Đôi nét về sự độc đáo trong tranh sơn mài Việt Nam
Trích đoạn Vườn xuân Bắc – Trung – Nam – Nguyễn Gia Trí (sơn mài)
Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÊ THỊ TIỀM
(Tổ Cơ sở ngành)
Hội họa là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật của không gian hay còn gọi là nghệ thuật thị giác. Ngoài ngôn ngữ đặc thù riêng, thì vai trò của chất liệu trong hội họa với tính chất là phương tiện nhưng không thể thiếu được đối với một tác phẩm. Mỗi chất liệu đều có một thế mạnh và hạn chế, cũng như cách biểu đạt riêng. Chất liệu còn góp phần làm nên tính dân tộc riêng trong hội họa. Với tranh thủy mạc, chỉ vẽ núi và nước, đã làm nên tính triết lý, đặc trưng riêng cho nền hội họa Trung Quốc. Trong khi Nhật Bản lại có tranh khắc gỗ với những họa sĩ tên tuổi như: Hiroshige, Haucusai, Utamaro. Riêng ở Việt Nam đã có tranh sơn mài, một chất liệu thuần túy của hội họa dân tộc. Nó có giá trị độc đáo, mang bản sắc không thể lẫn với dân tộc khác.
Trước khi có tranh sơn mài thì nghề sơn đã từng là một nghề truyền thống ở Việt Nam và nó đã xuất hiện khá sớm. Từ thời Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 năm, người Việt Cổ đã biết dùng nhựa của những cây sơn để trám thuyền, trát thúng hoặc phủ lên những đồ tùy táng, quan tài, đồ dùng … với mục đích cho đồ vật được bền bỉ và đẹp. Điều này đã được chứng minh qua những lần Viện Khảo cổ học khai quật ngôi mộ cổ ở Việt Khê (Hải Phòng) vào năm 1961. Họ đã tìm thấy trong mộ chiếc quan tài hình thuyền, có kích thước dài 4,75m, rộng khoảng 0,77m. Trong quan tài có chứa nhiều hiện vật và trong đó có những chiếc mái chèo, tráp gỗ hay những mãnh da động vật được phủ sơn. Hoặc chiếc quan tài bằng gỗ được phủ sơn đen có niên đại vào thế kỷ I sau Công nguyên, được Viện Bảo tàng Lịch sử khai quật vào năm 1977 tại Hà Nam. Hoặc toàn bộ quan tài được sơn son thếp vàng lộng lẫy tại một ngôi mộ cổ ở Thái Bình …
Song hành cùng với lịch sử dân tộc, nghề sơn đã gắn liền với sự phát triển của xã hội. Ở thời Lý, rất phổ biến trong việc dùng sơn để trang trí kiến trúc như cung điện, lầu gác, ngại kiệu, đồ thờ và những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày … Đặc biệt trong thời phong kiến từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, đồ sơn đã phát triển khá mạnh. Phục vụ cho đời sống tinh thần của con người với nhiều công trình kiến trúc như: đình, chùa, đền, miếu. Được trang trí sơn son thếp vàng lộng lẫy trên các đồ thờ như: hoành phi, câu đối, khám thờ, bát bửu, cửu võng, long đình, tranh thờ, tượng thờ … tạo cho đồ vật rực rỡ và bền, đẹp. Từ việc dùng sơn sống (nhựa cây sơn) để chế biến ra loại sơn then (sơn có màu đen), hay sơn cánh dán có màu nâu giống cánh con gián đã đánh dấu cho sự phát hiện mới. Với sự đóng góp rất lớn của các nghệ nhân trên khắp các làng nghề (nghề sơn) ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điển hình là Hà Tây (xứ Đoài) như: làng Bình Vọng, làng Sơn Đồng, làng Hạ Thái, làng Bối Khê, làng Kiêu Kỵ … đã trở nên phổ biến và tạo cho nghề sơn ta phát triển khá mạnh.
Từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925 tại Hà Nội, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc hình thành nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trong suốt quá trình tồn tại, nhà trường đã có những hoặt động tích cực trong việc đào tạo được nhiều họa sĩ tên tuổi.
Giai đoạn đầu mới mở trường từ năm (1925 – 1930), các họa sĩ đã say sưa khám phá chất liệu sơn dầu được đưa từ châu Âu sang, cũng như tiếp thu lối tạo hình bài bản được đúc rút từ phương Tây. Bắt đầu từ năm 1932, với yêu cầu đòi hỏi thực tế nghiên cứu và thực nghiệm của “sơn ta” truyền thống ngày càng cần thiết. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã mở xưởng nghiên cứu kỹ thuật “sơn ta”. Cùng với sự cộng tác của nghệ nhân Đinh Văn Thành (Phó Thành), người làng Hạ Thái thuộc (Hà Tây). Ông là thợ sơn có nhiều kinh nghiệm, đã cùng với thầy và trò của Trường mạnh dạn đưa những thử nghiệm mới và tìm tòi để phát triển kỹ thuật hơn, đó là: Từ chất liệu sơn quang dầu đã sáng tạo ra chất liệu sơn cánh dán và sơn then (đen) bằng cách pha nhựa thông với sơn ta, để có một chất sơn đặc quánh, có độ dày dặn, để mài được và từ đấy có tên là “sơn mài”.
Trong quá trình đào tạo, sau thời gian thử nghiệm nhà trường đã chính thức mở hai ban: Ban Hội họa, Điêu khắc và ban Sơn mài, đến năm 1934 có thêm ban Gốm. Như vậy, “sơn mài” từ một môn học thử nghiệm đã trở thành một môn học cơ bản và có trong khung chương trình đào tạo tương đương với hội họa và điêu khắc. Với những lớp họa sĩ đầu tiên có công lớn trong việc tìm tòi, nghiên cứu để sơn mài ngày càng phong phú, hoàn thiện về mặt kỹ thuật và không gian tạo hình. Điển hình như: HS.Trần Quang Trân, HS.Lê Phổ, HS.Nguyễn Khang, HS.Trần Văn Cẩn … sau này có nhóm họa sĩ như: Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Gia Trí. Với mong muốn chuyển tải từ một chất liệu được thể hiện trong đồ mỹ nghệ gia dụng thành một chất liệu nghệ thuật tạo hình bằng những kỹ thuật độc đáo riêng biệt.
Với sự say mê, học hỏi và sáng tạo, các họa sĩ Việt Nam đã nắm bắt những kỹ thuật như: pha chế sơn chín, hoặc kỹ thuật sử dụng các chất liệu son (có son thắm, son nhất, son nhì). Đồng thời sử dụng vàng, bạc (quỳ) kim loại, đã được dát mỏng để dán lên vóc hoặc rây nhỏ thành bột, rồi trộn với cánh dán được pha với nhựa thông hoặc dầu chẩu. Nhằm tạo ra màu trắng thì gắn vỏ trứng hoặc màu ghi xám thì gắn vỏ trai cùng với một số màu bột để vẽ lên bề mặt của tấm vóc. Do vậy, mà bảng màu phong phú hơn rất nhiều. Với cách vẽ điển hình như: “vẽ nhiều lớp – phủ dày – mài vẽ” là đặc trưng lớn nhất trong nghệ thuật làm tranh sơn mài.
Trong quá trình hoàn thiện bức tranh thì mài còn là nghệ thuật. Người họa sĩ phải có sự nhạy cảm, tinh tế và làm chủ được ý tưởng cũng như kỹ thuật của chất liệu. Khi vẽ nhiều lớp sơn hoặc màu chồng lên nhau, đến khi mài mới lộ ra, các lớp bên dưới ẩn hiện, đan xen vào nhau tạo ra một sắc màu mềm mại lung linh, huyền ảo. Bởi mài nông, mài sâu hoặc biết dừng đúng lúc đúng chỗ thì sẽ tạo ra hiệu quả nghệ thuật cao cho tác phẩm. trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, không phải cứ vẽ xong là đạt hiệu quả ngay, như sơn dầu và các chất liệu khác. Nó đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và đôi khi phải vẽ đi, vẽ lại, rồi mài (điều chỉnh) trong nhiều lần mới hoàn thành một bức tranh. Do vậy, trong quá trình vẽ và mài, sẽ xuất hiện nhiều chi tiết tình cờ, ngẩu nhiên xảy ra trong sắc độ và không gian của tranh. Nó thách thức những ai thực sự có lòng đam mê với nghề cũng như lôi cuốn người họa sĩ và hấp dẫn người thưởng thức, chính là vẻ đẹp long lanh, kỳ ảo được ẩn hiện ra dưới nhiều lớp.
Riêng cách gắn vỏ trứng trên nền vóc cũng đã có rất nhiều kỹ thuật khác nhau. Với nền vóc phẳng, người họa sĩ đục nhẹ một lớp sâu bên dưới những mảng hoặc hình đã định sẵn, rồi quét một lớp sơn then, hoặc cánh dán làm chất kết dính và gắn vỏ trứng. Vỏ trứng gà hoặc trứng vịt, sau khi bóc phần lụa bên trong, mang phơi khô rồi có thể gắn ngửa, gắn sấp. Đôi khi vỏ trứng có thể nướng lên rồi mới gắn cũng tạo ra hiệu quả bề mặt của bức tranh khác nhau. Vì bản thân vỏ trứng gà có màu trắng phớt hồng và khi mài xong sẽ khiến người xem cảm thấy ấm áp, trong khi vỏ trứng vịt lại gây cảm giác lạnh. Sau khi đã mài phẳng, họa sĩ có thể để màu trắng nguyên như vậy hoặc thường phủ một lớp cánh dán, hay phủ màu tùy theo chủ ý của từng người và tạo ra hiệu quả vô cùng bất ngờ trong tranh. Đồng thời vỏ trứng có thể gắn dày, gắn thưa hoặc đập nhỏ vụn rồi rắc lên những góc, mảng tranh, theo tính toán chủ động của họa sĩ. Ngày nay, có nhiều họa sĩ còn gắn vỏ trứng chim cút để giảm bớt phần mài. Qua quá trình thực hiện thì thấy rằng vỏ trứng chim cút rất mỏng và có thể gắn trực tiếp lên bề mặt vóc mà không cần phải đục thấp xuống một lớp vóc. Như vậy, vừa giảm được thời gian mài mà vẫn tạo ra hiệu quả bất ngờ, đây cũng chính là cách tìm tòi mới trong kỹ thuật gắn trứng của họa sĩ.
Bức tranh “Gió mùa hạ” của Phạm Hậu, được gắn vỏ trứng lên hết những bông hoa sen, nụ sen và cả chú ếch, tạo ra màu trắng sáng, bật ra khỏi nền nâu đậm của bức tranh. Trong khi bức tranh “Mùa đông sắp đến” của Trần Văn Cẩn lại được gắn toàn bộ vỏ trứng ở mảng tường lớn và dích dắc ở nền nhà hay tà áo dài của thiếu nữ tạo ra tính nhịp điệu trong tranh.
Bên cạnh đó, kỹ thuật dát vàng, bạc, thiếc (quỳ) trên bề mặt tranh hoặc những kỹ thuật như: tạo nền nhăn, phẳng, hoặc nền nứt rạn cũng là yếu tố chủ đạo và đặc trưng riêng trong tranh sơn mài. Nhìn chung, tranh sơn mài phải thể hiện được ba yếu tố: “Diễn chất, tả chất và tạo chất”.
Diễn chất: Là diễn tả bút pháp, phong cách riêng của người họa sĩ.
“Gió mùa hạ” – Phạm Hậu (sơn mài)
Tả chất: Là tả chất mây, chất nước, chất thủy tinh, lá cây … trên bề mặt tranh.
Tạo chất: Cùng trên bề mặt vóc, nhưng mỗi họa sĩ sẽ có cách thể hiện cũng như kỹ thuật khác nhau, dựa trên vàng, bạc, sơn, son, vỏ trai, vỏ trứng để tạo ra những chất tự nhiên khác nhau.
So với các chất liệu khác như sơn dầu hay lụa thì khâu tạo chất ở sơn mài, đã góp phần tạo nên sự độc đáo riêng. Để tạo ra hiệu quả bất ngờ trên mặt tranh, họa sĩ thường tạo ra sự nhẵn mịn, thô nhám, xù xì hay sâu thẳm khác nhau. Tất nhiên phải ủ chờ khô rồi mài và đánh bóng. Điều này còn phụ thuộc vào khả năng và sự tìm tòi riêng của tác giả và đây chính là khâu làm cho bức tranh trở nên lung linh hơn, đồng thời còn là thế mạnh của chất liệu.Vì ưu điểm của sơn then có màu đen, vừa trong, vừa sâu thẳm và huyền bí được họa sĩ dùng để tả màu nước, nhằm tạo ra không gian ước lệ. Trên thực tế thì nước không phải màu đen, nhưng các họa sĩ có thể tạo chất khi vẽ nước bằng màu đen của sơn (then). Điển hình trong bức tranh “Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn được ông diễn tả dòng nước trên cánh đồng bằng màu đen. Tuy nhiên, trong bức tranh “Tre” của Trần Đình Thọ lại được ông dùng son đỏ rực để tả màu nước và bầu trời. Có lẽ không màu đỏ nào lại rực rỡ và tươi mới như màu son và cũng không có màu đen nào sâu thẳm như sơn then. Màu nâu của đất được dùng sơn cánh dán để thể hiện sự thâm trầm, đằm thắm. Hay sự óng ánh của vàng, bạc được họa sĩ diễn tả bầu trời, nhằm thể hiện sự lóe sáng của ánh bình minh trong tranh “Bình minh trên nông trang” của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng.
Bình minh trên nông trang – Nguyễn Đức Nùng (sơn mài)
Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo cũng như đi tìm cái mới. Do vậy, các họa sĩ trẻ ngay nay, cũng đang trăn trở muốn khẳng định mình và tìm một hướng đi mới để nghệ thuật sơn mài tiếp tục phát triển. Ngoài kỹ thuật truyền thống và những đề tài như lao động sản xuất, chiến đấu, chiến tranh cách mạng hay phong cảnh của những năm 1980 về trước. Đến bút pháp của lớp họa sĩ từ những 1990 đến nay có sự thay đổi. Với cách thể hiện vô cùng đa dạng từ hiện thực đến trừu tượng, siêu thực và nhiều đề tài như dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo, tình yêu… trong nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đặc biệt là ở những cuộc thi giải thưởng mỹ thuật lớn trong nước và quốc tế, tranh sơn mài đã có những ảnh hưởng và tiếng vang lớn. Điển hình của năm 1998, có cuộc thi Mỹ thuật Việt Nam ASEAN, của tập đoàn các công ty Philip Morris, tổ chức tại Hà Nội với 3 trên 5 tác phẩm là chất liệu sơn mài được giải thưởng đó là: Tác phẩm “Trở về” của HS. Huy Hoàng, tác phẩm “Âm nhạc cổ” của HS. Lê Hữu Ích và tác phẩm “Hóa mã” của Chu Anh Phương. Đây là những tác phẩm được hội đồng và giới chuyên môn đánh giá cao và góp phần làm cho nghệ thuật sơn mài phát triển hơn nữa. Gần đây nhất vào tháng 12 năm 2013 có HS. Lê Phan Quốc, giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế đã đạt giải nhì với tác phẩm: “Tuổi hồn nhiên”, kích thước 1m x 1m (sơn mài), tại cuộc thi Nghệ thuật tiểu vùng sông Mekong lần II được tổ chức tại Thái Lan. Đây không chỉ là vinh dự lớn của bản thân họa sĩ, mà còn là niềm tự hào của trường Đại học Nghệ thuật Huế. Qua đó, cho thấy các họa sĩ trẻ Huế vẫn luôn trăn trở, sáng tạo và dành nhiều tình yêu cho sơn mài.
Đây là chất liệu khó vẽ, khó làm, kỹ thuật rất phức tạp, so với các chất liệu khác cũng như khi mua vàng, bạc, sơn, son rất đắt. Vừa khó tiêu thụ và kén người thưởng thức (chủ yếu là người trong giới chuyên môn quan tâm). Người phương Tây và các nước trong khu vực rất yêu thích tranh sơn mài của Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài yếu tố về vấn đề suy thoái kinh tế như hiện nay, thì khâu vận chuyển bị hạn chế, nên đây cũng là vấn đề hạn chế về khâu tiêu thụ. Nếu như tranh sơn dầu hay tranh lụa rất phổ biến, khách mua tranh có thể cuộn lại, đưa lên máy bay rất nhẹ nhàng, thì tranh sơn mài do cước phí máy bay rất cao bởi tấm vóc nặng, nếu là tranh khổ lớn, khoảng(12 đôla /1kg). Nhưng, chính điều này đã góp phần làm cho tranh sơn mài trở nên quý giá và độc đáo hơn. Một vấn đề nữa, là bản thân các họa sĩ vẽ sơn mài chưa được sự đầu tư quan tâm, tài trợ nhiều từ phía các sưu tập tư nhân và nhà nước. Gần như họa sĩ phải tự thân vận động, từ khâu làm vóc, vẽ cho đến khâu tiêu thụ. Và không phải họa sĩ nào vẽ tranh xong là có thể bán được ngay. Tuy nhiên, cũng có sự ưu ái hơn một chút cho tranh sơn mài tại các cuộc thi, triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm hay triễn lãm của Hội Mỹ thuật được giới chuyên môn chú ý, quan tâm hơn so với các chất liệu khác. Mặc dù đây là chất liệu mang nhiều thế mạnh bởi những biểu chất và kỹ thuật độc đáo riêng biệt nhưng cũng có một vài hạn chế trên. Chính điều này đã thách thức và lôi cuốn không những các họa sĩ vẽ sơn mài mà cả người thưởng thức. Để thành công về sơn mài và tạo dấu ấn riêng trong lòng công chúng, đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài sự say mê, tâm huyết với nghề. Đồng thời còn phải có sự tìm tòi, phát hiện không ngừng trong kỹ thuật và tạo hình, để có những cách tân táo bạo nhưng vẫn kế thừa giá trị truyền thống nhằm góp phần làm cho sơn mài phát triển hơn nữa.
Từ một chất liệu trang trí truyền thống, được cha ông, nghệ nhân đã khai phá, tìm tòi để lại. Đến các lớp nghệ sĩ tiếp thu và chọn lọc, rồi sáng tạo để phát triển thành một chất liệu sơn mài trong tạo hình mang bản sắc của dân tộc việt Nam. Trở thành một chất liệu có thế mạnh, với những kỹ thuật độc đáo riêng biệt, đã để lại một kho tàng quý giá nghệ thuật dân tộc. Do vậy, chúng ta không những tự hào mà còn phải dành nhiều thời gian sáng tác, nghiên cứu và phát hiện ra những kỹ thuật mới hơn. Góp phần làm cho sơn mài luôn là chất liệu độc đáo sang trọng và rất có thể trong tương lai, trở thành quốc họa Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Huyên (1995) – Nghề sơn cổ truyền Việt Nam, NXB Mỹ thuật.
2. Phạm Đức Cường (1988) – Kỹ thuật sơn mài, NXB Văn hóa thông tin.
3. Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (2002) – Sơn ta và nghề sơn truyền thống Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo, NXB Mỹ thuật.
Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, Số 02 năm 2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đôi nét về sự độc đáo trong tranh sơn mài Việt Nam (Tác giả: ThS. Lê Thị Tiềm) |