Giá trị di tích lịch sử Cách Mạng trong định hướng phát triển du lịch di sản Trà Vinh

Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHẠM THỊ BÍCH NGỌC1,
Kĩ sư HỨA MINH NHỰT2Thạc sĩ PHẠM THỊ TỐ THY3

TÓM TẮT

     Tham luận giới thiệu các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại tỉnh Trà Vinh. Từ đó, nhóm tác giả bước đầu nhận diện tiềm năng phát triển du lịch của các di tích và đề xuất một số định hướng phát huy giá trị di sản trong các hoạt động du lịch tại địa phương.

Từ khóa: di tích lịch sử cách mạng, du lịch di sản, tỉnh Trà Vinh.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Tỉnh Trà Vinh là vùng đất nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, có địa hình giáp biển Đông với đường bờ biển dài 65 km, cư dân chủ yếu là bốn dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Quá trình cộng cư lâu dài của các dân tộc anh em, cùng chung vai sát cánh vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên để dựng làng lập ấp, xây dựng và ổn định cuộc sống; cùng vượt qua mất mát đau thương của hai cuộc kháng chiến để chiến thắng kẻ thù giành độc lập cho quê hương, cho Tổ quốc đã góp phần quan trọng định hình những phong tục, tập quán phong phú, làm nên những di tích văn hóa – lịch sử đa dạng, đặc thù cho vùng đất Trà Vinh. Ở xứ sở anh hùng này, dù trong thời chiến hay thời bình, bằng trí tuệ và sự anh dũng, sáng tạo, những người con Dương Công Nữ, Phạm Thái Bường, Dương Quang Đông, Nguyễn Thị Út, Kiên Thị Nhẫn, Nguyễn Thiện Thành,… đã ghi tên mình và quê hương Trà Vinh trên những trang sử hào hùng của dân tộc, trong những tác phẩm văn học đậm chất nhân văn, trong những công trình khoa học tiêu biểu của nước nhà. Cùng với các nhân vật lịch sử, Trà Vinh nổi danh với những di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng ghi dấu hành trình xây dựng và phát triển quê hương, những cột mốc đấu tranh cách mạng, gìn giữ hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước. Có thể nói, bên cạnh những lễ hội văn hóa, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông, những ngôi miếu người Hoa, những làng nghề truyền thống, hệ thống di tích lịch sử cách mạng này góp phần quan trọng làm nên nét đặc trưng cho vùng đất Trà Vinh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

     Trong thời gian 10 năm trở lại đây, hoạt động du lịch của tỉnh Trà Vinh có sự khởi sắc vượt bậc. Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2001-2010 đạt bình quân 11%/năm; giai đoạn 2013- 2015, khách du lịch tăng bình quân 12%/năm, đến năm 2016 du lịch Trà Vinh đón 367.320 lượt khách, trong đó khách lưu trú 194.400 lượt (187.500 khách trong nước, 6.900 khách quốc tế), tổng doanh từ du lịch đạt 100,4 tỉ đồng (Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh 2019) . Trong năm 2019, theo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, tình hình hoạt động du lịch của tỉnh trong 9 tháng đầu năm là tổng lượt khách ước đạt 765.400 lượt, tăng 34,99% so cùng kì năm 2018, đạt 75% kế hoạch năm. Trong đó, lượt khách quốc tế khoảng 27.300 lượt, tăng 66,46% so cùng kì, trong nước khoảng 738.100 lượt, tăng 34,05% so cùng kì (Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, 2019). Các con số tăng dần qua từng năm cho thấy những tín hiệu đáng mừng cũng như những kì vọng của ngành du lịch tỉnh Trà Vinh. Trong đó, các địa phương: huyện Cầu Kè, huyện Châu Thành và huyện Trà Cú được tỉnh xác định là các trung tâm du lịch với nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, với các cồn nổi ven biển, du lịch tâm linh, văn hóa, lễ hội…

     Hiện nay, việc khai thác du lịch đối với di tích lịch sử cách mạng ở nước ta đã được nhiều tỉnh/thành quan tâm và gặt hái được nhiều thành công như: quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi – TP. HCM), di tích Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), căn cứ Khu ủy miền Đông (huyện Vĩnh Cửu – tỉnh Đồng Nai), căn cứ Trung ương cục miền Nam (huyện Tân Biên – tỉnh Tây Ninh),…

     Tính đến tháng 12/2019, tỉnh Trà Vinh có 42 di tích đã được xếp hạng, trong đó gồm 15 di tích cấp Quốc gia, 27 di tích cấp Tỉnh. Trên cơ sở thống kê sơ bộ, chúng tôi xác định Trà Vinh có 10 di tích lịch sử cách mạng, trong đó di tích cấp Quốc gia chiếm 6/10 như Bảng 1.

Bảng 1. Danh sách di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia và cấp Tỉnh Trà Vinh

STTTÊN DI TÍCHVỊ TRÍSỐ
QUYẾT ĐỊNH
HẠNG
QUYẾT ĐỊNH
1Di tích Đền thờ Chủ
tịch Hồ Chí Minh
Ấp Vĩnh Hội, xã
Long Đức, TP. Trà
Vinh
Số 1570 VHQĐ
ngày 05/9/1989
Cấp Quốc gia
2Di tích chùa Giác Linh (chùa Dơi)Ấp Nhứt A, xã Mỹ Long, huyện Cầu
Ngang
Số 95-1998-
QĐ/BVHTT
ngày 24/01/1998
Cấp Quốc gia
3Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn TàuẤp Cồn Trứng, xã
Trường Long Hòa,
TX. Duyên Hải
Số 02-2004
QĐ/BVHTT
ngày 19/02/2004
Cấp Quốc gia
4Di tích chùa
BODHICULAMANI
(Ấp Sóc)
Ấp Sóc, xã Huyền
Hội, huyện Càng
Long
Số 834/QĐ-BVHTTDL
ngày 03/3/2009
Cấp Quốc gia
5Di tích chùa Phước Mỹ
(chùa Bà Sở)
Ấp Bến Chùa, xã
Hiệp Mỹ Tây, huyện
Cầu Ngang
Số 2513/QĐ-CTT ngày 10/12/2004Cấp Tỉnh
6Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh (căn cứ Giồng
Giếng)
Ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành, TX.
Duyên Hải
Số 921/QĐ-UBND
ngày 26/6/2007
Cấp Tỉnh
7Di tích chùa Long
Thành
Ấp Long Thuận, xã Lưu Nghiệp Anh,
huyện Trà Cú
Số 1367/QĐ-UBND ngày 21/7/2009Cấp Tỉnh
8Di tích chùa Satharam
Van Ta Rom (chùa Tà
Rom)
Ấp Tà Rom A, xã
Đôn Châu, huyện
Trà Cú
Số 2257/QĐ-UBND ngày 11/12/2009Cấp Tỉnh
9Đình miếu Cồn Trứng
và Lăng Ông Cồn Tàu
Ấp Cồn Tàu xã
Trường Long Hòa,
TX. Duyên Hải
Số 4482/QĐBVHTTDL ngày 23/12/2015Cấp Quốc gia
10Di tích Đồng Khởi Mỹ
Long
Khóm 1, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu NgangSố 2225/QĐ- UBND ngày 25/10/2019Cấp Tỉnh

(Nguồn: Ban Quản lí Di tích tỉnh Trà Vinh, 2019)

     Với hệ thống di tích phong phú, loại hình đa dạng, mang đậm dấu ấn lịch sử qua các thời kì, chúng ta có thể thấy rõ tiềm năng du lịch di sản Trà Vinh gắn với di tích lịch sử cách mạng địa phương. Từ những cơ sở này, tham luận được thực hiện với mục đích trước hết giới thiệu khái quát các di tích lịch sử cách mạng. Hình thức giới thiệu theo trình tự di tích được xếp hạng sớm nhất lần lượt đến di tích được xếp hạng gần đây nhất, tập trung các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; chùa Giác Linh (chùa Dơi); Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu và Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu. Sau đó, nhóm tác giả nhận diện bước đầu tiềm năng phát triển du lịch của các di tích và đề xuất một số định hướng phát huy giá trị di sản trong các hoạt động du lịch tại địa phương.

2. Nội dung

     2.1. Giới thiệu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Trà Vinh

     2.1.1. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

     Đền thờ Hồ Chí Minh, thường được người dân địa phương gọi là Đền thờ Bác, tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Trong muôn vàn tiếc thương khi nghe tin người Cha già của dân tộc ra đi, được sự chấp thuận của Tỉnh ủy Trà Vinh, vào đầu năm 1970, Đảng bộ và nhân dân xã Long Đức đã chung tay xây dựng Đền thờ vào lúc cao điểm quân địch lấn chiếm, bình định. Mặc cho khói lửa, bom đạn, những người con Trà Vinh đã kiên cường vượt qua khó khăn, nguy hiểm, gấp rút thi công Đền để ngày 26/01/1971 (đêm giao thừa tết Tân Hợi), trước sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy, Thị xã ủy Trà Vinh cùng một số người dân, lễ khánh thành Đền thờ Hồ Chí Minh đã được tổ chức trang trọng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, 2019, tr. 60). Ngôi đền được làm bằng các vật liệu thiên nhiên, thiết kế kiểu hình khối vuông, nóc bánh ú, mái lợp lá, khung sườn bằng loại gỗ tạp, vách tôn, nền tráng xi-măng, phía trước đền khoảng 10 m có một đài liệt sĩ bằng tôn, hình tháp (Nhân dân, 2019). Những năm tháng xây dựng và bảo vệ Đền thờ, quân dân Long Ðức đã anh dũng bám từng bờ tre, bờ ruộng chiến đấu, quyết tử giữ đền. Nhiều chiến sĩ và nhân dân đã hi sinh anh dũng nhưng khu vực đền vẫn được giữ vững và nhanh chóng xây dựng lại sau mỗi lần bị địch phá hủy, đốt cháy. Cuộc chiến đấu bảo vệ Đền không chỉ thể hiện tấm lòng người dân Long Ðức – Trà Vinh với lãnh tụ kính yêu của dân tộc mà còn trở thành biểu tượng cho ý chí sắt đá, quyết tâm thống nhất Tổ quốc, là pháo đài niềm tin của nhân dân Trà Vinh với con đường Bác Hồ và Ðảng đã chọn (Nhân dân, 2019). Sau ngày giải phóng, ngôi đền đã được tỉnh đầu tư trùng tu tôn tạo, tạo nên một khu di tích lịch sử văn hóa rộng hơn bảy ha, trong đó Đền thờ Bác được phục chế theo nguyên trạng với khung gỗ, mái lợp lá, vách tôn, bên ngoài có nhà che tạo dáng một đóa sen hồng đang bừng nở. Nhiều hạng mục như nhà trưng bày về thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như quá trình xây dựng và chiến đấu bảo vệ Đền; công viên; nhà sàn Bác Hồ cùng nhiều hiện vật, tạo điều kiện cho mọi người về đây viếng Bác và sinh hoạt vui chơi. Hiện nay, vào dịp lễ tết, rất nhiều đoàn khách tập thể, gia đình, cơ quan, nhất là các đoàn/nhóm học sinh, sinh viên từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến viếng, tham quan và tìm hiểu về lịch sử Đền thờ Bác, thân thế và cuộc đời hoạt động của Bác.

     2.1.2. Chùa Giác Linh

     Chùa Giác Linh, còn gọi là chùa Dơi, nằm cách TP. Trà Vinh khoảng 30 km về hướng Đông Nam, cách thị trấn Cầu Ngang hơn 5 km về hướng Đông Bắc thuộc ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, có niên đại khoảng 150 năm. Thuở ban đầu, chùa chỉ là một am nhỏ, tên gọi là Linh Sơn Điện. Từ những năm đầu của thế kỉ XX, Linh Sơn Điện là điểm hội họp sinh hoạt của những nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp. Năm 1922, tổ chức Thanh Niên Đỏ của tỉnh được thành lập nơi đây, trong đó có đồng chí Dương Quang Đông. Đồng thời, một trong ba Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Trà Vinh – Chi bộ Mỹ Long cũng chọn địa điểm này hội họp thường xuyên trong những năm đầu thành lập. Đến năm 1934 – 1935, chùa được chọn làm trụ sở của cơ quan Liên tỉnh ủy Vĩnh – Trà – Bến. Trong giai đoạn cận Cách mạng tháng 8 năm 1945, để nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi, cuộc họp trù bị củng cố lại xứ ủy đã tổ chức tại chùa. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, nhà chùa và sư cô trụ trì đã tổ chức các chuyến vận chuyển vũ khí cho cách mạng, bố trí các hầm bí mật để cán bộ ẩn tránh và chuẩn bị cả công trường chế tạo vũ khí đánh địch trong khuôn viên chùa (Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, 2019).

     Chùa Giác Linh được dựng trên một khoảnh đất cao, được bao um tùm bởi nhiều loại cây: mã tiền, mù u, nhọc, tre… tạo nên nét u tịch, linh thiêng. Bao nhiêu năm qua, kiến trúc và khuôn viên của chùa hầu như không thay đổi, vẫn đơn sơ với ngôi chánh điện nhỏ, ẩn mình dưới những tàn cây. Thế nhưng, trong sự giản dị, khiêm tốn ấy là những câu chuyện lịch sử gần trăm năm qua về bậc ni cô trụ trì anh dũng, mưu trí; về những cán bộ chiến sĩ yêu nước gắn với những cột mốc lịch sử cách mạng quan trọng của vùng đất Mỹ Long anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Nếu có dịp đến tham quan chùa Giác Linh, vượt qua khoảng 20 bậc thang, ngồi trên bậc thềm chánh điện, du khách cảm nhận như bản thân tách khỏi hoàn toàn với thế giới trần tục, hòa mình với thiên nhiên trong sự tĩnh lặng vô cùng, cảm nhận như mỗi gốc cây xù xì, mỗi vết rêu xanh trên mái ngói in dấu những vết tích lịch sử của một thời kì hào hùng không thể quên của dân tộc.

     2.1.3. Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu

Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu thuộc địa phận ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 60 km về hướng Đông Nam, cách thị xã Duyên Hải 12 km về hướng Đông. Du khách có thể đến tham quan di tích bằng nhiều con đường khác nhau, đường bộ, đường sông hoặc đường biển.

     Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu là một trong những mắt xích quan trọng của tuyến “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong các năm 1963, 1964, Bến đã tiếp nhận 10 chuyến hàng gồm vũ khí và các loại trang thiết bị chiến tranh, cung cấp kịp thời cho các đơn vị vũ trang chủ lực Quân khu 9 và Ban Hậu cần Tỉnh đội các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng cho các đơn vị vũ trang cách mạng trên địa bàn miền Tây Nam Bộ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, 2019, tr. 69).

     Nằm trong hệ thống các di tích toàn quốc về con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu được khánh thành và đưa vào hoạt động vào năm 2010. Di tích gồm có bia tưởng niệm hình tượng cánh buồm ghi dấu chiến công và nhà trưng bày hơn 100 bức ảnh, 50 hiện vật tái hiện các câu chuyện lịch sử đầy gian nan, nguy hiểm của các đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; các hình ảnh và hiện vật về những người con ưu tú của Trà Vinh gắn liền tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

     2.1.4. Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu

     Đình miếu Cồn Trứng tọa lạc ở ấp Cồn Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu tọa lạc ở ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đình miếu Cồn Trứng nằm cách Lăng Ông Cồn Tàu khoảng 1.000 m về hướng bắc. Cả hai di tích cách thành phố Trà Vinh khoảng 51-52 km về hướng đông.

     Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu còn có tên gọi khác là Đình Lầu Cổ Truyền, Lăng Ông Nam Hải. Trong đó, Đình Lầu Cổ Truyền là tên gọi ghép giữa Đình Thần thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và Miếu Bà (Lầu Bà) thờ bà Thượng Động Cố Hỷ và Chúa Xứ; Lăng Ông Nam Hải vì lăng thờ Nam Hải tức Cá Ông hay “Quốc Gia Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần” (Bảo tàng Tổng hợp – Sở VH, TT & DL Trà Vinh, 2015).

     Di tích Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu nằm cách Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (Đường Hồ Chí Minh trên biển) khoảng 1,5-1,2 km về hướng Tây Bắc, thuộc hệ thống di tích lịch sử Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (Đường Hồ Chí Minh trên biển).

     Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu là cơ sở tín ngưỡng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình miếu Cồn Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu là địa điểm tập họp, sinh hoạt, luyện tập của Thanh niên Tiền phong trong vùng. Phong trào đã được những người trong hội cùng những thanh niên trong vùng hưởng ứng tích cực, góp phần làm nên thắng lợi chung của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Riêng Lăng Ông Cồn Tàu vào năm 1947 còn được cách mạng sử dụng làm kho chứa lúa gạo để vận chuyển tiếp tế cho Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu là nơi tiếp nhận, cất giấu, trung chuyển hàng chục tấn vũ khí từ kho Cồn Tàu đi những nơi khác. Đình miếu Cồn Trứng còn là nơi đóng quân, học tập của nhiều đơn vị cách mạng.

     Về kiến trúc, Đình miếu Cồn Trứng hiện nay được xây dựng trong khuôn viên rộng 3.041 m2, mặt ngôi đình quay về hướng nam, mặt ngôi miếu quay về hướng đông. Đình là ngôi nhà một căn hai chái, cột xi măng cốt thép, vách tường, mái lợp tôn. Nền nội thất láng xi măng, hàng ba lót gạch tàu. Ngôi miếu là ngôi nhà ba căn, cột xi măng cốt thép, vách tường, mái lợp tôn, nền láng xi măng phần tiền điện, lát gạch bông phần chính điện. Ngôi miếu trước đây còn gọi là Lầu Bà vì là ngôi nhà lầu và thờ bà Cố Hỷ. Còn Lăng Ông Cồn Tàu quay mặt về hướng nam, tọa lạc trong khuôn viên rộng 1.299,3 m2 gồm chánh tẩm, nhà võ ca, nhà phạn trù. Từ ngoài đi vào là nhà võ ca ba căn, cột xi măng cốt thép, mái cũng lợp tôn, nền lát gạch tàu. Tiếp giáp võ ca và chánh tẩm bên dưới là hầm chứa vũ khí, hiện nay hầm này còn nhưng bà con đã lấp lại tạo mặt bằng phục vụ việc thờ cúng và lễ hội. Nối tiếp võ ca là chánh tẩm xây dựng theo kiểu một căn hai cháy, vật liệu xây dựng cũng như võ ca (Bảo tàng Tổng hợp – Sở VH, TT & DL Trà Vinh, 2015).

     Có thể nói trong lịch sử đấu tranh của quân dân Trà Vinh, di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu và Đình miếu Cồn Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu là những mốc son quan trọng, trước hết đóng góp chung vào chiến công của Tổ quốc, của “Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại”, góp phần cho danh hiệu Trường Long Hòa sắt thép, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Trường Long Hòa nói riêng và huyện Duyên Hải (cũ) nói chung.

     2.2. Nhận diện tiềm năng và định hướng phát triển du lịch di sản của di tích lịch sử cách mạng Trà Vinh

     2.2.1.Về tiềm năng phát triển du lịch của các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia tại Trà Vinh

     Chương I – Những quy định chung, Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10, xác định “Di tích lịch sử – văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” (Quốc hội Việt Nam, 2010). Trong đó, di tích lịch sử – văn hóa phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

     a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước;

     b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước;

     c) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kì cách mạng, kháng chiến.

     Những di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia của tỉnh Trà Vinh trước hết là những di sản quốc gia, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Những di sản ấy là những cột mốc lịch sử quan trọng trên con đường cách mạng của vùng đất Trà Vinh, ghi dấu quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước của quân dân Trà Vinh. Chính qua những di tích này, những người đương thời, những thế hệ trẻ phần nào hình dung được sự hi sinh, sự cống hiến cùng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, dũng cảm của các thế hệ đi trước vì sự độc lập, tự do của quê hương, Tổ quốc. Chính nguồn tư liệu lịch sử thực tế này có ý nghĩa giáo dục cao cả cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đó là giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khơi gợi tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ. Những minh chứng lịch sử này góp phần tạo động lực tinh thần lớn lao, động viên mọi người vượt qua khó khăn, thử thách để tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh hơn. Với những ý nghĩa lịch sử đó, các di tích lịch sử cách mạng Trà Vinh là những “địa chỉ đỏ” cho phát triển du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm của địa phương.

     Mỗi di tích lịch sử cách mạng Trà Vinh gắn với những câu chuyện lịch sử hào hùng đấu tranh của những người con Trà Vinh anh hùng gắn với một địa danh, một địa phương. Tự thân mỗi di tích có một giá trị tâm linh, sự ngưỡng vọng tâm linh đối với những tấm gương chiến đấu, hi sinh anh dũng. Bên cạnh đó, tại Trà Vinh, trong bốn di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia mà tham luận đã giới thiệu ở mục 2.1, có hai di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương; còn nếu xét cả 10 di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia và cấp Tỉnh tại Bảng 1, có sáu di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó chủ yếu là chùa Phật giáo. Du lịch tâm linh tại Trà Vinh vốn có thế mạnh với hệ thống hơn 140 chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer, khoảng 24 cơ sở tín ngưỡng ông Bổn của người Hoa gắn với các lễ hội dân gian đặc thù của địa phương đã thu hút nhiều du khách tham gia trải nghiệm hằng năm. Những điều này cho thấy việc kết nối hệ thống di tích lịch sử cách mạng trong chuỗi du lịch tâm linh của địa phương là cơ hội phát huy các hình thức du lịch di sản của Trà Vinh, mở rộng đối tượng du lịch. Có thể kì vọng rằng, một hệ thống di sản với những giá trị lịch sử – văn hóa vừa hàm chứa bề dày lịch sử, độ sâu văn hóa và những nét đặc thù của địa phương sẽ là những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.

     Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối giữa địa phương với các tỉnh lân cận, giữa trung tâm thành phố Trà Vinh với các điểm du lịch trong tỉnh, rút ngắn thời gian đi lại của du khách. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã “triển khai các giải pháp để phát triển du lịch như tập trung xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư; đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch” (Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, 2019), đặc biệt xây dựng các tuyến điểm du lịch, kết nối các di sản lịch sử cách mạng với nguồn tài nguyên văn hóa thu hút khách tham quan, trải nghiệm, chẳng hạn cụm văn hóa – du lịch liên hoàn vùng ven biển Trà Vinh: Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu – Lầu Bà Cố Hỷ – Đình miếu Cồn Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu – Khu du lịch Biển Ba Động – Thiền viện Trúc Lâm. Tiềm năng mở rộng các tuyến điểm du lịch kết nối các di tích lịch sử cách mạng tại Trà Vinh với nguồn tài nguyên văn hóa là hoàn toàn khả thi với các hình thức: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng,…

     2.2.2. Định hướng phát triển du lịch di sản của di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia Trà Vinh

     Trong tham luận “Quản lí di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững vùng Nam Bộ” tại Hội thảo Khoa học “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa khu vực III”, Huỳnh Quốc Thắng cho rằng: Về nguyên tắc, sản phẩm du lịch tuy cũng là một thứ hàng hóa chịu sự chi phối sâu sắc bởi các quy luật kinh tế thị trường nhưng chất lượng của nó được quyết định không phải chỉ là những “giá trị” trao đổi bình thường mà phải là những “giá trị văn hóa” đích thực (giá trị nhận thức, nhân bản, thẩm mĩ…), cái tạo nên tính “đặc sản” độc đáo, lí thú (interest) cho các sản phẩm ấy đồng thời cũng là cái có thể đáp ứng tốt các nhu cầu văn hóa tinh thần của du khách các loại… (Huỳnh Quốc Thắng, 2011). Trên cơ sở xác định chất lượng của sản phẩm du lịch, Huỳnh Quốc Thắng cho rằng hệ thống di tích cách mạng của vùng Nam Bộ khá nhiều nhưng chưa phát huy tốt trong hoạt động du lịch như một di tích lịch sử. Nguyên nhân chính là các di tích này chưa được khai thác hết khía cạnh nhận thức, nhân bản và thẩm mĩ trong các giá trị lịch sử – văn hóa, đồng thời cũng chưa khéo léo liên kết với các sự kiện lịch sử “người thật việc thật”, với đất nước – con người tại chỗ (trước kia và hiện tại), với các giá trị lịch sử – văn hóa khác… để tạo thành những sản phẩm du lịch tốt. Tác giả cũng chỉ ra rằng xu thế chính của du lịch thế giới hiện nay là du khách ngày càng có nhu cầu được tham gia “sống” trong/với sản phẩm, thay vì chỉ đứng xem/tham quan sản phẩm du lịch.

     Kế thừa quan điểm của tác giả Huỳnh Quốc Thắng, chúng tôi cho rằng để phát huy thế mạnh du lịch của các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, việc quy hoạch tổng thể du lịch của địa phương có gắn kết các di tích với điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên du lịch và lực lượng lao động hiện có.

     Như đã trình bày, mỗi di tích có những đặc trưng riêng, mỗi câu chuyện lịch sử, sự kiện và nhân vật gắn với những điều kiện tự nhiên, văn hóa khác nhau, vì vậy rất cần chương trình tham quan được xây dựng phù hợp với các đối tượng du khách khác nhau, tạo cơ hội để du khách tự mình trải nghiệm, cảm nhận những thông điệp mà di tích thể hiện. Đối với những nhóm tham quan là các em học sinh, sinh viên, chương trình cần lồng ghép các trò chơi trí tuệ, hoạt động tập thể tạo hứng thú tìm hiểu về lịch sử dân tộc; đối với các đoàn cựu chiến binh, các nhóm du lịch gia đình, tập thể, chương trình tăng cường kết hợp du lịch về nguồn và nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn và sinh thái…, tạo sự đa đạng cho sản phẩm du lịch đáp ứng các nhu cầu của du khách.

     Các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia tại Trà Vinh có những điều kiện thuận lợi để xây dựng các tuyến điểm du lịch, mang đến những trải nghiệm lịch sử – văn hóa đặc thù cho du khách. Đó là hành trình du lịch gắn kết di tích lịch sử cách mạng với các di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật tại thành phố Trà Vinh như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Danh thắng Ao Bà Om – Chùa Âng – Phước Minh Cung; hay tuyến du lịch di tích lịch sử cách mạng – lễ hội văn hóa tâm linh ở huyện Cầu Ngang: Chùa Giác Linh – Lễ hội cúng biển Mỹ Long; cụm văn hóa – du lịch liên hoàn vùng ven biển Trà Vinh: Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu – Lầu Bà Cố Hỷ – Đình miếu Cồn Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu – Khu du lịch Biển Ba Động – Thiền viện Trúc Lâm; tuyến du lịch di tích lịch sử cách mạng – lễ hội văn hóa tâm linh – du lịch sinh thái tại huyện điểm du lịch Cầu Kè: Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út – Lễ hội Vu lan Thắng hội – du lịch sinh thái miệt vườn cù lao Tân Quy,… Lồng ghép trong từng tuyến điểm du lịch là các dấu ấn ẩm thực đặc trưng vùng miền như bún nước lèo Ao Bà Om, dừa sáp Cầu Kè, chù ù biển Ba Động, bánh tét Trà Cuôn,… Việc xây dựng những hành trình du lịch di sản, khám phá di tích lịch sử cách mạng gắn kết với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của vùng đất Trà Vinh sẽ mang đến những cảm nhận thú vị, những dấu ấn khó quên cho du khách, tạo hứng thú cho những chuyến du lịch sau đó của du khách.

     Trong thực tế, một vài tuyến điểm du lịch kết nối di tích lịch sử cách mạng với các điểm du lịch văn hóa ở Trà Vinh đã được tổ chức nhưng chưa nhận được quan tâm của đông đảo du khách. Do vậy, việc phát huy du lịch di sản gắn với các di tích lịch sử cách mạng rất cần sự đầu tư của địa phương. Trước hết, cần tăng cường công tác quảng bá di tích qua các sách du lịch, các trang web cũng như các trang mạng xã hội, việc quảng bá di tích cần gắn kết với các tuyến du lịch để du khách có nhiều cơ hội lựa chọn hình thức du lịch phù hợp. Cùng với đó, việc khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, nơi lưu trú, điểm ăn uống cần nhanh chóng thực hiện, bởi lẽ các di tích lịch sử cách mạng tại Trà Vinh hiện nay hầu như không đáp ứng tốt nhu cầu ăn uống, lưu trú của du khách. Ngoài ra, việc tạo ra các món quà lưu niệm tại di tích là thực sự cần thiết. Quà lưu niệm tượng trưng cho những dấu ấn lịch sử của di tích, từ đó giúp du khách lưu giữ dấu ấn về di tích cũng như góp phần quảng bá cho di tích, đồng thời mang lại lợi nhuận thiết thực cho di tích.

3. Kết luận

     Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia là những dấu ấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh hào hùng của quân dân Trà Vinh, là niềm tự hào của những người con Trà Vinh và là bộ phận quan trọng tạo thành di sản văn hóa Trà Vinh. Do vậy, việc quảng bá và phát huy giá trị của những di tích này trong hoạt động du lịch di sản của địa phương là điều cần thiết. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực, thực hiện nhiều việc làm thiết thực, cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị của bộ phận di sản này. Trong thời gian tới, để phát huy giá trị du lịch của các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia tỉnh Trà Vinh ngày càng tốt hơn, chúng tôi cho rằng việc xây dựng các chương trình du lịch tại các điểm di tích cần đầu tư hơn, hướng đến sự trải nghiệm, cảm nhận thực tế của chính du khách; bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các tuyến điểm du lịch có sự kết nối giữa di tích lịch sử cách mạng với nguồn tài nguyên văn hóa sẵn có của địa phương tạo sự hứng thú cho du khách. Việc đầu tư các cơ sở lưu trú, các điểm ăn uống và cơ sở hạ tầng cần thiết khác nên được đẩy nhanh tiến độ để kịp thời đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách. Trong xu hướng lượng du khách đến Trà Vinh tăng mỗi năm, việc đầu tư khai thác du lịch tại các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia sẽ đặt ra kì vọng góp phần thu hút khách du lịch đến Trà Vinh ngày càng nhiều hơn, đóng góp thêm nguồn doanh thu cho tỉnh nhà, và quan trọng là góp phần nâng cao truyền thống văn hóa – lịch sử của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và tăng cường nhận thức cho thế hệ trẻ về tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, góp phần quảng bá vùng đất Trà Vinh anh hùng, bất khuất trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ quê hương, đất nước.

___________
1 Trường Đại học Trà Vinh.

2 Trường Đại học Trà Vinh.

3 Trường Đại học Trà Vinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phấn đấu năm 2020: Trà Vinh đón gần 1,4 triệu lượt khách,
https://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/tin-tuc/tin-hoat-dong-trong-tinh/896-phandau-nam-2020-tra-vinh-don-gan-1-4-trieu-luot-khach, ngày truy cập 8/11/2019.

2. Trà Vinh tạo bước phát triển về du lịch từ những chính sách ‘mềm’,
https://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/tin-tuc/tin-hoat-dong-trong-tinh/898-tra-vinhtao-buoc-phat-trien-ve-du-lich-tu-nhung-chinh-sach-mem, ngày truy cập 8/11/2019.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2019), Sách hướng dẫn du lịch tỉnh Trà
Vinh, Lưu hành nội bộ, trang 60.

4. Ðền thờ Bác Hồ tại Trà Vinh, https://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/
17304702-.html, ngày truy cập 26/12/2019.

5. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh. Chùa Giác Linh. 2019.
https://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/du-lich/du-la-ch/ca-c-ia-m-tham-quan/chuagiac-linh [Ngày truy cập: 8/11/2019].

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2019), Sách hướng dẫn du lịch tỉnh Trà
Vinh, Lưu hành nội bộ, trang 69.

7. Bảo tàng Tổng hợp (Sở VH, TT&DL Trà Vinh) (2015), Lí lịch di tích Đình miếu Cồn
Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu.

8. Quốc hội Việt Nam (2010), Luật Di sản Văn hóa.

9. Trà Vinh tạo bước phát triển về du lịch từ những chính sách ‘mềm’,
https://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/tin-tuc/tin-hoat-dong-trong-tinh/898-tra-vinhtao-buoc-phat-trien-ve-du-lich-tu-nhung-chinh-sach-mem, ngày truy cập 8/11/2019.

10. Huỳnh Quốc Thắng (2011), “Quản lí di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững vùng Nam Bộ”, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa khu vực III”.

Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học
Bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh, NXB Nông Nghiệp

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giá trị di tích lịch sử Cách Mạng trong định hướng phát triển du lịch di sản Trà Vinh (Tác giả: Thạc sĩ. Phạm Thị Bích Ngọc, Kĩ sư. Hứa Minh Nhựt, Thạc sĩ. Phạm Thị Tố Thy)