Gia phong xứ Huế từ góc nhìn di sản Phủ đệ

FAMILY TRADITIONS OF HUẾ SEEN FROM VIEWPOINT
OF ARISTOCRATIC RESIDENCE (PHỦ ĐỆ)

Tác giả bài viết:  TRẦN VĂN DŨNG
(Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

TÓM TẮT

     Trong dòng chảy di sản văn hóa Huế, phủ đệ triều Nguyễn là những công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, nơi ẩn dấu bóng dáng văn hóa, nghệ thuật cung đình một cách sâu đậm. Không gian văn hóa phủ đệ bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của gia đình hoàng tộc xưa. Phủ đệ là cái nhìn phản chiếu rõ nét về những nề nếp gia phong, gia giáo của mỗi gia đình xứ Huế từ xưa cho đến nay. Trải qua bao năm tháng, mỗi phủ đệvẫn giữ được vẻ đẹp tinh tế đầy tính nghệ thuật, kết tinh thành nét đẹp văn hóa kiến trúc đặc trưng. Phủ đệ được xem là di sản văn hóa – lịch sử sống động và đã thực sự trở thành nét văn hóa, nghệ thuật đặc trưng riêng trong quỹ kiến trúc đô thị di sản Huế hiện nay.

Từ khóa: di sản, phủ đệ, gia phong.

ABSTRACT

     Vietnam’s last imperial dynasty, the Nguyễn (1802–1945), left a treasure trove of royal architecture. Princely residences (phủ) were home to princes, dukes and lesser aristocrats, while princesses’ residences (đệ) housed married princesses and duchesses. Huế’s imperial aristocratic residences preserve both the tangible and intangible cultural values of the former imperial house. These important architectural works offer scholars a clear glimpse into the customs, rules, and traditions of the families of old Huế, many of which still practised to this day. Having survived the historic upheavals and the ravages of time, the phủ đệ of old Huế constitute significant cultural and historic components of the Huế Complex of Monuments World Heritage Site.

Keywords: heritage, aristocratic residence, princely residence, princesses’ residence.

x
x x

     Phủ đệ là nơi ở của các hoàng tử và công chúa. Khi những vị hoàng tử và công chúa ấy qua đời, tòa chính đường trong phủ đệ trở thành nơi thờ tự vong linh của họ. Mỗi phủ đệ đều lưu giữ và bảo tồn những nếp sống (gia phong) đặc trưng của con cháu hoàng tộc triều Nguyễn tạo nên sự đa dạng và phong phú của biểu tượng gia phong xứ Huế. Nó được hiểu là nếp nhà, tập quán và giáo dục trong mỗi phủ phòng; nền nếp riêng của một phủ đệ đã ăn sâu trong tâm thức con cháu hoàng tộc từ xưa cho đến nay. Gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình sinh sống tại các phủ phòng có gia giáo, tức là sự giáo dục trong mỗi gia đình được truyền nối, chọn lọc qua nhiều thế hệ, trở thành chuẩn mực cho con cháu các đời sau noi theo học tập và phát huy. Gia phong phủ đệ cũng theo đó mà lan tỏa khắp chốn kinh kỳ.

1. Chữ Hiếu trong phủ đệ

     Chữ Hiếu luôn được xem là một chuẩn mực hàng đầu trong xã hội phong kiến, là tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người. Do vậy, nét gia phong đứng hàng đầu trong lễ nghi và sự giáo dục tại các phủ phòng ngày trước là chữ Hiếu. Ngài Tuy Lý vương là một tấm gương sáng tiêu biểu về sự đề cao chữ Hiếu. Ông có mẹ là bà Tiệp dư Lê Thị Ái. Ngài Tuy Lý hết sức chăm nom và phụng dưỡng mẹ già, là tấm gương sáng về hiếu hạnh trong hoàng tộc và dân chúng, được người đời ngưỡng mộ và kính phục. Không phải ngẫu nhiên mà người dân đất Thần kinh tôn xưng ông là “ông Hoàng hiếu” để ca ngợi tấm lòng hiếu nghĩa của một người con thân mang vương tước như ông.

     Truyền thống tốt đẹp này được lưu truyền trong suy nghĩ và hành động của mỗi con cháu trong các phủ đệ. Biểu hiện đầu tiên là việc thờ phụng tổ tiên trong các phủ, phòng. Trong quy hoạch kiến trúc phủ đệ, nhà chính luôn thiết trí án thờ ở giữa để thờ phụng chamẹ các hoàng tử đã quá cố hoặc có trường hợp xây riêng một ngôi nhà trong khuôn viên phủ đệ để thờ tự hương khói như trường hợp phủ Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương. Chủ nhân phủ đệ thiết trí các không gian thờ cúng uy nghiêm trong nhà để bày tỏ sự tri ân với Trời, Phật và Tổ tiên. Họ khu trú ngôi nhà thành những không gian riêng biệt để duy trì tôn ti trật tự trong phủ phòng, răn dạy con cháu theo luân lý “tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Việc thờ phụng người đã mất vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của thế hệ những người đang sống, thể hiện lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người đã có công sinh thành và dưỡng dục mình. Học giả Léopold Cadière, từ đầu thế kỷ XX đã có nhận xét: “Sự trường tồn của Tổ tiên, sự hiện diện của các ngài ở giữa gia đình, không phải là một sáo ngữ, một lối nói, một cách bóng gió thi vị, mà là một thực tại sâu xa, ai ai cũng thừa nhận” [1, Tr. 167]. Dù con cháu trong các phủ phòng đi làm ăn xa cũng cố gắng sắp xếp thời gian về sum họp tại phủ thờ vào các ngày húy kỵ để lễ bái Tổ tiên, đểđược gắn bó với cội nguồn, và hơn nữa, để thực thi trách nhiệm đạo lý –
tâm linh của mình.

2. Cách đặt tên trong Hoàng tộc

     Gia phong phủ đệ thể hiện qua việc đặt tên cho các con cháu trong các phủ phòng, nét đặc trưng riêng có duy nhất trong tất cả các dòng họ trên đất nước Việt Nam. Cách đặt tên này được vua Minh Mạng quy định và thực hiện một cách chặt chẽ từ xưa. Sự quy định theo một khuôn phép rất chặt chẽ đến từng chi tiết cho các hệ, các phòng… Tiền hệ tức tính từ chúa Nguyễn Hoàng cho đến chúa Nguyễn Phúc Thuần gồm chín đời chúa có cách đặt tên khác; chánh hệ là con cháu của vua Gia Long trở về sau. Đế hệ thi dùng chỉ con cháu của vua Minh Mạng và Phiên hệ thi để chỉ con cháu của những hoàng thân là anh em ruột của vua Minh Mạng. Đế hệ thi và Phiên hệ thi được soạn theo thể thức thơ tứ tuyệt có nội dung một bài thơ hoàn chỉnh. “Cách đặt tên của vua Minh Mạng qua 11 bài thơ có tác dụng rất giống với cách đặt pháp danh trong Phật giáo Đàng Trong qua các bài kệ của các vị Tổ sư; để đời sau chỉ nghe tên là có thể nhận biết ngay thế thứ, vai vế” [2, Tr. 53]. Sau khi Đế hệ thi và Phiên hệ thi được vua ban, các thế hệ con cháu đời này qua đời khác của hoàng tộc triều Nguyễn cứ thế mà đặt chữ lót trước tên cho thống nhất. Bài Đế hệ thi gồm một bài thơ 4 câu, mỗi câu 5 chữ, thành 20 chữ:

Miên Hồng (Hường) Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương [3, Tr. 267].

     Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, triều Nguyễn đã không còn tồn tại, nhưng các thế hệ con cháu hoàng tộc vẫn theo Đế hệ thi và Phiên hệ thi mà đặt chữ lót cho con cháu trong các phủ phòng từ đời này sang đời khác.

3. Đề cao học thức và đạo hạnh

     Dưới triều Nguyễn, các hoàng tử, hoàng thân đều được giáo dục và đào tạo để phục vụ cho việc quản lý xã hội theo thiết chế của Nho giáo. Do vậy, họ được dạy dỗ rất nghiêm khắc bởi những người thầy danh tiếng, uyên thâm Nho học, ai lười biếng sẽ bị giảm bổng lộc, thậm chí phạt bằng roi mây. Sử triều Nguyễn ghi chép vào năm 1870, vua Tự Đức dụ: Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ hợp lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng. Hoàng tử Ưng Chân học 3–4 năm không thấy tiến bộ, vua Tự Đức liền ban roi mây cho 2 thầy giáo dạy hoàng tử để làm giáo hình. Vua Tự Đức ban dụ rằng: Cha mẹ đối với con cái, yêu thương mà không bắt cho con chịu khó sao. Roi vọt là vật răn dạy ngày xưa để tạo uy nghiêm. Lệnh cho lấy chiếc roi mây vốn trước kia ban cho giảng đường Chấn Hanh giao lại cho vị giáo đạo làm giáo hình. Từ chốn cung đình lan tỏa ra dân gian, hình ảnh cây roi dạy dỗ bao điều còn lưu lại ở nhiều thế hệ người Huế.

     Trong đời vua Gia Long, khi hoàng tử đến 15 tuổi, Bộ Lễ theo lệ lập danh sách tâu vua xin phong tước Công, nhưng đến đời vua Minh Mạng đã có sự thay đổi một cách cẩn trọng và chặt chẽ. Năm 1829, vua dụ rằng: “từ đây về sau, phàm các hoàng tử đến năm 15 tuổi mà bộ Lễ tâu xin phong tước, đợi ta thân xét hạch xem hoàng tử ấy có quả là đức hạnh tuổi tác đều tăng tiến, ngày càng tôn kính đạo nghĩa, thì lập tức cho làm lễ tấn phong tước Công. Nếu hoàng tử ấy chưa có đức nghiệp sáng tỏ thì hãy đình phong một lần, đợi sau 5 năm lại làm sớ xin, nêu thành mệnh lệnh” [4, Tr.123–124]. Việc được phong tước vị cao hay thấp cũng còn tùy thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu học tập và tu dưỡng đạo đức của mỗi vị hoàng tử, như vua Thiệu Trị từng dụ:”sai triệu các hoàng tử, hoàng đệ chưa được phong tước là 10 người đến trước sân hỏi, mà có 7 người ứng chế được, đủ biết đức một ngày một mới, tuổi học một tuổi một hay. Vậy hoàng tử Hồng Y cho tấn phong Kiến Thụy Công, hoàng tử Hồng Hưu cho tấn phong làm Gia Hưng Công, hoàng tử Hồng Phò cho tấn phong làm Thái Quốc Công, hoàng đệ Miên Tẩu cho tấn phong làm Phong Quốc Công, hoàng tử Hồng Tố cho tấn phong làm Hoằng Trị Quận Công, hoàng đệ Miên Tăng cho tấn phong làm Hải Ninh Quận Công, hoàng đệ Miên Lâm cho tấn phong làm Hoài Đức Quận Công, chuẩn cho bộ Lễ tra lệ thi hành. Còn những hoàng đệ không ứng chế được như Miên Sạ, Miên Ngộ, học thức không thông, thơ mất niêm luật, đều cho truyền chỉ thân sức [giúp sửa chữa], riêng hoàng đệ Miên Thái, tuổi đã nhiều lại chẳng biết tu tỉnh, chỉ quen chơi bời, chẳng tập lễ độ, chẳng thích thi thư, chữ viết không thành, văn lại phạm húy, thói cũ không chừa, trái với phép nhà, vậy phạt Miên Thái 2 năm mất lương để tỏ khuyên răn” [4, Tr. 124]. Lời răn dạy của vua trở thành nét gia phong hoàng tộc. Điều này đã tạo ra động lực cho các vị hoàng tử, hoàng thân phải không ngừng học tập, phấn đấu, không có tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại bản thân mình là con vua cháu chúa.

     Ngày nay, nhiều phủ phòng ở Huế đều thành lập quỹ khuyến học, dưới sự bảo trợ tài chính của các con cháu thành đạt trong phủ phòng ở trong và ngoài nước để động viên tinh thần học tập, phấn đấu thành danh của con cháu. Cũng từ đây, nhiều người mang huyết thống hoàng tộc triều Nguyễn đã trở nên thành công, có địa vị và đóng góp nhiều cho xã hội.Truyền thống hiếu học của các gia đình hoàng tộc ở các phủ đệ là một truyền thống tốt đẹp, luôn được bảo tồn và phát huy.Chính điều này đã tạo nên một nét gia phong đặc sắc trong các phòng phủ phòng.

4. Nơi lưu giữ thuần phong mỹ tục, giáo dục truyền thống đạo lý các thế hệ con cháu

     Hầu hết tại các phủ phòng đều lưu giữ gia phả để ghi lại lịch sử, công trạng của tổ tiên. Gia phả của phủ phòng là tài sản thiêng liêng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bổn phận của các thế hệ con cháu trong phủ phòng là phải giữ gìn, bổ sung để ngày càng hoàn thiện gia phả và giữ gìn gia phong của dòng tộc. Con cháu thông qua gia phả không chỉ nhớ đến tên tuổi, thân thế của từng người trong phủ phòng, mà còn nhớ đến những ngày húy kỵ, lăng mộ của tổ tiên ông bà; từ đó con cháu có căn cứ để tìm về cội nguồn, phụng thờ, tổ chức cúng kỵ và chăm sóc lăng mộ của tổ tiên. Nhiều phủ phòng còn truyền tụng cho nhau gia phong, gia huấn để khuyên răn, giáo dục mọi người giữ gìn nếp sống văn hoá, khuyến khích con cháu học hành, tu dưỡng đạo đức để làm rạng danh dòng tộc.

     Phủ đệ là nơi hình thành, bảo lưu và lan tỏa tính cách Huếbởi vì phủ đệ “là nơi trung chuyển lối sống và văn hóa cung đình đến với dân gian xứ Huế, từ đó, góp phần hình thành nên tính cách Huế” [8, Tr. 51]. Các bài thơ, hoành phi, câu đối chữ Hán trang trí khắp các gian phủ thờ lưu giữ những giá trị đẹp về truyền thống văn hóa đạo đức và phản ánh tính cách Huế. Đó là cách các chủ nhân phủ đệ xưa lưu truyền những lời răn dạy cho con cháu đời sau như: giáo dục chữ hiếu, giáo dục chữ nhân, chữ nghĩa, lòng yêu nước và tình cảm yêu thương… Các di sản văn hóa này được con cháu cất giữ cẩn thận, trân trọng lưu truyền từ đời này sang đời khác, khiến cho những mạch nguồn giá trị văn hóa vật chất và tinh thần ấy được bền vững mãi mãi.

     Trong ngày húy kỵ tại phủ đệ, con cháu dù ở xa hay bộn bề công việc cũng phải cố gắng thu xếp về dự lễ, thăm viếng, thắp một nén nhang khấn vái trước lăng mộ và bàn thờ gia tiên; trong một số trường hợp, con cháu ở nước ngoài không có đủ điều kiện về dự lễ húy kỵ thì thường gửi tiền về góp phần tổ chức lễ tế. Con cháu vui vẻ, hoà thuận trong cuộc sống cũng như trong việc hiếu sự đối với gia tiên là thể hiện sâu sắc gia phong của một phủ phòng. Điển hình như: Tại phủ Thọ Xuân vương, lịch kỵ chạp trong năm như sau: 30 Tết cúng tất niên, 12h trưa; mùng 4 Tết cúng đưa, 12h trưa; 16 tháng 2 Âm lịch kỵ Đức từ, 12h trưa; 9 tháng 10 Âm lịch kỵ ngài Thọ Xuân, 12h trưa; 10 tháng 12 Âm lịch lúc 7h sáng, tập trung ở phủ đệ đi chạp lăng mộ. Còn ở phủ Tuy Lý vương, lịch tổ chức kỵ chạp được tổ chức vào các ngày sau: ngày 25 và 26 tháng 8 Âm lịch kỵ Đức từ; ngày 23 và 24 tháng 10 Âm lịch kỵ đức ông Tuy Lý; ngày 10 và 11 tháng 7 Âm lịch kỵ đức bà Tuy Lý, ngày 20 tháng Chạp kỷ niệm ngày sinh của ngài Tuy Lý và cũng là ngày tảo mộ chung. Hiếu kính với tổ tiên là phải chăm lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, chu toàn mồ mả, giỗ chạp, anh em hòa thuận, dạy dỗ con cháu nên người để làm rạng danh gia tộc.

5. Truyền thống thi thư trong các phủ đệ

     Dưới triều Nguyễn, các vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị, đặc biệt là Tự Đức đều rất tích cực tham gia sáng tác văn chương và để lại một kho tàng thi phẩm đồ sộ. Trong bối cảnh đó, các hoàng tử, công chúa được đào tạo chính quy và bài bản về Nho học cũng được khích lệ sáng tác thi ca và đã để lại một khối lượng tác phẩm rất lớn. Với thân phận là hoàng thân quốc thích nên lúc sinh thời các ông hoàng, bà chúa không đi dự thi như các Nho sĩ khác, nhưng về tài năng, nhất là tài làm thơ phú thì khó ai bì kịp. Phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa thi sĩ trở thành chốn tụ hội của giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách ngâm vịnh thi ca. Có thể nói, các ông hoàng, bà chúa giữ một vị trí quan trọng như là những người tổ chức, lĩnh xướng tao đàn thơ văn. Có thể kể đến những tên tuổi nổi tiếng trong giới văn học như: Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Nguyệt Đình công chúa, Mai Am công chúa, Huệ Phố công chúa… Những sáng tác thơ văn của các ông hoàng, bà chúa đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Thơ văn của họ phản ánh khá đầy đủ mọi sinh hoạt đời sống xã hội, thể hiện suy nghĩ của những người trí thức luôn trăn trở trước vận mệnh đất nước và dân tộc và trước tình thế mới của đất nước cũng như tình cảm cá nhân (của họ) trước cuộc đời.

     Tùng Thiện vương là một ông hoàng tài năng và đạo đức, có uy tín trong hoàng tộc. Ông đến với mọi người bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn, phóng khoáng; không hề phân biệt địa vị, tuổi tác hay sang hèn. Nhờ vậy, Tùng Vân xã (còn được gọi là Mặc Vân thi xã) do ông sáng lập quy tụ nhiều văn nhân có tên tuổi của triều Nguyễn cùng nhau sáng tác và ngâm vịnh thi phú, trong đó có Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… Thơ của Tùng Thiện vương có văn pháp giản dị, ý tứ thâm sâu, chữ nghĩa chọn lọc, mang tính hiện thực cao, chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân. Điển hình là một số tác phẩm nổi tiếng như: Thương Sơn thi tập, Thương Sơn từ tập, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn ngoại tập, Thương Sơn văn di, Tịnh y ký, Thức Cốc biên, Lão sinh thường đàm, Lịch đại đế vương thống hệ… Những trước tác của ông đều được khắc in bằng mộc bản để quảng bá và lưu truyền. Hiện nay, tại phủ thờ Tùng Thiện vương còn lưu giữ gần 1.000 mộc bản khắc in các tác phẩm của ông và được hậu duệ của ông xem là vật gia bảo, giữ gìn rất cẩn trọng. Ngoài danh sĩ Tùng Thiện vương cũng cần phải nhắc đến tác gia Tuy Lý vương với niềm say mê sáng tác thơ văn và để lại cho người đời sau nhiều tác phẩm thi ca lớn. Các trước tác của ông được tập hợp trong Vĩ Dã hợp tập, gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ và 1 quyển tự truyện. Ngài Tuy Lý vương sáng tác cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, với các tác phẩm như: Nữ phạm diễn nghĩa từ, Nghinh tường khúc. Tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng nhất của ông là Nữ phạm diễn nghĩa từ, biên soạn vào năm 1853, có nội dung đề cao tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) của người phụ nữ theo quan điểm đạo đức của Nho giáo. Thơ văn của ông thường đề cập đến vấn đề đạo đức luân lý, bày tỏ cảm xúc trước thiên nhiên và tình cảm đối với bằng hữu và quyến thuộc. Kế đến, Tương An quận vương cũng được xem là một thi nhân nổi tiếng của triều Nguyễn gắn liền với các tác phẩm chữ Hán: Khiêm Trai thi tập, Khiêm Trai văn tập, do em là Hòa Thạnh quận vương san định, khắc in và tác phẩm chữ Nôm: Hoài cổ ngâm, Trăm thương.

     Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương và Tương An quận vương đã sáng tác chung một bài thơ chữ Nôm dài 64 câu, tựa là Hòa lạc ca, nhân dịp ba anh em cùng đi du thuyền về cửa biển Thuận An, chẳng may gặp sóng gió, suýt bị nạn. Đây là bài thơ rất nổi tiếng ở Huế lúc bấy giờ, thể hiện sự tài hoa và tình cảm gắn bó của ba ông hoàng thi ca, con vua Minh Mạng. Đương thời có câu truyền tụng: “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường. Sau này, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương và Tương An quận vương đã được người đời xưng tụng là “Tam Đường”.

     Triều Nguyễn còn có ba vị công chúa rất nổi tiếng trong giới thi nhân ở đất Kinh thành lúc bấy giờ là Trọng Khanh (hiệu Nguyệt Đình), Thúc Khanh (hiệu Mai Am) và Quý Khanh (hiệu Huệ Phố) đều là con gái hoàng đế Minh Mạng. Nữ sĩ Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh đã góp phần không nhỏ làm nên sự phong phú trong kho tàng văn học Việt Nam. Trọng Khanh để lại Nguyệt Đình thi thảo, được Tuy Lý vương đề tựa khen ngợi. Bà cũng được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất trong tam Khanh khi sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, là nơi bà chủ trì các đêm thơ, có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ. Thúc Khanh để lại tập thơ Diệu Liên thi tập, đã từng được nhiều danh sĩ ngợi ca, ngoài ra còn một số bài ca được người dân Huế truyền tụng. Quý Khanh để lại một tác phẩm duy nhất là Huệ Phố thi tập. Sáng tác này gồm bốn quyển với 216 bài thơ chữ Hán do bà viết từ năm 1845 cho đến ngày mất. Tập thơ có một bài tựa do Miên Thẩm Tùng Thiện vương viết và được năm người nữa, gồm: Miên Thẩm, Lương Khê Phan Thanh Giản, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, cùng hai em là Quân Bác và Quân Công bình điểm. Huệ Phố thi tập chưa được khắc in, hiện chỉ là bản chép tay. Không như Nguyệt Đình thi thảo của Trọng Khanh đã bị thất lạc, Huệ Phố thi tập, nhờ con cháu gìn giữ trân trọng, nên vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

6. Hoàng thân quốc thích bình đẳng trước pháp luật

     Tôn Nhơn Phủ điều hành mọi hoạt động nội bộ Hoàng gia bằng những định chế khắt khe.“Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là tư tưởng nhất thống trong mục đích gia phong. Dưới triều Nguyễn, kể từ hoàng tử, hoàng thân xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật.Về phạt, tùy tội lỗi phạm phải mà có nhiều mức độ xử phạt khác nhau. Nhẹ thì có phạt bổng (cắt lương), không cho chầu hầu, thu áo mũ và sắc phong, giáng cấp, đổi sang họ mẹ, xóa tên trong tộc phả, thậm chí tử hình. Vua Minh Mạng vừa mới lên ngôi (1820) thì gặp ngay việc Diên Khánh công (em ruột vua Minh Mạng) tự tiện đánh roi Cai đội quân Thị trung là Lê Văn Hương. Việc được tâu lên khi xung quanh vua Minh Mạng có mặt các hoàng thân quốc thích. Vua bảo Diên Khánh công: “Hương kia cũng là phẩm quan của triều đình, có tội nên tâu lên, sao lại tự lấy roi đánh người ta? Vả lại, phép của tiên đế [Gia Long] lập ra là của chung của thiên hạ, chứ có phải riêng của anh em ta đâu! Em không thấy Tiên đế thiết trách Định Viễn Công Bính à?Bấy giờ, Định Viễn Công có lỗi nhỏ,mà anh vì Bính hai ba lần xin tha, Tiên đế vẫn không tha. Như thế là vì nghĩ rằng các hoàng thân sinh trưởng ở chỗ giàu sang, cậy mình được yêu thương đặc biệt, nên coi nhẹ mà phạm hiến chương [pháp luật], cho nên không thể không nghiêm ngặt để răn người sau. Nay anh lấy lòng Tiên đế làm lòng mình, mà yêu em, em cũng nên lấy lòng anh làm lòng mình mà yêu anh, cùng nhau cẩn thận giữ phép sẵn để giữ tiếng lành mãi không cùng.Chớ nên lại làm thế nữa” [5, Tr. 58].

     Các vua triều Nguyễn ban hành lệnh cấm các hoàng tử không được giao du với quan lại văn võ nhằm tránh diễn ra tình trạng kéo bè, kết cánh làm rối loạn triều đình. Qua năm Minh Mạng thứ 17 (1836), quy định được thực thi một cách chi tiết và cụ thể hơn. Vua ban hành lệnh cấm các quan chức không được tư yết ở các phủ đệ. Vua dụ rằng: “Các ngươi là hoàng tử tước công, hoàng tử thân công, cốt ở học tập kịp thời, cử động hợp lễ, không dính líu đến chính sự triều đình. Còn các quan trong triều đều có chức phận, không can thiệp đến nhau. Các thánh ta đã có hiến chương rõ ràng: phàm những quan viên giao thông với hoàng thân, phải tội đến cách, bãi. Sự ngăn ngừa từ lúc mới nhen, tỏ ra lo nghĩ sâu xa lắm. Ta kính nối nghiệp trước, mong giữ những cách thức then chốt cho được chu đáo chặt chẽ. Từ trước đến giờ, hoàng tử tước công đều không được can dự việc ngoài và không được đưa giấy tờ cho các nha môn ở ngoài, là để ngăn chặn sự giao thiệp riêng, tỏ rõ phép tắc để mãi mãi về sau. Thế mà ta nghe có một vài kẻ không tốt, hãy còn thậm thụt đến cửa quyền, cầu cạnh yết kiến. Lũ ấy  nào có giúp ích về việc bảo điều phải, khuyên điều nhân gì đâu! Nếu không mưu toan chạy vạy, thì cũng cầu cạnh tình riêng. Nay ta dùng người làm việc, vốn giữ chí công. Đối với các hoàng tử, ngày thường gia pháp vẫn nghiêm: những lúc chầu hầu ở trong nội đình, ngoài việc thăm hỏi sức khỏe, hầu hạ cơm nước, chỉ cho nói chuyện sử sách, thơ văn mà thôi. Đến như việc lợi, việc hại, người hay, người dở, đều không được mảy may đề cập đến, thì còn bị người ta xui xiểm vào đâu được! Kẻ kia ngu tối, không biết gì, lại còn cày cục yết kiến, thế tất dẫn dụ chơi bời đùa giỡn, thậm chí có những việc phóng túng bậy bạ, lâu ngày sinh tệ, cần phải đề phòng từ trước. Vả lại, triều quan đối với hoàng tử, thân công, nếu có việc công gì cần trình bẩm, thì làm công văn; nếu việc gì nên bẩm tận mặt, thì nói chuyện ngay lúc triều hội cũng được, can gì phải đến yết kiến ở nhà riêng, gây ra mối tệ! Vậy cần phải định rõ điều lệ, để họ biết răn chừa. Nay cho 2 bộ Lại, Lễ hội đồng bàn kỹ; quan chức văn võ từ phẩm nào trở lên không được đến tư yết ở nhà riêng hoàng tử tước công, hoàng tử thân công; nếu ai vi phạm thì nên trị tội thế nào, rồi châm chước bàn định, tâu lên” [6, Tr. 977–978]. Sử triều Nguyễn chép vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Hoàng tử Miên Phú, đêm đến cùng với bọn cháu chắt là Vân, Nghị và Quế phi ngựa ở phía tả ngoài hoàng thành. Miên Phú về trước, mấy người còn lại cho ngựa chạy thi. Có một bà già đi bên đường tránh không kịp, bị ngựa của Vân xéo chết. Vua Minh Mạng biết tin đó, cho lập ngay hội đồng điều tra xét hỏi. Khi thành án, vua Minh Mạng phê chuẩn Miên Phú bị tước mũ áo, cắt lương bổng hàng năm, đóng cửa ở nhà riêng để tự xét mình sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được xếp vào hàng các hoàng tử, chỉ gọi tên là Phú mà thôi. Vân bị chém ngay, bọn Nghị, Quế đều bị phát vãng sung quân. Vua Minh Mạng nói “Trẫm làm việc, chỉ giữ công bằng, quyết không có lý nghị thân, nghị quý. Phàm các em và con cháu, chớ nên coi khinh, lấy thân để thử pháp luật. Gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính cẩn đó” [6, Tr. 804–805]. Đến đời vua Tự Đức thứ 33 (1880), công tử Hồng Hoài dọa nạt quấy nhiễu nhà dân (Hồng Hoài cưỡng lấy của dân, mưu cưỡng ép đàn bà góa; Tôn Thất Sở hung tợn, kẻ gian ác dẫn dụ làm điều không phải; Hồng Diêu cưỡng mượn thuyền của người, bắt dân canh giữ). Việc đến tai vua, vua bảo rằng: Cậy thế làm càn hại dân, không hết không thôi, nên phạt một người để răn trăm người, dùng việc hình để thôi không dùng việc hình. Bèn chuẩn cho Hồng Hoài, Tôn Thất Sở xử chém ngay, Hồng Diêu xử tội chém được giam lại đợi xét (đều đổi theo họ mẹ). Rồi sai phủ Tôn nhân đem án ấy và lời trong Chỉ sao lục đưa cho các phủ đệ cùng tư giáo các hệ Tôn Thất và Dực Thiện đều biết cả, coi đấy làm răn, đều phải cố gắng răn cấm, kiểm thúc con em, nếu không biết cấm xét, phải gia mức trị tội nặng [7, Tr. 433].

     Thuở hoàng kim, xứ Huế có hàng trăm phủ đệ tọa lạc ở khắp nơi trong ngoài Kinh thành. Triều Nguyễn cáo chung, vật đổi sao dời, phủ đệ cũng theo đó mà dần suy giảm và biến đổi. Tuy nhiên, gia phong ở các phủ phòng vẫn luôn được bảo lưu và phát triển trong đời sống đương đại, nó được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, có tính tiếp nối, kế thừa và phát triển, trở thành nơi ươm mầm cho những nét văn hóa gia đình hoàng tộc. Nền nếp gia phong được duy trì qua nhiều đời, dù ở gần hay ở xa phủ đệ thì nét gia phong ấy vẫn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người con, người cháu của dòng tộc nhiều danh tiếng này. Chính yếu tố gia phong ở các phủ phòng đã tạo ra nét bản sắc riêng của gia phong xứ Huế trong dòng chảy văn hóa Huế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Léopold Cadière (2000), “Gia đình và tôn giáo người Việt”, trong Văn hoá tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière, Nxb. Thuận Hoá, Huế.

2. Phạm Đức Thành Dũng (2016), “Khảo sát các bài kệ truyền thừa pháp danh của Phật giáo Đàng Trong, liên hệ với cách đặt tên trong hoàng tộc nhà Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 4 (130).

3. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (1995), Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

4. Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 8, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

8. Trần Đức Anh Sơn (2016), Kiểu Huế, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Đại học Huế, ISSN 2588–1213,
Tp 127, S6C, 2018, Tr. 55–64

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Gia phong xứ Huế từ góc nhìn di sản Phủ đệ (Tác giả: Trần Văn Dũng)