Giới thiệu sơ lược một ấn triện triều Nguyễn
Tác giả bài viết: NGUYỄN CÔNG VIỆT
ẤN TRIỆN – loại hình ta thường thấy xuất hiện không ít trên công văn, sắc, chiếu, sách. bằng khuôn cỡ, bố cục, chữ triện khác nhau: loại hình mà người làm công tác nghiên cứu văn bản Hán Nôm, khảo cổ, lưu trữ, bảo tàng đều thấy đó là đề tài cần tìm hiểu và giải mã.
Hình minh họa
Ngoài số ấn triện bằng hiện vật còn nằm ở một số nơi thuộc các cơ quan bảo tàng, văn hóa và rải rác ở các địa phương, trong dân gian, dấu ấn còn giữ lại được nhiều trong thư tịch sắc phong ở các thư viện, kho lưu trữ, trong các chùa đền. Bước đầu chúng tôi xin giới thiệu ấn triện triều Nguyễn với những loại hình có tên gọi khác nhau, quy định được dùng ấn ở một số cấp ngành, có liên quan đến vấn đề quan chức chế đầu đời Nguyễn.
Với chủ trương xây dựng một chế độ quân chủ chuyên chế, mọi quyền hành đều nằm trong tay nhà vua. Ấn và kiếm là biểu thị quyền lực tối cao của đấng thiên tử, nên ấn của vua được đặc biệt coi trọng. Bao giờ ấn của vua cũng được làm to hơn cấp dưới, trên ấn thường chạm trổ hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), nét khắc rất công phu: mặt dưới thường làm theo hình vuông, hoặc hình tròn. Chất liệu, nếu có ngọc lớn thì đóng chữ Ngọc tỷ hoặc chữ tỷ. Khi không có ngọc lớn thì đúc ấn bằng vàng và khắc chữ Tỷ, như dấu “Đại ham hoàng đế chi tỷ”(1) của vua Minh Mệnh.
Việc đúc ấn của vua diễn ra với những nghi thức hết sức long trọng. Đại Nam hội điển toát yếu (2) ghi rõ “Phàm khi có đúc ấn bằng vàng, thì trước đó Bộ (3) tư cho Khâm Thiên giá (4) chọn ngày tốt, phủ Thừa Thiên sắm sửa lễ vật. Đến ngày đã định, hữu ty kính cáo với thần Tư Công (5) rồi Bộ hội đồng với Vũ khố (6), phủ Nội vụ (7) kính cẩn giám thị, theo quy thức chế tạo, khi đúc xong dâng lên”.
Ấn của vua được dùng nhiều nhất là chữ BẢO 寶, chữ Bảo được dùng với nhiều dạng dấu khác nhau. Loại trực tiếp vua dùng như dấu “Hoàng đế chi bảo” (8) hoặc gián tiếp quần thần thay mệnh vua đóng, loại lớn như “Quốc gia tức bảo”, kiềm bảo nhỏ như “Ngự tiền chi bảo” (9) v.v…
Không phải tất cả ấn có chữ Bảo đều làm bằng vàng, mà những dấu do bộ trực, văn phòng quản lý, thay mặt vua đóng vào văn bản khi đã được “chân phê” hoặc “châu điểm”, cũng chỉ được làm bằng ngà. Xin giới thiệu quả ấn bằng ngà có dòng chữ Bảo, còn giữ được ở viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội. Ấn có ký hiệu LSb.62 – 78, ngoại hình mặt trên chạm trổ hình con lân ở thế đứng, không ghi niên đại. Dấu hình tròn có đường kính 10.8 cm; viền vòng ngoài để rộng 1.5cm khắc hình 2 con rồng uốn dài châu đầu vào hình cầu bốc lửa phía dưới, hai bên hình cầu có những đám mây. Vòng trong gồm 12 chữ triện khắc rõ nét xếp theo chiều dọc 4 hàng, 8 chữ ở 2 hàng giữa và 4 chữ xếp 2 hàng bên để cân đối với dấu hình tròn. Đó là 12 chữ “Hoan phụng ngũ đại đồng đường nhất thống Thiệu Trị chi bảo”.
Như vậy niên đại của ấn đã được xác định tương đối rõ, ấn được làm trong khoảng đời Thiệu Trị (từ 1841 đến 1847).
Trên văn bản, Bảo thường thấy nhiều nhất ở sắc phong, ngoài số sắc phong có ở Thư viện ra, còn nằm rất nhiều trong dân gian (chùa, đền, miếu)… Ở sắc con dấu có cỡ khá lớn, thường là dấu hình vuông, cỡ 13 x 13 cm, có khi còn lớn hơn với 4 chữ triện vuông vức “Sắc mệnh chi bảo” được đóng rõ nét với màu son đỏ, chỗ ghi niên đại ngày tháng.
Ấn mang chữ Bảo có từ lâu đời, suốt trong thời kỳ phong kiến nước ta, qua mỗi triều đại không thấy có sự đổi thay, và duy trì cho đến khi nhà Nguyễn chấm dứt.
Ở các cấp các ngành việc dùng ấn cũng có quy định rõ ràng. Từ cơ quan ở các bộ, khoa, đạo v.v… xuống tới các địa phương cấp huyện dùng ấn có chữ Ấn 印 . Ở đây ta phải phân biệt từ “ấn” một loại danh từ chung chỉ tất cả những loại ấn khác nhau; một loại là danh từ riêng chỉ loại hình ấn lớn của cơ quan, ấn ở đây cũng như Tỷ, Bảo là chữ cuối cùng ở dòng chữ trong dấu. Số lượng ấn cơ quan tương đối nhiều, chiếm phần lớn trong toàn tổng số ấn triện. Ấn có cỡ lớn thường là ấn cơ quan bộ, hoặc là những chức phẩm hàm ngang bộ bên quân đội, ví như ấn bộ Hộ: “ Hộ bộ chi ấn” (10), cũng như ấn các bộ khác, ấn này có kích thước 9,2 x 9,2 cm.
Ấn lớn của cơ quan được quy định về kích thước cho mỗi cấp, ngành và bao giờ cũng làm theo hình vuông. Đại nam điển lệ ghi rõ, trong mục “Ấn triệu các quan chức: “Lệ năm Minh Mệnh 13 (11) (1832) định, các quan Tổng đốc Tuần phủ ở các tỉnh (12)… Các quan Bố chánh, Án sát ở các đạo ấn vuông 1 tấc 8 phân… Ấn các quan phủ vuông 1 tấc 6 phân 2 ly. Ấn các quan huyện quan châu vuông 1 tấc 4 phân…”. Như vậy ta thấy rõ cấp bậc rõ hơn thì dùng ấn nhỏ hơn. Dấu Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi “Quảng Ngãi bố chính sứ ti chi ấn” (13) đóng năm Thiệu Trị thứ 7 (1874) có cỡ 7,5×7,5cm so với dấu “Hộ bộ chi ấn” trên thì dấu này cỡ nhỏ hơn hẳn.
Giới thiệu tiếp một ấn cơ quan cấp huyện có ở viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội. Ấn có ký hiệu L.Sh 2523, chất liệu bằng đồng, ngoại hình có cán chuôi, cao 5,5cm và dầy 1,5cm. Mặt trên không ghi rõ niên đại và nơi sản xuất, chỉ ghi trọng lượng 15 lượng. Dấu hình vuông cỡ 6x6cm, viền ngoài để đậm 0,5 cm; 4 chữ triện xếp theo chiều dọc 2 hàng, nét chữ mềm cong, bố cục chữ xếp không được đều, nét chữ thiếu ngay ngắn. Đó là 4 chữ “Văn chấn huyện ấn” (Xem ảnh 2). Đây là dấu cơ quan huyện Văn Chấn, đồng thời cũng là dấu lớn nhất cấp huyện do Tri huyện Văn Chấn quản. Đời Gia Long, Văn Chấn thuộc phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hóa, đến Minh Mệnh 13 (1832) đổi thành tỉnh Hưng Hóa (14).
Xét về kích thước dấu có cỡ bằng tất cả mọi dấu cơ quan cấp huyện (Tri huyện) như lệ Minh Mệnh 13 (1832) đã định. Nét chữ triện giống với chữ của những dấu đời Nguyễn, cộng với phần ngoại hình ấn, chúng tôi khẳng định đây là ấn triều Nguyễn.
Để tập trung quyền hành, các vua Nguyễn trực tiếp bổ nhiệm quan chức từ trên xuống tận cấp huyện (Tri huyện). Mọi quy chế đầu đời Nguyễn rất được chú trọng, nên ngay cả những ấn dấu cấp thấp thời nay cũng phải được làm nghiêm túc, bố cục cân đối, nét chữ đều đặn, ngay ngắn, thường có khắc niên đại trên ấn. Đời Gia Long quy chế còn giảm được, nhưng chữ triện trong dấu vuông vức gần với thời Lê – Trịnh hơn. Đến các vua đời sau này có kém đi, lại thấy trong Đại nam điển lệ ghi rõ: “Lệ Đồng Khánh năm đầu định rằng các ấn, kiềm, đồ ký ở các tỉnh hạt xứ Bắc kỳ, nếu có thất lạc cái nào, tâu lên nha kinh lược, sẽ theo kiểu mà chế tạo cái mới cấp cho. Việc làm xong, nha kinh lược phải đệ cái kiểu ấy về bộ để lưu chiểu” (15). Qua những điểm trên cộng với việc so sánh những con dấu đồng hạng cấp huyện ở các đời Nguyễn, chúng tôi cho rằng ấn có ký hiệu LSb 2523 là ấn được làm mới sau này bổ sung cho cái cũ bị thất lạc, vào khoảng đời Đồng Khánh.
Ngoài ấn lớn của cơ quan, còn có một loại hình ấn được làm với kích thước khá nhỏ, đơn giản mà triều Nguyễn gọi là KIỀM. Ở đây kiềm không phải là chữ cuối cùng trong dấu mà danh từ chung chỉ loại ấn nhỏ này: có thể dịch nghĩa kiềm là ấn nhỏ của cơ quan. Ở mỗi cơ quan dù là cấp bộ hay ở cấp huyện, châu, bên cạnh ấn lớn bao giờ cũnh có một kiềm con đi kèm. Như bộ Lại với ấn lớn: (Lại bộ chi ấn) và 1 kiềm con đóng 2 chữ “Lại bộ” (16).
Trên văn bản số lượng dấu kiềm bao giờ cũng xuất hiệu nhiều hơn những dấu khác. Ví dụ trên 1 bản lục (bản phải hoàn về nha môn gốc) ấn lớn của bộ đóng 1 dấu ở trang cuối, thì kiềm nhỏ của bộ đóng nhiều nơi trên mặt chữ và chỗ giáp trang trên nhiều trang giấy. Điều này cũng chứng tỏ vai trò khi nghiên cứu văn bản Hán Nôm.
Đơn cử 1 kiềm nhỏ cấp huyện còn ở viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội. Kiềm có ký hiệu LSb 2519, chất liệu bằng đồng. Ngoại hình theo kiểu hình thang, cao 2,2 cm, mặt trên cỡ 1,3 x x1,3 cm, đặt dấu hình vuông cỡ 1,9 x 1,9 cm. Hình dấu là 2 chữ triện xếp theo chiều ngang từ phải sang trái. Đó là 2 chữ “Văn Chấn”. Đây là kiềm nhỏ cấp huyện, bên cạnh ấn lớn huyện Văn Chấn “Văn Chấn huyện ấn” mô tả ở trên. Với bố cục chữ trong dấu không cân đối, nét chữ giống như dấu lớn “Văn Chấn huyện ấn”, cộng với việc xác định niên đại của ấn lớn huyện Văn Chấn đã nói, chúng tôi cho rằng kiềm nhỏ này có cùng niên đại với ấn LSb 2523, tức là vào khoảng đời Đồng Khánh.
Danh từ ta thường thấy đi liền với ấn là CHƯƠNG 章 , nên ấn triện còn có tên gọi nữa là ấn chương. Triều Nguyễn ấn có chữ “Chương” chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời Gia Long và đầu đời Minh Mệnh. Do mối liên hệ giữa ấn chương và quan chế triều Nguyễn, buộc chúng ta phải trở lại tìm hiểu về sự phân chia khu vực hành chính toàn lãnh thổ Việt Nam đầu đời Nguyễn. Từ khi lên ngôi, Gia Long chia nước thành ba khu vực Bắc, Trung và Nam. Bắc thành ở phái bắc, quản 11 trấn và các đạo, phủ lẻ; Gia Định thành ở phía nam, quản 5 trấn. Những đơn vị (trấn) ở 2 khu vực này dùng ấn đóng chữ “Ấn” kể cả Tổng trấn và trấn như “Bắc Thành tổng trấn chi ấn” (17) “Nam Định trấn ấn” (18).
Ở trung phần từ Thanh Hóa trở vào đến Bình Thuận, gồm 3 trấn và 9 doanh thì trực thuộc thẳng triều đình (kinh đô Huế); Những đơn vị này dùng ấn đóng chữ “Chương”. Ví dụ 1 dấu có chữ “Chương” áp trên văn bản tập “Công văn cựu chỉ” (19). Dấu hình vuông cỡ 8,4×8,4cm, viền ngoài để đậm 1cm, 6 chữ triện xếp theo chiều dọc 3 hàng. Kiểu chữ khắc vuông vức gần với tự dạng dấu thời Lê – Trịnh. Đó là 6 chữ “Thanh Hoá trấn thủ chi chương”, chỉ rõ đây là dấu của quan trấn thủ trấn Thanh Hóa (20). Điều đáng chú ý là dấu được áp trên văn bản có ghi niên đại ngày tháng. Xem ảnh 4 ta thấy rõ dòng chữ “Gia Long tam niên tam nguyệt thập bát nhật” viết giữa trang giấy từ trên xuống dưới. Dấu được đóng phía dưới, phần trên dấu dính vào chữ “nhật”. Như vậy dấu này được đóng vào ngày 18 tháng 3 năm Gia Long thứ 3 (1804). Trong văn bản ghi rõ chức quan có con dấu này là Khâm sai chưởng Hữu Doanh Đô thống chế Lãnh Thanh Hoa trấn. Thời Gia Long cho đến đầu Minh Mệnh, đứng đầu các tỉnh vẫn là những quan võ, bên cạnh có các chức khác nhau như Khâm sai phó trấn, Hiệp trấn, Tham hiệp, Cai bạ phụ giúp.
Sang đầu đời Minh Mệnh có những thay đổi dần dần về tổ chức đơn vị hành chính, dẫn đến việc ấn triện cũng có sự thay đổi. Những trấn do triều đình quản như Thanh Hoa, Nghệ An dùng ấn này thay chữ “chương” bằng chữ “ấn” như dấu các trấn ở Bắc Kỳ. Như dấu trấn Thanh Hoa đóng năm Minh Mệnh 7 (1826) là “Thanh Hoa trấn ấn (21). Con dấu này có khác “chương” của Thanh Hoa cũ về viền ngoài dấu nhỏ hơn, cỡ 0,7cm; tự dạng cũng khác, vì dấu có 4 chữ nên viết khuôn theo hình vuông.
Những quy chế thay đổi như vậy của ấn dễ gây nhầm lẫn trong khi nghiên cứu. Xin dẫn ra trường hợp gây nhầm lẫn khó hiểu giữa ấn và chương. Trên cùng một tập công văn có cùng dạng văn bản như nhau, niên đại ghi cùng 1 thời gian, có cấp đơn vị ngang nhau, ở cùng 1 khu vực (Trung kỳ), lại xuất hiện 2 con dấu khác nhau hoàn toàn về tên cấp đơn vị và tên ấn, mà trước đó không lâu chúng có tên đơn vị và tên ấn như sau:
Hai dấu “Quảng Nam doanh chi chương” và “Bình Định trấn ấn” cùng đóng 1 tập Chư bộ nha 18 (22) với cùng niên đại ghi trên văn bản là Minh Mệnh 7. Nếu theo quy định cũ, Bình Định vẫn là doanh thuộc Trung kỳ như Quảnh Nam. Sự thay đổi Doanh thành Trấn phải được tiến hành đồng bộ cùng một lúc? Việc dùng ấn, đổi ấn cũng phải được thực hiện cùng một lúc?
Nhưng trên thực tế lúc này – năm Minh Mệnh 7 (1826), vua Minh Mệnh đang tiến hành phân chia lại khu vực, thay đổi điều chỉnh phẩm cấp quan chức, tên gọi các cấp. Thực chất mới tiến hành sơ bộ bước đầu vài ba nơi, chưa thật hoàn thiện để thành văn bản chính thức, nên tạm thời cùng một lúc công nhận 2 loại ấn triện trên. Đến năm Minh Mệnh 8 (1827) mọi quy chế mới được ban hành và thực thi, Doanh được đổi làm Trấn và tất cả những ấn triện có dòng chữ “Chương” được bộ Lễ thu hồi, mang hủy không dùng nữa. Tới năm Minh Mệnh 12 (1831) ở miền Bắc và năm Minh Mệnh 13 (1832) ở miền Nam, bãi bỏ cấp Thành (Tổng trấn) và các trấn được đổi làm tỉnh trực thuộc thẳng triều đình.
Công việc tiếp xúc với văn bản đã giúp cho chúng ta hiểu thêm rằng đời Gia Long mọi quy chế chưa được ổn định, và Đại nam điển lệ sau này cũng không nói tới. Ngoài Chương ra, ấn còn có tên gọi nữa là TÍN CHƯƠNG. Tín chương là ấn của quan cấp thấp hơn quan trấn thủ, những quan với tính chất Khâm sai lâm thời biệt phái, quyền nhiếp, quyền thự. Quản đạo được dùng dấu “Tín chương”, là chức quan đứng đầu một đạo; đạo thường nhỏ hơn một trấn và đứng trên cấp phủ, huyện. Thời Gia Long, chức năng cùng quyền hạn của Quản đạo gần như chức Bố chính sứ sau này. Về sau Minh Mệnh điều chỉnh thang quan chế chức năng và quyền hạn của Quản đạo có khác trước, phẩm hàng cũng kém hơn, mang hàm Tòng tứ phẩm, thấp hơn cả Án sát sứ một trật.
Giới thiệu một dấu Tín chương áp trên văn bản – Tập Công văn cựu chỉ (23). Dấu hình vuông cỡ 7,4 x 7,4 cm, viền ngoài đậm 1cm, chữ triện khắc vuông vức kiểu đời Lê – Trịnh với 4 chữ “Khâm mệnh tín chương”. Dấu được đóng phía dưới về bên ngoài dòng ghi niên đại ngày tháng: “Gia Long thập tứ niên tam nguyệt sơ tứ nhật” (Xem ảnh 5).
Như vậy niên đại của dấu đã được xác định, nó được đóng vào ngày mồng 4 tháng 3 năm Gia Long 14 (1815). Trong văn bản ghi rõ chức quan có con dấu này, đó là Quản đạo Đạo Thanh Bình (24) Thành Tín hầu trong công văn về phủ Thiên quan (25). Cũng như Chương, Tín Chương chỉ tồn tại đến đầu Minh Mệnh. Sự phân chia khu vực đổi tên các đơn vị hành chính, thay đổi thang quan chế bước đầu của vua Minh Mệnh đã đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình; Dấu Tín Chương đã được đổi làm ấn. Trên văn bản ngay từ Minh Mệnh 8 (1827) đã thấy dấu “Ninh Bình đạo ấn” (26) với cỡ dấu bằng dấu “Khâm mệnh tín chương”. Xét hình thức tên gọi, chữ trong dấu Tín chương, quy định đóng trên văn bản cũng khác (đóng trên chữ Nguyệt chỗ dòng ghi niên đại). Nhưng thực chất đây là dấu thay thế dấu cũ, tính chất giá trị chẳng khác gì nhau.
Chương và Tín chương là 2 loại hình ấn xuất hiện và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn so với những loại hình ấn khác; Nhất là nó lại ở thời kỳ đầu triều Nguyễn, lúc mà mọi quy chế chưa ổn định, do vậy việc tìm hiểu chúng gặp không ít khó khăn. Cùng với những loại hình cố định như Tỷ, Bảo, Ấn, Kiềm, bước đầu chúng tôi chỉ mới giới thiệu Chương và Tín Chương với tính chất sơ lược như vậy. Vì điều kiện không cho phép, việc giới thiệu tiếp về ấn “Quan phòng”, “Đồ ký”, “Tín ký”. Triện, xin dành cho bài viết sau.
Chú thích:
(1) Bản chụp nguyên bản hình ấn và dấu “Đại Nam hoàng đế chi tỷ” và “Hoàng đế chi bảo” trong “Bulletin de la Soclélé Indocchinoises” Tập 22, số 1937. Thư viện Khoa học xã hội (Bản tiếng Pháp).
(2) Đại Nam hội điển toát yếu …Tập II, tr.115, bản dịch của Ngô Thế Long – Thư viện Hán Nôm, LA.13.
(3) Ở đây chỉ bộ Lễ, chịu trách nhiệm về việc tế lễ, tôn phong, khánh hạ, triều hội v.v. Khâm thiên giám cung chịu lệnh của bộ Lễ.
(4) Cơ quan nghiên cứu khí tượng, chiêm tinh, làm lịch số, giảng như nha khí tượng ngày nay.
(5) Theo truyền thuyết là vị thần Tổ sư nghề thủ công.
(6) Kho binh trượng, chứa giữ, sắm sửa nghi lễ cho triều đình. Đây là nơi sản xuất ra nhiều ấn triện đại Nguyễn. Trên nhiều ấn đồng thường khắc chữ “Vũ khố phụng tạo”.
(7) Giữ việc phục sức của vua, giữ đồ dùng phẩm vật các nơi cống, giữ đồ dùng ban thưởng cho các quan.
(8) Xem lại chú thích (42).
(9) Những dấu này đóng ở Châu bản triều Nguyễn quyển 2 và 8. Chữ bộ Nha. Gia Long 2 đến 18 – Kho lưu trữ trung ương II Thành phố Hồ Chí Minh.
(10) Dấu “Hộ bộ chi ấn” trong “Đồng Xuân tổng các thôn phường địa bạ”. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.629.
(11)Các quan Tổng Đốc Tuần phủ ở các tỉnh dùng ấn quan phòng, số nói ở phần sau.
(12) Đại nam điển lệ, mục 194, trang 337. Nguyễn Sĩ Giác phiên âm dịch nghĩa. Nhà in Tôn Thất Lê, Sài Gòn, 1962. Bản này có in kèm chữ Hán, nhưng lại thiếu mất chữ “thập” nên dịch là Minh Mệnh 3. Thực ra là Minh Mệnh 13. Qua tiếp xúc với nhiều văn bản có đóng dấu và ghi niên đại, cộng với bản dịch Đại Nam hội điển toát yếu của Ngô Thế Long, thì đến năm Minh Mệnh 13 (1832) mới đổi hết trấn làm tỉnh và những quan Tổng đốc Tuần phủ mới được bộ nhiệm vụ các tỉnh trong những năm này (1832).
(13) Dấu “Quảng Ngãi bộ chính sứ ty ấn” đóng ở Châu bản triều Nguyễn chi bộ nha – Tập 46, Thiệu Trị 7, kho lưu trữ trung ương II, Thành phố Hồ Chí Minh.
(14) Huyện Văn Chấn nay thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.
(15) Đại Nam điển lệ mục 194, Sđd, trang 338.
(16) Những dấu này trong Công văn cựu chỉ ký hiệu A. 2918. Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(17) Dấu “Bắc thành tổng trấn chi ấn” đóng ở Chư bộ Nha quyển 2, Gia Long 18, kho lưu trữ trung ương 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
(18) “Nam Định trấn ấn ” ở “Công văn cổ chỉ” KH. A.3086. Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(19) “Thanh Hóa trấn thủ chi chương” sao chụp ở Công văn cựu chỉ,Tập 4. KH.A.3032, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Con dấu này còn thấy đóng ở Chư bộ nha. Q.2. Gia Long 18, Kho lưu trữ Trung ương II, Tp. Hồ Chí Minh.
(20) Thanh Hoa tức Thanh Hóa ngoại trấn – là 1 trong 3 trấn thuộc trung phần do triều đình quản nay là tỉnh Thanh Hóa.
(21) Dấu “Thanh Hoa trấn ấn” đóng ở châu bản triều Nguyễn, chư bộ nha 18 – Minh Mệnh 7. Kho lưu trữ trung ương II, Tp. Hồ Chí Minh.
(22) Hai dấu này cùng đóng ở tập Chư bộ nha 18 Minh Mệnh 7 (Dấu Quảng Nam ở trang 78 và dấu Bình Định ở trang 86).Châu bản triều Nguyễn. Kho lưu trữ Trung ương II, Tp. Hồ Chí Minh.
(23) Dấu “Khâm mệnh tín chương” sao chụp ở tập 1 Công văn cựu chỉ, ký hiệu A.3032, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(24) Đạo Thanh Bình gồm 2 phủ, 6 huyện, 41 tổng, 271 xã, thôn, trang trại. Năm Minh Mệnh đổi là đạo Ninh Bình, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
(25) Đời Gia Long, Phủ Thiên Quan là một trong hai phủ của đạo Thanh Bình, quản 3 huyện Yên Hóa, Phụng Hóa, Lạc Thổ. Trong văn bản cũng nói về những địa phương này. Sau để làm phủ Nho Quan thuộc Ninh Bình.
(26) Dấu “Ninh Bình đạo ấn” – Đóng ở Công văn cựu chỉ Tập 4, ký hiệu A.3032, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dấu được áp trên văn bản có ghi niên đại “Minh Mệnh bát niên nhị nguyệt nhị thập cửu nhật” Ngày 29 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 8.
Trích dẫn từ: Văn nghệ Xứ Đoài
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)