Đôi điều cảm nhận về văn hoá và di sản văn hoá vương triều Nguyễn (1802-1945)
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM MAI HÙNG
(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
“Văn hoá là toàn bộ sáng tạo của con người, tích luỹ lại trong quá trình hoạt động thực tiễn – xã hội, được đúc kết thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, biểu hiện thông qua vốn di sản văn hoá và hệ ứng xử văn hoá của cộng đồng người”1. Hoặc “Văn hoá là tổng thể sống động của các hoạt động sáng tạo (của con người) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”2.
Từ những quan niệm trên, cộng với việc kế thừa, phát huy giá trị truyền thống văn hoá dân tộc và vận dụng quan niệm của UNESCO: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng”3. Đảng, Nhà nước ta quan niệm “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại”. Di sản văn hoá Việt Nam gồm: “Di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”4, quan niệm trên đã được cụ thể hoá trong Luật Di sản văn hoá mà Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá X, kỳ họp thứ 9 từ ngày 22 tháng 5, đến ngày 29 tháng 6 năm 2001) đã thông qua và sau đó là lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố thực thi Luật Di sản văn hoá (Lệnh số 09/2001/L. CTN, ngày 12 tháng 7 năm 2008). Nếu căn cứ điểm 1, 2 điều 4 – chương I của Bộ luật đó thì không còn nghi ngờ gì nữa, Vương triều Nguyễn đã để lại cho chúng ta ngày nay một nền văn hoá và một khối lượng di sản văn hoá khổng lồ và có giá trị về nhiều mặt không chỉ cho dân tộc ta mà còn cho toàn nhân loại.
Tiếp cận với nguồn tài liệu chính sử, tiếp cận với các di tích lịch sử – văn hoá Vương triều Nguyễn trải dài trên phạm vi cả nước, chúng tôi có cảm nhận: Sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, ổn định biên giới quốc gia, ổn định tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương tới các địa phương, Vương triều Nguyễn đã phục hưng, khai mở và có công lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc nhưng thống nhất của quốc gia Đại Việt. Trên nền tảng văn hoá ấy, việc chỉ ra những di sản văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể tiêu biểu mà Vương triều Nguyễn để lại quả là không mấy khó khăn. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin được nêu vài ví dụ để minh chứng như sau:
1. Văn hoá vì con người – mở mang dân trí, trọng dụng và đào tạo nhân tài
Nếu coi con người là chủ thể sáng tạo văn hoá, hưởng thụ các giá trị văn hoá, đồng thời trao truyền các giá trị văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác thì trong 82 năm (1802-1884), với tư cách là một quốc gia phong kiến Độc lập, Tự chủ, các Vua triều Nguyễn một mặt thể hiện những hành xử rất văn hoá bằng việc mở cửa đón nhận, sử dụng và phát huy tài năng của các quan chức có học vị cao, hoặc chưa có học vị cao mà một thời đã tôn phò triều Lê. Đó là các tiến sĩ Nguyễn Duy Hợp, Lê Duy Đảm, Lê Huy Trâm, là Đào Duy Từ, là Nguyễn Du… (Đào Duy Từ sau này được tôn vinh là cụ Tổ của nghệ thuật tuồng, Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ), mặt khác dày công tổ chức – mở hệ thống các trường học nhằm mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Từ khoa thi chọn Minh Kinh bác học đầu tiên của nước ta năm Ất Mão (1075), đời Vua Lý Nhân Tông (Vương triều Lý), đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919), đời vua Khải Định (Vương triều Nguyễn), tổng cộng có 185 khoa thi, chấm chọn được 2898 vị đỗ đại khoa. Trong đó có 5 thủ khoa, 47 trạng nguyên, 48 bảng nhãn, 75 thám hoa, 2462 tiến sĩ và 266 phó bảng. Riêng vương triều Nguyễn, các vua Nguyễn đã tổ chức 47 khoa thi Hương, lấy đỗ 5.208 người; 39 kỳ thi Hội, lấy đỗ 558 người trong đó có 292 tiến sĩ, 266 phó bảng (Phó tiến sĩ – PMH)1. Nếu chỉ nhìn vào số liệu thuần tuý thì số lượng trí thức được đào tạo chính quy so với số lương chung trí thức được đào tạo trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê của vương triều Nguyễn là rất lớn. Đây là nguồn nhân lực chẳng những tạo điều kiện cho các vua Nguyễn lựa chọn, tuyển dụng cho các đợt cải cách hành chính quyết liệt nhằm chấn hưng đất nước mà còn là nguồn lực quan trọng phục hưng, phát triển văn hoá dân tộc và tạo nên các sản phẩm văn hoá bác học, cũng như định hướng cho văn hoá dân gian (truyền khẩu) của vương triều. Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản, Chu Mạnh Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tống Duy Tân, Ngô Đức Kế v.v… đều là những danh nhân văn hoá ngời sáng của dân tộc được đào tạo dưới triều Nguyễn.
Tiếp theo đó là đầu tư ngân sách và động viên sự đóng góp của các cộng đồng dân cư phục hồi, tôn tạo các di sản văn hoá vật thể bị hư hại, tàn phá trong cuộc nội chiến kéo dài trên 270 năm. Những di tích lịch sử – văn hoá, kiến trúc nghệ thuật còn để lại cho đến nay của các vương triều phong kiến Việt Nam như: Lê, Lý, Trần, Hồ v.v… đều có dấu ấn sâu đậm của vương triều Nguyễn, như quần thể di tích tưởng niệm 8 vịvua vương triều Lý ở Bắc Ninh, đề thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành ở Ninh Bình, đền thờ Trần Hưng Đạo ở Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương, Tôn miếu Lê Thái Tổ ở Thanh Hoá v.v…
2. Về di sản văn hoá phi vật thể:
Theo Luật Di sản văn hoá, “Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác”1, thì cho đến nay dẫu chưa có một công trình nghiên cứu nào công bố, giới thiệu một cách toàn diện, đầy đủ về di sản văn hoá phi vật thể của vương triều Nguyễn nhưng cũng có thể hình dung được sự phong phú, đa dạng, có giá trị về nhiều mặt của loại di sản văn hoá này. Chẳng hạn về di sản phi vật thể thành văn.
Theo Thư quán thư sách thì tính đến cuối thế kỷ XIX, số lượng sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, khắc in lên tới 68 bộ. Trong số đó về địa chí ta thấy có các bộ sách: “Đại Nam nhất thống chí” (thời Tự Đức – 28 quyển), “Đại Nam nhất thống chí” (thời Duy Tân – 17 quyển); cộng với các công trình: “Hoàng Việt nhất thống chí” của Lê Quang Định (1759-1813), “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), “Bắc Thành địa dư chí lược” của Lê Chất (1769-1826), “Hoàng Việt dư địa chí” của Phan Huy Chú (1782-1840), “Đại Việt địa dư toàn biên” của Nguyễn Văn Siêu (1799-1873). Theo PGS. TS. Phan Thuận An “chúng ta có thể xem đây là những công trình biên soạn nói lên sự giàu đẹp của Tổ quốc Việt Nam, đồng thời cũng là bản kiểm kê đầy đủ về các tài sản quốc gia nhằm cung cấp cho vua quan triều Nguyễn (và cho các các quan chức lãnh đạo nhà nước Việt Nam hiện nay – PMH) các kiến thức về địa lý và xã hội để thiết lập nền hành chính một cách hợp lý trong việc quản lý đất nước”2. Về sử ký, có các công trình: “Đại nam thực lục” (560 quyển), “Đại Nam liệt truyện” (85 quyển), “Khâm định Việt sử thông giám Cương mục” (53 quyển), “Quốc triều sử toát yếu” (7 quyển), “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ” (262 quyển) v.v… Gạt bỏ những hạn chế thời đại thì đây là những di sản quý hiếm của quốc gia nói chung, là nguồn sử liệu cực kỳ quan trọng cho bất kỳ nhà khoa học nào khi nghiên cứu về các lĩnh vực thuộc khoa học nhân văn của quốc gia. Biết rằng, so sánh là khập khiễng, song phải khẳng định rằng, các ấn phẩm của triều Nguyễn dù là địa chí, sử ký, luật lệ hay văn chương quả đã vượt quá xa cả số lượng lẫn chất lượng các công trình cùng loại của tất cả các triều đại trước triều Nguyễn cộng lại và có thể nói, di sản văn hoá phi vật thể mà vương triều Nguyễn để lại cho chúng ta là đồ sộ và vô giá.
3. Về di sản văn hoá vật thể:
Di sản văn hoá vật thể được hiểu là: “Sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”1 về cơ bản đã được kiểm kê, xếp hạng. Căn cứ niên giám thống kê ngành Văn hoá – Thông tin (nay là Văn hoá – Thể thao và Du lịch) tính đến hết năm 2005, cả nước có 119 bảo tàng. Hệ thống các kho bảo quản của các bảo tàng đang lưu giữ trên 2 triệu đơn vị hiện vật, trong đó có những sưu tập hiện vật vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hoá cao như sưu tập mũ, bia, áo quần của các vua, đại quan triều Nguyễn, sưu tập ấn (bằng vàng) triều Nguyễn, sưu tập sứ men lam, sưu tập các tác phẩm nghệ thuật gồm: tranh, tượng, sưu tập các sản phẩm thủ công mỹ nghệ v.v… Cũng theo nguồn tài liệu trên, theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã xếp hạng 2.856 di tích có giá trị quốc gia trên phạm vi cả nước. Trong số đó có: 1.355 di tích lịch sử; 1.323 di tích kiến trúc nghệ thuật; 65 di tích khảo cổ; 113 danh lam – thắng cảnh2.
Tìm trong bảng tổng sắp các di tích có giá trị quốc gia và giá trị quốc gia đặc biệt được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch xếp hạng, chúng ta nhận thấy, di sản vật thể mà vương triều Nguyễn để lại nổi lên như những điểm nhấn ngời sáng và đáng tự hào trong bức tranh toàn cảnh của di sản văn hoá dân tộc bởi nó chiếm lĩnh với số lượng lớn cả bốn loại hình di tích nói trên, đặc biệt là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Đồng thời cũng đóng góp cho nhân loại những di sản quý, hiếm giàu tính nhân văn. Trong bảy di sản văn hoá của Việt Nam mà UNESCO ghi danh trong danh mục di sản văn hoá nhân loại thì đã có 3 di sản được dựng xây hoặc được vun đắp trực tiếp của vương triều Nguyễn. Đó là quần thể các di sản kiến trúc cố đô Huế, là đô thị cổ Hội An (di sản văn hoá vật thể), là Nhã nhạc cung đình Huế (di sản văn hoá phi vật thể). Đánh giá về di sản văn hoá của thành phố Huế, ông Amadou Mahtar M’Bow – nguyên Tổng Giám đốc UNESCO viết: “Nằm giữa miền Trung Việt Nam, Huế trong một thời gian dài là kinh đô lịch sử. Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tược sum xuê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc, thêu ren, thành phố Huế là một kiệt tác về thể kiến trúc đô thị… Giữa lòng Huế, kinh thành lịch sử là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà sự hài hoà rất tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã sáng tạo ra nó. Phía nam, các lăng tẩm của các nhà vua Nguyễn rải ra dọc hai bờ sông Hương. Là tác phẩm của những người lao động và những người thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi lăng vua, với tính cách riêng biệt của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hoá. Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản, lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm, và lăng Tự Đức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng… Nhưng Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hoá sôi động – ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hoà nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo…”1. Vậy là chỉ mỗi di sản vật thể và phi vật thể do vương triều Nguyễn để lại tại kinh thành Huế cũng đã là đồ sộ lắm rồi.
4. Luận bàn kỹ lưỡng, sâu sắc và toàn diện về văn hoá và di sản văn hoá vương triều Nguyễn hẳn phải là một chuyên khảo kỳ vĩ mà với sự nhận biết hết sức nông cạn, hết sức không đầy đủ của mình, tôi chỉ xin tham góp một vài cảm nhận như trên.
Để thay cho lời kết bài viết nhỏ này, tôi xin được trân trọng nhắc lại ý kiến giàu cảm xúc, mở lòng và có tính khẳng định về văn hoá – di sản văn hoá vương triều Nguyễn của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Trần Văn Giàu rằng: “Không thời nào văn hoá phát triển như thời Nguyễn. Những nhà tư tưởng của thời Nguyễn cao hơn những nhà tư tưởng trước, những nhà văn cao hơn những nhà văn trước, những nhà làm sử cũng giỏi hơn những người làm sử trước. Có thể nói, sự phát triển văn hoá dưới thời Nguyễn tương đương với sự thống nhất của quốc gia. Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển về văn hoá rất nhiều”2 và xin được coi đây là một nén nhang thành kính thể hiện lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn Đoan quận công Nguyễn Hoàng (1515-1613), và xin được kính dâng nén nhang đó tại khu lăng miếu Triệu Tường – Gia Miêu ngoại trang (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung – quý hưởng của các chúa Nguyễn và các vị vua vương triều Nguyễn) nhân lễ tưởng niệm 450 người nhận ấn kiếm của Vua Lê vào trấn thủ đất Thuận Hoá – mở đầu cho quá trình mở rộng lãnh thổ về phương nam của đất nước, tạo thế và lực cho sự ra đời của Vương triều Nguyễn, tạo diện mạo mới cho văn hoá dân tộc.
___________
1 GS.TS Hoàng Vinh. Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hoá ở nước ta. NXB Văn hoá – Thông tin. Hà Nội, 1999. Tr. 43.
2 Bộ Văn hoá – Thông tin. Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá. Hà Nội 1992. Tr.23.
3, 4 Luật Di sản văn hoá và Nghị địn hướng dẫn thi hành. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2002. Tr.11-12.
1 Trần Hồng Đức: Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam – Nxb Văn hoá – Thông tin. Hà Nội, 1999, tr.28.
1 Luật di sản văn hoá và Nghị định h-ớng dẫn thi hành.
2 Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, ngày 15-17/7/1998. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001. Tập V, tr.470.
1 Luật di sản văn hoá. Sđd, tr.13.
2 Bộ Văn hoá – Thông tin. Niên giám thống kê ngành Văn hoá – Thông tin 2005. Hà Nội, 2006, tr. 219.
1 Huế Di sản văn hoá thế giới. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, xuất bản năm 2000, tr.19.
2 Những vấn đề văn hoá – xã hội thời Nguyễn. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1992, tr.17, 19.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đôi điều cảm nhận về văn hoá và di sản văn hoá vương triều Nguyễn (1802-1945) – (Tác giả: PGS.TS Phạm Mai Hùng) |