Dương Tự Minh và một số di sản văn hóa liên quan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

ĐỖ QUANG ĐẠI
(Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc)

TÓM TẮT

     Dương Tự Minh là một nhân vật thời Lý, có đóng góp lớn trong việc duy trì, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Công lao của ông đã được lịch sử và dân gian ghi nhận. Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh còn nhiều di tích, truyền thuyết và lễ hội gắn với ông, đặc biệt tập trung ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là những di sản văn hóa quan trọng, cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ khóa: Dương Tự Minh, di tích thờ Dương Tự Minh, truyền thuyết và lễ hội gắn với Dương Tự Minh, tỉnh Thái Nguyên.

ABSTRACT

     Dương Tự Minh is a figure in Lý dynasty, had a great contribution to the maintenance and consolidation of nation unity, and fightened enemy, kept the security and sovereignty of the country. His merits was written by history and folk stories. Today there are many heritage sites, myths and traditional festivals relevant to him in Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh provinces, especially in Thái Nguyên province. They are important cultural heritage elements needed to be researched, protected and promoted.

Key words: Dương Tự Minh, Worshipped Dương Tự Minh sites, Dương Tự Minh myths and festivals, Thái Nguyên province.

x
x x

     Dương Tự Minh, vị thủ lĩnh dân tộc Tày, quê gốc ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay thuộc phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Hiện chưa rõ chính xác năm sinh và năm mất của ông, nhưng phần lớn các tài liệu đều ghi nhận, ông sống và hoạt động trong khoảng nửa đầu thế kỷ XII. Trong giai đoạn này, nhà Lý sau gần một thế kỷ hưng thịnh, đến đời vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Đương thời, biên giới phía Bắc Đại Việt, đặc biệt là các vùng đất thuộc phủ Phú Lương liên tục có biến động bởi sự nổi dậy của các tù trưởng người dân tộc thiểu số và sự xâm lấn đất đai của nguời Tống. Trong bối cảnh đó, là thủ lĩnh phủ Phú Lương, Dương Tự Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc đoàn kết các dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới của quốc gia. Có lẽ, ông là nhân vật duy nhất trong lịch sử dân tộc từng 2 lần được phong làm Phò Mã: năm Đinh Mùi (1127), ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình; năm Giáp Tý (1144) lại được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung, phong làm Phò Mã Lang (Phò Mã Đô uý). Những sự việc này là minh chứng xác thực cho thấy vị trí đặc biệt của Dương Tự Minh trong vương triều Lý.

    Đại Việt sử ký toàn thư chép về Dương Tự Minh như sau:

     – Mùa đông tháng 10 năm Đại Định thứ ba (1142): “Sai thủ lĩnh Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy”;

     – Tháng 8 năm Đại Định thứ tư (1143): “Xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản các công việc khe động dọc biên giới về đường bộ”;

     – Đầu năm Đại Định thứ năm (1144): “Gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh, phong Dương Tự Minh làm Phò Mã lang”;

     – Tháng 8 năm Đại Định thứ năm (1144): “Có kẻ yêu thuật tự xưng là Triệu tiên sinh nói dối là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Hữu Lượng bèn đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Nguyên… Vua xuống chiếu cho Phò Mã Dương Tự Minh và văn thần Nguyễn Như Mai, Lý Nghĩa Vinh đi đánh, lấy được ải Lũng Đồ, châu Thông Nông, bắt được bọn bè đảng của Hữu Lượng là bọn Bá Đại, tổng cộng 21 người”…

     Khâm định sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi chép về Dương Tự Minh như sau:

     “Tháng 9 năm 1138, vua Lý Thần Tông băng hà, Hoàng Thái tử Thiên Tộ nối ngôi báu khi mới được 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Cảm Thánh làm Hoàng Thái hậu. Do vua Lý Anh Tông còn nhỏ, nên quyền hành trong triều đều do Thái uý Đỗ Anh Vũ nắm cả. Lợi dụng vị trí mình là em ruột của Đỗ Thái hậu (mẹ của vua Lý Thần Tông), Anh Vũ tự do ra vào cung cấm, tư thông với Thái hậu, dở thói càn rỡ, ức hiếp vua, khinh miệt, uy hiếp quan lại trong triều. Ai ai cũng vừa lo sợ, vừa căm ghét Đỗ Anh Vũ.

     Niên hiệu Đại Định thứ 11 (1150), Dương Tự Minh cùng nhiều đại thần trong triều, như Vũ Đái, Trí Minh vương, Bảo Ninh vương trị tội Đỗ Anh Vũ lộng hành và tư thông với (Lê) Thái hậu. Họ đã bắt Vũ giam ở hành lang Tả Hưng thánh, giao cho Đình uý tra xét. Do Vũ Đái – nhân vật số một của cuộc nổi dậy đã nhận vàng hối lộ của Lê Thái hậu nên không giết Đỗ Anh Vũ mà chỉ bắt đi đầy làm “Cảo điền nhi” (bắt làm dân binh, vừa phải tập luyện quân sự, vừa đi cầy cấy, làm ruộng như một nông phu ở huyện Từ Liêm). Khi Đỗ Anh Vũ được thả và được phục chức Thái uý Phụ chính Triều đình, hắn bèn tâu vua Lý Anh Tông xử tội những người tham gia cuộc truất phế. Sau đó, mấy chục quan tướng, từ Vũ Đái tới Đỗ Ất, Đồng Lợi… đều bị giết chết rất dã man. Nhiều vương tôn, quý tộc bị giáng chức tước; Dương Tự Minh cùng 30 người bị lưu đầy vào nơi rừng thiêng nước độc”. Các tư liệu ở địa phương xác nhận, Dương Tự Minh về sống ở vùng chân núi Đuổm cùng hai nàng công chúa và mất ở đấy…

    Từ nguồn tư liệu trên cho thấy, Dương Tự Minh là một người con ưu tú của đất Thái Nguyên, là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung báo quốc. Hơn thế nữa, cuộc đời và sự nghiệp của ông là một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong buổi đầu xây dựng quốc gia Đại Việt. Ông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ đất đai, bờ cõi và phục hồi phát triển kinh tế cho đất nước, đặc biệt là vùng đất Phú Lương, nơi ông trực tiếp làm Thổ tù.

    Với những đóng góp lớn lao, Dương Tự Minh đã được triều Lý phong là “Uy viễn Đôn tinh Cao sơn Quảng độ chi thần”, các triều đại sau đều sắc phong cho ông là “Cao sơn Quý minh”, “Thượng đẳng phúc thần”. Hiện trên khắp các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đều có đền thờ Dương Tự Minh. Qua chính sử và một số tư liệu còn lưu giữ ở những nơi thờ tự liên quan, Dương Tự Minh được ghi nhận là một vị thủ lĩnh người Tày có tài, có đức, thẳng thắn, chính trực, tận trung và có nhiều đóng góp trong việc giữ yên biên giới quốc gia, có uy tín với đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc…

1. Di tích thờ Dương Tự Minh

    Theo Hồ sơ “Tổng kiểm kê và quy hoạch xếp hạng di tích – danh lam thắng cảnh tỉnh Thái Nguyên” (Báo cáo phúc tra di tích thực hiện Luật di sản văn hoá, số 173/BC-BT ngày 29/9/2002, do Bảo tàng Thái Nguyên thực hiện: Toàn tỉnh hiện có 776 di tích, trong đó 253 di tích thuộc loại kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng, tôn giáo. Trong số 253 di tích này, có tới 102 di tích (đền, đình, nghè, miếu) thờ Dương Tự Minh. Dưới đây, chúng tôi xin điểm qua một số di tích liên quan mang tính tiêu biểu, đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh:

    + Đền Đuổm, huyện Phú Lương

     Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm (còn có tên gọi khác là Điểm Sơn, Thạch Long), thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Tây – Bắc. Sách Đại Nam nhất thống chí xác nhận: “Điểm Sơn ở cách huyện Phú Lương 30 dặm về phía Tây – Bắc, phía trước núi có phiến đá chỗ lên chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều thờ Dương Tự Minh”. Tương truyền, đền được dựng ngay sau khi Dương Tự Minh qua đời, tức vào khoảng cuối thế kỷ XII. Có thể, ban đầu đền được dựng bằng tre hoặc gỗ, mái lợp lá. Trong khoảng hơn 800 trăm năm tồn tại, đền đã được trùng tu, thậm chí xây dựng lại nhiều lần. Kiến trúc đền hiện nay là sản phẩm của đợt trùng tu cách đây khoảng trên dưới 70 năm, với kết cấu xây gạch, mái lợp ngói. Đền gồm ba tòa chính, với công năng kiến trúc khác nhau: đền Thượng thờ Mẫu (mẹ Dương Tự Minh); đền Trung thờ Dương Tự Minh; đền Hạ thờ 2 nàng công chúa, vợ của Dương Tự Minh. Trong đền hiện còn gìn giữ được một số di vật có giá trị, thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau, như thần phả, sắc phong, bài vị, bát hương, chuông, tượng…

     Năm 1993, đền Đuổm đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia.

     + Đình Hộ Lệnh, huyện Phú Bình

    Đình Hộ Lệnh thuộc làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình. Đình được dựng trên mặt bằng hình chữ Đinh, kết cấu gỗ, với 3 gian 2 chái, mang đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ XVII. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, như cuốn ngọc phả chữ Hán, sao lục vào năm Khải Định thứ 3 (1918) ghi sự tích các vị thần được thờ tại đình; bia đá “Hậu thần bi ký”, lập năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), thời Lê Ý Tông; hệ thống hoành phi, câu đối và nhiều đồ tế tự khác. Đình Hộ Lệnh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 2001.

     + Đình Đông, huyện Phú Bình

     Đình Đông, còn có tên gọi khác là Phục Hổ đình, tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phằng, có diện tích khoảng 1.500m2. Hiện chưa rõ chính xác về thời điểm khởi dựng đình, nhưng dựa vào đặc điểm kiến trúc, có thể khẳng định, diện mạo cơ bản của ngôi đình hiện nay là sản phẩm của đợt tu bổ vào khoảng năm Tự Đức 31 (1878) và năm Bảo Đại 8 (1932). Trong đình hiện còn lưu giữ được một số tài liệu, hiện vật có giá trị, như hệ thống sắc phong thời Nguyễn; hệ thống y môn, hương án, ngai, kiệu bát cống, bộ bát bửu, án thư… Ngoài ra, đình Đông còn là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng – Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Xứ uỷ Bắc Kỳ chọn đình Đông làm trạm liên lạc, nơi hội họp, huấn luyện cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng huyện Phú Bình trong quần chúng nhân dân. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 2005, đình Đông đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia…

     + Đình Phương Độ, huyện Phú Bình

     Đình Phương Độ, thuộc làng Phương Độ, còn có tên gọi khác là Úc Tân đình, được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Phương Độ là ngôi làng cổ, hiện còn những cây gạo, gốc thông có đường kính khoảng 1,5m – 2,0m. Người đầu tiên đến lập làng là một tướng quân dưới triều Lê, gốc Thanh Hoá, được sắc phong làm Thái Bảo Đô Đốc quận công, có công phò tá nhà Lê.

     Sau khi đất nước yên bình, ông đã vận động người của 13 dòng họ từ Thanh Hoá đến Phương Độ khai khẩn đất đai. Thời thái bình thịnh trị, bản làng đông đúc, no ấm, yên vui, ông đã cử người vào tận Thanh Hoá mua gỗ lim và thuê 4 hiệp thợ khác nhau làm đình rồi mới chuyển từ Thanh Hoá về Phương Độ dựng đình ở ngoài khu Bãi Nổi, là nơi có phong cảnh thiên nhiên ưu ái, có sông, có cánh đồng ruộng bát ngát… Sau đó, do thiên tai, mưa lũ, nên phải di chuyển đình nhiền lần. Lần gần đây nhất, đình được chuyển vào giữa làng Phương Độ tại vị trí hiện nay.

     Trong những năm đầu của cuộc cách mạng tháng Tám, đình Phương Độ là nơi hội họp, tuyên truyền cách mạng. Tháng 8 năm 1945, đình còn là nơi tổ chức lễ tế cờ chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1946, các ông Nguyễn Văn Tố, Trần Huy Liệu đã lấy đình làm địa điểm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, vận động toàn dân xoá nạn mù chữ, mở rộng phong trào “Bình dân học vụ”. “Tuần lễ vàng” cũng được tổ chức ở đình, nhân dân đã góp tiền của, vàng bạc ủng hộ chính quyền non trẻ.

     Đình Phương Độ là một di tích mang đặc trưng kiến trúc thời Lê lớn nhất tỉnh Thái Nguyên còn lại đến ngày nay. Nóc đình đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”, các cấu kiện và đồ thờ tự trong đình đều được chạm trổ tinh tế, mang giá trị nghệ thuật cao… Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1993, đình đã được xếp hạng di tích quốc gia.

     + Đình Xuân La, huyện Phú Bình

     Đình Xuân La là một kiến trúc cổ độc đáo, được nhân dân làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình xây dựng để thờ Dương Tự Minh. Phía sau đình là chùa Xuân La.

     Đình tọa lạc trên ngọn quả đồi thoải ở giữa làng, hài hòa với kiến trúc chùa, tạo thành một quần thể kiến trúc uy nghiêm. Cách đình khoảng 500m còn có 2 nghè: một nghè thờ công chúa Diên Bình, tại đồi thông xóm Ngoài; một nghè thờ công chúa Thiều Dung, tại xóm Giũa, làng Xuân La.

     Đình có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, kết cấu gỗ, gồm 5 gian, 2 chái, với 4 lá mái, đầu đao cong. Thượng cung của đình được bố trí ở phía sau hàng cột cái, dạng gác lửng, cách nền đình 2m, trông rất trang trọng và hài hoà. Đây chính là vị trí thờ Thành hoàng làng Dương Tự Minh, được chạm khắc tinh xảo, sơn son thiếp vàng. Bên dưới cung thờ này có bức đại tự đề “Thánh cung vạn tuế”. Phía trước thượng cung là một hương án để bày đồ cúng lễ. Bên tả và bên hữu hương án có đôi hạc thờ, đứng trên lưng rùa. Bộ khung đại đình với nhiều mảng chạm mang đặc trưng nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt thế kỷ XVII – XVIII. Ngoài ra, trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, như cuốn thần phả bằng chữ Hán – “Bản thôn Thành hoàng sự tích”, được sao lại vào năm 1883; 03 đạo sắc phong thời Nguyễn; 2 chiếc tàn; 2 chiếc lọng; một tấm y môn bằng vải, thêu rồng chầu mặt nguyệt và đề tài tứ linh; tượng Dương Tự Minh; 1 hương án gỗ tạc tứ linh và tứ quý; 4 bức tranh gỗ (2 quan văn, 2 quan võ); 5 nậm sứ; 1 bát hương men ngọc, trang trí lưỡng long chầu nguyệt; một bát hương men da lươn, trang trí tứ linh… Năm 2002, đình Xuân La được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia.

     + Đền Lục Giáp, huyện Phổ Yên

     Đền Lục Giáp thuộc xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên. Khởi nguyên, đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của dân làng vùng Sơn Cốt. Sau đó, để tưởng nhớ và ghi nhận công lao của vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, nhân dân sở tại đã cải tạo miếu này thành đền thờ Dương Tự Minh và Lưu Nhân Chú (anh em kết nghĩa của Lê Thái Tông, được phong tước “Thái uý Vinh Quốc công”. Ông từng đến đền Lục Giáp mở hội vật để tuyển nghĩa quân chống giặc Minh). Vào khoảng cuối thế kỷ XV, ông Đỗ Vận, người làng Thống Thượng, thuộc xã Minh Đức (Phổ Yên), đỗ tiến sĩ năm 1478, đời vua Lê Thánh Tông và được bổ nhiệm làm Tham Nghị xứ Quảng Ninh, đã cho thợ giỏi, dùng gỗ tốt đục đẽo, chạm khắc thành khung nhà hoàn chỉnh ở Thanh Hoá, rồi mang về dựng thay thế cho ngôi đền nhỏ cũ. Nhân dân trong giáp của vùng Lăng Sơn Cốt tự nguyện cùng phụng thờ và đền Lục Giáp được mang tên từ đó.

     Đền tọa lac trong khuôn viên rộng khoảng 1.360m2, gồm tiền tế và hậu cung, mỗi tòa đều gồm 3 gian, 2 chái, kết cấu gỗ, chạm khắc tinh vi… Đặc biệt, hai cánh cửa chính của hậu cung chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, mang phong cách đời Lê, có giá trị nghệ thuật cao. Năm 1993, đền Lục Giáp đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

     + Đình – đền Đồng Tâm, huyện Đồng Hỷ

     Đình, đền Đồng Tâm thuộc xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, được dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Năm 1920, viên Công sứ Pháp ở Thái Nguyên có hai con trai bị chết đuối ở sông Cầu trước đình, hắn đã cho quân lính phá đình. Nhân dân địa phương dịch chuyển đình đến vị trí cách đó 200m, rồi chuyển đến địa điểm như ngày nay. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, như tấm bia “Hậu thần”, ghi việc một số chức sắc địa phương công đức tu sửa đình vào năm Khải Định thứ 9(1924); 01 cuốn thần sắc, bài vị thờ Dương Tự Minh, 1 lư hương gốm; hệ thống hoành phi, câu đối; 8 bát hương đồng; 1 lư hương đồng; 2 chuông đồng; 1 lọ hoa đồng, chạm khắc đề tài lưỡng long chầu nguyệt, rồng cuốn thuỷ, sư tử hý cầu… Trong đó, cuốn Thần sắc của đình, bằng chất liệu giấy gió có giá trị đặc biệt, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thái Nguyên…

     Ngoài những di tích lịch sử – văn hoá và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nêu trên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều di tích thờ Dương Tự Minh, như phường Quán Triều, thành phố Thái Nguyên có đền Mỏ Bạch, đình Quang Vinh, đình Quán Triều; tại trung tâm thành phố có đền Xương Rồng, đền Túc Duyên; Huyện Đồng Hỷ có đình Hoà Khê, đình Văn Hán, đình Thác Lở, đền Rắn…; huyện Phổ Yên có đình Thành Thù, đình Thù Lâm, đền Vân Dương…

     Đặc biệt, huyện Phú Bình là địa bàn tập trung nhiều di tích thờ Dương Tự Minh nhất, với 27 di tích…

2. Truyền thuyết và lễ hội gắn với Dương Tự Minh

     2.1. Truyền thuyết

     Thân thế và sự nghiệp của Dương Tự Minh đã được chính sử ghi chép nhưng có lẽ chưa thật đầy đủ và chi tiết. Trong tâm thức dân gian, hình ảnh của ông còn được điểm tô như một vị anh hùng văn hóa, một vị thủ lĩnh tinh thần. Đó cũng là cách bày tỏ sự yêu kính, trân trọng của cộng đồng trước những đóng góp lớn lao của vị anh hùng dân tộc. Không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi tên tuổi, sự nghiệp của Dương Tự Minh trong các thần tích, thần phả, trên các hoành phi, câu đối tại những nơi thờ tự ông, dân Phú Lương xưa, bằng tấm lòng ngưỡng mộ, thành kính và sức sáng tạo đã dệt nên những huyền thoại đẹp về ông và truyền từ đời này qua đời khác. Đó là những tác phẩm có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, như: Chuyện chiếc áo tàng hình; Câu chuyện về giếng Dội; Sự tích ao Chuông Lăn; Tại sao gọi là sông Giang Tiên; Thánh Đuổm trị tà thần… Từ một nhân vật lịch sử, Dương Tự Minh đã đi vào truyền thuyết theo cách nhìn và quan điểm của nhân dân. Trong truyền thuyết, hình ảnh của ông hiện lên thật kỳ vĩ, lớn lao, bởi nhân dân đã thần/thánh hoá con người anh hùng mà mình tôn kính. Dương Tự Minh đã trở thành biểu tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm, nêu cao tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc. Không chỉ có vậy, truyền thuyết còn gắn cuộc đời Dương Tự Minh vào những câu chuyện giải thích về nguồn gốc một số địa danh, tạo nên sức sống mãnh liệt và trường tồn của hệ thống truyền thuyết về ông.

     2.2. Lễ hội

     Đến nay, tại nhiều di tích thờ Dương Tự Minh trên địa bản tỉnh Thái Nguyên còn duy trì được lễ hội xoay quanh những sự kiện lịch sử và truyền thuyết gắn với ông, tiêu biểu như đền Đuổm, đình Phương Độ, đền Lục Giáp, đền Túc Duyên… Tại các di tích này, lễ hội thường diễn ra vào mùa xuân. Đây cũng là khoảng thời gian nông nhàn, nhân dân có nhiều điều kiện để thưởng thức và giao lưu văn hoá…

     Hội đền Đuổm được tổ chức vào mồng Sáu tháng Giêng hàng năm. Đồng bào Tày, Kinh trong vùng hội về đền dự hội để tưởng niệm và cầu mong thánh Đuổm – Dương Tự Minh ban cho một năm mới với mọi sự tốt lành, mùa màng tốt tươi, mọi người mạnh khoẻ…

     Trước kia, dân làng Đuổm được thay mặt cho cả huyện Phú Lương chủ trì việc thờ phụng Dương Tự Minh ở đền. Tương truyền, mùng Sáu tháng Giêng là ngày sinh của Dương Tự Minh. Vào ngày này, cả làng đều dậy sớm để chuẩn bị cho hội và làm cỗ để rước vào đền. Cỗ thường có hai loại: cỗ chay và cỗ mặn. Cỗ chay gồm: bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo, bánh rán và bỏng nổ. Theo quy định, các loại bánh đều có hình vuông, mỗi bề dày mười phân, bỏng nổ tròn và to bằng quả bưởi. Bánh được đặt vào tám chiếc mâm đồng, mỗi mâm đặt thành tám phần, mỗi phần đủ 6 thứ bánh, mỗi bánh 8 cái to bằng nhau. Cỗ mặn lại có hai loại: cỗ đại hạ và cỗ lễ/thờ. Cỗ đại hạ để trai đinh cùng phường, chạ ăn tại chỗ sau khi lễ. Cỗ lễ, ngoài mục đích để cúng, còn là cỗ thi về tài nghệ xếp cỗ. Vì vậy, cỗ này không những phải đủ thành phần, mà còn phải làm đẹp mắt người xem, vui lòng phường, chạ. Khi cỗ được chuẩn bị xong, ông chủ lễ nổi trống ra lệnh rước cỗ. Đám rước xuất phát từ đền rồi theo một vòng tròn khép kín quanh núi Đuổm trở về đền. Khi rước cỗ vào đền. Cỗ chay thì rước trước, cỗ mặn rước sau. Đi đầu là hai quan viên mặc áo thụng, cầm hai lá cờ, đi sau hai ông là hai trống nhỡ, hai kèn, một trống cái và một chiêng lớn. Tiếp theo là 8 quan viên mặc áo dài, màu xanh hoặc đen, đội 8 mâm cỗ thờ đi thành từng đôi. Tiếp theo là phường bát âm. Đàn nhạc, chiêng trống dội vào vách đá ầm vang, tạo nên âm thanh riêng của ngày hội. Sau đoàn nhạc lễ là cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, do các chàng trai khoẻ mạnh, cường tráng khiêng. Trên kiệu đặt bình hương đang toả khói thơm nghi ngút. Hai bên có hai cô gái cầm tàn, lọng che cho kiệu. Phía sau kiệu là hàng bô lão, chức sắc của làng từ tốn đi theo đám rước. Tiếp sau các cụ là dân làng, với đủ mọi lứa tuổi cùng khách thập phương.

     Khi rước cỗ vào đền xong thì bắt đầu tế. Đại tế là nghi thức trang trọng nhất trong lễ hội đền Đuổm. Lễ này do ban tế thực hiện. Những người trong ban tế do làng bầu ra sau khi đã chọn lựa kỹ lưỡng. Sau khi dâng hương, dâng rượu, chủ tế là người thay mặt làng đọc văn tế. Nội dung bài văn tế, ngoài việc cầu “nhân khang thịnh vượng”, “hoà cốc phong đăng”…, còn xâu chuỗi những sự tích và truyền thuyết dân gian về Dương Tự Minh. Đến giờ Ngọ tế xong, nam giới làng Đuổm từ 18 tuổi trở lên được ăn cỗ tại đền hạ. Ngoài quan viên, trai đinh còn có khách lễ thờ, như khách chạ Chào (xã Yên Đổ), chạ Đu (thị trấn Đu)… cùng dự tiệc. Sau khi ăn cỗ đại hạ, phần cỗ lễ được chia cho các chức dịch, từ ông chủ tế đến người trưởng thôn, tuỳ chức cao thấp mà nhận nhiều hoặc ít. Ngoài những nghi lễ, trong hội đền Duổm còn có các trò chơi dân gian, như ném còn, hát lượn…

     Hội đền Đuổm và hội đình Phương Độ là hai hội lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Về cơ bản, hai hội này có nhiều nét tương đồng vì cùng thờ vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Hằng năm, dân Phương Độ mở hội vào dịp mùng Bốn tháng Tư và mùng Mười tháng Mười…

    Hội xuân đình Hộ Lệnh được tổ chức ngày vào ngày mùng Bốn tháng Giêng, gắn với lễ cầu phúc, cầu tài và nhiều sinh hoạt văn hóa khác của cộng đồng. Đặc biệt, vào dịp mùng Hai tháng Hai, tại đình tổ chức lễ “làng ăn mày lão” tức lễ “lên lão làng” cho các nam giới lên lão (từ 50 – 60 tuổi). Trong dịp này, những người đến tuổi lên lão cùng góp gạo, thịt, tiền làm lễ cúng Thành hoàng để cầu trường thọ và mời dân làng tới dự lễ, ăn cỗ khao lão. Hội lớn nhất tại đình hằng năm được tổ chức vào ngày Ba mươi tháng Mười. Dân làng Hộ Lệnh tuổi từ 50 trở xuống tập trung đóng góp gạo, thịt, tiền và mời các cụ từ 50 tuổi trở lên đến đình tổ chức lễ “lão ăn mày làng”…

3. Tạm kết

     Dương Tự Minh là một nhân vật thời Lý, có những đóng góp lớn trong việc duy trì và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Công nghiệp của ông đã đi vào sử sách và được cộng đồng thuộc các tỉnh từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Bắc Giang, Bắc Ninh tôn thờ như một vị thánh/thần bảo hộ. Theo đó, những di sản văn hóa gắn với việc tôn vinh, tưởng niệm ông và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được sáng tạo và duy trì trong lịch sử, trong đó, Thái Nguyên là địa bàn tập trung nhất. Việc nghiên cứu, bảo vệ và phát huy hệ thống di sản văn hóa này sẽ góp phần làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của Dương Tự Minh và lịch sử – văn hóa của các cộng đồng liên quan./.

Nguồn: Di sản văn hóa, Số 3 (48), năm 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Dương Tự Minh và một số di sản văn hóa liên quan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Tác giả: Đỗ Quang Đại)