Giữ gìn các GIÁ TRỊ VĂN HOÁ GỐC của NGƯỜI DI CƯ (trường hợp cộng đồng công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ)

ĐẶNG VIẾT ĐẠT
(Thạc sĩ, Học viện Chính trị Khu vực IV, TP Cần Thơ)

1.

    Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hoá có “gen di truyền”, các giá trị văn hoá của một cộng đồng luôn được các thành viên của cộng đồng lưu giữ từ đời này sang đời khác. Và nhờ vào sự di cư những nhân tố văn hoá với tư cách là những quan hệ, những thuộc tính hay những phẩm chất tinh thần sẽ được truyền bá từ nơi này sang nơi khác 1, đó chính là quá trình tái tạo các giá trị văn hoá của cộng đồng. Bài viết tập trung mô tả hiện tượng tái sản xuất cấu trúc cộng đồng dựa trên mô hình làng xã cổ truyền vùng Bắc Bộ với những mối quan hệ thân tộc của cộng đồng người Công giáo gốc Bắc di cư vào Nam những năm 1954.

2. Sự tái hiện mô hình làng xã cổ truyền vùng Bắc Bộ trong cấu trúc cộng đồng mới của người Công giáo gốc Bắc di cư

     Từ nhiều thập kỉ nay, người Việt Nam quen dần với hệ thống hành chính bốn cấp bao gồm: Trung ương – Tỉnh – Huyện – Xã và dưới xã là thôn. Với hệ thống hành chính bốn cấp này người Việt với tư cách là công dân quan hệ với chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh hay cấp Trung ương để giải quyết các công việc liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong các quan hệ này người ta không còn thấy bóng dáng của Làng Việt. Có thể nói rằng: “Cho đến ngày nay, một bộ phận chiếm tỉ lệ lớn trong thành phần dân cư của Việt Nam sinh ra khi làng không còn là một thực thể ngay cả tên gọi, địa giới, cảnh quan của làng cũng bị nhạt nhoà.” 2

     Mặc dù vậy, khái niệm “làng” vẫn luôn là khái niệm quen thuộc với mọi người con đất Việt không kể Bắc, Trung hay Nam. Dù có trải qua biết bao biến cố lịch sử thì “làng vẫn được giữ vững, phục hồi, tái lập trên khắp Đồng bằng Sông Hồng rồi tái sinh trên dải đất miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long.” 3 Đâu là nhân tố khiến cho làng Việt có sức sống trường tồn đến thế? Đó chính là văn hoá làng, tâm lí làng được hình thành và vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính văn hoá làng là hằng số giúp cho làng được giữ vững và phát triển trong quá trình thăng trầm của lịch sử. (Nguyễn Thanh (2010), Phan Đại Doãn (2004)).

     Nét đặc thù lớn nhất của sự kiện di cư của những người Công giáo miền Bắc vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954 là quá trình di cư diễn ra phần lớn trên quy mô tập trung theo từng làng. Di cư theo cả dòng họ đến định cư ở một vùng hoang vu mới. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư tái thiết lại cộng đồng cư trú mới theo mô hình làng xã cổ truyền trước đây của họ.

     Yếu tố thứ hai quyết định việc tổ chức đơn vị làng xã của người Công giáo Bắc di cư tại vùng đất Nam Bộ là văn hoá Làng ăn sâu trong từng suy nghĩ, nếp sống của những người con gốc Bắc. Trong quá trình li hương, định cư trên vùng đất mới người ta buộc phải có chiến lược phòng vệ. Vì vậy, việc tái thiết mô hình làng xã mới cũng chính là quá trình kế thừa những đặc trưng cấu trúc làng xã cổ truyền của người Việt vùng Bắc Bộ 4. Điều này được thể hiện trên một số nét chính như sau:

     Mô hình tổ chức làng xã theo mô hình quần cư của các dòng họ. Đối với nhiều người Việt Nam thì làng là một gia đình lớn nhưng cũng là một xã hội thu nhỏ cho nên nó có những đặc trưng riêng của mình. “Làng là một tế bào sống của xã hội Việt Nam, là sản phẩm tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt trồng trọt” 5. Làng hình thành trên hai nguyên lí: cùng cội nguồn và cùng chỗ. (Tống Văn Chung (2001), Đào Duy Anh (2000)). Chính vì lẽ đó mà làng còn được coi là một “tổ hợp dòng họ” 6. Trên thực tế các làng vùng Bắc Bộ là sự quần tụ của dòng họ, người dân trong làng đa phần có mối quan hệ họ hàng, quan hệ huyết thống với nhau.

     Cộng đồng Công giáo gốc Bắc sau khi di cư vào Nam năm 1954 có xu hướng chung là cư trú theo từng nhóm dòng họ. Công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Lộc cho thấy làng ở Hố Nai (Đồng Nai) và Cái Sắn (Cần Thơ) là nơi quần cư của một số dòng họ lớn của một số tỉnh miền Bắc như: Giáo xứ Lai Ôn ở Hố Nai là địa bàn sinh sống của những người thuộc họ Đinh có nguồn gốc ở An Lễ – Quỳnh Phụ – Thái Bình… “Dòng họ được xem là tập hợp những người đang sống và cả người đã chết, liên kết với nhau bằng quan hệ dòng máu và có chung một thuỷ tổ.” 7 Dòng họ có vai trò to lớn đối với cuộc sống của mỗi cá nhân. “Nếu gia đình là đơn vị xã hội để tiến hành tái sản xuất đời sống con người và góp phần tái sản xuất đời sống xã hội thì dòng họ người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ là một tổ chức xã hội.” 8 Nó quy định vị trí và vai trò của mỗi cá nhân và các cá nhân là thành viên của dòng họ có thể xả thân vì danh dự, vì vị thế của cộng đồng huyết tộc này 9.

     Với cộng đồng người Công giáo gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954 vì điều kiện là người di cư nên họ đã phải dứt bỏ tổ tiên, mồ mả cha ông để lập nghiệp nơi vùng đất mới. Cùng với đó là tình hình chiến tranh kéo dài cộng với điều kiện kinh tế khó khăn của thời kì hậu chiến và thời kì kinh tế bao cấp khiến việc đi lại của nhân dân hai miền gặp nhiều khó khăn. Điều này một phần làm “đứt đoạn” các mối quan hệ họ tộc của những người li hương 10. Mặc dù vậy, kí ức về tổ tiên, về dòng họ luôn là một kí ức sâu đậm trong tâm trí những người đi xa. Vì vậy, ngay sau khi có điều kiện những dòng họ lớn đã có hành động tích cực để “hồi sinh quá khứ, tạo dựng lại truyền thống của dòng họ tổ tiên.” Theo tác giả Nguyễn Đức Lộc thì những người Công giáo Bắc di cư hiện đang sinh sống tại Hố Nai (Đồng Nai) và Cái Sắn (Cần Thơ), từ những năm 90 đã bắt đầu sưu tầm và viết lại gia phả của họ tộc. “Một vài họ tộc may mắn truy tìm được gốc gác tổ tiên nhiều đời nhưng đa phần lịch sử tộc họ và tổ tiên những người Công giáo Bắc di cư tại địa bàn tác giả khảo sát đều được viết lại với việc xác định vị tổ của dòng họ là người đứng đầu họ tộc trong cuộc di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954”. 11

     Không chỉ là việc phục dựng lại gia phả họ tộc mà ngày nay các cộng đồng Công giáo Bắc di cư đang có xu hướng liên kết các tộc họ thành cộng đồng liên tộc họ 12. Việc thành lập các tổ chức liên tộc họ một phần phản ánh nhu cầu liên kết trong cuộc sống của người di cư nhưng mặt khác nó phản ánh văn hoá cộng đồng làng xã vùng Bắc Bộ ăn sâu trong tiềm thức, lối sống của những người con gốc Bắc tha hương. Đó chính là văn hoá thờ cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu kính đối với thế hệ những người đã có công sinh thành nuôi dưỡng mình.

     Đặc điểm thứ hai trong mô hình tổ chức làng của người Công giáo Bắc di cư vào Nam là việc tổ chức địa bàn cư trú theo mô hình tự trị của làng Bắc Bộ. Đối với những người dân vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng trước đây thì “Làng xã là một cộng đồng tự quản, làng xã giải quyết các tranh chấp của các thành viên trong cộng đồng, áp dụng thuế của nhà nước lên các thành viên này. Nhà nước không thương lượng với các công dân mà là với làng xã và làng xã một khi đã làm tròn nghĩa vụ đối với nhà nước thì có quyền quản lí lại chính mình theo phương thức tự trị.” 13

     Tính tự trị, tự quản là một đặc trưng của cộng đồng làng người Việt vùng Bắc Bộ. Với thân phận của những người li hương, định cư trên vùng đất mới, để bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống nơi quê nhà nhằm xoa dịu nỗi đau xa quê, ngay từ những ngày đầu đến định cư, những giáo dân Công giáo Miền Bắc đã lựa chọn chiến lược ứng xử là phòng vệ và khép kín. “Chiến lược ứng xử này đã góp phần vào quá trình tái sản xuất cấu trúc cộng đồng làng xã truyền thống của người Công giáo Bắc di cư trên vùng đất Nam Bộ, thông qua sự cấu kết cộng đồng, giữ gìn các giá trị văn hoá, phong tục tập quán cổ truyền mà họ mang theo từ vùng đồng bằng Bắc Bô.”̣ 14

     Điều này tạo điều kiện cho việc duy trì sự liên kết xã hội. Và mô hình tự trị của làng xã truyền thống vùng Bắc Bộ được người dân tái thiết lại để vận hành cuộc sống cộng đồng nơi miền đất mới. Khi mô tả cấu trúc tổ chức các xứ đạo của người Công giáo Bắc di cư, tác giả Nguyễn Đức Lộc chỉ ra rằng mô hình tổ chức này là sự mô phỏng theo cơ cấu tổ chức hành chính tự trị làng xã cổ truyền vùng Bắc Bộ.

Sơ đồ: Cơ cấu tổ chức hành chính, tự trị làng xã cổ truyền và sơ đồ tổ chức các xứ đạo công giáo của người Bắc di cư

Nguồn: Nguyễn Đức Lộc, 2013, Cấu hình xã hội Cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ. Từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân,  NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr. 49.

     Sự tái thiết cấu trúc cộng đồng theo mô hình làng xã truyền thống có ý nghĩa quan trọng với người xa quê bởi nó không chỉ giúp những người li hương xoa dịu nỗi đau của những người phải từ bỏ làng xóm, quê hương mà còn giúp những người này gắn bó, đoàn kết nâng đỡ nhau trong cuộc sống nơi đất khách quê người. Chính vì ý nghĩa to lớn đó mà tổ chức cộng đồng mới không chỉ được thiết lập theo mô hình truyền thống quen thuộc mà những người di cư mang theo cả các tên gọi cũ của cộng đồng để đặt cho giáo xứ nơi họ định cư. “Ngày nay khi đến các khu vực tập trung đông tín đồ công giáo di cư như Hố Nai, Gia Kiệm, Cái Sắn, chúng ta sẽ thấy tên gọi các giáo xứ tương ứng với tên các làng gốc thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Ngọc Đồng, Kẻ Sặt, Lai Ôn, Ngô Xá.” Các giáo dân ở đây khi gặp nhau luôn đặt câu hỏi “Anh chị thuộc giáo xứ nào?” với ngụ ý tìm hiểu thông tin về quê gốc của họ nơi đất Bắc 15.

3. Văn hoá làng được lưu giữ trong phương thức ứng xử của cá nhân

     Những người con gốc Bắc sau khi di cư vào Nam vẫn luôn lưu giữ trong mình lối sống, cách ứng xử của một công dân làng với đặc trưng riêng biệt mà khi tiếp xúc ai cũng có thể nhận ra đó là “văn hoá làng Bắc Bộ”.

     Về tính cách Người nông dân làng xã Bắc Bộ rất thích hội họp thành phe, nhánh. Theo Pierre Gourou “Nét đáng chú ý nhất trong đời sống xã hội của làng Bắc Kì là xu hướng của người nông dân muốn họp thành phe nhóm. Ta đã thấy những tổ chức ở thôn, xóm, giáp. Nhưng còn những tổ chức khác nữa.”16 Truyền thống đó thâm nhập vào mọi hành vi cá nhân, ăn sâu trong tiềm thức của cộng đồng. Vì vậy, khi định cư trên vùng đất mới những công dân làng vẫn luôn tạo lập và tham gia tích cực vào các nhóm, các tổ chức như: giới cao niên, giới gia trưởng, giới hiền mẫu, giới trẻ, giới thiếu nhi,… Như vậy, một giáo dân trong giáo xứ từ nhỏ cho tới khi trưởng thành và lúc cao tuổi luôn tham gia ít nhất một tổ chức và chịu sự quản lí của tổ chức đó. Những thành viên không tham gia vào bất kì hội đoàn nào sẽ không nhận được sự tôn trọng như những người tham gia nhiều hội đoàn. Chính điều này tạo điều kiện để các thành viên trong cộng đồng duy trì những mối liên hệ xã hội và bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống. Đây cũng chính là cách thức để chi phối các quan hệ xã hội của các thành viên trong cộng đồng 17.

     Một vấn đề cơ bản trong đời sống cộng đồng mà mọi cá nhân đều coi trọng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt đó chính là các thứ bậc, vị trí của cá nhân trong làng. Trong các vùng Công giáo Bắc di cư, người dân bầu ra hội đồng giáo xứ, hội đồng này được coi là giới tinh hoa của cộng đồng. Mặc dù không nằm trong hệ thống hành chính của giáo hội Công giáo nhưng đây là tổ chức có vai trò quan trọng trong cộng đồng. Và họ có quy trình bầu cử rất chặt chẽ, đồng thời những người được bầu chọn sẽ được cả cộng đồng tôn trọng 18. Đặc điểm này không khác nhiều so với cộng đồng truyền thống Bắc Bộ. Bởi với những người nông dân Bắc Bộ thì việc có vị trí nhất định trong làng là điều vô cùng quan trọng. “Một vấn đề mà người trong làng cho là quan trọng nhất là vấn đề ngôi thứ, khi làng họp ở đình để bàn việc công hay để ăn cỗ sau khi tế thần, thì người nào phải theo ngôi ấy mà ngồi, nếu ngồi sai thứ tự thì làng bắt vạ. Ở nhà quê người ta thường tranh nhau “ăn trên ngồi trước” rất kịch liệt, hoặc dùng tiền bạc để mua ấn, mua nhiêu với làng, hay quyên mua phẩm hàm với nhà nước hoặc dùng thần thế hay mưu mô để giành lấy chức dịch trong làng.”19

     Theo tác giả Nguyễn Đức Lộc “mô hình tổ chức các giáo xứ Công giáo của người Bắc di cư là mô hình tập trung quyền lực gia trưởng và những giáo dân trong hội đồng mục vụ giáo xứ là những người được giáo dân trong cộng đồng vị nể.” 20

     Bên cạnh đó, những giáo dân này cũng phân biệt vị thế, quyền lực giữa người này với người khác dựa trên tiêu chí là “những người định cư trước” và “những người định cư mới”. Những người tới trước xác lập vị trí là dân chính cư của cộng đồng, những người tới sau bị coi là dân làng mới. 21 Đây là nét tính cách đặc thù của cư dân nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những người di cư đã mang theo mình tâm tính tộc người và văn hoá địa phương vào vùng đất mới. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi cá nhân trong xã hội nông thôn – là một thành viên của làng, từ khi lọt lòng đã sống trong bầu không khí làng, văn hoá làng xã đã cắm rễ ăn sâu trong từng nếp nghĩ, cách sống của họ.

     Với những người nông dân Bắc Bộ, “Làng là một đơn vị của xã hội nông thôn, nó là một sân khấu thể hiện mức độ tự diễn ra của đời sống nông thôn và các chức năng của nó.” 22 “Dân làng thường chia ra hai hạng: nội tịch và ngoại tịch. Chỉ dân nội tịch mới có các quyền lợi dân đinh ở trong làng, có thể gánh vác việc công và được chia công điền công thổ 23. Đây chính là nét đặc thù của nền văn hoá nông nghiệp. Việc phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư là cơ chế văn hoá gắn kết cá nhân với cộng đồng nhằm duy trì sự ổn định tương đối cho sự phát triển của cộng đồng.

     Cơ chế văn hoá này tiếp tục được những giáo dân Công giáo gốc Bắc duy trì trên vùng đất mới bằng việc thành lập các sổ hành chính của giáo xứ. Sổ hành chính này sẽ được lưu giữ từ đời này sang đời khác và chỉ những người có tên trong sổ này mới được hưởng những đặc quyền, đặc ân của giáo xứ như được tổ chức ma chay, cưới hỏi, được lãnh nhận đầy đủ các bí tích tôn giáo 24.

     Như vậy, di cư là một sự biến trong cuộc đời của người Công giáo gốc Bắc. Với tâm trạng bơ vơ, lạc lõng và mất định hướng ngay từ những ngày đầu, những giáo dân đã thực hiện phương thức “biệt cư hoá” sống co cụm lại với nhau và tái tạo môi trường văn hoá riêng biệt bằng kí ức của những người lưu dân. Mô hình đó mang nhiều đặc trưng của làng truyền thống Bắc Bộ từ cấu trúc cộng đồng đến cách thức ứng xử của mỗi cá nhân.

4.

     Sự kiện những người Công giáo gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954 với đặc trưng không phải cuộc di cư nào cũng có đó là việc di cư cả làng, di cư cả dòng họ, định cư trên vùng đất hoang sơ ít người sinh sống 25. Chính điều kiện đặc biệt này giúp cho những người li hương có điều kiện xây dựng lại mô hình làng xã mang nhiều dấu ấn của văn hoá làng Bắc Bộ. Đó chính là mô hình làng tự trị, sống cụm cư theo các dòng họ. Cách ứng xử văn hoá của mỗi cá nhân trong làng đều được định hướng bởi truyền thống lâu đời, trong đó “mỗi cá nhân đều cố gắng hòa nhập với cộng đồng”. Đó chính là mô hình hoàn hảo với những chức năng kì diệu để lưu giữ các giá trị văn hoá gốc nơi quê nhà nhằm xoa dịu nỗi đau của những người xa xứ và cũng để gắn kết các cá nhân trong cộng đồng.

__________
1. Lương Văn Kế, Văn hoá Châu Âu, Lịch sử thành tựu, hệ giá trị, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2010, tr. 35.

2. Nguyễn Thanh, Nhận diện văn hoá làng Thái Bình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 15.

3. Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề về văn hoá làng Việt Nam trong lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 9.

4. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 11.

5. Tống Văn Chung, Xã hội học nông thôn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 332.

6. Sđd, tr. 332.

7. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 37.

8. Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề về văn hoá làng Việt Nam trong lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 45.

9. Tống Văn Chung, Xã hội học nông thôn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 270.

10. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 38.

11. Nguyễn Đức Lộc, Sđd, tr. 38.

12. Nguyễn Đức Lộc, Sđd, tr. 39.

13. Tống Văn Chung, Xã hội học nông thôn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 288.

14. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 47.

15. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 27.

16. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 62.

17. Nguyễn Đức Lộc, Sđd, tr. 68.

18. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 54.

19. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 152.

20. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 58.

21. Sđd, tr. 58.

22. Tống Văn Chung, Xã hội học nông thôn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 286

23. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 146

24. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 59

25. Sđd, tr. 54

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.

2. Tống Văn Chung, Xã hội học nông thôn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.

3. Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề về văn hoá làng Việt Nam trong lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

4. Nguyễn Văn Huyên, Văn hoá mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.

5. Mai Văn Hai – Mai Kiệm, Xã hội học văn hoá, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009.

6. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Văn hoá và phát triển, Giáo trình lí luận văn hoá và đường lối văn hoá của Đảng Cộng sản Việt Nam (hệ cao cấp lí luận chính trị), NXB Lí luận Chính trị, Hà Nội, 2007.

7. Lương Văn Kế, Văn hoá Châu Âu, Lịch sử, thành tựu, hệ giá trị, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

9. Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình xã hội, cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ, từ kích thước cộng đồng đến kích thước cá nhân, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 2013.

10. Nguyễn Thanh, Nhận diện văn hoá làng Thái Bình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.

11. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.