Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Trung kỳ 30 năm đầu thế kỉ XX
L’ENSEIGNEMENT FRANCO – VIETNAMIEN AU NORD D’ANNAM
DANS LES 30 PREMIÈRES ANNÉES DU XXe SIÈCLE
Tác giả bài viết: DƯƠNG THỊ KIM OANH1
(NCS khóa 2020-2024, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Vinh)
Tiến sĩ DƯƠNG THỊ THANH HẢI2
(TS, Giảng viên Ngành Lịch sử, Viện Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Vinh)
TÓM TẮT
Để phục vụ có hiệu quả cho công cuộc xâm lược, cai trị Việt Nam, chính quyền Pháp đã nhanh chóng phát triển một chế độ giáo dục hoàn toàn mới cho người bản xứ: Giáo dục Pháp – Việt. Chính quyền thuộc địa đã du nhập những nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo kiểu phương Tây vào hệ thống giáo dục Pháp – Việt. Tuy nhiên, những yếu tố “bản địa” đã chi phối và ảnh hưởng nhất định đến chính sách giáo dục của Pháp. Bởi trường học Pháp – Việt được hình thành trong chính sách thực dân, đồng thời được xem xét trong thái độ tiếp nhận của người dân Việt Nam ở ba kỳ. Bài viết tập trung nghiên cứu những điểm cơ bản của giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ 30 năm đầu thế kỷ XX với mong muốn làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa vùng Bắc Trung Kỳ so với Trung và Nam Trung Kỳ trong: bậc học, chương trình, cơ sở vật chất… và những tác động của giáo dục Pháp – Việt tới vùng đất này.
Từ khóa: Giáo dục Pháp – Việt, Bắc Trung Kỳ, cải cách giáo dục.
RÉSUMÉS
Afin d’asservir efficacement l’invasion et la domination de la France au sein du Protectorat au Vietnam, le pouvoir colonial a rapidement développé un nouveau régime éducatif spécifique pour les indigènes: l’enseignement franco – vietnamien. Le pouvoir protectoral avait choisi de réformer des contenus, des programmes, et des méthodes d’enseignement occidental et de l’appliquer au régime d’enseignement franco – vietnamien. Cependant,on remarque que le facteur indigène influence la politique de l’enseignement de la France, et ce dernier reçoit l’aval du Gouvernement protectoral. Parce que l’école franco – vietnamienne est fondée pendant la politique coloniale des observations intéressantes ont été retenues auprés de la population indigène dans toutes les provinces du Vietnam. Cet article concentrera toutes les recherches qui ont été effectuées au sein de l’ éducation Franco vietnamienne au Nord d’Annam au début des années du XXe siècle.Il a pour but ultime de clarifier des similitudes et des différences entre la région au Nord d’Annam et les autres régions en Annam (le Centre et le Sud). On y trouvera des etudes sur les: cycles scolaires les, programmes et le, matériel éducatif… et surtout le role et l’ influence spécifique de l’enseignement franco – vietnamien dans cette région.
Motsclés: L’ennseingement franco – vietnamien, Nord d’Annam, réforme l’enseignemen.
1. Mở đầu
Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự chuyển biến về văn hoá – xã hội, chính trị – kinh tế của bất kỳ một quốc gia dân tộc nào trên thế giới. Đối với một quốc gia dân tộc độc lập, giáo dục nhằm mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước thì dân tộc thuộc địa, giáo dục được chính quyền thực dân sử dụng như một công cụ cho quá trình cai trị, khai thác. Tại thuộc địa, trường học là công cụ hữu hiệu, chắc chắn nhất để thực dân hóa trí tuệ bản địa hay khai hóa văn minh cho người bản địa. Khi xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã chủ trương xây dựng nền giáo dục theo mô hình của nước Pháp chính quốc kết hợp cùng yếu tố bản xứ. Trong cuốn Colonisation enseignement et education L’Harmattan (Giáo dục và đào tạo ở xứ thuộc địa) xuất bản năm 1991, Antoine Léon phân tích một số điểm được Pháp coi là mục tiêu giáo dục ở các xứ thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Mục tiêu thứ nhất: “Để có thể thay đổi người dân còn sơ khai ở các xứ thuộc địa của chúng ta, làm cho họ trung thành với sứ mạng của chúng ta, chúng ta có quá ít biện pháp, và không có biện pháp nào hay hơn là giáo dục trẻ em bản xứ, giúp cho chúng có sự chuyên cần của chúng ta và nắm được những tri thức cũng như đạo đức đã thành tập tục của chúng ta từ bao nhiêu thế kỷ, tạo ra cho họ một tinh thần theo ý đồ chúng ta” (Leon, 1991). Mục tiêu thứ hai: giáo dục của Pháp phải đào tạo một “tầng lớp trung lưu công nghiệp, những thành phần tích cực trong việc làm giàu cho xứ thuộc địa”[3]; Mục tiêu thứ ba là: “khai hóa văn minh”… Tác động của giáo dục Pháp đến giáo dục Việt Nam là một tác động trực tiếp và hết sức nặng nề bởi không phải tư thế của một cuộc “giao lưu” bình đẳng, “hợp tác” và tự nguyện mà trong bối cảnh thuộc địa, chính quyền thực dân đã trực tiếp xây dựng chính sách, kiểm soát đầu tư, chi phối chương trình, giám sát việc giảng dạy… Song, một trong những yếu tố truyền thống của người dân Việt Nam là nền học vấn đã có cội rễ hàng ngàn năm, đúc kết thành nét văn hóa riêng của dân tộc. Vì vậy, yếu tố “bản địa” góp phần chi phối ngoài tầm kiểm soát của chính sách giáo dục Pháp, bởi trường học Pháp – Việt hình thành được xem xét trong chính sách thực dân, đồng thời được soi sáng trong thái độ của người dân ở ba vùng Bắc – Trung – Nam trong phản ứng tiếp nhận. Quá trình thành lập hệ thống trường Pháp – Việt ở ba kỳ không đồng nhất, năm 1879, hệ thống trường Pháp – Việt được thành lập ở Nam Kỳ, năm 1904 thành lập Bắc Kỳ. Trong khi Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã có các Sở Giáo dục và sớm phát triển các trường Pháp – Việt thì ở Trung Kỳ, thư ký Toàn quyền Broni cho rằng “những nguồn tài nguyên phục vụ giáo dục còn thiếu thốn, và tất cả vẫn đang trong quá trình thực hiện” (Bulletin official de I’Indochine francaise, 1904). Tuy nhiên, hoạt động của các trường Pháp – Việt ở Trung Kỳ như giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục vùng miền xuôi, miền núi lại có sự khác nhau giữa Bắc Trung Kỳ, Trung Trung Kỳ và Nam Trung Kỳ. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu những điểm tương đồng và khác biệt giữa vùng Bắc Trung Kỳ so với Trung và Nam Trung Kỳ để thấy rõ hơn về bậc học, chương trình, cơ sở vật chất… và những tác động của giáo dục Pháp – Việt tới Bắc Trung Kỳ 30 năm đầu thế kỷ XX.
2. Giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1917
Bắc Trung Kỳ (Nord – Annam) là vùng đất phía bắc xứ Trung Kỳ, gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nơi đây có nhiều nét tương đồng về địa – chính trị; địa – lịch sử; địa – văn hóa, được xem là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Được nuôi dưỡng bởi vùng đất “địa linh” lại được hấp thu bởi “khí thiêng sông núi” nên con người nơi đây chân chất, hiền hòa, siêng năng, chịu khó, đặc biệt luôn lấy sự học làm đầu. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết về vùng đất và con người xứ Thanh, xứ Nghệ, rằng: “Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học… được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền. Thanh Hóa kẻ sĩ chuộng học văn, đời nào cũng có bậc hiền tài, trù đãng hiếu nghĩa, những người lỗi lạc có khí cốt thì không phải ít, có lẽ là nhờ có khí chất cứng mạnh của núi sông vậy…” (Phan Huy Chú, 1960).
Sau khi hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam, năm 1887, Liên bang Đông Dương thành lập trên cơ sở sáp nhập xứ trực trị Nam Kỳ với các xứ bảo hộ khác (Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên và Ai Lao) bất chấp các hiệp ước và khái niệm pháp lý của chế độ bảo hộ. Trên cơ sở đó, Nam Kỳ sẽ là tuyến đầu trong xây dựng nền học chính tại Đông Dương, Trung – Bắc Kỳ quá trình chuyển đổi về giáo dục chậm hơn bởi Pháp bình định hai xứ này muộn hơn và là xứ bảo hộ. Khi xem giáo dục là công cụ cần thiết trong việc chinh phục người bản xứ và nhận thức được vai trò quan trọng của giới sĩ phu đối với xã hội, năm 1886, Paul Beau đã có nhận định: “ở Bắc Kỳ giàu có, người dân hiền hòa, chăm chỉ lao động…” thì Trung Kỳ nói chung, Bắc Trung Kỳ nói riêng là một vùng “nghèo và hay gây gổ” cần “trấn an các nho sĩ, duy trì uy tín nhà vua, lập một giới chính trị quý tộc, giữ yên giới nho sĩ” (Kotovtchikhine, 2001). Trong giai đoạn Paul Beau giữ vị trí Toàn quyền (1902 – 1907), chính sách giáo dục của Pháp được định hình rõ ràng hơn. Cùng với việc tiếp tục đầu tư mở mang kinh tế thuộc địa, chính quyền Pháp đã bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục tại xứ Bắc và Trung Kỳ, chú trọng đến cải cách trường học và thi cử Nho học truyền thống.
Trước năm 1906, ở Trung Kỳ có rất ít các trường tiểu học Pháp – Việt, nổi bật nhất có 2 trường Pháp – Việt ở Huế là Trường Quốc học Huế (lập năm 1896) và Trường Bách nghệ Huế (lập năm 1899). Ở Bắc Trung Kỳ, tính đến năm 1900, có 4 trường Pháp – Việt được thành lập, trong đó, 2 trường dành cho người bản xứ và 2 trường Pháp dành cho học sinh người Pháp học đóng tại Thanh Hóa và Nghệ An (Phan Trọng Báu, 2006). Sĩ số học sinh ở các trường công này rất ít. Thanh Hoá trường học có từ 40 – 60 học sinh, tại Vinh (Nghệ An) là 57 học sinh (Phan Trọng Báu, 2006). Hà Tĩnh chưa có trường Pháp – Việt nào. Nghị định ngày 30 tháng 10 năm 1906 của Toàn quyền Đông Dương về việc tổ chức Sở học chính Trung Kỳ đã mở đầu cải cách giáo dục ở toàn xứ Trung Kỳ nói chung, Bắc Trung Kỳ nói riêng: “Quyết định đưa chương trình giáo dục Pháp vào giảng dạy tại các trường học ở Trung Kỳ” (Art.1) (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2016) với mục tiêu “…chuyển giáo dục truyền thống thành giáo dục kiểu mới, thúc đẩy nền giáo dục bản địa theo các chương trình và phương pháp giáo dục có tên Pháp – Việt, chủ trương tập trung hoá và thống nhất nền giáo dục với những chương trình học giống nhau trong từng xứ” (Trần Thị Phương Hoa, 2012). Nhìn chung, nghị định này đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự, giáo viên, học sinh và hệ thống các trường Pháp, Pháp – Việt ở bậc phổ thông. Nghị định quy định thành phần của Ủy ban hoàn thiện giáo dục bản xứ Trung Kỳ với vai trò quyết định thuộc về người Pháp (24/11/1906) (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2016).
Theo chương trình cải cách của Paul Beau, nền giáo dục Việt Nam sẽ gồm 3 bộ phận: Giáo dục Pháp (Enseignement Francais); Giáo dục Pháp – Bản xứ (Enseignement Franco-Indigène); Giáo dục Bản xứ (Enseignement Indigène). Theo như bản “Bản quy chế giáo dục 1906” của Hội đồng Giáo dục Bản xứ Đông Dương (25/8/1906), ở Bắc và Trung Kỳ đều phải có trường Pháp – Việt dành cho dân bản xứ. Tại các tỉnh Trung Kỳ, nguồn kinh phí cho trường Pháp – Việt do chính quyền Bảo hộ chu cấp.
Giáo dục Pháp – Bản xứ gồm hai bậc là Tiểu học và Trung học. Bậc tiểu học được chia làm 4 lớp. Tốt nghiệp, học sinh sẽ thi lấy bằng Tiểu học Pháp – Việt (Certificat d’études primaires franco-indigènes). Trong bậc học này còn có các khoá Canh nông (Enseignement Agricole) và khoá dạy nghề (Enseignement manuel). Bậc trung học được chia làm hai hệ: trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhất cấp học 4 năm và Trung học đệ nhị cấp chỉ học 1 năm, được chia làm hai ban là ban Văn học và ban Khoa học. Hàng năm, học sinh Trung Kỳ sẽ tham gia các kỳ thi tốt nghiệp để lấy Bằng Sơ đẳng tiểu học; Bằng Tiểu học Pháp – Việt; Bằng Trung học Pháp – Việt. Trong các môn học, học sinh đều phải học môn tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp được nhà nước Bảo hộ chú trọng hơn cả. Khi vào trường Tiểu học, mục tiêu “lớp nhì, vốn từ cuối năm phải đạt được ít nhất 1.500 từ” (Phan Trọng Báu, 2006). Giáo viên giảng bài các môn bằng tiếng Pháp, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức bộ môn giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh tập đối thoại. Sách giáo khoa cho chương trình học ở các cấp học thực tế đều thiếu, đa phần giáo viên sử dụng sách giáo khoa của Pháp để giảng dạy. Phương pháp giảng dạy trong các trường Pháp – Việt khác hẳn nhà trường Nho giáo trước đây “Ngày xưa thì nghĩ bằng quả tim mà học bằng mồm, ngày nay thì nghĩ bằng óc mà học bằng mắt” (Nguyễn Đỗ Mục, 1913). Để “học bằng mắt” thầy giáo phải chuẩn bị “giáo cụ trực quan” khi lên lớp giảng dạy như: quả địa cầu, cây, hoa…và học trò vừa học vừa quan sát trực tiếp “bài nào cũng phải cho học bằng mắt cả; học toán thì dùng hạt dẻ hay múi quýt mà dạy đếm, rồi dần đo cái sân, đo cái tường… học cái gì cũng phải cho trẻ được mục kích, hoặc đưa trẻ đi chơi xem chỗ nung gạch, chỗ đánh cá…” (Nguyễn Đỗ Mục, 1913). Với lối học chủ trương dạy những điều đơn giản, dễ hiểu, thiết thực khiến học sinh dễ tiếp thu và hứng thú học.
Nền giáo dục bản xứ (thực chất là cải cách trường Nho học đã được vua Thành Thái phê chuẩn ngày 31/5/1906) vẫn được chính quyền Pháp chủ trương duy trì. Tuy nhiên, trước đây do thôn xã hay tư nhân quản lý, nay do nhà nước quản lý, mặc dù nhà nước không đầu tư ngân sách. Chính quyền Bảo hộ đã cơ cấu lại bậc học, nội dung chương trình và thi cử. Theo đó, giáo dục bản xứ được chia thành ba bậc học: Bậc Ấu học, có hai chương trình, chứ Hán và chữ Nam (ai muốn học chương trình nào cũng được), tốt nghiệp ấu học, học sinh dự thi “Tuyển”, người đậu sẽ được cấp bằng “Tuyển sinh”. Bậc Tiểu học dạy ở phủ, huyện, học trong 2 năm, do các Huấn đạo, Giáo thụ phụ trách (trường Huấn đạo, Giáo thụ). Bậc học này, học sinh phải học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp (không bắt buộc). Sau khi học xong bậc Tiểu học, các học sinh dự kỳ thi “Khảo khoá” tổ chức hàng năm tại thủ phủ mỗi tỉnh. Người đỗ sẽ lấy bằng “Khoá sinh”. Bậc Trung học dạy ở các trường tỉnh (trường Đốc học). Chương trình học gồm cả ba thứ chữ là Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Hoàn thành chương trình học sinh phải trải qua kỳ thi “thí sát hạch” để được cấp bằng “Thí sinh”, sau đó mới được dự kỳ thi Hương.
Với cải cách năm 1906, diện mạo giáo dục ở Trung Kỳ nói chung và Bắc Trung Kỳ nói riêng có sự thay đổi. Năm 1909, Nghệ An có 26 trường hoạt động, trong đó có 1 trường dành cho trẻ em Pháp đóng tại Vinh (11 học sinh), 1 trường Pháp – Việt (99 học sinh), 21 trường tư tôn giáo (515 học sinh) và 3 trường tư thế tục (31 học sinh) (Statistique scolaires annuelles province de Nghe – An, 1909, RSA 4454). Tỉnh Hà Tĩnh đến năm 1910 có 2 trường Pháp – Việt gồm 4 lớp với 65 học sinh (Statistique scolaires annuelles province de Nghean, Hatinh, RSA 4454). Nhìn con số thống kê ít ỏi tại trường học ở Bắc Trung Kỳ cho thấy, trường học Pháp – Việt được xây dựng chủ yếu ở các tỉnh lớn và hoạt động theo ngân sách địa phương nên rất ít trường được xây dựng. Mặt khác, điều kiện để được vào học trường Pháp – Việt cũng rất nghặt nghèo, “chỉ những trẻ có bằng Tuyển mới được nhận vào trường” (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2016) và trong độ tuổi từ 8 đến 14 tuổi. Chính vì vậy, ở giai đoạn này các làng, xã này hầu như không thấy bóng dáng trường Pháp – Việt mà chủ yếu vẫn là hoạt động của hệ thống các trường bản xứ Hán học. Theo Báo cáo của Phủ Toàn quyền, ở Bắc Trung Kỳ trước năm 1913, tất cả các trường ấu học đều do làng đóng góp, do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng và trả lương cho giáo viên. Phủ Toàn quyền thống kê số lượng trường, học sinh tại các tỉnh Trung Kỳ năm 1913 như sau: Trung Kỳ có tổng 1.260 trường học do cá nhân tự bỏ tiền ra thành lập, riêng Nghệ An có 1083/1.260 trường, chiếm 80% toàn Trung Kỳ, có mặt 2606 học sinh; Thanh Hóa có 100/457 trường do làng xã quản lý, có mặt 1128 học sinh, Hà Tĩnh không thống kê… (Gouvernement General de l’Indochinine, 1913). Như vậy, so với các tỉnh ở Trung Kỳ, Nghệ An, Thanh Hóa là những tỉnh có số trường do cá nhân tự bỏ tiền và quản lý nhiều nhất. Để tiếp tục học lên, trường Nho công lập tiểu học(cấp 2) và trung học (cấp 3) vẫn là sự lựa chọn của nhiều gia đình. 10 trường tiểu học và 3 trường trung học đã giải quyết nhu cầu học lên cho 840 học sinh (trường trung học ở Thanh Hóa không có con số thống kê) (ghi danh là 2.562) (Statistiques trimestrielles, 1912, RSA/HC 525). Theo báo cáo của Nha Học chính năm 1914, quá trình hiện đại hóa chương trình giảng dạy đã làm cho các trường Nho xích lại gần trường Pháp – Việt. Chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi đã tạo cơ sở cho sự cộng tác giữa chính quyền Pháp với chính quyền phong kiến tiến hành một cuộc cải cách khác, đưa tiếng Pháp vào giảng dạy tại các trường Nho tiểu học và trung học giống như các trường Pháp – Việt.
Điều kiện để trở thành giáo viên trường Pháp – Việt phải đáp ứng các điều kiện cơ bản: “phải đủ 21 tuổi, có bằng trung học Pháp – Việt và tư cách đạo đức tốt” (Art.12) (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2016). Riêng với giáo viên dạy chữ Hán được miễn xuất bằng trung học Pháp – Việt nếu đạt trong 4 học vị: tiến sĩ, phó bảng, cử nhân hoặc tú tài. Lương của giáo viên bản xứ được quy định tại điều 14, Nghị định ngày 30-10-1906 của Toàn quyền Đông Dương gồm hạng không chính ngạch và hạng chính ngạch dao động từ 240 đến 840 đồng Đông Dương. Riêng “Đối với giáo viên tiểu học có bằng sơ học học, bằng cao đẳng của Pháp sẽ được xếp và giáo viên tiểu học chính ngạch từ hạng 1 đến hạng 6 với mức lương từ 140 đến 720 đồng Đông Dương” (Art.14) (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2016). Hàng năm nếu đủ điều kiện thời gian công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ, giáo viên sẽ được nâng ngạch, nâng lương. Nếu vi phạm quy chế, giáo viên phải chịu các mức kỉ luật như: cảnh cáo, khiển trách, đình chỉ công tác, nặng nhất là cách chức.
Thi cử ở trường bản xứ tại Trung Kỳ có nhiều thay đổi, năm 1909, ở kỳ thi Hương, bên cạnh nội dung thi chữ Hán thì sĩ tử còn phải làm bài bằng chữ Pháp và quốc văn nhằm mục đích đào tạo hệ thống quan lại phục vụ cho chính quyền đô hộ. Đến năm 1918 còn lại 3 kỳ: kỳ thi đệ nhất (hai bài văn sách, hai bài hoặc chiếu, dụ, sớ); kỳ thi đệ nhị (một bài luận quốc văn, hai bài toán, một bài về lịch sử và địa lý đất nước); kỳ thi đệ tam (một bài quốc văn dịch ra chữ Pháp). Khoa thi Hương năm Mậu Ngọ (1918) là khoa thi Hương cuối cùng của triều Nguyễn, được tổ chức ở một vài trường thi tại xứ Trung Kỳ. Tại trường thi Hương ở Vinh (Nghệ An), có Lê Thước người Đức Thọ, Hà Tĩnh đã đỗ giải nguyên, được tuyển vào học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội, sau này ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng tiểu học Vinh kiêm Thanh tra các trường sơ học, tiểu học trong tỉnh Nghệ An.
Như vậy, trong giai đoạn 1906 – 1917, ở các tỉnh Bắc Trung Kỳ, giáo dục được đầu tư căn bản, tuy nhiên giáo dục Pháp – Việt vẫn phát triển chậm chạp, số trường học được mở ít, duy nhất chỉ có bậc tiểu học. Tính đến năm 1918, ở Bắc Trung Kỳ có 7 trường tiểu học Pháp – Việt với 828 học sinh, trong đó, Thanh Hoá có 3 trường (2 trường nam và 1 trường nữ), 301 học sinh; Nghệ An, Hà Tĩnh có 4 trường với 527 học sinh gồm 2 trường nam (424 học sinh) và 2 trường nữ (103 học sinh) (Ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh, 1984). Với số lượng trường học và học sinh như vậy cho thấy mức ảnh hưởng của nhà trường đối với xã hội còn hạn chế. Giáo viên chưa được đào tạo quy cũ, sách giáo khoa thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chương trình còn nhiều bất cập, còn nặng so với khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh, vì vậy, chất lượng giáo dục không cao. Kết quả của giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ thực tế không đáp ứng mục tiêu đặt ra ban đầu của chính quyền Pháp, đồng thời cũng gây ra một số trở ngại trong quá trình cai trị. Song, lần đầu tiên người dân Bắc Trung Kỳ được tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến, chương trình, sách giáo khoa thống nhất, trường lớp quy cũ, vệ sinh sạch sẽ… đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận một nền giáo dục mới, nền văn hóa mới.
3. Giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ từ năm 1917 đến năm 1930
Năm 1917, Albert Sarraut được cử làm Toàn quyền Đông Dương lần hai. Với mục tiêu giữ vững vị trí duy nhất và bước đầu chuẩn bị cho cuộc khai thác quy mô ở Đông Dương, Sarraut đã đưa ra chủ trương “thân thiện và hợp tác” với người bản xứ nhằm khai thác hiệu quả nhân lực, vật lực qua điều chỉnh các chính sách giáo dục. Theo Sarraut, đầu tư cho giáo dục thuộc địa nhằm tạo ra một đội ngũ trí thức thượng lưu bản xứ trung thành với chính quốc, mặt khác tạo nên nguồn nhân lực lao động có tay nghề tạo bước đột phá về hiệu quả kinh tế, bởi “Người dân bản xứ thường chăm làm, dễ bảo, có thể cung cấp được một cái “nhân công” khôn khéo, dễ dùng, biết am hiểu, biết lợi dụng các máy móc ngày nay…. Những người ấy sau này sẽ là những tay giúp việc rất có ích cho ta trong sự khai hoá về đường kinh tế ta sắp khởi hành ở xứ ấy” (Trần Thị Phương Hoa, 2012). Tại Nghị định ngày 21 tháng 12 năm 1917, Toàn quyền Albert Sarraut đã ban hành Bộ Học chính Tổng quy ở Đông Dương nhằm thực hiện quy mô chính sách giáo dục của chính quyền Pháp đối với năm xứ ở Đông Dương. Theo Thông tư ngày 30/7/1919 của Khâm sứ Trung Kỳ Tissot gửi đến các tỉnh Trung Kỳ về việc chấm dứt tình trạng tồn tại song song của hai hệ thống trường Nho học và Pháp – Việt, chuyển đổi tất cả các trường Ấu học, Tiểu học, Trung học trong hệ Hán học thành trường Pháp – Việt (Bulletin aministratif de l’Annam, 1919).
Năm 1919, tất cả các trường Nho học ở Trung Kỳ chuyển đổi thành trường Pháp – Việt. Các trường Ấu học (cấp 1) và Tiểu học (cấp 2) chuyển thành trường Dự bị (trường làng hoặc trường tổng) hoặc trường Sơ học nhà nước; các trường Trung học (cấp 3) chuyển thành trường Tiểu học kiêm bị (trường có 5 lớp). Sau khi chuyển đổi, đa phần các trường xã ở Trung Kỳ chỉ có 1 đến 2 lớp học nên còn được gọi là trường Dự bị. Tại các tỉnh Bắc Trung Kỳ, thống kê của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, tính đến tháng 9 năm 1919, sĩ số học sinh tiểu học Pháp – Việt kiêm bị đã được chuyển theo Dụ ngày 14/7/1919 như sau:
Bảng 1: Số học sinh ở Bắc Trung Kỳ được chuyển sang trường tiểu học Pháp – Việt kiêm bị
Tỉnh |
Sĩ số học sinh |
|
6/1919 |
9/1919 |
|
Thanh Hóa |
296 |
348 |
Nghệ An |
495 |
705 |
Hà Tĩnh |
234 |
437 |
Tổng |
1.025 |
1.490 |
Nguồn: RSA 4418: Thống kê sĩ số học sinh được chuyển sang trường tiểu học
Pháp – Việt kiêm bị theo Dụ ngày 14/7/1919 ở các tỉnh Bắc Trung Kỳ
Với 465 số học sinh trường tiểu học Pháp – Việt kiêm bị ở Bắc Trung Kỳ chuyển theo Dụ 14/7/1919 sẽ phải học tiếng Pháp bằng cách tự học và thư viện các trường sẽ được bổ sung thêm một số sách mới. Đối với học sinh nữ, các trường Pháp – Việt toàn Trung Kỳ sau cuộc chuyển đổi đến tháng 9 năm 1919 có 660 học sinh (tăng thêm 82 học sinh) (Statistiques trimestrielles de l’Annam, 1928, RSA 4418). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, các trường bản xứ ở Bắc Trung Kỳ không có sự hiện diện của học sinh nữ.
Điều kiện để các trường tiểu học bản xứ được chuyển thành trường sơ học Pháp – Việt là các trường phải có đủ từ ba lớp học tương đương với ba lớp Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng của trường Pháp – Việt. Chính quyền thực dân đã có thống kê từ sau cuộc chuyển đổi, đến tháng 7 năm 1919, toàn Trung Kỳ tăng thêm 83 trường sơ học với 2.812 học sinh, trong đó, các tỉnh Bắc Trung Kỳ tăng 29 trường với 1.473 học sinh. Như vậy, số trường sơ học ở Bắc Trung Kỳ chiếm gần 35% toàn Trung Kỳ (Statistiques trimestrielles de l’Annam, 1928, RSA 4418).
Các trường Ấu học cũ cũng được chuyển đổi thành trường dự bị tiểu học, chương trình học giống lớp đồng ấu các trường Pháp – Việt (trừ tiếng Pháp). Một số trường đã bị bãi bỏ do ít học sinh. Muốn con em được học tiếng Pháp, các làng phải hợp nhau lại lập tại phủ, huyện những trường sơ học gồm đầy đủ 3 lớp. Tại các trường dự bị có 2 lớp, mẫu thời khoá biểu và các chỉ thị thực hành đã được gửi đến vào tháng 9 năm 1919 để làm thời quá độ giữa trường Ấu học (quốc ngữ) với các trường kiêm bị. Theo Báo cáo của Công sứ các tỉnh, tính đến tháng 9 năm 1919, sau cuộc chuyển đổi thành trường dự bị Pháp – Việt, tổng số trường dự bị tiểu học Pháp – Việt ở toàn Trung Kỳ là 1.573 trường, với 23.785 học sinh, trong đó, Bắc Trung Kỳ có 476 trường với 7.738 học sinh chiếm tỉ lệ 30,3% số trường toàn Trung Kỳ (Statistiques trimestrielles de l’Annam, 1928, RSA 4418). Với con số chuyển đổi không nhỏ tại các tỉnh Bắc Trung Kỳ, Sở Học Chính Trung Kỳ đã có nhận xét rằng: các trường dự bị ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là những nơi có nhiều trường dự bị có từ hai đến ba lớp sẽ rất thuận lợi cho việc chuyển đổi các trường này thành trường sơ học (Statistiques trimestrielles de l’Annam, 1928, RSA 4418). Tuy nhiên, trên thực tế, tại các tỉnh Bắc Trung Kỳ, vùng nông thôn khó khăn, học sinh phải giúp gia đình công việc đồng áng, việc đi học không đều đặn, vì vậy, con số thống kê trên chưa chính xác với thực tế. Ngay thời gian đầu của cuộc chuyển đổi, nhiều xã ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã không tổ chức thành trường học vì số lượng học sinh ít, hoặc không có. Báo cáo của Công sứ Hà Tĩnh gửi lên Khâm sứ Trung Kỳ sau Dụ năm 1919 đã cho biết về nguyên nhân như sau: “…đến bây giờ, các kết quả đạt được từ các trường học không lấy gì làm xuất sắc. Việc bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh đã gây ra sự suy yếu hoàn toàn các trường xã (tức là trường dự bị). Người An Nam là thực dụng, khi học các trường đó họ có những cơ hội đạt được một bằng cấp cho phép trở thành lí trưởng một làng. Hiện nay, họ không còn có hi vọng đạt được việc đó thì họ không học nữa và các thầy giáo thường đứng trước các trường lớp trống rỗng. Tuy nhiên, các làng vẫn tiếp tục trả lương và không nói năng gì” (Le Résident de France à Hatinh,1920, RSA 4454). Cho đến năm 1928, tổng số trường học ở Bắc Trung Kỳ có 335 trường, gồm: 26 trường kiêm bị với 4.078 học sinh; 47 trường sơ học có 2.852 học sinh; 262 trường dự bị, 8.085 học sinh (Statistiques trimestrielles de l’Annam, 1928, RSA 4418). Đến tháng 9 năm 1929, có thêm 18 trường Pháp – Việt đệ nhất cấp được mở mới gồm 4 trường kiêm bị, 8 trường sơ học và 6 trường dự bị, nâng số lượng trường học lên 329 trường (Statistiques de l’enseignement trimestre, 1929, RSA 4418).
Để tăng thêm số học sinh thi bằng Thành Chung phục vụ cho khai thác và cũng để lấy lòng người dân vùng Bắc Trung Kỳ, ngày 1 tháng 9 năm 1920, chính quyền Pháp đã xây dựng ở Vinh một lớp Đệ nhất niên Cao đẳng tiểu học (Collège de Vinh – Trường Quốc học Vinh). Học sinh của Trường Quốc học Vinh chủ yếu thu hút từ tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Giáo viên giảng dạy thời kỳ đầu gồm có 1 giáo viên người Pháp (Melier) và 4 giáo viên người Việt (Lê Thước, Nguyễn Bá Luân, Bửu Cân, Lê Ấm), sau có thêm Nguyễn Hiệt, Vũ Công Minh. Theo Nghị định số 4136, ngày 26 tháng 11 năm 1923 của Toàn quyền Đông Dương: “Trường Quốc học Vinh được chuyển đổi thành trường Trung học kiêm bị, từ đây mọi chi phí liên quan đến hoạt động của trường đều do ngân sách địa phương Trung Kỳ chi trả” (Arrêté N.4136 du Gouverneur Géneral de l’Indochine, 1923, RSA 4564). Đến niên khoá 1923 -1924, trường có đến lớp Đệ tứ niên, có phòng thí nghiệm cho giảng dạy vật lý và hóa học, có khu nội trú được xây dựng dành cho học sinh ở xa. Mùa hè năm 1924, trường tổ chức thi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học khoá đầu tiên. Theo thống kê của trường, số học sinh trong năm học 1920 – 1921 là 27 em, đến năm học 1929 – 1930 là 519 em (Trường Quốc học Vinh, 2010). Học sinh đã tăng lên tăng lên hơn 90% sau 10 năm. Tuy nhiên, nếu so với con số học sinh Cao đẳng tiểu học ở Trung Kỳ (tháng 9/1929) là 3.070 học sinh, thì 519 học sinh trường Quốc học Vinh mới chiếm 16,9% số học sinh Cao đẳng tiểu học toàn Trung Kỳ. Một con số khá khiêm tốn. Lí giải vấn đề này cũng bởi, số học sinh trường Quốc học Vinh từ khi thành lập đến 1930 phần lớn là con em gia đình khá giả, rất ít học sinh là con nhà nghèo có thể theo học bởi nhiều lí do khác nhau.
Chương trình, sách giáo khoa và thời khóa biểu các trường Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ được quy định bởi Học chính Tổng quy, điều 134 quy định: “Việc giảng dạy bằng tiếng Pháp không mang tính bắt buộc tại các trường hàng xã”. Tuy nhiên, tại các tiểu học Pháp – Việt trên địa bàn nơi đây vẫn diễn ra thực trạng, tiếng Pháp được dùng để dạy học sinh ngay từ các lớp Đồng ấu bất chấp quy định của Học chính Tổng quy. Không những vậy, chữ quốc ngữ cũng bị xem nhẹ, thậm chí coi thường ngay trong tư tưởng của các cô cậu học trò. Điều đó cũng dễ hiểu, vì trong nội dung thi lấy bằng Sơ học không có thi Quốc ngữ mà chỉ thi tiếng Pháp; biết tiếng Pháp dễ xin việc làm ở các sở công, sở tư Pháp, còn biết chữ Quốc ngữ không đảm bảo kiếm được việc. Sách giáo khoa trong các trường tiểu học và cao đẳng tiểu học chủ yếu là các sách đã được xuất bản từ trước như: “Sơ học luân lý”, “Nam sử sơ học” của Trần Trọng Kim, “Ấu học tập đọc”, “Tiểu học tập đọc” của Nguyễn Đỗ Mục, “Văn quốc sử”, “Sơ học địa dư” cho các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng. Ngoài ra, giáo viên thường lấy các bài trong “Học báo” làm tài liệu giảng dạy, đến năm 1925 học sinh và giáo viên mới có sách giáo khoa theo đúng phương pháp sư phạm được biên soạn bởi Hội đồng Tu thư.
Giáo viên giảng dạy tại các trường Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ cũng như các tỉnh Trung Kỳ, phải có bằng Cao đẳng tiểu học trở lên cùng với chứng chỉ sư phạm. Trợ giáo dạy các lớp sơ đẳng trong các trường kiêm bị và trường sơ học phải có bằng Tiểu học và chứng chỉ sư phạm. Trong giai đoạn đầu của cuộc chuyển đổi các trường bản xứ sang trường Pháp – Việt, các thầy giáo truyền thống hay còn gọi là các Tổng sư, những người không được đào tạo trong nhà trường Pháp – Việt mà chỉ có bằng cấp từ các kỳ thi Nho giáo sẽ phải tham gia các khóa bồi dưỡng sư phạm ngắn hạn. Nếu ai lấy được bằng C.E.P (tiểu học) sẽ được bổ vào chính ngạch lên Bảo hộ. Ở Trung Kỳ, số lượng giáo viên người Pháp dạy tiếng Pháp tại bậc Cao đẳng tiểu học rất ít. Tính đến năm 1919, toàn Trung Kỳ chỉ có 2 thầy cho tất cả các tỉnh (thầy Griffon tại Vinh và thầy Rivaud tại Hội An). Việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong tỉnh và đi các tỉnh Trung Kỳ đã khiến cho mối quan hệ giữa thầy giáo, nhà trường, học sinh và địa phương không được gần gũi, làm hạn chế chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, phương pháp thầy đọc trò chép và học thuộc lòng diễn ra phổ biến tại các trường Pháp – Việt làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, gây tác động tiêu cực đến phương pháp giảng dạy.
Với giáo dục tư thục, ngay sau khi Nghị định ngày 14 tháng 5 năm 1924 được ban hành, Khâm sứ Trung Kỳ đã gửi đến Công sứ các tỉnh Công văn ngày 10 tháng 11 năm 1924: “Tôi trân trọng yêu cầu các ngài cần phải lưu ý đến các điều khoản của Sắc lệnh ngày 14 tháng 5 năm 1924 về việc quy định mở cửa và hoạt động của các trường tư thục ở Đông Dương” (Note postale Circulaire du Résident Superieur, J 1294) và ban hành hàng loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thành lập và hoạt động của các trường tư tại Trung Kỳ. Ngay sau khi Nghị định ra đời, các trường tư ở Trung Kỳ đã nở rộ. Theo số liệu của Nha học chính, năm 1926, số trường Sơ học tư thục ở Trung Kỳ là hơn 200 trường, trong đó trường tư do nhà thờ tổ chức là 145 trường (Gouvernement Géneral de I’Indochine,1926). Từ năm 1924 đến 1930, tại Thanh Hoá, nhiều trường tư thục được lập mới ở các huyện như: trường Thái Yên (Nông Cống), Mai Vực (Quảng Hoá), Trịnh Điện (Yên Định), Bạch Cầu, Tam Tổng (Nga Sơn), Dương Giáo (Thạch Thành). Năm 1925, hệ thống trường tư công giáo được lập ra ở nhiều nơi. Công văn số 546 ngày 16 tháng 12 năm 1925, thành lập 15 trường trường tư thục Nhà Chung ở Thanh Hóa với 431 học sinh (Ecoles privées de la Mission de Thanh – Hoa, 1927, RSA 4577). Nội dung giảng dạy tại các trường tư chủ yếu là dạy đọc, viết chữ quốc ngữ và các yếu tố đầu tiên của tính toán. Các trường học chỉ có một đến hai lớp, giáo viên chỉ có vài ba người. Theo tài liệu lưu trữ tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, trường sơ học Dương Giáo (Thạch Thành – Thanh Hóa) có hiệu trưởng là Phạm Hữu Phụng với các giáo viên là Phạm Phụng, Nguyễn Phương, Nguyễn Chất gồm 42 học sinh (30 nam, 12 nữ), trường học là nhà tranh, bàn ghế kém (Résidence de Thanh Hoá,1930, RSA 4558). Cơ sở vật chất trường lớp tại các trường tư thục còn nghèo nàn, đa số trường học bằng nhà tranh, một số ít nhà ngói hoặc học trong các nhà tư nhân, bàn ghế không nhiều, cũ. Tinh thần, ý thức học tập của học sinh chưa cao, “Học sinh học hành chểnh mảng vì chưa biết hâm mộ việc học” (Résidence de Thanh Hoá,1930, RSA 4558), nhận xét của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lập Trường Cougréganirte (Quan Hóa, Thanh Hóa). Các trường tư tôn giáo được mở chủ yếu dạy giáo dân học chữ Quốc ngữ, thuận lợi cho việc truyền đạo.
Theo quy định, trường tư thục chỉ được mở khi được phép và chịu sự giám sát của chính quyền Pháp, “Không một trường tư nào được mở nếu không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp”(Art.1) (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2016). Các cá nhân hay tổ chức xin phép mở trường tư phải đủ điều kiện về đạo đức và năng lực, bằng cấp và trình độ theo quy định của chính quyền cai trị. Chính quyền Pháp đưa ra những yêu cầu chặt chẽ khi cho phép các trường tư hoạt động, như Hiệu trường – người thành lập trường tư phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi, yêu cầu cơ sở vật chất trường tư, lớp học thông thoáng đủ ánh sáng, diện tích phù hợp với số học sinh, vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh… Thủ tục lập trường phức tạp, qua nhiều cấp phê duyệt và kiểm tra, vì vậy nhiều trường tư thành lập nhưng chỉ hoạt động một thời gian ngắn bị buộc phải đóng cửa. Ngày 21 tháng 1 năm 1930, Quyết định số 12 của Công sứ Vinh đóng cửa 9 trường tư thục ở Vinh do “thiếu học sinh”, “thiếu cơ sở vật chất” (Arrêté N.12, 11 Janvier 1930, RSA 4560). Quyết định số 393, số 19, số 64, số 677, số 21, số 22, số 66 của Công sứ Hà Tĩnh đóng cửa 7 trường tư thục tại Hà Tĩnh trong năm 1930. Năm 1934, 4 trường tiều học Văn Gia (Hương Khê), Tiên Lôi, Hà Lôi (Can Lộc), Trung Hà (Kỳ Anh) phải tạm đóng cửa vì lý do “thiếu thầy giáo” (Arrêté N.12, 11 Janvier 1930, RSA 4560).
Tại vùng miền núi ở Bắc Trung Kỳ, những vùng có địa hình tương đối thấp như Quan Hoá, Như Xuân (Thanh Hoá) hay Nghĩa Đàn, Quỳ Châu (Nghệ An), chính quyền Pháp đã tổ chức những trường sơ học hoặc tiểu học kiêm bị cho người Việt, người Mường, người Thái học chung. Bảng thống kê sau đây của chính quyền thực dân đã cung cấp chi tiết về số trường, số lượng học sinh miền núi Trung Kỳ như sau
Bảng 2: Bảng thống kê số lượng trường và học sinh miền núi Trung Kỳ trước năm 1930
Tỉnh | Số trường vùng cao | Số lượng học sinh |
Thanh Hóa | 22 | 1.057 |
Nghệ An | 10 | 344 |
Quảng Bình | 3 | 95 |
Quảng Trị | 1 | 12 |
Quảng Ngãi | 5 | 90 |
Phan Rang | 4 | 120 |
Bình Thuận | 5 | 223 |
Kontum – Pleiku | 4 | 295 |
Plateau du Lang Biang[4] | 2 | 133 |
Đắc Lắc | 1 | 187 |
Tổng | 57 | 2.556 |
Nguồn: Indochine Francaise: Gouvrnement Général de L’Indochine, Direction Générale de L’Instruction publique, L’Annam Scolaire: de l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco-indigène, IMPRIMERIE D’EXTRÊMEORIENT, HANOI, 1931.
Như vậy, bảng thống kê cho thấy, số trường học ở miền núi Bắc Trung Kỳ là 32 trường, với 1.401 học sinh, riêng số lượng học sinh dân tộc Thái có 817 em, còn lại 584 học sinh người Việt, chiếm tỉ lệ 54,81% học sinh miền núi toàn Trung Kỳ (Trung Kỳ: 1.377 học sinh dân tộc và 1.179 học sinh người Việt). Đồng thời với 57 trường nói trên, năm học 1929 – 1930 đã mở được 2 trường vùng cao ở Thanh Hóa, 5 trường vùng cao ở Nghệ An và tập hợp được 185 học sinh (Tạ Thị Thuý, 2005). Đây là một con số đáng mừng bởi số lượng trường học và học sinh các dân tộc thiểu số ở Bắc Trung Kỳ chiếm đông hơn các tỉnh khác trong vùng Trung Kỳ. Để động viên học sinh dân tộc thiểu số theo học, chính quyền Pháp đã cấp học bổng cho 3 học sinh dân tộc Mường, 20 học sinh dân tộc Thái đang theo học tại các khóa học ở trường toàn phần của Thanh Hóa phân bổ ở 7 trường khác nhau tại đây; 13 học sinh Mường trong đó có 8 học sinh được cấp học bổng đang theo các lớp tiểu học hoặc cao đẳng tiểu học ở trường Collège de Vinh (Indochine Francaise, 1931).
Chương trình học dành cho các trường ở miền núi chủ yếu hướng tới mục tiêu dạy cho học sinh biết đọc, biết viết, biết làm tính, hiểu luân lý truyền thống, đặc biệt là môn vệ sinh. Ở những vùng cao, nguy hiểm, địa hình hiểm trở, tổ chức trường lớp rất khó khăn, Nha Học chính đã cho xây dựng các khu nội trú cho học sinh và thực hiện theo nguyên tắc lấy ngôn ngữ của dân tộc đông nhất làm ngôn ngữ chính cho việc giảng dạy. Với mục tiêu “cốt sao cho mỗi làng đều có người có thể truyền đạt được những công văn từ tỉnh, huyện gửi về” (Phan Trọng Báu, 2006), Nha Học chính đã đề ra phương châm sao cho các dân tộc thiểu số đều học bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu vùng núi nào ngôn ngữ quá phân tán thì dùng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp để giảng dạy. Sách giáo khoa cũng được Nha học chính dịch từ tiếng Việt biên soạn và phát hành tại các huyện miền núi.
Vấn đề nhân sự cho các trường miền núi nơi đây cũng là một thách thức với chính quyền thực dân, đặc biệt là giáo viên. Nhằm đáp ứng đủ giáo viên cho các trường miền núi Trung Kỳ, chính quyền Pháp đã tổ chức các lớp sư phạm tại Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quy Nhơn nhằm đào tạo giáo viên người dân tộc. Sau khi học xong các lớp đào tạo này giáo viên trở về các huyện của mình để giảng dạy. Năm 1927, lớp sư phạm Thanh Hoá đã đào tạo được 23 giáo sinh người Thái, nhờ đó, Thanh Hoá đã mở được 7 trường tiểu học kiêm bị ở vùng miền núi. Tại Nghệ An, có 13 học sinh người dân tộc Thái học tại lớp sư phạm trường Quốc học Vinh, trong đó có 10 em được cấp học bổng, sau khi đào tạo về bổ sung giảng dạy tại các trường ở miền núi (Phan Trọng Báu, 2006). Phan Trọng Báu đã có những nghiên cứu rất chi tiết về giáo dục miền núi Trung Kỳ thời cận đại, ông nhận định: “tổng số học sinh Bắc Trung Kỳ và Tây Nguyên là 2.317 em, so với dân số thì tỷ lệ học sinh là 0,038%” (Phan Trọng Báu, 2006), trong khi đó tỷ lệ này ở Bắc Kỳ là 0,018%. Từ năm 1933 đến 1945 số trường và sĩ số học sinh miền núi Bắc Trung Kỳ tăng lên rõ rệt, tính đến năm học 1941 – 1942 có tới 1.011 học sinh Việt, Thái, Mường (Phan Trọng Báu, 2006).
4. Kết luận
Như vậy, mục đích của chính quyền Pháp khi áp dụng nền giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ giống như các vùng khác đó là từng bước xóa bỏ những ảnh hưởng còn sót lại từ lớp sĩ phu yêu nước một lòng chống đối chính quyền bảo hộ được lưu truyền qua nhiều thế hệ; xoá bỏ những rào cản, những thành lũy kiên cố của nền Hán học đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử trong lòng mỗi người dân Việt Nam, hướng nền giáo dục thực dân vào đối tượng chính là thế hệ trẻ, tạo ra một tầng lớp mới – tầng lớp thượng lưu thân Pháp, nhiễm tư tưởng, văn hóa Pháp, thấm đẫm“Chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề”. Tuy thực dân Pháp có chú ý mở rộng hệ thống giáo dục rộng rãi ra toàn vùng Bắc Trung Kỳ, song trên thực tế trường học chủ yếu ở tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn, phục vụ cho con em người Pháp và đội ngũ quan lại thân Pháp, lớp dân chúng tại xã thôn phần lớn vẫn trong tình trạng mù chữ.
Thực hiện chương trình giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ, người Pháp chủ yếu chỉ tập trung phát triển bậc Sơ đẳng tiểu học, hạn chế sự phát triển của các bậc Trung học, Cao đẳng và Đại học với mục đích cốt chỉ xóa nạn mù chữ cho trẻ con để biết đọc, biết viết. Đa số những trẻ em xuất thân từ nông dân nghèo khổ chỉ học tập ở các địa điểm trường làng với hệ đào tạo từ 2 đến 3 năm tương đương từ lớp 3 trở xuống, sau đó trở về cuộc sống làm ruộng để phụ giúp gia đình, một ít con em gia đình có điều kiện sẽ tiếp tục học tiếp ở những bậc cao hơn. Hoạt động của trường làng xã ở Bắc Trung Kỳ được duy trì và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục nơi đây, kinh phí xây dựng trường phần lớn do người dân tự đóng góp nhưng chính quyền vẫn muốn can thiệp vào việc bổ nhiệm, quản lý ngân sách, trả lương giáo viên và kiểm tra chương trình. Các Hương sư lập thành một đội ngũ giáo viên đông đảo nhưng luôn phải chịu sự bất công về lương bổng, điều kiện làm việc thiếu thốn và phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ cũng mang lại những hệ quả tích cực, những yếu tố mới trong bối cảnh giáo dục Nho giáo đang dần suy tàn bởi lối dạy học lạc hậu, nội dung phiến diện không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân tài trong bối cảnh mới.
Về hình thức tổ chức: giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ với hệ thống trường học, cấp học, lớp học bài bản, với các loại hình phổ thông và dạy nghề, từ đồng bằng đến miền núi đều có trường học. Học sinh được tổ chức lớp học với cùng độ tuổi, giống nhau về tâm sinh lý, thời lượng, chương trình học tập tương đối thống nhất…vì thế ít nhiều đã góp phần giải quyết xóa nạn mù chữ đối với con em thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đây là cơ sở quan trọng trong việc tiếp thu và kế thừa những di sản mô hình giáo dục tiến bộ mà người Pháp để lại trên mảnh đất Việt Nam nói chung, Bắc Trung Kỳ nói riêng.
Về nội dung, chương trình đào tạo của nền giáo dục Pháp – Việt tương đối toàn diện với các môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Pháp văn, chữ quốc ngữ. Cụ thể các môn học được quy định các cấp học, trong chương trình giảng dạy bậc tiểu học, bao gồm 6 môn, như: Luân lý; thể dục; vệ sinh; khoa học sơ lược; thủ văn, pháp văn và một môn học chữ Hán (không bắt buộc). Trong suốt quá trình 4 năm theo học tại các lớp Cao đẳng tiểu học, học sinh được học, nghiên cứu 13 môn học sau: Pháp văn, Luân lý, Lịch sử, Việt văn, Hán văn, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học, Tập viết chữ đẹp, Vẽ theo hình mẫu, Tìm hiểu công nghiệp và Thể dục. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, giáo dục Nho học được khép lại, chữ Hán dần bị xóa bỏ trong chương trình giảng dạy, môn học được thay thế bằng tiếng Pháp và một phần chữ Quốc ngữ. Những môn học mới, kiến thức mới giúp học sinh được tiếp cận với lối tư duy mới, tiếp cận trực tiếp với các hệ tư tưởng tiến bộ, những giá trị mới về tự do, bình đẳng, bác ái,… góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam giao thoa với các nền văn hóa phương Tây.
Có thể thấy, người Pháp đã có công đào tạo cho vùng đất Bắc Trung Kỳ một đội ngũ tri thức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia vào guồng máy cai trị của giới cầm quyền Pháp, đồng thời cũng đào tạo nên đội ngũ trí thức mới lớn lên cùng văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp nhận tích cực văn hóa hiện đại dưới sự chở che của mái trường Pháp – Việt ngày nào đã đứng lên đấu tranh. Họ trở thành những “thầy giáo đỏ”, những chí sĩ cách mạng kiên trung trong cuộc giải phóng dân tộc chống lại chế độ thực dân và phong kiến tay sai. Tiêu biểu cho lớp trí thức đó là Nguyễn Ái Quốc – Người được tiếp xúc với văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa Pháp, trở thành ngọn cờ lớn nhất để tập hợp tư tưởng yêu nước, đưa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phù hợp với yêu cầu thời đại. Nguyễn Ái Quốc cũng chính là người đi đầu, khai phá dòng giáo dục cách mạng, đào tạo những cán bộ biết vận động quần chúng làm cách mạng, phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi.
_________
[3]. dẫn theo Antoine Leon, Bulletin de l’ Ensignement Public au Maroc (1914-1952), tr.22
[4] Cao nguyên Lang Biang.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Antoine Leon (1991), Colonisation enseignement et education, L’Harmattan, Paris.
2. Arrêté N.4136, 26 novembre 1923 du Gouverneur Géneral de l’Indochine transformant le collège de Vinh en “College complementaire de plein exercice”, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4564, Lưu trữ QG IV.
3. Arrêté N.12, 11 Janvier 1930 du Résident de France à Monsieur le Résident Superieur en Annam, Hue, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4560, Lưu trữ QG IV.
4. Ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh (1984), Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập I, Nxb Nghệ Tĩnh.
5. Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb KHXH, Hà Nội.
6. Bulletin official de I’Indochine francaise. 1904, “Rapport au gouverneur general suivi d’un arrête portant creation d’un employ d’Inspecteur de I’Enseignement public et privé de I’Indochine”, 1904, N4.
7. Bulletin aministratif de l’Annam. 1919 “Note circulaire a.s de la reforme de l’Enseignement indigene (Du 30 Juillet 1919)”, 1919, tr.707.
8. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2016), Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858 – 1945), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
9. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, quyển 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Ecoles privées de la Mission de Thanh – Hoa (1927), phông Phủ Khâm sứ Trung KỳRSA 4577, Lưu tại Lưu trữ QG IV.
11. Gouvernement General de l’Indochinine, 1913, Rapport au Conseil de Gouvernement, Session ordinaire de 1913, Hanoi-Haiphong IDEO, tr.279.
12. Gouvernement Géneral de I’Indochine, 1926, Rapport au Conseil de Gouvernement, Session ordinaire de 1926, Hà Nội, Hải Phòng, IDEO, tr.462.
13. Trần Thị Phương Hoa (2012), Giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Kỳ (1884 – 1945), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Indochine Francaise: Gouvrnement Général de L’Indochine, Direction Génerale de L’Instruction publique, L’Annam Scolaire: de l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco-indigène, IMPRIMERIE D’EXTRÊMEORIENT, HANOI, 1931, tr.76.
15. Le Résident de France à Hatinh à Monsieur le Résident Supérieur en Annam, le 12 Février 1920, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4454, Lưu trữ QG IV.
16. Nguyễn Đỗ Mục (1913), “Gõ đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí, số 23, ngày 16/10/1913.
17. Note postale Circulaire du Résident Superieur attirant l’attention des Résidents sur les dispositions du décret du 14 Mai 1924 règlementant l’ouverture et le fonctionnement des établissements d’enseignement privé en Indochine, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-J 1294, tr.1300, Lưu trữ QG IV.
18. Résidence de Thanh Hoá Bordereau des pièces adressées à Monsieur le Resident Superieur en Annam (1930), Phông Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4558, Lưu trữ QG IV.
19. Statistique scolaires annuelles province de Nghe – An ecoles indigene officielles (1909), phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4454, Lưu trữ QG IV.
20. Statistique scolaires annuelles province de Nghean, Hatinh ecoles indigènes officielles (1909-1910), phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4454, Lưu trữ QG IV.
21. Statistiques trimestrielles des Ecoles laiques et congréganistes 2 trimestre 1912 à Annam, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA/HC 525, Lưu trữ QG IV.
22. Statistiques de l’enseignement de l’Annam, trimestre 1928, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4418, Lưu trữ QG IV.
23. Statistiques de l’enseignement, trimestre 1929, phông Phủ Khâm sứ Trung Kỳ-RSA 4418, Lưu trữ QG IV.
24. Stéphane Kotovtchikhine (2001), Paul Bert et l’Intruction publique, Édition Universitaires de Dijon, tr.112.
25. Trường Quốc học Vinh-THPT Huỳnh Thúc Kháng (1920 – 2010) (2010), “Mái trường xứng danh anh hùng”, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An.
26. Tạ Thị Thuý (2005), Lịch sử Việt Nam 1919 – 1930, Tập VIII, Viện Sử học, Hà Nội.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Trung kỳ 30 năm đầu thế kỉ XX (Tác giả: Tiến sĩ Dương Thị Kim Oanh; Thạc sĩ Dương Thị Thanh Hải) |