Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc
ÉDUCATION SOUS LA COLONIE FRANÇAISE DANS LES PROVINCES MONTAGNEUSES AU NORD DU VIETNAM
Tác giả bài viết: TỐNG THANH BÌNH1
ĐOÀN THỊ YẾN2 – NGUYỄN MINH TUẤN3
TÓM TẮT
Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã áp dụng một số chính sách về giáo dục cho các tỉnh miền núi nhằm phục vụ công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa. Tại các tỉnh miền núi Bắc Kỳ, giáo dục đã thay đổi và tác động phần nào tới kinh tế, xã hội song cũng tồn tại nhiều hạn chế. Bài viết đề cập đến thực trạng giáo dục ở một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Từ đó đánh giá về nền giáo dục của khu vực này cách đây một thế kỉ.
Từ khóa: Giáo dục Pháp-Việt, Pháp thuộc, miền núi phía Bắc Việt Nam.
RÉSUMÉ
Durant sa colonie au Vietnam, la France a mis en place quelques politiques éducatives dans les provinces montagneuses afin de former du personnel au service de sa domination et son exploitation. Dans les provinces montagneuses du Tonkin, l’éducation a contribué à changer leur visage économique et social. Pourtant, à côté des bienfaisants, il existait aussi de nombreuses limites. Cet article dresse ainsi un état de lieux de l’éducation dans certaines provinces du Nord-Est et du Nord-Ouest du Vietnam sous le protectorat français et en déduit ensuite des évaluations sur l’éducation dans cette région il y a un siècle.
Mots-clés: Éducation franco-annamite, colonie française, régions montagneuses au Nord du Vietnam.
x
x x
1. Vài nét về giáo dục ở Bắc Kỳ thời Pháp thuộc
Ngay sau khi cơ bản làm chủ Việt Nam, ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục cho người bản xứ nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, ngày 12/3/1885, chính quyền thực dân đã ban hành Nghị định mở trường tiểu học ở các tỉnh Bắc Kỳ dành cho người Việt. Nội dung học ở các trường này bao gồm: tiếng Pháp, đọc, viết, làm toán và một số môn về lịch sử, địa lý, ứng dụng khoa học. Tuy nhiên, chỉ có Hà Nội và Lạng Sơn là hai địa phương mở được trường (Hoa, 2012).
Trong những năm 1886-1906, việc mở trường học được chú trọng hơn. Đây là thời gian chính quyền thuộc địa tính toán đến việc áp đặt một nền giáo dục kiểu mới ở xứ thuộc địa. Với chủ trương xây dựng trường công của Toàn quyền Đông Dương- Paul Bert, các trường học công được mở chủ yếu phục vụ cho đối tượng là con em quan chức người Pháp, quan lại người Việt, gia đình giàu có ở các thành phố lớn. Ngoài ra, một số trường đào tạo phiên dịch cho các cánh quân Pháp ở vùng núi phía Bắc – vùng thượng lưu sông Đà, cũng được mở ra. Để thực hiện kế hoạch đào tạo phiên dịch, chính quyền Pháp đã ra nghị định quy định nhân sự cho bậc học Tiểu học ở Bắc Kỳ, bao gồm giáo viên người Việt và người Pháp. Theo đó, năm 1886, Viện Hàn lâm Bắc Kỳ được thành lập nhằm thu thập, nghiên cứu và giới thiệu những di sản văn hóa ở Bắc Kỳ. Đồng thời, chương trình tóm lược của trường Pháp-Việt cũngđược xây dựng với mục tiêu phổ biến tiếng Pháp, kiến thức về khoa học phương Tây, về phong tục, tạo mối quan hệ giữa người Pháp và người Việt. Việc mở trường dạy nghề cũng được chính quyền Pháp tính đến. Trong thời gian này, trường thông ngôn Yên Phụ là một trong những trường đào tạo phiên dịch cho quân đội với điều kiện thi khá nghiêm ngặt, bài bản. Đối với các tỉnh xa khu vực trung tâm như Lạng Sơn, Móng Cái, Lào Cai, Yên Bái, các trường học, khóa học dạy tiếng Pháp cũng được mở ra vớ isố lượng không quá 40 người mỗi trường. Bên cạnh hệ thống trường công, trường thông ngôn, các trường tư vẫn hoạt động như thường lệ, dạy các môn văn hóa sử dụng chữ Nho, chữ Quốc ngữ và dạy tiếng Pháp.
Từ năm 1896, Paul Doumer tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Để đáp ứng nhu cầu phiên dịch cho quân đội và nhu cầu nhân công phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, chính quyền Pháp tiến hành điều chỉnh Trường Thông ngôn đạt yêu cầu về tiếng Pháp, tiếng Hán. Theo đó, năm 1897, Trường Hậu bổ được thành lập để đào tạo, bồi dưỡng quan lại người Việt biết chữ Quốc ngữ, chữ Pháp.
Trải qua một quá trình thử nghiệm về nội dung, hình thức dạy học, năm 1906 nền giáo dục Pháp-Việt chính thức được xác lập với sự kiện Nha Học chính Đông Dương được thành lập và Quy chế giáo dục được ban hành. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tồn tại, chính quyền bảo hộ luôn tỏ ra bị động trong việc duy trì và phát triển nền giáo dục. Biểu hiện là, trong khoảng thời gian từ 1906 đến thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế (1929), Pháp đã tiến hành nhiều lần cải cáchsong nền giáo dục vẫn tồn tại nhiều bất cập và bộc lộ những hạn chế.
Những thay đổi trong mỗi lần cải cách xoay quanh vấn đề: nội dung, hình thức đào tạo, thi cử. Trong lần cải cách giáo dục lần thứ nhất do Paul Beau đề xuất năm 1904, nền giáo dục Việt Nam có 3 bộ phận là giáo dục Bản xứ (Enseignement Indigène), giáo dục Pháp-Việt (Enseignement Français – Indigène), giáo dục Pháp (Enseignement Français). Cải cách lần hai được cụ thể hóa qua Bộ Học chính Tổng quy (1917) do Albelt Sarraut ký, sự thay đổi lớn nhất của cuộc cải cách này là việc xóa bỏ hẳn nền giáo dục Nho học, thay vào đó là sự tồn tại của hai loại trường: trường Pháp và trường Pháp – Bản xứ (ở Việt Nam gọi là trường Pháp-Việt). Mục tiêu cải cách lần hai là Pháp hóa toàn bộ nền giáo dục, Pháp hóa giới trí thức bản địa. Kết quả cải cách lần hai không như mong đợi, trong những năm 1924-1930, giáo dục Pháp-Việt tiếp tục có những điều chỉnh. Đáng chú ý là chủ trương phát triển giáo dục theo chiều ngang của Merlin (1924), chuyển trọng tâm sang bậc tiểu học, mở rộng giáo dục làng xã. Tiếp đó là cải cách của Varenne (1926) với loại hình trường công kiểu mới được tổ chức là trường Sơ học hương thôn. Thay đổi này đã đưa đến số lượng của loại hình trường học này tăng đột biến, gấp 10 lần trong vòng 3 năm từ khi ban hành Nghị định mở trường tiểu học ở các tỉnh Bắc Kỳ dành cho người Việt. Tuy nhiên, về cơ bản, những cuộc cải cách mới chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt chứ chưa tập trung vào những yếu điểm của nền giáo dục, vậy nên cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỉ XX, giáo dục Pháp-Việt càng lâm vào khủng hoảng.
Những năm 1930-1945, giáo dục có những sửa đổi nhưng không nhiều, bậc tiểu học được thể chế hóa giao cho triều đình Huế quản lí, bậc trung học được bổ sung chương trình do Nha Học chính Đông Dương quản lí, bậc đại học mở rộng và củng cố (Hoa, 2012). Về cơ bản, nền giáo dục Việt Nam đã hoàn chỉnh hơn trước. Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế giới 1929-1933, tình hình giáo dục ở Bắc Kỳ ít nhiều bị ảnh hưởng: số người đi học giảm sút, số giáo viên thất nghiệp tăng. Thêm vào đó, phong trào cách mạng những năm 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, đã khiến chính quyền thực dân thắt chặt quản lý trường học khiến số lượng học sinh học lên bậc cao ngày càng ít đi, trong khi chương trình học kéo dài 13 năm (3 năm sơ học, 3 năm tiểu học, 4 năm cao đẳng, 3 năm trung học) và các kỳ thi đã vắt kiệt sức lực nhiều người (Hoa, 2012). Nhìn chung, nền giáo dục Pháp-Việt những năm 1930-1945 chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đa phần người dân Bắc Kỳ “thất học”.
Theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương và Xử ủy Bắc Kỳ, tháng 5/1938, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ ra đời đã giải quyết phần nào tình trạng mù chữ trong nhân dân. Những năm 1940-1945, mặc dù thất bại trong chiến tranh thế giới lần hai nhưng Pháp vẫn tìm cách can thiệp vào nền giáo dục Việt Nam để khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên do những toan tính chính trị nên nhà cầm quyền Pháp chỉ đầu tư đào tạo trình độ cao đẳng cho một số ít tầng lớp trí thức thượng lưu giỏi tiếng Pháp có trình độ chuyên môn cao để có thể phụng sự cho Pháp, còn lại đại bộ phận người dân ở các vùng nông thôn không được quan tâm đào tạo. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ trước năm 1945.
2. Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc thời Pháp thuộc
Thời Pháp thuộc, vùng miền núi ở Việt Nam bao gồm các địa phương: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Ninh, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái. Do sự chia cắt địa hình và các yếu tố lịch sử, văn hóa nên vùng núi phía Bắc Việt Nam được chia thành 2 khu vực: Đông Bắc và Tây Bắc. Trong đó, khu vực miền núi Đông Bắc gồm chủ yếu là núi trung bình và núi thấp, còn Tây Bắc là khu vực cao nhất và có địa hình hiểm trở bậc nhất với nhiều khối núi và dãy núi cao, giữa các dãy núi là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà. Sự khác biệt về địa hình đã dẫn đến tình trạng kết nối giữa khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh thành không đồng bộ. Nếu như các tỉnh miền núi Đông Bắc có những thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng do có hệ thống đường sắt nối từ Hà Nội tới các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn thì miền núi Tây Bắc không có được lợi thế đó. Suốt hơn nửa thế kỉ người Pháp cai trị, kinh tế, xã hội các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu chuyển biến chậm chạp. Qua trường hợp của Sơn La cho thấy, hệ thống giao thông đường sắt không được đầu tư, giao thông đường bộ được xây dựng muộn. Tuyến đường 41 (nay là Quốc lộ 6) mặc dù được thi công từ cuối thế kỉ XIX nhưng cơ bản được hoàn thành vào năm 1933 với hơn 200 km đường rải đá. Giao thông đường thủy hoạt động không ổn định, có lúcngừng trệ từ 3 đến 5 tháng vì mưa lũ. Sự giao lưu, tiếp xúc giữa người miền xuôi với miền núi rất ít diễn ra do sự khác biệt văn hóa và tâm lí ngại di chuyển tới sinh sống và làm việc ở vùng “rừng thiêng nước độc”. Theo thống kê của Pháp, mật độ dân số của các vùng lân cận tỉnh Sơn La thời điểm đó là từ 0-4 người/km2 và riêng châu Sơn La là 4 đến 10 người/km2 (Direction générale de l’instruction publique, 1931). Theo số liệu năm 1943, cơ cấu dân số phân theo các nhóm dân tộc ở Sơn La như sau: dân tộc Kinh chiếm 0,84%, các dân tộc ít người chiếm 99,14%, người Pháp chiếm 0,02% (Tổng cục thống kê Việt Nam, 2004). Trong khi đó, người Kinh và người Pháp ở khu vực Đông Bắc có tỉ lệ cao hơn. Ở Tây Bắc, dân cư chủ yếu là dân tộc Thái, ngoài ra còncó tộc người Kinh, Mông, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Tày, Hoa, Lào, Dao, Mường… Đa số các dân tộc đang ở tình trạng kém phát triển, kinh tế nghèo nàn, việc học tập chỉ dành cho những gia đình có điều kiện. Cuối thế kỉ XIX, miền núi phía Bắc vẫn là một vùng đất lạc hậu, cách biệt miền xuôi. Kinh tế chậm phát triển, trình độ nhận thức của người dân thấp kém, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Cuối thế kỉ XIX, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị đặt dưới chế độ đạo quan binh[4], chịu sự quản lý của những sĩ quan quân đội. Để thực hiện được các ý đồ chính trị ở khu vực này, chính quyền Pháp đề xuất việc tổ chức các trường học cho người dân tộc thiểu số. Mục đích của việc mở trường này nhằm truyền bá chữ viết của người Pháp và chữ Quốc ngữ, giúp người dân tộc thiểu số có thể theo học ở các trường miền xuôi. Đồng thời, những người được học chương trình này sẽ trở thành những phiên dịch cho quân Pháp đồn trú. Lực lượng giảng dạy tại các lớp học chính là đội ngũ các hạ sĩ quan quân đội người Pháp có sự hỗ trợ của các thông ngôn người địa phương. Chương trình học khá đơn giản, chủ yếu dạy chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, một số kiến thức về khoa học thường thức, vệ sinh và toán sơ đẳng.
Trong thời gian bình định các tỉnh miền núi, chính quyền Pháp mở được một số lớp học quy mô nhỏ ở các tỉnh như Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai.
Bảng 1. Hệ thống trường học các tỉnh miền núi Bắc Kỳ cuối thế kỉ XIX
Năm | Địa phương | Trường Pháp-Việt | Thầy giáo | Học sinh | Trường chữ Hán | Học sinh |
1897 | Hà Giang | 1 | 2 | 10 | 1 | 8 |
1899 | Yên Bái | 2 | 2 | 50 | ||
Ngòi Hóp | 1 | 1 | 8 | |||
1899 | Lào Cai | 1 | 1 | 38 | ||
Cốc Lếu | 1 | |||||
Bảo Hà | 1 | |||||
Dương Quy | 1 | 1 | 30 | 1 | ||
Lạng Sơn | 1 | |||||
Cao Bằng | 1 |
Điều dễ nhận thấy ở các trường này là sự không quy củ, tùy theo điều kiện từng địa phương để lựa chọn nội dung giảng dạy, trường chưa có quy chế và hoạt động theo khả năng của các hạ sĩ quan và các thông ngôn. Trong giai đoạn đầu, việc dạy chữ Quốc ngữ và một chút tiếng Pháp là nội dung ưu tiên hàng đầu, các nội dung còn lại của chương trình học được giản lược. Song song với trường do các sĩ quan quân đội mở là các trường dạy chữ Hán truyền thống có từ trước, tuy nhiên, các trường này chủ yếu có ở các khu vực trung tâm của một số tỉnh trung du, vùng thấp. Cuối thế kỉ XIX, các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Lai Châu hầu như không có cả trường chữ Hán và trường Pháp-Việt. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận ở các trường do người Pháp mở là sự du nhập một số yếu tố tiến bộ của nền giáo dục mới như có thời gian biểu học 5 ngày trong tuần, học sinh được học các môn khoa học, trải nghiệm thực tế ngoài giờ học…
Tháng 6/1905, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định giải tán các đạo quan binh ở các tỉnh miền núi. Theo đó, trường học của các tỉnh đã có trước đây được chuyển giao cho các tỉnh dưới sự chỉ đạo của Nha Học chính Đông Dương và dạy theo chương trình của các tỉnh miền xuôi.
Trong khoảng thời gian từ 1905 đến trước năm 1927, giáo dục các tỉnh miền núi chuyển biến chậm chạp. Giáo dục các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu chưa thực sự được đầu tư. “Năm 1908, các trường tiểu học đã được thành lập ở nhiều tỉnh lị, trừ các tỉnh Vĩnh Yên, Yên Bái, Thái Nguyên, Chợ Bờ, Sơn La” (Hoa, 2012). Ở Hòa Bình “cho đến những năm 30 của thế kỉ XX, thực dân Pháp mới mở 6 lớp sơ đẳng tiểu học tại Vụ Bản, Kim Bôi, Lương Sơn, Cao Phong và Suối Rút. Mỗi lớp có 30 học sinh, được dạy đến trình độ biết đọc, biết viết, biết làm tính, tức trình độ thóat nạn mù chữ… Trung bình có 3 học sinh trên 1.000 dân” (Tỉnh ủy&HĐND & UBND tỉnh Hòa Bình, 2005). Trong khi đó, hệ thống trường lớp ở một số tỉnh Đông Bắc vẫn được mở mới và duy trì hoạt động. Lạng Sơn là một trong số những tỉnh được chính quyền Pháp chú trọng giáo dục hơn cả so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến năm 1900, Lạng Sơn đã có 3 trường với 137 học sinh, Cao Bằng 1 trường, Hưng Hóa 2 trường, Hà Giang 1 trường (Báu, 2002).
Số lượng trường và số học sinh của tỉnh Lạng Sơn không thua kém so với một số tỉnh thành vùng đồng bằng. Tất nhiên, về chất lượng chưa thể khẳng định ngang bằng các tỉnh miền xuôi.
Trước thực trạng trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại ba hình thức giáo dục khác nhau, khiến công cuộc cai trị, khai thác thuộc địa gặp nhiều khó khăn, năm 1906, một nghị định công bố nội dung cải cách giáo dục đã ra đời. “Đây được coi là cải cách giáo dục PhápViệt lần thứ nhất với mục tiêu chuyển giáo dục truyền thống thành giáo dục kiểu mới… chủ trương tập trung hóa và thống nhất nền giáo dục với những chương trình học giống nhau trong toàn xứ” (Hoa, 2012). Tuy nhiên, cuộc cải cách lần một vẫn chưa làm thỏa mãn chính quyền bảo hộ và người học, năm 1917 chính quyền lại cải cách giáo dục lần thứ hai, xóa bỏ hẳn nền giáo dục phong kiến, chỉ còn lại nền giáo dục do người Pháp điều hành với các cấp: sơ học, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học và dạy nghề.
Sau cải cách năm 1917, giáo dục ở các tỉnh miền núi có sự chuyển biến rõ rệt hơn. Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… là những tỉnh miền núi có số học sinh nổi trội. Ở Lạng Sơn, những năm 1925-1926, phong trào học tập khá phát triển, huyện Thất Khê có 6 trường gồm: Bản Piêng, Minh Đạo, Bản Né, Bản Trại, Bản A và bản Chi Ma), huyện Bắc Sơn có 5 trường, ngoài ra một số huyện khác mỗi huyện có ít nhất 1 trường. Đến năm 1930, tỉnh Lạng Sơn có đến 56 trường công với gần 3.000 học sinh thuộc các dân tộc khác nhau (Báu, 2002). Thái Nguyên cũng là tỉnh miền núi có số học sinh nổi trội với 1.293 học sinh (năm 1930). Năm 1932, toàn bộ viên chức ngành Giáo dục Thái Nguyên có 37 người, trong đó có 1 Giáo thụ làm nhiệm vụ thanh tra các trường học, 36 giáo viên và trợ giáo (33 năm và 3 nữ). Thời gian này, toàn tỉnh có 2 trường học toàn cấp là Trường Kiêm bị con trai và Trường Kiêm bị con gái (trường gọi tắt là Trường Con trai và Trường Con gái) tại tỉnh lị Thái Nguyên. Cùng với đó là 1 lớp Nội trú – Chi nhánh của Trường Kiêm bị con trai tại Chợ Chu (huyện Định Hóa); 18 trường sơ học; 22 trường hàng tổng; 1 trường tư thục ở tỉnh lị và một số lớp đồng ấu mở tại các tổng, làng xã. Năm 1932, toàn tỉnh Thái Nguyên có 1.435 học sinh, chiếm khoảng 1% dân số tỉnh (Tỉnh ủy & HĐND & UBND Tỉnh Thái Nguyên, 2005). Năm 1938, chính quyền Pháp mở thêm 2 trường sơ học không toàn cấp (Trường Sơ đẳng tiểu học, tiếng Pháp gọi là Ecole Primaire Elémentaire ở phủ Phú Bình: 1 trường ở khu vực núi Tòa (nay thuộc xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) gồm 3 lớp: Lớp Đồng ấu (lớp 5), lớp Dự bị (lớp Tư), lớp Sơ đẳng (lớp Ba) và một trường tại xóm Chùa, xã Hà Châu gồm 2 lớp: Lớp Đồng ấu (lớp 5), lớp Dự bị (lớp Tư). Mỗi lớp của 2 trường có từ 7 đến 15 học sinh. Đa số học sinh của các trường đều là con em nhà quan lại, địa chủ và những gia đình giàu có.
Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, hệ thống trường lớp có sự chuyển biến nhưng còn khiêm tốn. Ở Sơn La, năm 1923, số học sinh hệ tiểu học Pháp-Việt là 550 học sinh, trong đó số lượng từng lớp như sau: lớp đồng ấu: 336, lớp dự bị:137, lớp sơ đẳng: 27, lớp trung đẳng 13, lớp cao đẳng: 7 (Bình, 2017). Con số này cho thấy, càng học lên cao thì tỉ lệ học sinh càng giảm. Theo số liệu trong cuốn La Pénétration scolaire dans le minorités ethniques, tổng số học sinh của tỉnh Sơn La năm 1930 là 480 (Direction générale de l’instruction publique, 1931). Số lượng này không phải là cao nếu so sánh với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, nhưng lại là tỉnh có số lượng học sinh cao hơn so với các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai (bảng 2). Năm 1935-1936, tổng số học sinh cả tỉnh Sơn La là 485 (Bình, 2017), với số dân 103.000 người theo số liệu thống kê năm 1936 (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2004), tỉ lệ người được đi học chỉ chiếm khoảng 0,5%, còn lại 99,5% dân số mù chữ.
Bảng 2. Số học sinh các dân tộc thiểu số miền núi Bắc Kỳ
Tỉnh | Kinh | Thổ/ Thái | Mường | Mán | Mèo (Mông) | Lô Lô | Nùng | Hoa | Dân tộc khác | Tổng |
Bắc Kạn | 232 | 924 | – | 12 | 29 | 51 | 3 | 1.251 | ||
Cao Bằng | 689 | 2.014 | – | 7 | – | – | 359 | 174 | 75 | 3.318 |
Hà Giang | 55 | 71 | – | 2 | 2 | – | 7 | 10 | – | 147 |
Hải Ninh | 586 | 35 | – | 3 | – | – | 165 | 17 | 3 | 809 |
Hòa Bình | 136 | 3 | 115 | – | – | – | 1 | – | 255 | |
Lai Châu | 14 | 59 | – | – | – | 1 | – | 14 | 1 | 89 |
Lạng Sơn | 591 | 1.797 | – | 1 | – | – | 428 | 69 | 9 | 2.895 |
Lào Cai | 157 | 109 | – | 6 | 7 | – | 56 | 39 | 29 | 403 |
Sơn La | 8 | 364 | 75 | 4 | 3 | – | – | 26 | – | 480 |
Tuyên Quang | 443 | 50 | – | 1 | – | – | 18 | 25 | – | 537 |
Thái Nguyên | 1.047 | 175 | – | 1 | – | – | 23 | 47 | – | 1.293 |
Yên Bái | 614 | 689 | 21 | 3 | – | – | 25 | 26 | – | 1.378 |
Tổng | 4572 | 6290 | 211 | 40 | 12 | 1 | 1110 | 499 | 120 | 12.855 |
(Direction générale de l’instruction publique, 1931)
Điểm đặc biệt cần thừa nhận là, trong số các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, có thể nói Lạng Sơn là tỉnh duy nhất có Trường Cao đẳng Tiểu học cho 63 học sinh các dân tộc: Tày, Nùng, Việt học theo chương trình cao đẳng tiểu học như các tỉnh vùng đồng bằng. Còn lại, hầu hết các tỉnh miền núi, học sinh chỉ học hết bậc Sơ đẳng Tiểu học, sau đó thi lấy bằng Sơ học yếu lược và tiếp tục về các tỉnh trung tâm học tiếp bậc Cao đẳng Tiểu học. Một khó khăn nữa cho học sinh miền núi, sau khi học xong và lấy bằng Sơ học yếu lược, họ phải học chương trình giống như đồng bằng, dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp, tiếng địa phương chỉ được dạy rất ít, tiếng Việt chỉ dạy 1 giờ/1 tuần ở lớp nhất của bậc Cao đẳng Tiểu học. Đây là một trong những rào cản khiến càng bậc học cao hơn, tỉ lệ học sinh miền núi càng giảm.
Về chương trình học, ở bậc tiểu học có các môn: Tiếng Pháp, Tiếng Việt, Toán, Địa lí, Lịch sử, Cách trí, Luân lí, Vệ sinh, Thủ công, Thể dục… Trong đó, môn Tiếng Pháp và Tiếng Việt gồm tập đọc, tập viết, chính tả, làm văn, học thuộc lòng; môn Toán gồm cộng, trừ, nhân, chia, phép đo lường. Sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường là sách ban hành thống nhất trong cả nước được biên soạn từ năm 1925, được Học chính Bắc Kỳ và cơ quan chức năng ở địa phương kiểm duyệt trước khi đưa vào giảng dạy.
Điểm đáng nói trong chương trình dạy học của các trường ở Sơn La đó là việc chữ Thái không được dùng như một ngôn ngữ chính như việc dùng chữ Tày trong một số trường ở Lạng Sơn. Dù Pháp có chủ trương dùng ngôn ngữ của dân tộc đông nhất địa phương làm ngôn ngữ giảng dạy nhưng điều này không diễn ra ở Sơn La. Đây là một trong những lí do khiến chữ Thái bị mai một, điều này cũng được một số nhà chức trách của Pháp lên tiếng. Hầu hết người dân tộc tại Sơn La thời điểm đó không biết tiếng Kinh và chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp mới dừng ở mức sơ đẳng, nên việc học chương trình như miền xuôi đối với họ là một khó khăn lớn. Nhất là việc học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học phải dùng tiếng Pháp như một ngôn ngữ chính trong bậc học cao hơn là một trở ngại. Vì thế, ở Sơn La không có bậc cao đẳng tiểu học như ở Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi.
Về kỉ luật trường học, được thực hiện rất khoa học và nghiêm ngặt. Học sinh đi học phải mặc đồng phục đúng quy định, mang đồ dùng học tập, trước khi tới lớp phải chuẩn bị bài ở nhà, nếu vi phạm sẽ bị kỉ luật với nhiều mức độ khác nhau. Giờ học được quy định học cả tuần trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ, thứ năm học 1 buổi sáng, chiều là giờ thực hành hoặc đi thực tế. Buổi sáng học từ 6 đến 11 giờ, chiều từ 1 giờ đến 6 giờ. Hằng tuần, lịch chào cờ vào thứ 2, học sinh nào vi phạm kỉ luật sẽ bị đứng ngoài hàng (Bình, 2017).
Về việc học và sinh hoạt tại trường: nhìn chung, do điều kiện địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên hầu như các tỉnh miền núi đều có trường Nội trú cho học sinh, chỉ có Lạng Sơn là tỉnh không có trường nội trú. Điều này cũng dễ hiểu do hệ thống trường huyện, tỉnh phân bố khá đều, học sinh thuận lợi trong việc đi lại, học tập.
Về thi cử, sau khi học xong chương trình ở cấp sơ đẳng và tiểu học, học sinh phải thi với trình độ tương ứng. Để có bằng Tiểu học Pháp-Việt, các thí sinh ở các châu sẽ tập trung về tỉnh lị tham gia thi. Các môn thi gồm: thi nói và thi viết, trong đó, thi viết có các môn: chính tả, tập làm văn, toán, chữ viết, vẽ hoặc khâu, thi nói gồm: đọc, hiểu biết, địa lí, lịch sử, dịch.
3. Nhận xét về nền giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc
Tích cực: Ý thức tầm quan trọng của giáo dục, chính quyền thực dân càng về sau càng quan tâm tới lĩnh vực này nhằm phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa của mình. Sau 2 lần cải cách, giáo dục cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng đã có những chuyển biến nhất định, làm thay đổi diện mạo nền giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh nền giáo dục Nho học đã trở nên lỗi thời, sự du nhập nền giáo dục mới, giáo dục Pháp-Việt vào nước ta đã đưa đến những thay đổi mới cho nền giáo dục miền núi Bắc Kỳ – vốn là những “vùng trũng” về giáo dục. Nếu trước đây, khu vực này rất ít trường lớp, thậm chí một số tỉnh Tây Bắc chưa có trường dạy chữ Hán, thì sau khi người Pháp đến, họ đã mở các lớp học dạy người dân địa phương để đạt được mục đích của mình.
Yếu tố mới của nền giáo dục Pháp-Việt chính là chương trình học gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ngoài môn học chính như tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, Toán, các môn khoa học còn nhiều môn bổ trợ thực sự có ích cho học sinh miền núi vốn xa lạ với những vấn đề gắn với thực tiễn, cung cấp một nguồn nhân lực cần thiết phục vụ các công việc văn phòng và một số lĩnh vực khác cho thực dân Pháp. Không những vậy, đây là lần đầu tiên học sinh nữ là con em gia đình khá giả ở các tỉnh miền núi được đi học, một số nơi còn mở các trường dạy nghề. Sự kết hợp nền giáo dục Nho học và Tây học đã góp phần hình thành tầng lớp trí thức Tây học có tư duy tiến bộ, tác phong nhanh nhẹn, biết thích ứng thời cuộc, họ là những người có ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng như tham gia vào sự phát triển văn hóa của địa phương. Việc thực hiện nghiêm túc kỉ luật trong trường học đã tạo ý thức tổ chức và làm việc khoa học cho học sinh, thay vì không được đến trường, họ sinh hoạt nề nếp và có tác phong hơn. Vốn có tình yêu quê hương đất nước, lại được trang bị những kiến thức dân chủ, tiến bộ của phương Tây, họ trở thành hạt nhân trong phong trào đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Hạn chế: Bản chất của nền giáo dục thực dân không thể tránh khỏi những yếu tố tiêu cực. Chính quyền Pháp trước khi du nhập nền giáo dục hiện đại theo mô hình phương Tây đã có những tính toán, lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của một nước thuộc địa với tinh thần nền giáo dục ấy “không có hại” cho chính quốc. Căn cứ vào nội dung chương trình, cách tổ chức dạy học, có thể thấy nền giáo dục miền núi Bắc Kỳ vẫn là một nền giáo dục mất cân đối, phiến diện, thiên về tuyên truyền “sứ mệnh khai hóa” và phục vụ “chính quốc” hơn là phát triển vì mục đích nhân văn nâng cao dân trí. Vì thế, tỉ lệ người dân miền núi được đi học rất hạn chế, có những nơi hơn 99% dân số mù chữ.
Những tỉnh có tỉ lệ học sinh được đến trường nổi trội như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn cũng chỉ chiếm khoảng 1% dân số.
Có thể nói, mặc dù có những chuyển biến nhất định trong giáo dục nhưng những thay đổi đó không đáng kể và chưa ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội của tỉnh miền núi phía Bắc thời Pháp thuộc. Kinh tế vẫn là nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, tự cung tự cấp; xã hội các địa phương vẫn trì trệ, lạc hậu so với miền xuôi. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, những học sinh được đào tạo từ nền giáo dục hiện đại khi được giác ngộ về lý tưởng Cộng sản, họ đã trở thành hạt nhân trong các phong trào cách mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báu, P.T. (2002). Vài nét về giáo dục tỉnh Lạng Sơn thời Pháp thuộc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 4, 36-40.
2. Báu, P.T. (2005). “Giáo dục vùng dân tộc ít người ở Việt Nam thời Pháp thuộc”, Tạp
chí Nghiên cứu Lịch sử, 7, 24-32.
3. Báu, P.T. (2006). Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Hà Nội, Nxb Giáo dục.
4. Bình, T.T. (2017). Giáo dục ở tỉnh Sơn La thời Pháp thuộc (1895-1945), Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP Hồ Chí Minh, số 14(1), 119-128.
5. Direction générale de l’instruction publique (1931). La Pénétration scolaire dans les minorités ethniques, Ha Noi: Impr d’extrême-orient.
6. Hoa, T.T.P. (2012). Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kì (1884-1945), Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
7. Tỉnh ủy&HĐND&UBND tỉnh Hòa Bình. (2005). Địa chí Hòa Bình, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
8. Tỉnh ủy&HĐND&UBND tỉnh Thái Nguyên (2005). Địa chí Thái Nguyên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Tổng cục Thống kê Việt Nam (2004). Số liệu thống kê Việt Nam thế kỉ XX, tập 1, Hà Nội: Nxb Thống kê.
___________
[1] TS, Trường Đại học Tây Bắc, binhtt@utb.edu.vn
[2] TS, Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên, yendt@tnus.edu.vn
[3] TS, Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên, tuannm@tnus.edu.vn
[4] Ngày 20/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập ở Bắc Kỳ 4 đạo quan binh: Đạo quan binh I (Phả Lại), đạo lỵ là Phả Lại gồm 3 tiểu quân khu: Phả Lại, Thái Nguyên, Móng Cái. Đạo quan binh II (Lạng Sơn), đạo lỵ là Lạng Sơn với 3 tiểu quân khu: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Đạo quan binh III (Yên Bái), đạo lỵ đặt ở Yên Bái với 3 tiểu quân khu: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang. Đạo quan binh IV (Sơn La), đạo lỵ đặt ở Sơn La, địa bàn gồm địa hạt Sơn La và một số tổng tách từ Hưng Hóa sang.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc (Tác giả: Tống Thanh Bình; Đoàn Thị Yến; Nguyễn Minh Tuấn) |