HỆ THỐNG CƠ SỞ PHÒNG THỦ trên Vùng đất Hà Tiên dưới triều Nguyễn (1802-1859)
Tác giả bài viết: DƯƠNG THẾ HIỀN
(Trường Đại học An Giang – ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Sài Gòn)
TÓM TẮT
Dưới triều Nguyễn, Hà Tiên là địa đầu biên giới có liên hệ trực tiếp đến công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước trên vùng biên giới Tây Nam. Do đó, triều Nguyễn đã ra sức đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và củng cố hệ thống các cơ sở phòng thủ trên vùng đất này nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng nơi đây. Mục đích của bài viết này là phục dựng lại diện mạo hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên như một phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ và phát triển vùng biên giới Tây Nam của triều Nguyễn trong giai đoạn 1802-1859. Thông qua công tác sưu tầm -phê bình sử liệu, phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic, kết quả nghiên cứu làm sáng tỏ hệ thống cơ sở phòng thủ của triều Nguyễn trên vùng đất Hà Tiên với hai tuyến phòng thủ trên bộ và hải đảo. Kết quả nghiên cứu góp phần nhận thức toàn diện hơn về chính sách quốc phòng của triều Nguyễn trên vùng biên giới Tây Nam trong giai đoạn 1802-1859.
ABSTRACT
Ha Tien was a borderland under the Nguyen dynasty that was intimately tied to the construction, development, and protection of the country’s territorial sovereignty in the southwestern border region. As a result, the Nguyen dynasty attempted to push operations to create and strengthen the system of defense facilities on this region in order to improve its defense capacity. The purpose of this article is to reconstruct the appearance of the defensive base system on Ha Tien land as an important aspect of the Nguyen dynasty’s defense and development of the southwestern border region from 1802 to 1859. Through the work of collecting and criticizing historical documents, historical methods combined with logical methods, the research results shed light on the defensive base system of the Nguyen dynasty in the land of Ha Tien with two lines of defense, including land and islands. The findings give a better understanding of the Nguyen dynasty’s defensive policy on the Southwestern frontier region from 1802 to 1859.
Keywords: Nguyen dynasty; Ha Tien; Defense base; Phu Quoc; Southwest border.
x
x x
1. Giới thiệu
Vào đầu thế kỷ XIX, Hà Tiên vẫn là một vị trí địa chiến lược hàng đầu trong thế trận phòng thủ biên giới phía Nam của vương triều Nguyễn. Vùng đất này không chỉ là nơi tiếp giáp với Xiêm La (Thái Lan) và Chân Lạp (Campuchia) mà còn là nơi trọng điểm của công cuộc vệ quốc trên vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam trong khoảng 60 năm đầu của thế kỉ XIX dưới triều Nguyễn. Xuất phát từ vị trí yếu địa biên thùy của Hà Tiên, triều Nguyễn đã không ngừng kiến dựng một hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất này nhằm bảo vệ vùng lãnh thổ, lãnh hải trước các cuộc xâm lăng của Xiêm và Chân Lạp trong giai đoạn 1802-1859. Do vị trí và vai trò chiến lược của hệ thống cơ sở phòng thủ này đối với sự nghiệp quốc phòng của triều Nguyễn, cho đến nay, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu ở nhiều mức độ khác nhau. Tác giả Huỳnh Lứa với công trình “Công cuộc khai phá trấn Hà Tiên vào những thập kỷ cuối thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII và vai trò của họ Mạc” đã phân tích khá rõ nét vai trò của họ Mạc đối với công cuộc khai phá, phát triển và bảo vệ vùng đất Hà Tiên vào những thập kỷ cuối thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII [1]. Bên cạnh đó, Nguyễn Quang Ngọc cũng đã khái quát được bức tranh tổ chức phòng thủ với các đồn, bảo, tấn, thủ có tính chất trọng yếu trên vùng đất Hà Tiên [2]. Trong xu thế phân tích các yếu tố địa chiến lược về mặt quân sự của Hà Tiên, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cũng cho rằng: “Hà Tiên là một trong những vùng đất có vị trí yết hầu, liên quan trực tiếp đến sự suy, thịnh của triều đình, muốn giữ vững vùng biên giới ổn định, ngăn ngừa sự tấn công từ các nước láng giềng” thì cần tăng cường công tác phòng bị cho khu vực này [3]. Tương tự, Trần Thị Mai đã chỉ ra: “Do vị trí chiến lược của Hà Tiên, từ thời Minh Mạng, nhà vua đã cho tăng cường hệ thống bảo, tấn: Bảo Giang Thành, bảo Hàm Ninh, pháo đài nhỏ Tô Châu, tấn Kim Dữ, tấn Hoàng Giang, tấn Ghềnh Hàu…” [4]; đồng thời, tác giả này cũng nói thêm về các hoạt động thực thi chủ quyền trên biển Hà Tiên của triều Nguyễn ở hòn Đại Kim Dữ, Tiểu Kim Dữ, đảo Phú Quốc, Thổ Châu,…của đội Hà Phú, Phú Cường [5]. Trong khi đó, tác giả Trần Thị Thu Hường đã đề cập đến việc nhà Nguyễn cho thiết lập các cơ sở phòng thủ như đồn Trấn Biên, Giang Thành, cũng như lập các đội pháo thủ, binh lính tăng cường cho Hà Tiên [6]. Còn Nguyễn Thanh Lợi trong công trình “Bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Nam Kỳ thời Nguyễn” đã cung cấp thông tin về việc nhà Nguyễn cho xây dựng và củng cố hệ thống phòng thủ ở Hà Tiên bằng các công trình như dãy Trường Lũy, pháo đài Kim Dự, trường lũy Phù Anh, Tấn Kim Dự, thủ sở Phú Quốc, bảo Trấn Biên, bảo Giang Thành, tấn Đại Giang,…[7]. Mặc khác, tác giả Bùi Gia Khánh cho biết các hoạt động thiết lập và tăng cường sức mạnh thủy quân của Hà Tiên của nhà Nguyễn khi cho thành lập Vệ thủy Hà Tiên với 328 người [8]. Như vậy, có thể thấy những tư liệu lịch sử và công trình nghiên cứu trên đã đề cập cơ bản về các cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên nhưng chưa có công trình nào đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này một cách hệ thống. Do đó, việc nghiên cứu về hệ thống cơ sở phòng thủ của triều Nguyễn trên vùng đất Hà Tiên trong giai đoạn 1802-1859 là vấn đề khoa học cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Bài viết này tập trung nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống cơ sở phòng thủ của triều Nguyễn trên vùng đất Hà Tiên với hai tuyến phòng thủ trên đất liền và hải đảo.
2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu bao gồm: phương pháp phê bình sử liệu, phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic. Cụ thể như sau: Phương pháp phê bình sử liệu được tiến hành để phân loại nguồn sử liệu sưu tầm được thuộc loại sử liệu trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó, chúng tôi sử dụng vào việc phục dựng và nhận thức đúng về các vấn đề liên quan đến hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên dưới triều Nguyễn trong giai đoạn 1802-1859. Thông qua đó, chúng tôi xem xét về tính chính xác, khách quan trong nội dung sử liệu để phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên dưới triều Nguyễn trong giai đoạn này.
Phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic được chúng tôi sử dụng xuyên suốt trong quá trình thực hiện nghiên cứu này để tìm hiểu các vấn đề lịch sử một cách chi tiết, cụ thể trong sựra đời, phát triển và kết thúc; trong không gian, thời gian xác định; từ đó làm rõ hệ thống cơ sở phòng thủ này dưới triều Nguyễn trong giai đoạn 1802-1859. Các phương pháp trên được chúng tôi cố gắng vận dụng hợp lí trong nghiên cứu để đảm bảo được tính khoa học và góc độ nghiên cứu lịch sử của vấn đề.
3. Kết quả và bàn luận
3.1. Triều Nguyễn thiết lập và củng cố tuyến phòng thủ trên bộ
Dựa trên những nền tảng về quốc phòng thời kỳ trước, triều Nguyễn đã tiến hành quá trình củng cố và kiến dựng một hệ thống cơ sở quốc phòng trên vùng đất Hà Tiên nhằm biến nơi này trở thành khu vực phòng thủ quan trọng trong chiến lược quốc phòng biên giới Tây Nam.
Dưới thời Gia Long, công trình quan trọng nhất ở Hà Tiên là trấn thự Hà Tiên. Triều Nguyễn đã chọn ví trí khá thuận lợi với núi Bình San làm mặt hậu, núi Tô Châu làm tiền án, biển làm hào, Đông Hồ làm hào ngăn giặc bằng đường thủy. Trấn thự có 3 lũy đất đều cao 4 thước dài 7 thước: từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi, từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng rưỡi. Trấn thự gần nơi cất giữ thuyền binh vì từ Đông Hồ chỉ cách xưởng thuyền 308 trượng rưỡi; hào rộng 10 thước, ở giữa thành dựng công thự; tả, hữu đều xây dựng quân trại canh gác; dinh của quan Hiệp trấn ở chân núi Ngũ Hổ [9, tr. 200-201].
Thành tỉnh Hà Tiên là công trình quan trọng được triều Nguyễn thiết lập ở Hà Tiên. Thành tỉnh Hà Tiên có chu vi 96 trượng 2 thước, cao 7 thước 2 tấc, chân thành dày 1 trượng 5 tấc, xây bằng đá, hào sâu 3 thước 5 tấc, mở ba cửa ở trước và tả, hữu. Trước năm 1828, tỉnh lỵ ở xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu [10, tr. 12]. Năm 1828, vua Minh Mạng nhận thấy trấn lỵ cũ ở xã Mỹ Đức “địa thế chật hẹp” lại “gần sát cửa biển ngoài không có gì để che đỡ, e không phải là nơi đất tốt” [11, tr. 12] nên cho dời trấn lỵ Hà Tiên về phía Nam của thủ Giang Thành vì cho rằng “địa thế cao, rộng, quang đãng” nên cho “dựng lập tỉnh thành ở đấy, rồi đặt đồn lớn ở tỉnh lỵ cũ, đồn để đóng trọng binh, ngoài có pháo đài Kim Dữ cùng bảo vệ lẫn cho nhau” [11, tr. 29]. Trong thành có dựng pháo đài Hà Tiên để phòng thủ.
Trong Chiến tranh Việt – Xiêm (1833-1834), thành tỉnh Hà Tiên cùng nhiều công trình liên quan bịtàn phá nên triều Nguyễn tiến thành tái thiết. Theo đề nghị của Tham tán Hồ Văn Khuê: “…xin ở phía trước, chân pháo đài, bên bờ tấn sở, cho xây trước một dải lũy đá dài 111 trượng 5 thước, cao 3 thước, chân dày 5 thước, mặt rộng 3 thước, cứ cách một trượng lại đặt một cỗ súng to. Lại chọn những chỗ đất cao ráo rộng rãi, dựng một cái đồn có bao thành xung quanh, mỗi mặt đều 20 trượng, để làm nơi tỉnh lỵ. Phía sau, lại xây 2 cái đồn nữa để đóng chặn đường bộ. Trên những ngọn cheo leo ở các núi từ Cần Bột tới Giang Thành, đều cho đặt đài đốt lửa báo hiệu và dựng đồn canh…” [11, tr. 99].
Về cơ bản vua Minh Mạng cho là hợp lý nên dụ cho quan quân tiến hành “việc gì nên làm trước, có thể hãy tạm sửa chữa, cốt cho chóng xong”. Đồng thời, Minh Mạng phái 500 quân đóng giữ và thực hiện công việc [11, tr. 99]. Sau đó, Hồ Văn Khuê tiếp tục cho làm thêm 1 gian kho thuốc súng ở trên pháo đài cùng với 5 gian kho chứa lương thực ở trong đồn lớn [11, tr. 132].
Trên tuyến trường lũy Phù Dung (có từ thời Mạc Thiên Tứ), từ phía Đông bờ sông đến phía Nam bãi biển, dài hơn 512 trượng, đặt 140 lỗ châu mai. Ở cuối lũy này lại đắp ngang một dải lũy đá dài 10 trượng, đặt 9 lỗ châu mai, để hỗ trợ cho pháo đài [11, tr. 132]. Sang năm 1834, khi chiến sự đã chấm dứt, Tổng đốc An -Hà Trương Minh Giảng, cùng với Thự Tuần phủ Hà Tiên là Trấn Chấn dâng sớ xin cho lập đồn An Biên ở tỉnh lỵ cũ “để đóng trọng binh, lấy pháo đài Kim Dữ và trường lũy Phù Dung làm bình phong, rồi lập tỉnh thành ở Giang Thành, thì đất bằng phẳng rộng rãi có thể để dân cư tụ, đường thủy, đường bộ đều có thể ngó tới, khi lâm sự đối phó” [11, tr. 165].
Vua Minh Mạng nhận thấy điều này hợp lý nên cho thành lập đồn An Biên ở Mỹ Đức. Đồn An Biên sau đó được đổi tên thành bảo Trấn Biên. Bảo Trấn Biên có chu vi 93 trượng 2 thước, cao 7 thước, xây bằng đá núi, có 3 cửa. Bên trong bảo Trấn Biên, triều Nguyễn cho làm nhà hành cung và kho tàng chứa tiền, thóc, thuốc súng, súng và khí giới các sở, dựng làm nhà ở để làm việc, nha quân xá, nhà ngục thất, đều dùng rào tre để che chắn và bố trí 21 biền binh canh giữ [12, tr. 410], [13, tr. 143].
Với sự thiết lập cụm phòng thủ Trấn thự Hà Tiên, Kim Dữ, trường lũy Phù Dung, bảo An Biên đã tạo nên một nền tảng quan trọng cho công cuộc phòng thủ nơi giáp giới với Chân Lạp. Điều này tạo tiền đề quan trọng để triều Nguyễn triển khai các hoạt động phát triển vùng biên giới trong buổi đầu mở đất.
Bên cạnh đó, năm 1820, triều Nguyễn cho dựng bảo Giang Thành nằm ởphía hữu sông Vĩnh Tếthuộc huyện Hà Châu với 20 biền binh. Bảo này bịquân Xiêm phá hủy trong cuộc Chiến tranh Việt -Xiêm (1833-1834). Đến năm 1835, vua Minh Mạng cho đắp lại bảo với chu vi 45 trượng 6 thước, cao 5 thước, hào rộng 1 trượng, sâu 5 thước [10, tr. 29]. Năm 1837, triều Nguyễn cho bố trí ở bảo này 21 biền binh để đóng giữ [14, tr.411].
Một công trình phòng thủ rất quan trọng là pháo đài Kim Dữ (Kim Dự) được xây dựng trên núi Kim Dữ của Hà Tiên. Năm 1831,vua Minh Mạng đã phái Tổng trấn Lê Văn Duyệt xem xét những chỗ hình thế hiểm yếu ở trấn Hà Tiên, xây đài đặt súng để phòng bị. Sau một thời gian nghiên cứu địa hình thì triều đình cho khởi công xây đắp pháo đài ở núi Kim Dữ. Pháo đài này có chu vi 133 trượng 5 thước, từ chân tường đến thân tường tầng dưới cao 5 thước 3 tấc, mặt rộng 8 thước, tầng trên cao 1 thước 2 tấc, mặt rộng 4 thước. Phía ngoài tường đài: chu vi 57 trượng, từ đằng trước đến đằng sau dài 17 trượng; từ bên tả sang bên hữu, 11 trượng. Mặt trước đài dựng một cột cờ; đằng sau đài mở một cửa. Ở trong, dựng 1 toà nhà ngói 3 gian 2 chái, đặt súng đại bác. Hai bên dựng 2 cái nhà ngói đều 1 gian 2 chái để chứa thuốc đạn. Chân núi, phía sau đài, làm 2 cái nhà tranh, mỗi cái 5 gian 2 chái, để cho biền binh cư trú. Đến lúc đài xây xong, Lê Văn Duyệt xin phái hơn 160 biền binh, 3 thuyền Ô, Lê, giao cho Thành thủ uý Lê Văn Do cai quản đốc suất [15, tr. 222].
Cũng trong năm 1832, triều Nguyễn lấy 4 đội pháo thủLục, Thất, Bát, Cửu của thành Gia Định cũ dồn làm 2 đội pháo thủnhất, nhị ở An Giang, chia đóng ở pháo đài Kim Dữ thuộc Hà Tiên và đồn Châu Đốc thuộc An Giang [15, tr. 398]. Đến đầu năm 1833, triều Nguyễn lại cắt cử 100 biền binh đến đóng giữ pháo đài Kim Dữ [15, tr. 450]. Cũng trong năm này, Hồ Văn Khuê đã trích lấy 1 cỗ súng đồng “Chấn uy đại Tướng quân” và 2 cỗ súng “Thắng uy Tướng quân”, cùng 300 viên đạn các cỡ, chia đặt ở pháo đài và ở lũy đá. Sau đó, lại lấy 1.000 binh dõng để theo tỉnh điều khiển đóng giữ giặc Xiêm xâm lấn [11, tr. 99].
Sang năm 1834, triều Nguyễn cho đắp thêm đồn Đại Kim Dữ và đồn Tiểu Kim Dữ. Đồn Đại Kim Dữ được bố trí một cỗ đại bác [10, tr.28]. Đến năm 1835, triều Nguyễn quyết định tăng cường hỏa lực cho pháo đài Kim Dữ với 4 cỗ phách sơn cương pháo, 6 cỗ quá sơn đồng pháo. Trường lũy Phù Dung cũng được tăng cường với 10 cỗ phách sơn cương pháo, 20 cỗ quá sơn đồng pháo [11, tr. 827].
Đến năm 1837, vua Minh Mạng lại cho 1 viên Quản cơ, 1 viên Suất đội và 60 biền binh đến đóng giữ pháo đài Kim Dữ [14, tr.410]. Đến thời Tự Đức, pháo đài Kim Dữ được xây dựng lại theo hình tròn, có chu vi 17 trượng 3 thước 5 tấc, cao 6 thước 8 tấc, mở một cửa bán nguyệt, chân pháo đài đắp lũy ở ven biển, dài 180 trượng 7 thước, cao 3 thước 5 tấc, chạy ngang ra đến cửa tấn để phòng giặc biển [10, tr. 28]. Có thể khẳng định, cụm pháo đài Kim Dữ là một trong những cơ sở quốc phòng quan trọng hàng đầu trong thế trận quốc phòng của triều Nguyễn ở khu vực Hà Tiên với ưu thế “đặt cao, bắn xa” [16, tr. 283].
Phía dưới pháo đài Kim Dữ, ở chân núi, triều Nguyễn cho xây dựng tấn Kim Dữ để phối hợp phòng thủ. Tấn Kim Dữ nguyên trước kia có tên tấn Hòn Xú. Năm 1806, vua Gia Long cho đổi tên thành tấn Kim Dữ [17, tr. 677]. Đây là một tổ hợp phòng thủ lợi hại của triều Nguyễn ở cửa ngõ đường biển vào Hà Tiên. Hỗ trợ cho tổ hợp phòng thủ Kim Dữ, năm 1841, triều Nguyễn còn cho dựng đồn Chiêm Khê ở gần pháo đài Kim Dữ [14, tr. 200].
Cùng với pháo đài Kim Dữ, năm 1834, triều Nguyễn đã cho xây dựng bảo đài Phù Anh nằm trên núi Phù Anh với chu vi 664 trượng 8 thước, cao 6 thước [10, tr. 29] và cho đắp trường lũy Phù Anh với 50 biền binh đóng giữ [14, tr. 410]. Bên cạnh đó, năm 1842, triều Nguyễn cho xây dựng bảo đài Thị Vạn với chu vi 2.720 trượng 7 thước, có lũy bao bọc, phía ngoài trồng tre gai để phòng giữ và ngăn giặc [10, tr. 28].
Trên núi Tô Châu, năm 1841, triều Nguyễn xây dựng thêm pháo đài nhỏ Tô Châu với chu vi 46 trượng 8 thước, cao 5 thước với 1 cửa được mở nhìn ra sông Giang Thành [10, tr. 29]. Đến năm 1854, dưới chân núi Tô Châu, vua Tự Đức cho đắp bảo Tô Châu để tạo ra thế phòng thủ chiến lược [18, tr.295]. Bảo Tô Châu được nhà Nguyễn cho tu bổ lại nền móng để đặt súng lớn và tăng cường quân lính từ nha phủ An Biên đến đóng giữ[18, tr.538].
Ngoài ra, triều Nguyễn còn cho xây dựng các cơ sở phòng thủ khác như bảo Lư Khê, bảo Tiên Thái, bảo Đầm Chiết, thành Thổ Sơn, bảo dưới chân núi Ngũ Hổ, đồn Chiêm Khê. Các cơ sở quốc phòng này được tổ chức như sau: Bảo Lư Khê nằm ở địa phận huyện Hà Châu được xây dựng từ năm 1820 với chu vi 53 trượng 2 thước 8 tấc, cao 4 thước để phối hợp với các căn cứ ở Kim Dữ và Tô Châu [18, tr. 295]. Bảo Tiên Thái và bảo Đầm Chiết nằm ở địa phận huyện Hà Châu cũng là các căn cứ quan trọng trong tổ hợp phòng thủ Giang Thành. Bảo Tiên Thái được xây dựng từ năm 1825 với chu vi 52 trượng, cao7 thước, có mở một cửa. Bảo Đầm Chiết được xây dựng từ năm 1842 với chu vi 15 trượng, cao 5 thước [10, tr. 29].
Trên con đường quan báo từ trạm Phù Dung đến phủ lị Quảng Biên, năm 1837, vua Minh Mạng cho đắp thành đất Thổ Sơn với vai trò “trong có thể làm chỗ che cho tỉnh lị, ngoài có thể làm tiếp viện cho phủ Quảng Biên” [19, tr. 95]. Thành này được đắp với mặt trước dài 17 trượng, cao 7 thước dày 1 trượng, ngoài đóng cọc gỗ, hào rộng 2 trượng 3 thước, sâu 5 thước, mặt sau dài 28 trượng 4 thước, đóng cọc gỗ, 2 góc tả hữu. Đồn được đặt 2 cỗ súng gang phách sơn, 2 cỗ súng đồng quá sơn, 2 bên tảhữu thành làm nhà cho quân ở, trên đỉnh núi làm một chòi canh, một chỗ để đốt lửa báo hiệu với 1 Suất đội, 50 biền binh để đóng giữ [19, tr. 95].
Đầu năm 1858, triều Nguyễn cho dựng một bảo dưới chân núi Ngũ Hổ. Bảo này được thiết kế với 2 bên tả, hữu đều đào hào và đắp luỹđất cao 4 thước 5 tấc. Ở chỗ giáp lũy đất dựng rào sách bằng gỗ, 2 bên thân lũy, mỗi bên mở 1 cửa và đắp mỗi bên 2 cái nền để súng lớn. Bên tả chia đặt nhà công sảnh của các viên tuần phủ, án sát và lãnh binh; bên hữu chia làm nhà của thành thủuý, nhà lính pháo thủ, nhà giam tù, các sở. Ngoài cửa lệch về phía tả, triều Nguyễn dựng bảo Đông Hồ. Đây là chỗ thường trú của lính Thuỷ vệ Hà Tiên; lệch về phía hữu, triều Nguyễn bố trí nhà của lính thú tỉnh Long -Tường đến đóng thủ[19, tr.358].
Sự hiện diện của một loạt các pháo đài, bảo đài ở mặt Hà Tiên là biểu hiện sự quan thiết của triều Nguyễn đối với tầm quan trọng của vùng đất này cũng như công tác phòng thủ đường biển và nội thủy ở khu vực giáp giới lãnh thổvà lãnh hải với Chân Lạp và Xiêm La. Đó là cơ sở để nhà Nguyễn nâng cao khả năng tự bảo vệ của Hà Tiên trong thế trận phòng thủ Tây Nam.
Đi về phía Nam, công trình quan trọng cần nhắc đến là thủ sở đạo Kiên Giang được kiến dựng ở Rạch Giá. Đạo thủ Kiên Giang được kiến dựng từ năm 1757 dưới thời Mạc Thiên Tứ [17, tr. 166]. Năm 1791, sau khi làm chủ Gia Định thành, chúa Nguyễn Ánh tăng cường hỏa lực cho đạo Kiên Giang với việc cấp “súng lớn, súng nhỏ và thuốc đạn, sai đóng 5 chiếc thuyền, phân phái đi tuần” [17, tr. 272]. Sang triều Nguyễn, năm 1814, vua Gia Long cho lập 2 đội Kiên nghị nhất và nhị để đóng giữ ở đạo Kiên Giang [17, tr.882]. Bên cạnh đạo thủ Kiên Giang, triều Nguyễn còn cho đắp tấn Kiên Giang. Tấn Kiên Giang rộng 80 trượng, án ngữ ở bờ phía Tây lạch Giá Khê, có phố chợ trù mật, thuyền buôn tấp nập. Tấn Kiên Giang cùng với thủ Đông Xuyên hợp thành hai cơ sởquốc phòng quan trọng nằm ở hai đầu kênh Thoại Hà [10, tr.30]. Tấn Kiên Giang dựa vào lợi thế cửa sông giáp biển nên trở thành một căn cứ quan trọng ven vùng biển Rạch Giá. Năm 1841, vua Thiệu Trị còn cho đắp bảo Kiên Giang. Bảo này có mặt trước dài 19 trượng 2 thước, ngang 12 trượng 6 thước, ở địa phận thôn Vân Tập. Bảo Kiên Giang là địa điểm then chốt trong công tác phòng ngự tại vùng đất liền Rạch Giá.
Thêm vào đó, triều Nguyễn cho đắp tấn thủ Đại Giang có tên khác là tấn thủ Cửa Lớn (nay là cửa sông Cái Lớn) nhằm tăng cường công tác kiểm soát an ninh và phòng giữ vùng ven biển [18, tr. 917]. Tấn thủ Đại Giang rộng khoảng 100 trượng, thông với đạo Kiên Giang, ở quãng giữa có 10 ngòi sông tiếp giáp với sông Ba Xuyên. Phía bên trái tấn Cửa Lớn, triều Nguyễn còn cho đắp thêm tấn Tiểu Giang hay Cửa Bé để yểm trợ [10, tr. 30].
Hành lang phòng thủ của triều Nguyễn còn kéo dài đến đạo Long Xuyên với các cơ sở quốc phòng quan trọng như: tấn Hợp Phố, tấn Cùng Đàm, tấn Hoàng Giang, tấn Tam Giang, tấn Bồ Đề, tấn Ghềnh Hàu và thủ Bình Xuyên [10, tr. 30-31].
Tấn Hợp Phố là một tấn lớn với cửa rộng 190 trượng. Phía bên trái, triều Nguyễn cho đắp thêm tấn Cùng Đàm để hỗ trợ. Phía bên phải lên phía Bắc có tấn Đại Giang như đã trình bày. Năm 1847, tấn Hợp Phố cũng được triều Nguyễn cho đắp lại. Tấn này cùng đồn Hợp Phố kiêm trông cả cửa biển Cự Môn [18, tr. 917]. Trong khi đó, tấn Hoàng Giang nguyên là cảng Đốc Hoàng, cửa tấn rộng khoảng 40 trượng, đối chệch với Hòn Trúc ngoài biển Tây Nam Bộ. Còn tấn Tam Giang là một tấn quan trọng nằm giữa tấn Đại Giang và tấn Bồ Đề, với cửa rộng 217 trượng. Tấn Bồ Đề nằm đối diện chếch với Hòn Khoai, cửa tấn rộng 21 trượng 1 thước, bên phải có tấn Ghềnh Hàu cách đó 40 dặm. Tấn Ghềnh Hàu có cửa tấn rộng 25 trượng 6 thước, phíaTây Nam hợp lưu với tấn Bồ Đề, phía Tây Bắc thông ra tấn Hoàng Giang, phía Đông quanh co 1 dặm rưỡi thông với tấn Mĩ Thanh của An Giang.
Ngoài các tấn thủ trên, vùng Long Xuyên còn một đồn thủ rất quan trọng là đồn thủ Bình Xuyên. Đồn thủ này được xây dựng từ năm 1829 dưới triều Minh Mạng với Thủ ngữ là Ân kỵ uý là Nguyễn Văn Hội. Trong các nhận định của triều Nguyễn, thủ Bình Xuyên có vai trò lớn trong việc “chuyên trách việc tuần phòng” [20, tr. 851].
Hệ thống các cơ sở phòng thủ trên đất liền thuộc Hà Tiên của triều Nguyễn đóng vai trò là lớp bảo vệ tiền tiêu trong thế trận phòng thủTây Nam của đất nước trong bối cảnh Xiêm ngày càng lớn mạnh và thể hiện tham vọng ra bên ngoài một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở phòng thủnày cũng đóng vai trò nền tảng cho công cuộc bảo hộ Chân Lạp nhằm đẩy chiến tranh ra xa biên giới Tây Nam của triều Nguyễn, góp phần quan trọng vào công cuộc giữ nước của Việt Nam trong giai đoạn 1802-1859.
3.2. Triều Nguyễn thiết lập và củng cố tuyến phòng thủ trên hải đảo thuộc biển Tây Nam
Đây là tuyến phòng thủ với đặc thù là các cơ sở quốc phòng được thiết lập và củng cốtrên các đảo và quần đảo thuộc biển Tây Nam Bộ trong mối tương liên với các cơ sở quốc phòng trên bộ. Trên các đảo và quần đảo “quan yếu” trên biển Tây Nam, triều Nguyễn đã thiết lập một số cơ sở quốc phòng nhằm đảm bảo công tác tuần hành, canh giữ biên cương biển đảo của đất nước, đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi giặc biển cũng như bảo vệ nền hải thương phía Tây Nam.
Cụm cơ sở quốc phòng quan trọng nhất trên biển Tây Nam Bộ được triều Nguyễn thiết lập ở Phú Quốc. Điều này có thể được lý giải bởi đến năm 1837, hầu như các đảo và quần đảo khác ở biển Tây Nam Bộ chưa có nhiều dân cư sinh sống [19, tr.84]. Trong khi đó, quần đảo Phú Quốc được khai mở khá sớm từ thời Mạc Cửu vào thế kỉ XVII. Đến thời Trung hưng, cuối thế kỉ XVIII, Nguyễn Ánh từng chọn Phú Quốc làm chốn nương thân trên con đường bôn tẩu nhằm tránh sự truy kích của quân Tây Sơn [17, tr.213]. Năm 1789, Nguyễn Ánh cũng tăng cường phòng thủ ở Phú Quốc 8 thuyền chiến [17, tr.251]. Sau khi đại định, triều Nguyễn đã tăng cường cho công cuộc phòng thủ tại Phú Quốc. Năm 1816, vua Gia Long cho lập thủ sở Phú Quốc với Cai đội Lê Văn Ý làm Thủ ngự. Đồng thời, Vua sai mộ lính để lập ra 10 đội Phú Cường ở thủ sở, mỗi đội 50 người, được bố trí 3 thuyền lớn và 3 thuyền nhỏ. Bên cạnh đó, triều đình cấp cho khí giới, tha cho thuế thân và tạp dịch để sai đi tuần biển [20, tr.39]. Như vậy, quân số ở Phú Quốc lúc này đã lên đến 500 quân.
Năm 1832, nhận thấy sự quan yếu của Phú Quốc, vua Minh Mạng cho xây đặt pháo đài, liệu cấp súng đạn, khí giới, thuyền bè, phái quân đóng giữ. Tại đây có đội Phú Cường thường xuyên tuần tra và bắt giặc trên khu vực biển Hà Tiên. Những cư dân cũng cấp cho khí giới để cùng phòng giữ [15, tr.385]. Đến năm 1833, vua Minh Mạng đã cho xây dựng đồn Phú Quốc ở địa phận thôn An Thái để ngăn ngừa giặc biển. Đồn Phú Quốc được thiết kế chung quanh xây bằng đá núi, trên dựng một căn phòng cho lính đương ban đóng giữ, trên đồn đặt 4 khẩu Hồng y cương pháo, 8 khẩu quá sơn đồng pháo, phái 50 lính tỉnh đến đóng giữ. Lại lấy thêm dân sở tại phụvào việc canh giữ, cấp cho khí giới và thuyền bè đủdùng. Triều Nguyễn cho lấy viên Thủ ngự đồn Phú Quốc là Nguyễn Văn Sương làm Phòng Thủ úy đứng cai quản, cho mộ thêm lính đặt làm đội phòng thủ [15, tr.493].
Đến năm 1835, sau Chiến tranh Việt -Xiêm, triều Nguyễn quyết định tăng cường hỏa lực cho đồn Phú Quốc với 4 cỗ phách sơn cương pháo, 4 cỗ quá sơn đồng pháo [11, tr.827]. Đến năm 1838, vua Minh Mạng cho dời đồn Phú Quốc từ thôn An Thái sang xứ Bình Sa thôn Phú Đông, “phía trước giáp cửa biển Dương Đông; phía sau liền với miền núi; bên tả có gò Sa; bên hữu có sông Dương Đà, lại nhiều nước ngọt có thể múc uống được, dân cư nối liền, thuyền buôn tụ hội” [19, tr.240]. Đồn Phú Quốc mới có chiều dài 45 trượng 1 thước 6 tấc, cao 7 thước 2 tấc, dày 9 thước; thân đồn và 4 góc, trong ngoài đều làm hàng rào gỗ, giữa đổ đầy đất, 2 bên tả hữu đều xây 1 cửa cao 8 thước, rộng 6 thước; ở trên làm nhà vuông; hào đào rộng 1 trượng, sâu 3 thước; bên trong đồn, có trại lính 5 gian 2 chái; phía sau đồn làm kho thuốc đạn 2 gian, bên ngoài đồn phía trước bên tả, chỗ gò cát làm 1 chòi canh cao 2 trượng, trên đồn chia đặt 2 cỗ súng gang phách sơn, 6 cỗ súng đồng quá sơn. Triều Nguyễn lấy 1 Suất đội và 50 biền binh ở cơ Tả Hà Tiên phái đóng giữ ở đấy [19, tr.240-241].
Đồng thời, ở mặt phía Đông của Phú Quốc hướng về Hà Tiên, triều Nguyễn chọn ở thôn Hàm Ninh một khoảnh gò cát, phía trước tới bãi biển, bên tả giáp sông Diệp, bên hữu và phía sau đều giáp rừng để xây đồn Hàm Ninh phòng giữ giặc biển. Đồn Hàm Ninh có chiều dài 32 trượng, chiều cao chiều dày cũng như đồn Phú Quốc, 4 mặt đều đóng hàng rào gỗ; bên tả xây 1 cửa cao 8 thước, rộng 5 thước, trên bác bằng gỗ; hào đào rộng 8 thước, sâu 3 thước; bên trong đồn, có trại lính 3 gian 2 chái; đoạn giữa phía mặt trước, dựng 1 cái chòi canh cao 2 trượng; 2 góc tả, hữu đặt 2 cỗ súng đồng quá sơn. Triều Nguyễn lấy 1 Suất đội và 20 biền binh ở cơ Tả Hà Tiên phái đóng giữ ở đấy [19, tr.240-241]. Đến năm 1849, vua Tự Đức cũng cho rằng bảo Hàm Ninh không giữ vị trí quan yếu nên cho bỏ bớt đi [16, tr.141].
Từ năm 1849 đến trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ (1859), triều Nguyễn cũng không có sự điều chỉnh nào đáng kể về công tác quốc phòng ở Phú Quốc. Đối với các hải đảo còn lại, triều Nguyễn chủyếu thực hiện công tác tuần tiễu để kiểm soát an ninh, phòng giữ biên giới đối với quân Xiêm và các toán cướp biển hay kiểm soát thuyền buôn các nước.
Có thểnói, công cuộc phòng thủ biển đảo của triều Nguyễn trên biển Tây Nam Bộ đã được các vua Nguyễn rất quan tâm với sự thiết đặt và điều chỉnh xuyên suốt từ thời Gia Long đến Tự Đức. Trong đó, Phú Quốc được triều Nguyễn xác định là vị trí chiến lược trong công cuộc phòng thủ biển đảo với nhiều công trình phòng thủ được thiết lập trong mối liên hệ mật thiết với các căn cứ phòng thủ mặt duyên hải của Hà Tiên. Chính những cố gắng to lớn này của triều Nguyễn đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn biển đảo cũng như giữ vững an ninh hàng hải và cuộc sống của cư dân trên vùng biển Tây Nam Bộ trong gần 60 năm dưới triều Nguyễn.
4. Kết luận
Với vịtrí địa chiến lược tiếp giáp với Chân Lạp và Xiêm, Hà Tiên trở thành một khu vực phòng thủ quan trọng, giữ vai trò lá chắn tiền tiêu trên mặt Tây Nam trong chính sách quốc phòng của triều Nguyễn. Do đó, việc củng cố và thiết lập các cơ sở quốc phòng trên vùng biên giới đặc biệt này trở thành một chính sách lớn của triều Nguyễn. Trải khắp lãnh thổ Hà Tiên, triều Nguyễn đã cho thiết lập rất nhiều cơ sở phòng thủ quan trọng như thành tỉnh Hà Tiên, cụm cơ sở quân sự ở Kim Dữ, Tô Châu, Giang Thành, Kiên Giang, Long Xuyên, các tấn của sông đổ ra biển Tây Nam, Phú Quốc… Tất cả đã hiệp thành hệ thống cơ sở phòng thủ mạnh mẽ có tính tương liên vững chắc trên bờ- dưới biển. Hệ thống cơ sở phòng thủ này đã trở thành một mảng kiến tạo quan trọng trong chỉnh thể chính sách quốc phòng của triều Nguyễn trên vùng biên giới Tây Nam kéo dài từ đạo Quang Hóa (Tây Ninh) đến đạo Long Xuyên (Hà Tiên). Lịch sử đã cho thấy, hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên đã phát huy vai trò quan trọng trong tiến trình giữ nước, an dân của triều Nguyễn, góp phần to lớn vào sự nghiệp khẳng định chủ quyền và bảo vệ vững chắc sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn 1802-1859.
TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES
[1] L. Huynh,“The reclaiming of Ha Tien town in the last decades of the 17th century, the first half of the 18th century and the role of the Mac family,” November 26, 2018. [Online]. Available: http://vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-nam-hoc-quoc-te/647-cong-cuoc-khai-pha-tran-ha-tien-va-vai-tro-cua-ho-mac.[Accessed July 19, 2023].
[2] Q. N. Nguyen, The Land of the South of Vietnam, volume IV: From the beginning of the seventeenth century to the middle of the nineteenth century. National Political Publishing House, Ha Noi, 2017.
[3] T. A. N. Nguyen, “Nguyen dynasty with the protection of the border region in southern area of Vietnam in the first half of the nineteenth century,”Thu Dau Mot University Journal of Science,vol. 4, no. 23, pp. 19-26, 2015.
[4] T. M. Tran, “The process of assertion and defense of the sovereignty over the Vietnam’s Southwest waters during the Nguyen lords and Nguyen dynasty (from the 17th to 19th centuries),”Science & Technology Development Journal,vol. 16, no.X1, pp. 76-85, 2013.
[5] T. M. Tran, “Maritime defense activities under the Nguyen dynasty (1802-1884),”Science & Technology Development Journal,vol. 17, no.X1, pp. 48-58, 2014.
[6] T. T. H. Tran, “Domestic policy of the Nguyen Dynasty to affirm and protect the Southwestern border (1802-1858),”Historical Research Journal,no. 03, pp. 19-31, 2018.
[7] T. L. Nguyen, “Protecting sovereignty over sea and islands in Cochinchina under the Nguyen dynasty,”June 18, 2015. [Online]. Available: https://tve-4u.org/threads/bao-ve-chu-quyen-bien-dao-o-nam-ky-thoi-nguyen-nguyen-thanh-loi.18775/. [Accessed July 17, 2023].
[8] G. K. Bui, “Naval reform under the reign of Minh Mang,”Historical Research Journal,no. 10, pp. 33-45, 2018.
[9] H. D. Trinh, Gia Dinh Thanh Thong Chi. General Dong Nai Publishing House, Dong Nai, 2005.
[10] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Nhat Thong Chi, vol. 5, Thuan Hoa Publishing House, Hue, 2006.
[11] National History of Nguyen Dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 4, Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
[12] Cabinet of Nguyen Dynasty, Institute of History, Kham Dinh Dại Nam Hoi Dien Su Le, vol.2, Thuan Hoa Publishing House, Hue, 1993.
[13] Cabinet of Nguyen Dynasty, Institute of History, Kham Dinh Dại Nam Hoi Dien Su Le, vol.8, Thuan Hoa Publishing House, Hue, 1993.
[14] Cabinet of Nguyen Dynasty, Institute of History, Kham Dinh Dại Nam Hoi Dien Su Le, vol.4, Thuan Hoa Publishing House, Hue, 1993.
[15] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 3, Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
[16] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 6, Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
[17] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 1,Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
[18] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 7, Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
[19] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 5, Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
[20] National History of Nguyen dynasty, Institute of History, Dai Nam Thuc Luc, vol. 2, Education Publishing House, Ha Noi, 2007.
Nguồn: TNU Journal of Science and Technology; 228(11): 287-294
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên dưới triều Nguyễn (1802-1859) – Tác giả: Dương Thế Hiền |