Định danh bậc hai cho ĐỘNG VẬT trong TRUYỆN ĐỒNG THOẠI Việt Nam

     1. Trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong truyện đồng thoại có hiện tượng định danh bậc hai. Đó là hiện tượng một từ vốn dùng để định danh cho một đối tượng này, lại tiếp tục dùng trong một tổ hợp để định danh cho một đối tượng khác. Về mặt nhận thức, điều đó thể hiện một đặc điểm trong sự tri nhận của chủ thể ngôn ngữ với các đối tượng khách quan khi nhận ra một mối quan hệ nào đó (tương đồng, tương cận) giữa các đối tượng. Về mặt từ (tên gọi), điều đó thể hiện sự chuyển nghĩa khi từ tham gia vào một tổ hợp kép để định danh một đối tượng mới. Chẳng hạn trong tổ hợp {chim sâu}, sâu vốn là tên gọi một giống thuộc họ trùng, được dùng theo phép hoán dụ để định danh một giống trong họ chim (chim sâu là tên gọi một giống chim chuyên kiếm mồi bằng việc bắt sâu). Trong tên gọi {cá ngựa}, ngựa vốn là tên gọi một giống thuộc họ thú, được dùng ghép với từ chỉ họ để định danh cá ngựa theo phương thức ẩn dụ (cá giống hình ngựa).

     2. Dựa trên kết quả khảo sát và phân tích về định danh bậc hai trong truyện đồng thoại Việt Nam, chúng tôi phân xuất được mô hình sau:

Từ chỉ họ (hoặc giống) + Từ chỉ họ (giống) khác

     Trong mô hình này, cả hai thành tố đều là từ gọi tên họ (hoặc giống) động vật, trong đó, thành tố thứ hai xác định đặc điểm cho thành tố thứ nhất: bướm rồng, cá chim, châu chấu voi, gấu mèo, v.v.

     Trong bài Từ ngữ tiếng Việt trên con đường hiểu biết và khám phá, tác giả Hoàng Văn Hành cho rằng các đơn vị định danh bậc hai hay còn gọi là định danh phái sinh trong tiếng Việt là “các đơn vị có cấu trúc phức tạp hơn đơn vị định danh gốc, mang nghĩa biểu trưng hoá dưới hình thái ẩn dụ hay hoán dụ” [1, tr. 327]. Định danh bậc hai là một phương thức gọi tên rất phổ biến trong ngôn ngữ toàn dân. Còn trong truyện đồng thoại, nhiều tên gọi động vật cũng được tạo ra bằng cách này. Nhờ đó, từ sự hiểu biết đã có, đã quen thuộc về các đối tượng, có thể dễ dàng khám phá và hiểu biết về đối tượng mới, hơn nữa còn đưa lại một cảm nhận thú vị, gây hứng thú cho bạn đọc nhỏ tuổi. Chẳng hạn trong biểu thức định danh (BTĐD) Châu Chấu Voi, Voi vốn được biết là con vật to lớn, oai vệ được dùng để biểu hiện con châu chấu to khác biệt với những châu chấu thường, bé nhỏ, yếu ớt hơn. Ví dụ:

     (1) “Châu Chấu Voi khoẻ lắm. Anh nào cũng hùng dũng và hiên ngang. Chẳng trách họ được tên là Châu Chấu Voi,… mỗi Châu Chấu Voi to gấp mấy lần Châu Chấu thường…” [10, tr. 91].

     Cũng dưới hình thái ẩn dụ và/hoặc hoán dụ, nhiều tên gọi động vật trong các nghiên cứu về động vật học là những tên gọi theo kiểu định danh bậc hai như cá bơn chó, cá hồi chó, chồn dơi, dơi ngựa, ếch giun, khỉ nhện, khỉ sóc, sóc chuột, thằn lằn cá, thằn lằn giun,… [3]. Thậm chí một số đơn vị còn có thể được coi là đơn vị định danh bậc ba như rắn hổ chuột, rắn hổ trâu, tôm bọ ngựa, định danh bậc 4 như sâu bướm cú mèo, v.v. khi có tới ba, bốn thành tố là tên gọi động vật tham gia cấu tạo tên gọi một loài cụ thể [7].

     Bảng sau đây tập hợp những BTĐD bậc hai được dùng trong truyện đồng thoại thuộc bốn họ trùng, ngư, điểu, thú.

Bảng 1a: Biểu thức định danh bậc hai cho động vật trong truyện đồng thoại Việt Nam

     3. Trong định danh bậc hai, thành tố đi sau có thể được lí giải theo một mối quan hệ nào đó.

     + Đó có thể là quan hệ tương đồng (ẩn dụ). Tương đồng về hình dáng, cấu tạo như: bọ ngựa, cá chim, cá ngựa, cú mèo, gấu chó, gấu lợn, ngao mèo; tương đồng về kích cỡ cơ thể như: cá voi, đỉa trâu, mòng trâu/ ruồi trâu, dẽ gà (voi, trâu, gà mang nét nghĩa về kích thước lớn), ong ruồi, kiến muỗi (muỗi, ruồi mang nét nghĩa về kích thước nhỏ); tương đồng về tiếng kêu như: chim lợn; hoặc cũng có thể là tương đồng về thuộc tính như: cá chuồn (cá bay), cá heo, rắn hổ v.v.

     Chẳng hạn, bướm rồng là loài bướm có hình dáng to lớn, đẹp đẽ, sặc sỡ vì rồng thường biểu trưng cho con vật có vẻ đẹp sang trọng, quý phái (ẩn dụ). Ví dụ:

     (2) “Bướm rồng to bằng bông hồng nở. Thân mình cánh đốm đỏ, nhung đen, trắng lụa vàng hoa hiên. Cả người rực rỡ múa lên” [9].

     (3) “Ngày trước, Châu Chấu Voi đã giảng giải cho tôi.” [10].

     + Đó có thể là quan hệ tương cận (hoán dụ) như chim sâu (chim chuyên bắt sâu), dẽ giun (thường ăn giun). Ví dụ:

     (4) “Sau buổi một mình bay vào bìa rừng, được nghe hoạ mi hót, chú chim sâu nhỏ bay về…” [12].

     Hoặc có những trường hợp có thể lí giải theo cả hai cách: ẩn dụ và/hoặc hoán dụ. Chẳng hạn các trường hợp định danh bậc hai như ruồi trâu, dẽ giun có thể lí giải theo cả hai cách như sau:

     + Ruồi trâu: “thường đốt và hút máu trâu bò” [4, tr. 838], tương tự như rận trâu (định danh bậc hai theo phương thức hoán dụ).

     + Ruồi trâu: trâu biểu trưng cho con vật to, vì thế ruồi trâu là ruồi to (định đanh bậc hai theo phương thức ẩn dụ), tương tự như mòng trâu, đỉa trâu.

     + Dẽ giun: loại dẽ cỡ nhỏ để phân biệt với loại dẽ cỡ lớn/ dẽ gà [4, tr. 252]. Đây là định danh theo quan hệ tương đồng (kích thước); Mặt khác cũng trong từ điển tiếng Việt [4, tr. 252], dẽ giun là từ dùng để chỉ “nhiều loài chim nhỏ, sống ở bờ nước, chân cao, mảnh, mỏ dài, thường ăn giun” [4, tr. 252]. Lựa chọn đặc điểm này cho thấy tên gọi dẽ giun còn có thể được giải thích theo cơ chế của quan hệ tương cận (hoán dụ).

     Vì thế đối với nhiều tên gọi động vật nói chung, tên gọi động vật theo phương thức định danh bậc hai trong truyện đồng thoại nói riêng cần căn cứ vào ngữ cảnh (những tình tiết cụ thể trong truyện) để lí giải. Ví dụ:

     (5) “Trong rừng nọ, có chú Gấu mèo bằng cún con, đầu nó mặt gấu nhưng đuôi vằn vèo chẳng khác mèo[11].

     Cũng có trường hợp ngữ cảnh trong truyện không phải là căn cứ để lí giải tên gọi động vật. Bởi khi đó, nhà văn không có ý định cắt nghĩa tên gọi mà chỉ sử dụng tên gọi và những hiểu biết vốn có về tên gọi để gọi tên, chiếu vật hoặc xây dựng những tình tiết diễn biến xung quanh nhân vật – con vật. Ví dụ cá heo, có thể giải thích định danh bậc hai này theo phương thức ẩn dụ hay hoán dụ? Nếu không dựa vào kiến thức khoa học – đời sống (thịt của cá đỏ giống thịt heo (lợn) và cá khi phát ra tiếng kêu giống tiếng lợn (heo) kêu nên gọi là cá heo) thì rất khó (hoặc không thể lí giải) về BTĐD bậc hai một cách chính xác, tránh chủ quan cảm tính.

     Tương tự, trong tiếng Nga cũng có những trường hợp “tên gọi động vật được tạo ra bằng những từ bội kép (mot surcompose) hay từ ghép thứ sinh. Ví dụ: bọ – tê giác (bọ có một sừng ở mũi), bọ – hươu (bọ có sừng đẻ nhánh giống sừng hươu)” [2].

     Tiếng Hán cũng có những tên gọi động vật được tạo ra theo BTĐD bậc hai. Tuy nhiên do khác nhau trong cách ví von, liên tưởng giữa hai ngôn ngữ Việt – Hán đã tạo nên những tên gọi động vật theo mô hình định danh bậc hai khác nhau cho cùng một đối tượng. Ví dụ: Tôm hùm (Việt) = Tôm rồng (Hán) [7, tr. 39].

     Cũng như tên gọi con vật trong tiếng Việt, nhiều tên gọi con vật trong tiếng Anh được định danh bậc hai dựa trên hai quan hệ chủ yếu là tương đồng hay tương cận. Chẳng hạn trong từ Catfish, đặc điểm có râu giống như ria quanh mồm của con vật (cat/mèo) đã được người Anh chọn để định danh bậc hai cho một con vật khác (fish/cá) [6, tr. 273]. Do đó, catfish (cá mèo) còn chỉ chung các loài cá da trơn có râu ở mép như cá trê, cá tra, cá ba sa, cá ngạnh v.v. Cách định danh này chính là dựa trên quan hệ tương đồng, giống nhau về hình thức cấu tạo giữa hai con vật (cat – fish), tương tự như vậy đối với các định danh bậc hai seahorse (cá ngựa), snake head (cá quả).

     Trong tiếng Anh, tên gọi động vật theo kiểu định danh bậc hai có hai dạng thức.

     + Dạng thứ nhất, yếu tố định danh bậc hai có hình thức độc lập như  lyzard fish/ cá mối (lyzard/ thằn lằn), guinea pig/ chuột lang (pig/ lợn), pea hen/ công mái (hen/ gà mái), stag beetle/ bọ dừa (beetle/ bọ cánh cứng). Trường hợp này giống với định danh bậc hai cho tên gọi động vật trong tiếng Việt.

     + Dạng thứ hai, tên gọi con vật trở thành yếu tố định danh bậc hai nhưng có hình thức hoà kết trong từ. Ví dụ: butterfly/ bướm (fly/ruồi),  cockoo/ chim cúc cu (cock/gà trống), bookworm/ mọt sách (worm/giun).

     Có những định danh bậc hai được tạo thành từ một tên gọi động vật khác như white ant/ mối (ant/ kiến), wall  bee/ tò vò (bee/ ong). Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp BTĐD bậc hai được tạo thành từ hai tên gọi động vật khác như dragon fly/ chuồn chuồn (dragon/ rồng, fly/ ruồi); horse – mackerel/ cá nục (horse/ ngựa, mackerel/ cá thu); dorhawk/ cú muỗi (dor/bọ hung, hawk/ diều hâu); stag beetle/ bọ dừa (stag/ nai đực, beetle/ bọ cánh cứng) [6].

     Chúng tôi đã tiến hành phân loại tên gọi 40 con vật theo mô hình định danh bậc hai trong truyện đồng thoại Việt Nam và 40 con vật (lựa chọn ngẫu nhiên) trong tiếng Anh [6] thành bốn họ động vật côn trùng, cá, chim, thú, kết quả như sau:

     Có thể thấy trong truyện đồng thoại, định danh bậc hai là dạng định danh phổ biến ở cả bốn họ động vật: côn trùng, cá, chim và thú. Ngược lại, trong tiếng Anh, tên gọi động vật theo kiểu định danh bậc hai chủ yếu xuất hiện trong ba nhóm côn trùng, cá và chim. Điểm chung giữa tên gọi động vật định danh bậc hai giữa hai ngôn ngữ là xu hướng sử dụng những tên gọi động vật đã quen thuộc, dễ tri nhận để định danh cho những con vật còn xa lạ hơn, đặc biệt là các loài côn trùng, cá và chim nhỏ sống trong môi trường tự nhiên xa cách với con người.

     4. Có những BTĐD bậc hai cho động vật khác về trật tự của hai thành tố. Đó là trường hợp của những biểu thức như hổ cá, nhộng sâu, sâu kiến, sâu nhộng, ròi ruồi…Ví dụ:

     (6) “Từ cái trứng bé tẹo, trước khi trở thành “công dân”chính thức của xã hội Kiến, chị em chúng tôi đều phải trải qua cuộc đời của Sâu Kiến[8, tr. 166].

     Nếu như tên gọi động vật theo kiểu định danh bậc hai ruồi trâu được hiểu là một loài ruồi {ruồi (A) + trâu (B) = ruồi trâu (A’)}, thì ngược lại trường hợp sâu kiến lại là một loài kiến chứ không phải là một loài sâu {sâu (A) + kiến (B) = sâu kiến (B’)}. Tương tự như vậy, trong ví dụ sau:

     (7) “Anh Đom Đóm bấm đèn pin vào mắt con hổ cá” [11, tr. 37].

     BTĐD hổ cá trong ví dụ trên là tên gọi một loài cá chuối sộp. Nghĩa là ta có hai kiểu cấu tạo BTĐD bậc hai khác nhau về trật tự các thành tố. Trong kiểu thứ nhất, thành tố chính đi trước, thành tố phụ đi sau hạn định cho thành tố đi trước (C – P: ruồi trâu). Trong kiểu thứ hai, thành tố phụ đi trước hạn định cho thành tố chính đi sau (P – C: sâu kiến, hổ cá).

5. Những trường hợp định danh bậc hai trên khác biệt với những trường hợp từ ghép đẳng lập có nghĩa tổng hợp như sâu bọ, ong bướm, tôm cá, cá tép, cua cá, rắn rết, chồn cáo, chó mèo (mèo chó), dê cừu, hổ báo, hươu nai, trâu bò, gà vịt, ngan ngỗng…Ví dụ:

     (8) “Sức mạnh và nanh vuốt để chống trả Chồn Cáo…”[13].

     BTĐD chồn cáo không phải định danh bậc hai cho một giống chồn, cũng không phải định danh bậc hai cho một giống cáo mà là chỉ gộp chồn cáo, những loài thú hoang dã, hung dữ.

     Chúng tôi đã thống kê những danh từ tổng hợp hai thành tố chỉ động vật (mỗi thành tố là một tên gọi động vật) trong truyện đồng thoại Việt Nam trong bảng sau:

     Đây là những từ ghép đẳng lập chỉ gộp những loài động vật thuộc cùng một họ, gần gũi nhau, hoặc có chung một hoặc một số đặc điểm. Ví dụ, trong họ trùng, sâu bọ chỉ những loài côn trùng nhỏ, có hại còn ong bướm chỉ những loài côn trùng biết bay, thường hút mật hoa. Trong họ cá, cá tép chỉ những loài cá nhỏ, rắn rết chỉ những loài rắn, rết nói chung “bò dưới đất, có nọc độc và có thể gây hại cho người” [4, tr. 823]. Trong họ chim, gà vịt, ngan ngỗng chỉ những loài gia cầm, khu biệt với các loài chim ở đặc điểm không biết bay; chi tiết hơn, ngan ngỗng lại khu biệt với các loài gia cầm nói chung ở đặc điểm chân có màng và biết bơi. Danh từ tổng hợp chỉ các nhóm động vật trong nhóm thú còn có sự phân biệt chi tiết hơn như dê cừu, hươu nai được phân biệt với hổ báo, chồn cáo ở đặc điểm thú ăn cỏ/ ăn thịt, thú hiền lành/ hung dữ; hổ báo lại khu biệt với chồn cáo ở đặc điểm thú ăn thịt lớn/ nhỏ; chó mèo phân biệt với trâu bò ở đặc điểm thú nuôi nhỏ/lớn v.v.

     Khác với những trường hợp định danh bậc hai, trong những từ ghép đẳng lập chỉ những loài động vật gẫn gũi nhau, các thành tố có thể đổi trật tự sắp xếp (chó mèo → mèo chó) hoặc tách các thành tố bằng cách chen vào một quan hệ từ với hay (gà vịt → gà với vịt) mà ý nghĩa chung không thay đổi.

     Tên gọi động vật được tạo ra theo phương thức định danh bậc hai khác biệt với từ ghép đẳng lập ở hai điểm như sau:

     Thứ nhất, không thể đảo lộn trật tự của các yếu tố trong mô hình định danh bậc hai (như từ ghép đẳng lập) hoặc nếu đảo lộn thì ngữ nghĩa sẽ khác (rận trâu ≠ trâu rận; cốc trai ≠ trai cốc…) bởi bản chất của định danh bậc hai là cụ thể hoá, cá thể hoá đối tượng nên khác với từ ghép đẳng lập.

     Thứ hai, các thành tố trong từ ghép đẳng lập thường chỉ các đối tượng tuy khác nhau nhưng gần gũi nhau, thuộc cùng một phạm trù lớn. Ví dụ: quần áo (đều thuộc y phục), tàu xe (đều thuộc phương tiện giao thông), trâu bò (đều là gia súc, ăn cỏ và dùng làm sức kéo)…còn trong phương thức định danh bậc hai, các thành tố không nhất thiết thuộc cùng một phạm trù chung, hay cùng một họ, một giống, một loài động vật. Ví dụ châu chấu voi thể hiện rõ điều này, châu chấu thuộc họ trùng, còn voi thuộc họ thú.

     6. Tóm lại, trong truyện đồng thoại Việt Nam, để gọi tên các loài động vật, phương thức định danh bậc hai đã được sử dụng để tạo nên các biểu thức định danh gồm hai thành tố. Hơn nữa cả hai thành tố đều vốn là từ gọi tên động vật (thành tố thứ hai là tên gọi những loài động vật quen thuộc), trong đó ở phần lớn các trường hợp, thành tố thứ hai, nhờ quan hệ tương đồng hay tương cận với đối tượng mà thành tố thứ nhất biểu hiện, được dùng để miêu tả và hạn định cho thành tố thứ nhất. Trường hợp ngược lại, tức thành tố thứ nhất miêu tả và hạn định cho thành tố thứ hai tuy cũng có nhưng ít hơn. Với phương thức định danh bậc hai như vậy, truyện đồng thoại đã tạo nên một số lượng lớn các tên gọi động vật (phần nhiều chưa có trong ngôn ngữ toàn dân) để đáp ứng nhu cầu định danh thế giới động vật vô cùng đa dạng. Đồng thời qua những tên gọi đó còn góp phần nâng cao hiểu biết của các em nhỏ về các loài động vật – một sự hiểu biết mang tính hồn nhiên, ngây thơ, ngộ nghĩnh và nuôi dưỡng ở các em những tình cảm gần gũi, mến yêu đối với các con vật.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Hoàng Văn Hành, Từ ngữ tiếng Việt trên con đường hiểu biết và khám phá, Tuyển tập Ngôn ngữ học (tr. 311 – 441), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

2. Nguyễn Thuý Khanh, Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga), Luận án Phó tiến sĩ, Hà Nội, 1996.

3. Trần Kiên (chủ biên), Động vật học có xương sống, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2007.

4. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2009.

5. Triều Nguyên, Tìm hiểu thế giới động vật dưới góc độ ngôn ngữ – văn hoá dân gian người Việt (Qua dữ liệu vùng Thừa Thiên Huế), NXB Thuận Hoá, Huế, 1999.

6. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia – Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh – Việt, NXB TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 2002.

7. Nguyễn Thế Truyền, Tìm hiểu những điểm khác biệt về cách định danh sự vật giữa tiếng Việt và tiếng Hán, Ngôn ngữ, số 1 (296), 2014.

NGỮ LIỆU KHẢO SÁT

8. Tô Hoài, Dế mèn phiêu lưu kí (in lần thứ 9), NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2013.

9. Tô Hoài, Tuyển tập văn học thiếu nhi, tập 1, 2, NXB Văn học, Hà Nội, 1999.

10. Lê Quốc Hùng, Rùa núi diệt Diều hâu (tập đồng thoại), NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1996.

11. Viết Linh – Vũ Kim Dũng, Cô Kiến trinh sát (tập truyện đồng thoại khoa học), NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2007.

12. Nguyễn Đình Quảng, Nhảy lên nhảy xuống (Những truyện hay dành cho thiếu nhi), NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2004.

13. Nguyễn Quỳnh, Chú Sếu vương miện, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2013.

NGUYỄN THỊ BẠCH DƯƠNG 1

__________
1. ThS, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.