoá, đồng thời thực hiện chính sách nô dịch và áp đặt về văn hoá. Thực dân Pháp tích cực mở các trường học dạy cho người Việt Nam ra làm việc cho Pháp, ra sức mua chuộc, uy hiếp tầng lớp hương lí, kì hào, nho sĩ ở nông thôn, đồng thời sẵn sàng đàn áp, chém giết thảm khốc những người nổi dậy nhằm đe doạ, khuất phục ý chí chiến đấu của nhân dân ta.
Về bản chất thì thực dân Pháp đang dần thâu tóm toàn bộ chính quyền Việt Nam, biến nước ta thành thuộc địa mới của chúng. Tuy nhiên, việc thực dân Pháp sang xâm lược Việt Nam đã tạo ra nhiều bước tiến quan trọng cho Việt Nam. Từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu tự cung tự cấp, Việt Nam dần hình thành nhiều đô thị tư bản chủ nghĩa, giao thông hiện đại, kinh tế hàng hoá phát triển, nếp sống của thời phong kiến biến mất dần và chính sách “bế quan toả cảng” của triều đình nhà Nguyễn bị phá vỡ, sự giao lưu tiếp xúc với các nước được mở rộng. Bên cạnh đó, vấn đề thông thương cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông là điều kiện thuận lợi tạo nên nhiều đô thị tư bản trên đất nước ta. Việc xuất hiện đô thị mới, sự tiếp xúc văn hoá phương Tây có thể coi là nhân tố rất mới có tác dụng tích cực đến sự phát triển nước nhà. Người dân Việt Nam bắt đầu làm quen với lối sống Âu hoá, đồng nghĩa với sự “nhố nhăng hoá” trong xã hội như Vũ Trọng Phụng đã phản ảnh điều này rất đầy đủ trong tác phẩm “Số đỏ”.
Như vậy, với tất cả những mặt ưu và nhược của nó thì xã hội Việt Nam đang dần trở nên hiện đại hoá cùng với sự hình thành và phát triển của đô thị Việt Nam theo mô hình phương Tây và xuất hiện nhiều tầng lớp xã hội mới.
1.2. Sự hình thành và phát triển của đô thị Việt Nam theo mô hình Tây phương
Cùng với quá trình hiện đại hoá xã hội Việt Nam là sự xuất hiện của các đô thị theo mô hình phương Tây. Trước đó, ở Việt Nam cũng đã từng có những đô thị, thậm chí là đô thị lớn sầm uất như phố Hiến, Hội An, Huế hay Thăng Long. Tuy nhiên, những đô thị này không giữ vai trò là những “trung tâm kinh tế” tư bản chủ nghĩa như đô thị phương Tây. Nhìn vào quá trình hình thành và phát triển đầu thế kỉ XX, chúng ta có thể thấy được hai đặc điểm quan trọng của đô thị hiện đại Việt Nam: thứ nhất, đó là sự “xếp chồng” một mẫu hình đô thị phương Tây lên trên một nền tảng phương Đông đã tạo nên tính chất nửa cũ nửa mới, dở Đông dở Tây của đô thị Việt Nam. Thứ hai, các đô thị Việt Nam chỉ đội lốt chứ không hoàn toàn mang bản chất của đô thị phương Tây, không phải là những trung tâm kinh tế của nền sản xuất đại công nghiệp mà dựa hoàn toàn vào nền kinh tế “mẫu quốc thực dân”, thuần tuý hưởng thụ, làm thuê chứ không có nội lực và còn chịu một sự kiểm soát gắt gao của chính quyền thực dân. Do đó đã dẫn tới hai hệ quả như sau: một là lối sống, tâm lí lai căng, nhược tiểu của dân cư sống trong những đô thị này, hai là thái độ phản kháng thường trực trong họ (tuy chưa bao giờ dám công khai một cách mạnh mẽ). Hai mặt đối lập nhưng lại không hề mâu thuẫn và nó đã phản ánh một cách rõ nét vào trong văn học. Không ngạc nhiên vì văn chương Tự Lực văn đoàn, rộng hơn, toàn bộ văn chương thời kì 1900 – 1945 (nổi bật vẫn là giai đoạn 1932 – 1945) mang đầy đủ cả hai tính chất này.
Tóm lại, sự xuất hiện của các đô thị hiện đại đầu thế kỉ XX cũng là bước tiến đáng ghi nhận, vượt bậc của xã hội Việt Nam, trong đó tư tưởng, ý thức và văn học chỉ là những hệ quả tiếp theo. Điểm đáng nói đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là sự tách rời hay loại bỏ quyền kiểm soát của đế quyền và những công dân – thị dân mới đã ý thức được giờ đây họ không còn là một bộ phận, một phần tử của nước nhà, không lệ thuộc vào vua vào cha, bị ràng buộc bởi “tam cương, ngũ thường”. Ý thức về con người cá nhân, cái tôi “tự do” bắt đầu hình thành.
1.3. Sự thay thế những tư duy cách mạng kiểu cũ bằng cách mạng vô sản
Sau cái chết của Phan Đình Phùng (1896), phong trào chống Pháp dưới lá cờ Cần Vương xem như đã hoàn toàn thất bại. Tuy nhiên, tâm lí thất bại cùng việc đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đã không ngăn nổi khát vọng giành độc lập dân tộc trong tầng lớp sĩ phu yêu nước và một bộ phận lớn nhân dân. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… là những nhà Nho tiến bộ dù đã hình thành và thu nhận từ bên ngoài không ít luồng tri thức mới, song tư tưởng cách mạng của họ vẫn không đầy đủ, thậm chí còn có cả sai lầm, ngộ nhận. Vì vậy, trường Đông Kinh Nghĩa Thục mở được hơn một năm rồi bị đóng cửa; phong trào Đông Du nhanh chóng bị lụi tắt bởi những cấu kết của Chính phủ Pháp và nước Nhật; phong trào đấu tranh chống sưu thuế bị đàn áp đẫm máu, còn bản thân các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị đọa đày ở Côn Đảo, bị kết án tử hình hay biệt xứ khổ sai, cách li với cuộc sống. Nói đúng hơn, từ thập niên 20 trở đi, tư tưởng của các Nhà nho làm cách mạng đã bị đời sống vượt qua.
Sau công cuộc cách tân thất bại của các nhà Nho yêu nước, một tâm trạng tuyệt vọng chán nản xuất hiện trong đại bộ phận nhân dân. Vì vậy, người ta đành yên vị với thân phận “con dân xứ bảo hộ” và đua nhau đi học làm ông thông, ông phán để mong kiếm đồng lương ít ỏi nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, tinh thần cứu nước vẫn âm ỉ cháy trong nhân dân và chỉ chờ dịp bùng phát. Cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng đêm 9 rạng ngày 10 tháng 2 năm 1930 chính là minh chứng rõ nét cho sức phản kháng mãnh liệt đó. Tuy thất bại và bị đàn áp đẫm máu nhưng cuộc bạo động đã gây được tiếng vang rất lớn trong nước, tạo xúc động mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một dấu mốc quan trọng. Từ đây, cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
2. Nhân tố Văn học
2.1. Chữ Quốc ngữ và sự hình thành một nền quốc văn mới
Cùng với tiếng nói thì chữ viết là công cụ rất quan trọng và cần thiết cho việc quảng bá các thông tin và giao tiếp xã hội. Cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, tiếng Việt chưa có được cương vị chính danh trong mọi hoạt động trong phạm vi quốc gia và vẫn còn đứng trước ba sự lựa chọn về văn tự: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Cũng trong thời gian này, thực dân Pháp nhảy vào xâm chiếm nước ta và truyền bá rộng rãi văn hoá Pháp. Ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm chiếm thuộc địa nước ta, bọn chúng đã nhanh chóng đẩy lùi tiến tới gạt bỏ ảnh hưởng của chữ Hán. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản khi chữ Hán đã là văn tự chính danh của văn bản hành chính quốc gia và ngôn ngữ văn học thành văn của nước ta trong suốt hai ngàn năm và trở thành một bộ phận văn hoá vật thể và phi vật thể của đời sống văn hoá người Việt.
Trong khi tiếng Hán đang đứng trước thử thách lớn, có nguy cơ một mất một còn, người Pháp thì tìm cách mở rộng, tăng cường quảng bá Pháp văn, giảm dần chữ Hán trong giáo dục thì người Việt đã kịp thời nhận ra cần phải có một phương tiện để tuyên truyền cách mạng, giáo dục quần chúng, đưa đất nước tiến lên, đó chính là chữ Quốc ngữ (ngôn ngữ bản địa chính thống của người Việt). Mặc dù, lúc đầu các nhà Nho phản đối chữ Quốc ngữ và bảo vệ chữ Hán nhưng chúng ta không vì thế mà từ bỏ. Nhờ phong trào cải cách và Tân thư của Trung Quốc, một bộ phận nho sĩ đã thay đổi thái độ đối với chữ Quốc ngữ. Chúng ta đã nhanh chóng truyền bá chữ Quốc ngữ thông qua một số phong trào như Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và phong trào yêu nước của các sĩ phu ở Quảng Nam (1908). Từ đó, ảnh hưởng của chữ Hán đã giảm dần trong đời sống ở cả nông thôn và thành thị.
Có thể thấy, sự xuất hiện chữ Quốc ngữ là một cuộc cách mạng trong hệ thống ngôn ngữ – văn tự của dân tộc ta. Thời kì phong kiến Trung đại, chữ Hán là văn tự chính thống, được điển phạm hoá và hành chính hoá, chữ Nôm tuy là sáng tạo của nhân dân ta nhưng lại lấy cơ sở Hán tự mà cải biến đi, dùng ghi âm Việt nên cũng không thực thích hợp, mặt khác lại bị rẻ rúng, coi là thứ chữ “con đòi”. Trong tình trạng như vậy, nền văn học thành văn của dân tộc chủ yếu được sáng tác bằng chữ Hán. Với tư cách là văn tự vay mượn, lại được coi là “chữ thánh hiền”, chỉ phổ biến trong phạm vi hạn hẹp của tầng lớp Nho sĩ theo đòi “cửa Khổng, sân Trình”, nên nó không thể trực tiếp dựa trên cơ sở ngôn ngữ (lời ăn tiếng nói) dân tộc, cũng không thể phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Tính chất bó hẹp của sáng tác văn học cổ điển chính bắt nguồn từ đây.
Có thể nói, những nhà làm cách mạng văn tự mới đầu thế kỉ XX đã tạo ra những ảnh hưởng cực kì to lớn cho hậu thế và cho chính ngay thời kì đó. Thứ nhất là đã mở đầu cho một ngành mới là báo chí, thứ hai là mở đầu cho một nghề mới là in ấn – nghề trọng yếu cho xã hội hiện đại, thứ ba là khởi nguồn cho các loại hình văn học khác nhau. Tất cả những điều này không lâu sau đã xuất hiện và phát triển cực kì phồn thịnh, đạt tới đỉnh cao ngay trong giai đoạn 1932 – 1945. Với tất cả những lí do trên, sự xuất hiện và phổ biến của chữ Quốc ngữ đã tạo nền tảng quan trọng, là tiền đề trực tiếp cho nền Quốc văn mới hình thành. Văn học hiện đại Việt Nam chính thức bắt đầu từ đây.
2.2. Sự tiếp xúc văn hoá Pháp – Việt
Các đô thị hiện đại xuất hiện kéo theo sự thay đổi cơ cấu giai cấp trong xã hội Việt Nam. Một lượng lớn dân cư tập trung sống trong các thành phố: các nhà tư bản, giới quan chức thực dân, công nhân làm thuê, học sinh, thày kí, thầy phán,… những người đang “làm công ăn lương” cho Pháp… tất cả đã tạo nên một tầng lớp đặc biệt: “thị dân mới”. Chính tầng lớp này là một trong những tiền đề quan trọng quyết định nền văn học mới hình thành. Thời đại phong kiến thì chữ viết, vốn hiểu biết văn học, các sáng tác văn học hoàn toàn nằm trong tay đẳng cấp Sĩ, còn phần lớn nhân dân vẫn chỉ sáng tác văn học dân gian lưu hành dưới phương thức truyền miệng, nên không thể tạo dựng được một môi trường văn học riêng. Tầng lớp “thị dân mới” đầu thế kỉ XX không còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, bắt đầu làm quen với luật pháp và những quyền công dân đầu tiên. Dù ít dù nhiều quyền hưởng thụ thú vui vật chất và tinh thần của họ cũng được coi là nhu cầu tự nhiên, chính đáng. Văn chương chữ Hán lúc này đương nhiên không được chấp nhận vì quá nhiều từ văn chương bác học, hàm súc uyên thâm, khó hiểu và khó cảm. Văn học dân gian cũng không thích hợp cho đô thị. Người dân thị thành với lối sống gấp gáp, những lo toan “cơm áo gạo tiền” không thể thoả mãn với thứ văn nghệ dân gian đó. Lớp công chúng mới ra đời này đòi hỏi một nền văn học thị dân mới với người chủ văn đàn không phải là nhà Nho mà là người trí thức Tây học.
Xét về yêu cầu nội dung một nền quốc văn mới, tầng lớp thị dân không thể chấp nhận lại thứ văn học chỉ toàn giáo huấn đạo lí, “ngôn chí, cảm hoài”. Trong cuộc sống mới, thế lực đồng tiền lên ngôi, con người cá nhân cần khẳng định và tự tôn, người ta chờ đợi, đúng hơn, yêu cầu một nền văn học sát với hiện thực đang diễn ra hàng ngày. Tầng lớp thị dân mới – những công dân của nhà nước bảo hộ với một bộ phận quyền lợi được luật pháp xác định, hoàn toàn ý thức được về con người cá nhân của mình nay đã tách khỏi những bổn phận trách nhiệm xưa cũ đè nặng. Điều này in dấu ấn đậm nét vào nền văn học mới. Cũng từ đây yêu cầu khẳng định, giải phóng “một cái Tôi cá thể HOÁ” là một trong những yêu cầu hàng đầu của nền văn học.
Sự tiếp xúc với văn hoá Pháp và Pháp học cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã có những ảnh hưởng sâu xa và có những tác động trực diện đến diện mạo ngôn ngữ và văn chương Việt Nam. Có thể coi đây là thời kì dự bị của việc thành lập một nền Quốc văn mới trong thế kỉ XX.
2.3. Dịch thuật phát triển tạo nên bước phát triển vượt bậc cho ngôn ngữ văn xuôi mới
Văn xuôi mới không thể có được những thành tựu rực rỡ nếu như không kể đến vấn đề dịch thuật. Có thể nói, văn xuôi nói chung và ngôn ngữ văn xuôi mới nói riêng ảnh hưởng nhiều từ văn học Trung Quốc, văn học Pháp. Từ thể loại, cốt truyện, nhân vật đến ngôn ngữ đều mang dấu ấn của văn học Trung Quốc, văn học Pháp. Ngay từ cuối thế kỉ XIX, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã dịch một số tác phẩm của Trung Quốc sang chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên dịch thuật tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất là đầu thế kỉ XX. Những tiểu thuyết kinh điển dài tập của Trung Quốc như Tam quốc chí, Thuỷ Hử, Tây du kí, Phong thần… đã được dịch sang Quốc ngữ, đăng trên các báo ở Nam Kì và đươc xuất bản thành sách truyện. Có thể nói dịch thuật có tác dụng tích cực trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và chuẩn bị điều kiện xây dựng nền tảng phát triển văn xuôi tự sự Quốc ngữ.
Phần lớn các nhà văn Việt Nam đều ảnh hưởng cách viết của Trung Quốc từ kết cấu, xây dựng nhân vật đến lời thoại. Khác với nguồn dịch từ Trung Quốc, chủ yếu tiểu thuyết, thì dịch văn xuôi phương Tây lại gồm rất nhiều thể loại luận thuyết, triết học, chính trị, đạo đức, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, thơ,… Nguồn dịch từ phương Tây không đơn giản chỉ là nhu cầu giải trí mà còn kiến tạo thể loại và bù đắp những thiếu hụt về tư tưởng trong buổi giao thời.
Có thể nói, nguồn dịch thuật từ Trung Quốc, phương Tây (Pháp) đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình hình thành và phát triển của văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam. Chính những tác phẩm văn học dịch này đã góp phần hình thành nên một bộ phận công chúng mới thích thưởng thức văn học chữ Quốc ngữ và nuôi dưỡng, làm giàu vốn từ vựng chữ Quốc ngữ.
2.4. Sự xuất hiện của ngôn ngữ báo chí truyền thông – điểm quyết định cho sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ văn xuôi mới
Đầu thế kỉ XX, văn xuôi mới trong nền Quốc văn đã tạm thành hình dưới ảnh hưởng của Tân thư và học thuật Pháp ngữ, đặc biệt là đóng góp quan trọng của ngôn ngữ báo chí và văn học dịch. Đối với các nước châu Âu, ngôn ngữ văn học dường như đi trước ngôn ngữ báo chí một bước. Ngôn ngữ báo chí được thừa hưởng những thành tựu và ưu thế của ngôn ngữ văn học, nhất là trong thế kỉ XIX. Ở nước ta thì ngược lại, ngôn ngữ văn học, nhất là văn xuôi đầu thế kỉ XX, lại thừa hưởng thành tựu của ngôn ngữ báo chí. Nhiều nhà văn đã trưởng thành từ nhà báo, nhiều áng văn xuôi mới, hay nhất từng xuất hiện trên báo chí trước khi được in thành sách. Lối văn giản dị, trọng sự thật, gãy gọn vốn là đặc trưng của ngôn ngữ thông tấn, là tiền đề cho ngôn ngữ trong các sáng tác văn xuôi mới với các thể loại khác nhau (phóng sự, truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết,… và cả ngôn ngữ phê bình nữa). Ngoài ra, trên báo chí đều có tất cả các mục như dạy viết chữ Quốc ngữ, đưa tin, dạy viết văn làm thơ theo lối mới, lối cũ, đăng các tác phẩm văn học mới, dịch thuật (những kiệt tác văn chương và tư tưởng của cả phương Đông và phương Tây),… Sự lớn mạnh không ngừng của báo chí Việt Nam giai đoạn này đồng hành với sự lớn mạnh của văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ cho văn học Việt Nam đạt đỉnh cao ở thời kì 1932-1945 “Ngôn ngữ báo chí đã thổi vào văn học Việt Nam một luồng gió mới, trong đó văn xuôi nhận được nhiều ảnh hưởng nhất.” (Đinh Văn Đức).
3. Kết luận
Thế kỉ XX ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng, hào hùng, khí phách trong lịch sử chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, đồng thời tiếp thụ những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Văn học Việt Nam, trong đó có ngôn ngữ văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, cũng phải trải qua nhiều thử thách, khó khăn. Nền Quốc văn mới, tức nền văn chương Việt Nam hình thành từ đầu thế kỉ XX, đối lập và khu biệt với nền Quốc văn cũ lấy văn học nôm làm căn bản, đã được hình thành trên cơ sở của sự phát triển của văn học dịch, sự tiến triển của ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ khảo cứu học thuật, sự khởi đầu của văn xuôi mới, sự đa dạng hoá thể loại văn học và các biến đổi của ngôn ngữ và văn tự.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Trương Chính, Dưới mắt tôi, NXB Thuỵ Kí, Hà Nội, 1939.
2. Tôn Thất Dụng, Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến 1932, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐH Sư phạm, Hà Nội, 1993.
3. Đặng Anh Đào, Văn học Pháp và sự gặp gỡ với văn học Việt Nam 1930 – 1945, Văn học, tập số 7, 1994.
4. Phan Cự Đệ, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Văn học, Hà Nội, 2002.
5. Phan Cự Đệ (chủ biên), Văn học Việt Nam (1900 – 1945), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002.
6. Hà Minh Đức, Truyện ngắn Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Văn học, tập số 12, 2000.
7. Đinh Văn Đức, Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỉ XX), NXB ĐH Quốc gia, Hà Nội 2005.
8. Hoàng Dĩ Đình, Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Trên tư liệu truyện ngắn ba nhà văn nữ), Luận án Tiến sĩ Trường Đại học KHXH & NV, 2010.
9. Đoàn Lê Giang, Văn học Quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỉ XIX đến 1945 – thành tựu và triển vọng nghiên cứu, Nghiên cứu Văn học, tập số 7, 2006.
10. Nguyễn Văn Hiệu, Văn chương chữ Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX nhìn từ quá trình xã hội hoá chữ Quốc ngữ, Văn học, số 5, 2002.
11. Nguyễn Văn Hoàn, Chữ Quốc ngữ và sự phát triển của văn hoá Việt Nam trong thế kỉ XX, Văn học, tập số 9, 2000.
12. 12. Lại Văn Hùng, Bước đầu tìm hiểu truyện ngắn trên tạp chí Nam Phong, Văn học, tập số 2, 2001.
13. Mai Hương, Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc (tuyển chọn và biên soạn), NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.
14. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng (chủ biên), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988.
15. 15. Mã Giang Lân (chủ biên), Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900 – 1945, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.
16. Phong Lê, Văn xuôi những năm 20 (thế kỉ XX) phòng chờ cho bước chuyển giai đoạn sau 1932, Văn học, số 5, 2002.
17. Phong Lê, Phác thảo buổi đầu văn xuôi Quốc ngữ, Văn học, tập số 11, 2001.
18. Phong Lê, Việt Nam trên hành trình của thế kỉ XX, NXB ĐH Quốc gia, Hà Nội, 1997.
19. Nguyễn Đăng Mạnh, Quá trình hiện đại hoá của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Văn học, tập số 5, 1997.