Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897)

L’ÉDUCATION FRANÇAISE EN COCHINCHINE (1861-1897)

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  PHẠM ĐỨC THUẬN1
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ)
CN TRỊNH QUỐC GIA2
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT

     Sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Pháp nhanh chóng thiết lập hệ thống giáo dục ở Nam Kỳ với 3 trường là Thông ngôn, Tiểu học và Sư phạm. Với việc thiết lập hệ thống trường học trong thời gian ngắn, giáo dục Pháp ở Nam Kỳ có những nền tảng đầu tiên phục vụ cho công cuộc cai trị của Pháp ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, giáo dục Pháp ở Nam Kỳ có những điểm riêng trước khi chương trình khai thác thuộc địa do Paul Doumer được thực thi ở toàn Đông Dương 1897. Bài viết nghiên cứu về “Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897)” góp phần tìm hiểu giáo dục Pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ đầu thiết lập bộ máy cai trị ở Việt Nam và những ảnh hưởng của nền giáo dục này đến những thay đổi của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Từ khóa: Giáo dục, Pháp, Nam Kỳ, Việt Nam.

RÉSUMÉ

     Après avoir conquis trois provinces du sud-est du Vietnam, la France a mis en place un système éducatif en Cochinchine avec trois écoles: interprétation, école primaire et pédagogie. Avec la mise en place du système scolaire en peu de temps, l’enseignement français en Cochinchine a jeté les premières bases de la domination française au Vietnam. Au cours du processus de construction et de développement, l’enseignement français en Cochinchine avait ses propres caractéristiques avant que le programme d’exploitation coloniale initié par Paul Doumer ne soit mis en œuvre dans l’ensemble de l’Indochine en 1897. Document de recherche sur “L’enseignement français en Cochinchine (1861- 1897) contribue à comprendre l’éducation française en Cochinchine au début de la mise en place de l’appareil au pouvoir au Vietnam et son influence sur les changements de l’éducation vietnamienne à la fin du XIXe siècle et au début du XXe siècle.

Mots clés: Education, Français, Cochinchine, Vietnam.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Ngày 21-9-1861, Đô đốc Charner ký nghị định thành lập trường thông ngôn Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau) nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc xâm lược của Pháp ở Nam Kỳ, đó có thể được xem là mốc mở đầu cho giáo dục Pháp ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Sau khi thành lập trường thông ngôn, Pháp tiếp tục mở các trường tiểu học và sư phạm cùng với đó là sắp xếp lại hệ thống giáo dục ở Nam Kỳ. Trong giai đoạn từ năm 1861 đến năm 1897, giáo dục Pháp ở Nam Kỳ có những nét riêng, vừa phục vụ cho việc cai trị của Pháp ở Nam Kỳ, đồng thời cũng mang đến những chuyển biến tích cực cho giáo dục ở Nam Kỳ.

2. Nội dung

     2.1. Thiết lập hệ thống trường học

     Tháng 9-1858, Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cho công cuộc xâm lược Việt Nam. Đầu năm 1859, Pháp tấn công Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngay khi đánh vào Gia Định và chiếm được Biên Hòa vào ngày 25-2-1861, gần 7 tháng sau đó Đô đốc Charner đã ký nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc (21-9-1861) để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp.

     Vấn đề được quan tâm đầu tiên là đào tạo những thông dịch viên phục vụ cho chính quyền thuộc địa cùng với đó là bộ phận thư ký làm việc cho một số cơ quan, đơn vị hành chính của thực dân Pháp sẽ thiết lập trong tương lai. P. Vial từng chỉ ra chỉ ra rằng: “Đối với một nước thực dân, chướng ngại khó khăn nhất phải khắc phục đứng trước những dân tộc bị chinh phục là sự khác biệt về ngôn ngữ” (Phan Trọng Báu, 2006, tr. 35). Giai đoạn đầu Pháp trở ngại trong việc điều hành, từ việc thông báo, đến việc gửi các chỉ thị phải viết bằng tiếng Pháp, rồi dịch sang chữ Nôm, rồi dịch tiếp sang chữ Hán. Trường Bá Đa Lộc vì thế là nơi cấp bách đào tạo nhân sự phục vụ cho quân đội viễn chinh Pháp do giáo sĩ Croc và một vài người Việt cộng sự phụ trách giảng dạy.

     Giữa năm 1862, Pháp thành lập Trường Thông ngôn (Quyết định số 89, ngày 08-5-1862 của Chuẩn Đô đốc về việc thành lập Trường Thông ngôn An Nam (Décision N’ 89 du 8 mai 1862 du contre-Amiral commandant en chef relative à l’institution du collège annamite) tại Sài Gòn, dưới sự giám sát Quan Bố tỉnh Gia Định. Mục đích chính là đào tạo đội ngũ thông dịch ngôn ngữ. Chính vì sự cấp bách nên việc quản lý lúc đầu còn nới lỏng, chỉ cần người bản xứ muốn đầu quân làm việc cho Pháp sẽ được tạo điều kiện và chiêu mộ, bản chép tay của Bùi Quang Tung làm việc dưới thời Tự Đức trong tập hồ sơ công văn ghi nhận tình hình ba tỉnh Nam Kỳ vào ngày 28-9-1863: “Phủ soái lại dựng học đường rồi ra sức đòi các Cử nhân, Tú tài, sĩ phu trong hạt, ai có học vấn, không kể rằng trước kia đã làm quản suất trong nghĩa quân, nay ra trình diện, chúng cũng miễn tội, cho làm các chức Giáo huấn và lại yết thị sang năm Giáp Tý bắt đầu mở khoa thi, ai thông văn học Hán tự, lại biết chữ Tây thì được đỡ đầu” (Tô Nam và Bùi Quang Tung, 1966, tr. 149).

     Tháng 7-1864, Pháp thành lập Trường Tiểu học (Lệnh số 60, ngày 16-7-1864 của Chuẩn Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ về việc thành lập một số trường tiểu học để dạy tiếng Pháp cho người bản xứ (Ordre N’ 60 du 16 juillet 1864 du contre-Amiral gouverneur de la Cochinchine portant création d’écoles primaires pour apprendre aux indigènes à écrire leur langue uen caractères européens), trường tiểu học được phép mở ở những nơi quan trọng để dạy thanh thiếu niên bản xứ phương pháp dịch từ chữ Quốc Ngữ sang tiếng Pháp, vào đầu năm học, danh sách được nộp cho quan thanh tra công việc nội chính bản xứ, mỗi lớp do một thông ngôn phụ trách.

     Tháng 7-1871, Pháp thành lập Trường Sư phạm với Quyết định số 126, ngày 10- 7-1871 của Chuẩn Đô đốc về việc thành lập Trường Sư phạm thuộc địa tại Sài Gòn (Décision N’ 126 du 10 juillet 1871 du Contre-Amiral qui institue à Saigon une école normale coloniale). Với quyết định này, một trường cao đẳng ra đời mang tên Trường Sư phạm thuộc địa nhằm mục đích đào tạo giáo viên tiểu học cho các trường bản xứ và nhân viên công sở phục vụ trong bộ máy Pháp, nhất là đối với nhân viên ngành Địa chính.

     Tháng 8-1873, Pháp thành lập Trường Tập sự với Nghị định số 202, ngày 29-8-1873 của Thống Đốc, quyền Tổng Tư lệnh về việc tổ chức Trường Tập sự và quy định chương trình thi tuyển (Arrêté N’ 202 du 29 aout 1873 du Gouverneur et Commandant enchef p.i portant organisation du collège des stagiaires et fixant les programmes examens à subir par les candidats) trường tập sự chủ yếu mở các lớp học Tập sự, tuyển cán sự bộ nhiệm, ngạch công chức hạng 1, 2, 3 và 4, nhóm họp hàng năm tại Sài Gòn để kiểm tra cán sự chính ngạch hạng 2 và 3 để nâng lên hạng cao hơn theo sắc lệnh của Thống đốc Nam Kỳ.

     Thành lập Sở Học chính Nam Kỳ: Nghị định số 55, ngày 17-3-1879 của Thống đốc Nam Kỳ về việc tổ chức Sở Học chính Nam Kỳ (Arrêté N’ 55 du 17 mars 1879 du Gouverneur et Commandant en chef portant nouvelle organisation du service de I’instruction publique en Cochinchine). Theo đó, Hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên tiểu học người Âu và người bản xứ chịu sự chỉ đạo của Chánh Sở Học chính; Chánh Sở Học chính tập trung và chỉ đạo công việc theo lệnh của Giám đốc Nha Nội chính, triển khai các chỉ thị của Chánh Sở, tuân thủ chương trình giảng dạy theo quy định; Trình Giám đốc Nha Nội chính báo cáo tổng hợp về tình hình và diễn biến công việc của Sở Học chính sau mỗi quý. Đồng thời, kiểm soát tất cả các trường học tại Nam Kỳ; thanh tra các trường học theo định kỳ; thanh tra các trang thiết bị, sách vở và đồ dùng học tập; thăm dò ý kiến của học sinh để báo cáo về sự tiến bộ, thái độ và nhu cầu chung của họ; Sau mỗi chuyến công tác, Sở Học chính Nam Kỳ gửi báo cáo lên Giám đốc Nha Nội chính để họp rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết công việc.

     Thành lập Ủy ban Học chính cao cấp: Quyết định thành lập Ủy ban Học chính cao cấp trong năm 1879, chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến học chính và thanh tra các trường học. Thành phần của Ủy ban Học chính bao gồm: Giám đốc Nha Nội chính làm chủ tịch; Các thành viên là Đốc lí thành phố Sài Gòn, Chánh Sở Học chính, Các thanh tra công việc nội chính bản xứ, quan cai trị Sài Gòn và Chợ Lớn, Hiệu trưởng Trường Chasseloup-Laubat, Hiệu trưởng trường Trung học Adran, cha xứ Sài Gòn, một Bác sĩ hải quân do Chánh Sở Y tế chỉ định, một giáo sư bản xứ dạy ngôn ngữ phương Đông, một thông ngôn chính người Âu, Chánh văn phòng Nha Nội chính.

     Thành lập Trường Sư phạm tiểu học: Nghị định số 50, ngày 24-02-1886 của quyền Thống đốc Nam Kỳ về việc thành lập một trường sư phạm tiểu học tại Nam Kỳ (Arrêté N’ 50 du 24 février 1886 du Gouverneur p.i de la Cochinchine francaise créant une école normale primaire d’instituteurs en Cochinchine) quyết định thành lập trường tiểu học sư phạm được đặt tại Trường Trung học Adran, do Hiệu trưởng trường này quyết định, trong đó có 03 người là giáo sư Âu Châu , 07 người là giáo sư và giáo viên tiểu học bản xứ phụ trách quản lý giám sát.

     Xóa bỏ Trường Sư phạm: nhằm sắp xếp hệ thống giáo dục hướng đến hoạt động hiệu quả hơn, Pháp quyết định xóa bỏ trường sư phạm. Nghị định ngày 18-9-1886 của Thống đốc Nam Kỳ quyết định xóa bỏ Trường Sư phạm thành lập theo nghị định ngày 24-02-1886 (Arrêté du 18 septembre 1886 du Gouverneur de la Cochinchine francaise portant suppression de l’école normale instituée par l’arrêté du 24 février 1886), các giáo sư được biệt phái đến trường này được Chánh Sở Học toàn quyền sử dụng tùy theo mức độ công việc và phạm vi hoạt động, những học sinh còn lại sẽ được bố trí làm trợ giảng tại các trường trung học hoặc các trường tiểu khu để thực hành giảng dạy dưới sự chỉ đạo của giáo sư người Âu Châu hoặc là giáo viên tiểu học, mỗi tháng được nhận mức thù lao là 16 đồng Đông Dương.

     Xóa bỏ Trường Thông ngôn Sài Gòn: Trường thông ngôn sau một thời gian dài được thiết lập đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử phục vụ cuộc viễn chinh của Pháp. Nghị định ngày 08-9-1887 của Thống đốc Nam Kỳ xóa bỏ Trường Thông ngôn Sài Gòn (Arrêté du 8 septembre 1887 du Gouverneur de la Cochinchine francaise portant suppression du collège des interprètes de Saigon) theo đó, các học viên theo học tại trường sẽ tốt nghiệp vào thời gian tháng 9-1887, học viên người An Nam được gửi trả về Trường ChasseloupLaubat để hoàn thành chương trình học, những giáo viên giảng dạy sẽ được sắp xếp, bố trí vào ngạch công chức của chính quyền thuộc địa.

     2.2. Hoạt động đào tạo và tổ chức nhân sự

      – Đào tạo ở trường trường Thông ngôn

     Việc đào tạo Thông ngôn là điều kiện cần thiết để tổ chức nhân sự cho chính quyền Pháp ngay từ buổi đầu chiếm được Sài Gòn, Biên Hòa, lúc đầu chủ yếu là người bản xứ, học viên Thông ngôn phải là người gốc Âu Châu phiên chế trong quân đội, hiểu biết và thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, có khả năng tiếp thu nhanh nhất để học và truyền tải tiếng An Nam, được thi tuyển trước cả hội đồng. Thời gian học trong 3 tháng, được cấp bằng, được hưởng lương và chế độ ăn uống 6 đồng Đông Dương/mỗi tháng, nếu không hoàn thành yêu cầu sẽ trở về quân ngũ.

     – Tái lập lại nền học chính Nam Kỳ

     Quyết định số 44, ngày 31-3-1863 của Phó Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ về việc tái lập nền học chính tại Nam Kỳ (Décision N’ 44 du 31 mars 1863 du Vice-Amiral gouverneur de la Cochinchine relatif au rétablissement de l’instruction publique en Cochinchine). Quyết định này cho phép Pháp tổ chức các hạt giáo dục và quy định quyền hạn của viên chức bản xứ. Theo đó, Đốc học là người đứng đầu hạt giáo dục mỗi tỉnh, có quyền tổ chức, tập trung mọi vấn đề liên quan đến chương trình giảng dạy tại các Phủ, huyện, xã. Tổ chức các kỳ thi, duy trì chế độ đãi ngộ đối với học sinh, lẫn nho sĩ. Khuyến khích học sinh và nho sĩ tham gia vào bộ máy chính quyền mỗi tỉnh khi có thông báo tuyển dụng. Đốc học đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của chủ tỉnh, nhiệm vụ của đốc học là đôn đốc viên chức, giáo thụ và huấn đạo tại các tiểu khu thực hiện nhiệm vụ. Mỗi Phủ có một giáo thụ, mỗi huyện có một huấn đạo. Mỗi tiểu khu trực thuộc, các viên chức này có quyền hạn như đốc học mỗi tỉnh nhưng phải gắn bó và chịu sự chỉ đạo của quan huyện, quan phủ, thanh tra tiểu khu, cùng nhau và có thể đại diện giám sát thành lập, duy trì hoạt động các trường học cấp xã. Đốc học quản lý ở mỗi trường tuyển sinh những học sinh giỏi nhất để phát triển các ngành học chủ đạo:

Tỉnh/thànhSố lượngTrình độ
Sài Gòn10Tú tài hoặc cử nhân
Biên Hòa6Tú tài hoặc cử nhân
Mỹ Tho6Tú tài hoặc cử nhân

Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa
qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. tr. 24.

     Những kỳ thi lớn được tổ chức 3 năm/ 1 lần tại Sài Gòn, sau mỗi kỳ thi, văn bằng tú tài và cử nhân được trao cho những học sinh xứng đáng. Kỳ thi Hương được tổ chức ở ba tỉnh thuộc Pháp theo cách thức cũ, diễn ra vào tháng 4 và tháng 10 mỗi năm, áp dụng một số ưu tiên đối với thí sinh như miễn quân dịch, miễn đi làm xâu,… Tú tài và cử nhân giỏi sẽ được cử làm việc ở một số đơn vị trong chính quyền trung ương ở phủ hoặc huyện, số lượng không vượt quá số lượng tiểu khu mỗi tỉnh. Mỗi giáo thụ sẽ có một thông ngôn hạng 1, hạng 2, hạng 3 phụ tá để phổ cập ngôn ngữ bản địa, ưu tiên biết chữ Quốc Ngữ. Những viên chức học chữ Quốc Ngữ sẽ được hưởng thù lao từ ngân sách chính phủ thuộc địa. Ở các xã, các thầy đồ vẫn đảm nhiệm việc dạy học theo tục lệ đương thời của xứ.

     – Về nhân sự phụ trách giảng dạy và giám sát học sinh của trường học

     Hiệu trưởng được tuyển dụng trong số những người có bằng đại học, chứng chỉ năng lực nghiệp vụ hoặc của ủy ban thông ngôn, hoặc ủy ban phụ tá thông ngôn. Viên giám học bản xứ được lựa chọn trong số ứng viên có bằng tiểu học hạng 1 và đã có bằng chứng chỉ năng lực nghiệp vụ. Hiệu trưởng dưới quyền của Giám đốc Nha Nội chính sẽ phải chịu trách nhiệm về chương trình học, đảm bảo duy trì trật tự và kỷ luật liên quan đến học sinh và giáo viên, giám học, nhân viên biệt phái công tác tại trường. Theo định kỳ quy định, Hiệu trưởng trình lên Giám đốc Nha Nội chính bản báo cáo về tình hình của trường, trình độ năng lực của giáo viên, giám học, tình hình học tập, khả năng tiến bộ, hạnh kiểm của học sinh, đề xuất hình thức kỷ luật đối với nhân viên biệt phái. Hiệu trưởng có quyền quyết định các hình thức kỷ luật đối với học sinh, trừ quyết định buộc thôi học và tuyển sinh phải trình lên và được sự đồng ý của Giám đốc Nha Nội chính.

     – Những quy định về số lượng nhân sự và phần lương hưởng thụ

     Quy định được áp dụng đối với ngạch công chức nhân sự người Âu Châu và người bản xứ làm việc tại các trường học ở Nam Kỳ, theo đó, Quyết định ngày 17-11-1874 của Phó Đốc, quyền Thống đốc Nam Kỳ:

Nhân sự

Chức vụ

Số lượng

Lương và trợ cấp

Người Âu Châu

Hiệu trưởng

01

6000 phơ răng

 

 

 

Người bản xứ

 

Giáo viên

06

3600 phơ răng +

1060 phơ răng trợ

cấp ăn ở

Giáo viên chữ Hán

02

1000 phơ răng

Giáo viên tiểu học bản xứ hạng 1

02

1000 phơ răng

 

Giáo viên tiểu học hạng 2

01

600 phơ răng

 

Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (2016). Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa
qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. tr. 40.

     2.3. Chương trình giáo dục

     Chương trình giáo dục tiểu học

     Chương trình giáo dục tiểu học mang tính căn bản, học cách đọc và viết được chữ Quốc ngữ, chữ Hán, làm quen và biết tiếng Pháp, số học sơ cấp, hình học sơ đẳng, khái niệm đo đạc sơ đẳng, khái niệm chung về địa lý và lịch sử Chương trình giáo dục Trung học

     Người học phải học lý luận tiếng Pháp, khái niệm cơ sở về văn học Pháp, tập làm văn tiếng Pháp, khái niệm và tập làm văn chữ Quốc ngữ, chữ Hán, khái niệm chung về lịch sử cổ đại và hiện đại (đề cao vai trò của văn minh Pháp), hiểu biết địa lý đại cương, khái niệm về vũ trụ học, số học theo chương trình do ủy ban cấp cao quy định, hiểu biết về các khái niệm cơ sở đại số học, hình học, đơn vị đo diện tích và thể tích, phải học đo đạt và vẽ biểu đồ, vật lý và hóa học sơ cấp, khái niệm lịch sử tự nhiên, quản lý sổ sách và vẽ. Hằng năm, Ủy ban học chính cấp cao sẽ quy định chi tiết chương trình học cho các trường tiểu học và trung học theo quy định đề ra.

     Chương trình giáo dục cấp I, II, III

     Chương trình giáo dục cấp I: Hệ đào tạo 3 năm, các lớp phân chia 3 lớp học tiếng Pháp, 2 lớp học chữ Quốc ngữ và chữ Hán.

Bảng 3: Chương trình cấp 1

Lớp tiếng Pháp– Khái luận về tiếng Pháp
– Số học: 4 phép tính, hệ mét, tương quan hệ thống đo
lường Pháp-Việt
Lớp Quốc ngữ và chữ Hán – Học Tứ Thư
– Tập đọc và tường thuật bằng chữ Quốc Ngữ

Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. tr. 45

     Các trung tâm được phép mở 1 trường cấp I: Khu thanh tra Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Bến Tre, Biên Hòa, Long Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Cần Thơ, Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An, Châu Đốc, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên và Cái Bè.

     Chương trình giáo dục cấp II: Hệ đào tạo 3 năm, các lớp phân chia mỗi tuần có 2 lớp dạy chữ Quốc ngữ và chữ Hán, những lớp còn lại dạy tiếng Pháp.

Bảng 4: Chương trình cấp 2

Lớp tiếng Pháp– Tiếng Pháp bao gồm: văn phạm, tập đọc, tập viết, tường thuật, luận, dịch ngược, dịch xuôi, đặc biệt là dịch từ chữ Quốc ngữ sang tiếng Pháp và kỹ năng thực hành tiếng Pháp.
– Số học bao gồm: 4 phép tính, phân số, quy tắc tam suất,
phép chiết khấu, phép tính lợi tức
– Hình học bao gồm: đo diện tích và thể tích
– Địa lý bao gồm: khái quát về 5 Châu, đặc biệt là địa lý nước
Pháp và các thuộc địa Pháp.
– Vẽ: từ tập vẽ đến hoàn thiện
Lớp Quốc ngữ và chữ Hán– Tứ thư
– Các bài luận, bài tập tường thuật bằng chữ Hán và Quốc Ngữ
– Lịch sử và địa lý An Nam

Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. tr. 46

     Trường cấp II được mở tại các trung tâm: khu thanh tra Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bến Tre.

     Chương trình giáo dục cấp III: Hệ đào tạo 3 năm, các lớp phân chia mỗi tuần có một lớp dạy chữ Quốc ngữ và chữ Hán, những lớp còn lại dạy tiếng Pháp

Bảng 5: Chương trình cấp 3

Lớp tiếng Pháp− Tiếng Pháp
− Số học
− Hình học phẳng
− Đại số
− Lượng giác
− Kỹ thuật đo đạc
− Vẽ
− Quản lý sổ sách
− Địa lý
− Vũ trụ học
− Hóa học
− Vật lý
− Lịch sử tự nhiên
Lớp chữ Quốc ngữ và chữ Hán− Tứ thư
– Nghiên cứu các dạng văn bản của người An Nam (hợp đồng…)
− Lịch sử và địa lý An Nam

Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. tr. 47.

     Trường Chasseloup-Laubat chuyển thành trường cấp III, trong thời gian chờ đợi quyết định vẫn tiếp tục đào tạo dạy chương trình cấp II.

     Kỳ thi diễn ra tại Sài Gòn, dành cho học sinh đã tốt nghiệp cấp II, thí sinh được cấp học bổng tuổi từ 14 đến 20 tuổi. Kỳ thi lấy bằng sơ đẳng cấp III diễn ra trước thành viên Ủy ban Học chính thường trực, với sự trợ giúp của các giám khảo do Ủy ban chỉ định. Các Ủy ban khảo thí có trách nhiệm gửi danh sách xếp hạng lên Giám đốc Nha Nội chính. Kết quả được công bố trên Gia Định báo.

     2.4. Một số nhận xét về nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897)

     Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897) gắn liền với kế hoạch xâm lược và thiết lập nền cai trị Pháp ở Nam Kỳ: Trong cuộc xâm lược của Pháp ở Việt Nam, Nam Kỳ là vùng đất có vị trí chiến lược nên được Pháp chú trọng. Do đó, ngay từ những ngày đầu đánh chiếm Nam Kỳ, Pháp đã nhanh chóng thiết lập hệ thống giáo dục tại đây với việc thành lập trường thông ngôn Bá Đa Lộc và trường thông ngôn An Nam. Việc thiết lập trường thông ngôn nhằm đẩy mạnh việc xâm lược Nam Kỳ nói chung và Việt Nam nói riêng. Tiếp sau đó, Pháp nhanh chóng thiết lập nền học chính mang dấu ấn giáo dục Pháp ở Nam Kỳ với việc mở mang trường lớp, đặt giáo dục Nam Kỳ dưới sự ảnh hưởng hoàn toàn của nền giáo dục Pháp. Vì vậy có thể khẳng định rằng, giáo dục Pháp ở Nam Kỳ trong nửa cuối thế kỉ XIX gắn liền với cuộc xâm lược của Pháp ở nơi đây nhằm hướng đến thực hiện việc quản lý lâu dài Nam Kỳ.

     Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897) góp phần thay đổi diện mạo giáo dục Nam Kỳ theo hướng tích cực: Có một thực tế không thể phủ nhận đó là giáo dục Pháp ở Nam Kỳ đã góp phần thay đổi diện mạo giáo dục Nam Kỳ theo hướng tích cực. Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ từng bước thay thế nền giáo dục nặng tính giáo điều của nền giáo dục nho giáo lạc hậu mà thay vào đó là một nền giáo dục tiến bộ hơn. Việc Pháp thiết lập nên các cơ sở giáo dục tiểu học và sư phạm, cũng như hoàn chỉnh căn bản hệ thống nhân sự, phúc lợi cho giáo dục ở Nam Kỳ cũng đã góp phần đưa nền giáo dục Nam Ky có một diện mạo tích cực hơn. Tuy nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ trong giai đoạn này được thiết lập gắn liền với công cuộc xâm lược của Pháp ở Việt Nam nhưng nó cũng đã góp phần làm thay đổi nền giáo dục Nam Kỳ, từ đó những yếu tố giáo dục tiến bộ từng bước thâm nhập và làm thay đổi về chất nền giáo dục ở Nam Kỳ.

     Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897) để lại một số kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục Việt Nam sau này: Đến thế kỉ XIX, Pháp là quốc gia có trình độ khoa học và giáo dục vượt trội trên thê giới. Do đó, với việc Pháp thiết lập nền giáo dục ở Nam Kỳ đã để lại những bài học mà Việt Nam có thể tham khảo. Giáo dục Nam Kỳ tuy là nền giáo dục được thiết lập phục vụ cho công cuộc thực dân của Pháp ở Việt Nam nhưng với việc người Pháp quan tâm đến việc mở trường tiểu học, sư phạm và quan tâm đến đội ngũ giáo viên là việc làm thể hiện sự tiến bộ trong tổ chức giáo dục và đáng học tập. Hiện nay, Việt Nam đang có những chuyển biến trong giáo dục, tuy nhiên thực tế giáo dục tiểu học và hệ thống đào tạo sư phạm Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Thiết nghĩ cần phải có sự quan tâm, xem đó là nền tảng để đổi mới giáo dục. Thực tế nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung đã có những nội dung rất thành công, vì lẽ đó những bài học từ trong nền giáo dục này cần được trân trọng.

5. Kết luận

    Ngay khi tiến hành xâm lược Nam Kỳ, Pháp đã nhanh chóng thiết lập hệ thống giáo dục tại nơi đây. Quá trình thiết lập nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ bắt đầu với các trường thông ngôn và sau đó là tiểu học và sư phạm, cùng với đó là việc tài lập nền học chính và tuyển chọn nhân sự cho bộ máy giáo dục. Những hoạt động giáo dục của Pháp ở Nam Kỳ trong giai đoạn này đã góp phần làm chuyển biến nền giáo dục ở Nam Kỳ theo chiều hướng tích cực tuy vẫn mang đậm tính chất thực dân. Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn từ năm 1861 đến năm 1897 đã để lại những nội dung mà giáo dục ngày nay có thể tham khảo phục vụ cho đổi mới và phát triển giáo dục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Nguyễn Thế Anh. (1970). Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Lửa Thiêng, Sài Gòn.

     2. Phan Trọng Báu. (2006). Giáo dục Việt Nam thời Cận đại. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     3. Phan Trọng Báu. (2015). Nền giáo dục Pháp-Việt (1861-1945). NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

     4. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

     5. Trịnh Văn Thảo. (2019). Nhà trường Pháp ở Đông Dương. NXB Tri thức, Hà Nội.

     6. Trịnh Văn Thảo. (2020). Ba thế hệ tri thức người Việt (1862-1954). NXB Tri thức, Hà Nội.

     7. Nguyễn Xuân Thọ. (2018). Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897). NXB Hồng Đức, Thanh Hóa.

     8. Tô Nam và Bùi Quang Tung dịch (1966), “Tình hình ba tỉnh Nam Kỳ Tự Đức năm thứ 16 (1883)”, Tập san Sử Địa, số 3, tr. 145-160.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du xixè – début du xxè siècle

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1861-1897) – Tác giả: TS Phạm Đức Thuận; CN Trịnh Quốc Gia