KIẾN TRÚC CÔNG GIÁO – BIỂU TƯỢNG DI SẢN VĂN HÓA ĐÔ THỊ SÀI GÒN – TP HỒ CHÍ MINH
ThS. TRƯƠNG PHÚC HẢI
(Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)
Văn hóa là hệ thống những ký hiệu, biểu tượng. Nhà xã hội học Emile Durkheim cho rằng hệ thống biểu tượng bao gồm ba khía cạnh: khía cạnh thứ nhất là cá nhân, thứ hai là cộng đồng và thứ ba là biểu tượng. Vai trò cơ bản của biểu tượng là “điểm hội tụ”, cầu nối giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại; là “máng trung chuyển” tư tưởng triết lý, ký ức thời gian; là phương tiện thuận lợi vừa làm sáng tỏ nhận thức vừa tạo ra nhận thức. Văn hóa đô thị cũng có hệ thống biểu tượng riêng của nó. Biểu tượng đô thị (urban symbolism) được thể hiện thông qua những hiện tượng khác nhau, chẳng hạn quy hoạch thành phố, kiến trúc, tên đường và địa danh cũng như lễ nghi, lễ hội; ở bộ phận khác bao gồm lịch sử, giai thoại, thi ca, âm nhạc, phim ảnh,… [Peter M. Nas 2011: 9]. Biểu tượng đô thị hình thành nên phần phong phú và đa dạng của đời sống đô thị cũng như nền tảng cho sức hút du lịch thành phố. Biểu tượng đô thị, theo thời gian, sẽ tạo nên bản sắc đô thị, “cái hồn của đô thị”. Đánh mất đi cái hồn đô thị, đô thị chỉ là xác sống, trần trụi và vô cảm. Trong đề tài khoa học “Khảo cổ học đô thị và việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, TS Nguyễn Thị Hậu đã chỉ ra bản sắc của đô thị Sài Gòn là một đô thị sông nước, đô thị đa dạng về văn hóa và một đô thị xây dựng theo kiểu phương Tây [Nguyễn Thị Hậu 2017: 47-48]. Một trong những điểm nhấn cho sự đa dạng văn hóa và đô thị kiểu phương Tây của Sài Gòn là kiến trúc các công trình Công giáo: nhà thờ, tu viện.
x
x x
1. Khái quát lịch sử hình thành Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh
Công giáo Việt Nam thành lập vào năm 1615 ở Đàng Trong và 1627 ở Đàng Ngoài. Năm 9/9/1659, Tòa thánh Roma thiết lập hai giáo phận ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đàng Ngoài từ sông Gianh, Quảng Bình trở ra và Đàng Trong từ sông Gianh trở vào hết Nha Trang, bao gồm Ninh Thuận và Bình Thuận của Chiêm Thành. Lúc này, vùng đất Sài Gòn đã có vài gia đình Công giáo làm ăn sinh sống ở vùng Cù Lao Phố, Gia Định, Chợ Lớn. Năm 1698, chúa Hiền sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Sài Gòn. Giáo dân ba hạt Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã theo Nguyễn Hữu Cảnh vào quy tụ ở huyện Phước Long (Biên Hòa) và huyện Tân Bình (Sài Gòn). Đây cũng là năm đánh dấu khai sinh vùng đất Sài Gòn – Gia Định.
Khoảng năm 1700, cha Emmanuel Quintão dòng Tên hoạt động ở Cù Lao Phố và Chợ Quán. Năm 1722, thừa sai José Garcia dòng Phanxicô được cử vào coi sóc giáo dân Chợ Quán. Có thể nói giáo sĩ Quintão là người có công đầu tiên kiến lập địa phận vùng Nam Hà và giáo sĩ José Garcia là người kế nghiệp và có công phát triển. Năm 1740, Sài Gòn đã trở thành một giáo khu lớn với cái nôi là Chợ Quán [Cao Thế Dung 2002a: 891]. Cuộc cấm đạo của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát năm 1750 đã làm nhiều giáo dân vùng Thuận Hóa trốn vào Nam. Ðức cha Guillaume Piguel thuộc Hội Thừa Sai Paris thường xuyên lui tới Chợ Quán, Ðồng Nai và Long Hồ (Vĩnh Long) để ban các bí tích. Trong thời gian từ năm 1771 – 1801, quân Tây Sơn nổi dậy lật đổ chúa Nguyễn và nhiều lần đánh chiếm vùng Gia Định. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, giáo dân miền Nam có điều kiện phát triển. Trước khi Đức cha Bá Đa Lộc đặc trụ sở giáo phận ở Thị Nghè thì Gia Định – Sài Gòn đã có nhiều nhà thờ cổ kính và họ đạo lâu đời như nhà thờ Chợ Quán, Bà Chiểu, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, Chí Hòa, Cầu Kho, Thị Nghè… [Huỳnh Minh 1973: 304-305]. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở của Công giáo này đều bị triệt hạ khi vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo vào ngày 6/01/1833, chỉ còn lại tòa nhà Nguyễn Ánh cất cho Đức cha Bá Đa Lộc gần rạch Thị Nghè gọi là dinh Tân Xá dùng làm nơi học tập của hoàng tử Cảnh.
Ngày 2/3/1844, Đức Giáo hoàng Gregoriô XVI ban chiếu thư chia địa phận Đàng Trong làm hai: Đông Đàng Trong (từ sông Gianh vào Bình Thuận) và Tây Đàng Trong (Lục tỉnh Nam kỳ với nước Cao Miên và một phần nước Lào). Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh tiền thân chính là Tây Đàng Trong. Vùng Biên Hòa do các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris phụ trách còn vùng Sài Gòn thuộc các giáo sĩ dòng Phanxicô. Đến ngày 30/8/1850, Tòa Thánh thiết lập địa phận Cao Miên tách từ địa phận Tây Đàng Trong gồm Cao Miên và Lào. Năm 1870, hai tỉnh An Giang và Hà Tiên (nay là giáo phận Cần Thơ và Long Xuyên) được sáp nhập vào địa phận Cao Miên, từ đó, địa phận Tây Đàng Trong chỉ còn bốn tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Long [Trương Bá Cần 2009: 305].
Trải qua thời kỳ lịch sử bách đạo, giáo dân tan tác, trốn chạy khắp nơi. Trước khi Pháp đánh Sài Gòn – Gia Định, địa phận Sài Gòn còn lại chừng 23.000 giáo dân, 3 thừa sai Pháp và 16 linh mục Việt, các thánh đường, nhà nguyện trước đây đều bị phá đổ [Cao Thế Dung 2002b: 1924]. Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, ngày 13/07/1862 Tự Đức ban Dụ tha đạo, khi ấy Công giáo mới bắt đầu hồi sinh. Nhiều nhà thờ đã được xây dựng sau hòa ước Nhâm Tuất như nhà thờ chính tòa ở khu vực chợ cũ bây giờ, nhà thờ Chợ Quán, Thị Nghè, Tân Định, Cầu Kho, Hạnh Thông Tây, Bà Điểm, Tha La, Mỹ Tho, Gò Công… Tuy nhiên, tất cả những nhà thờ được xây dựng trong khoảng thời gian từ hòa ước Nhâm Tuất đến hòa ước Giáp Tuất 1874 đều không đủ kiên cố để tồn tại cho đến ngày nay. Sau hòa ước Giáp Tuất, nhiều công trình Công giáo kiên cố, đồ sộ mọc lên khắp nơi và trải qua nhiều lần trùng tu các công trình kiến trúc này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như: tu viện dòng Phaolô (1860), Đại chủng viện Giuse Sài Gòn (1861), nữ đan viện Cát Minh (1862), Thị Nghè (1875), Tân Định (1876), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880), trường Taberd (1889),… Kinh phí xây dựng các công trình Công giáo phần lớn do các thừa sai tự xoay sở; nhà nước thuộc địa có đứng ra cấp đất và xây dựng một số nhà thờ, điển hình như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn [Trương Bá Cần 2009: 342-343]. Bên cạnh đó, giáo hữu cũng đứng ra hỗ trợ kinh phí xây nhà thờ như nhà thờ Huyện Sĩ, Hạnh Thông Tây, Chí Hòa.
Năm 1907, địa phận Tây Đàng Trong mở rộng đến tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, trước đây vùng này thuộc địa phận Đông Đàng Trong. Ngày 03/2/1924, địa phận Tây Đàng Trong đổi tên thành địa phận Sài Gòn theo tên địa bàn hành chính và địa phận Cao Miên được gọi là địa phận Nam Vang. Tiếp đó, ngày 8/01/1938, địa phận Vĩnh Long được thành lập bao gồm tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và một phần của tỉnh Cần Thơ. Địa phận Sài Gòn lúc này gồm ba tỉnh cũ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Trong những năm 1945 – 1954, hàng loạt giáo dân di cư từ miền Bắc vào Nam định cư ở các vùng Hố Nai, Biên Hòa, Sài Gòn. Ngày 24/11/1960, Giáo hoàng Gioan XXIII thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam gồm ba Tòa Tổng Giám mục và 17 Tòa Giám mục. Sài Gòn lúc này là trung tâm chính trị và tôn giáo ở miền Nam nên trở thành thành Tổng giáo phận Sài Gòn gồm: Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ðà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên. Năm 1965, Tòa Thánh tách từ giáo phận Sài Gòn thành lập giáo phận Phú Cường và Xuân Lộc. Đến năm 1975, lập thêm giáo phận Phan Thiết và năm 2005 thành lập giáo phận Bà Rịa – đều thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 Sài Gòn được đổi tên là TP Hồ Chí Minh, vì vậy ngày 23/11/1976 Tòa Thánh đã đổi tên Tổng giáo phận Sài Gòn thành Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh. Cộng với họ đạo Chợ Quán, Chí Hòa, Thị Nghè, tính đến năm 2016, giáo phận hiện có 21 họ đạo đã được trên trăm năm thành lập [Hội đồng Giám mục Việt Nam 2016: 817-819].
2. Giá trị văn hóa của các di sản kiến trúc Công giáo tại TP Hồ Chí Minh
Cho đến nay, vì nhiều yếu tố vẫn chưa có một công trình kiến trúc Công giáo nào tại TP Hồ Chí Minh được công nhận là di sản văn hóa. Tuy nhiên, dựa vào các giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật thẩm mỹ và giá trị xã hội, những công trình kiến trúc Công giáo xứng đáng là một phần của biểu tượng di sản văn hóa đô thị Sài Gòn [Nguyễn Thị Hậu 2017: 158-160].
Giá trị lịch sử
Lịch sử hình thành giáo phận Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Gia Định – Sài Gòn xưa. Nhiều công trình kiến trúc Công giáo trên trăm năm tuổi vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như: nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Chợ Quán, Chợ Lớn (Cha Tam), Chợ Đũi (Huyện Sĩ), tu viện dòng Phaolô Sài Gòn,… Trong đó, Chợ Quán là họ đạo lâu đời nhất của Giáo phận Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh với lịch sử gần 300 năm. Năm 1656, Chân Lạp xảy ra nội chiến tranh giành vương quyền. Từ sự cầu cứu của Miên vương nên chúa Nguyễn đã sai Phó tướng Trấn Biên Nguyễn Phước Yến đem quân vào Mỗi Xuy (Bà Rịa) đánh quân Miên. Cùng với cuộc Nam tiến, người Công giáo di dân vào Mỗi Xuy (Bà Rịa), Đồng Nai và Sài Gòn dưới sự dẫn dắt của các giáo sĩ Dòng Tên tiên khởi là cha Pedro Marquez và cha Emmanuel Quintão. Cha Quintão trông coi cả vùng Biên Hòa và Chợ Quán. Năm 1722, có một đợt di dân vào Gia Định, Đồng Nai; đi theo đó có giáo sĩ François José Garica, dòng Phanxico. Lúc này vì tuổi già cha Quintão đã trao vùng Chợ Quán cho cha Garcia. Đây cũng là năm đánh dấu mốc khai sinh họ đạo Chợ Quán. Ngôi nhà thờ hiện nay của Chợ Quán được xây dựng từ 1882 – 1896, đây là ngôi thánh đường lớn nhất ở khu vực Chợ Lớn vào thời gian đó. Cũng giống như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nguyên mẫu ban đầu của nhà thờ Chợ Quán không có phần chóp, hai chóp tháp được thêm vào sau này (hình 1). Nhà thờ Chợ Quán là một điểm tham quan du lịch lịchsử cho những ai muốn tìm hiểu về họ đạo lâu đời nhất Sài Gòn. Ngoài ra, gần nhà thờ, ở ngã tư Trần Bình Trọng và Trần Hưng Đạo, quận 5 còn có lăng mộ của vị học giả Trương Vĩnh Ký. Lăng mộ hình bát giác được xây dựng vào năm 1889 theo kiến trúc Pháp với những họa tiết trang trí phương Đông.
Chợ Quán là họ đạo cổ xưa nhất Sài Gòn nhưng ngôi thánh đường cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay là nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Đồ án ngôi thánh đường của kiến trúc sư J. Bourard đã vượt qua 17 đồ án khác để được chọn. Thống đốc Duperré tổ chức đấu thầu và Bourard trúng thầu công trình xây dựng này. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được thi công từ năm 1877 – 1880. Tất cả các vật liệu chính và vật dụng nghệ thuật thánh như bàn thờ, kính màu, tượng, chuông,… đều được mang từ Pháp sang. Toàn bộ kinh phí do chính quyền Pháp tài trợ nên nhà thờ ban đầu được gọi là nhà thờ Nhà Nước, đến năm 1884 nhà thờ mới được gọi là nhà thờ Sài Gòn. Ở khuôn viên trước nhà thờ vào năm 1902, chính quyền Pháp đặt tượng đài Đức cha Bá Đa Lộc dẫn hoàng tử Cảnh. Tượng làm bằng đồng bệ đá hoa cương đỏ được chế tác từ Pháp. Năm 1945, tượng này bị phá bỏ nhưng bệ đá hoa cương vẫn còn. Năm 1959, tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch trắng Carrara tạc tại Ý được đặt lên trên bệ đá cũ. Từ đây nhà thờ Sài Gòn có tên gọi là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ngày 13/11/1963, nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn được nâng lên hàng Vương cung thánh đường với tên gọi Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội[1].
Nói đến giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn không thể thiếu cộng đồng người Hoa. Năm 1698, năm khai sinh Sài Gòn, người Hoa (đa phần là dân Quảng Đông) đã lập phố Minh Hương ở Chợ Lớn. Lúc sơ khai chỉ có hai gia đình Công giáo [Bùi Văn Nho 1972: 19-20], đến năm 1865, cha Philippe thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) từ bên Trung Hoa sang Chợ Lớn để thành lập họ đạo Thanh Nhơn (người Thanh, người Hoa) cho các giáo hữu người Hoa mặc dù lúc này số tín hữu người Hoa chỉ hơn chục người định cư buôn bán. Vì số giáo dân còn ít nên cha Philippe đã mua lại một ngôi nhà xưa theo kiểu Việt Nam nằm gần ga xe lửa ở đường Thủy Quân (Rue des Marins, nay là ngã tư đường Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo B) để vừa làm nhà thờ vừa làm nhà xứ. Năm 1866, Thống Đốc Nam Kỳ De Lagrandière, khi kinh ký ở vùng Chợ Lớn, đã lệnh cho Sở Công trình Công cộng dùng ngân quỹ nhà nước xây một ngôi nhà thờ lớn hơn ở một thửa đất cách đó không xa trên đường Cây Mai (hình 2). Đây là ngôi nhà thờ thứ hai và cũng là ngôi nhà thờ duy nhất ở Nam Kỳ dành riêng phục vụ đời sống đạo của người Hoa lúc bấy giờ. Đến năm 1902, cha Francois Pierre d’Assou, linh mục người Hoa xây dựng thánh đường Chợ Lớn (nhà thờ Cha Tam – hình 3), ngôi nhà thờ kiên cố nằm ngay trung tâm khu vực Chợ Lớn vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Giá trị lịch sử của các công trình kiến trúc Công giáo Sài Gòn còn gắn với một số nhân vật lịch sử của vùng đất này. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, vùng đất Sài Gòn nổi lên với bốn đại hào phú giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Đứng đầu trong bộ tứ hào phú là nhất Sỹ – Lê Phát Đạt, ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu. Công trình kiến trúc độc đáo trên 100 năm tuổi, nhà thờ Huyện Sĩ – Chợ Đũi là minh chứng cho sự giàu có của ông. Chính ông đã hiến hơn 1 mẫu đất và 1/7 tài sản, tính theo thời giá bấy giờ là trên 30 ngàn đồng bạc Đông Dương, để xây cất lên ngôi nhà thờ Huyện Sĩ (nay là số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận 1 – hình 4). Thiết kế ban đầu nhà thờ Huyện Sĩ có năm gian (50 m) nhưng vì lúc đó nhà thờ Chí Hòa hư hỏng trầm trọng nên các giới chức trong họ đạo đã xin cắt giảm bớt một gian lấy số tiền đó xây dựng nhà thờ Chí Hòa (nhà thờ này vẫn còn đến ngày nay. Ngoài ra, con trai Huyện Sĩ là Lê Phát An (cậu của hoàng hậu Nam Phương) cũng là người chu cấp kinh phí xây dựng ngôi thánh đường Hạnh Thông Tây sang trọng ở khu vực Gò Vấp.
Một số công trình kiến trúc nhà thờ ở Sài Gòn còn đánh dấu bàn tay tài hoa của người Việt. Trong khi phần nhiều các công trình kiến trúc nhà thờ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều do các kiến trúc sư người nước ngoài thiết kế thi công thì tu viện dòng Phaolô, nhà thờ Chợ Lớn, nhà thờ Ngã Sáu là những công trình thể hiện bàn tay khéo léo của người Việt. Lịch sử Công giáo Việt Nam ghi nhận, ở Tây Đàng Trong trong vùng Pháp chiếm đóng ngay tại Sài Gòn, tu viện dòng Phaolô là cơ sở Công giáo đầu tiên được xây dựng cách quy mô và to lớn. Dòng Phaolô là dòng nữ nước ngoài đầu tiên đặt chân đến vùng đất Sài Gòn năm 1860. Tu viện nằm trong khu vực yên tĩnh, không khí thoáng mát với nhiều cây xanh, nằm giữa Chủng viện Giuse và bến tàu hải quân (Nhà máy đóng tàu Ba Son). Miêu tả về tu viện dòng Phaolô, Trung úy hải quân Richard cho biết đây một tu viện Gothic thanh thoát, tuyệt đẹp nổi bật giữa vùng Thị Nghè xưa bởi ngọn tháp duyên dáng cao nhất Sài Gòn lúc bấy giờ (hình 5) [Cao Thế Dung 2002b: 2036]. Vì đa phần được xây dựng bằng gỗ nên sau 20 năm sử dụng, chúng bị mối mọt ăn hư hỏng nặng buộc lòng phải trùng tu lại. Công việc trùng tu được giao cho cha Charles Boutier, người thiết kế nhà thờ Huyện Sĩ và Thủ Đức, phụ trách. Cha Charles Boutier giữ nguyên những nét kiến trúc độc đáo trước đây. Công trình được hoàn thành vào năm 1895 và vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Giá trị nghệ thuật
Giá trị nghệ thuật của một ngôi thánh đường được thể hiện ở hai phần: thẩm mỹ thần học và thẩm mỹ gạch đá. Nhà thờ không chỉ mang chức năng phụng tự mà còn là nơi giảng dạy đức tin nên các tác phẩm nghệ thuật cần thể hiện được đức tin Công giáo. Nghệ thuật thẩm mỹ bằng gạch đá là cái đẹp về hình khối, đường nét, không gian, tranh tượng ảnh,… Nếu Hindu giáo xây dựng đền thờ dựa trên mô hình họa đồ mandala thì kiến trúc nhà thờ Kitô giáo trước đây đều xây dựng theo hình thánh giá. Đa phần kiến trúc nhà thờ Công giáo thường có hình dạng cây thánh giá La Mã với một nhánh dài và một nhánh ngắn trong khi mặt bằng nhà thờ Chính Thống giáo thường có hình dáng thánh giá Hy Lạp với hai nhánh dài gần bằng nhau. Nhìn chung, các công trình kiến trúc Công giáo ở Sài Gòn thể hiện đặc trưng phong cách Roman-Gothic pha lẫn những nét trang trí Baroque như sự hòa quyện các phong cách kiến trúc ở nhà thờ Tân Định với màu hồng sặc sỡ trông như tòa lâu đài trong truyện cổ tích Walt Disney.
Tiêu biểu nhất cho giá trị nghệ thuật là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ngôi nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn ra đời phát xuất từ mong muốn có một thánh đường lớn tương xứng với đô thị Sài Gòn của Đức cha Isidore Colombert và được sự ủng hộ của Thống đốc Nam kỳ Guy Victor Auguste Duperré. Bên cạnh yếu tố lịch sử trên trăm năm, giá trị nghệ thuật của nhà thờ Đức Bà nằm ở vẻ đẹp tổng thể, vật liệu xây dựng và các tác phẩm nghệ thuật thánh bên trong thánh đường. Mặt bằng kiến trúc theo hình thánh giá, tiền đường và tháp chuông ban đầu thoạt nhìn có nét tương đồng với nhà thờ Đức Bà Paris (hình 6). Ngày 26/12/1894, hai tháp nhọn được thêm vào phần trên tháp chuông theo thiết kế bổ sung của kiến trúc sư Fernand Gardes. Mặt ngoài của thánh đường được xây bằng loại gạch đỏ Marseille để trần. Bên trong nhà thờ, cung thánh có bàn thờ đá bằng cẩm thạch nguyên khối, đây là một tác phẩm điêu khắc đặc sắc với nhiều chạm trổ. Bàn thờ này cùng với bàn thờ cẩm thạch Ý ở nhà thờ Tân Định được xếp hạng trang trí nổi bật nhất trong các nhà thờ ở Sài Gòn. Nhà thờ Đức Bà còn sở hữu bộ chuông và đồng hồ cổ. Sáu quả chuông đồng lớn được hãng chuông Bollee chế tác vào năm 1879 tại Pháp với các cung: Sol – La – Si – Đô – Rê – Mi. Trong đó, chuông Sol là lớn nhất với đường kính lên đến 2,25 m, cao 3,5 m, nặng 8754 kg. Trên mỗi chuông đều ghi rõ thông tin nơi đúc, năm đúc, cung chuông và tên vị kiến trúc sư thiết kế nhà thờ Đức Bà. Ngoài ra, những họa tiết trang trí trên các chuông được chạm khắc rất tinh xảo, đa dạng, khó có chuông nào ở Sài Gòn sánh bằng (trong lần trùng tu sắp tới, nhà thờ sẽ nhập thêm hai chuông mới để tạo thành một bộ hợp âm)… [Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh 2015: 12-27, 46-92]. Tất cả tạo nên một giá trị lịch sử nghệ thuật cho ngôi nhà thờ Mẹ của Tổng giáo phận Sài Gòn.
Nhà thờ Hạnh Thông Tây là một trong những nhà thờ có kiến trúc độc đáo ở Sài Gòn. Đây là nhà thờ có kiến trúc Byzantin hiếm hoi ở Việt Nam. Điểm nổi bật cho phong cách Byzantin là kiến trúc đại thánh đường (basilica) hình thánh giá và hình thể mái chóp vòm quy tâm cao chừng 20m có bốn ô kính màu để lấy ánh sáng, đuôi nhà thờ với ba vòng cung áp vào tương tự như “chóp củ hành” của nhà thờ Haggia Sophia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa bốn ô kính khắc họa chân dung các Thánh và trần mái vòm là hình các ngôi sao thể hiện không gian vũ trụ. Mái vòm trần nhà sử dụng gạch hoa thông gió có thể nhìn xuyên qua trông rất lạ mắt. Hai bên mái chóp có hai hoàng lang cao rộng kế đó là hai chái vòm nhỏ hơn. Cung thánh tam phân kiểu Byzantin gồm gian chính và hai chái hậu cung hai bên. Trên trần cung thánh ngay bàn thờ chính có các bức khảm tuyệt đẹp khắc họa biến cố trên đồi Chúa chịu nạn. Thêm vào đó, dãy bức tranh các vị thánh chạy dọc hai bên mái vòm đến cuối nhà thờ được khắc trên nền gạch mosaic nhập từ Ý tạo nên vẻ sang trọng và cổ kính cho không gian nhà thờ mà hiếm có nhà thờ nào ở Sài Gòn có được.
Mỗi công trình kiến trúc Công giáo là tổng hợp của những loại hình nghệ thuật. Nhà thờ Huyện Sĩ – Hạnh Thông Tây thu hút nhiều du khách tham quan không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc mà nơi đây bên trong nhà thờ còn có những ngôi mộ cổ độc đáo. Ông Huyện Sỹ qua đời năm 1900 khi nhà thờ Huyện Sĩ chưa xây xong. Về sau, khi vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, người ta mới đưa hai ông bà chôn ở gian trái sau cung thánh. Bên trên mộ phần, hai bức tượng toàn thân ông bà được điêu khắc nguyên khối bằng đá cẩm thạch tinh xảo đến từng chi tiết, sống động như thật tưởng như hai ông bà đang nằm ngủ. Hai ông bà kê đầu trên hai chiếc gối, đôi tay đan vào nhau trước ngực, mặt hướng về cung thánh như hiệp dâng thánh lễ. Trên mộ phần ông bà còn có các bức phù điêu cũng bằng đá cẩm thạch khắc họa các sự kiện trong Thánh Kinh. Ngoài ra, hai bên mộ phần có bệ đặt tượng bán thân bằng thạch cao của hai ông bà Huyện Sĩ và tượng bán thân con trai, con dâu ông bà ở phía trong. Những tác phẩm điêu khắc này cùng với bức phù điêu bữa tiệc ly ở dưới Nhà Tạm cung thánh đều là những kiệt tác nghệ thuật. Bên trong thánh đường Hạnh Thông Tây cũng có ngôi mộ hai ông bà Denis Lê Phát An. Hai ngôi mộ bằng cẩm thạch Ý được điêu khắc khéo léo, sống động. Trên mộ bà có tượng ông chắp tay quỳ gối và trên mộ ông có tượng bà dâng hoa huệ trắng quỳ gối cầu nguyện cho nhau. Hai bức tượng đều trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam, tượng thì được tạc bằng đá hoa cương còn mộ bằng đá cẩm thạch trắng. Trên bệ mộ phần có khắc tên tác giả của mộ và tượng do nhà kiến trúc Paul Ducuing và nhà điêu khắc A. Contenay thực hiện. Bên trên hai mộ phần có điêu khắc tấm khăn vải liệm. Giống như hai bức tượng ông bà Lê Phát Đạt, thân sinh Lê Phát An ở nhà thờ Huyện Sĩ, đây đều là những tác phẩm nghệ thuật được chạm trổ tuyệt đẹp đến từng chi tiết gợi nhớ đến kiệt tác điêu khắc Pieta nổi tiếng của Michelangelo.
Giá trị xã hội
Mỗi công trình kiến trúc là sự diễn đạt văn hóa, nó bám rễ sâu vào và không thể tách rời khỏi các giá trị của nền văn hóa mà nó thoát thai. Vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo, kiến trúc nhà thờ góp phần làm phong phú nền kiến trúc Thành phố, những nơi nhà thờ tọa lạc đã góp phần tạo nên cảnh sắc chung quanh quần thể kiến trúc của một đô thị, quốc gia. Nhà thờ Đức Bà, bưu điện Thành phố và dinh Thống Nhất nằm gần nhau tạo nên một quần thể cảnh quan kiến trúc độc đáo của vùng lõi đô thị Sài Gòn. Đa phần các nhà thờ Công giáo thường nằm tại các khu vực đông dân cư, thuận tiện cho sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Chẳng hạn nhà thờ Huyện Sĩ nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và đường Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng). Khu vực này xưa được xem là “phố wall” của Sài Gòn với nhiều ngân hàng, trụ sở hành chính Pháp, gần hai đại lộ Boulevard de la Somme (đường Hàm Nghi) và Boulevard Charner (đường Nguyễn Huệ), gần chợ Bến Thành và ga xe lửa.
Ngoài công năng là nơi thờ phượng, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn còn có một sức hút rất lớn đối với du khách thập phương khi đến vùng đất Sài Gòn. Nằm ở trung tâm thành phố, khuôn viên không rào chắn, nhà thờ như mở lòng ra với tất cả du khách thập phương. Ngôi thánh đường gần gũi như ngôi nhà chung của dân cư đô thị. Nhà thờ đã chứng kiến biết bao cột mốc quan trọng của đời người diễn ra nơi đây: các đôi tân hôn, sinh viên tốt nghiệp ra trường, tổ chức hội đoàn, công ty… đều muốn đến nhà thờ để chụp ảnh ghi dấu với một trong những biểu tượng của hồn đô thị Sài Gòn. Cùng với đường sách Nguyễn Văn Bình bên cạnh nhà thờ Đức Bà, khu vực nơi đây trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân đô thị Sài Gòn.
Các công trình kiến trúc nhà thờ Công giáo mang phong cách châu Âu nhưng vẫn thể hiện được những nét hội nhập văn hóa xã hội Á Đông. Tính hội nhập văn hóa độc đáo của công trình kiến trúc nhà thờ Đức Bà được thể hiện qua họa tiết trang trí trên những cung vòm cửa và cột đá nhà thờ. Các đường nét trang trí tương tự như những đường viền trên mặt trống đồng Ngọc Lữ hay thổ cẩm của người dân Việt [Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh 2015: 43]. Nhà thờ Cha Tam là một nhà thờ cổ có kiến trúc lạ ở Sài Gòn với phong cách Gothic châu Âu kết hợp với những yếu tố văn hóa đặc trưng của người Hoa. Tổng thể công trình xây cất theo nghệ thuật kiến trúc Gothic của Tây phương nhưng ẩn chứa triết lý người Hoa sâu sắc nhất là phần trang trí bên trong thánh đường. Giống như các đền miếu của người Hoa, cung thánh của nhà thờ Cha Tam có treo các tấm liễn, hoành phi. Ngoài ra, trên cổng nhà thờ Cha Tam có hai cá chép chầu thánh giá, lợp mái âm dương. Sau cổng chính, phía trước nhà thờ ở khuôn viên trung tâm là đài Đức Mẹ với kiến trúc tựa mái đình đặc trưng phong cách Á Đông.
Tóm lại, không gian đô thị không thể thiếu yếu tố tâm linh, những công trình kiến trúc Công giáo vẫn luôn là một trong những biểu tượng di sản vật chất và tinh thần của đô thị Sài Gòn. Chúng đã giới thiệu nét độc đáo, tinh tế của kiến trúc Roman, kiến trúc Gothic, kiến trúc Byzantine,… trong sự hòa hợp với văn hóa Á đông góp phần tạo nên biểu tượng đô thị Sài Gòn. Chúng ẩn chứa những giá trị văn hóa: kiến trúc, hội họa, điêu khắc và ký ức qua chiều dài dòng lịch sử đô thị Sài Gòn của những người đã kiến tạo nên đô thị ấy. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Mẹ của giáo phận đã trở thành một dấu son của không gian đô thị Sài Gòn, một “biểu tượng định danh” gắn chặt với thành phố. Đó là ký ức và niềm tự hào của bao thế hệ. Hay như kiến trúc tu viện dòng Phaolô của sĩ phu Nguyễn Trường Tộ thể hiện năng lực tiếp thu, sáng tạo cao của người dân Việt ở đất Sài thành… Dù là cơ sở tôn giáo hay thiết kế chỉ đạo là kiến trúc sư phương Tây nhưng những công trình kiến trúc ấy được xây nên từ chính bàn tay khéo léo, tài hoa của cha ông chúng ta. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển những công trình kiến trúc Công giáo là yếu tố cần thiết của đô thị văn minh Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.
__________
[1] Việt Nam hiện có 4 Vương cung thánh đường: Vương cung thánh đường La Vang, Sài Gòn, Sở Kiện và Phú Nhai [Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh 2015: 12 – 22].
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
1. Bùi Văn Nho 1972: Những trang sử đẫm mồ hôi của họ Chợ Lớn Việt Nam. Saigon.
2. Cao Thế Dung 2002a: Việt Nam Công giáo sử tân biên 1553 – 2000, Q. II. NXB Cơ sở Truyền thông Dân Chúa.
3. Cao Thế Dung 2002b: Việt Nam Công giáo sử tân biên 1553 – 2000, Q. III. NXB Cơ sở Truyền thông Dân Chúa.
4. Hội đồng Giám mục Việt Nam 2016: Giáo hội Công Giáo Việt Nam Niên giám 2016. NXB Tôn giáo.
5. Huỳnh Minh 1973: Gia Định xưa và nay. Saigon.
6. Nguyễn Thị Hậu 2017: Khảo cổ học đô thị và việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Đề tài Nafosted.
7. Peter M. Nas 2011: Cities full of symbols: a theory of urban space and culture. Leiden University Press.
8. Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh 2015: Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian 1880 – 2015. NXB Tôn giáo.
9. Trương Bá Cần 2009: Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập II. NXB Tôn giáo.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”
Trích dẫn: Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)