Giá trị văn hóa của Mộc Bản
TS. NGUYỄN NGỌC MAI*
(Viện Nghiên cứu tôn giáo)
Mộc bản là kho di sản quý giá còn lưu lại đến nay nhưng không phải ai cũng được tiếp cận và biết được hết giá trị của nó. Ngoài giá trị về những kiến thức tôn giáo, Mộc bản còn lưu trữ rất nhiều những dung lượng kiến thức khác về chính trị, luật pháp, y học, nghệ thuật…
TÓM TẮT
Việc UNESCO công nhận mộc bản lưu giữ tại hai ngôi chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà (Bắc Giang) là “di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương” tháng 5 năm 2012 đã khẳng định những giá trị quan trọng nhiều mặt của loại hình di sản chữ viết đặc biệt này. Bằng việc tập trung vào các khía cạnh khác nhau của mộc bản như: Văn hóa phật giáo; Ngôn ngữ, văn học; Thẩm mỹ hội họa và điêu khắc gỗ… bài viết một lần nữa khẳng định lại những giá trị văn hóa phong phú của di sản mộc bản ở Việt Nam nói chung và mộc bản ở Bắc Giang nói riêng.
x
x x
1. Một vài nét về mộc bản ở Việt Nam
Là một dạng những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra các sách, mộc bản còn lại hiện nay ở Việt Nam phân bố tản mạn ở nhiều địa phương như chùa Quài (Đông Hưng/ Thái Bình),chùa Vĩnh Nghiêm & chùa Bổ Đà (Bắc Giang); chùa Dâu (Bắc Ninh) và một vài nơi khác như chùa Vạn Đức, Chúc Thánh (Hội An/ Quảng Nam) ngoài ra là một số lượng lớn mộc bản hiện đang được lưu giữ tại kho lưu trữ tại Đà Lạt (Lâm đồng). Mộc bản còn lưu lại đến ngày nay hầu hết có niên đại từ thời Lê Mạt và Nguyễn. Dưới thời phong kiến, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo và cũng để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử…, triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. Đây là những tài liệu gốc độc bản.
Được chế tác từ vật liệu là gỗ thị, gỗ cây ngô đồng hầu hết được khai thác trong nước. Đây là loại gỗ có nhiều ưu điểm như mịn, mềm, dai, dễ chạm khắc những hình khối sắc nét và không bị cong vênh theo thời gian. Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán và Nôm, chữ khắc ngược (âm bản), khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi và được đóng, sử dụng theo truyền thống người phương Đông. Các ván in sau nhiều lần in đều ngả màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày nhằm chống thấm nước, mối mọt. Phần lớn ván in được khắc trên 2 mặt, kiểu chữ chân phương, sắc nét. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu và trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm tàng trữ. Đây là những thông tin rất tốt cho việc tìm hiểu nguồn gốc, thời gian ra đời của các tài liệu kinh điển, thậm chí góp phần lý giải nhiều căn nguyên xã hội và bối cảnh ra đời của mỗi tác phẩm.
Nét chữ khắc trên mộc bản rất tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là thời cận đại. Trong khi công nghệ in ấn chưa ra đời thì phương thức in ấn bằng bản âm mộc bản được sử dụng như một phương tiện chính thức và phổ biến để in ấn các tài liệu chữ viết. Đối với nhiều lĩnh vực như tôn giáo, văn học viết, chính trị, tư tưởng, pháp chế các triều trước các bản khắc mộc bản đã tồn tại như một tài liệu gốc. Nó không chỉ mang tính chất những văn bản gốc để giúp đối chiếu, sao lưu nhiều tài liệu kinh bổn hiện đang lưu hành mà với những công năng hữu dụng của mộc bản, nhiều tài liệu có giá trị ở các lĩnh vực khác của văn hóa nước nhà đã được lưu giữ. Theo đánh giá về nội dung sơ bộ của 34.555 tài liệu mộc bản hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Đà Lạt) – trực thuộc Cục Văn thư có tới 935 quyển có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề chính như: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo – tư tưởng – triết học, ngôn ngữ – văn tự, chính trị – xã hội, văn hóa – giáo dục thậm chí có cả những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã.
Như vậy, vượt qua thời gian năm tháng những văn bản gốc đã đóng vai trò là nguồn sử liệu lịch sử phản ánh về các triều đại; là kho tàng lưu giữ các tri thức thời đại của dân tộc trên nhiều lĩnh vực như tôn giáo, tư tưởng thời đại, triết học và nhất là các tác phẩm văn học. Trong điều kiện đất nước có nhiều biến động do chiến tranh, thiên tai, cộng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm khiến cho việc lưu trữ các tài liệu in trên giấy rất khó khăn, thường xuyên bị hủy hoại, mất mát thì những tài liệu mộc bản với những đặc tính không thay đổi, không nhòe nát với những nội dung cụ thể, chính xác đã đóng vai trò là nguồn tài liệu gốc, Nhiều văn bản mộc bản với những nội dung lịch sử, văn hóa, tôn giáo còn lưu trữ được đến ngày nay mà thành nguồn tư liệu quý giá cho chúng ta hôm nay ngược dòng tìm về quá khứ.
Với đặc tính dễ bảo quản, di chuyển, ngay từ thế kỷ XVII mộc bản đã thành phương tiện chính để in sao các tác phẩm văn học viết cũng như các tác phẩm văn học dân gian. Ghi chép về văn hóa xã hội của Thăng Long thế kỷ XVIII cho biết thị trường văn hóa đọc của người Kẻ chợ lúc này xuất hiện khá nhiều các truyện thơ nôm khuyết danh với những chủ đề về tình yêu đôi lứa, các thử thách sóng gió để đi đến hạnh phúc. “Các tác phẩm này đều được các thợ quê Liễu Chàng (Hải Dương) khắc ván in đem bày bán tại các phường Cổ Vũ (Hàng Gai)”[1]. Sự tiện lợi và phổ biến của những tác phẩm văn học được sao in từ mộc bản này đã góp phần tạo nên thị trường các tác phẩm văn học lãng mạng có dịp phô bày những thị hiếu phóng khoáng kiểu “ngoài luồng, phi chính thống” của Thăng Long thế kỉ XVIII mà làm nên một diện mạo văn hóa hết sức đặc sắc của Thăng Long thời gian này. Sự tồn tại của những địa danh làng khắc gỗ Mộc bản như Liễu Chàng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các tác phẩm văn học lãng mạn, có nội dung tiến bộ tránh được sự kiểm duyệt của nhà nước. Cũng từ đây mà nhiều tác phẩm văn học dân gian, văn học viết không theo khuôn thức của giai cấp thống trị có điều kiện được in ấn và phát hành rộng rãi trong nhân dân. Trong điều kiện của đất nước mà văn hóa dân gian lại chính là tiếng nói của quần chúng nhân dân, văn hóa dân gian lưu giữ những hồn thơ dân tộc, lưu giữ những thuần phong mỹ tục với những văn bản nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nhà – làng – nước thì mộc bản chính là phương tiện góp phần hữu hiệu vào công cuộc lưu giữ mạch nguồn dân tộc ấy.
Các mộc bản còn lại đến này hầu hết được khắc chữ Hán và Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư…, chữ khắc đẹp, xứng đáng là những tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ. Đặc điểm này không chỉ cho biết tài năng của các nghệ nhân khắc gỗ xưa phải là những người giỏi chữ Hán, chữ Nôm, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường, bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng và trình độ thẩm mỹ rất cao. Nhiều dấu vết văn tự còn lưu lại trong mộc bản đã cung cấp nhiều thông tin về sự phát triển của ngôn ngữ, văn tự Việt Nam. Mộc bản “ Cổ Châu Phật bản hạnh” (lưu tại chùa Dâu) ngoài những thông tin cho biết về Sĩ Vương với công lao trong việc hưng thịnh Phật Giáo vùng Dâu (Luy Lâu) còn cung cấp những thông tin quý giá về ngôn ngữ người Việt ở giữa thế kỷ XVIII với một số từ ngữ cổ vẫn được lưu hành trong đời sống như kẻ (kẻ Mèn), bấy chừ, bà ả (bà cả)… Điều này cũng cho biết về cơ bản ngôn ngữ đời sống của người Việt thế kỷ XVIII cũng khá giống như ngày nay.
Những tấm mộc bản về các tài liệu văn học, Phật học ngoài các hệ thống văn tự còn là những tiểu tác phẩm hội họa rất độc đáo, không chỉ có tác dụng minh họa cho phần văn tự mà với những kĩ thuật điêu khắc ngược những tác phẩm này cũng đem lại khá nhiều thông tin về quan điểm thẩm mỹ và đặc biệt là nghệ thuật tả chân đương thời. Mặc dù không phải chuyên là những tác phẩm điêu khắc hay hội họa nhưng với những nguyên tắc phóng tác tự do, đảm bảo nguyên tắc hình khối, xa gần… thực sự những họa tiết mô phỏng của Mộc bản đã đem lại rất nhiều cảm xúc thẩm mỹ về hội họa và điêu khắc gỗ.
2. Giá trị văn hóa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm & Bổ Đà
* Giá trị về văn hóa phật giáo
Mộc bản còn lưu tại hai ngôi chùa nổi tiếng là chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà ( Bắc giang) cũng là một kho tư liệu quý giá về Phật giáo ở Việt Nam nói chung và Phật giáo phía Bắc nói riêng. Với nội dung cơ bản là các bản san khắc kinh tịnh độ, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gồm 3.050 bản khắc có niên đại từ thời vua Lê Cảnh Hưng (thế kỷ 18) đến thời vua Thành Thái (triều Nguyễn, thế kỷ 19). Với số lượng mộc bản 2.000 bản, hiện tại mộc bản chùa Bổ Đà còn lưu giữ được khá nhiều kinh sách có liên quan đến các lĩnh vực tư tưởng, triết học với các sách như Phật tâm luận, các sách khoa nghi, cúng tổ như Lễ Phật nghi, Niệm Phật kệ,... cùng như các sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo. Điều đó cho thấy rằng ngay từ xa xưa, chùa Bổ Đà không chỉ là nơi tu hành của các thiền sư, mà còn là một trung tâm đào tạo tăng ni, là nơi biên soạn sách, là nhà in cổ, thư viện cổ, là bảo tàng văn hóa phật giáo truyền thống ở Việt Nam.
Đa số các văn bản san khắc trên mộc bản ở đây đều có nội dung là những bản in kinh Phật, với chức năng truyền tụng những bộ kinh xuất phát từ Ấn Độ, trong đó có những bộ kinh được tuyển chọn với những nội dung tinh túy nhất, dễ hiểu nhất đối với người dân như“Chi Na soạn thuật”. Nhiều tác phẩm kinh bổn khác phản ánh những giới điều của nhà Phật nhưng được diễn đạt bằng Nôm tự dưới dạng thơ lục bát để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ truyền từ người này sang người khác, từ đời trước đến đời sau, như “Quốc âm ngũ giới”, “Quốc âm thập giới”, “Uy nghi quốc âm”, “Uy nghi quốc ngữ”.
Nội dung chính của kho mộc bản ở hai chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà là các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử Việt Nam, như: Trần Nhân Tông, Pháp loa Đồng Kim Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Đăng – Chân Nguyên thiền sư… Với chín đầu sách: Tỳ khâu ni giới kinh (năm Tự Đức 34 – 1881); Giới luật kinh (năm Tự Đức 34 – 1881); Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (năm Tự Đức 37 – 1884); Kính tín lục (năm Tự Đức 39 – 1886); Yên Tử nhật trình (năm Bảo Đại 7 – 1932); Đại thừa chỉ quán (năm Bảo Đại 10 – 1935); Sa di ni giới kinh (năm Tự Đức 34 – 1881); Di Đà kinh; Quan Thế Âm kinh, được chế tác nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, nhưng phần lớn được san khắc trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, phật tử xưa nay.
Nội dung những tác phẩm trong mộc bản này chủ yếu thể hiện tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm: tinh thần tự lực và tùy duyên, nghĩa là khai thác Phật tính chính từ bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí, lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo lẽ/quy luật tự nhiên. Do đó, về tổng thể, nội dung của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, như: triết lí nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, văn hóa phật giáo Việt Nam.
Có thể nói rằng chính văn hóa Phật giáo và trung tâm Phật giáo chùa Bổ Đà đã góp phần hình thành nên kho mộc bản và cũng chính kho mộc bản kinh Phật nơi đây đã góp phần khẳng định vị thế của ngôi chùa trong sự tồn tại đích thực của nó với tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam. Do vậy, khám phá giá trị kho mộc bản chùa Bổ Đà nhìn từ văn hóa Phật giáo sẽ góp phần lý giải về một hiện tượng văn hóa độc đáo của Phật giáo đã tồn tại từ bao đời nay trong đời sống văn hóa tâm linh – văn hóa Phật giáo ở xứ Bắc. Các văn tự trên ván khắc dù thể hiện những giáo lý và tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ nhưng những ván kinh do được khắc ở Việt Nam, bởi những bàn tay của người Việt nên mang dấu ấn Việt khá rõ qua các hoa văn, họa tiết trang trí. Trong nhiều bản kinh còn thể hiện triết lý gắn bó giữa đạo và đời. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán… trên nhiều ván kinh. Như vậy, trên các mộc bản chùa Bổ Đà không chỉ là chữ viết biểu đạt quan điểm, giáo lý Phật học, mà ngay cả các họa tiết cũng đã góp phần biểu đạt quan niệm Phật giáo của người dân Việt Nam. Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, nó góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận thẩm mỹ Phật giáo. Có thể nói, trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn cá nhân, dấu ấn môn phái qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng. Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm được in ra từ kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được bảo lưu, quảng bá trong một thời gian dài và không gian rộng lớn qua hệ thống chùa chiền khắp cả nước. Tư tưởng ấy đã thấm nhuần sâu trong đời sống cộng đồng và lan tỏa ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Hiện nay, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử nhiều nước trên thế giới.
* Giá trị về ngôn ngữ, văn học
Qua những ngôn ngữ, văn tự trên các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, đã góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Đối với ván khắc chùa Vĩnh Nghiêm, đó là loại văn tự của riêng người Việt Nam, được sáng tạo ra từ thế kỷ XI trên cơ sở các ký tự chữ Hán Trung Quốc, ghi âm tiếng Việt. Điều đó không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Những văn tự chữ Nôm này đã được sử dụng rất phổ biến, có hệ thống trong trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các cao tăng trong Thiền phái Trúc Lâm cũng như các trí thức đương thời. Chữ Nôm được dùng để viết các lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, ngắn gọn, dễ hiểu qua lăng kính người Việt Nam nên rất thuận lợi cho việc phổ biến tư tưởng và giáo lý nhà Phật vào dân gian. Từ những giá trị này mà hội Bảo tồn di sản chữ Nôm đã chọn mẫu chữ Nôm từ sách “Thiền tông bản hạnh” trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm để đưa vào làm mẫu tự trong Tự điển. Điều đó khẳng định tính chuẩn mực của mẫu chữ Nôm trong mộc bản cũng như sự tinh tế, tính thẩm mỹ cao của tư duy và văn hóa Việt.
Hệ thống mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, còn có nhiều bản san khắc các tác phẩm có giá trị văn học như: “Thần du Tây phương ký”, “Tây phương mĩ nhân truyện” “ Cổ Châu Phật bản hạnh”, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình – Thiền tông bản hạnh. Riêng tập “Thiền tông bản hạnh” gồm 8 tác phẩm văn học viết theo thể phú hoặc diễn ca, dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền tụng. Thủ pháp “dùng thơ nói Thiền”, thể hiện quan niệm đậm chất triết lý Thiền bằng các hình tượng cụ thể sinh động nên người đọc dễ tiếp nhận. Vì vậy, dù miêu tả “thú lâm tuyền thành đạo”, hay miêu tả cảnh đẹp của sơn lâm, mỹ tự vẫn là sự thể hiện cảnh giới của tâm hồn người đắc đạo, có tác dụng trao truyền cho thế hệ nối tiếp hướng theo tinh thần đề cao, rèn luyện nội lực của Thiền. Các tác phẩm văn học trong mộc bản như sách “Thiền tông bản hạnh” ở chùa Vĩnh Nghiêm, “Cư trần lạc đạo phú” (ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” (bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo của Trần Nhân Tông, “Vịnh Hoa Yên tự phú” (vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của thiền sư Huyền Quang… Đây là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và có sự ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu.
Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn… Với việc khắc in mộc bản với bản chữ nôm hoàn chỉnh thể hiện sự chuyển biến từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt tạo ra). Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kì trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm. Những văn tự chữ Nôm này đã được sử dụng rất phổ biến, có hệ thống trong trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các cao tăng trong Thiền phái Trúc Lâm cũng như các trí thức đương thời. Họ sử dụng chữ Nôm để viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, không phải dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay bằng chữ Phạn, mà nó là tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt. Điều đó không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam.
Hiện nay, trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế, trên thế giới có nhiều người quan tâm học chữ Nôm để nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam, chính chữ Nôm ở bộ mộc bản này là một trong những nguồn tư liệu quý giá để tra cứu, tham khảo hữu ích. Một điều thú vị khác mang ý nghĩa quốc tế là font chữ Nôm trên mã Unicode được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm lấy mẫu từ sách “Thiền tông bản hạnh” là một phần của sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Chữ Nôm được cài đặt trên máy vi tính được phổ biến trên toàn thế giới, cho nên bất cứ ai học tập, nghiên cứu chữ Nôm Việt Nam trên toàn thế giới đều được tiếp cận và sử dụng để tìm hiểu giá trị đặc sắc, phong phú của nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ.
Thơ Nôm của các vị cao tăng Thiền phái Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu đậm đến ngôn ngữ thơ ca Việt Nam. Nhiều người nước ngoài đã học chữ Nôm để nghiên cứu, khai thác kho tàng thơ, văn chữ Nôm Việt Nam và tìm hiểu, giới thiệu rộng rãi văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Văn học thuộc Thiền phái Trúc Lâm mang đậm âm hưởng Thiền sâu sắc, hòa với dòng văn học nhân đạo và yêu nước Việt Nam, mang tư tưởng nhân văn hướng thiện của đạo Phật, đã góp phần làm phong phú kho tàng văn học Thiền tông thế giới mà những tác phẩm được mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm bảo lưu là những đóng góp đáng kể.
* Giá trị thẩm mỹ hội họa và điêu khắc gỗ
Không sơ cứng với các loại hình văn tự viết, các ván khắc mộc bản cũng còn là những tác phẩm có giá trị cao về hội họa và điêu khắc gỗ. Trong đó đặc biệt là các mộc bản khắc in truyện thơ hoặc những răn dạy giữ giới của kinh phật với những hình vẽ minh họa đi kèm. Các mộc bản chạm khắc các phù chú, sớ điệp… thì hình vẽ hội họa lại càng nổi bật với các mô thức chủ yếu như rồng cuộn hổ ngồi, hổ phù, vân mây, cây lá…. Nhiều trang mộc bản được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức họa đồ minh họa, đường nét tài hoa tinh tế, bố cục chặt chẽ hài hòa xứng đáng là tác phẩm đồ họa có giá trị thẩm mỹ cao như những ván khắc hình Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán… Dưới góc độ mỹ học, các nét chữ và các hoa văn Phật giáo được in khắc trong kho mộc bản chùa Bổ Đà đã trở thành những bức họa hết sức cuốn hút, sự lồng kết, phối hình hài hòa, cân đối đã thể hiện khả năng điêu khắc mỹ thuật ở một trình độ nghệ thuật cao, góp phần hình thành một kho mộc bản mang giá trị thẩm mỹ độc đáo ở nước ta.
Đặc biệt bộ “Tây phương mỹ nhân truyện” với những tờ đầu sách của văn bản này phía trên trang trí hình một đóa sen đặt trên lá sen và bốn con rùa (?) ngậm dây ngọc. Hai bên đóa sen một bên là ngọn cây mai, một bên là ngọn cây tùng. Ngọn mai và tùng nối liền với thân của cây mai và cây tùng trong bức cuốn thư ở phía dưới. Bức cuốn thư, chính giữa bên trên là hình đóa sen trong có chữ 淨土經Tịnh Độ kinh (kinh Tịnh Độ). Hai bên là hình cây mai và cây tùng cùng có chim hạc đậu, phía dưới vẽ gốc trúc và bụi hoa cúc, tạo thành bức tranh tứ quý mềm mại, cân đối. Xem xét các cách thức tạo tác hình vẽ của mộc bản in lại trên giấy dó cho thấy thực sự tài năng về hội họa của các thợ khắc ván Liễu Chàng. Hình vẽ không đơn thuần chỉ là những hình minh họa mà thực sự là những bức tranh mang đậm phong cách của nghệ thuật hội họa phật giáo và hội họa dân gian với các đường nét mềm mại, rõ nét và cực kì tinh xảo từ nét vẽ về dáng người, nét mặt đến từng nếp áo, hoa văn trên áo đều cho người xem thấy hết được tài năng điêu khắc trên gỗ của người thợ thủ công đã đạt đến sự tinh xảo về nghệ thuật.
Trong khi các mộc bản triều Nguyễn có nhiều nội dung phong phú như triết học, tư tưởng, văn học…thì đại bộ phận mộc bản lưu giữ ở hai chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ đà đều tập trung in khắc các tích truyện về Phật giáo nên các bích họa trên mộc bản đều phản ánh nội dung các cốt truyện liên quan đến các điển tích phật giáo như sự xuất hiện và cứu khổ cứu nạn của phật bà quan thế âm bồ tát, phật bà nghìn mắt ngìn tay; phật bà cứu khổ cứu nạn… Điểm nổi bật của các hình họa là đường nét rõ ràng, sắc xảo không đứt đoạn mà liền mạch, không khô cứng mà hết sức mềm mại có cốt cách với các hình khối xa gần, sáng tối đều có sự tuân thủ và đạt đến các tiêu chí của nghệ thuật phối cảnh trong hội họa. Phải xem các bản giập mộc bản về những bức tranh phật giáo này trên giấy dó mới thấy hết tài năng của những người nghệ nhân khắc ván in. Mặc dù chưa hề qua các trường lớp đào tạo chính quy nhưng quan sát các cách bố trí, phối cảnh và bố cục hình khối trên nền gỗ vẫn cho ta thấy một trình độ điêu khắc gỗ đạt đến kĩ thuật bậc thầy. Mặt khác, hội họa trên mộc bản không chỉ lưu lại các hình ảnh của xã hội đương thời mà còn cho hậu thế những thông tin về thị hiếu thẩm mỹ của người đương thời về cái đẹp, và tư tưởng nhân văn, những quan điểm về chân thiện mỹ trong đời sống xã hội đương thời được hiển lộ trên ván in Kinh phật.
Ngoài những tác phẩm có nội dung minh họa cho các văn bản, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn thể hiện khá nhiều các chủ đề ngoài tôn giáo như cảnh sinh hoạt của cuộc sống đời thường với đầy đủ mọi vẻ của cuộc sống như có cảnh vật nuôi như trâu, bò, dê, gà, voi… lại có cả cảnh đua thuyền phía dưới, khiêng võng cáng phía trên… thậm chí chi tiết tới từng hình vẽ các vật dụng trong nhà như nồi niêu, thạp, chum cốc chén và chi tiết đến cả áo quần, giầy, mũ và các đồ trang sức. Tất cả đều theo phong cách tả thực, điều này không chỉ giúp cho hậu thế hình dung về cuộc sống đời thường và quan điểm thẩm mỹ của người đương thời mà còn giúp giải mã những vật dụng và các chức năng của nó trong đời sống xã hội.
* Giá trị về tri thức dân gian
Hệ thống mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được chia thành ba loại, mỗi đơn vị mộc bản lại có tiêu chí riêng thống nhất, mỗi trang ván chỉ là một đơn vị độc bản, điều đó cho thấy tính phức tạp, cầu kỳ, độ chính xác và tính nghệ thuật cao được thể hiện trên từng đơn vị điêu khắc. Người thợ khắc gỗ thường chọn loại gỗ thị thớ mịn, ít bị cong vênh để làm vật liệu chế tác. Công việc đòi hỏi người thợ phải rất thành thạo quy luật viết chữ Hán, chữ Nôm với trình độ thẩm mỹ cao, bàn tay tài hoa, đôi mắt tinh tường, bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng. Con chữ được khắc ngược, hầu hết được tận dụng cả hai mặt ván, phần lớn là loại chữ chân dễ đọc, khắc sâu khoảng 1mm đến 1,5mm, kích thước khổ lớn nhất là các loại sớ điệp dài hơn 100cm, rộng 40cm đến 50cm nhưng thông thường là 33cm x 23cm x 2,5cm. Trên các tấm ván khắc, trang đầu hay trang cuối mỗi văn bản đều khắc chú thời gian chế tác, tên người san khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản rất cẩn thận. Bản khắc nào cũng rõ ràng, cân đối, đẹp như những tác phẩm thư pháp.
Một trong những điểm độc đáo của tài liệu mộc bản đó là chất liệu làm ván in. Qua hàng mấy trăm năm nhưng cầm các ván khắc còn lại ngày nay đã cho thấy những tri thức bản địa sâu sắc về kỹ năng sử dụng gỗ để làm ván khắc in mộc bản. Với đặc điểm riêng có là vùng này núi non trùng điệp, cây thị mọc rất nhiều. Gỗ thị nhẹ nhưng dai, dẻo, rất bền, ít khi bị mục nát. Chính vì vậy các vị tổ sư đã dùng gỗ thị để khắc ván kinh. Với đặc tính màu gỗ sáng, thớ mịn, gỗ mềm dễ khắc và không vỡ thớ nên các nét chữ, hay hình vẽ được khắc rất tinh xảo, đảm bảo các độ lượn đường cong chuẩn xác. Vì vậy mà hình họa, cũng như các khối chữ tượng hình được thể hiện thành những sản phẩm rất chuẩn xác và đảm bảo có tính thẩm mỹ cao. Do vậy, đã trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn đều rất bền, đẹp. Điều này đã cho thấy khả năng chọn gỗ, xử lý gỗ, xử lý chữ viết, hoa văn trong khắc ván đã đạt đến trình độ rất cao của nhà chùa cũng như của những người thợ thủ công thực hiện công việc này lúc bấy giờ.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản chùa Bổ Đà còn có những bản khắc chữ “siêu nhỏ” như sách “Phật mẫu Đại tạng kinh Mục lục” kích thước khoảng 20cm x 30cm, nhưng trên đó được khắc 6 mặt khắc, tương đương với 12 trang sách, nét chữ khắc đẹp, tinh xảo. Nhiều bản mộc được các nghệ nhân xưa chế tác hoa văn, san khắc cầu kỳ, khổ lớn chứng tỏ trình độ điêu khắc của các nghệ nhân xưa đạt đến đỉnh cao. Kho mộc bản ở hai chùa còn lại đến hiện nay là một số lượng mộc bản rất lớn. Để chế tác được một kho mộc bản này đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trước hết là yếu tố con người, phải hội tụ được những người tài hoa, trí tuệ, và có trách nhiệm, họ được tổ chức một cách hết sức quy mô, chặt chẽ mới có thể tạo ra được bộ kinh Phật đồ sộ đến vậy; bên cạnh những người có chữ nghĩa tài hoa, có tâm huyết còn phải kể đến những khối lượng tri thức bản địa được trao truyền qua các lớp thế hệ về cách chọn nguyên liệu gỗ khắc ván, kiến thức, kinh nghiêm và trình độ kỹ thuật xử lý mộc bản để đảm bảo tăng cường độ dai, dẻo, bền, ít khi bị mục nát của các tấm gỗ thị tự nhiên.
Thông qua lịch sử dựng chùa, các tài liệu dân gian lưu truyền tại địa phương và đặc biệt các thông tin còn lưu trên mộc bản đã cho biết đội ngũ trực tiếp chế tác mộc bản là những người thợ thủ công thuộc các phường thợ chuyên làm nghề khắc mộc bản ở Liễu Chàng (Hải Dương). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu và trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm tàng trữ.
Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100cm, rộng 40 – 50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20cm, nhưng phần lớn mộc bản bộ Kinh hoa nghiêm (hơn 2800 mảnh) có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm. Vì đã qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dầy, nên các ván đều có mầu đen. Trong điều kiện bảo quản mang tính tự nhiên trước đây, lớp mực bám này có tác dụng chống thấm nước và mối mọt rất hiệu quả. Từ đây cũng cho thấy những tri thức bản địa về kĩ thuật lưu trữ tài liệu trong điều kiện nóng ẩm của Việt Nam của các nhà sản xuất Mộc bản xưa là rất đáng quý để cho chúng ta học tập và kế thừa.
Danh tính của hàng trăm cá nhân, gia đình, dòng họ ở khắp các làng xã, chùa chiền trong vùng hãy còn lưu trên các bản khắc“Danh”, “Phương Danh”, trong các bộ kinh sách. Điều này rất có ý nghĩa khi nghiên cứu đời sống văn hóa tâm linh người Việt, lịch sử địa danh các làng xã, gia phả các dòng họ vùng Kinh Bắc, (tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang), cũng như lịch sử tiền tệ và cách cách thức tổ chức đời sống của cộng đồng làng nghề truyền thống.
Ngoài giá trị lịch sử văn hoá, ngôn ngữ và văn học, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn đúc kết những kinh nghiệm dân gian, tinh hoa về y dược đương thời. Những căn bệnh thường gặp về thời khí hay tai nạn như cảm, sốt, bệnh sởi, bệnh đậu, cấp cứu người đuối nước, giúp sản phụ sinh nở… cùng những bài thuốc nam “cây nhà lá vườn” được ghi lại. Cách thức chữa bệnh và các phương thuốc dân gian dễ kiếm được lưu lại rất có giá trị cả về thực tiễn và khoa học trong việc phục vụ sức khỏe và đời sống nhân sinh. Sách “Kính tín lục” có trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ghi chép các phương thuốc cấp cứu, chữa bệnh (An thai thôi sinh phương; Thiên Trúc cốt dược; Phụ cấp cứu phương…) là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian đã được khảo nghiệm những tinh túy về y dược thời bấy giờ. Mộc bản các sách trên là cơ sở để truyền bá, phổ biến kinh nghiệm, vừa thể hiện lòng nhân ái của đạo Phật, qua đó nâng cao vị thế, trách nhiệm của nhà sư (theo Phật phái Trúc Lâm). Đồng thời, sách in từ mộc bản được phổ biến rộng rãi cũng là biện pháp để hoằng dương Phật pháp (hỗ trợ dân, làm dân thêm tôn quý, khiến dân tin theo). Đó là hình thức nhập thế trực tiếp vào dân gian theo chủ trương của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, các phương thuốc này vẫn được phổ biến rộng rãi ở nhiều chùa chiền, thiền viện, các vùng quê góp phần cứu nhân độ thế đến nay vẫn được nhiều người ứng dụng.
KẾT LUẬN
Như vậy, với mục đích ban đầu của di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà là muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Tuy nhiên, sự hình thành và xuất hiện của di sản mộc bản của hai ngôi chùa danh tiếng đã vượt xa mục đích ban đầu. Nó có tầm vóc to lớn hơn và mang giá trị tổng hợp. Các ván khắc kinh Phật ở chùa Bổ Đà trên thực tế đã trở thành một di vật tôn vinh sự hưng thịnh của Phật giáo, nó vừa mang giá trị tôn giáo, lại vừa mang các giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị lịch sử, giá trị văn chương hết sức đặc sắc. Những giá trị ấy vừa có hình thù, hoa văn, họa tiết, ván khắc, chữ viết để chúng ta có thể chiêm ngưỡng được một cách trực diện bằng thị giác, lại có thể in ấn, sao chép ra thành nhiều bản. Nó vừa là di vật hữu hình nhưng những nội dung mà mộc bản lưu trữ lại làm nên những giá trị văn hóa vô hình và khó có thể lượng hóa được.
_________
[1] Phạm tất Dong ( 2010) những phẩm chất, nhân cách đặc trưng của người Thăng long – HN, Nxb HN, tr 64.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viện nghiên cứu tôn giáo (2015) kỷ yếu hội thảo giá trị các mặt của di sản mộc bản chùa vĩnh nghiêm và chùa bổ đà tỉnh Bắc Giang.
2. Viện nghiên cứu tôn giáo (2015) báo cáo tổng thuật tình hình tư liệu mộc bản ở hai chùa Vĩnh nghiêm và Bổ đà (Bắc Giang).
3. Nguyễn Văn Quý (2016) khảo cứu kinh tịnh độ trong kho mộc bản chùa vĩnh Nghiêm và chùa Bổ đà , tỉnh Bắc Giang. Đề tài cấp viện, Viện NCTG.
4. Phạm Tất Dong (cb.2010) những phẩm chất, nhân cách đặc trưng của người Thăng Long – Hà Nội. Nxb HN.
Nguồn: Bài đã đăng trên tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 2/ 2017
GIỚI THIỆU TS. NGUYỄN NGỌC MAI |
Tiến sỹ: Nguyễn Ngọc Mai. Ngày sinh: 30/3/1970 Học vị: Tiến sĩ Năm phong học hàm: 2010 Chức vụ hành chính: Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống. |
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)