Giọng điệu khắc khoải lo âu trong thơ Xuân Quỳnh sau 1975
AN ANXIOUS, WORRIED TONGUE IN POEMS BY XUAN QUYNH AFTER 1975
Tác giả bài viết: HOÀNG THỊ HUỆ
(Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức)
TÓM TẮT
Khá nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự lôi cuốn của giọng điệu trong thơ Xuân Quỳnh, đã cố gắng khám phá thế giới nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh từ cái nhìn giọng điệu. Tuy nhiên, do xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau những công trình, bài viết đó chưa thực sự sâu sắc và có hệ thống. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đi sâu vào nét giọng điệu khắc khoải âu lo (được bộc lộ từ chặng thơ đầu tiên nhưng rõ nét nhất ở chặng thơ sau 1975) trong thơ Xuân Quỳnh như một yếu tố làm nên phong cách thơ của chị.
ABTRACT
Many researchers have found out the attraction of tongue in poems by Xuan Quynh, and have tried their best to discover the art world in Xuan Quynh’s poems. The paper aims to investigate the anxious and worried tongue of Xuan Quynh’s poems, which was clearly revealed after 1975.
x
x x
Cùng trưởng thành trong phong trào thơ trẻ chống Mỹ, trong dàn đồng ca chung của thế hệ, Xuân Quỳnh đã nhanh chóng tạo cho thơ mình một giọng điệu riêng không dễ lẫn. Theo năm tháng, lịch sử thơ ca Việt Nam sau 1975 đã trải qua bao biến đổi thăng trầm nhưng bạn đọc vẫn nhớ đến giọng thơ mang tính đa thanh của một tâm hồn phong phú, vừa thủ thỉ tâm tình vừa mạnh mẽ cương quyết, dịu dàng như lời ru mà cũng rất nồng nhiệt, hào phóng, luôn khắc khoải âu lo nhưng cũng tràn đầy tin tưởng. Nếu nói giọng điệu không phải là cách nói mà là cảm xúc, giọng điệu của tâm hồn thì chính những nét giọng điệu ấy đã khắc họa sinh động bức chân dung “Người đàn bà yêu và làm thơ” (1). Khá nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự lôi cuốn của giọng điệu trong thơ Xuân Quỳnh, tuy nhiên do xuất phát từ những góc độ khác nhau, các công trình bài viết đó chưa thực sự sâu sắc và có hệ thống. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu giọng điệu khắc khoải, lo âu trong thơ Xuân Quỳnh sau 1975 để thấy giọng điệu như một nét phong cách, bền vững với thời gian nhưng cũng có những sự biến đổi phù hợp với thời đại. Trong sự đa điệu của thơ Việt Nam sau 1975, nét giọng điệu khắc khoải âu lo của thơ Xuân Quỳnh (xuất hiện ở chặng thơ đầu và bộc lộ rõ nét ở chặng thơ này) đã tìm được sự đồng điệu từ độc giả. Góp phần làm nên cái tôi đầy nữ tính trong thơ chị.
1. Trong xu hướng trở về với cái tôi cá nhân của thơ Việt Nam sau 1975, giọng thơ Xuân Quỳnh ngày càng trở nên khắc khoải với những âu lo của cuộc sống ngày thường
Từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là từ thời kỳ đổi mới của đất nước, văn học Việt Nam, trong đó có thơ ca, bước vào một giai đoạn mới với những biến đổi to lớn và toàn diện. Trong sự biến đổi đó cần phải nói tới sự thay đổi về giọng điệu. Đã qua rồi những năm tháng “Đất nước có chung khuôn mặt có chung tâm hồn / Nụ cười tiễn đưa con nghìn bà mẹ như nhau” (Chế Lan Viên); đã qua rồi cái thời thơ ca cần phải cất giọng hào sảng ngợi ca. Trở về với cái tôi của cuộc sống ngày thường, trong thơ lúc này có sự đa dạng về giọng điệu. Có giọng buồn, giọng tự thú tự bạch, giọng hài hước bỡn cợt trước những đổi thay của nhân tình thế thái… Trong sự đa dạng ấy, nét khắc khoải âu lo đầy nữ tính và rất nhân bản của giọng thơ Xuân Quỳnh vẫn ám ảnh và nhận được sự đồng cảm ở bạn đọc. Đó là một thành công của nhà thơ, khi mà hiện nay con người dường như đang “Xa dần truyện ngắn bớt dần thơ“.
Thực ra, ngay từ những ngày đầu tìm đến với thơ như một sự phơi trải lòng mình, Xuân Quỳnh đã dự báo một chất giọng nhạy cảm, mong manh. Viết “Chồi biếc” (tập thơ đầu tay của Xuân Quỳnh, xuất bản năm 1963) khi tuổi xuân đang phơi phới, tưởng chừng như trước mắt cô diễn viên xinh đẹp tràn đầy sức sống ấy tuổi trẻ, tình yêu là vĩnh viễn. Vậy mà thật bất ngờ, giọng thơ đã đầy xa xót của một cái tôi sớm ý thức về mình “Này anh em biết /Rồi sẽ có ngày / Dưới hàng cây đây / Ta không còn bước...”. Để rồi như một nỗi ám ảnh, như định mệnh, cảm giác ấy cứ bám riết lấy đời chị, hiển hiện trong mỗi dòng thơ, tạo nên cái giọng âu lo đặc trưng của Xuân Quỳnh trong thơ (nhất là những tập thơ viết sau 1975).
Lo âu làm cho giọng thơ Xuân Quỳnh trở nên khắc khoải ưu tư. Dường như nhà thơ nhìn đâu cũng thấy bão giông mất mát. Có những bài, từ đầu đến cuối giọng thơ bâng khuâng hư ảo nhưng lại rất thật một niềm lo:
Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu
(…) Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dày
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay
(Hoa cỏ may)
Trăn trở nhiều về những đổi thay còn mất, những bình yên và bão tố trong cuộc đời đã làm nên cái vẻ đa đoan, cả lo, cả nghĩ của Xuân Quỳnh trong thơ. Nhưng lo âu không làm chị mất đi niềm tin. Càng cả lo bao nhiêu, chị càng tin, càng gắn bó với cuộc đời, với con người bấy nhiêu. Nỗi lo của chị nhiều khi không đơn thuần chỉ là những lo âu thường nhật của một người phụ nữ về tình yêu, về hạnh phúc gia đình, về sự thay lòng đổi dạ… sâu xa hơn, đó còn là nỗi lo về một sự mai một, mất mát, biến đổi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì thế, trong thơ, Xuân Quỳnh là người “gắng gỏi đến hao mòn kiệt sức” để cố níu giữ cái mình hằng tôn thờ mà đang có nguy cơ bị mai một. Chị lẳng lặng hy sinh, khao khát được tự hoàn thiện mình hơn nữa để có ích cho cuộc đời. Cái tôi trong thơ chị vẫn thường khắc khoải, trăn trở “Biết bao giờ em trở nên tốt được“, “Em chỉ thấy em là người có lỗi“. Ngay trong những ngày nằm viện với những nhịp đập nặng nhọc của một trái tim đau, Xuân Quỳnh vẫn không nghĩ cho riêng mình, vẫn cả lo bao điều “Trái tim này chẳng còn có ích / Cho anh yêu cho công việc bạn bè” (Thời gian trắng).
Lo âu đích thực là điệu hồn Xuân Quỳnh – quá mẫn cảm, luôn tha thiết với cuộc đời. Giọng điệu này, như đã nói, được dự báo từ trước và trở thành nét giọng điệu chủ đạo trong thơ viết sau 1975 của chị. Điều này cũng là phù hợp với quy luật phát triển của thơ ca Việt Nam.
2. Giọng điệu khắc khoải âu lo đã khắc họa sinh động một cái tôi đa cảm, giàu nữ tính của Xuân Quỳnh trong thơ
Bằng giọng thơ khắc khoải âu lo, cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh hiện ra trong thơ là một cái tôi hạnh phúc nhưng vẫn luôn trăn trở kiếm tìm, băn khoăn dao động nhưng cũng lấp lánh một niềm tin. Giọng điệu ấy nói rất nhiều về trái tim của một người phụ nữ đa cảm. Là người luôn sống ở đỉnh cao của cảm xúc “Vui cũng vui hơn mọi người mà buồn cũng buồn hơn mọi người” [57; 1] thơ Xuân Quỳnh sau 1975 càng nhiều xao động trăn trở. Nhạy cảm với sự chảy trôi, sự đổi thay của thời gian, của lòng người, của tình yêu hạnh phúc là một cảm giác đầy nữ tính. Cảm giác ấy thật rõ nét khi nhà thơ được trở về với những buồn vui của cuộc sống đời thường sau chiến tranh. Không còn phải hùng hồn trong dàn đồng ca của cái thời “Tiếng hát át tiếng bom“, thơ Xuân Quỳnh như ưu tư hơn. Nó tạo nên một Xuân Quỳnh đa đoan, mỏng manh tội nghiệp như “cánh chuồn trước giông bão” [45; 2] cuộc đời. Một cơn gió chuyển mùa, một tiếng còi tàu, vài chiếc lá rơi, cánh buồm lẻ loi trên sông vắng, một mùa thu lắm mưa nhiều bão… tất cả đều khiến chị “vơ vào” mà cả nghĩ. Cũng bởi tại chị, giàu chi lắm những yêu thương. Âu đó cũng là số phận. Chính chị cũng không dám oán trách. Biết rằng yêu là khổ, tin là dễ bị tổn thương, là phấp phỏng lo âu nhưng lòng chị vẫn phơi phới một niềm yêu, tha thiết một niềm tin “Mỗi sớm khi mặt trời hiển hiện/ Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu” (Lại bắt đầu). Lo âu đã tạo cho gương mặt “Người đàn bà yêu và làm thơ” Xuân Quỳnh nhiều sắc thái mới – khi khắc khoải ưu tư, khi thảng thốt ngơ ngác, khi bình tĩnh tự tin, lúc lại xót xa bối rối. Rung động trước những biến thái tâm lý tinh tế, sâu kín, nhiều khi ngỡ như thật mong manh, Xuân Quỳnh đã có được những vần thơ hay với giọng riêng khó lẫn.Và nó cũng nói lên rất rõ cái tôi trữ tình trong thơ chị – cái tôi nhạy cảm đầy nữ tính, cái tôi của một người đàn bà từng nếm trải những vị ngọt ngào cay đắng trên bước đường tìm kiếm hạnh phúc.
Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên như hơi thở, bởi thơ chính là cảm xúc mà cảm xúc thì rất dồi dào trong chị. Hình như Xuân Quỳnh ít phải bận tâm về việc đi tìm hình thức biểu hiện. Thơ chị giản dị nhưng lại khiến người ta nhớ lâu với một giọng thơ bộc lộ rõ sự phong phú của tâm hồn. Ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ không gò ép, bó buộc mà rất tài khéo, rất “có nghề”, là những yếu tố nghệ thuật góp phần thể hiện rõ nét cái tôi trữ tình. Sống hồn nhiên, sống hết mình với những bài thơ của mình, có thể nói, thơ chính là tâm trạng thật của Xuân Quỳnh trong mỗi bước vui buồn của cuộc đời. Nét giọng điệu khắc khoải âu lo rất tiêu biểu trong chặng đường thơ sau 1975 của chị là sự phát triển phù hợp với quy luật của thơ Việt Nam – quy luật trở về với cái tôi cá nhân, cái tôi của những lo âu thường nhật. Dù Xuân Quỳnh đã vĩnh viễn ra đi nhưng giọng thơ chị vẫn còn đó, da diết; câu thơ như còn gửi gắm, còn chờ mong ước vọng. Tâm tình của chị với đời, với người, bộc lộ qua giọng điệu của mỗi bài thơ cũng chính là sự hiện hữu của chị, người đàn bà “Yêu đến hết và đến chết”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đoàn Thị Đặng Hương, “Văn chương và đời”, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000.
[2] Nhiều tác giả, “Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ tình yêu và sự nghiệp”, NXB Hội nhà văn, 1994.
[3] Nguyễn Văn Long (Chủ biên), “Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.
[4] Nhiều tác giả, “Xuân Quỳnh – thơ và đời”, NXB Văn hoá, 1995.
[5] Xuân Quỳnh, “Lời ru trên mặt đất”, NXB Văn học, 1978.
[6] Xuân Quỳnh, “Tự hát”, NXB Văn học, 1984.
[6] Xuân Quỳnh, “Hoa cỏ may”, NXB Hội nhà văn, 1989.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hồng Đức, số 1, năm 2009
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giọng điệu khắc khoải lo âu trong thơ Xuân Quỳnh sau 1975 (Tác giả: Hoàng Thị Huệ) |