Già làng Điểu nắng người thắp đuốc cho nguồn sáng dân tộc S’tiêng ở Bình Phước

Tác giả bài viết: TÔ THỊ HUÊ

     Tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 20% dân số toàn tỉnh, đông nhất là dân tộc S’tiêng, tiếp đến là các dân tộc Kh’mer, M’nông, Tày, Mường… Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước rất đa dạng, phong phú. Tồn tại chủ yếu ở dạng văn hóa dân gian qua các loại hình như truyền miệng, âm nhạc, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, phong tục tập quán… Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Phước được thể hiện rõ nét và sâu sắc nhất là qua các hoạt động lễ hội, các bản nhạc, làn điệu dân ca, điệu múa, các bộ trang phục độc đáo nhiều màu sắc… Truyền thống văn hóa của dân tộc thiểu số ở Bình Phước vừa là đặc trưng nếp sống văn hóa của từng dân tộc, vừa là tài sản văn hóa quý báu của nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước tồn tại được là nhờ có một vị thủ lĩnh, một thuyền trưởng để chèo lái đồng bào mình đi theo tiếng gọi của Đảng, làm theo lời Bác Hồ dạy. Đó chính là các già làng.

     Về xã biên giới Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh – tỉnh Bình Phước) hầu như ai cũng biết đến già làng Điểu Nắng. Năm nay già làng Điểu Nắng đã bước vào tuổi 80 nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, ông là hình ảnh tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc S’tiêng nơi đây. Cả cuộc đời ông đã dành hết tâm huyết trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tất cả đồng bào dân tộc S’tiêng ở đây đều coi ông như người thân, một người bề trên, đều tôn kính ông bởi một điều thật đơn giản: ông là linh hồn của cả bon, sóc. Cả cuộc đời già làng đã luôn cùng họ chống lại sự đói nghèo, trong việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để tiếng cồng, chiêng – hồn thiêng của dân tộc mình ngày càng vang xa mãi, già làng say sưa truyền dạy cho con cháu trong bon, sóc những làn điệu cồng chiêng trong các dịp chuẩn bị tham gia hội diễn của tỉnh, huyện. Nhờ sự say mê và gìn giữ văn hóa dân tộc của già làng Điểu Nắng mà đến nay ở sóc ông Nắng đã có đội cồng chiêng mạnh nhất huyện Lộc Ninh. Vào những dịp lễ, tết, những dịp liên hoan văn hóa do tỉnh, huyện tổ chức, đều có sự tham gia của đội cồng chiêng của sóc Ông Nắng.

     Với quyết tâm không thể để bản sắc văn hóa của dân tộc mình bị quên lãng, bằng cả tâm huyết và tình yêu của mình, già làng Điểu Nắng đã truyền dạy cho giới trẻ trong bon sóc với hy vọng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình những bài hát kể Tâm pớt, Pơn rao, hát đối đáp, hát ru, đồng dao, hát giao duyên… ca ngợi về núi rừng, sông suối, về nguồn gốc tổ tiên người S’tiêng, về sự tích lễ Bà Bóng, lễ hội lên nhà lúa, lễ hội cầu mưa… nhằm định hướng giáo dục, chuyển tải kho tàng tri thức, triết lý về cội nguồn dân tộc, quê hương đất nước…

     Trong các buổi tối, già làng thường tổ chức hát kể, trường ca, sử thi, múa hát, dạy cho con cháu nghề đan lát, dệt thổ cẩm hay cách chế biến rượu cần… Già làng Điểu Nắng nói: Phải dạy cho con cháu mình, cho lớp trẻ để chúng biết văn hóa của dân tộc mình chứ lớp trẻ bây giờ theo xu hướng biến đổi của xã hội sẽ quên hết bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

     Bằng kinh nghiệm sống, sự hiểu biết văn hóa dân tộc cùng với sự giúp đỡ của chính quyên địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, già làng Điểu Nắng đã cùng bà con trong bon sóc tổ chức phục dựng các lễ hội lên nhà lúa, lễ hội cầu mưa, lễ hội mừng lúa mới… một cách trang trọng nhằm giúp cho con cháu hiểu rõ những tập tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục thanh niên trong sóc biết yêu quý những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc S’tiêng, góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa tộc người.

     Tuy tuổi đã cao nhưng già làng Điểu Nắng vẫn đến từng nhà vận động, họp sóc tuyên truyền để bà con thấy lợi ích của việc cho con đi học chữ, học kiến thức nhằm nâng cao dân trí, giúp cho việc tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất mới để xóa đói giảm nghèo, vận động bà con không để con em mình bỏ học lên rẫy…

     Không chỉ là người đi đầu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình, già làng Điểu Nắng còn là một tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, gương mẫu. Già làng luôn cùng với chính quyền địa phương vận động bà con trong bon sóc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự trong bon, sóc, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ những hủ tục cũ không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, cùng nhau xây dựng bon, sóc văn hóa. Không nghe lời kẻ xấu, cảnh giác với những thủ đoạn của kẻ xấu làm mất đoàn kết trong và ngoài bon sóc… không đốt rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy…

     Những công việc thầm lặng, những nỗ lực không ngừng nghỉ trong điều kiện khó khăn của tuổi tác, của sự xâm nhập văn hóa ngoại lai, những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát triển, để lớp lớp thế hệ mai sau hiểu về lịch sử văn hóa… đã và đang được già làng Điểu Nắng kiên trì truyền lại cho con cháu, bởi theo ông đó “không chỉ là những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình mà còn mang những thông điệp lịch sử, văn hóa, giáo dục cho thế hệ con cháu mai sau”.

     Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung, của đồng bào S’tiêng sóc Ông Nắng nói riêng dẫu chỉ là truyền miệng nhưng với vai trò của mình già làng Điểu Nắng đã vận động bà con trong bon, sóc duy trì những tinh hoa văn hóa truyền thống, diễn tấu cồng chiêng, tổ chức các lễ hội cổ truyền mang tính cộng đồng, phát huy những nét đẹp trong phong tục tập quán. Qua đó tái hiện những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần làm cho những tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục tồn tại, nối tiếp từ đời này qua đời khác.

     Hiện nay, việc thay đổi phương thức sản xuất từ canh tác lúa rẫy sang thâm canh lúa nước và cây công nghiệp dài ngày cộng với các luồng văn hóa ngoại lai ồ ạt cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người cùng cộng cư, văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số S’tiêng ở Bình Phước có sự biến đổi và có nguy cơ mai một dần. Vì vậy, già làng Điểu Nắng không chỉ là những nhân sỹ cất giấu trong đó những tinh hoa trí tuệ của văn hóa dân gian lâu đời mà còn gìn giữ và chuyển giao cho những thế hệ mai sau vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình. Góp phần quan trọng trong phong trào vận động bà con trong bon, sóc nói riêng và đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước nói chung xây dựng cuộc sống mới phát triển bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Với những đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, già làng Điểu Nắng xứng đáng là nghệ nhân văn hóa dân gian – người thắp đuốc cho nguồn sáng văn hóa của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, tháng 5/2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Già làng Điểu nắng người thắp đuốc cho nguồn sáng dân tộc S’tiêng ở Bình Phước (Tác giả: Tô Thị Huê)