Giao lưu văn hóa Đông – Tây ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn (Phần 1)
Tác giả bài viết: ĐÀO HÙNG
(Tạp chí Xưa & Nay)
Kể từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng được bổ nhiệm làm trấn thủ Thuận Hóa, lịch sử Việt Nam đã mở ra một trang mới trong quá trình phát triển xuống phương Nam. Chính Đại Việt sử ký toàn thư, viết theo quan điểm của triều đình Lê – Trịnh phía bắc, cũng phải thừa nhận:
“Hoàng trị nhậm mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ, cấm chấp những kẻ hung ác; dân hai trấn đều cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức. Từ đấy người Mạc không dám dòm nom, trong cõi được yên ổn làm ăn.”
Còn Đại Nam thực lục của triều đình nhà Nguyễn thì tất nhiên có những đánh giá tích cực hơn:
“Chúa ở trấn mười năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn nước ngoài đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn.”
Nói như Keith Taylor, Nguyễn Hoàng cũng như các chúa Nguyễn kế tiếp đã đặt cho mình một sự lựa chọn mới trước những thách thức trên con đường mở cõi về phương Nam. Sự chọn lựa đó, theo một số học giả phương Tây, là vượt ra ngoài truyền thống cố hữu của người Việt, mang tính phóng khoáng cởi mở hơn. Và như Li Tana đã nhận định “trường hợp duy nhất trong lịch sử Việt Nam, họ Nguyễn cho phép người Nhật Bản hoặc người Trung Hoa có thể trở thành quan chức của chính quyền, và người phương Tây có vị trí trong triều đình, dù chỉ làm thầy thuốc. Cùng lúc đó việc sinh sống ở miền đất rộng vùng Nam Á giúp cho những di dân Việt Nam có thể vay mượn, xáo trộn và hấp thu rộng rãi những nền văn hóa của người Chăm và các dân tộc khác trong vùng” để đi đến kết luận rằng: “Kinh nghiệm của nhà Nguyễn đã mở ra một cánh cửa khác cho sự phát triển của nước Việt Nam. Nó mở ra một không gian mới trong đó phong cách sống của những người Việt Nam mới di cư đến đã tác động tương hỗ với những láng giềng của họ và cho thấy rằng xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII vẫn có thể phồn thịnh trong chừng mực nhất định ngoài vòng cương tỏa của Khổng giáo”1. Một trong những tác động đến từ bên ngoài đó là sự tiếp xúc với các đại diện đến từ các nước phương Tây.
Những sứ giả phương Tây đầu tiên đến Đàng Trong là những nhà truyền giáo. Đó là những giáo sĩ thuộc Dòng Tên (Compagnies de Jésus), dòng tu thành lập từ năm 1540, thuộc Giáo hội Rôma, nhưng lại dùng những phương pháp riêng để truyền giáo khác với các dòng tu khác. Giáo sĩ Dòng Tên phần lớn là những người có học vấn uyên bác, chủ trương dùng giáo dục để truyền bá đức tin, nên được nhiều bậc vua chúa ở phương Đông tin dùng. Sang Viễn Đông, Dòng Tên gặt hái được nhiều thành công ở Nhật Bản (từ 1549) và Trung Quốc (từ 1582), nhưng sau một thời gian lại bị đàn áp và trục xuất. Ở Đại Việt, giáo sĩ Dòng Tên đã có mặt từ giữa thế kỷ XVI, và từ 1550, nhất là từ 1580 có nhiều giáo sĩ thuộc các dòng tu khác như Franciscain (Phan Xi Cô), Dominicain (Đa Minh) và Augustin đến truyền giáo, phần lớn là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ý.
Sang thế kỷ XVII, kể từ năm 1613 khi Kitô giáo bị cấm ở Nhật Bản, các giáo sĩ mới hướng sự chú ý đến Đại Việt, trước hết là Đàng Ngoài. Người đầu tiên được biết đã đến Đàng Trong là một giáo sĩ người Ý, Francois Buzomi, thuộc Dòng Tên. Ông ra đi năm 1615, đến xứ Quảng và ở lại Đàng Trong 20 năm. Nhờ được sự che chở của trấn thủ Qui Nhơn, một người có thế lực đối với triều đình chúa Nguyễn, nên Buzomi tiến hành được công cuộc truyền giáo mặc dầu có nhiều sự phản đối của dân chúng địa phương. Trong số các cộng sự của Buzomi phải kể đến Francois de Pina, người Bồ, là người đầu tiên học tiếng Việt một cách nghiêm túc, sẽ là người có nhiều đóng góp cho việc sáng tạo chữ Quốc ngữ. Pina đến Đà Nẵng năm 1617, bị chết đuối năm 1625 trên đường đi đến giúp đỡ cho một chiếc tàu Bồ Đào Nha thả neo ngoài khơi Đà Nẵng. Trong những năm 1620, 1621, và 1622, còn có nhiều giáo sĩ khác được phái đến Qui Nhơn, mở rộng công cuộc truyền giáo ở nhiều nơi khác thuộc Đàng Trong.
Nhưng nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người Pháp thuộc Dòng Tên. Ông học toán, nhưng lại có khiếu về ngôn ngữ, đã sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng châu Âu, trong 34 năm ở châu Á, ông đã nói được tiếng Hindustan, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Hoa và Ba Tư. Đến Đàng Trong lần đầu năm 1624, giáo sĩ de Rhodes đã gặp de Pina mà theo ông là người đầu tiên nắm vững ngôn ngữ nước này. Trong khi các giáo sĩ khác phải thuyết giảng qua phiên dịch thì de Pina có thể nói trực tiếp bằng tiếng Việt. Vì vậy de Rhodes đã noi gương ông để học tiếng địa phương. Sau mấy lần ra Đàng Ngoài rồi trở lại Đàng Trong, de Rhodes quyết định phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Thực ra việc phiên âm sang mẫu tự Latinh là công việc tập thể, đã được các giáo sĩ de Pina, Borri, Gaspar de Amaral, Antoine Barbosa thực hiện, hai người sau đến Đàng Trong sau de Rhodes, cho nên không thể nói de Rhodes là người duy nhất sáng tạo chữ Quốc ngữ. Nhưng công lao của ông là đã chuẩn hóa và phổ biến thành một thứ chữ viết mới thuận lợi và dễ dùng. Sau khi trở về châu Âu, de Rhodes cho in cuốn Phép giảng tám ngày song ngữ Latinh-Việt và cuốn Tự điển Việt-Bồ-La năm 1651.
Chúa Nguyễn lúc đó đang xây dựng binh lực nhằm đối phó với chúa Trịnh ở miền Bắc, cần mua súng đạn của các nước châu Âu, nên muốn lợi dụng các nhà truyền giáo nước ngoài để lôi kéo tàu buôn phương Tây đến bán vũ khí. Thực chất thái độ đối với việc truyền bá Kitô giáo của các chúa Nguyễn không khác gì các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Các giáo sĩ chỉ tiếp cận được với một số bà phi, các bà trong cung có họ với nhà Chúa, hay một số phu nhân các quan triều, chứ chưa cải đạo được những người trong hoàng tộc và đại thần. Do vậy, việc truyền giáo chỉ đến được với một bộ phận nhỏ dân chúng, nhưng cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ vì Công giáo không thừa nhận việc thờ cúng tổ tiên, đi ngược lại với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Ngay đến một người hiểu biết rõ địa phương như de Rhodes, được cử trở lại Đàng Trong năm 1640 sau khi giáo sĩ Buzomi qua đời, vậy mà đến năm 1645 vẫn bị tống giam và trục xuất. Còn việc sử dụng những kiến thức về khoa học của các giáo sĩ Dòng Tên như Trung Quốc và Nhật Bản đã làm thì hầu như không được các chúa Nguyễn quan tâm.
Trở về Pháp năm 1652, Alexandre de Rhodes đã thuyết phục được Tòa thánh Rôma đẩy mạnh việc truyền giáo sang châu Á, nhưng lúc đó nước Pháp đang có quan hệ không tốt với Tòa thánh, nên đức Giáo hoàng đã chỉ thị rõ: “Đặc biệt là không cử giáo sĩ người Pháp!”. Trong việc này, các giáo sĩ Pháp còn gặp sự chống đối của người Bồ, vì từ năm 1493, Giáo hoàng đã dành cho Bồ Đào Nha độc quyền truyền giáo ở Viễn Đông. Được sự giúp đỡ của một số giáo sĩ Pháp trong đó có Giám mục Francois Pallu, và nhất là được sự ủng hộ của hoàng hậu Pháp, de Rhodes vận động được một số giáo sĩ quyết tâm mở rộng việc truyền giáo sang Viễn Đông. Năm 1660, tổ chức được một chủng viện ở Paris nhằm tuyển dụng những nhà truyền giáo sang Viễn Đông, nằm trên con đường du Bac ở Paris. Nơi này sẽ trở thành trụ sở của Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp từ đấy cho đến ngày nay. Các nhà truyền giáo Pháp đặt căn cứ đứng chân ở Xiêm, vì đây là nơi duy nhất không bị đàn áp tôn giáo, rồi từ đấy với dần sang Trung Quốc và Đại Việt. Tuy nhiên, tình hình ở Đàng Ngoài và Đàng Trong lúc đó không thuận lợi cho việc truyền giáo, đạo Công giáo bị cấm ở cả hai nơi. Mãi đến năm 1671, Giám mục Lambert de la Motte mới đến được Đàng Trong, và năm 1675 được đến Huế gặp chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1620-1687).
Chúa Hiền là chúa đời thứ năm của họ Nguyễn, là một người vũ dũng quen việc chiến trận. Ngay khi còn làm thái tử, Nguyễn Phúc Tần đã chỉ huy vây đánh ba chiếc tàu của Hà Lan tại Cửa Eo năm 1644, khiến thuyền trưởng phải tự tử, hai chiếc bỏ chạy. Năm 1648 lại được cử chỉ huy quân đánh lui cuộc tấn công của quân Trịnh về phía nam. Lên nối ngôi năm 1648, lúc cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn đang ở vào giai đoạn quyết liệt, quân Nguyễn đã tấn công ra phía bắc đến tận Nghệ An từ 1655 đến 1661. Hai cuộc tấn công cuối cùng của quân Trịnh về phía nam năm 1662 và 1672 đều bị đánh lui. Vì vậy mà Chúa Hiền rất quan tâm đến việc nhờ chuyên gia phương Tây giúp đỡ trong việc đúc súng. Chính nhờ có pháo của phương Tây mà quân Nguyễn đã thắng quân Trịnh trong những trận chiến sau cùng.
Nhưng chúa cũng chỉ sử dụng được một chuyên gia đúc súng là Jean de la Croix, một người Bồ lai Tây Ban Nha, sinh trưởng ở Goa, thạo nghề đúc súng. Không biết de la Croix đến Đàng Trong trong trường hợp nào và do ai giới thiệu, có tài liệu nói rằng ông bị đắm tàu dạt vào bờ biển Đàng Trong. Chỉ biết là ông được Chúa Hiền tiếp đón ân cần, cho về ở tại Phường Đúc đối diện với Kim Long bên hữu ngạn sông Hương. Đây là nơi tập trung các thợ đúc phục vụ cho Phủ Chúa, sau đấy de la Croix đã đưa cả vợ, con trai và con dâu về ở cùng. Đến nay, chúng ta chỉ biết de la Croix đến Huế đại khái là giữa 1655-1661, nhưng những khẩu pháo mà ông đúc cho Chúa rất được trân trọng. Mặc dầu Chúa Hiền không có thiện cảm gì với việc truyền đạo Kitô, nhưng vẫn đặc ân cho dựng một nhà thờ ở Phường Đúc và cho gọi về một linh mục Dòng Tên để lo việc lễ.
Jean de la Croix qua đời tại Huế năm 1682, con trai ông Clément de la Croix vẫn còn ở lại một thời gian sau. Công việc đúc pháo tiến hành trong 25 năm tuy không có công dụng gì lớn vì lúc này chiến tranh đã lắng dịu, nhưng ông đã để lại những chiếc vạc đồng kỷ niệm những sự kiện lớn của Chúa, đến nay vẫn là những công trình nghệ thuật hoàn hảo. Những khẩu pháo của ông đúc đều ghi tên JOAO DA CRUS, sau này người ta tìm thấy hai khẩu đặt trước cổng Bộ Chiến tranh ở Băng Kốc không hiểu từ đâu lưu lạc tới, và nhiều khẩu đặt trên tường thành Huế hay trong kho súng cho đến trước năm 1885. Sau vụ thất thủ Kinh đô, những khẩu pháo này đã bị đem bán cân thành đồng nát, ngày nay không còn dấu vết.
Như vậy, trải qua năm đời Chúa, đạo Kitô đã tìm được chỗ đứng chân ở Đàng Trong, nhưng không phải dễ dàng, vì chính sách đối với Công giáo của các chúa Nguyễn không nhất quán, sự nghi kỵ đối với các nhà truyền giáo vẫn còn nặng nề. Việc lợi dụng các giáo sĩ để mở rộng quan hệ với Tây phương không trở thành chủ trương cụ thể, mà chỉ là giải pháp tình thế khi có chiến tranh, rõ ràng nhất là chưa tận dụng được những hiểu biết của các nhà truyền giáo để mở mang việc học. Điều đó không những chỉ đối với người phương Tây, mà ngay cả đối với người Trung Quốc, sự đố kỵ hẹp hòi vẫn thể hiện qua sự tiếp xúc với học giả Chu Thuấn Thủy. Ông là một nhà nho học nổi tiếng của Trung Quốc, vì lánh cuộc xâm lược của Mãn Thanh nên phải lưu vong ra nước ngoài, muốn đem sở học của mình ra phục vụ các nước đồng văn. Chu Thuấn Thủy đã đến Đàng Trong năm lần từ 1646, 1651, 1652, 1653 và 1654, trong thời gian trị vì của Chúa Hiền. Sau khi được tiếp xúc với chúa, đã mấy lần bị bắt và suýt bị tử hình, cuối cùng Chu phải bỏ ra đi sang Nhật Bản. Tại Nhật Bản ông được tin dùng và có nhiều đóng góp vào việc trước thuật các sách Nho học. Theo lời nhận xét của Chu thì chúa Nguyễn không thực tâm sử dụng nhân tài nước ngoài, biểu hiện ở thái độ đa nghi co mình lại. Đấy cũng là thái độ chung của những nhà cầm quyền Việt Nam dù ở triều đại nào. Do vậy mà một nhân vật có tài năng như Chu cuối cùng phải sang Nhật mới phát huy được sở học và tài năng của mình.
Tiếp theo chân các nhà truyền giáo là các nhà buôn phương Tây, từ giữa thế kỷ XVI, Tây Ban Nha đã trở thành một nước có thế lực lớn trên các con đường hàng hải châu Á. Ở Philippin, Tây Ban Nha đã đẩy lui được người Bồ, mở rộng sự di cư của cộng đồng người Tây Ban Nha đến Cebu và Manila từ năm 1580. Năm 1593 tiếp đến năm 1598, tàu chiến Tây Ban Nha từ Manila đã từng đến vùng biển Champa và Campuchia, với ý định can thiệp vào nội tình Campuchia. Nhưng lúc bấy giờ chính quyền của thực dân Tây Ban Nha ở hải ngoại còn do Giáo hội Công giáo lũng đoạn, nên mục đích của họ là truyền giáo chứ không phải là mở rộng buôn bán với các nước phía nam Trung Quốc như Đại Việt, Campuchia và Xiêm. Vì vậy, mặc dù đã biết đến cảng Hội An của Đàng Trong, nhưng tàu buôn Tây Ban Nha vẫn không đến đây, mà chỉ cử những thuyền buôn do người Hoa điều khiển từ Manila đến. Đó là lý do khiến cho các nhà sử học sau này phải gọi là “quan hệ trong lịch sử giữa Tây Ban Nha và Việt Nam ít ỏi một cách bất bình thường”1, mặc dầu so với các nước phương Tây khác thì Tây Ban Nha có căn cứ rất gần Việt Nam. Hơn nữa từ cuối thế kỷ XVII, thương nhân Tây Ban Nha đã lui tới Đàng Trong với mục đích khai thác gỗ và đóng thuyền ở đó2. Và phải đợi đến mãi giữa thế kỷ XIX, Tây Ban Nha mới chính thức có mặt ở Việt Nam, nhưng lại trong tương quan xâm lược với Liên quân Pháp – Tây. Người Bồ Đào Nha sớm có mặt ở Viễn Đông, đã thuê được Áo Môn của Trung Quốc từ cuối thế kỷ XVI để làm căn cứ thương mại và nhờ đó có thể dễ dàng lui tới Hội An. Tuy không có ý định lập thương điếm ở đây, nhưng người Bồ luôn cạnh tranh, dèm pha thương nhân các nước khác, không muốn cho họ giao dịch với các Chúa ở Đàng Trong.
Nước Anh lúc đó đã chiếm xong phần lớn ấn Độ và đang đặt cơ sở bước đầu để buôn bán với Trung Quốc. Tuy nhiên năm 1613, đại lý của công ty Đông Ấn Anh ở Nhật Bản đã phái một thương nhân là Peacock đến Hội An, nhưng không hiểu vì lý do gì Peacock bị giết khi lên bờ, do vậy mà cuộc tiếp xúc bị gián đoạn. Mãi đến năm 1695, công ty mới phái Bowyear đến Đàng Trong để thương lượng mở thương điếm và ký kết các thỏa thuận buôn bán, sau khi đã gặp nhiều thất bại ở Đàng Ngoài. Bowyear đến Huế yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), nhưng có lẽ do không đảm bảo được các điều kiện giao dịch nên công việc không tiếp tục3. Vì vậy trong suốt thế kỷ XVIII, có thể nói người Anh không ngó ngàng gì đến Đại Việt, trừ một vài nhà buôn có dịp ghé qua Hội An mà không có hoạt động gì ngoài một vài bài tường thuật các chuyến du hành. Tuy vậy, năm 1793, trên đường đến Trung Quốc đàm phán, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Anh Macartnay, chỉ huy ba chiến hạm lớn đã cho thả neo ngoài khơi Đà Nẵng từ 24-5 đến 17-6. Trước đấy tàu đã ghé lại đảo Côn Lôn ngày 17-5-1793, nơi ng-ời Anh đã từng chiếm đóng một thời gian nhưng rồi phải bỏ đi vì bạo loạn. Người Anh tỏ ra quan tâm đến cù lao Chàm vì họ biết người Pháp đã có ý định lập căn cứ ở đây làm nơi neo đậu cho tàu thuyền qua lại. Nhưng bấy giờ là lúc Nguyễn Huệ vừa qua đời, triều đình của Nguyễn Quang Toản đóng ở Huế đang phải lo đối phó với cuộc nội chiến nên người Anh không biết đàm phán với ai. Phải đợi đến năm 1804, sau khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, đại diện Công ty Anh quốc đóng tại Quảng Châu là Roberts mới đến yết kiến vua Gia Long. Nhưng đấy là chuyện về sau.
Trong các nước phương Tây lúc bấy giờ, Pháp và Hà Lan là hai nước có sự quan tâm nhiều nhất đến Đại Việt. Đầu năm 1636, công ty Đông Ấn Hà Lan đã lập thương điếm ở Hội An do Abraham Duijcker quản lý. Nhưng trong khi đó, người Hà Lan lại có nhiều liên hệ với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thậm chí còn bán vũ khí cho chúa Trịnh để đánh quân Nguyễn, vì vậy không được Chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan 1601-1648) tin cậy và gây nhiều khó dễ trong việc buôn bán. Trước tình thế đó năm 1641, người Hà Lan phải bỏ thương điếm ở Hội An và giao lại cho một người Nhật trông nom. Tiếp đấy, tàu Hà Lan còn mấy lần bị thủy quân chúa Nguyễn đánh chìm trên hải phận Đàng Trong nên quan hệ giữa hai bên hầu như gián đoạn.
Chỉ còn lại Pháp là nước đang cố gắng đặt quan hệ buôn bán với Đàng Trong. Mối quan tâm đầu tiên của người Pháp đối với Đàng Trong được thể hiện thông qua hoạt động của công ty Ấn Độ của Pháp. Những thông tin về Đàng Trong mà Công ty có được phần lớn là do các giáo sĩ Pháp cung cấp. Hai nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện sự quan tâm đó là Dupleix và Pierre Poivre.
Năm 1720, chiếc tàu chiến Galathée của công ty Ấn Độ trên đường đi Trung Quốc để chuẩn bị cho việc thành lập thương điếm ở Quảng Châu, do cần tiếp tế nước ngọt và thức ăn nên phải ghé lại một làng Chăm trong vịnh Phan Rí lúc này chưa thuộc quyền cai trị của chúa Nguyễn. Hai sĩ quan lên bờ bị người Chăm bắt giữ, và sau gần một tháng trời thương lượng, cuối cùng người Chăm chịu thả với điều kiện thuyền trưởng phải nộp phạt. Sự việc không may đó khiến cho dự định thành lập thương điếm của Pháp ở Quảng Châu phải trì hoãn đến 20 năm, nhưng lại khiến cho công ty Ấn Độ chú ý đến bờ biển miền Trung, khi đó phần lớn đã thuộc lãnh thổ Đàng Trong.
Năm 1737, thống đốc Pondichéry, thuộc địa Pháp ở Ấn Độ, báo cáo về Paris ca ngợi sự phì nhiêu của Đàng Ngoài và Đàng Trong (Tonquin và Cochinchine). Năm 1740, viên thống đốc đã đề nghị Giám mục Baume làm trung gian để thương lượng với triều đình Huế cho phép sử dụng cảng Đà Nẵng, đánh dấu sự chuyển hướng của công ty Ấn Độ đối với Đàng Trong kể từ 1740 đến 1750.
Năm 1743, Nam tước Ireland là Jacques O’Friell phụ trách một thương điếm ở Quảng Châu, được sự giúp đỡ của một thương nhân người Pháp, đã đến Đàng Trong. Friell đã mấy lần đến vùng này và từng kiếm được một món tiền kha khá, nên ông tin ở chuyến đi này. Mặc dầu không có phiên dịch nhưng Friell vẫn “được chúa Võ Vương tiếp đón niềm nở và được đánh giá tốt”, được miễn tiền thả neo, được phong một chức quan và cấp một mảnh đất để xây kho chứa hàng trong mùa đông. Cuối năm 1743, Friell trở về Pondichéry, ông đề nghị công ty Ấn Độ cho mở một thương điếm ở Đàng Trong. Lúc này Friell đã kết hôn với người cháu gái của Dupleix nên chuyển sang làm việc cho công ty Ấn Độ của Pháp.
Nhưng do chiến tranh Pháp – Anh nổ ra nên mãi đến năm 1748, công ty Ấn Độ mới cử người đến Đàng Trong, nhưng không phải là Friell mà là Dumont. Dumont ở lại Đàng Trong 18 tháng, khi trở về Pondichéry ông đề nghị nên đặt một thương điếm ở Cù lao Chàm đối diện với Hội An, vì theo ông đây có thể trở thành một Hồng Kông của Pháp để đón tàu trên đường đi từ Campuchia sang Quảng Châu. Nhưng đề nghị đó không được xem xét nghiêm túc.
Trong khi đó ở Paris năm 1746, Pierre Poivre nắm lấy ý tưởng của Friell để đưa ra một dự án với công ty Ấn Độ nhằm mở một nguồn thương mãi với Đàng Trong, đồng thời tìm kiếm ở Viễn Đông những cây gia vị đang được ưa chuộng để đem về, phá thế độc quyền của người Hà Lan. Poivre đến Pondichéry năm 1748, mặc dầu không thích người đồng nghiệp này, nhưng Dupleix vẫn phải cấp cho Poivre chiếc tàu Machault có 40 khẩu pháo để lên đường đến Đàng Trong.
Poivre đến Đà Nẵng ngày 29-8-1749, ở lại đây 5 tháng và hai lần vượt đèo Hải Vân ra Huế. Poivre đã biếu chúa Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát, 1714-1765) 12 kiện tặng vật cùng một con ngựa giống đẹp và một con ngựa cái, tất cả trị giá 100.000 livres. Chúa tiếp đón Poivre rất nồng hậu, cho đi thăm cung đình và mời cơm hai lần. “Tôi đã nhân lúc Chúa hài lòng để xin được giấy phép buôn bán, mặc dầu lúc đó người Pháp chưa được biết nhiều nhưng vẫn được phép buôn bán trên toàn lãnh thổ, được miễn các loại phí, chỉ phải nộp 4.000 quan tiền cho mỗi chiếc tàu bất cứ to nhỏ như thế nào”. Giấy phép này được chúa Võ Vương ký ngày 27 tháng 11 năm Cảnh H-ng thứ 10 (tức 5-1-1750). Pháp là nước đầu tiên có giấy phép đó, mấy năm sau người Hà Lan mới được. Poivre rời Hội An tháng 2-1750, tháng 4 năm đó đến Pháp đem theo “300 loài cây ở Đàng Trong mà ông cho là có ích”.
Trở thành người am hiểu tình hình Đàng Trong, Pierre Poivre đã được Công tước Choiseul – Praslin, bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp hỏi ý kiến về hành động ở Đàng Trong nhằm phát triển thế lực của Pháp sang phương Đông, sau những thất bại quân sự ở châu Âu. Poivre tuy là một thương nhân, nhưng lại đưa ra một giải pháp vũ lực nhằm chiếm lấy Đàng Trong biến thành thuộc địa của Pháp, trong thư trả lời ngày 1-8-1768. Nội dung bức thư có đoạn như sau:
“Tôi xin tự mình trả lời ngài rằng… Đàng Trong có 400 thớt voi, 90 tàu chiến với 60 tay chèo, khoảng 20.000 quân sĩ, đóng khắp cả nước đến tận vương quốc Campuchia, vào lúc tôi đến thì hoàn toàn thần phục Đàng Trong. Binh sĩ bị bắt đi lính, không được trả lương, cũng không được phát quần áo… Nhà vua chỉ có thể dựa vào 2.000 quân cấm vệ và sử dụng trên chiến thuyền, họ cũng không được trả lương bổng khá và hoàn toàn thiếu kỷ luật… Của cải dựa chủ yếu vào các mỏ vàng, người ta không biết đến bạc…
… Phải mất nhiều năm mới khiến cho người dân ở đây làm quen với hàng hóa của chúng ta. Muốn như vậy phải làm chủ các hải cảng chính, đấy là Tourane và Faifo. Người dân ở đây đơn giản, hiền lành và thật thà, nhưng tất cả những kẻ làm cho chính quyền đều thiếu thiện chí. Tôi nghĩ rằng không bao giờ thiết lập được cơ sở vững chắc ở Đàng Trong ngoài vũ lực. Phải bất ngờ tập kích cung điện của Chúa để chiếm lấy kho tàng, cho họ thấy sức mạnh hải quân bảo đảm thắng lợi của chúng ta. Tuy cung điện của Chúa có nhiều pháo bảo vệ, nhưng không có thuốc súng, cũng không có đạn lẫn dụng cụ điều khiển pháo1. Ta có thể đổ bộ ở cửa sông Huế, đi tàu nhỏ ngược sông, nhưng phải có nhiều người để kiểm soát cung điện vì rất lớn…”.
___________
1 Li Tana, “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII- Một mô hình khác của Việt Nam”, trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb Trẻ, 2001, tr. 195.
1 Florentino Rodao, Philippin, Việt Nam, Tây Ban Nha từ khi chưa có Đông Nam Á, 1965-1898, bài nói chuyện tại Viện Sử học, tháng 6-2008.
2 Li Tana dẫn của Bowyear, “Thuyền và kỹ thuật đóng thuyền ở Việt Nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19”, trong X-a & Nay số 131, tháng 1-2003, tr. 21.
3 Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1967, tr. 550-552.
1 Poivre còn nói thêm: “Tôi đếm được 1.600 khẩu pháo, trong đó có 400 khẩu bằng đồng, trước kia được Da Costa đúc. Ông ta là người Bồ Đào Nha bị đắm tàu ở bờ biển Đàng Trong”.
Kế hoạch này được Poivre vạch ra nhằm tấn công vào kinh đô Đàng Trong, sau này được
Napoléon III và Đô đốc Rigault de Genouilly sử dụng để lập kế hoạch tấn công Đà Nẵng năm 1858.
Theo Georges Taboulet, La geste francaise en Indochine, Adrien-Maisonneuve, Paris, 1995, tr. 152-153.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả đón xem: