Giá trị của từ láy trong văn tế Nguyễn Đình Chiểu
Tác giả bài viết: HOÀNG THỊ LAN
(Cao học NN K15, ĐHSP Thái Nguyên)
1. Giáo sư Đỗ Hữu Châu có lần nhận xét từ láy được xem là một “nốt nhạc” về âm thanh, chứa đựng trong mình một “bức tranh” cụ thể của các giác quan, kèm theo những ấn tượng về sự cảm thụ chủ quan, những đánh giá thái độ của người nói trước sự vật, hiện tượng, tác động mạnh mẽ tới người nghe. Có thể nói sự hiện diện của từ láy có giá trị đặc biệt quan trọng trong các sáng tác văn chương bởi giá trị tượng thanh, tượng hình và biểu cảm mà nó chứa đựng. Đối với văn tế một loại văn bản gắn với phong tục tang lễ chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và của những người thân đối với người đã mất, nội dung của nó thường xoay quanh hai ý chính: một là kể về cuộc đời, tính cách của người quá cố; hai là bộc lộ tình cảm, thái độ của người sống trong giờ phút vĩnh biệt. Mặc dù có những đoạn tự sự, kể lại cuộc đời của người quá cố, nhưng căn bản văn tế thuộc loại trữ tình nên sắc thái biểu cảm của văn tế rất đậm nét. Vì vậy sự hiện diện của từ láy trong văn tế như một điều không thể thiếu. Tuy nhiên sắc biểu cảm và tính chất thẩm mĩ cụ thể ở mỗi bài có một vẻ riêng do đối tượng được đề cập trong mỗi bài văn tế là khác nhau.
Văn tế vốn có gốc từ lâu đời ở Trung Quốc nhưng ở nước này, nó không phát triển thành một thể văn quan trọng trong văn học. Sang Việt Nam, văn tế phát triển thành một thể tài quan trọng với nhiều bài văn tế có giá trị văn học cao và gắn với tên tuổi của nhiều tác giả như: Văn tế một công chúa của Mạc Đĩnh Chi, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, bài Tế sống vợ của Tú Xương, Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu, các bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu…Từ thế kỉ XVIII về trước văn tế chủ yếu hướng vào sự bộc lộ những tình cảm riêng tư (tình cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè…). Nhưng từ thế kỉ XIX đặc biệt là từ khi Pháp xâm lược nước ta, văn tế được dùng rộng rãi và trở thành một công cụ tuyên truyền, một loại vũ khí đấu tranh sắc bén của người dân yêu nước, phản ánh được những tư tưởng, tình cảm của dân tộc và thời đại. Nguyễn Đình Chiểu là người sáng tác văn tế khá thành công. Thiết nghĩ, trong sự thành công đó ở văn tế của ông có việc khéo sử dụng lớp từ láy.
2. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thống kê cả ba bài văn tế: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (VTNSCG), Văn tế Trương Công Định (VTTCĐ), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (VTNSTVLT) của Nguyễn Đình Chiểu và kết quả thu được như sau:
Số lượng từ láy trong 99 câu ở cả ba bài văn tế là 40 từ, chiếm 11,1 % trên tổng số 360 từ láy trong toàn bộ sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu và chiếm 41% trên tổng số câu văn tế. Từ láy trong văn tế của ông rất phong phú, chỉ có duy nhất từ “dật dờ” là được sử dụng hai lần, các từ còn lại chỉ được sử dụng một lần. Trong đó có những câu từ láy xuất hiện với mức độ đậm đặc: Câu 25 (VTNSCG) tác giả sử dụng tới 4 từ láy; câu 18 (VTNSTVLT) sử dụng 3 từ láy; các câu có sử dụng 2 từ láy như: câu 6 (VTNSCG), câu 9, 20, 27 (VTTCĐ), câu 11, 16, 20, 35 (VTNSTVLT)…
Số lượng từ láy ở ba tác phẩm được thống kê cụ thể như sau:
STT | Tên tác phẩm | Số câu văn | Số từ láy | Tỉ lệ (%) |
1 | Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc | 30 | 13 | 32,5 |
2 | Văn tế Trương Công Định | 32 | 11 | 37,5 |
3 | Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh | 37 | 16 | 40,0 |
Như vậy theo tỉ lệ cho thấy cứ khoảng gần 2 câu văn tế Nguyễn Đình Chiểu lại có sử dụng một từ láy, và cũng không phải ngẫu nhiên mà có câu tác giả lại sử dụng nhiều từ láy như vậy. Tuy nhiên cách sử dụng từ láy trong văn tế của Đồ Chiểu không chỉ mang lại giá trị đặc biệt cho những câu văn tế ở tần số và mức độ sử dụng mà giá trị của nó còn nằm ở cách sử dụng từ láy mang những nét riêng của tác giả và mang một phong cách Nam Bộ rõ nét. Đi vào một số khía cạnh nội dung cụ thể trong văn tế chúng ta sẽ thấy được giá trị của việc sử dụng lớp từ này cũng như thấy được thành công của Nguyễn Đình Chiểu đối với thể loại văn này.
2.1. Từ láy với nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật
Trong VTNSCG sau hai câu đầu khái quát về bối cảnh bão táp của thời đại và ý nghĩa của cái chết bất tử của người nông dân nghĩa sĩ, tác giả đã tái hiện lại chân thực hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ, hình tượng trung tâm của tác phẩm. Hình ảnh của họ đã Nguyễn Đình Chiểu tạc vào lịch sử bằng tất cả tình yêu thương, lòng kính trọng và sự cảm phục. Những nét “chạm khắc” của bức chân dung bắt đầu từ nguồn gốc xuất thân:
– Nhớ linh xưa: Côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó.
– Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ.
– Việc cuốc việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Ở cả ba câu trên đều có nội dung nói về nguồn gốc xuất thân của người nghĩa sĩ, họ vốn là những người nông dân, cuộc đời gắn bó với mảnh ruộng, với những công việc quen thuộc: cuốc, cày, bừa, cấy, và đó là những công việc mà “tay vốn quen làm”, bởi thế mà việc nhà binh: tập khiên, súng, mác, cờ họ vốn “mắt chưa từng ngó”. Nhưng có lẽ hình ảnh cô đọng nhất, có sức khái quát nhất vẫn là hình ảnh “côi cút làm ăn”. Đúng như Hoài Thanh nhận xét thì “bao nhiêu yêu thương trong những lời ấy”. Tác giả đã sử dụng từ láy là tính từ “côi cút” mà không phải là “cui cút” hay “cùi cụi”. Nếu là “cui cút” hay “cùi cụi” thì nó chỉ đủ sức gợi ra dáng vóc con người trong hoạt động cặm cụi, vất vả, cần mẫn, nhưng với từ “côi cút” thì giá trị của câu văn đã khác hẳn. Ở đây không chỉ gợi ra hình ảnh người nông dân vất vả, cần mẫn, mà nó còn tác động mạnh đến tâm khảm của người đọc về hình ảnh con người lẻ loi, trơ trọi, không nơi nương tựa, bởi nguyên hình vị gốc “côi” có nghĩa là người mất cha, mất mẹ hoặc cả hai vì vậy sử dụng từ láy “côi cút” có tác dụng biểu cảm hơn rất nhiều. Những nghĩa sĩ vốn xuất thân từ những nông dân nghèo trong xã hội phong kiến, cả đời họ quanh quẩn bên lũy tre làng, sống cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn, âm thầm và lặng lẽ, họ chỉ mong được sống cuộc sống thanh bình.
Nhưng ẩn sau bức chân dung âm thầm, lặng lẽ với bản tính rất mực hiền hòa ấy là dòng máu nóng của con lạc cháu hồng với truyền thống yêu nước từ ngàn đời. Khi đất nước có giặc ngoại xâm thì lòng căm thù trong họ trỗi dậy, mạnh mẽ quyết liệt và họ liền trở thành những dũng sĩ. Tinh thần yêu nước của họ được thể hiện trước hết ở thái độ đối với kẻ thù và ý thức, trách nhiệm của bản thân về đất nước.
– Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa, mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ.
– Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ.
– Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê, bán chó.
Cùng với các nghệ thuật khác: sử dụng các hình ảnh thân thuộc, gần gũi với nhà nông như hình ảnh cỏ dại, và các biện pháp đối lập gay gắt như “trắng lốp”, “đen sì”, nghệ thuật so sánh… Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng tới 4 từ láy trong 3 câu liên tiếp để diễn tả thái độ, tinh thần và trách nhiệm của họ đối với đất nước. Từ láy “phập phồng” mang lại sức diễn tả rất mạnh, cho người đọc cảm nhận được tất cả sự hồi hộp, chờ đợi, trông ngóng, tin tức triều đình; trạng thái lo lắng của họ khi hay tin kẻ địch tiến đánh trên quê hương. Từ láy động từ “vấy vá” vốn là từ có nghĩa chỉ hành động vấy bẩn, dính bẩn ở nhiều chỗ, trông nhem nhuốc hay chỉ hành động gán bừa đổ vấy cho người khác ở đây tác giả đã dùng nó với cả hai chức năng vừa là động từ vừa là tính từ “mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm”. Tính chất tanh hôi, bẩn thỉu mà kể thù đem đến, đồng thời còn gợi cho người đọc cảm giác nhức nhối căm giận tột độ của người nông dân đối với quân giặc. Vì vậy mà “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”. Từ láy “đồ sộ” không chỉ cho chúng ta thấy bản chất vốn rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn bên lũy tre làng của những người nông dân kia mà họ còn là những người có những nhận thức, ý thức cao về đất nước, đất nước ta là của toàn dân, một đất nước thống nhất (mối xa thư đồ sộ). Có thể nói bằng việc sử dụng từ láy Nguyễn Đình Chiểu không chỉ dựng lại một bức chân dung của người nông dân nghĩa sĩ mà còn diễn tả hết sức tinh tế và sâu sắc những trạng thái tư tưởng, tình cảm của người nông dân đối với quê hương đất nước cũng như lòng căm thù tột độ đối với kẻ thù xâm lược.
Nếu như trong VTNSCG tác giả sử dụng là từ láy là tính từ để góp phần xây dựng hình tượng người nông dân với những chuyển biến về tư tưởng tình cảm thì ở VTTCĐ tác giả đã sử dụng hai từ láy là động từ “bàn bạc” và “sửa sang” hai từ láy này có sức khái quát về hành động của người anh hùng dân tộc Trương Công Định. Là từ láy động từ nhưng bản thân nó lại có chức năng của cả tính từ vì nó không chỉ diễn tả khái quát về hành động mà còn gợi cho người đọc người nghe về tính chất của hành động những lo lắng, sốt sắng cho công việc vì dân vì nước của ông:
– Văn thì nhờ tham biện, thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công; võ thì dùng tổng binh, đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới.
Có thể nói cùng với các nghệ thật khác, từ láy đã góp phần đắc lực vào việc xây dựng hình tượng những nghĩa sĩ, những anh hùng xả thân vì nước trong văn tế của Nguyễn Đình Chiểu.
2.2. Từ láy với giá trị gợi cảm, biểu cảm trong những tiếng khóc thương
Nếu như toàn bộ phần lung khởi và phần thích thực trong văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tác giả dựng lại hình tượng người nông dân nghĩa sĩ, trong VTTCĐ là hình tượng người anh hùng vì dân vì nước, ở VTNSTVLT tác giả khái quát lại thảm cảnh của người dân vô tội và sự hi sinh của họ thì bao trùm toàn bộ phần ai vãn và phần kết (phần còn lại) của các bài văn tế là tiếng khóc thương non sông đất nước của những người thân cho sự hi sinh cao đẹp của họ, những tiếng khóc cho thời kì nước mất nhà tan.
Cả bài VTNSCG là một tiếng khóc dài, tiếng khóc lớn, tiếng khóc của người viết văn tế, tiếng khóc của già trẻ gái trai chợ Trường Bình, tiếng khóc của người mẹ già, người vợ yếu, của chùa Tông Thạnh, của cỏ cây, của sông Cần Giuộc… Tiếng khóc được bắt đầu ngay từ phần lung khởi với lời than “Hỡi ôi!’đau xót và trong lời tưởng nhớ “Nhớ linh xưa”, từ tiếng kêu thảng thốt đau đớn “Ôi thôi thôi”,…Có lúc nước mắt trào ra, không kìm nén được “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thành những dấu hỏi “vì ai” liên tiếp…Nhưng có lẽ câu văn miêu tả về tiếng khóc gây xúc động nhất là câu 25 của bài văn tế. Để diễn tả nỗi đau thương vô bờ của những người còn sống đối với người đã mất vì quê hương, đất nước, tác giả đã sử dụng tới 4 từ láy trong một câu văn 30 tiếng này, trong đó có tới 3 từ láy là tính từ “đau đớn”, “leo lét”, “não nùng”, và một từ láy là động từ “dật dờ”.
– Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều, não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Có thể nói đây là câu văn đậm đặc từ láy của tác giả và đồng thời cũng là một trong những câu văn có sức lay động lòng người nhất. Bởi còn gì đau đớn hơn, tội nghiệp hơn là mẹ già khóc con trẻ bên ngọn đèn trong túp lều giữa đêm khuya. Hình ảnh người mẹ già càng được khắc họa đậm nét hơn bởi từ láy gợi hình ảnh đặc biệt “leo lét”, người mẹ già bên ngọn đèn nhỏ, yếu, chập chờn như sắp tắt như quãng đời còn lại của mẹ. Còn gì đau đớn, đáng thương hơn khi lúc chiều về là thời điểm gia đình tụ họp thì lại là lúc người vợ yếu chạy tìm chồng trong “cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”. Bằng các từ láy mang tính tượng hình và có sức biểu cảm cao, tác giả đã khắc sâu vào lòng người đọc tiếng khóc của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, qua đó ta càng thấy được sự hi sinh to lớn của họ.
Ở VTTCĐ khi nói về sự tiếc thương của người còn sống đối với người đã mất, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã sử dụng đến 8 từ láy trong 14 câu từ câu 19 cho đến hết câu 32. Ở câu 20 niềm tiếc thương được khắc họa bởi hai từ láy là tính từ “chiu chít” và “om sòm” tác giả đã khắc họa được hai thái độ, tình cảm hoàn toàn trái ngược nhau là sự nhớ thương và sự căm giận.
“Trạnh lòng tướng sĩ, thương quan tướng, nhắc quan tướng chiu chít như gà; bực trí nhân dân, giận thằng tà, mắng thằng tà, om sòm như nhái”.
Nỗi nhớ cùng niềm tiếc thương ở đây là tình cảm của quần chúng đối với lãnh tụ nghĩa quân Trương Định còn sự căm giận là căm giận đứa gian tà, phản bội dẫn đường cho giặc khiến tướng quân phải cam chịu hi sinh.
Nét đặc biệt riêng của tác giả trong việc sử dụng từ láy để diễn tả ở đây là ông có cách nói ví mang đậm màu sắc dân gian, tính chất khẩu ngữ mà cũng thật độc đáo trong cách kết hợp bởi “chiu chít” vốn là tính từ chỉ (tiếng rít) nhỏ, dài và liên tục, sắc lạnh do những vật nhỏ chuyển động nối tiếp nhau rất nhanh trong không khí phát ra: Đạn bay chiu chít. Ở đây ta thấy tác giả lại có cách nói, sự liên tưởng khác biệt “ chiu chít như gà”. Tính từ “om sòm” dùng chỉ tính chất lời nói của con người (lớn tiếng với nhau, gây náo động ầm ĩ). Với cách nói, cách so sánh này, Nguyễn Đình Chiểu đã làm sống lại, đã cho chúng ta thấy tình cảm cao đẹp của lãnh tụ nghĩa quân cũng như tình thương của quân sĩ đối với lãnh tụ. Đây là một quan niệm rất mới về anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu, khác với quan niệm trung quân ái quốc trong xã hội phong kiến đồng thời dựng lại một không khí căm giận sôi sục của nhân dân đối với kẻ gian tà, phản bội. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Đồ Chiểu:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Tiếp tục những tiếng khóc thương trong VTTCĐ tác giả đã sử dụng các từ láy: “nhọc nhằn”, “lây lất”, “ngơ ngẩn”, “bái xái” “sùi sụt” Trong 5 từ láy này chỉ có một từ “sùi sụt” là từ láy là động từ còn lại là tính từ, song tất cả đều là những từ mang tính gợi hình ảnh, và biểu cảm cao, trực tiếp, tác động mạnh đến người đọc, người nghe:
“Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước nào hờn tiếng thị phi;cõi An, Hà một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời chưa chắc đâu thành, đâu bại.
Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi; than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phương tớ dại.
Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc thảy kiêng dè;tướng quân mất rồi mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái…
Ôi trời Bến Nghé, mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân; đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.
Các từ láy “lây lất”, “ngơ ngẩn”, “sụt sùi” đều là những từ gợi nỗi buồn thương, sự hụt hẫng. Từ láy “bái xái” (liểng xiểng, rối loạn) với đặc tính phương ngữ này nó vừa gợi sự mất mát to lớn của nghĩa quân khi tướng quân không còn, đồng thời vừa dựng lại không gian buồn đau của lịch sử dân tộc. Từ “bái xái” đã đem lại màu sắc phương ngữ rõ nét trong đặc trưng ngôn ngữ Nguyễn Đình Chiểu (màu sắc Nam Bộ) đã góp phần làm nên những nét riêng cho văn tế của ông.
VTNSTVLT là một bài văn tế lớn được ra đời trong hoàn cảnh: Hồi ấy khi tên tỉnh trưởng Bến Tre là Mi- sen Pông- sông (Michen ponchon) tên thực dân xảo quyệt tìm đủ mội cách để mua chuộc cụ Đồ Chiểu, sau nhiều lần không được, hắn lại tìm cớ quan tâm đến cảnh già nua, bệnh tật của cụ và đề nghị giúp đỡ cụ, Đồ Chiểu đã trả lời: Tôi có một điều mong ước, mà lâu nay chưa thực hiện được. Đó là lễ tế vong hồn những người đã chết trận trong những năm qua!
Trong tình thế bắt buộc tên tỉnh trưởng đành ưng thuận. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, bài VTNSTVLT được viết từ năm Đinh Mão (1867) tại Ba Tri bảy năm sau bài VTNSCG (1861) và ba năm sau VTTCĐ (1864). Có biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong chặng đường ấy đã tác động đến tâm tư, tình cảm của Đồ Chiểu vì thế mà bao trùm toàn bộ những bài văn tế này là những tình cảm tiếc thương sâu nặng những bạn bè, đồng chí đã lần lượt hi sinh, nỗi căm thù quân xâm lược không phút nguôi ngoai. Tuổi già sức yếu, bệnh tật ông không thể tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình. Vì vậy mà lời văn cũng man mác tâm sự, mỗi câu, mỗi chữ là đều chứa đựng nỗi niềm uất ức, oán hờn. Cũng chính vì thế mà bài văn tế 37 câu này có 16 từ láy hầu hết là những từ gợi cảm mang nặng tâm trạng ấy: “man mác”, “phôi pha”, “rã rời”, “thấp thoáng”, “bơ vơ”, “dật dờ”, “hiu hắt”, “mỉa mai”, “mường tượng”, “phảng phất”, “vấn vương”, “bực tức”…
3. Nhìn chung văn tế là loại văn bản mà ngôn ngữ đòi hỏi mang sắc thái biểu cảm và tính hình tượng cao. Từ láy lại là một lớp từ đặc biệt có khả năng diễn đạt thái độ đánh giá, cảm xúc của người nói đối với đối tượng được nói đến, đồng thời khơi dậy ở người đọc, nghe một thái độ tương tự như vậy. Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật khác thì việc sử dụng từ láy có thể tái hiện lại hiện thực cũng như việc xây dựng lại hình tượng nhân vật một cách hiệu lực nhất .Với việc vận dụng từ láy vào sáng tác và có sự lựa chọn phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh phản ánh, phù hợp với cánh cảm, cách nghĩ của người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Bộ nói riêng, Nguyễn Đình Chiểu đã đem đến cho nền văn học Việt Nam những áng văn tế đạt đến đỉnh cao nghệ thuật [9].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Trung Hiếu, Để hiểu Đồ Chiểu rõ hơn về mặt nghệ thuật, in trong Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa và Thông tin và Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre xuất bản – 1984.
2. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1990.
3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXBGD, 1997.
4. Nhiều tác giả, Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, NXB Văn học, Hà Nội , 1971.
5. Hoàng Tuệ, Phạm Văn Hảo, Lê Văn Trường, Tiếng địa phương miền Nam trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, in trong Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm, NXBGD, 1998.
6. Hoàng Văn Hành (chủ biên), Từ điển từ láy tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội , 1998.
7. Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa học xã hội, 2007.
8. La Yên, “Vài nhận xét về thế giới nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu” in trong Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa và Thông tin và hội văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre xuất bản, 1984.
9. Hoài Thanh, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một trong những bài văn hay nhất của chúng ta in trong Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm, NXBGD, 1998.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, Số 8 (166)-2009
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giá trị của từ láy trong văn tế Giá trị của từ láy trong văn tế Nguyễn Đình Chiểu (Tác giả: Hoàng Thị Lan) |