Đôi nét về TIẾP BIẾN VĂN HOÁ VIỆT – HÀN thông qua HIỆN TƯỢNG HÀN LƯU
PHAN THÁI BÌNH
(ThS, Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM)
1. Những vấn đề chung
Lịch sử văn hoá Việt Nam đã trải qua một số lần tiếp biến quan trọng. Lần thứ nhất là thời kỳ tiếp nhận văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc trong thời cổ, trung đại. Quá trình tiếp biến theo hai con đường: cưỡng bức và hoà bình. Văn hoá Việt Nam vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá ngoại nhập. Lần thứ hai là từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945, văn hoá Pháp du nhập vào Việt Nam và bị nền văn hoá bản địa phản kháng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có không ít tinh hoa của văn hoá Pháp đã được văn hoá Việt Nam tiếp thu. Lần thứ ba là từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay, luồng văn hoá từ phương Tây vào Việt Nam góp phần làm thay đổi diện mạo văn hoá Việt Nam. Những năm gần đây, văn hoá Hàn Quốc thâm nhập Việt Nam và đã có những ảnh hưởng nhất định đến văn hoá bản địa.
Bối cảnh hội nhập văn hoá đặt ra nhiều thách thức lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng. Việc xâm nhập của các nền văn hoá ngoại lai vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là làn sóng văn hoá Hàn Quốc trong những năm gần đây, đã tác động đến một bộ phận thanh niên, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước sức ép của văn hoá nước ngoài và yêu cầu bảo tồn văn hoá dân tộc, người Việt Nam nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng phản ứng như thế nào và họ có giữ gìn được các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, cũng như những giá trị văn hoá truyền thống có xung đột với những giá trị mới của văn hoá ngoại lai không là những vấn đề bài viết quan tâm.
Hai lý thuyết chính được sử dụng để nghiên cứu trong bài báo này là lý thuyết lựa chọn duy lý và lý thuyết tiếp biến văn hoá.
Lý thuyết lựa chọn duy lý (còn gọi là lý thuyết lựa chọn tối ưu) đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Nhà xã hội học Neil Smelser ghi nhận rằng đó là một chủ đề trọng tâm không chỉ trong lĩnh vực lý luận xã hội mà còn trong các lĩnh vực khoa học xã hội khác ở thập niên cuối của thế kỷ XX. Thuyết lựa chọn duy lý dựa vào tiền đề cho rằng con người luôn hành động một cách có chủ đích, có suy nghĩ để lựa chọn và sử dụng các nguồn lực một cách duy lý nhằm đạt được kết quả tối đa với chi phí tối thiểu. Phạm vi lựa chọn không chỉ có các yếu tố vật chất mà còn có cả yếu tố lợi ích xã hội và tinh thần.
Theo J.Elster, thuyết này có thể hiểu là khi đối diện với một số hành động, mọi người thường làm cái mà họ tin là có khả năng đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất. G.Simmel nêu ra nguyên tắc cùng có lợi của mối tương tác xã hội giữa các cá nhân và cho rằng mỗi cá nhân luôn phải cân nhắc để theo đuổi mục đích riêng, thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Để trả lời cho câu hỏi cơ bản của xã hội học “Cái gì tạo nên sự trật tự xã hội?”, các tác giả của thuyết này đưa ra câu trả lời khá rõ ràng: đó là sự lụa chọn hợp lý, sự trao đổi xã hội có khả năng tạo dựng và duy trì ổn định, trật tự xã hội.
Thông qua lý thuyết này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao các yếu tố ngoại lai (trong trường hợp này là yếu tố Hàn lưu) cùng với những giá trị của nó lại có tác động mạnh đến người Việt Nam (trong trường hợp này là thanh niên Việt Nam) và văn hoá Việt Nam.
Giao lưu văn hoá sẽ tạo ra hiện tượng tiếp biến văn hoá. Giao lưu văn hoá là khái niệm do các nhà nghiên cứu nhân học Anglo-Saxon đưa ra vào cuối thế kỷ XIX. “Acculturation” (1) là khái niệm chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền văn hoá khác nhau và kết quả của cuộc tiếp xúc này là sự thay đổi hoặc biến đổi của một số loại hình văn hoá của một hoặc cả hai nền văn hoá đó. Giao lưu văn hoá tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hoá ở các cộng đồng. Ở đó có sự kết hợp giữa các yếu tố “nội sinh” với yếu tố “ngoại sinh” tạo nên sự phát triển văn hoá phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn. Giao lưu và tiếp biến văn hoá là sự tiếp nhận văn hoá nước ngoài bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn buộc mỗi dân tộc phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố “nội sinh” và “ngoại sinh”.
Sự giao lưu tiếp biến văn hoá cũng là một cơ chế khác của biến đổi văn hoá, đó là sự trao đổi những đặc tính văn hoá nảy sinh khi các cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục. Các hình mẫu văn hoá nguyên thủy của một cộng đồng hoặc của cả hai cộng đồng có thể bị biến đổi thông qua quá trình tiếp xúc này. Các thành tố của các nền văn hoá biến đổi, song mỗi nền văn hoá vẫn giữ tính riêng biệt của mình.
Như vậy, tiếp biến văn hoá là sự tiếp xúc giữa những nhóm người khác nhau về văn hoá, do đó sinh ra những sự thay đổi về văn hoá. Khi hai nền văn hoá A và B gặp nhau thì ảnh hưởng lẫn nhau, kết quả A thành A2, B thành B2[4].
Tiếp biến văn hoá thể hiện qua hai phương thức: phương thức bạo lực và phương thức hoà bình. (1) Phương thức bạo lực thông qua các cuộc chiến tranh, xâm lược của chủ nghĩa thực dân. A mạnh hơn B, áp đặt văn hoá của mình. Nếu bản sắc văn hoá B không đủ sức chống lại, nó sẽ bị phá hủy từng phần và có khi bị tiêu diệt. (2) Phương thức hoà bình thông qua buôn bán, truyền bá tôn giáo tư tưởng, trao đổi văn hoá nghệ thuật, tức là đối thoại văn hoá. Thời gian đầu chủ thể tiếp nhận bao giờ cũng xảy ra hiện tượng “sốc” văn hoá [4].
Việc vận dụng lý thuyết tiếp biến văn hoá trong nghiên cứu Hàn lưu sẽ cho thấy rõ hơn quá trình tiếp nhận văn hoá Hàn và những biến đổi, tác động của nó đến với văn hoá Việt.
Hàn lưu (2) là thuật ngữ chỉ sự nổi tiếng của văn hoá Hàn Quốc ở nước ngoài nhờ các ngôi sao được hâm mộ trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh. Hàn lưu không chỉ giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh mà còn được dùng để chỉ những món ăn hay những sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc được ưa thích ở nước ngoài. Hàn lưu đã giúp Hàn Quốc từng bước trở thành một cường quốc trong lĩnh vực tiếp thị, quảng bá văn hoá dân tộc và xuất khẩu văn hoá 3 ra bên ngoài trong phạm vi không chỉ gói gọn trong châu lục mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Tuy nhiên, quá trình thâm nhập và tác động của Hàn lưu ở mỗi quốc gia có những đặc điểm và đặc trưng khác nhau tuỳ vào thái độ tiếp nhận cùa chủ thể văn hoá và sự chi phối của yếu tố văn hoá bản địa.
Tại Việt Nam, Hàn lưu đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. (4) Đối với các thành phố lớn ở miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh hay Cần Thơ, nơi mà quá trình đô thị hoá, giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, thì tác động của Hàn lưu khá đậm nét trong rất nhiều lĩnh vực. Trong một cuộc điều tra xã hội học về sự tiếp nhận và ảnh hưởng của làn sóng văn hoá Hàn Quốc trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, PGS.TS Phan Thu Hiền đã đưa ra nhận định rằng Hàn lưu dù có dấu hiệu “bão hoà”, “sóng xuôi” thì vẫn mạnh mẽ ở Việt Nam với khá nhiều người trẻ yêu thích và sử dụng các sản phẩm Hàn Quốc. Hàn lưu có ảnh hưởng đa dạng đối với cuộc sống giới trẻ cả về văn hoá vật chất lẫn văn hoá tinh thần [12].
2. Tác động của Hàn lưu đến văn hoá Việt
Trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, những bộ phim của nền điện ảnh Hàn Quốc (5) được nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường thương mại hoặc theo con đường giao lưu kinh tế đều thể hiện giá trị nhân văn về tình yêu nam nữ, về đạo lý ở hiền gặp lành. Những điều ấy phù hợp với lối suy nghĩ của người Việt Nam.
Mặt tích cực ở đây là nhờ có điện ảnh, nhiều thanh niên Việt đã hiểu hơn về những vấn đề tình yêu của lứa tuổi mình, một chủ đề mà điện ảnh Việt Nam ít khai thác hoặc chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Các bậc cha mẹ cũng tìm thấy mình trong đó. Họ cảm thấy cần quan tâm hơn nữa đến đời sống riêng tư của mình và cũng có dịp so sánh vai trò làm cha làm mẹ của mình với những nhân vật trong phim theo văn hoá Hàn Quốc. Đó là sự tương đồng về bổn phận làm cha mẹ, nhưng khác biệt trong cách suy nghĩ và thể hiện tình cảm với con cái. Sự thể hiện tình yêu trong các bộ phim Hàn trái ngược với sự thể hiện tình yêu trong phim Việt Nam. Tình yêu trong các bộ phim Hàn là tình yêu nam nữ thuần túy, bị chi phối bởi những vấn đề của tâm lý lứa tuổi và đan xen với sự xung đột giữa các tầng lớp xã hội. Tình yêu trong các bộ phim Hàn Quốc được thể hiện một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, lãng mạn và trong sáng. Trong những bộ phim của Việt Nam, tình yêu lứa đôi gắn với các hành động yêu nước cụ thể, chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc, tình yêu lứa đôi đặt sau tình yêu đất nước và cách thể hiện ít nhiều khô cúng, công thức. Do đó, cách thể hiện tình yêu trong phim Hàn đã khiến nhiều bạn trẻ Việt Nam thích thú vì phù hợp với họ, những thanh niên đang sống trong hoà bình. Sự tiếp nhận ấy đã được giới trẻ Việt Nam thể hiện trong những màn tỏ tình, cầu hôn của mình trong thời gian gần đây. Qua các bộ phim truyền hình, giới trẻ đã học phong cách sống, phong cách làm việc của các bạn trẻ Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực thời trang, làm đẹp, Hàn lưu đã tạo nên một phong cách mới trong xã hội Việt Nam. Hàn lưu đã góp phần tạo nên những giá trị mới bổ sung cho những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, trào lưu unisex (không phân biệt giới tính) trong trang phục của nam giới theo Hàn lưu là vấn đề đáng lưu tâm. Theo trào lưu này, nam giới mặc áo hoa kèm những phụ kiện vòng nhẫn rườm rà, thậm chí trang điểm son phấn như phụ nữ khiến nam giới có phần nữ tính hơn. Phong cách sexy của nhiều ngôi sao nữ Hàn Quốc cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách ăn mặc giới trẻ Việt [16].
Trong phong cách sống, quan niệm về tình yêu và gia đình có ít nhiều thay đổi trong một bộ phận giới trẻ Việt hiện nay do ảnh hưởng từ Hàn lưu. Quan niệm về tình yêu, hôn nhân thoải mái, phóng khoáng hơn. Trong giới trẻ đã xuất hiện tâm lý yêu nhanh sống vội và chờ ngày tình yêu của mình kết thúc như trong phim Hàn. Những cách tỏ tình thậm chí những cách ghen tuông cũng được giới trẻ sao chép từ phim Hàn.
Những tác động tích cực cũng như tiêu cực của Hàn lưu đến đời sống cá nhân và đời sống gia đình của giới trẻ Việt Nam được thể hiện trong bảng sau [16].
TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC | TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC |
Đời sống cá nhân | Đời sống cá nhân |
(1) Có thể học hỏi Hàn Quốc về tính hiện đại nhưng vẫn bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống. (2) Góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao ý thức tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc. (3) Học hỏi phong cách sống về tình yêu chân thành, chung thủy và đề cao chữ hiếu. (4) Thanh niên học được cách sống tự lập, độc lập. (5) Có nhiều sự lựa chọn trong phong cách thời trang Hàn Quốc giúp nữ giới thêm phần trẻ trung, duyên dáng, tự tin; nam giới thêm cá tính, năng động. | (6) Một số thanh niên mê Hàn lưu, đua đòi, ăn diện, chạy theo vẻ bề ngoài, rập khuôn theo phong cách của các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc Hàn Quốc. (7) Mất nhiều thời gian, sao nhãng chuyện học hành. (8) Ảo tưởng trong tình yêu, mơ mộng hão huyền, xa rời thực tế. (9) Yêu thần tượng một cách thái quá. |
Đời sống gia đình | Đời sống gia đình |
(1) Thông qua một số bộ phim Hàn Quốc mang giá trị nhân văn và giá trị giáo dục rất cao, các bậc phụ huynh có thể giáo dục con cái sống hiếu thảo, biết nghĩ cho người khác, tránh lối sống thờ ơ, vô cảm trước người khác. (2) Hàn lưu giúp cha mẹ hiểu hơn về nếp sống, cách nghĩ và hành động của con cái. Điều này góp phần làm cho đời sống gia đình thêm tinh tế, thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn. | (3) Người con trong gia đình ngày nay trở nên bất chấp tất cả để đạt được điều họ muốn. (4) Con cái có thể lớn tiếng cãi nhau với cha mẹ, bỏ nhà ra đi. (5) Con cái thích tự quyết định hôn nhân của mình trong khi nhận thức chưa thật chín chắn. |
Ở góc độ khác, chẳng hạn như trong lĩnh vực tiêu dùng, Hàn lưu đã tạo ra sự đa dạng, đầy màu sắc cho các lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Điều này góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng của người Việt. Trong lĩnh vực ẩm thực, ẩm thực Hàn Quốc vừa mang lại sự khác lạ về mặt vị giác vừa thể hiện sự mới lạ về màu sắc nhưng ít nhiều tương đồng với khẩu vị Việt nên đã nhanh chóng được người Việt Nam đón nhận. Chẳng hạn như món kim chi đã xuất hiện trong ẩm thực Việt Nam. Hơn nữa, sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà hàng Hàn Quốc ở Việt Nam góp phần làm cho bức tranh ẩm thực Việt Nam thêm đa dạng, phong phú.
Có thể nói quá trình giao lưu tiếp biến với văn hoá Hàn thông qua Hàn lưu giúp đã khiến cho hai nền văn hoá gần gũi hơn và hiểu được những nét văn hoá truyền thống cũng như hiện đại của nhau. Nhìn từ khía cạnh khác, văn hoá Việt Nam đã thay đổi, nhường chỗ cho văn hoá Hàn trên một số lĩnh vực. Một bộ phận thanh niên bị cuốn theo Hàn lưu, còn những giá trị văn hoá của dân tộc không còn được coi trọng. Vì vậy, việc đưa ra những định hướng cụ thể trong việc tiếp nhận văn hoá Hàn nói riêng và văn hoá ngoại lai nói chung là thật sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
3. Định hướng tiếp nhận Hàn lưu
Dù muốn hay không thì Hàn lưu cũng đã xâm nhập vào Việt Nam và có tác động mạnh mẽ đến văn hoá Việt Nam. Do đó, cần tận dụng và phát huy tối đa những giá trị mà Hàn lưu mang lại cho văn hoá Việt Nam; đồng thời hạn chế đến mức tối đa những tác hại, nếu có đến văn hoá bản địa.
Thứ nhất, nên xem Hàn lưu như một sự bổ khuyết cho văn hoá truyền thống Việt Nam. Truyền thống vừa là nguồn sống vừa là nguồn sáng tạo cho văn hoá dân tộc. Truyền thống cần luôn đặt trong mối quan hệ với hiện tại và tương lai. Cần nhìn nhận rằng không phải mọi truyền thống đều có giá trị như nhau và đều có những giá trị tích cực phục vụ cho sự phát triển của văn hoá dân tộc [10]. Vì thế việc nghiên cứu sự tác động của những giá trị truyền thống đến hiện tại là điều quan trọng để phân biệt những tác động tích cực và tiêu cực, từ đó phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực của các giá trị truyền thống. Hàn lưu vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại nên phù hợp với lối sống văn minh thời hiện đại. Việc tiếp nhận Hàn lưu sẽ tác động đến lối sống của thanh niên, làm cho nó hiện đại hơn và dần dần khắc phục lối sống tuỳ tiện, tự ti, mặc cảm, [16].
Thứ hai, Hàn lưu kích thích phát triển tư duy và óc sáng tạo. Hàn lưu đến Việt Nam đã góp phần xoá bớt tính lạc hậu, ù lì trong một bộ phận thanh niên, thay vào đó là sự trẻ trung, hiện đại, hoà vào dòng chảy văn hoá trong quá trình hội nhập.
Thứ ba, Hàn lưu góp phần cho sự phát triển của tư duy đa văn hoá [16]. Thời đại toàn cầu hoá cũng là thời đại đa văn hoá. Làn sóng Hàn quốc đã ít nhiều giúp quá trình đa phương hoá trong quan hệ đa văn hoá của Việt Nam trở nên suôn sẻ và góp phần cung cấp những món ăn tinh thần và vật chất mới, góp phần làm phong phú thực đơn văn hoá và khẩu vị cho công chúng Việt Nam [10]. Nếu định hướng đúng và chủ động tiếp nhận những mặt tích cực của Hàn lưu giúp cho thanh niên cởi mở hơn trong môi trường đa văn hoá, tránh được lối tư duy thụ động của người Việt.
Thay lời kết
Hội nhập văn hoá là xu hướng chung của nhân loại. Xu thế hội nhập văn hoá hiện nay đang đặt ra cho Việt Nam bài toán tiếp biến văn hoá. Tiếp biến như thế nào để hoà nhập mà không hoà tan trong bối cảnh những nền văn hoá ngoại lai đang trở nên ngày càng phổ biến trong sinh hoạt văn hoá của người dân, đặc biệt là của thanh niên. Tiếp biến văn hoá Việt Hàn thông qua Hàn lưu rõ ràng đã có những ảnh hưởng nhất định tới văn hoá Việt Nam, giới trẻ Việt Nam.
Mọi hiện tượng đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Hàn lưu cũng không ngoại lệ. Sự hiện diện của văn hoá Hàn Quốc trong văn hoá của giới trẻ đã tạo nên sự thách thức đối với các giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam. Văn hoá Việt Nam được xem là văn hoá hỗn dung. Tuy nhiên, việc dung nạp các giá trị mới vào nền văn hoá truyền thống cần có thời gian. Đó là thời gian nhằm kiểm nghiệm, chắt lọc tinh hoa, nhận diện để tạo ra sự hoà hợp giữa những giá trị mới và giá trị cũ. Không giống như văn hoá Pháp, văn hoá Trung Hoa được tiếp biến một cách tiệm tiến một thời gian rất dài trong nền văn hoá truyền thống Việt Nam, văn hoá Hàn Quốc tràn vào một cách ồ ạt và mạnh mẽ chỉ trong gần hai chục năm qua đã tạo ra sự xung đột giữa giá trị mới và giá trị truyền thống. Giới trẻ đang dậy lên những trào lưu như sống thử, sống gấp. Bên cạnh đó, thói quen tiêu xài hoang phí và theo đuổi nhũng lợi ích vật chất, lối sống thực dụng là nét không đặc trưng cho con người Việt Nam cần, kiệm. Tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người phụ nữ phương Đông truyền thống là “công, dung, ngôn, hạnh” bị biến dạng, nhường chỗ cho sự táo bạo, phô trương. Trong lĩnh vực giải trí, giới trẻ đang bị cuốn hút và mải mê chạy theo những trào lưu du nhập từ nước ngoài. Sức trẻ cộng với tâm lý thích khám phá những điều mới lạ, bắt kịp các trào lưu đang thịnh hành trên thế giới khiến nhiều bạn trẻ không ngại ngần chạy theo cả những trào lưu độc dị khiến chúng ta không khỏi giật mình, như hát cùng dao kéo, chụp ảnh quái dị [9].
Để những “luồng gió độc” của văn hoá ngoại lai không xâm hại đến nền văn hoá dân tộc, chủ thể văn hoá Việt Nam phải có một bản lĩnh, một trình độ nhận thức nhất định. Đó là năng lực tự thân của mỗi cá nhân và quan trọng hơn là nó được vun trồng, nuôi dưỡng từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Muốn bảo tồn được các giá trị văn hoá dân tộc, đồng thời vẫn tiếp thu được các giá trị văn hoá nhân loại thì điều cốt yếu là phải tích cực tuyên truyền, giáo dục cho chủ thể văn hoá Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, giúp họ hiểu được những giá trị của văn hoá truyền thống, có niềm tự hào dân tộc và nhận thức được các mặt tốt xấu, tích cực, tiêu cực của các luồng văn hoá ngoại lai.
Điều quan trọng là phải làm cho văn hoá nội sinh trở thành một thành trì vững chắc [9]. Cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống Việt Nam với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống, tiếp thu văn hoá nước ngoài thì phải đồng thời chống cả hai xu hướng cực đoan là sùng ngoại lẫn sùng cổ. Có tinh thần, thái độ phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với lối sống chạy theo ngoại lai một cách mù quáng, chống lại những âm mưu đồng hoá văn hoá. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống và học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đấu tranh mạnh mẽ với những ảnh hưởng tiêu cực từ nước ngoài chính là góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam giàu mạnh.
__________
(1) Có nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ “Acculturation”. Michel Panoff và Michel Perrin cho rằng “Giao lưu và tiếp biến văn hoá là thể hiện hiện tượng thay đổi văn hoá trong quá trình tiếp xúc trực tiếp và dài lâu giữa hai hoặc nhiều tộc nguời có những nền văn hoá khác nhau”. Những nhà nhân học như R.Reddifield, R. Linton, M. Herkovits lại cho rằng “Giao luu và tiếp biến văn hoá dẫn đến sự biến đổi mô thức văn hoá ban đầu của một hoặc hai tộc người”. Richley H. Crapo “Acculturation là quá trình tự điều chỉnh và thay đổi văn hoá của cả hai tộc người, khi hai hay nhiều nền văn hoá tác động qua lại mạnh mẽ với nhau”.
(2) Thuật ngữ Hàn lưu (Hallyu – Korean wave), với hàm nghĩa về sự lan rộng ảnh hưởng văn hoá Hàn Quốc, xuất hiện lần đầu tiên là trên báo chí Trung Quốc vào khoảng giữa năm 1999 khi các ký giả đề cập đến sự lôi cuốn mạnh mẽ giới trẻ nước này của những ban nhạc Hàn Quốc như Clone, H.O.T. Thực tế thi làn sóng văn hoá Hàn Quốc đã bắt đầu từ năm 1993, với thành công vang dội chưa từng có của bộ phim Hàn, Jiltu (Jealousy), ở Fukuoka, Nhật Bản, mở ra một thời kỳ mới châu Á bị điện ảnh, rồi sau đó là những sản phẩm văn hoá khác của Hàn Quốc chinh phục, dần dà phát triển sự quan tâm, hứng thú, say mê đối với hình tượng Hàn Quốc nói chung. Thành công của bộ phim Bản tinh ca mùa đông (Winter Sonata) năm 2003 được xem như cái mốc đánh dấu giai đoạn thứ hai, phát triển hơn về chiều sâu, của Hàn lưu ở châu Á [12].
(3) “Xuất khẩu văn hoá” là một khái niệm nằm trong “sức mạnh mềm”, do giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard đặt ra vào năm 1990. “Sức mạnh mềm” là thuật ngữ nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng. Đối với Hàn Quốc, đó là việc tiếp thị, quảng bá văn hoá và sử dụng văn hoá dân tộc để tác động đến các quốc gia khác.
(4) Có nhiều yếu tố dẫn đến việc Hàn lưu thâm nhập vào Việt Nam: (1) Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của Việt Nam. Cùng với xu hướng đầu tư vào Việt Nam, cộng đồng người Hàn Quốc đến sinh sống và học tập ở Việt Nam ngày càng nhiều. Hiện tại, Hàn Quốc trở thành cộng đồng nước ngoài đông nhất tại Việt Nam. (2) Năm 1997, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng cho Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh một số bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc. Khán giả Việt Nam từ đó đã có cơ hội tiếp cận với điện ảnh Hàn Quốc. (3) Văn hoá Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với văn hoá Việt Nam do trong quá trình lịch sử cả hai đều có một thời gian chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Vì thế, những quan niệm xã hội, những hành vi ứng xử, những tình tiết được thể hiện trên phim Hàn Quốc dễ dàng tạo được sự đồng cảm và chiếm được cảm tình của người Việt Nam. (4) Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nơi hội tụ của nhiều nền văn hoá nên hiện tượng Hàn lưu thâm nhập mạnh vào Việt Nam là điều tất yếu.
(5) Câu chuyện tình yêu của Yumi trong phim Yumi tình yêu của tôi, chuyện tình yêu tay ba trong Anh em nhà bác sĩ hay câu chuyện tình buồn của hai người bạn với một cô gái trong Trái tim mùa thu đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả Việt. Những cảnh quay lãng mạn, những lời thoại nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người đã chiếm được cảm xúc của người xem.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Thúy Oanh (2013), Sự hội nhập vào Việt Nam của cộng đồng người Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Charles K. Amstrong (2002), Korean society: civil society, democracy and the state, London: Routledge.
(3) Huỳnh Văn Tới 2012: “Tác động của làn sóng văn hoá Hàn Quốc đối với lớp trẻ ở Đồng Nai”, trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Tìm hiểu làn sóng văn hoá Hàn Quốc ở châu Á – Thành phố Hồ Chí Minh.
(4) Kang Young Mi (2013), Tìm hiểu ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc đến giới trẻ Việt Nam qua âm nhạc và điện ảnh. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
(5) Korean National Commission for UNESCO (2004), Koreanphilosophy: its tradition and modern transformation, Hollym.
(6) Kim Myoeng Hye (2012), “Hàn lưu giũa ngã ba đường. Hiện trạng và những tồn tại của Hàn lưu”, trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Tìm hiểu làn sóng văn hoá Hàn Quốc ở châu Á – Thành phố Hồ Chí Minh.
(7) Jung Bong Choi (2004), “Hallyu (The Korean wave): A cultural tempest in East and South East Asia”. USA Today.
(8) Lê Thị Anh (2013), Ảnh hưởng của văn hoá nước ngoài đến văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay- Học viện báo chí tuyên truyền.
(9) Nguyễn Ngọc Thơ (2014), “Hàn lưu và văn hoá Việt Nam đương đại”. Tạp chí Inmunhak, Đại học Chonbuk.
(10) Phan Thị Oanh (2014), Hàn lưu và văn hoá Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á (www.cks.inas.gov.vn/index.php=464).
(11) Phan Thu Hiền (2008), “Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu (Làn sóng văn hoá Hàn Quốc ở Đông Nam Á”, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Hàn Quốc học ở Đông Nam Á – Thái Lan.
(12) Phan Thu Hiền (2012), “Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của làn sóng văn hoá Hàn Quốc trong giới trẻ Việt Nam hiện nay (qua khảo sát ý kiến học sinh, sinh viên)”, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Tìm hiểu làn sóng văn hoá Hàn Quốc ở châu Á – Thành phố Hồ Chí Minh.
(13) Trần Nam (2013), Sự hội nhập của sinh viên Hàn Quốc với điều kiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh – Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
(14) Trần Thị Thu Lương (2002), “Những dấu ấn của văn hoá Hàn ở Việt Nam qua giao lưu kinh tế và văn hoá từ thập kỷ 90 đến nay”, ttong Những vấn đề văn hoá, xã hội và ngôn ngữ Hàn Quốc – Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
(15) Trần Trương Thị Thanh Nhanh 2015: Làn sóng văn hoá Hàn Quốc trong thanh niên ở TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang hiện nay. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Trà Vinh.
(16) Vũ Thu Trang (2014), “Tiếp biến văn hoá và những thay đổi tâm lý ở thanh niên Việt Nam hiện nay”, bài tham luận trong sinh hoạt khoa học ở Học viện Khoa học Xã hội.