Du lịch Trà Vinh – Những điểm nhấn từ góc nhìn địa văn hóa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM THU YẾN
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
TÓM TẮT
Phần mở đầu nêu tóm lược lý thuyết địa văn hóa, lý do và phương pháp tiếp cận. Nội dung báo cáo được kết cấu 2 phần chính. Phần 1 trình bày 3 điểm nhấn ấn tượng mà du lịch Trà Vinh đạt được là thành phố sinh thái xanh, du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Chim, du lịch tâm linh. Phần 2 lý giải nguyên nhân tạo nên đặc điểm du lịch Trà Vinh và trình bày một số ý kiến với sự phát triển của du lịch Trà Vinh.
Từ khóa: du lịch Trà Vinh, thành phố công viên, du lịch cộng đồng Cồn Chim, chùa Khmer.
1. Nội dung báo cáo
Càng đi nhiều qua các vùng đất Việt Nam hình chữ S từ Bắc, Trung, Nam, người trải nghiệm càng thấy vấn đề tìm hiểu, khai thác văn hóa du lịch các từ đặc trưng địa lý tự nhiên là thật sự cần thiết. Lý thuyết địa văn hóa được đề xuất bởi nghiên cứu của những “nhà địa văn hóa” chủ trương khảo sát những nền văn hóa cụ thể không tách những đặc trưng thuộc về tự nhiên ra khỏi những đặc điểm nhân văn trong một môi trường cụ thể. Joel Bonnemaison nhấn mạnh Ba chiều kích của không gian cảnh quan trong địa văn hóa gồm: Lãnh thổ, Môi trường địa lý, Biểu tượng địa lý:
Ở Việt Nam, ttừ thập niên 70, 80 của thế kỉ trước, các GS. Lê Bá Thảo, Hoàng Thiếu Sơn, Trần Quốc Vượng và nhiều nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành địa lý, lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học… đã có nhiều công trình nghiên cứu, thể hiện tính hiệu quả cao của hướng tiếp cận liên ngành mang đậm dấu ấn Địa văn hóa. Gần đây các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ cũng có nhiều đóng góp có giá trị gắn với phân tích đặc điểm địa hình Tây Nam Bộ. Tuy nhiên việc nghiên cứu văn hóa Trà Vinh nói chung, du lịch ở Trà Vinh nói riêng từ góc độ địa văn hóa còn chưa thật rõ nét và hệ thống.
Việt Nam là quốc gia đa dạng về địa hình: Vùng núi đá tai mèo Công viên Đá Đồng Văn Hà Giang, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng xóm làng quần tụ sau lũy tre xanh, vùng Trung Bộ hẹp chiều ngang nhưng trải dài theo bờ biển xanh cát trắng, vùng Tây Nguyên đất đỏ ba gian và Đồng bằng sông Cửu Long dọc ngang sông rạch là những vùng đất mang đặc điểm văn hóa thống nhất trong đa dạng tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của du lịch Việt Nam. Đáng tiếc là du lịch Việt Nam giàu tiềm năng như thế mà mới cất cánh trong ít năm gần đây. Trong khi đó một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á địa hình tự nhiên không phong phú đa dạng, phải tạo nên các điểm thiết kế nhân tạo mà vượt xa chúng ta về hoạt động du lịch từ nhiều năm trước, đem đến cho ngân sách quốc gia nguồn thu nhập rất đáng kể từ nền công nghiệp không khói. Nét đa dạng của địa hình nước ta nếu biết khai thác hợp lý sẽ đưa đến cho du lịch Việt Nam những nhận thức và cảm hứng mới mẻ, hấp dẫn.
Ở báo cáo này, người viết muốn nhìn vấn đề từ góc độ cảm nhận cá nhân – góc nhìn của một người sinh ra và lớn lên từ vùng văn hóa Bắc Bộ đối với cảnh và người phương Nam (có thể sự cảm nhận không sâu sắc như người địa phương) nhưng chắc sẽ có nét nào đó khách quan và mong muốn góp một tiếng nói trong sự phát triển văn hóa du lịch Trà Vinh, một thành phố mà người viết rất mến yêu.
Từ thuở cắp sách đến trường, địa danh Trà Vinh thân thương đọng lại trong tâm hồn thơ bé của tôi chỉ qua những câu thơ của nhà thơ tập kết Vân Đài: “Trà Vinh ơi ta muốn gửi hồn ta/ Về tận quê xưa năn nỉ từng nhà” hay “Ba mươi năm ấp ủ một tình yêu/ Thương nhớ biết bao Trà Vinh xa cách/ Nhớ mãi nơi đầu sông ngọn rạch/ Con nước Cổ Chiên khi lớn khi ròng”. Sau này khi đất nước liền một dải, có điều kiện vào Tây Nam Bộ, tôi có thể đến nhiều lần ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng vì tiện những chuyến đi trên dọc đường quốc lộ lớn, còn Bến Tre, Trà Vinh muốn sang thăm thì phải trên những con phà qua các cồn nước mênh mông. Trà Vinh vẫn còn xa trong tâm tưởng. Mươi, mười lăm năm trước, những cây cầu Hàm Luông, Mỹ Thuận rồi gần đây cầu Cổ Chiên hiện diện thay cho những chuyến phà là các công trình cực kì quan trọng kết nối tỉnh lị, xóm ấp, làm thay đổi đời sống cư dân Tây Nam Bộ trong đó có Trà Vinh.
2. Du lịch Trà Vinh – Những điểm nhấn ấn tượng
2.1. Trà Vinh một vùng sinh thái xanh Thành phố cây xanh
Trà Vinh quả là công viên xanh của Đồng bằng sông Cửu Long. Ai đã đến Trà Vinh sẽ thấy tâm hồn thật thư thái, nhẹ nhàng bởi được đến một thành phố cây xanh rợp mát với hàng ngàn cây sao, cây dầu, cây me trong nội đô thành phố. Theo thống kê gần đây, Trà Vinh có 13.000 cây xanh trong đó có hơn 1.000 cây cổ thụ trên 100 năm tuổi.
Người nơi xa đến sẽ cảm nhận rõ giá trị của những hàng cây sao xanh mát, cao vút trên các con đường thành phố yên tĩnh, êm đềm. Thật thú vị khi ngồi nhâm nhi tách cà phê, thưởng thức ly dừa sáp buổi sớm mai, hoàng hôn hay thậm chí giữa trưa hè dưới những hàng cây xanh thẳng tắp, nhìn lá sao bay mà thêm yêu cảnh yêu người. Nhiều cây cổ thụ vài người ôm quanh gốc cây mới xuể. Cây cũng có lý lịch, được đeo biển, đánh số để con người dễ bề kiểm soát. Ai muốn hạ đốn một cây to phải được sự đồng ý của chủ tịch UBND tỉnh. Có lẽ hiếm có thành phố nào có được những phố cây xanh đẹp như ở nơi đây.
Đặc biệt nơi đây có 2 cây đại cổ thụ là cây dầu dù và cây sao trên 300 năm tuổi. Cây dầu dù ước tính trên 300 năm tuổi, tán vươn ra như cây dù che mát khoảng không rộng mấy trăm mét vuông nên người dân gọi là cây dầu dù. Dưới gốc cây có miếu thờ Neak Tà, vị thần bảo hộ trong tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ.
Đến Trà Vinh không thể bỏ qua địa danh mang đặc trưng văn hóa của người Khmet với hàng cây đẹp như tranh vẽ trong khuôn viên Ao Bà Om. Ao Bà Om là thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng của Trà Vinh với chiều rộng 300 m, chiều dài 500 m, vì thế còn gọi là Ao Vuông. Trên những giồng cát hai bên bờ ao là hàng hàng cây sao, cây dầu hàng trăm năm tuổi với những bộ rễ xù xì, hình thù kì lạ để du khách thỏa sức bên gốc cây tạo dáng chụp hình. Dù trưa hè nắng đến đâu chăng nữa, chỉ khoảng 4, 5 giờ chiều là nơi đây không khí mát rượi bởi hồ điều hòa cây và nước thiên tạo nơi đây. Tôi đã được chứng kiến lễ hội Ok Om Bok – lễ hội cúng trăng với nghi thức rước kiệu, thả đèn lồng, một lễ hội đặc trưng trong tín ngưỡng của người Khmer đã trở thành ngày hội văn hóa các tộc người Khmer, Việt, Hoa thật rõ nét.
Không gian trường Đại học Trà Vinh cũng là một không gian thân thiện, trong lành và là mơ ước của không ít cán bộ và sinh viên các trường đại học trong cả nước. Tôi đã nghe du khách người Đức, người Hà Lan đến đây thốt lên: Đây giống trường đại học ở châu Âu. Chắc chắn nhận xét đó xuất phát từ không gian thoáng đãng, những khu vườn bạch đàn, cây xanh và những tán hoa rực rỡ, nơi sinh viên được luyện tập thể thao dưới những tán cây mát, hội trường lớn nghìn chỗ ngồi, thư viện phong phú sách tham khảo các ngành nghề và hệ thống thư viện điện tử hiện đại. Năm 2018, ở Việt Nam chỉ có 2 trường là trường Đại học Trà Vinh và trường Đại học Tôn Đức Thắng được công nhận là trường đại học có môi trường thân thiên, có tốc độ phát triển bền vững trong top 300 trường ĐH trên thế giới. Thật đáng tự hào và mỗi cán bộ giáo viên, sinh viên chắc chắn cần suy nghĩ và hành động nhiều hơn để bảo vệ môi trường xanh lành thân thiện ấy.
Không chỉ ở trung tâm thành phố, theo những ngả đường về các huyện như Càng Long, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải, không gian cây xanh dọc theo những bờ kênh, sông rạch vẫn là không gian đặc trưng.
Từ góc độ nghiên cứu điều kiện tự nhiên đất đai, thổ nhưỡng, các nhà khoa học cho rằng độ ẩm ở vùng châu thổ ven sông Cổ Chiên, đất đai nhiều giồng cát pha lẫn đất thịt đặc trưng ở Trà Vinh phù hợp cho sự phát triển cây sao đen, cây dầu và nhiều loại cây gỗ tốt khác. Điều quan trọng tạo nên thảnh phố công viên ấy không chỉ bởi địa hình thiên nhiên, khí hậu mà còn ở ý thức bảo vệ cây xanh của con người trong quá khứ và hiện tại (cả chính quyền và người dân). Năm 2016, tỉnh Trà Vinh mời các chuyên gia Hà Lan, Australia, Viện giống cây trồng về khảo sát, chăm sóc truyền sức sống cho các cây cổ thụ đang có xu hướng suy kiệt. Hiệu quả thật đáng mừng. Thông tin tích cực ấy được lan truyền. Nhiều comment trên mạng lấy Trà Vinh làm gương sáng cho việc bảo vệ môi trường xanh sạch và có người chia sẻ ước mong được một lần đến Trà Vinh để được tần hưởng không gian thanh bình, lãng mạn, trong lành. Điều này thật quan trọng và có ý nghĩa đối với các cư dân đang phải sống trong những thành phố công nghiệp bụi bặm, ồn ào và khí hậu ở mức nguy hiểm nghiêm trọng như hiện nay.
2.2. Du lịch cộng đồng Cồn Chim
Cồn Chim là địa danh gần đây thu hút sự hứng thú của một số lượng khách du lịch các tỉnh và cư dân địa phương bởi môi trường sinh thái trong lành, đặc biệt là hình thức du lịch cộng đồng homstay đã, đang và sẽ trở thành phương thức du lịch phù hợp và nhiều triển vọng. Theo báo Du lich Trà Vinh: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh định hướng đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh, du lịch Cồn Chim là một trong những điểm nhấn mới mẻ, phù hợp và đầy triển vọng.
Từ thành phố Trà Vinh, theo quốc lộ 53 đến chợ xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, qua phà Bà Trầm và 1 quãng đò sẽ đến với Cồn Chim. Dòng sông Cổ Chiên hiền hòa, phóng khoáng bồi đắp phù sa màu mỡ tạo nên những rặng cây bần, cây mắn xanh mát hai bên bờ sông. Cồn Chim là một ấp Cù lao có diện tích 60 ha nằm giữa sông Cổ Chiên, trong đó đất nông nghiệp 34 ha và chỉ có 220 người dân sinh sống. Không gian, địa hình và đặc điểm dân số thưa vắng như vậy quả là không gian lý tưởng để du lịch Trà Vinh phát triển hình thức du lịch cộng đồng Homstay. Theo dõi các video, các bài giới thiệu, các comment của những du khách đã đến Cồn Chim 2 năm qua là những thông tin rất tích cực. Du khách được trải nghiệm không gian sông nước, các hoạt động thư giãn, giải trí, chế biến và thưởng thức ẩm thực sông nước miền Tây: “Các thành viên trong đoàn rất bất ngờ với cảnh quan môi trường trong lành, các loài thủy hải sản với nhiều chủng loại đặc trưng của vùng đất mặn lợ, tham quan các hồ nuôi tôm, cá, cua, gặp gỡ những người dân thân thiện hiền hòa, mến khách… Khoảng 20 phút đã câu được trên 4 kg cua và cả đoàn dùng cơm trưa được thưởng thức những món ăn bình dị, dân dã mà nghĩa tình như canh chua bần với cua, cua tôm hấp bia, gà hấp rượu, tép rang, cá trê nướng, gỏi hoa bần non, tôm sú. (3)
2.3. Du lịch tâm linh
142 ngôi chùa Trà Vinh là biểu trưng văn hóa tuyệt vời, là niềm tự hào mà chưa chắc người dân sở tại cảm nhận được hết giá trị của nó. So với những ngôi chùa có kiến trúc nhỏ, mái thấp, gam màu nâu trầm từng tồn tại vài trăm năm ở châu thổ Bắc Bộ (trừ một số thiền viện và những chùa mới được xây cất gần đây) thì những ngôi chùa của đồng bào Khmer ở Trà Vinh là điểm nhấn đặc biệt khiến không ít du khách các vùng miền Bắc, Trung bộ phải sững sờ, ngỡ ngàng. Không gian thoáng rộng, cây xanh rợp mát, đặc biện là kết cấu những ngôi chùa cao, rộng, lộng lẫy gam màu vàng tươi rực rỡ. Không ít người thưởng lãm cảnh chùa thấy như lạc vào khung cảnh hoàng cung xưa trong những câu chuyện cổ tích thần tiên – những ngôi chùa mà chỉ khi du khách có dịp đến một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma… mới được chiêm ngưỡng. Bao quanh chùa là bức tường được tạo hình răn thần 5 đầu, 7 đầu đi ra từ những câu chuyện huyền ảo đậm triết lý Phật giáo Theravada. Thành phố Trà Vinh thêm phần thơ mộng bội phần bởi những ngôi chùa in bóng bên dòng sông Long Bình, Khoảng chục năm gần đây, ngoài những ngôi chùa nổi tiếng thuộc khu vực thành phố Trà Vinh như chùa Âng, chùa Hang, chùa ông Mẹt… thì 2 ngôi chùa là chùa Vàm Rây, chùa Nodol (chùa Cò) huyện Trà Cú trở nên nổi tiếng về sự hoành tráng, lộng lẫy không khác gì cung điện với tượng phật, hoa văn, họa tiết, sắc màu được chạm khắc, phối màu vô cùng công phu, tinh xảo.
Về chùa Khmer tôi đã chứng kiến điều này, Khu Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là mái nhà chung để lưu giữ sự độc đáo bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em được xây dựng trên khuôn viên hơn 198 ha ở Hà Nội. Trong rất nhiều các kiến trúc văn hóa tinh hoa các dân tộc thì chùa Khmer là một điểm nhấn rực rỡ mà có lẽ khách tham quan dừng chân chiêm ngưỡng nhiều nhất và không ngớt lời thán phục, ngợi khen.
Với 65 km bờ biển, biển Ba Động huyện Duyên Hải Trà Vinh tạo sự đa dạng về khí hậu, kinh tế và phát triển du lịch. Tuy hiện nay biển Trà Vinh vẫn thuộc bờ biển sình, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch nhưng nếu trong tương lai, chiều dài đáng quý của bờ biển này được mở mang, sức người lấn biển như biển thành phố Kiên Giang thật là điều đáng mơ ước dù biết mơ ước vẫn chỉ là mơ ước vì nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển ngày một dâng cao mà Trà Vinh không phải là ngoại lệ.
Gắn với biển là cuộc sống của ngư dân tôn kính thần Nam Hải Đại tướng Quân, cùng lễ hội hoành tráng ở Long Mỹ huyện Cầu Ngang, hai ngôi đình thần Nguyễn Trung Trực ở huyện Trà Cú, chùa Trung Hoa nổi tiếng như chùa Phước Minh Cung… tạo nên sự gắn kết của 4 dân tộc anh em Khmer, Việt, Hoa, Chăm trên mảnh đất này.
3. Suy ngẫm và góp thêm tiếng nói về du lịch Trà Vinh
Như trên đã nhắc đến, đặc điểm địa hình Trà Vinh trước đây có phần bị khép kín, ở thế cô lập nhiều năm. Thế cô lập về địa hình đó vừa là điểm khó khăn lớn nhiều mặt của Trà Vinh, nhất là về kinh tế, giao thông, không phủ nhậnTrà Vinh vẫn thuộc tỉnh khó khăn nhiều mặt trong tương quan với một số tỉnh ĐBSCL song đó cũng lại là điểm thuận lợi trong việc Trà Vinh bảo tồn những sắc thái văn hóa mang tính đặc trưng khá rõ. Trong các hội thảo khoa học quốc tế hoặc quốc gia về văn hóa, Trà Vinh thường được nhắc đến như một vùng đất bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống có bản sắc riêng, chưa bị pha tạp, chưa bị trong tình trạng kinh tế phát triển văn hóa xuống cấp hoặc du lịch đi lên văn hóa tụt lùi. Thảm thực vật xanh toàn thành phố mới đây đã được UBND tỉnh chi 20 tỷ đồng để bảo dưỡng, lễ hội Ok Om Bok với hoạt động đua ghe ngo thành công tốt đẹp năm 2019, du lịch cộng đồng Cồn Chim phát triển theo quy luật “thuận thiên” với việc giữ gìn cảnh quan, hoạt động, ẩm thực sạch… Chính quyền và nhân dân Trà Vinh đang bước đầu nỗ lực bảo tồn, phát huy thế mạnh văn hóa du lịch một cách bền vững và đúng hướng. Chúng tôi trò chuyện với một số du khách trong và ngoài nước về du lịch Trà Vinh đều thu được các phản hồi tích cực. Chị Nguyễn Thanh Phượng ngụ tại TP Hồ Chí Minh tháng 7 năm 2019 vừa rồi đưa một đoàn cô dì chú bác Việt kiều tại Mỹ, Pháp về Trà Vinh du ngoạn. Mọi người đều rất thích sự mộc mạc, giản dị của cảnh và người nơi đây: “Trà Vinh còn nghèo, chưa phát triển đô thị kinh doanh nên vẫn giữ được không gian thiên nhiên sông nước. Tôi nghĩ giữ Trà Vinh mộc mạc vậy là hay nhất. Làm thêm vườn cây ăn trái để du lịch miệt vườn homestay thôi, không nên phá cảnh quan như một số nơi khác thì đáng tiếc lắm”.
Rõ ràng du lịch Trà Vinh đi chậm một bước nhưng đã và sẽ phát triển bền vững, đúng hướng.
– Vấn đề đào tạo ý thức, kỹ năng cho người dân – các chủ thể văn hóa trong du lịch cộng đồng homestay là rất quan trọng. Người dân miền Tây nói chung, người dân Trà Vinh nói riêng chân thực, bộc trực, cởi mở, thân thiện là vốn văn hóa quý căn bản nhưng cần đào tạo những phẩm chất quan trọng trong du lịch là tính chuyên nghiệp, tính kỉ luật trong tổ chức, ứng xử, tránh tình trạng thích làm chán bỏ.
– Các tour du lịch miền Tây thường triển khai theo trục đường quốc lộ xuyên Việt. Chúng tôi đã tham gia tour du lịch 4 ngày 3 đêm đi qua các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tour du lịch này đã trở thành tour cố định, khá thuận lơi và tổ chức thường xuyên. Du lịch Trà Vinh có thể kết hợp theo hướng ghép tour với các công ty du lịch lữ hành miền Tây hoặc tạo tour du lịch sinh thái mới đặc trưng với các điểm nhấn được chọn lọc một cách hợp lý, tổ chức tốt sẽ rất hiệu quả và hấp dẫn.
– Công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông phát triển, nếu khai thác tốt điều này sẽ đưa thông tin du lịch Trà Vinh được cập nhận lan tỏa. Cần có con số thống kê, theo dõi các lượt truy cập, những nhận xét, đánh giá các điểm du lịch của người trải nghiệm trên internet để nắm bắt, chỉnh sửa những điểm thành công và những gì chưa hoàn thiện. Tôi đã xem lượng truy cập, đánh giá tích cực về các điểm du lịch cụ thể đã tăng lên từng ngày nhưng cần phát huy thông tin, quảng bá, và điều quan trọng là chất lượng dịch vụ cần hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt công nghệ trí tuệ nhân tạo nếu được áp dụng trong di chuyển, quản lý hoạt động chắc chắn sẽ đưa du lịch Trà Vinh bứt phá lên phía trước.
– Ẩm thực nên giữ món đặc trưng độc đáo của Trà Vinh như bánh tét Trà Cuôn, bún nước lèo, bánh canh Bến Có, rượu Quách… nhưng cũng cần nghiên cứu cho hợp khẩu vị người dân các vùng miền khác. Người dân Bắc Bộ khi đi du lịch miền Tây thấy rất yêu cảnh yêu người nhưng thường than món ăn miền Tây nhiều vị ngọt. Ngược lại nếu người miền Tây du lịch phái Bắc thì vị thanh nhẹ của ẩm thực Bắc Bộ sẽ dễ tạo cảm giác về sự nhạt nhẽo trong khẩu vị với người Nam Bộ. Trong những lần đi du lịch Thái Lan, Trung Quốc gần đây, chúng tôi nhận thấy món ăn cho các đoàn du lịch người Việt cũng đã được các quán ăn nước bạn thay đổi cho hợp khẩu vị du khách so với nhiều năm về trước.
– Trường đại học Trà Vinh với lực lượng sinh viên đông đảo sẽ là các thành viên tuyên truyền tích cực về văn hóa quê hương. Muốn vậy chuyên ngành văn hóa học, du lịch học nên phủ sóng rộng hơn tới sinh viên cả các ngành khoa học tự nhiên. Trong gần chục năm nay, ĐH Trà Vinh đã đào tạo hàng trăm thạc sỹ chuyên ngành văn hóa học, mở mã ngành đào tạo TS chuyên ngành văn hóa. Đó là lực lượng tốt cho các địa phương các tỉnh có thể phát triển, liên kết giao lưu, kết nối du lịch trong hệ thống. Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch TS. Tạ Duy Linh phối hợp với sở Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức hội thảo ý nghĩa này là một minh chứng sáng rõ.
– Hình thức du lịch sinh thái cộng Đồng Cồn Chim, du lịch biển Ba Động, du lịch các điểm tôn giáo tín ngưỡng, giáo dục truyền thống… sẽ là những điểm tham quan, trải nghiệm mới cho học sinh các trường THCS, THPT hiểu thêm về văn hóa địa phương, những tiết học về VHDG địa phương sẽ được bổ sung một cách sinh động, tăng thêm tình yêu quê hương cho các chủ nhân tương lai của tỉnh nhà.
– Tăng cường quảng bá phổ cập văn hóa dân gian, những tác phẩm văn học nghệ thuât có giá trị của Trà Vinh. Như trên đã trình bày, tôi biết đến Trà Vinh đầu tiên từ thuở thiếu thời bởi những vần thơ da diết của nữ sĩ Vân Đài. Hãy xem, khách du lịch đến Hy Lạp với số lượng vô cùng lớn không chỉ vì những thành quách, tượng đài nổi tiếng dù nhiều thứ đã thành phế tích mà còn bởi sức hấp dẫn tuyệt vời của những câu chuyện thần thoại gắn với các địa danh Olympia, Aten…
– Các doanh nhân có vai trò to lớn trong xây dựng TP quê hương. Họ đã, đang và luôn là nhân tố tích cực trong phát triển du lịch. Tôi đã từng chứng kiến trong một buổi sáng thanh bình, vài ba doanh nhân tâm huyết với quê hương Trà Vinh vốn thân thiết với nhau từ hồi chăn trâu cắt cỏ nay ngồi nhâm nhi ly cà phê dưới gốc cây sao xanh mát bàn về dự định phối hợp xây dựng kinh tế, văn hóa quê hương. Tôi thầm nghĩ họ là những người thật hạnh phúc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Đức Thịnh (2001) Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam.
2. Trần Quốc Vượng (1999) Việt Nam – cái nhìn địa văn hóa NXB Văn hóa dân tộc.
3. Vnexpress.nét dulichtravinh ngày 7 tháng 10/ 2018.
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Du lịch Trà Vinh – Những điểm nhấn từ góc nhìn địa văn hóa (Tác giả: PGS, TS Phạm Thu Yến) |