Đôi nét về NỮ QUYỀN SINH THÁI trong TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

SOME EXAMPLES OF ECO-FEMINISM
IN CONTEMPORARY VIETNAMESE FEMALE SHORT STORIES

LÊ THỊ THANH XUÂN
(Thạc sĩ, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế)

1. Mở đầu

     Phê bình nữ quyền sinh thái (ecofeminism) là một khuynh hướng nghiên cứu mới và đầy tính khả dụng. Nói như nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy thì “phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái – kết tinh của cuộc hôn phối giữa “cách mạng giới” và “cách mạng xanh” trong phê bình văn học” (Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017)). Đây chính là một sự kết hợp thể hiện sợi dây vô hình gắn bó chặt chẽ của thiên tính nữ/giới nữ và thiên nhiên. Người khởi đầu cho phong trào này là Francoise d’Eaubonne, sau đó lan rộng ra các nước phương Tây vào những năm 90 của thế kỷ XX.

     Phê bình nữ quyền sinh thái đang dần trở thành một trào lưu phát triển bởi sự kết hợp của việc bảo vệ môi trường và dần nâng cao, khẳng định vai trò của giới nữ trong xã hội: “Phê bình nữ quyền sinh thái hướng tới nhiều vấn đề, nhưng nó xoay quanh vấn đề phụ nữ và tự nhiên, kết hợp góc nhìn sinh thái và góc nhìn tự nhiên, tạo ra một không gian nghiên cứu đặc thù” (Đỗ Văn Hiểu (2016)). Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm hàng đầu bên cạnh vấn đề bảo vệ, giải phóng, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Phê bình văn học kết hợp với nữ quyền sinh thái đã tạo nên những tác phẩm truyện ngắn trong văn học Việt Nam có dấu ấn về giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, là hướng đi mới nhằm giáo dục nhận thức về bình đẳng giới. Có thể thấy, phê bình sinh thái có sứ mệnh “tác động đến nhận thức, văn hóa của con người hiện đại theo hướng kìm hãm những dục vọng cùng suy nghĩ và hành động phi lý của con người hiện đại trong quan hệ với tự nhiên” (Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà (cb) (2017): 138). Trong giới hạn bài báo, chúng tôi chỉ phân tích một số tác phẩm tiêu biểu có ảnh hưởng không nhỏ trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và vẻ đẹp nội lực, đầy thiên tính nữ trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Từ đó, có thể thấy được mối quan hệ gắn bó bền chặt và quan hệ tương hỗ giữa giới nữ và tự nhiên, được thể hiện đầy chất nhân văn và sống động thông qua ngòi bút hiện sinh của các tác giả nữ.

2. Nội dung

     Phê bình nữ quyền sinh thái với đề tài về chiến tranh, dường như cũng trở nên quen thuộc trong văn học Việt Nam. Chiến tranh càng khắc nghiệt, thiên nhiên càng hoang tàn càng thể hiện được vẻ đẹp gan góc, dũng cảm của người phụ nữ. Truyện Xuân nữ của Dạ Ngân đã thể hiện được vẻ đẹp thanh tân, nguyên sơ của núi rừng hòa quyện với vẻ đẹp đằm thắm, chín muồi của một người phụ nữ trung niên đã lấn át đi mọi sự thảm khốc, đau thương của chiến tranh: “làn da ngà ngà tươi, thêm chiếc cổ vươn cao trên chiếc áo bà ba khoét trễ, chị như một món quà giữa khung cảnh hoang tàn và bị dồn đuổi sau Tết Mậu Thân. Quá đẹp đẽ để nghẹn thở khi nghĩ về sự tàn khốc của chiến tranh đang có mặt ở quanh chị, khắp nơi… Tôi thường hỏi, ở đâu ra nhan sắc này và ở đâu ra sự gan góc dường ấy” (Nhiều tác giả (2012a): 831-832). Như vậy, nếu phụ nữ luôn gắn liền thiên nhiên, tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, luôn dịu dàng, nhẹ nhàng, che chở, bảo vệ thiên nhiên thì đàn ông luôn muốn “áp chế” cả hai vẻ đẹp đó, bằng cách tạo ra chiến tranh như Beauvoir đã từng nhận định: “Đàn ông muốn tìm thấy ở sự chiếm đoạt phụ nữ một cái gì khác, ngoài yêu cầu thỏa mãn một bản năng: phụ nữ là một đối tượng đặc thù, qua đó đàn ông nô dịch Thiên nhiên” (Simone de Beauvoir (1996): 194). Và rằng: “Trong lúc tạo ra các giá trị, hoạt động của đàn ông tạo nên bản thân cuộc sống với tư cách một giá trị; nó chiến thắng các lực lượng hỗn độn của cuộc sống; nó chinh phục Thiên nhiên và người Phụ nữ” (Simone de Beauvoir (1996): 85). Người phụ nữ luôn gắn liền với thiên nhiên, với nơi mình sinh ra và lớn lên, là quê hương cội nguồn của mình. Truyện Người đi về phía rừng của Thu Trân là một minh chứng như thế, tình cảm của cô gái xa xứ lớn dần theo năm tháng với quê hương, khung cảnh thiên nhiên thân thuộc: “Ngồi dưới bóng dừa rợp mát khúc sông quê, Hoài nhìn nước chảy. Sông xòe bàn tay mềm mại đón từ thượng nguồn những giọt nước mắt của người con gái biết nhớ thương dành cho người con trai đã qua bao mùa chinh chiến, mỗi ghềnh đá lô xô là một lời giải thích về nỗi phải cưu mang những phận người của sông” (Hồ Anh Thái (tuyển chọn) (2015): 173).

     Dường như, tình yêu của đôi trẻ trong tác phẩm chính là sự hòa quyện với thiên nhiên, là sự “đơm hoa kết quả” của tình yêu qua sự “chứng giám” của thiên nhiên tươi đẹp: “Nam hồn nhiên, hào sảng như trái cây trĩu cành trong vườn nhà ngoại Hoài kìa. Biết người ta đã thấm tháp hương vị rồi mà vẫn hào sảng ra hoa, vẫn hồn nhiên kết trái, kĩu cà kĩu kịt trên từng cành cho gió đong đưa” (Hồ Anh Thái (tuyển chọn) (2015): 175). Tác phẩm Đồi hoang của Phạm Thị Ngọc Liên cũng thể hiện trọn vẹn “nỗi đau tâm thức” của một người phụ nữ bị lừa gạt phải lấy một người đàn ông bị “bất lực” ở chốn rừng sâu. Với sự nhẫn nhịn và khát vọng phi thường để được giải phóng khỏi nơi đây, cô đã giúp cho người chồng dần lấy lại phong độ đàn ông trong y: “sự khao khát hòa nhập lại với cuộc sống quần thể khiến cô không còn e dè gì nữa. Thay vì thụ động, cô chủ động giúp gã đi tìm người đàn ông trong gã. Đêm, hàng đêm, cô âu yếm, vuốt ve chồng, rồi bậm môi chịu đựng cơn điên dại vì thất vọng của gã trút lên người cô” (Hồ Anh Thái (tuyển chọn) (2015): 272). Mẹ thiên nhiên đã giang tay che chở, bảo vệ người phụ nữ có nghị lực đầy phi thường, quả cảm như là sự đồng cảm của những con người đang chống chọi giữa ranh giới sự sống và cái chết. Đó chính là sự gắn bó bền chặt, muôn đời giữa giới nữ và bản năng che chở, bảo vệ của tự nhiên: “Trời thì xa lắm nhưng đất thì gần. Cuối con đường đất đỏ xa tít tắp, một đốm đen nhỏ như con kiến đang di chuyển về phía ngọn đồi… Ánh nắng chiều hiu hắt phủ kín lên thân thể nhỏ bé co quắp của cô một chiếc mền ấm áp. Thốt nhiên cô nhớ rõ cảm giác nằm trong lòng mẹ khi cô còn thơ dại. Cô nhớ rõ mùi vị trái bắp luộc mà cô thường ăn vào mỗi buổi chiều. Cô nhớ cả tiếng cãi nhau chí chóe của chị em cô khi ngồi rửa chén bên sông, rồi thốt nhiên cô thấy mình đang bơi trên dòng sông đầy lục bình trôi nổi. Đôi môi nứt nẻ của cô mở ra, khép lại như muốn hớp vào từng ngụm nước sông” (Hồ Anh Thái (tuyển chọn) (2015): 275). Qua tác phẩm, có thể thấy giữa phụ nữ và tự nhiên luôn có sự giống nhau trong cách ứng xử bởi: “số phận người đàn bà là phục tùng, là bị chiếm hữu, bị khai thác như giới Tự nhiên mà mình là hiện thân của sự phì nhiêu huyền diệu bị khai thác” (Simone de Beauvoir (1996): 98).

     Vẻ đẹp của thiên nhiên đã hòa quyện với vẻ đẹp của người con gái, truyện Phù sa của Nguyễn Thị Phước, thiên nhiên hiện lên như một nàng thơ, với vẻ đẹp căng tràn, bình dị như người con gái tuổi trăng rằm: “Sông Tiền mới qua mùa lũ, nước đỏ ròng như một thứ nước ruộng mới bừa. Múc xô nước lên, cầm cục phèn quay ba vòng, một lúc sau đã có một lớp phù sa nâu bóng, mịn màng như nhung, đủ để nuôi một đời hoa. Thiên nhiên ưu đãi vùng đất này từ cái nắng cái mưa đến cái cây ăn quả” (Nhiều tác giả (2002b): 279). Truyện Con gái mang cuộc đời của mẹ của Y Ban, thiên nhiên hiện lên như một niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng không bao giờ bị dập tắt của người con gái: “Cơn mưa tạnh bất ngờ, nắng lại bừng lên. Sau cơn mưa tất cả bụi bẩn trên lá cây được gột rửa hết, chỉ còn lại màu xanh nguyên sơ của từng loài, lóng lánh những tia mắt cười dưới nắng” (Nhiều tác giả (2012c): 19). Thiên nhiên cũng chính là sợi dây gắn bó vô hình giữa Mẹ và Con, tình mẫu tử thiêng liêng trong truyện Mẹ và con của Nguyễn Thu Phương. Mọi thứ đã dần rời xa và phản bội lại niềm tin của Oanh, duy chỉ có thiên nhiên luôn bên cạnh cô, xoa dịu nỗi đau cho cô, giúp cô vượt qua những tự ti, mặc cảm, bất hạnh và giành lấy sự sống, sống có ý nghĩa hơn. Thiên nhiên như cùng hòa nhịp với những cảm xúc của Oanh trước một vùng đất mới: “Buổi nắng tắt, con chim bắt cô trói cột từ hốc bụi nào bỗng nứt lên thảng thốt. Tre từng đám lao xao xào xạc buồn thảm, bạch đàn in từng vết thâm u trên nền trời lờ nhờ… Nước xiết đục ngầu bị chặn đứng bởi cái đập xây dở dang, đất đá lổn nhổn, bờ kè sạt lở, lục bình chết tấp từng đống…” (Nhiều tác giả (2012c): 231). Với niềm tin vào cuộc sống, tình yêu vô bờ bến dành cho con, thiên nhiên chính là sức mạnh giúp hai mẹ con sống tốt, cùng hòa nhập với thiên nhiên và tạo lập một “gia tài” nhỏ xinh: “Oanh nghĩ tới con gà mái nằm ấp ổ trứng sau chai bếp, nghĩ ả heo mọi với bầy con bụng sề đong đưa sát đất, nghĩ dãy cọc tiêu trái xanh đỏ lùm xùm sau vườn nhà, nghĩ đám cà đám đậu đám bắp đám mè…”) Nhiều tác giả (2012c): 232). Vai trò của người mẹ rất quan trọng bởi theo Beauvoir, người mẹ cũng là một “giống loài” của tự nhiên, có chức năng y như Mẹ thiên nhiên mà duy chỉ “giới thứ hai” mới có được “quyền năng” đặc biệt này: “Người mẹ là cái rễ cắm sâu trong lòng vũ trụ, và hút nhựa của vũ trụ, là cái giếng phun ra dòng nước sống vốn là một dòng sữa nuôi dưỡng, một dòng suối nóng, một lớp bùn làm bằng đất và nước, giàu những sức lực sinh sản” (Simone de Beauvoir (1996): 187).

     Có thể thấy rằng, người Mẹ/người Phụ nữ và Thiên nhiên đã có sự hòa nhập thiêng liêng, tạo lập được mầm sống chính là giá trị nhân sinh cao cả: “người ta vẫn thừa nhận rằng phụ nữ có một vai trò quan trọng, che chở và nuôi dưỡng mầm giống. Bởi vậy, mọi người phải tôn kính đất, người mẹ” (Simone de Beauvoir (1996): 96). Nếu người mẹ tảo tần, vất vả, “hao mòn” sức khỏe bởi những đứa con thì thiên nhiên lại bị suy kiệt khốc liệt bởi bàn tay tàn phá của con người. Dù vậy, người mẹ và thiên nhiên vẫn luôn “dang rộng bàn tay” đầy bao dung, vị tha cho những lỗi lầm về sự vô tâm, hờ hững và cả những sự ích kỷ cá nhân của con người: “Thậm chí tôi đã khai thác sức lực của bà một cách vô tư và tự nhiên như dòng nước vẫn vô tư và tự nhiên chảy trong dòng suối kia để đến một nơi nào đó? Tôi đã quen được mế chiều chuộng. Tôi đã dựa vào bà quá lâu” (Suối lạnh – Hà Thị Cẩm Anh) (Trần Thị Việt Trung, Hà Thị Cẩm Anh (2016): 112). Truyện Gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh cũng đã minh chứng được vẻ đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ xuất phát từ sự bao bọc, sẻ chia. Dường như giới nữ luôn tìm thấy niềm vui và ý nghĩa sống từ việc sống hài hòa với tự nhiên, cũng chính là bảo vệ rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” của con người: “Tôi chăm sóc cho cả khu rừng mà tôi đang phải sống nhờ. Rừng chính là ngôi làng của tôi. Cây cối là hàng xóm láng giềng, là bạn bè là cậu mợ, cô dì chú bác là người già đáng kính của tôi. Mà tôi là kẻ mạnh hơn nên phải nhận lấy trách nhiệm chăm sóc bao bọc, và bảo vệ cho họ khỏi những bàn tay của những kẻ ác nhân xâm hại, phá hủy khu rừng mà tôi yêu quý hơn cả mạng sống của mình, vì vậy mà trải qua hơn mười năm khu rừng có tôi trông coi như trẻ lại còn tôi thì lại già đi… Chúng tôi đã thật sự không thể tách rời nhau ra được nữa. Chúng tôi bao dung nhau, che chở cho nhau để cùng nhau mà tồn tại” (Trần Thị Việt Trung, Hà Thị Cẩm Anh (2016): 385).

     Vẻ đẹp của người phụ nữ thường được ví với vẻ đẹp vô tận, bao dung của thiên nhiên. Truyện Biển như tôi nhớ của Lý Lan chính là một hình ảnh hoán dụ đầy ý nghĩa, “biển” chính là người đàn bà, sẵn sang “ôm” vào lòng mình tất cả, kể cả sự lừa dối, phản bội của người đàn ông mà không hề oán thán, chê trách. Bởi bản chất của người phụ nữ và tự nhiên chính là sự bao dung, che chở như chính đứa con đã lầm đường lạc lối quay trở về với suối nguồn yêu thương của Mẹ thiên nhiên: “Biển như tôi còn nhớ cũng giống như đàn bà thời có đàn ông, chấp nhận bị lừa dối để thí nghiệm tình yêu… Nhưng bản chất đàn bà thời đó là nhân nhượng. Như biển thời đó, cứ nhận tất cả vào long mình, từ những dòng sông đen ngòm hóa chất đến cánh hoa trôi” (Nhiều tác giả (2015): 80). Tác giả cũng thể hiện tiếng nói tố cáo sự khai thác quá mức, cạn kiệt các nguồn tài nguyên như chính nỗi đau của người phụ nữ bị người đàn ông họ yêu lừa dối, niềm tin đã bị “ăn mòn” và “chết” theo thời gian cùng với sức tàn phá kinh khủng đó: “Vào thời còn đàn ông, biển như tôi còn nhớ có khi màu xanh lam có khi màu xanh lục, tùy lúc người đàn bà đang yêu người đàn ông hay căm giận hắn. Biển bây giờ trong veo, cái thứ gì trong biển mà người ta lấy ra được thì đã lấy ra hết rồi: vàng cùng những kim loại khác, cá và các hải sản khác, muối và những thứ mặn khác như nước mắt, nỗi buồn. Biển thời mà tôi nhớ thường bị ô nhiễm bởi những vết dầu loang, nhưng tất cả các mỏ dầu đã cạn vào năm 2051; cũng không còn rác vì không còn dầu để chế ra những sản phẩm cao cấp sẽ trở thành rác sau khi sử dụng hoặc không qua sử dụng. Như tôi nhớ thì biển thời đó thường nổi lên bão tố vì những con thuyền không bao giờ rõ ràng chuyện đi đâu về đâu. Bây giờ không ai có khái niệm về thuyền nữa” (Nhiều tác giả (2015): 77). Để rồi, bước qua những tổn thương, đau khổ, người đàn bà đã biết tự mình “sửa sang tâm hồn, gạn lọc dần những gien mình không thích nữa như gien buồn phiền, gien thất vọng, gien tức giận. Bởi vì đàn bà hay thay đổi, hoặc chính là thay đổi nên đến một lúc họ không còn biết mình là ai và mình muốn cái gì” (Nhiều tác giả (2015): 80-81).

     Như vậy, qua các trang viết của giới nữ, thiên nhiên chính là “chất xúc tác” để giới nữ thể hiện tất cả những vẻ đẹp hoang sơ, tiềm ẩn đầy thiên tính nữ nhất. Thiên nhiên luôn lắng nghe, thấu hiểu và che chở, bảo vệ những người phụ nữ một cách trân trọng và đầy yêu thương. Đến lượt mình, người phụ nữ cũng thấy ngay trong tâm hồn mình sự đồng cảm và thương yêu, cùng chung niềm đau, mất mát và cả những niềm hân hoan, hạnh phúc. Nữ quyền sinh thái đã thể hiện vai trò quan trọng không thể thay thế của người phụ nữ bởi “người phụ nữ thâu tóm Thiên nhiên với tư cách người Mẹ, người Vợ và Khái niệm” (Simone de Beauvoir (1996): 185). Đồng thời, kêu gọi con người cùng chung sức bảo vệ và gìn giữ môi trường sống trong lành của tự nhiên bởi theo nhà văn Đào Thủy Nguyên: “con người hãy biết ứng xử thân thiện, hài hòa với thiên nhiên thì Mẹ thiên nhiên sẽ luôn mở rộng tấm lòng bao dung chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn con người” (Trần Thị Việt Trung, Hà Thị Cẩm Anh (2016): 24).

3. Kết luận

     Xuất phát từ phê bình văn học nữ quyền là sự phát triển theo xu thế tất yếu của nhân loại, đó là phê bình nữ quyền sinh thái. Phê bình nữ quyền sinh thái trong văn học đương đại Việt Nam có ý nghĩa tích cực trong việc gìn giữ các giá trị tốt đẹp của tự nhiên và cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, giải phóng giá trị tinh thần, đạo đức chính là nền tảng tốt đẹp của xu hướng phê bình mới này. Phê bình nữ quyền sinh thái đang dần trở thành một trào lưu phát triển bởi sự kết hợp của việc bảo vệ môi trường và dần nâng cao, khẳng định vai trò của giới nữ trong xã hội. Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm hàng đầu bên cạnh vấn đề bảo vệ, giải phóng, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Phê bình văn học kết hợp với nữ quyền sinh thái đã tạo nên những tác phẩm truyện ngắn trong văn học Việt Nam có dấu ấn về giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giá trị thực tiễn cao, là hướng đi mới nhằm giáo dục nhận thức về việc gìn giữ, tôn tạo tự nhiên và bình đẳng giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Simone de Beauvoir (1996) (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Trọng Thanh dịch). Giới nữ (tập 1). Hà Nội: NXB Phụ nữ.

2. Đỗ Văn Hiểu (2016). “Tính “khả dụng” của phê bình sinh thái”, Nguồn:
http://dovanhieu.wordpress.com, 15/9/2016.

3. Nhiều tác giả (2012a). Tuyển truyện ngắn sông Hương ba mươi năm (1983-2013). TP HCM: NXB Trẻ.

4. Nhiều tác giả (2002b). 101 truyện ngắn hay Việt Nam. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.

5. Nhiều tác giả (2012c). Truyện ngắn đặc sắc về người mẹ. NXB Thanh Niên, TP HCM.

6. Nhiều tác giả (2015). Quê chồng (tập truyện ngắn). Hà Nội: NXB Văn học.

7. Hồ Anh Thái (tuyển chọn) (2015). Văn mới 2005-2006. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.

8. Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà (chủ biên) (2017). Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016) sáng tạo và tiếp nhận. Hà Nội: NXB Văn học.

9. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017). “Phê bình từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái: sự kết hợp giữa “cách mạng giới” và “cách mạng xanh” trong phê bình văn học”, Nguồn:
http://khoavanhoc_ngonngu.edu.vn, 2/10/2017.

10. Trần Thị Việt Trung, Hà Thị Cẩm Anh (2016). Tuyển tập văn xuôi Hà Thị Cẩm Anh. Thái Nguyên: NXB Đại học Thái Nguyên.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
ISBN: 978-604-73-7135-8)
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 815 đến trang 820).

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)