Đóng góp của Madeleine Colani đối với nền khảo cổ học Việt Nam

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN VĂN QUẢNG
(Bộ môn Nhân học – Khảo cổ – Văn hóa du lịch,
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế)

     Madeleine Colani (sau đây xin viết là M.Colani) là một nhà cổ thực vật học kiêm khảo cổ học người Pháp, sinh năm 1866 ở Strasbourg trong một gia đình theo đạo Tin lành. Bà có ba anh em, tên André, Jeanne, và Léonore, tất cả đều học hành cao và không ai lập gia đình, chính vì vậy gia đình này không có hậu duệ. Năm 1899, M.Colani sang Việt Nam làm việc tại Phòng Điạ chất (Sở Địa chất Đông Dương) và dạy vạn vật; năm 1914, bà về Pháp bảo vệ bằng tiến sĩ đại học rồi tiến sĩ quốc gia chuyên ngành thực vật cổ (paleobotanist) với luận án về vi sinh vật biển hoá thạch Fusulinidae. Trong những năm 1917 – 1927, bà công tác ở Sở Địa chất Đông Dương (Service Géologique de l’Indochine), là cộng sự đắc lực cho Henry Mansuy, cùng với Mansuy khai quật và nghiên cứu nhiều hang động thuộc văn hoá Bắc Sơn. Từ 1926 đến 1932, bà khai quật một số hang động thuộc văn hoá Hoà Bình. Năm 1929, bà là cộng tác viên của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (L’École Française d’Extrême-Orient). Từ 1930 đến 1938, bà tiến hành các cuộc nghiên cứu ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, khu vực vịnh Hạ Long và các di tích cự thạch ở Lào. Bà qua đời tại Việt Nam năm 1943 ở tuổi 77. Mặc dù, M.Colani là nhà cổ thực vật học nhưng đã có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu Khảo cổ, đặc biệt là thời Tiền sử ở Việt Nam.

1. Những bước đi đầu tiên (1917-1926)

     Năm 1898, để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa của mình, cùng với việc thành lập Ủy ban Khảo cổ học Đông Dương (sau đổi thành Viện Viễn đông Bác cổ – L’École Française d’Extrême-Orient vào năm 1900), thực dân Pháp cũng thành lập Sở Địa chất Đông Dương (Service Géologique de l’Indochine) với nhiệm vụ rõ ràng là “lập các bản đồ địa chất và tiến hành nghiên cứu về địa chất, địa tầng, kiến tạo, cổ địa lý, trầm tích luận, khoa núi lửa, vận động tạo núi… Cổ sinh vật, nhân loại học tiền sử, kể cả nghiên cứu công cụ đá1. Viện Viễn Đông Bác cổ là cơ quan chuyên nghiên cứu và bảo tồn các di tích khảo cổ, nhưng trong 20 năm đầu, cơ quan này chủ yếu tập trung nghiên cứu và bảo tồn các di tích khảo cổ học lịch sử, nhất là văn hóa Champa, giai đoạn Tiền sử hầu như không đƣợc quan tâm đúng mức mãi đến năm 1929. Trong khi đó, do phƣơng pháp nghiên cứu của Sở Địa chất Đông Dương và do mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác thăm dò địa chất và việc điều tra, khai quật khảo cổ nên công cuộc thăm dò phát hiện nghiên cứu khảo cổ học Tiền sử ở Việt Nam ban đầu chủ yếu do các nhà khoa học ở Sở Địa chất Đông Dương đảm nhiệm.

     Nếu như Henry Mansuy là người tiên phong và là người có công đầu trong việc nghiên cứu khảo cổ học Tiền sử Việt Nam nói chung và văn hóa Bắc Sơn nói riêng thì M.Colani đƣợc xem là cộng sự đắc lực, có nhiều đóng góp và là nhân vật thứ 2 tiếp bước con đƣờng nghiên cứu khảo cổ học ở Sở Địa chất Đông Dương1, dù không phải lúc nào cũng được các giám đốc ở Sở Địa chất Đông Dƣơng đồng tình ủng hộ. Sau năm 1910, do bận các công việc ở Sở Địa chất Đông Dương nên các hoạt động nghiên cứu Tiền sử của H.Mansuy giảm đi rất nhiều và chỉ có một bài đƣợc công bố trong khoảng những năm 1910-1919. Tuy nhiên sự xuất hiện của M.Colani đã giúp cho Henry Mansuy rất nhiều. Năm 1917, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về cổ thực vật học, M.Colani trở lại Sở Địa chất Đông Dương và trở thành cộng sự đắc lực của Henry Mansuy. M.Colani đã tiếp tục công việc nghiên cứu khảo cổ học của Mansuy còn dỡ dang do tuổi già sức yếu và bệnh tật. Với sự nổ lực của mình, M.Colani đã đem về cho H.Mansuy bộ sưu tập có giá trị do bà tìm thấy ở vùng Bắc Sơn, trong đó có những công cụ đƣợc mài nhẵn rất cẩn thận. Từ năm 1921 – 1925, Henry Mansuy và M. Colani đã phát hiện hơn 40 hang động trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn có cùng đặc trưng chung là “rìu Bắc Sơn” và “dấu Bắc Sơn”, được định danh là văn hóa Bắc Sơn. Và cũng trong khoảng thời gian này, Henry Mansuy cùng với M.Colani công bố 10 bài về công cụ và hóa thạch tiền sử phát hiện chủ yếu ở Việt Nam như các vùng Bắc Sơn, Hòn Tre, Hàm Rồng, Chợ Gành…

     Khi nghiên cứu văn hóa Bắc Sơn, M.Colani nhận thấy, bên cạnh những hiện vật điển hình của văn hóa Bắc Sơn còn tồn tại những công cụ cuội được ghè đẽo khá thô sơ, gần gủi với những hiện vật hậu kỳ thời đại đá cũ châu Âu và bà đã cho rằng những công cụ đó có thể là của một văn hóa sớm hơn văn hóa Bắc Sơn.

     Trên cơ sở nhận định đó, M.Colani đã tiến hành nhiều cuộc tìm kiếm thăm dò trong vùng mái đá vôi hữu ngạn sông Hồng những mong phát hiện được nền văn hóa sớm hơn văn hóa Bắc Sơn và M.Colani đã thu được thắng lợi. Mùa hè năm 1926, trong mùa điền dã đầu tiên ở sơn khối đá vôi Hòa Bình thuộc huyện Tân Lạc và Kim Bôi, M.Colani đã phát hiện và khai quật 12 hang động và mái đá. Đó là các di chỉ Xóm Giỗ, Mường Khang, mái đá Triềng Xến, Xóm Khăm, Làng Nèo, Hạ Bì, Làng Báy, Làng Vó, Sào Đông, Mƣờng Chuông, hang Triềng Xến, mái đá nhỏ Triềng Xến. Phát huy kết quả của mùa điền dã đầu tiên, ngay mùa thu năm đó, M.Colani lại tiếp tục tìm kiếm thăm dò vùng núi đá vôi Hòa Bình ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và đã phát hiện 11 di tích: Làng Kay, 3 hang Làng Mi, Làng Đồi, Làng Vôi, một hang đá và một mái đá ở Đường Rẽ, Làng Gạo, Làng Tiếng, Lam Gan1.

     Trong thời gian làm việc cho Sở Địa chất Đông Dương, Henry Mansuy và M.Colani thực sự đã có công rất lớn trong việc nghiên cứu thời Tiền sử Việt Nam, nhất là văn hóa Bắc Sơn và Hòa Bình. Tuy nhiên việc làm này chỉ là sáng kiến cá nhân hơn là việc nghiên cứu do Sở Địa chất Đông Dương tổ chức thực hiện. Trong nhiệm vụ của Sở Địa chất, mặc dù có đề cập đến việc nghiên cứu khảo cổ, nhưng đó không phải là ƣu tiên hàng đầu, bằng việc lập bản đồ địa chất và thăm dò mỏ. Chính vì vậy, việc làm của Henry Mansuy và nhất là hai mùa điền dã của M.Colani trong năm 1926 đã không được sự đồng tình của các giám đốc Sở Địa chất Đông Dương, nhất là dưới thời F.Blondel (1925-1929)2. Có thể đó cũng lý do giải thích vì sao đến tháng 01 năm 1927, sau khi H.Mansuy nghĩ việc (1926), M.Colani không tiếp tục làm việc ở Sở Địa chất Đông Dương nữa mà chuyển sang công tác ở Viện Viễn đông Bác cổ.

2. Thời kỳ huy hoàng trong sự nghiệp (1927-1943)

     Tiếp tục nghiên cứu và khai danh văn hóa Hòa Bình

     Sau khi rời khỏi Sở Địa chất Đông dƣơng, M.Colani vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khảo cổ của mình. Tháng 10 năm 1927, M.Colani đã phát hiện 3 di tích trong vùng núi phủ Nho Quan (Ninh Bình). Đó là mái đá Trung Đôi, Yên Lƣơng và Hang Nhân. Trong báo cáo khai quật, M.Colani đã xếp các di tích này vào văn hóa Hòa Bình3.

     Với những kết quả điền dã trƣớc đó, nhất là dựa vào kết quả khai quật 9 di tích thuộc tỉnh Hòa Bình ngày nay, trong công trình “Decouverte du Paleolithique dans la province de Hoa Binh/Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình” in trong tạp chí Nhân học năm 1927, lần đầu tiên bà đã nêu lên thuật ngữ văn hóa Hòa Bình với những đặc trưng cơ bản và 3 giai đoạn phát triển từ cuối thời đại đá cũ đến thời đại đá mới4.

     Năm 1929, do sự điều đình của Louis Finot – một người rất quan tâm đến khảo cổ học, M.Colani chuyển sang phụ trách khảo sát thực địa ở Trường Viễn đông Bác cổ và có điều kiện tiếp tục các công việc nghiên cứu Tiền sử của mình. Mùa hè năm đó, M.Colani tiếp tục đi sâu vào vùng núi đá vôi Hòa Bình thuộc các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy và phát hiện 7 di tích cùng thuộc văn hóa Hòa Bình, đó là: Làng Vành, Đa Phúc, Phù Vệ, Phúc Lương, Hang Ốc, Hang Hào, Hang Đồng Nội1.

     Tiếp tục những kết quả thu được trong sơn khối đá vôi Hòa Bình, M.Colani mở rộng triển khai việc tìm kiếm thăm dò trong vùng núi Tây Thanh Hóa. Cuối năm 1929 đầu năm 1930, bà đã phát hiện được 18 di tích ở khu vực này: Đồng Giao, Xuân Lũng 2 địa điểm, Thạch Lũng, Mỹ Tế, Mộc Thạch, Lộc Thịnh 2 địa điểm, Điền Hạ 2 địa điểm, Thạch Sơn, Xóm Sật. Tiếp tục công việc tìm kiếm về phía Nam, tháng 5 năm 1930, M.Colani tiến hành điều tra thăm dò vùng núi Quy Đạt (thuộc Quảng Bình ngày nay). Trong đợt công tác này, M.Colani đã phát hiện đƣợc 5 di tích: Yên Lạc, Kim Bảng, Xóm Thón, Xóm Thâm (2 hang động và 1 mái đá), Đức Thi2.

     Trong 4 năm (từ năm 1926 đến năm 1930), M.Colani đã phát hiện và khai quật trên 50 di tích, chủ yếu thuộc văn hóa Hòa Bình, thu lượm hàng vạn hiện vật, trong đó có những di tích có số lượng di vật cực kỳ phong phú như Làng Bon (2378 hiện vật), Sào Đông, Đa Phúc (trên 1000 hiện vật). Đóng góp lớn nhất là trong khoảng thời gian đó bà đã công bố 9 công trình nghiên cứu chất lượng về văn hóa Hòa Bình và tiền sử Việt Nam trên các tạp chí danh tiếng như L”Anthropologie/Tạp chí Nhân học, Bulletin de L’École française d’Extrême-Orient (BEFEO)/Tạp san của Viện Viễn đông Bác cổ… Những công trình này đã gây một tiếng vang mạnh mẽ đối với giới khoa học đương thời và được coi là “những công trình xuất sắc” theo như đánh giá của học giả Áo R.Heiner Gelders3. Cũng trong khoảng thời gian này, M.Colani còn mở rộng nghiên cứu sang vùng Mahaay thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào) và bà cũng phát hiện thêm một số hang động có dấu vết văn hóa Hòa Bình nhưng không khai quật4. Có thể nói đây là những năm được mùa của văn hóa Hòa Bình.

    Với kết quả của nhiều mùa điền dã, trong Hội nghị các nhà Tiền sử học Viễn đông lần thứ nhất họp ở Hà Nội năm 1932, M.Colani đã đề xuất thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình/Hoabinhiens/Hoabinhians và nêu lên nhiều ý kiến về nền văn hóa này. Với sự công nhận của Hội nghị, M.Colani được xem như là ngƣời khai sinh ra văn hóa Hòa Bình.

    Nhờ công lao này mà hơn nửa thế kỉ sau, bà được vinh danh qua Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về văn hóa Hoà Bình của bà – THE  HOABINHIAN 60 YEARS AFTER MADELEINE COLANI: ANNIVERSARY CONFERENCE – tổ chức cuối năm 1993 tại Hà Nội.

     Mở rộng điều tra ở Nghệ An và cánh đồng chum ở Ban Ang, tỉnh Xieng Khuang, Lào

     Ngoài việc chú tâm nghiên cứu văn hóa Hòa Bình, trong những năm 1930-1932, M.Colani còn triển khai các cuộc điều tra khảo sát ở Nghệ An. Ở đây bà đã khai quật một số địa điểm cồn sò điệp mang tên Cầu Giát ở gần đường Phú Long, cách Quỳnh Lưu khoảng 1,5km về phía bắc. Xem xét sưu tập di vật đá, đồ xương và vỏ nhuyễn thể, ghi chép mang tên Cầu Giát, các nhà nghiên cứu đã khẳng định, Cầu Giát là tên của một số di chỉ khảo cổ học do M.Colani khai quật, trong đó có những di tích thuộc văn hóa Quỳnh Văn và có thể có di tích muộn hơn văn hóa Quỳnh Văn1.

     Trong khoảng thời gian từ năm 1931, M.Colani cũng bắt đầu quan tâm đến cánh đồng chum (Plaines des Jarres/ Plain of Jars) ở Ban Ang, tỉnh Xieng Khuang, Lào. Kết quả nghiên cứu đƣợc bà công bố trong những sách chuyên đề ngay sau đó2.

     Nghiên cứu và khai danh văn hóa Sa Huỳnh

    Sau Hội nghị các nhà Tiền sử học Viễn đông lần thứ nhất họp ở Hà Nội năm 1932, việc nghiên cứu văn hóa Hòa Bình của M.Colani hầu như không được tiếp tục triển khai. Ngược lại chúng ta lại thấy bà chuyển hướng quan tâm đến khu vực miền Trung. Năm 1934, tức là sau 2 năm khai danh văn hóa Hòa Bình, M.Colani tiến hành đào thám sát Mộ chum văn hóa Sa Huỳnh [Nguồn: Hán Văn Khẩn, 2008] và khai quật một số địa điểm trong khu vực văn hóa Sa Huỳnh như: Sa Huỳnh, Phú Khương, Phú Lu (Quảng Ngãi), Tăng Long (tức Động Cườm), Phú Nhuận, Ca Công, Động Công Lương (Hoài Nhơn – Bình Định). Tháng 7 năm 1935, bà cũng đến Quảng Bình và tìm thấy dấu vết mộ chum Sa Huỳnh ở Cương Hà và Cổ Giang (Bố Trạch, Quảng Bình)1. Sự quan tâm đến văn hóa Sa Huỳnh của M.Colani có lẽ xuất phát từ sự hấp dẫn của nền văn hóa này thông qua các phát hiện trước đó của M.Vinet, Labarre và có sự chỉ đạo của Trường Viễn đông Bác cổ. Chúng ta biết rằng, năm 1909, trong phần niên giám của Tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ, M.Vinet đã thông báo: “Một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu trong một cồn cát biển vùng Sa Huỳnh”2. Năm 1923, bà Labarre tiến hành khai quật đầu tiên ở Sa Huỳnh. Kết quả cuộc khai quật này được H.Parmentier công bố trên tạp chí Trƣờng Viễn đông Bác cổ năm 19253.

     Theo Nhật ký của M.Colani, địa điểm Sa Huỳnh được miêu tả giống như địa điểm Long Thạnh hiện nay (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tại Long Thạnh, bà đã đào được 55 chum và ở Phú Khương 187 chum4. Phần lớn sưu tập Sa Huỳnh do M.Colani thu được trong đợt này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia5. Kết quả cuộc khai quật đã được bà trình bày trong 2 báo cáo tại Hội nghị các nhà Tiền sử học Viễn đông lần thứ 2 tổ chức tại Manila, Philippine năm 1935 và công bố trên sách của Trường Viễn đông Bác cổ năm 1937. Trong công bố năm 1937, M.Colani cho rằng, loại hình chum mai táng cũng như đồ tùy táng của cuộc khai quật lần này tương tự như cuộc khai quật của Labarre. Đồng thời trong phần kết luận của bài báo, M.Colani đã gọi khu di tích mộ chum ở Sa Huỳnh là văn hóa Sa Huỳnh6. Như vậy, nếu như M.Vinet là người phát hiện văn hóa Sa Huỳnh thì M.Colani là người khai danh cho văn hóa này. Đây là một đóng góp vô cùng lớn lao đối với nền khảo cổ học Việt Nam.

     Phát hiện các di tích Tiền sử ở vùng Đông Bắc Việt Nam và nghiên cứu các công trình khai thác nước ở Gio Linh, Quảng Trị Năm 1937-1938, M.Colani đã phát hiện một loạt địa điểm Tiền sử trên vịnh Hạ Long. Đó là các vết tích đống rác bếp trong hang Chợ Trới (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), địa điểm Đồng Cẩu thuộc làng Yên Mỹ, địa điểm Hà Giắt (Ha Yart) ở đảo Ké Bào (nay là đảo Cái Bầu). Một số di vật phát hiện ở Vịnh Hạ Long đƣợc M.Colani đưa về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Cùng thời gian này, M.Colani còn phát hiện một loạt địa điểm có tầng văn hóa chứa công cụ mài toàn thân và đồ gốm như: Quất Đông Nam, Gò Miếu (huyện Hải Ninh, nay là thị xã Móng Cái), Làng Bang (huyện Hoành Bồ), Xóm Nam, Xóm Đông, Xóm Kèo (đảo Tuần Châu) và Cái Bèo (đảo Cát Bà, Hải Phòng). Phần lớn các địa điểm đó, sau này được xếp vào văn hóa Hạ Long. Những phát hiện của M.Colani năm 1937 ở Quảng Ninh, Hải Phòng được xem là mốc mở đầu cho những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học ở vùng ven biển Đông Bắc Việt Nam. Ngoài ra, trong những năm 1937 đến năm 1940, M.Colani cũng đến Quảng Trị và nghiên cứu các công trình khai thác nƣớc ở Gio Linh. Kết quả nghiên cứu được bà đăng tải trên Tập san của Trường Viễn đông Bác cổ và Tập san BAVH (Bulletin des Anis du Vieux de Hue). Năm 1943, M.Colani mất tại Việt Nam ở tuổi 77.

3. Đánh giá về những đóng góp của M.Colani đối với nền Khảo cổ học Việt Nam

     Phải nói rằng, M.Colani là một trong những nhà khoa học người Pháp có nhiều đóng góp cho nền khảo cổ học Việt Nam. Là nhà cổ thực vật nhưng ngay từ khi mới đặt chân đến đất nước Việt Nam, bà đã có mối duyên nợ với Khảo cổ học, nhất là Khảo cổ học Tiền sử. Trong thời kỳ làm việc cho Sở Địa chất Đông Dương (trước năm 1927) là khoảng thời gian mà M.Colani (và cả Henry Mansuy) đối diện với nhiều khó khăn, vất vả nhất. Vì lòng đam mê với Khảo cổ học, dành quá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Hòa Bình, trong khi nhiệm vụ chính của Sở Địa chất Đông Dương là lập các bản đồ địa chất và thăm dò mỏ nên Bà đã bị chỉ trích bởi các đồng nghiệp và lãnh đạo Sở. Mặc dù vậy, bà đã vượt qua và cùng với Henry Mansuy có những đóng góp lớn lao trong việc nghiên cứu và xác lập văn hóa Bắc Sơn – một nền văn hóa sơ kỳ đá mới ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở vùng núi đá vôi tỉnh Lạng Sơn, có niên đại từ 11.000 năm đến 7000 năm cách ngày nay.

     Năm 1929, M.Colani chuyển qua làm việc cho Viện Viễn đông Bác cổ, cũng là mốc thời gian đánh dấu bước ngoặc trong cuộc đời cũng như sự nghiệp nghiên cứu của M.Colani. Những đóng góp lớn lao của M.Colani đối với Khảo cổ học gắn liền với những năm tháng làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ, bởi lẽ ở đó bà tìm thấy điểm chung giữa sở thích, sở trường của mình với tôn chỉ nghiên cứu của Viện trong giai đoạn này – một cơ quan chuyên nghiên cứu và bảo tồn các di tích khảo cổ học.

     So với các nhà khảo cổ học người Pháp cùng thời, có thể khẳng định, M.Colani là người phát hiện, khai quật nhiều di tích nhất. Chỉ riêng đối với văn hóa Hòa Bình bà đã phát hiện và nghiên cứu hơn 50 di tích. Bà cũng là người đem về cho các Bảo tàng, nhất là Bảo tàng Louis Finot, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam một số lượng hiện vật rất đồ sộ. Năm 1923, bà cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Bà cho chở về Hà Nội hơn bốn mươi giỏ to. Vừa thấy M.Colani với số lượng chưa từng thấy đồ vật cổ, Mansuy đã gọi bà là “Tomb raider” (kẻ cướp mồ)1. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho công lao của bà. Phần lớn các hiện vật hiện nay vẫn còn lưu ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu sau này. Đóng góp lớn nhất của M.Colani đối với nền khảo cổ học Việt Nam và thế giới là đã tiên phong trong việc phát hiện, nghiên cứu và xác lập các văn hóa Khảo cổ, nhất là văn hóa Hòa Bình và Sa Huỳnh. Bà cùng với Henry Mansuy đã nghiên cứu và định danh văn hóa Bắc Sơn; phát hiện, nghiên cứu và định danh cho văn hóa Hòa Bình; tiên phong trong việc nghiên cứu khảo cổ học vùng Đông Bắc Việt Nam với việc phát hiện hang loạt các di tích ở vùng này; khai quật, nghiên cứu có hệ thống và định danh cho văn hóa Sa Huỳnh. Trong khảo cổ học, việc định danh cho một nền văn hóa có ý nghĩa như việc làm giấy khai sinh cho một đứa trẻ, giúp khẳng định sự tồn tại của nền văn hóa đó và giúp phân biệt nó với một nền văn hóa khác. Người đặt tên cho một nền văn hóa khảo cổ vì vậy được xem như là “cha đẻ” của nền văn hóa đó. Như vậy có thể nói, M.Colani là “cha đẻ” của hai nền văn hóa nổi tiếng khu vực là Hòa Bình và Sa Huỳnh2 . Trong số những đóng góp lớn lao đó, việc phát hiện, nghiên cứu và khai danh cho văn hóa Hòa Bình được xem là vĩ đại hơn cả, nó không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Vì văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa mang tính chất khu vực, nó không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở Đông Nam Á. Những đóng góp của M.Colani đối với nền khảo cổ học Việt Nam còn được thể hiện ở phương pháp nghiên cứu và thái độ làm việc nghiên túc của bà. Mặc dù có một số vấn đề chúng ta chưa thật hài lòng về phương pháp khai quật và quan điểm đánh giá của M.Colani về thời Tiền sử ở Việt Nam, song trong những năm 20 của thế kỷ XX, các cuộc khai quật của M.Colani so với các cuộc khai quật trước đó đã có những tiến bộ đáng kể về phương pháp khai quật, chỉnh lý hiện vật cũng như làm báo cáo. Trong những chừng mực nhất định, M.Colani đã khai quật theo ô, đã chú ý đến cấu tạo các lớp đất, cùng vị trí của di vật trong đó. Trong một số tác phẩm của mình, M.Colani đã công bố một số bản vẽ trắc diện hố khai quật hoặc có ghi chú khá tỷ mỷ một số hiện tượng của tầng văn hóa trong quá trình khai quật. Chẳng hạn như ghi chép về các lớp vỏ ốc bị đốt cháy, các vết tro than trong tầng văn hóa hoặc tình hình tầng văn hóa và vị trí xuất hiện các mảnh gốm, các mảnh đá có vết cưa. M.Colani cũng đã chú ý đến phương pháp loại hình học trong khảo cổ học và phần nào cũng đã kết hợp phương pháp loại hình học với phương pháp địa tầng học trong quá trình chỉnh lý hiện vật. Trong các bản báo cáo, bà rất chú ý đến vị trí sâu nông của công cụ trong tầng văn hóa và từ những quan sát về kỹ thuật chế tác, hình dáng cùng kích thước công cụ, đã phân loại chúng thành những kiểu loại khác nhau và đã miêu tả khá tỷ mỷ. M.Colani cũng đã sử dụng phương pháp so sánh trong khảo cổ học. Trong hoàn cảnh thiếu văn bản, bà đã so sánh những di vật văn hóa Hòa Bình với công cụ đá cuội ở Srilanca và với những công cụ thời đại đá cũ ở châu Âu và đã rút ra những nhận định cần thiết về niên đại. Trong các bản báo cáo của mình, M.Colani không chỉ dừng lại ở phần miêu tả hiện vật thu lượm được mà ít nhiều bà đã kết hợp tư liệu khảo cổ với tư liệu Dân tộc học, Ngôn ngữ học và Nhân chủng học để giải quyết các vấn đề về lịch sử.

     Trong quá trình nghiên cứu, dù là phụ nữ, dáng người gầy gò nhưng bà không quản ngại làm việc trong các hang động hiểm trở ở Hòa Bình hay những đụn cát nóng bóng ở Sa Huỳnh hoặc trên những cánh đồng chum xa xôi ở Lào. Năm 70 tuổi, bà vẫn là một nhà thám hiểm gan dạ, sống đơn giản với một bát cơm và quả chuối. Khi khảo sát các vách đá gần như dựng đứng, bà cho buộc dây thừng ngang người rồi lần xuống tìm các hang nhỏ lưng chừng, trong tư thế treo lủng lẳng mà khảo sát1 . Bà cũng nổi tiếng là người đi nghiên cứu nhiều nơi. Bà là người xông xáo, làm việc không ngưng nghỉ với hiệu quả cao, suy luận sâu, nên kết quả công bố rất nhiều. Bà xứng đáng là một tấm gương lao động miệt mài và không quản ngại gian khó!

     Với những đóng góp lớn lao, M.Colani xứng đáng được người Việt Nam biết đến và vinh danh, bà đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu khảo cổ học, làm ngời sáng đất nước Việt Nam qua văn hóa Tiền sử. Công lao của bà là một trong những minh chứng cho sự đóng góp của các nhà khoa học Pháp trong lịch sử. Dù bất luận mục đích nghiên cứu của họ là gì, chịu sự chi phối bởi quan điểm nào thì những thành quả khoa học mà họ để lại đều phải được trân trọng một cách đúng đắn!

__________
1. Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, tr.257.

1. Có tác giả hiểu nhầm là Trƣờng Viễn đông Bác cổ. Thực tế, mãi đến năm 1929, M.Colani mới sang làm việc cho Trƣờng Viễn Đông Bác Cổ (Nguyễn Quang Trọng, “Madeleine Coloni”, trong
http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/coloni_madeleine.htm).

1. Hoàng Xuân Chinh (1989), Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tr.12.

2. Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.257-266.

3. Colani M (1928), Notice sur la Préhistorie du Tonkin – BSGI, Vol.XVII-1.

4. M.Colani (1927), “Decouverte du Paleolithique dans la province de Hoa Binh”, L ‟Anthropologie, Vol. XXVII.

1. M.Colani (1929), “Quelques paleolithics Hoabinhiens typiques de l‟ abri sous-roche de Langkay » – BSPF. T. XXVI-6.

2. M.Colani (1931), “Recherches sur le prehistorie Indochine”, BEFEO, Vol.XXIX.

3. Heiner Gelders.H (1936), “Prehistorie research in Indosia”, Annual Bibliography of Indian Archaeology XI, P.26-28.

4. M.Colani (1931), Recherches sur le prehistorie Indochine”, BEFEO, Vol.XXIX.

1. Nguyễn Trung Chiến (1998), Văn hóa Quỳnh Văn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.12.

2. Mégalithes du Haut-Laos, Paris, Ed. d’art & d’histoire, 1935, 2 quyển và “Emploi des pierres en des temps reculés: Annam – Indonesie – Assam, Hanoi, 1940.

1. Những phát hiện về dấu vết mộ chum của M.Colani ở Khương Hà và Cổ Giang hiện nay vẫn chưa được kiểm chúng vì không còn hiện vật, dù M.Colani đã cho rằng: “bà tìm thấy hai mộ chum bằng gốm thô kệch, không hoa văn và hoàn toàn giống như gốm trong khu mộ chum của văn hóa Sa Huỳnh” (Colani.M (1935), “La ceramique de Sa Huynh”, The 2nd Congress of Far-easter Prehistorians in Manila.).

2. Vinet M, Chronique, B.E.F.E.O, Tome IX, Ha Noi, 1909, P113

3. Parmentier H, “Dèpôts de jarres à Sa Huynh (Quang Ngai – An Nam)”, B.E.F.E.O, Tome XXIV, N01-2, Ha Noi, 1925, P.325-343.

4. Colani.M (1935), “La ceramique de Sa Huynh”, The 2nd Congress of Far-easter Prehistorians in Manila.

5. Trịnh Thị Ân (1990), “Sưu tập hiện vật Sa Huỳnh của Labarre và M.Colani tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân Kỷ niệm 90 phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Hà Nội.

6. Văn hóa Sa Huỳnh hiện nay được biết đến là nền văn hóa mộ chum nổi tiếng ở Việt Nam, có phạm vi phân bố cơ bản từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, niên đại từ 2500-2000 năm cách ngày nay.

1. Nguyễn Quang Trọng, « Madeleine Coloni », Vietsciences.fre.

2. Mặc dù vậy, lâu nay, trong giới khảo cổ học, người ta chưa đánh giá đúng công lao của M.Colani đối với văn hóa Sa Huỳnh, đây là một điều đáng tiếc và cần phải xem xét lại.

1. Viện Khảo cổ học, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.257-266.

PHỤ LỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TIÊU BIỂU CỦA M. COLANI

     1925: “Néolithique inférieur (Bacsonien) et néolithique supérieur dans le Haut-Tonkin
(dernières recherches). Avec la description des crânes du gisement de Lang Cuom” – MSGI (Mémoires du Service Géologique de L’ Indochine), Vol.XII-3 (viết cùng Henri Mansuy) 1926: “Découverte du Paléolithique dans la province de Hoa Binh” – L’Anthropologie, Vol. XVI.

     1927a: “Découverte du Paléolithique dans la province de Hoa Binh” – L’Anthropologie, Vol.XXVII.

     1927b: “La grotte sépulcrate de Lang Gao” – L’Anthropologie, Vol.XXVII.

     1927c: “L‟Âge de la pierre dans la province de Hoa Binh” – MSGI, Vol XIV-1, 87p, 12pl.

     1928a: “Notice sur la Préhistoire du Tonkin” – BSGI (Bulletin du Service Géologique de L’Indochine), Vol. XVII-1.

     1928b: “Stations Hoabinhiennes dans la region de Phu Nho Quan” – BSGI, Vol.XVII-1, 41-44.

     1929a: “Quelques paléolithics Hoabinhiens typiques de l’abri sous-roche de Langkay” – PSPF (Bulletin de la Société Préhistorique de France). Vol. XXVI-6, 363-373.

     1929b: “Quelques stations hoabinhiennes (note préliminaire)” – BEFEO (Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient), Vol.XXIX, 261-272.

     1929c: “Gravures primitives sur pierre et sur os (stations Hoabinhiennnes et Bacsoniennes)”, BEFEO Vol.XXIX, p. 273-287.

     1931a: “Recherches sur le préhistorique Indochinois”, BEFEO, Vol. XXX P. 299-422, 29 pl.

     1931b: “Procédés de décoration d’un potier de Village (Cammon, Laos)”, BEFEO, Tome XXXI, p.499-501.

     1932a: “Le Protonéolithe – Prehistoris Asiae Orientalis”, Premier Congrès des Préhistoriens d’Extreme – Orient.

     1932b: “Différents aspects de néolithique Indochinois – préhistoris Asiae Orentalis”, Premier Congrès des Préhistoriens d’Extreme – Orient.

     1932c: “Rapport sur des recherches dans la Provice de Cammon”, BEFEO Vol. XXXI, 330-331.

     1932d: “Le Sinanthropus Pekinensis”, BEFEO, Tome XXXII, p.496-501.

     1933a: “Champs de jarres monolithiques et de pierres funéraires de Trân Ninh (HautLaos)”, BEFEO, Vol. XXXIII, p. 355-366.

     1933b: “Céramique, procedes anciens de decoration” – BEFEO, Vol. XXXIII, p.349-355.

     1934a: “Dépots artificiels en valves de pélécypodes (Nord Annam)”, Archives du Muséum d’Histoire Naturelle, Paris, 6c serie, II, 93-123.

     1934b: “A propos de troussee de Toilette”, Tome XXXIV, p.567-561.

     1935a: “Les mégalithes du Haut-Laos (Hua Pan, Tran Ninh)”, BEFEO.

     1935b: “La Cèramique de Sa Huynh”, The 2nd congress of Far – Eartern Prehistorians in Manila 1935.

     1935c: “Les figures zoomorphes des depots funeraires de Sa Huynh”, The 2nd congress of Far – Eartern Prehistorians in Manila 1935.

     1935d: “Fouille à Sa Huynh et Tân Long”, BEFEO, Vol. XXXIV, 755.

     1935e: “Haches et bijoux. République de l’Équateur, Insulinde, Eurasie”, BEFEO, Vol. XXXV, p. 313-362.

     1936a: “Essai d’Ethnographie comparée”, BEFEO, Vol. XXXVI, p. 197-280.

     1936b: “Essai d’Ethnographie. Comparaisons nouvelles et observations”, BEFEO, Vol. XXXIV, p. 479-489.

     1937a: “Anciennes irrigations et bassins dans le Do Linh (Quang Tri)”. Cahier de l’ Ecole Francaise d,Extreme Orient (CEFEO). Vol. X.

     1937b: “Nécropole de Sa Huynh (Quảng Ngãi) ”, BEFEO, Tome XIII-3, p.8-12.

     1937c: “Henri Mansuy” – BEFEO, Tome XXXVII, p.695-704.

     1938a: “Découverte du prehistoriques dans les parages de la Baie d’Along” – IIEH, Ha Noi, Vol. XIV, 93-96.

     1938b: “Sur la prehistoire et l’Anthropologie” – IIEH (Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme), Ha Noi.

     1938c: “Notes pré et protohistoriques province de Quang Binh” – BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hue), Vol. XXIII, 121-140.

     1938d: “Recherches prehistoriques en Baie d’Along”, Cahier de l’Ecole Francaise d, Extreme Orient (CEFEO), Vol. XIV, 12-19.

     1938e: “l’Ethnographie comparée”, BEFEO, Vol. XXXVIII, p. 209-254.

     1939: “La civilization Hoabinhienne Extreme-Orientale” – BSPI, Vol. XXXVI-3.

     1940: “Emploi de la pierre en des temps reculés: Annam – Indonésie – Assam”, BAVH,
p. 1-250.

     1941: “Indochine – Océanie” – IIEH, Vol. III-1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1990), Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Tài liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

     2. Nguyễn Trung Chiến (1998), Văn hóa Quỳnh Văn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     3. Hoàng Xuân Chinh (1989), Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học xuất bản.

     4. Hán Văn Khẩn (chủ biên) (2008), Cơ sở Khảo cổ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

     5. Hà Hữu Nga (2001), Văn hóa Bắc Sơn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     6. Lê Đình Phúc (1997), Tiền sử Quảng Bình, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     7. Vũ Công Quý (1991), Văn hóa Sa Huỳnh, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

     8. Nguyễn Khắc Sử (chủ biên) (2005), Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     9. Trần Quốc Trị (1994), Các văn hóa trước Hòa Bình và Hòa Bình ở Bắc Đông Dương, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

     10. Nguyễn Quang Trọng, “Madeleine Coloni”, trong
http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/coloni_madeleine.htm)

     11. Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo quan hệ Việt – Pháp quá khứ và hiện tại, 2013
Livret du colloque relations vietnam – france d’hier et d’aujourd’hui

Download file (PDF): Đóng góp của Madeleine Colani đối với nền khảo cổ học Việt Nam
(Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Quảng)