Đóng góp của Victor Tardieu và Joseph Inguimberty đối với sự mở đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Tác giả bài viết: Giảng viên chính, Thạc sĩ NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
(Trưởng Khoa Lịch sử, Trƣờng Đại học Khoa học Huế)
Quá trình hình thành nền mỹ thuật hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX có sự đóng góp rất quan trọng của nhiều nghệ sĩ Pháp, trong đó nổi bật nhất và có ảnh hưởng lớn lao đến các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình là Victor Tardieu và Joseph Inguimberty.
1. Những cống hiến của Victor Tardieu
Victor Tardieu sinh ngày 30-4-1870 tại thị trấn Orliénas thuộc thành phố Lyon của nước Pháp. Lúc còn nhỏ, ông theo học Trường Mỹ thuật Quốc gia Lyon (École Nationale des Beaux-Arts de Lyon); đến năm 1889, chuyển về Paris để tiếp tục nghiên cứu mỹ thuật. Trong thời gian ở Paris, Victor Tardieu đã có những sáng tác lớn, bao gồm tác phẩm đầu tay là bức họa bằng kính màu tại Tòa Thị chính Dunkerque. Năm 1890, ông vào học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia tại Paris (École Nationale Supérieure des BeauxArts), đồng thời cũng theo học tại các xưởng họa của hai nghệ sĩ nổi tiếng Léon Bonnat và Albert Maignan. Victor Tardieu cũng là bạn đồng môn với danh họa Henri Matisse.
Năm 1902, tại sảnh đường nổi tiếng của Hiệp hội Họa sĩ Pháp (Société des Artistes Français), Victor Tardieu đã được trao giải thưởng hội họa quốc gia cho bức tranh khổ lớn của ông với tiêu đề “Travail” thể hiện những lao công trên công trường xây dựng. Nhờ đó, Victor Tardieu được đi du lịch quanh châu Âu suốt hai năm, cho phép ông đến thăm và vẽ tại các thành phố cảng châu Âu như London, Liverpool (Anh) và Genoa (Italia). Thực tế này giúp ông tăng thêm vốn sống và tiếp tục sáng tác cũng như nhận trang trí cho nhiều công trình lớn ở nước Pháp.1
Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Victor Tardieu tình nguyện nhập ngũ và chiến đấu trên chiến trường phía bắc nước Pháp. Hết chiến tranh, ông lại trở về với nghiệp vẽ của mình.
Cái duyên của Victor Tardieu với Việt Nam khởi đầu lúc ông đã 53 tuổi (1920), khi ông giành được Giải thưởng Indochine (Prix de l’Indochine) và được thực hiện chuyến du lịch một năm ở Đông Dương với nhiệm vụ là vẽ phong cảnh thiên nhiên và xã hội của đất nước này, và đưa công trình hoàn thành trở lại Pháp.
Rời cảng Marseille từ đầu năm 1921, sau hành trình một tháng lênh đênh vượt đại dương, Victor Tardieu đặt chân lên Sài Gòn trước, rồi mới ra Hà Nội vào tháng 2 năm đó.2 Tại Hà Nội, Victor Tardieu vừa du lịch thưởng ngoạn và tìm hiểu cuộc sống của người Việt Nam, vừa sáng tác và vừa nhận đơn đặt hàng của Trường Đại học Đông Dương thực hiện một bức tranh khổ lớn (180 m²) cho giảng đường chính cùng với việc trang trí trên tường tiền sảnh và vòm toà nhà. Công việc này khiến Victor Tardieu phải ở lại lâu dài tại Hà Nội, và ông mất 6 năm mới hoàn thành công việc.3
Như một định mệnh, việc Victor Tardieu ở lại Hà Nội đã khiến ông giữ vai trò là người đặt nền tảng cho mỹ thuật hiện đại của Việt Nam.1 Nhờ quen biết một số nhân vật có thế lực trong chính quyền thuộc địa như các Toàn quyền Đông Dương François Marius Baudouin và Martial Henri Merlin, Giám đốc Nha học chánh Đông Dương, Victor Tardieu đã đề xuất với chính quyền bảo hộ và vận động chính phủ Pháp thông qua người bà con đang giữ chức vụ cao cấp trong bộ máy là André Tardieu để mở trường mỹ thuật tại Hà Nội. Kết quả là ngày 27-10-1924, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương về thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l‟Indochine), thuộc Viện Đại học Đông Dương được ban hành, và bắt đầu tuyển sinh từ năm 1925. Victor Tardieu trở thành giám đốc (hiệu trưởng) đầu tiên của trường.2 Ông đã về Pháp trong vài tháng để tuyển thầy giáo sang giảng dạy. Hệ thống tổ chức của trường dựa theo mô hình của Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Quốc gia ở Paris.
Là người phương Tây, nhưng Victor Tardieu hiểu rõ không thể giữ nguyên chất của nghệ thuật phương Tây để truyền giảng cho sinh viên Việt Nam, mà cần có sự giao thoa và tiếp biến để “uyển hóa” nghệ thuật cho phù hợp với tinh thần, tình cảm và tâm lý của người Việt. Do đó, ông không áp đặt cho học trò của mình một trƣờng phái nào, mà chỉ khơi dậy sự đam mê và truyền những kỹ thuật hội họa cơ bản, nhất là sử dụng sơn dầu. Hình họa của chủ nghĩa Cổ điển và Tân cổ điển cùng phong cách của các trường phái Lãng mạn, Ấn tượng, Dã thú của phương Tây thường được Victor Tardieu khuyến khích hòa quyện với họa pháp đường viền mảng phẳng theo tính ước lệ của Việt Nam và phương Đông, kết hợp chủ đề gắn liền cảnh quan và nhân vật Việt Nam. Bên cạnh đó, các thể loại sơn dầu, màu nước, màu bột, sáp màu, phấn màu phương Tây được Victor Tardieu khuyến khích kết hợp nhuần nhuyễn với các chất liệu truyền thống Việt Nam như sơn mài, khắc gỗ, lụa, giấy dó, gốm. Nhờ vậy, hội họa trên lụa đã trở thành một thể loại nổi tiếng trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Trong việc dạy học trò, Victor Tardieu không chỉ lấy tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng phương Tây để ví dụ, mà còn dùng những tác phẩm của bản thân đã sáng tác ở Việt Nam để minh họa, và nhấn mạnh truyền thống nghệ thuật của Việt Nam là điểm khởi đầu cho sự hòa nhập với các xu hướng thế giới.
Victor Tardieu vừa truyền lửa, vừa gieo vào tâm thức của học trò lòng tự tin và khả năng sáng tạo vô biên cho họ. Do vậy, với nhãn quan nghệ thuật và phương pháp đào tạo, hướng nghiệp đúng đắn cùng sự tận tâm, chí tình của bản thân, Victor Tardieu đã góp công rất lớn trong việc đào tạo được nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu của Việt Nam thời hiện đại trong nửa đầu thế kỷ XX.
Victor Tardieu qua đời vào năm 1937, lúc vừa tròn 70 tuổi, để lại nhiều nổi luyến tiếc cho nền hội họa thế giới, nhất là với các nghệ sĩ Việt Nam non trẻ của ông. Những tác phẩm tiêu biểu mà Victor Tardieu sáng tác ở Việt Nam mang đậm tinh thần kết hợp Đông Tây như Jeune femme dans les environs de Hanoi (Thiếu nữ ngoại ô Hà Nội, 1922), La Vaccination (Tiêm chủng, 1923), Marché de la rivière (Chợ bên sông, 1924), Maternities (Tình mẫu tử, 1925), FemmeAnnamite (Phụ nữ Việt)…
2. Sự dấn thân của Joseph Inguimberty
Joseph Inguimberty sinh ngày 18-01-1896 ở thành phố cảng Marseille, bên bờ Địa Trung Hải thuộc nước Pháp. Từ nhỏ Joseph Inguimberty đã tỏ ra mê say vẽ vời. Năm 1910, Joseph Inguimberty vào học trường nghệ thuật đồng thời cũng theo học cả ngành kiến trúc.
Đến năm 1913, Joseph Inguimberty được nhận vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Trang trí Quốc gia (École Nationale Supérieure des Arts-Décoratifs) tại Paris và học tập dƣới sự hướng dẫn của Eugène Morand. Việc học của Joseph Inguimberty đã bị gián đoạn khi ông được lệnh nhập ngũ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tàn chinh chiến, Joseph Inguimberty trở lại trường nghệ thuật và giành được một suất học bổng du lịch vào năm 1920, cho phép ông đến Hà Lan và Bỉ để tăng cường trải nghiệm. Joseph Inguimberty còn đoạt giải Blumenthal năm 1922 và giải Hội họa quốc gia vào năm 1924.
Khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, Joseph Inguimberty được giám đốc Victor Tardieu tuyển chọn làm giáo viên, và năm 1925 Joseph Inguimberty đã chuyển
đến Hà Nội, phụ trách khoa sơn dầu của trường.
Trong quá trình giảng dạy tại Việt Nam, Joseph Inguimberty thường khuyến khích học trò chọn đề tài nông thôn Việt Nam và tập trung khai thác yếu tố ánh sáng và màu sắc. Đóng góp lớn nhất của Joseph Inguimberty cho nền mỹ thuật Việt Nam là đã khuyến khích sinh viên thử nghiệm thể loại sơn mài như một phương tiện tranh mỹ nghệ. Nhờ vậy, sơn mài đã trở thành đóng góp lớn nhất của mỹ thuật Việt Nam cho nền nghệ thuật thế giới.1
Joseph Inguimberty phụ trách khoa sơn dầu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến khi trường đóng cửa sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Sau hơn 20 năm gắn bó và dấn thân để góp phần gây dựng nền mỹ thuật Việt Nam, ông rời khỏi xứ sở này vào tháng 11-1946 và cuối đời mất ở Menton, miền Nam nước Pháp ngày 08-10-1971.
Joseph Inguimberty sáng tác khá nhiều tác phẩm mang đậm sự dung hợp tinh thần giữa Tây và Đông, với những đề tài gần gũi trong cuộc sống của ngƣời Việt, như Delta du fleuve Rouge (Đồng bằng sông Hồng, những năm 1930), Paysage et personnages du Tonkin (Phong cảnh và con ngƣời Bắc Kỳ, 1933), Deux agriculteurs travaillant dans le domaine (Hai nông phu lao động trên đồng, 1933), Oeuvrant dans le domaine de riz (Lao động trên đồng lúa), Tonkin fille (Thiếu nữ Bắc Kỳ, khoảng 1934), Tonkin filles (Những thiếu nữ Bắc Kỳ, khoảng 1935), Vietnam plateaus (Cao nguyên Việt Nam, 1934-35), Rizière au Tonkin (Ruộng lúa Bắc Kỳ, 1935), Indochine rizières (Ruộng lúa Đông Dương), Haut plateaux (Vùng cao), Femmes Vietnamiennes (Phụ nữ Việt Nam, 1935), Jeune femme Tonkinois (Thiếu nữ Bắc Kỳ, 1938), Portrait d’une jeune fille (Chân dung thiếu nữ, 1938- 1940), Les porteuses d’eau (Gánh nước), Le marché (Họp chợ), Paysage du Tonkin (Phong cảnh Bắc Kỳ, 1938), Paysage Vietnamien (Phong cảnh Việt Nam), Jeunes Tonkinoises (Thanh niên Bắc Kỳ), Le hamac (Nằm võng, 1938), Femme au hamac (Phụ nữ nằm võng, 1940), Femme à cheval à Sapa (Phụ nữ cỡi ngựa ở Sa Pa, 1942), Les gens se reposant dans les bois (Nghỉ ngơi trong rừng), Banyan à Giadinh (Cây đa ở Gia Định), La Baie d’Halong (Vịnh Hạ Long), Cinq indochinoises dans un jardin (Năm người Đông Dương trong khu vườn), Trois agriculteurs travaillant dans le domaine (Ba nông phu lao động trên đồng), Deux jeunes filles Vietnamiennes dans un paysage (Hai thiếu nữ Việt trong phong cảnh), Dames Vietnamiennes dans le jardin (Quý bà người Việt trong vƣờn), Deux dames sous le bananier (Hai quý bà dƣới cây chuối)…
Những tác phẩm của Joseph Inguimberty không chỉ đóng góp vào kho tàng nghệ thuật hiện đại của Việt Nam đầu thế kỷ XX, mà còn làm chỗ dựa quan trọng cho những lứa nghệ sĩ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
3. Thay lời kết luận
Với sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sự gắn bó của nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Pháp và thế giới trong công cuộc đào tạo các nghệ sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XX, như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Evariste Jonchère, André Maire, kỹ thuật sáng tác nghệ thuật của phƣơng Tây đã được du nhập và kết hợp một cách nhuần nhuyễn với chất liệu và tinh thần Việt Nam truyền thống, để từ đó làm xuất hiện nhiều nghệ sĩ Việt Nam xuất sắc, với nghiều tác phẩm chất lượng và mang bản sắc riêng, dẫn đến sự hình thành nền nghệ thuật hiện đại ở Việt Nam.
Trong các nghệ sĩ nước ngoài đã góp công sức cho việc đào tạo các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, Victor Tardieu và Joseph Inguimberty là hai nghệ sĩ có những đóng góp vô cùng đặc biệt, có tác dụng mở đường cho nền mỹ thuật Việt Nam phát triển và hòa nhập cùng thế giới. Chính từ những đóng góp và cống hiến lâu dài của hai nghệ sĩ này, mà ở nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ Việt Nam có tên tuổi cả trong nước và trên thế giới, như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trường Lân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh…
Cả Victor Tardieu và Joseph Inguimberty đều hết lòng gắn bó với sự nghiệp đào tạo những học trò Việt Nam thành nghệ sĩ. Victor Tardieu thì làm việc đến chết tại Việt Nam; Joseph Inguimberty thì gắn bó suốt 20 năm trời cho đến khi trường đóng cửa do Nhật làm cuộc đảo chính. Họ là những tấm gương lao động cần mẫn, là người thầy tận tụy, người bạn chân tình đã bắt nhịp cầu thân ái kết nối giữa Đông – Tây, Pháp – Việt. Chính vì thế, một bức tượng bán thân của Victor Tardieu đã được tạc dựng trên bục cao trang trọng tại ngôi trường mà ông đã cống hiến; và hàng năm, các học trò, những thế hệ sinh viên tiếp nối thường kéo về kỷ niệm ngày mất của ông nhƣ một lời tưởng nhớ, tri ân người đã khuất. Đó là những thể hiện tình cảm hết sức quý báu cho mối quan hệ Pháp-Việt trong quá khứ, hiện tại và ngay cả tương lai.
___________
1. Xem thêm: L’Aventure de l’art moderne au Viêt Nam (1998), Paris – Hanoï – Saigon, Pavillon des Arts, Paris.
2. Jean-François Hubert & Catherine Noppe (2002), Arts du Vietnam, La Fleur du Pecher et l’Oiseau d’Azur, Musse Royal de Mariemont, pp. 152-183.
3. Xem thêm: L’Aventure de l’art moderne au Viêt Nam (1998), Paris – Hanoï – Saigon, Pavillon des Arts, Paris.
1. Jean-François Hubert & Catherine Noppe (2002), Arts du Vietnam, La Fleur du Pecher et l’Oiseau d’Azur, Musse Royal de Mariemont, pp. 152-183.
2. Lindy Joubert (2008), Educating in the Arts: The Asian Experience: Twenty-Four Essays, Springer, p. 38.
1. Xem thêm: Jean-François Hubert & Catherine Noppe (2002), Arts du Vietnam, La Fleur du Pecher et l’Oiseau d’Azur, Musse Royal de Mariemont.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. L’Aventure de l’art moderne au Viêt Nam (1998), Paris – Hanoï – Saigon, Pavillon des Arts, Paris.
2. Jean-François Hubert & Catherine Noppe (2002), Arts du Vietnam, La Fleur du Pecher et l’Oiseau d’Azur, Musse Royal de Mariemont.
3. Lindy Joubert (2008), Educating in the Arts: The Asian Experience: Twenty-Four Essays, Springer.
4. Trần Thức (2010), Từ mỹ thuật Đông Dương đến mỹ thuật Việt truyền thống, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
5. Nguyễn Quang Trung Tiến (2006), Mỹ thuật thế giới và Việt Nam, Giáo trình, Đại học Khoa học Huế.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo “Quan hệ Việt – Pháp, quá khứ và hiện tại”, năm 2013
Relations Vietnam – France d’hier et d’aujourd’hui
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đóng góp của Victor Tardieu và Joseph Inguimberty đối với sự mở đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại (Tác giả: Nguyễn Quang Trung Tiến) |