Giá trị khảo chứng của bộ “Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu”của Đặng Xuân Bảng
Tác giả bài viết: Phó Tiến sĩ HOÀNG VĂN LÂU
(Viện nghiên cứu Hán Nôm)
Việt sử cương mục tiết yếu (viết tắt là Tiết yếu) là một bộ thông sử của nhà sử học Đặng Xuân Bảng (1) ghi chú các sự kiện lịch sử từ thời Hùng Vương đến hết triều Tây Sơn (1802), có kèm theo các phần “án”, chú, bình, khảo… là những công trình khảo chứng lịch sử lớn nhỏ của tác giả và nhiều sử gia khác.
Bộ sử này đã được cụ Trần Văn Giáp giới thiệu trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập 2, Thư viện Quốc gia xuất bản, Hà Nội 1970, tr 147-152). Nhưng hồi ấy, cụ Trần chỉ có trong tay 4 quyển (toàn bộ là 8 quyển) của bộ sử đó. Gần đây đã tìm lại được các phần “tàn khuyết” và khôi phục được trọn vẹn bộ sử đó (2). Nhận thấy Tiết yếu là bộ sử khá lớn (8 quyển, 1200 trang) có nhiều nét đặc sắc với các bộ sử truyền thống khác, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc và bước đầu tìm hiểu về giá trị khảo chứng của bộ sử đó.
Tiết yếu gồm có nhiều vấn đề nghiên cứu lịch sử. Nội dung rất phong phú, đa dạng, phạm vi rộng, bổ sung nhiều khiếm khuyết của các bộ sử cũ. Tác giả đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, phân tích, tổng hợp vấn đề, chú ý tìm nguyên nhân của những sai lầm thiếu sót để tiến hành phê phán, nên những vấn đề khảo chứng có sức thuyết phục. Chúng tôi tạm chia thành 4 vấn đề chính sau đây :
1. Nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương và nguồn gốc dân tộc, có nhiêu luận điểm gần với ngày nay
Về nguồn gốc dân tộc, từ xa xưa đã lưu truyền nhiều huyền thoại và truyền thuyết. Đến đời Trần đã có vài công trình ghi chép lại những truyền thuyết ấy, như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái. Một số sử gia đã đưa thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang vào các bộ sử dân tộc. Việt sử lược viết về sự ra đời của nước Văn Lang trong chương mở đầu “Quốc sơ diên cách” (3). Thế kỷ XV Nguyễn Trãi khẳng định tên nước Vãn Lang của các vua Hùng và lãnh thổ nước này gồm 15 bộ (4). Ngô Sĩ Liên mạnh dạn đưa thời đại Hùng Vương vào các chính sử (kỷ Hồng Bàng thị, phần Ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng do tính chất huyền thoại của tư liệu và trình độ khoa học lúc đó, nên tác giả Toàn thư cũng không tránh khỏi “bán tín bán nghi” Hãy tạm thuật lại truyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ” (5). Đến cuối thế kỷ thứ 18, Ngô Thì Sĩ khi viết Việt sử tiêu án thì căn bản phủ định thời kỳ Hồng Bàng, cho đó là truyện hoang đường (6)”. Cương mục, tuy mở đầu bằng kỷ Hùng Vương “vì có một vài dấu vết chép trong sử Trung Quốc”, nhưng viết rất sơ sài (7).
Tiết yếu phê phán sử cũ “lấy Kinh Dương Vương làm vua đầu tiên” của ta là sai vì “Kinh Dương Vương thuộc nước Tân, không quan hệ gì với ta”. Nhưng lại chú ý đến nghiên cứu nước Văn Lang và người Lạc Việt.
Về tên nước Văn Lang, Tiết yếu dẫn Thái bình hoàn vũ ký của nhạc sử đời Tống nói : “Phong Châu là nước văn Lang đời xưa, có sông Văn Lang nên gọi thế”, để chú rõ : “Vì có sông Văn Lang nên gọi tên nước là Văn Lang. Sông Văn Lang nay là sông Thao” (8).
Về chủ nhân của nước Văn Lang – người Lạc Việt, Tiết yếu phê phán sử cũ nhận lầm Lạc Việt là dòng dõi Thần Nông, theo Tiết yếu sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là do không phân biệt được Lạc Việt với các dân tộc khác cũng có tên là Việt. Tiết yếu chỉ rõ : ” Âu Việt hay Đông Âu, hoặc Mân Việt hay Đông Việt là dòng dõi nước Việt của Câu Tiễn thời Chu, địa bàn của họ ở Triết Giang và Phúc Kiến của Trung Quốc hiện nay. Dương Việt, hay Bách Việt, hay Nam Việt vốn họ Thiên, cùng thuỷ tổ với nước Sở, địa bàn ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay. Còn Lạc Việt thì có nguồn gốc riêng. Tuy tác giả chưa rõ được thuỷ tổ từ đâu, nhưng khẳng định “chắc chắn không phải là dòng dõi Thần Nông”. Ngày nay, trên cơ sở tư liệu khảo cổ học, từ những nguồn tư liệu khác bằng phương pháp nghiên cứu tổng hợp và liên ngành, các nhà sử học Việt Nam đã xác định nguồn gốc bản địa của người Lạc Việt, chủ nhân của nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng.
Về lãnh thổ của nước Văn Lang, Tiết yếu phê phán sử cũ, định một ranh giới quá rộng cho nước Văn Lang. Theo Tiết yếu lãnh thổ Văn Lang tương đương với vùng Bắc Bộ ngày nay.
Về tổ chức nhà nước Văn Lang, Tiết yếu dẫn “Giao Quảng ký và Thái Bình hoàn vũ ký, chép : “Giao chỉ có Lạc điền, người cày cấy ruộng gọi là Lạc dân. Người cai trị chung là Lạc vương. Phó vương là Lạc hầu, Lạc tướng. Người Văn Lang thường ngủ dưới cây, trao đổi mua bán không hai giá (9).
Về An Dương Vương và nước Âu Lạc, thư tịch cổ của Trung Quốc như Sử ký, Tiền Hán Thư, Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký… đều thừa nhận có An Dương Vương và cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Nam Việt Vương.
Giao Châu ngoại vực ký và Quảng Châu ký cho rằng An Dương Vương là “con vua Thục”, Việt sử lược ghi rõ “tên là Phán”. Toàn thư và Lãnh Nam chích quái ghi : Họ Thục, tên Phán người nước Ba Thục. Nguyễn Văn Siêu cho rằng những ghi chép sử cũ của An Dương Vương là sai (10). Cương mục ghi theo Toàn thư nhưng nêu nghi vấn “có thể ngoài cõi Tây Bắc giáp Văn Lang còn có họ Thục khác mà sử cũ nhận là Thục vương chăng ?”
Tiết yếu bác thuyết Thục Phán là người Ba Thục : “Ba Thục nay là tỉnh tứ xuyên (Trung Quốc), cách nước Vãn Lang gần 2000 dặm lúc ấy lại có các nước Dạ Lang, Đan Vưu, Cùng, Tạc ngăn cách. Nếu Phán là người Ba Thục thì làm thế nào có thể mang quân từ xa, vượt qua các nước ấy mà thôn tính Văn Lang ở tít xa ngoài 2, 3 ngàn dặm ?” (10)
Tiết yếu lại phân tích : Phán thôn tính được Văn Lang thì Văn Lang với nước của Phán hẳn là không xa nhau”. Lại phân tích tên nước Âu Lạc : Lạc tức là tên gọi tắt của Lạc Việt, là nước Văn Lang. Âu tức là Tây Âu, là châu Uất Lâm của Quảng Tây. Uất Lâm giáp Văn Lang nên mới diệt được Văn Lang, rồi kết hợp hai nước mà thành tên Âu Lạc, Thục Phán “ngờ là người Tây Âu, họ Thục, tên Phán” (11), luận điểm này gần với các nhà sử học Việt Nam ngày nay :”Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu, phía Bắc nước Văn Lang” (12).
2. Nghiên cứu sự biến động về lãnh thổ đất nước qua các đời
Tiết yếu không công nhận nhà Triệu là triều đại nước ta. Sau khi diệt Triệu, nhà Hán đem đất ấy chia thành 9 quận, trong đó 3 quận Giao Chỉ, Cửu Châu và Nhật Nam là đất cũ của nước ta thời ấy. Tiết yếu tra cứu các sách “Quảng dư ký và Thuỷ kinh chú cho rằng Giao Chỉ khi ấy bao gồm Bắc Bộ cũ và 7 phủ Tứ Thành, Khánh Viễn, Tư Ân, Trấn An, Thái Bình, Điền Châu, Tư Minh của tỉnh Quảng Tây. Lại tra Thái Bình hoàn vũ ký để xác định quận Cửu Châu gồm đất Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay và châu Đông Lan phủ Khánh Viễn, huyện Tây Lâm dọc theo Tứ Thành của Quảng Tây, Phú Châu của Quảng Nam, đất hai huyện Văn Sơn phủ Khai Hoá, Mông Tự phủ Lâm An tỉnh Vân Nam. Lại tra Hán Thư để xác định được Nhật Nam gồm hai lục Mãnh, huyện Kiến Thuỷ, 2 phủ Tây An và Điện Biên của Hưng Hoá; Mai Sơn, Phù An, Thuận Châu ven hai bờ sông Đà của phủ Gia Hưng cùng các phủ Trấn Ninh, Trấn Biên, Trấn Tỉnh, Lạc Biên của Nghệ An cho đến các tỉnh phía Nam Hà Tĩnh (13).
Về sự biến động đất đai, nhân sự kiện Dương Tố nhà Tuỳ tiến cử Thứ sử Qua Châu là Lưu Phương đem 27 dinh quân sang đánh Lý Phật Tử ở núi Đô Long (nay thuộc huyện Tuyên Hoá phủ Nam Ninh, chỗ giáp giới 2 phủ Nam Ninh là Khánh Viễn của Quảng Tây) vào năm Nhâm Tuất (602), Tiết yếu chỉ rõ : 7 phủ Tứ Thành, Khánh Viễn, Tư Ân, Trấn An, Thái Bình, Điền Châu, Tư Minh ngày nay đều là đất của quận Giao Chỉ nước Việt xưa đất ấy bị mất vào Quảng Tây hồi chúa Nam Hán Lưu Cung bắt Khúc Thừa Mỹ, chiếm giữ Giao Châu. Sau này Ngô Quyền và Dương Diên Nghệ không lấy lại được nữa (14).
Lại như, Tiết yếu chủ yếu khảo sát số đất bị mất xẩy ra vào thời Lê Trịnh, dẫn các nguồn thư tịch trong và ngoài nước, như An Nam kỷ yếu, các bộ Nhất thống chí của nhà Minh và nhà Thanh, Khâm châu chí, và Đại Nam thực lục của triều Nguyễn, ghi rõ số đất bị mất, nêu nguyên nhân mất đất, như lưu ý người có trách nhiệm phải luôn giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, thời bình cũng như thời chiến.
3. Nghiên cứu địa danh lịch sử
Trước Tiết yếu, một số thư tịch trong nước và nước ngoài đã ít nhiều có ghi chép hoặc chú thích địa danh cổ của Việt Nam. Cương mục đã chú ý giải địa danh cổ. Nhưng, như bài Tựa bộ Tiết yếu phê phán : “Cương mục” lấy đất ngày nay để chú tên đất ngày xưa là sai vì chưa khảo cứu sách Thủy kinh chú, Thái bình hoàn vũ ký và Lĩnh biểu lục dị… Hầu hết tên đất xuất hiện trong bộ sử đều được chú giải. Như địa danh Cấm khê, nơi Hai Bà Trưng rút quân về sau khi thua ở hồ Lãng Bạc. Toàn thư chú là ở huyện Chân Lộc, Nghê An. Cương mục tham khảo các sách Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viỗn, Phù Nam ký của Trúc Chi cho rằng Cấm Khô phải ở địa hạt phủ Vĩnh Tường của Sơn Tây (15). Tiết yếu dẫn Hán thư chú giải Cấm Khê là Kim Khê, dẫn Phương dư kỷ yếu ghi động Kim Khê ở huyện Lông Thạch, lại dẫn Minh Chí ghi huyện Lộng Thạch ở Thái Nguyên, có động Bông Sơn, hang rộng, thuyên bè có thể đi qua, tức động Kim Khô ” để nhận định : Trưng Trắc chạy đi Kim Khê tức là chạy vồ vùng hồ Ba Bể của Thái Nguyên” (16).
Lại như tên đất Thái Bình, quê hương Lý Bí. Toàn Thư ghi là đất thuộc phủ Long Hưng. Cương mục thì chú là : tên đất Thái Bình đặt từ năm Vũ Đức thứ 4 đời Đường (năm 621). Tên Long Hưng đặt từ thời Trần. Thời thuộc Lương chưa có 2 tên đất này. Có lẽ sử cũ chỉ theo đó mà truy gọi vậy thôi. Nghĩa là vẫn cho rằng đất Thái Bình thuộc phủ Long Hưng, tức miền đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay (17).
Tiết yếu dẫn Đường thư nói : “Phủ đô hộ của An Nam qua Thái Bình của Giao Chỉ 100 dặm thì đến Phong Châu” đã phán đoán : “Theo vậy thì Thái Bình nằm trên con đường mà từ phủ đô hộ đến Phong Châu phải đi qua đó. Thái Bình là các phủ Quảng Oai và Quốc Oai của Sơn Tây cùng ứng Hoà của Hà Nội ngày nay”.
Khi nghiên cứu địa danh, Tiết yếu luôn chú ý tính hệ thống và sự biến động lịch sử của địa danh.
Về tính hệ thống, Tiết yếu tham khảo nhiều nguồn tư liệu, nghiên cứu toàn diện các mặt vị trí, giới hạn, diên cách của tất cả 10 huyện thuộc quận Giao Chỉ, 7 huyện thuộc quận Cửu Chân, 5 huyện thuộc quận Nhật Nam thời Hán. Lại như năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo. Tiết yếu ghi tên gọi của mỗi phủ, huyện châu của từng đạo, chú rõ sự thay đổi của những địa danh đó. Ví như : “Nghệ An có 8 phủ, 16 huyện. Phủ Đức Quang có 6 huyện là Thiên Lộc, La Sơn, Châu Phúc, Thanh Chương, Hương Sơn và Nghi Xuân. Đức Quang nay là huyện Đức Thọ. Thiên Lộc nay là huyện Can Lộc, Châu Phúc nay là Châu Lộc, La Sơn và Nghi Xuân nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh” (19).
Về sự biến động lịch sử của địa danh thì như lời Tựa nói: “Thu Diên đời Hán thì ở Quốc Oai, Ứng Hoà… Còn Chu Diên từ Tấn Ngụy thì về sau thì ở vào miền ven biển Nam Định và Hải Dương… Phong Khê đời Hán ở cách phủ Quảng Oai, Gia Hưng (Hưng Hoá)… Còn Phong Khê từ Tấn Ngụy về sau ở phủ Thuận An, Bắc Ninh… Nhật Nam thời Hán ở phủ An Tây, Hưng Hoá ngày nay… và Hà Tĩnh trở vào. Nhật Nam từ Đinh Lê về sau thì ở Quảng Bình trở vào. Ái Châu đời Lương nay là các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… còn Ái Châu từ Đinh, Lê về sau là Thanh Hoá…” (20).
4. Tiết yếu có nhiều chuyên khảo về bộ máy nhà nước, tổ chức quân đội, điển chương văn vật, chế độ lương bổng, thuế khoá, thi cử (cả văn và võ), phẩm phục, ruộng đất… các đời.
Trong mỗi chuyên luận, Tiết yếu thường dẫn thành quả nghiên cứu của những người đi trước, có chú ý bổ sung hoặc đính chính những chỗ khiếm khuyết hoặc chưa thoả đáng.
Khi nghiên cứu, Tiết yếu thường chú ý đối chiếu, so sánh ở nhiều phạm vi, nhiều cấp độ khác nhau, rút ra những nhận xét xác đáng. Như nghiên cứu quan chế thời Lý, Tiết yếu tiến hành so sánh đối chiếu với quan chế nhà Tống (Trung Quốc), tìm ra nhiều chỗ khác nhau, mặc dù về cơ bản, quan chế nhà Lý là phỏng theo nhà Tống. Lại như quan chế nhà Lý và quan chế nhà Trần đều mô phỏng của nhà Tống, nhưng Tiết yếu đã so sánh quan chế nhà Lý với quan chế nhà Trần và rút ra nhận xét : “Quan chế nhà Lý và quan chế Nhà Trần đều phỏng theo nhà Tống. Nhưng quan chế nhà Lý đơn giản bao nhiêu thì quan chế nhà Trần phức tạp bấy nhiêu” (21).
Về quan chế nhà Lê, Tiết yếu so sánh quan chế thời Hồng Đức với quan chế thời Trung Hưng (vào năm 1664) để rút ra nhận định : Thời Hồng Đức quan trong kinh ngoài trấn tất cả có 5398 người. Từ Trung Hưng về sau (đến năm 1664) tính chung cả quan binh bên võ và quan binh bên văn không quá 300 người, thuộc quan cũng không quá 300 người so với thời Hồng Đức chỉ bằng một phần mười” (22).
Nhờ cách khảo sát tinh tế, có đối chiếu, so sánh nên Tiết yếu đã đính chính được nhiều 1ầm lẫn của các công trình nghiên cứu trước đó, như năm 1344, nhà Trần đổi ty Hành khiển cung Thánh Từ (cung Thực Hoàng ở) thành Thượng Thư sảnh. Còn ty hành khiển cung Quan Triều (cung vua ở) vẫn để là Môn hạ sảnh. Nhân khảo về sự việc này, Tiết yếu phê phán Lê Quý Đôn như sau : “Lê Quý Đường cho rằng 3 sảnh nhà Trần thì Thượng thư sảnh bàn xét công việc, Trung thư sảnh thường nghị các chính sách lớn, Môn hạ sảnh duyệt xét lại rồi trao cho Trung thư sảnh thi hành. Đó là quan chế nhà Tống chứ không phải là quan chế nhà Trần. Nhà Trần gộp Trung thư và Môn hạ là một gọi là Trung thư. Bởi lẽ ba chức Gián nghị, Tư giám, Chính ngôn theo quan chế nhà Tống thì Hữu thuộc Trung thư, Tả thuộc Môn hạ, nhà Trần gộp lại làm Trung thư và chia Thượng thư làm 2. Một là Thượng thư sảnh, tức Ty hành khiển cung Thánh Từ gồm các quan theo hầu Thượng Hoàng, hai là Môn hạ Sảnh tức ty hành khiển cung Quan Triều gồm các quan theo hầu thiên tử. Công việc của 6 bộ có quan hệ tới cả 2 cung. Thượng hoàng thâu tóm chính sự nên thuộc quan nhiều. Thiên tử chỉ hưởng thành quả nên thuộc quan ít. Lại lấy Tả Hữu Ty lang trung, Viên ngoại lang chia nhau nắm các bộ : Tả nắm Lại, Hộ, Lễ bộ; Hữu nắm Binh, Hình, Công bộ. Quế Đường chưa khảo cứu kỹ (23).
Lại nhân sự kiện quy định quan chức năm 1089 có một chuyện đề 1000 chữ, bàn về quan chế nhà Lý, Tiết yếu phê phán Ngô Thì Sĩ : Người xưa chia tào đặt cục đâu phải tuỳ tiện không thành hệ thống. Ngô Ngọ Phong gọi dân quan là Nội chức, binh quan là Ngoại chức là chưa khảo sát kỹ” (24)…
Trên đây chỉ là vài nét về nội dung và đặc điểm của lối khảo chứng lịch sử trong Tiết yếu. Những vấn đề được khảo chứng rất phong phú đa dạng. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại vấn đề này.
CHÚ THÍCH:
1) Đặng Xuân Bảng (1828- 1910) tên tự là Hy Long, tôn hiệu là Thiện Đình và Văn Phủ, sinh ở làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định, nay là làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1852 thi đỗ Cử nhân, năm 1856 thi đỗ tiến sĩ, làm quan từ chức Giáo thụ phủ Ninh Giang (1852), Tri phủ Yên Bình (1860), Án sát sứ Quảng Yên (1864), đến Tuần phủ Hải Dương (1872)… Ông sáng tác và biên khảo rất nhiều công trình. Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu giữ được 17 tác phẩm của ông.
2) Quá trình sưu tầm toàn bộ bộ Tiết yếu và giám định văn bản bộ sử ấy, xin xem : Về văn bản bộ Việt sử cương mục tiết yếu. Tạp chí Hán Nôm số 4 -1994, tr. 32-36.
3) Việt sử lược. Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải. Nxb Văn sử địa, Hà Nội 1960, phần Quốc sơ Diên cách – Những sự thay đổi trong nước buổi đầu.
4) Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb K.HXH, Hà Nội 1976, in lần thứ 2, tr. 212.
5) Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập). Nxb KHXH, Hà Nội 1993, tập I, tr 135.
6) Ngô Thì Sĩ : Việt sử tiêu án, ký hiệu A. 11 Viện nghiên cứu Hán Nôm, tờ 2a.
7) Việt sử thông giám cương mục, tập I. Tổ biên dịch. Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa biên dịch và chú giải. Nxb Văn, Sử, Địa, Hà Nội 1957, tr. 15.
8) Tiết yếu. Bản VHv 161/1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 3a. Bản VHv 161 /1. Là quyển một của bộ Tiết yếu.
9) (10)( 11) Tiết yếu, ql, bản đã dẫn, tờ 3b,4a,4b.
12) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh : Lịch sử Việt Nam. Tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1983.
13) Tiết yếu, bản đã dẫn, tờ 64-65.
14) Tiết yếu, bản đã dẫn, tờ 23b.
15) Cương mục (bạn dịch), sách đã dẫn, tập I, tr 84.
16) Tiết yếu, ql, bản đã dẫn, tờ 10h.
17) Toàn thư (bàn dịch), sách đã dẫn, tập I, tr 178.
18) Tiết yếu, ql, bản đã dẫn, tờ 20b.
19) Tiết yếu, VHv 161/4, tờ 14a.
20) Tiết yếu, ql, bản đã dẫn, tờ la.
21) Tiết yếu, bản VHv 2737/11, tờ 37b, 38a.
22) Tiết yếu, bản Vhv 161/5, tờ 61b.
23) Tiết yếu, bản VHv 2737/III, tờ 13b.
24) Tiết yếu, bản VHv, 2737/11, tờ 5b, 6a.
Nguồn: Nghiên cứu lịch sử, số 2, 1997
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
1. Bài viết ” Giá trị khảo chứng của bộ “Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu”của Đặng Xuân Bảng“ của tác giả Phó Tiến sĩ HOÀNG VĂN LÂU (Viện nghiên cứu Hán Nôm). Quý độc giả sử dụng bài viết này, vui lòng ghi rõ Nguồn: Nghiên cứu lịch sử, số 2, 1997, tác giả: Phó Tiến sĩ HOÀNG VĂN LÂU. 2. Thánh địa Việt Nam học (https://thanhdiavietnamhoc.com) chuyển thể bài viết trên từ bản PDF “cứng” lên Website. Quý độc giả, sao chép ‘copy’ bài viết này lên Website của Quý độc giả, xin vui lòng ghi rõ nguồn, tác giả bài viết như mục 1 nêu trên, đồng thời ghi Trích dẫn từ: Thánh địa Việt Nam học (https://thanhdiavietnamhoc.com). Xin chân thành cảm ơn! |
Download file (PDF – bản cứng): Giá trị khảo chứng của bộ “Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu”của Đặng Xuân Bảng (Tác giả: Phó Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu) |