Diễn xướng đồng dao trong các hoạt động lao động của trẻ em dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
FOLK SONG PERFORMANCE IN WORKING ACTIVITIES OF
MINORITY ETHNIC CHILDREN IN THE NORTHERN MOUNTAINOUS
PROVINCES
Tác giả bài viết: LÈNG THỊ LAN
(Trường Đại học Nông Lâm – ĐH Thái Nguyên)
TÓM TẮT
Đồng dao gồm những bài hát và trò chơi trong đó có cả phần lời và cách thức diễn xướng. Khi tìm hiểu về những câu hát đồng dao của trẻ em trong môi trường lao động chúng tôi không đặt vấn đề nghiên cứu trẻ em là đối tượng lao động chính mà nghiên cứu ở mối quan hệ hữu cơ giữa trẻ em với hoạt động thực tiễn khi trẻ tham gia lao động. Đối với trẻ nhỏ những bài đồng dao đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu và luôn gắn với hoạt động thực tiễn lao động của các em. Qua đó, đồng dao đã phác hoạ bức tranh về đời sống của nhân dân các dân tộc một cách đa đạng, phong phú.
Từ khoá: diễn xướng đồng dao, lao động, trẻ em dân tộc thiểu số.
ABSTRACT
Folk songs include songs and games with the lyric and the way to perform. In our study, children are not mentioned as the main labor force but we study their folk song performance while they are working. For children, folk songs are considered as an essential part which is associated with their working practices. Therefore, folk songs are diversity and richness illustration of ethnic’s life.
Keywords: Folk song performance, working activities, the children of the ethnic.
x
x x
Vốn sinh ra và lớn lên trong điều kiện sống ở vùng núi nên trẻ em các dân tộc thiểu số khu vực miền núi được làm quen với nhiều môi trường lao động khác nhau: khi là không gian của làng bản, ruộng nương … lúc xuống đồng, lúc trèo đèo qua suối… Các bài hát đồng dao của trẻ em các dân tộc đã ra đời, tồn tại trong nhiều hoạt động vật chất và tinh thần khác nhau nói trên. Do vậy, đối với trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ em các dân tộc thiểu số miền núi nói riêng, thì những bài đồng dao đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Và trong đó, một bộ phận các bài hát đồng dao luôn gắn với hoạt động thực tiễn lao động của các em.
Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã hệ thống toàn bộ những công trình nghiên cứu và những bài viết về đồng dao Việt nói chung.Tuy nhiên, cho đến nay trong quá trình tìm hiểu có thể khẳng định rằng chưa có một công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu nào về đồng dao dân tộc thiểu số. Dựa vào kết quả của các công trình nghiên cứu chỉ có thể
kể đến một số bài viết về đồng dao đăng trên các tạp chí như:
Triều Nguyên (2008), So sánh đồng dao Việt với đồng dao Tày, Nùng về vần, nhịp và kết cấu, Tạp chí Văn hoá dân gian, 2.
Tô Ngọc Thanh (1974), Đồng dao với cuộc sống dân tộc Thái ở Tây Bắc, Tạp chí Văn học, 4.
Mông Kí Slay (1994), Ngôn ngữ trẻ thơ qua đồng dao Nùng, Tạp chí Văn hóa dân gian, 4.
Bên cạnh đó còn kể đến một số cuốn sách được sưu tầm và biên soạn như:
Hoàng Thị Cành (1994), Đồng dao Tày. Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Tô Ngọc Thanh (1994), Đồng dao Thái, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Nông Hồng Thăng (1995), Đồng dao Nùng, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Bùi Thiện (2004), Đồng dao Mường, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Trong Tổng tập Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập I, Quyển 1, Nxb Đà Nẵng 2002, các tác giả đã quan tâm tới đồng dao các dân tộc thiểu số nhưng chỉ là sưu tầm và giới thiệu (phần 2).
Trên cơ sở đó, ở bài viết này chúng tôi đề cập đến việc nghiên cứu hình thức diễn xướng đồng dao trong các hoạt động lao động của trẻ em dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc.
Diễn xướng đồng dao gắn liền với hoạt động lao động của trẻ em
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), diễn xướng được hiểu một cách ngắn gọn như sau: “ Đó là việc trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu”
[tr.85,6].
Diễn: Hành động xảy ra
Xướng: Hát lên, ca lên.
Với ý nghĩa nội hàm trên, khái niệm diễn xướng đồng dao có nghĩa sau: Là việc trình bày các sáng tác đồng dao qua thể hiện đồng nhất giữa hành động và lời hát.
Tiêu biểu cho bộ phận đồng dao diễn xướng trong môi trường lao động của trẻ em miền núi là những bài ca hụ (gọi) các con vật. Những câu hát đồng dao vang lên với giai điệu vui, rộn ràng, gắn liền với tiếng hò reo sôi động của trẻ, tạo nên không khí lao động ồn ã, khẩn trương. Ví dụ bài đồng dao về trâu húc nhau của trẻ chăn trâu miền núi:
Hụ… hụ…
Húc… húc…
Sừng mày sừng cây đa
Thân mày thân cây nghiến
Cây nghiến đóng bờ ruộng
Cây đa làm cọc nương
Cây tre dựng cột nhà
Húc… húc…
[tr.33, 4]
Trẻ em đọc bài này khi thấy trâu húc nhau chúng cùng hò la hoặc chính chúng tổ chức chơi trò chơi trâu húc nhau. Nhờ sự nhân cách hoá trong ngôn ngữ của đồng dao mà thế giới các loài vật, con vật đã trở thành bạn bè và gắn liền với đời sống của con trẻ. Vì thế, trẻ luôn tưởng tượng rằng con vật cũng có khả năng nghe, hiểu những điều các em nói. Các em vừa thách đố, vừa dỗ dành con vật như:
Sức vác, sức nghiêng
Sừng mày sừng thân trúc
Thân mày thân cây nghiến
Mày cứ húc tao xem
Mày què chân tao chữa
Mày gãy chân tao nuôi
Sừng vác, sừng nghiêng…
[tr. 40,1]
Khi hát bài này, trẻ rất lấy làm thích thú vì chúng nghĩ rằng: càng hò la hét to thì con trâu của chúng càng có niềm động viên, khích lệ và càng ra sức húc nhau. Cứ thế, mỗi lúc bài đồng dao lại được đám trẻ cố gắng sức hò reo khiến cho không gian bao la của núi rừng dường như không còn vẻ heo hút, vắng lặng nữa mà thay vào là một không khí vui chơi rộn ràng đầy tiếng ca và chan hoà tình yêu loài vật. Bài đồng dao này đã trở thành một phương tiện để đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ trong khi trẻ tham gia nhiệm vụ lao động chăn trâu giúp bố mẹ.
Cũng chính trong lao động các em sáng tạo nên nhiều trò chơi và những trò chơi đó được đưa vào lời hát đồng dao như lời đối thoại giữa các em với con vật một cách hồn nhiên. Lời hát được diễn xướng theo những nhịp điệu khoẻ khoắn như là tiếng vang của nhịp điệu lao động. Chẳng hạn trẻ em dân tộc Thái với bài đồng dao nói về cây nỏ dưới đây:
Nỏ tao sát bằng lá num – ne
Con nào nhát sẽ thành ra đạn
Dạn như mái gà ấp
Nỏ tao lôi xuống ngay
Bỏ vào túi, mang về bản
Đứa nào lười cứ việc ngủ trưa!
Đứa nào muốn xem đến mà ngó!
[tr. 29, 3]
Khi đi chăn trâu, các em thường tự làm những chiếc nỏ cho mình. Chăn trâu cũng là lúc trẻ em có điều kiện được gặp nhau và tổ chức những trò chơi và cây nỏ đã trở thành đối tượng của trò chơi. Các em tranh cãi nhau xem nỏ ai tốt hơn bằng cách hát to các bài hát này. Cứ mỗi lần như vậy, âm điệu của bài đồng dao được chia thành nhiều giai đoạn, lúc đầu nhịp điệu chậm rãi âm thanh vừa phải, càng sau nhịp điệu càng mau, âm thanh càng lớn.
Trong sinh hoạt lao động, những bài hát đồng dao đó giúp các em làm việc có hiệu quả hơn, đây cũng là một biểu hiện của mối quan hệ giữa văn học dân gian với lao động được phổ biến khá rộng rãi trong nhân dân. Bài Tăm khảu (giã gạo) của đồng dao Nùng dưới đây được thể hiện rõ điều đó:
Túp … tép
Tăm khảu púm púm chạu lạo dè
Lạo dè què
Lạo dè boót
Lạo dè kin que chử nặp tủm
Dịch nghĩa :
Thình… thịch
Giã gạo thình thịch mời bố chồng
Bố chồng què
Bố chồng mù
Bố chồng ăn mướp nấu canh
[tr.53, 4]
Bài này được hát cùng với trò chơi giã gạo hoặc khi trẻ xem bố mẹ giã gạo. Các em hát
theo nhịp giã, nhịp chày sẽ rơi vào các từ: thình, thịch, giã, thình, mời. Bài đồng dao này trẻ hát bằng sự vận dụng nhịp điệu của lời thơ, khiến cho hoạt động lao động của người lớn phần nào giảm bớt đi sự nặng nhọc, vất vả.
Như vậy, những bài hát đồng dao diễn xướng trong lao động, nhịp điệu có vai trò rất quan trọng tạo nên cảm hứng sáng tác thi ca. Chẳng hạn như bài đồng dao sau:
Tao thả vịt con chiều nay cho diều cút
Cho quạ chuồn
Diều nhìn vịt con của tao, diều đau mắt
Quạ liếc vịt nhỏ của tao, quạ đau bụng
Cho diều sợ vịt con của tao
Như dê già sợ hổ
Cho quạ hãi vịt nhỏ của tao
Như gái chê chồng sợ lá ngón
[tr.27, 3]
Các em hát bài này khi đi chăn vịt hoặc khi không đi chăn vịt nhưng thấy có quạ, diều bay trên trời liền hát cho “bõ ghét”. Vì thương con vật nuôi của mình đã nhiều lần bị quạ, diều hâu bắt ăn thịt nên bọn trẻ muốn đuổi chúng đi nhưng không có cách nào khác ngoài việc cất tiếng hát thật to. Như vậy, những bài hát đồng dao được ra đời trong môi trường lao động không chỉ đơn giản là nhịp điệu của âm thanh mà còn là sự thể hiện những tư tưởng, tình cảm nhất định không chỉ giúp cho việc cải thiện tình trạng lao động mà còn là khởi nguồn cho những sáng tác nghệ thuật. Tuy nhiên, trong đồng dao- tính nghệ thuật không phải là ở sự gọt rũa, chọn lọc mà chủ yếu được cấu thành từ động tác lao động kết hợp với nhịp điệu âm nhạc.
Bên cạnh những bài hát đồng dao lao động của trẻ nhỏ, công việc lao động nương rẫy và làm ruộng của người lớn cũng được phản ánh qua lời hát đồng dao như một lời gửi gắm về kinh nghiệm lao động thực tiễn. Bài hát đồng dao này thể hiện sự quan sát rất tinh tế của trẻ em dân tộc Mường qua bài Làm ruộng như sau:
Đồng ruộng lởm chởm
Cày bừa qua loa
Trẻ con phụ nữ người già
Vừa làm
Vừa bắt cà kêm dế mèn
Tiếng rằng cơm nếp cơm tẻ
Không nên một miếng mà ăn vào lòng.
[tr. 184, 5]
Có thể thấy, diễn xướng đồng dao gắn với hoạt động lao động của trẻ em dân tộc thiểu số cũng thể hiện nhiều nội dung rất phong phú. Chính tại môi trường lao động mà trẻ em phát huy được năng lực vui chơi, ca hát một cách tối ưu.
Ngoài nội dung nêu trên, ở một số bài đồng dao gồm cả việc miêu tả sinh hoạt nông thôn phản ánh một số khía cạnh nhất định trong tư tưởng, tình cảm của nhân dân được trẻ nhỏ hát lên thông qua những bài đồng dao gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Do đó trong nội dung phản ánh đồng dao còn là những bài ca mang hình thức nghi lễ.
Diễn xướng đồng dao của trẻ phản ánh những nghi lễ, phong tục
Cuộc sống lao động của nhân dân các dân tộc thiểu số miền núi chủ yếu gắn bó với tự nhiên và có mối quan hệ ràng buộc với thiên nhiên. Trong điều kiện sống với những cuộc đấu tranh vất vả, gian khổ để sinh tồn, những hình tượng con người khổng lồ, thần thánh… với sức mạnh thần kì đã được nhân dân sáng tạo nên. Do vậy, trong đồng dao các dân tộc thiểu số cũng như trong đồng dao dân tộc Việt có những bài phản ánh nội dung cầu nguyện sức mạnh các vị thần mang tính thần thoại, mà trẻ em thường hay hát, ví dụ như:
Lậy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm…
[tr.81, 2]
Đó là những câu hát phản ánh môi trường lao động, nội dung của bài hát cũng là nguyện vọng của người dân xưa.
Trong đồng dao nhiều bài có nội dung gắn với huyền thoại, thần thoại, mang dấu ấn của những hình thức nghi lễ xa xưa. Tiêu biểu cho những bài đồng dao gắn liền với lao động ở môi trường tự nhiên là những bài gọi tên các sự vật hiện tượng của thiên nhiên như: Bó phạ lốm (gọi trời gió), Bó phạ phôn (gọi trời mưa) của dân tộc Thái; Fạ ới đét (trời hãy nắng), Dảo lùm (gọi gió) của dân tộc Nùng; Roọng vỏ vạ (gọi trời), Roọng vạ phân (gọi trời mưa) của dân tộc Tày v.v… Khi cất lên tiếng ca lời của bài hát, các trẻ em dân tộc cũng tin rằng có một lực lượng siêu nhiên nào đấy sẽ nghe thấy lời của các em cầu nguyện mà giúp đỡ theo nguyện vọng của việc cầu mưa, cầu nắng, cầu gió v.v…
Trời ơi, mưa lớn
Cho muỗm quả sai
Cho lai trĩu cành
Chuối xanh buồng trổ
Nhà trên bán gạo
Nhà dưới bán cá…
Người Nùng xẻ gỗ
[tr 7, 1]
Những bài đồng dao này có thể ra đời đã từ lâu, nó phản ánh sinh hoạt lao động của nhân dân cầu mong mưa thuận gió hoà để con người mạnh khoẻ, vạn vật tốt tươi, để công việc lao động đạt kết quả. Từ những bài đồng dao phản ánh hình thức sinh hoạt nghi lễ khiến cho kết cấu và nội dung đồng dao thêm phần da dạng và mang đậm bản tộc người. Chi phối bởi quan niệm tín ngưỡng của người lớn mà trẻ em người Thái khi tham gia lao động cũng có những hoạt động mang tính chất tín ngưỡng như trong bài Lời chú đặt bẫy [tr.28, 3] như sau:
Chào mào muốn vẹo cổ thì đến
Bìm bịp muốn cổ ngoặt thì về
Chim cuốc muốn chết ngắc thì qua
Con cò thích chết dụi thì chui
Khi đặt bẫy các em thường chọn đứng cuối gió, các em giơ cái bẫy lên, dứ dứ về bốn phương theo thứ tự Tây, Bắc, Đông, Nam và hát bài này. Hát xong một lượt mới đặt bẫy, vừa gài bẫy vừa hát nhẩm cho tới khi gài bẫy xong.
Trong thực tế diễn xướng, giữa nội dung bài hát với nghi lễ không phải bao giờ cũng tương ứng với nhau trong một kết cấu chặt chẽ, mà nhiều khi giữa hai hình thức này có khoảng cách nhất định [VHDG VN, tr.665]. Trong bài đồng dao trên nghi thức diễn xướng vượt ra khỏi khuôn khổ đó. Vậy có thể thấy, trẻ em là người biết tiếp thu và vận dụng chức năng sinh hoạt nghi lễ vào trong quá trình diễn xướng đồng dao. Điều này khiến cho những bài hát đồng dao mang tính nghi lễ có nội dung độc đáo.
Hình thức nghi lễ hát cúng thần còn được trẻ em người Mường phản ánh qua một số trò chơi kèm lời hát đồng dao. Đó là việc bắt chước lời hát cúng vía của thầy cúng để làm trò, như Dạ dê dà dà là lời mở đầu mà thầy cúng thường dùng để lấy hơi trước khi bắt đầu bài cúng theo phong tục, tập quán của dân tộc Mường, có thể thấy: Đùa trẻ nhỏ (tr.162); Quả mướp (tr.165); chẳng hạn:
Dạ dê dà dà
Trứng gà trứng vịt..
Đam đam mồi mồi…
Dạ dê!
[tr. 189, 5]
Từ bài hát phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, của dân tộc, lời hát ấy được đưa vào đồng dao đã tạo ra nhịp điệu của âm nhạc trong bài hát đồng dao của trẻ. Lúc này lời ca không còn mang âm hưởng trầm buồn như những bài ca nghi lễ cúng thần mà vang lên âm điệu như một bản hoà tấu ca vui, vừa gợi lên không khí rộn ràng của trò chơi mỗi khi nhạc Dạ dê dà dà ngân lên.
Hoặc tục mừng nhà mới của đồng bào dân tộc cũng được trẻ em người Tày đưa vào trong trò chơi của đồng dao:
Bảo cho kiến có mồi
Báo loài ong các tổ
Mời bố mẹ trọc đầu lại đây
Ăn thịt con chuồn chuồn
Ăn đuôi con giả gỉn..
Ăn cơm mừng nhà mới…
[tr. 56, 1]
Tuy nhiên, mục đích không phải là hát mừng nhà mới mà cốt để phục vụ cho trò chơi được đa dạng nhiều vẻ hơn. Đây cũng là một trong những biểu hiện phong phú của tính độc đáo và tính thống nhất trong tư duy sáng tạo của trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng. Ở một bình diện khác, thì bài đồng dao này đã giới thiệu cho chúng ta biết đến một phong tục sinh hoạt văn hoá của người Tày.
Kết luận
Như vậy, thông qua diễn xướng đồng dao của trẻ em gắn với các hoạt động lao động đã phác hoạ đời sống tinh thần phong phú của nhân dân các dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho trẻ. Hơn nữa, còn là việc bảo lưu và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đây cũng là cơ sở cho sự tồn tại của đồng dao trong đời sống sinh hoạt của trẻ em ở một bộ phận dân ca sinh hoạt trữ tình Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hoàng Thị Cành (1994), Đồng dao Tày. Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Nghĩa Dân (2005), Đồng dao Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
[3]. Tô Ngọc Thanh (1994), Đồng dao Thái, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
[4]. Nông Hồng Thăng (1995), Đồng dao Nùng, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
[5]. Bùi Thiện (2004), Đồng dao Mường, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
[6]. Từ điển tiếng Việt (2001), Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đã Nẵng, TT Từ điển học, HN – ĐN.
Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Thái Nguyên, ISSN: 1859-2171,
TNU Journal of Science and Technology, e-ISSN: 2615-9562; 91(03): 33 – 37
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Diễn xướng đồng dao trong các hoạt động lao động của trẻ em dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (Tác giả: Lèng Thị Lan) |