Đình Bản Nguyên – xã Bản Nguyên (xếp hạng năm 1995)
Đình Bản Nguyên (còn gọi là đình Á Nguyên vì làng Bản Nguyên xưa có tên là Á Nguyên và tên cổ là kẻ Á) thuộc xã Bản Nguyên, thờ tam vị đại vương thượng đẳng thần là: Tá Lang linh ứng đại vương, Đương Cương hiển ứng đại vương, Hương Thụy hiển ứng đại vương là các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương thứ 18 và Đinh Công Tuấn cùng hai bộ tướng của ông (Đinh Công Tuấn là một nhân vật lịch sử thời kỳ Thục An Dương Vương (thế kỷ III TCN) đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà ở vùng tả ngạn sông Thao.
Đình Bản Nguyên được xây dựng năm Tự Đức lục niên (tức Tự Đức năm thứ 6 – năm 1853), quay hướng Tây Nam với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Nhị ( = ). Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi đình không còn bảo lưu nguyên vẹn kiến trúc cổ ban đầu, chỉ còn tòa Hậu cung Đình Bản Nguyên hiện có kết cấu kiến trúc chữ Đinh, gồm 2 toà: Đại bái và Hậu cung. Tòa Đại bái 5 gian, được phục hồi những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX; tòa hậu cung 3 gian 1 chái còn bảo lưu được kiến trúc cổ. Trong di tích lưu giữ được hệ thống cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, kỹ thuật, mỹ thuật: Ngai thờ, khám thờ, nghi môn, lư hương gốm sứ da lươn, nến phao đồng…
Xuân thu nhị kỳ, lễ hội đình Bản Nguyên hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Sang ngày mồng 8, dân làng Bản Nguyên tổ chức rước cỗ chay và tế lễ. Sau phần lễ là phần hội các trò thi tài đua khéo dân gian truyền thống mangtính thượng võ, như: Vật, chọi gà, kéo co, đấu cờ…. kéo dài sang sáng ngày mồng 9. Từ chiều ngày mồng 9 là lễ rút roi, lễ tất kết thúc 3 ngày hội. Các trò diễn minh họa thần tích ở đình làng Bản Nguyên (thường được gọi là diễn xướng thần tích) rất độc đáo và đầy bản sắc, mang nội dung và ý nghĩa lịch sử rất cao.
Đó là các hoạt động văn hoá dân gian mang tính chất tưởng niệm và biểu dương, nhằm nhắc lại một số tình tiết trong cuộc đời của của vị thần được thờ. Đây là mảng văn hoá gắn bó chặt chẽ với ngôi đình làng, mang tính quần chúng sâu rộng. Đồng thời, với tục reo cầu liên xã hết sức độc đáo này, các địa danh Bản Nguyên, Trúc Phê, Hữu Bổ, Kinh Kệ, Sơn Vi đã tạo thành một vùng văn hoá gắn bó và đầy bản sắc, thể hiện truyền thống thượng võ và nét đẹp văn hoá ở một vùng quê đất Tổ.
Cùng với các trò chơi, diễn xướng dân gian, chính vì cùng thờ một thần là Đinh Công Tuấn nên bốn làng Bản Nguyên, Trúc Phê (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, Hữu Bổ, Kinh Kệ (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) kết nghĩa với nhau. Tục kết nước nghĩa theo tương truyền có từ thời An Dương Vương (sau khi Đinh Công Tuấn từ trần ). Từ xa xưa còn để lại câu ca:
“Trúc Phê có tiệc bánh giầy
Bên Á há miệng, bên này chày đâm”.
Người dân vùng này vẫn truyền tụng truyền thuyết Đinh Công Tuấn dựng chiến lũy chống giặc ngay tại làng mình và khi thế cùng lực kiệt có xác một con bò trôi sông cứu giúp. Vì vậy, dân làng có tục kiêng ăn thịt bò. Tương truyền sau khi cưỡi xác bò qua sông, Đinh Công Tuấn đem chôn xác con bò và khấn: “Nhờ có người mà ta thoát nạn, ta sẽ không quên ơn và nếu sau này ta trở thành phúc thần nơi nào thì dân nơi đó không được ăn thịt người”. Chính vì vậy dân các làng trong vùng kiêng không ăn thịt bò và gọi chệch bò là “nhổm”. Tương truyền khi Đinh Công Tuấn gặp nạn đã được nữ tướng Thiên Hương ở Hoa Nham động (Trúc Phê, Hưng Hoá, Tam Nông) cứu giải vây, nên các làng Bản Nguyên, Sơn Vi, Hữu Bổ, Kinh Kệ và Trúc Phê kết nước nghĩa với những tập tục, lễ hội gắn bó chặt chẽ, trở thành một vùng văn hoá thống nhất. Nhiều làng cũng lập miếu thờ Đinh Công Tuấn. Làng Á Nguyên là nơi lập đền chính, về sau dân kẻ Á lập đình thờ Đinh Công Tuấn, vì xác bò đã giúp Công tuấn thoát nạn, dân á Nguyên, Hữu Bổ, Kinh Kệ và một số nơi trong vùng không ăn thịt bò và gọi bò là nhổm, tế lễ chỉ mổ gà, lợn, kể cả tế tam sinh cũng không mổ bò, mà dùng súc vật khác thay thế.
Nguồn: Kỷ yếu Di tích – Lễ hội văn hóa huyện Lâm Thao
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đình Bản Nguyên – xã Bản Nguyên (xếp hạng năm 1995) |