Hệ tư tưởng Pancasila và tư tưởng thần học về tôn giáo của Muslim Indonesia (Phần 2)

  Tác giả bài viết: RAREL A. STEENBRINK
TRƯƠNG THÚY TRINH dịch

     Chính sách của 3 Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia giai đoạn 1971-1993

     1. Giai đoạn 1971 – 1978: Bộ trưởng H. A. Mukti Ali – Một học giả về Weber

     Bộ Tôn giáo nước Cộng hòa Indonesia được thành lập năm 1946 là một sự thừa kế từ chính quyền thuộc địa nhằm quản lý, điều tiết Islam giáo. Cho đến năm 1970, quyền điều hành Bộ này gần như thuộc về các tín đồ Islam truyền thống. Năm 1971, một tín đồ Islam giáo theo chủ nghĩa hiện đại, H. Abdul Mukti Ali được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng. Mukti Ali không có mối liên hệ với bất kỳ một đảng chính trị Islam giáo nào. Ông là người từng theo học ở các trường Islam giáo ở Indonesia và Iraq, có thời gian học tại Đại học McGill ở Montreal, Canada. Ông tham gia các hội nghị quốc tế về đối thoại dưới sự hỗ trợ của Hội đồng các Giáo hội Thế giới (World Council of Churches).

     Để phục vụ cho chính sách tổng thể của mình, ông muốn áp dụng lý thuyết của Max Weber (về mối quan hệ giữa Tin Lành với Chủ nghĩa Tư bản) vào Indonesia và tôn giáo nói chung. Tất cả các tôn giáo được khuyến khích cùng tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Các trường học tôn giáo cũng được khuyến khích cùng tập trung vào việc giảng dạy và học tập các tôn giáo truyền thống, cũng như đào tạo các kỹ năng thực hành. Các tổ chức phát triển của nước ngoài được mời vào để giúp các trường Islam giáo thực hiện các dự án phát triển quy nhỏ trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và chăn nuôi gia cầm. Mukti Ali, một tín đồ Islam giáo cương trực, phân tách rạch ròi vấn đề học thuyết tôn giáo với các dự án phát triển trên. Các tôn giáo phải chủ động hợp tác trong các dự án kinh tế, nhưng trong lĩnh vực giáo lý tôn giáo, tất cả các tôn giáo nên thể hiện sự tôn trọng những khác biệt về niềm tin.

     Boland đã tổng kết những ý tưởng của ông về thần học của người Muslim về tôn giáo như sau:

     Có thể nói, Islam giáo có một dạng thức “thần học về tôn giáo” từ rất sớm. Loại “thần học về tôn giáo” này về cơ bản khác với các khuynh hướng thần học trong Do Thái giáo và Kitô giáo. Trong tiến trình phát triển, càng về sau hai tôn giáo này đi theo xu hướng loại trừ (exclusiveness), hoặc là vì cách diễn giải theo chủ nghĩa dân tộc về “dân tộc được lựa chọn”, hoặc là vì gắn với giáo thuyết coi Thiên chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất. Tuy nhiên, Islam giáo bắt đầu bằng tư duy “trọn vẹn” (inclusively): Nhà tiên tri Muhammad được sai xuống để khẳng định những thông điệp từ các vị tiền bối. (…) Mukti Ali chủ trương ủng hộ một cuộc đối thoại ở cấp độ cao thông qua phương diện so sánh tôn giáo giữa những người đại diện uyên thâm của các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, cuộc gặp giữa các tôn giáo không chỉ là vấn đề ngôn từ và lý thuyết, mà không tính đến các cuộc thảo luận thần học về các vấn đề tôn giáo một cách nghiêm ngặt. Theo Mukti Ali, điều đó cũng bao gồm cả việc phối kết hợp trong thực hành tôn giáo. Cho nên “gặp gỡ” hay “đối thoại” giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau cũng là vấn đề thường ngày, vì sự liên quan đến những vấn đề hiện tại của thế giới chúng ta đang sống. (Boland 1971: 205 – 211).

     Trong lĩnh vực chính sách của quốc gia, Mukti Ali cần được nhắc đến là một vị Bộ trưởng trợ giúp đắc lực cho tiến trình penyederhanaan, hướng cho bốn đảng Islam giáo hợp nhất thành một đảng. Sự kết hợp của các đảng Islam giáo trên danh nghĩa không cho phép sử dụng tên Islam giáo. Sự can thiệp của Chính phủ vào công việc nội bộ của đảng rất mạnh và vì thế biện pháp này trở thành một phần làm giảm tính chính trị hóa Islam giáo Indonesia. Thực tế, trong suốt quá trình này, Mukti không phải là người giữ vai trò một người nhạc trưởng, mà chỉ là người ủng hộ cách làm đó. Vì vậy, các xung đột trong nội bộ các tôn giáo và giữa các tôn giáo được dung hòa bằng các biện pháp chính trị.

     2. Giai đoạn 1978 – 1983: Bộ trưởng Alamsyah Ratu Perwiranegara:

     Nhà chính trị thúc đẩy luật pháp và trật tự giữa các tôn giáo

     Từ năm 1978 đến năm 1983, Alamsyah Ratu Perwiranegara trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tôn giáo là một đại tướng quân đội. Alamsyah không phải là một học giả nhưng là nhà chính trị gia tầm cỡ. Khi còn ở trong quân đội, vấn đề luôn được ông quan tâm là sự ổn định của đất nước, luật pháp và trật tự xã hội. Ông đã từng nói chuyện về các quốc gia như Lebanon, Ireland là những quốc gia có vấn đề đa nguyên tôn giáo rất tiêu cực. Ông bắt đầu với một chương trình hài hòa tôn giáo với ba phần như sau: (a) Hài hòa tư tưởng bè phái trong nội bộ một tôn giáo; (b) Hòa thuận giữa các tôn giáo; (c) Hài hòa giữa các tôn giáo và Nhà nước. Ở ba lĩnh vực này, ông tổ chức một loạt cuộc gặp gỡ cho đại diện của các tôn giáo đến để trao đổi và làm việc cùng nhau.

     Nhằm phác họa căn bản về chính sách này, chúng tôi đưa ra đây một số sự kiện diễn ra trước và trong những năm đầu tiên làm Bộ trưởng Bộ Tôn giáo của Alamsyah. Năm 1975, Tổng thống Suharto dự kiến thành lập cơ quan Majelis Ulama (Hội đồng các nhà lãnh đạo/học giả Islam giáo – Council of Islamic Scholar/Leaders) vì khi đó “Cộng đồng Công giáo đã thiết lập Hội đồng Giám mục Công giáo Indonesia (the Conference of Catholic Bishops of Indonesia), trong khi Tinh Lành cũng có Hội đồng các Giáo hội/Hội Thánh (Council of Churches) là cơ quan đại diện. Tương tự, các cộng đồng Hindu giáo và Phật giáo cũng có đại diện, trong khi Aliran Kepercayaan có Ban Thư ký”6. Majelis Ulama sau đó được thành lập với hai nhiệm vụ là: (1) Thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất trong cộng đồng người Islam giáo; (2) Đại diện cho cộng đồng Islam giáo trước Chính phủ. Haji Abdul Malik ibn Abdulkarim Amrullah (Hamka) – một nhà lãnh đạo, nhà văn nổi tiếng với những cuốn sách, tiểu thuyết về tôn giáo, có tới 30 tập chú giải về Kinh Qur’an, là thành viên trong ban lãnh đạo của tổ chức Muhammadiyah theo chủ nghĩa hiện đại – được đề cử giữ chức vụ Chủ tịch của Majelis Ulama. Sau khi hỏi ý kiến Ban lãnh đạo tổ chức Muhammadiyah, ông chấp thuận nhậm chức, nhưng từ chối nhận lương của Chính phủ hoặc các chế độ xe hơi và lái xe nhằm duy trì vị thế độc lập tốt nhất trong mối quan hệ với Nhà nước.

     Như vậy, quá trình thực thi nhiệm vụ thúc đẩy sự thống nhất giữa những người Islam giáo có hai khả năng xảy ra, hoặc là không hoàn thành tốt hoặc là rất khó để đưa ra chính kiến. Tất nhiên, Hamka chắc chắn được lựa chọn vì ông là ủy viên Ban Lãnh đạo tổ chức Muhammadiyah thì cũng có thể trở thành một ủy viên của Nahdlatul Ulama – Tổ chức Islam giáo lớn nhất của Indonesia.

     Thông qua tổ chức Majelis Ulama, cộng đồng Islam giáo được cử đại diện tham gia vào Hội đồng Tham vấn (Council of Consultation) các Cộng đồng Tôn giáo (Religiuos Communities – Badan Konsultasiantar Umat Beragama). Lúc đó, Hamka phản đối gay gắt các nỗ lực của một tôn giáo (trong trường hợp này là Kitô giáo) truyền giáo trong cộng đồng tín đồ của tôn giáo khác (trong trường hợp này là Islam giáo). Năm 1978, Majelis Ulama ủng hộ đắc lực quyết định của Chính phủ, một trong những biện pháp đầu tiên được Alamsyah đưa ra, nhằm hạn chế số lượng các nhà truyền giáo ngoại quốc và quy định việc tài trợ của nước ngoài thông qua các giáo hội.

     Năm 1981, Vụ Fatwa của Majelis Ulama ban hành lệnh cấm người Islam giáo tham gia vào các lễ Giáng sinh. Đặc biệt trong khu vực của người Tin Lành, lễ Giáng sinh đã hình thành và có sự tham dự của người không phải Kitô hữu. Majelis Ulama nhận được nhiều phản ảnh về việc học sinh Islam giáo trong các trường học phổ thông Kitô giáo buộc phải có mặt trong các đám rước, đóng vai Joseph, Mary hoặc Thiên thần trong các vở kịch Giáng sinh. Các ý kiến khác cho rằng, họ buộc phải hát các bài hát Giáng sinh ở trường hoặc tại các cuộc gặp mặt Giáng sinh. Trước những phản ảnh này, một số người Kitô giáo cho rằng, nếu mọi người từ chối tham dự thì vấn đề hài hòa tôn giáo sẽ bị nguy hại. Nhiều học sinh ở trường không dám phàn nàn vì sợ ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi cử.

     Lệnh cấm của Majelis Ulama phản đối mạnh mẽ sự tham gia lễ Giáng sinh được báo chí đăng tải vào ngày 5/5/1981, mặc dù quyết định này được ban hành ngày 7 tháng 3. Ngày 6 tháng 5, báo chí cũng đăng tin về một cuộc họp giữa các lãnh đạo của Majelis Ulama và Bộ trưởng Bộ Tôn giáo diễn ra ngày 23 tháng 4, và đến ngày 30 tháng 4, Majelis Ulama ra quyết định thu hồi lệnh cấm nêu trên. Người ký văn bản thu hồi không phải do K. H. Syukri Ghozali, người đứng đầu Vụ Fatwa – cơ quan ban hành lệnh, mà do ông Hamka ký. Ngày 7/5/1981, Hamka gửi một văn bản cho tạp chí của ông là Panji Masyarakat, nói rằng, không nên xem lệnh cấm là sai lầm hay không có hiệu lực. Không để nó lưu hành không có nghĩa làm giảm giá trị của sắc lệnh, bởi vì điều này đã được nêu trong Kinh Qur’an và Hadith của Nhà Tiên tri Muhammad. Hamka cho biết thêm: Các học giả tôn giáo thực sự là những người nối tiếp các nhà tiên tri: từ những nhà tiên tri này, họ kế thừa bổn phận tìm kiếm việc thiện và cảnh báo chống lại cái ác. Cũng từ những nhà tiên tri này, họ (các học giả tôn giáo) cũng phải chịu sự phỉ báng và khinh miệt… Liệu các học giả tôn giáo chỉ là những người thầy có thể bị buộc tuân theo mệnh lệnh hay bị thải hồi một cách tùy tiện? Nếu buổi lễ phải hủy, ai đó có thể thốt lên: “Chỉ là cầu nguyện thôi mà!”

     Cũng trong tuyên bố này, Hamka phạm phải hai sai lầm kỳ quặc. Ông nêu ra ba điều đặc biệt cần phải cấm đối với các tín đồ Islam giáo khi họ tham dự Lễ Giáng sinh: Đốt nến, ăn bánh Thánh và uống nước Thánh – những thứ được ví như Mình và Máu Chúa. Chủ tịch Hội đồng Học giả Tôn giáo nên biết rõ điều này. Trong một văn bản đề ngày 19/5/1981, Hamka ký lại với tư cách là Chủ tịch Majelis Ulama. Ông không chờ sự đồng ý từ phía Bộ trưởng Bộ Tôn giáo (và cũng là Chủ tịch Hội đồng lập hiến Mamjelis Ulama (Chairman of the Constituent Council), vì ông cho rằng, ông được bổ nhiệm là do các học giả của Hội đồng bầu ra. Bộ trưởng Bộ Tôn giáo, Alamsyah, sau đó từ chối can thiệp vào vụ việc với lý do “Tôi không thể can thiệp, vì tôi cũng không can thiệp vào Hội đồng Giám mục Công giáo” (Pelita, May 25, 1981). Tại cuộc họp ngày 20/8/1981, Hội đồng Lập hiến (Constitutive Council) Mamjelis Ulama theo sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tôn giáo chọn K. H. Syukri Ghozali, nguyên là người đứng đầu Vụ Fatwa và đã ký kết sắc lệnh fatwa đang gây tranh cãi, trở thành Chủ tịch mới của Mamjelis Ulama. Sau đó, Bộ trưởng ban hành một văn bản ngày 01/9/1981 nêu bật sự khác biệt giữa nghi lễ (ritual) và các khía cạnh nghi thức (ceremonial aspects) trong các lễ Giáng sinh cũng như các nghi thức của các tôn giáo khác. Đối với nghi lễ, việc tham dự nên giới hạn trong phạm vi tín đồ thuộc về tôn giáo đó, trong khi với các nghi thức (ceremonial espects) thì cho phép người thuộc tôn giáo khác tham gia và thậm chí là tham dự.

     Trong toàn bộ vụ việc, không chỉ là vấn đề Lễ Giáng sinh mà nó còn liên quan đến cả mối quan hệ giữa người Islam giáo với người Kitô giáo. Bộ trưởng Bộ Tôn giáo quy kết hành động của Hamka là chống lại hệ tư tưởng Pancasila, trong khi đó Hamka cáo buộc Chính phủ là can thiệp vào tôn giáo và nỗ lực đưa Pancasila trở thành một thứ tôn giáo mới của Nhà nước.

     Đúng vào thời điểm đó, Hamka qua đời (ngày 24/7/1981) ở tuổi 75. Theo ý nguyện, thủ tục mai táng ông được tiến hành giản dị, chỉ vài giờ sau khi mất. Bộ trưởng Bộ Tôn giáo có mặt trong lễ mai táng ông.

     Qua việc giới thiệu đầy đủ, chi tiết về trường hợp này, chúng tôi mong muốn làm nổi bật các nhân tố gây xung đột bên trong các tôn giáo và xung đột giữa các tôn giáo như là cơ sở cho chương trình hài hòa liên tôn giáo của Alamsyah sẽ được chúng tôi đề cập ở phần sau.

3. Giai đoạn 1983 – 1993: Munawir Syadzali, tranh luận nội bộ trong cộng đồng Islam giáo

     Bộ trưởng thứ ba của Bộ Tôn giáo mà chúng tôi đề cập ở đây là ông Munawir Syadzali. Sinh ra và lớn lên ở vùng Surakarta, Miền Trung Java, trong một gia đình sùng đạo. Ông được hưởng một nền giáo dục thế tục nhưng cũng được đào tạo về tôn giáo ở trường Sultanate để trở thành người phụng sự cho tôn giáo – Mamba’ul Ulum tại Surakarta. Sau khi đất nước độc lập, ông theo học thạc sỹ ngành khoa học chính trị ở Đại học Georgetown, Washington và bắt đầu sự nghiệp của một viên chức Bộ Ngoại giao (Foreign Office). Từ 1983 – 1985, ông là người khởi xướng trong số những người Islam giáo ủng hộ việc chấp nhận một bộ luật về các tổ chức xã hội, làm tiền đề khẳng định Pancasila là nền tảng duy nhất cho đời sống chính trị, xã hội ở Indonesia. Bộ luật này là bước cuối cùng trong quá trình hướng tới việc giảm tính chính trị hóa Islam giáo. Một số ý kiến cho rằng, bộ luật này hạn chế giá trị pháp lý các quy định và giáo thuyết của Islam giáo đối với một số khía cạnh nhất định của đời sống xã hội.

     Munawir Syadzali được mọi người biết đến là người khởi xướng những tư tưởng mới của Islam giáo, đôi khi ông đưa ra những tình huống cụ thể (contextualization). Nhiều lần phát biểu, ông cho rằng, không phải tất cả các quy tắc trong Kinh Qur’an lúc nào cũng đúng. Có những lời giáo huấn chỉ đúng ở thời đại của Nhà tiên tri Muhammad. Người kế tục Muhammad là Umar, một người bạn đồng hành, gắn bó với Nhà tiên tri, không ngần ngại thay đổi một số quy tắc trong Kinh Qur’an và của Nhà tiên tri trong nỗ lực hướng tới bối cảnh hóa (contextualization), các thuật ngữ maslahah hoặc istihsan được sử dụng ở Phương Tây tương tự như những thuật ngữ Arab.

     Trong chính sách của mình, Munawir Syadzali không chú ý nhiều tới mối quan hệ liên tôn giáo như Alamsyah. Ông cũng ít quan tâm tới vấn đề tôn giáo và sự phát triển. Mục tiêu trong nhiệm kỳ của ông là thúc đẩy mối quan hệ nội tại của cộng đồng Islam giáo bằng việc cải thiện tòa án tôn giáo và giáo dục tôn giáo. Chính sách của ông không gặp phải bất cứ phản ứng gì khi ông cử hơn 100 nam, nữ cán bộ thuộc Bộ Tôn giáo và ở các cơ sở nghiên cứu thần học Islam giáo đi học tập ở nước ngoài, phần lớn là ở Hà Lan, Mỹ, Australia, Canada. Ông tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho thẩm phán của Islam giáo, tăng số lượng nữ thẩm phán trong tòa án Islam giáo. Không gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía người Kitô giáo và người Muslim thế tục, năm 1989, Nghị viện thông qua một dự luật mới về tòa án tôn giáo, tăng cường cơ sở pháp lý cho thiết chế này. Trong thời kỳ ông giữ chức Bộ trưởng, chính sách của Bộ Tôn giáo về hôn nhân khác tôn giáo có xu hướng khắt khe hơn. Cho đến đầu những năm 1980, phụ nữ Islam giáo vẫn được phép lấy chồng là người không theo Islam giáo bằng cách nộp đơn cho cantata sipil – một cơ quan hành chính. Trong thực tế, Luật Hôn nhân năm 1974 không có các quy định chặt chẽ đối với các trường hợp kết hôn khác tôn giáo, mà chỉ nêu việc kết hôn phải được ký kết phù hợp với tôn giáo của cả hai vợ chồng. Luật Islam giáo không cho phép phụ nữ Islam giáo lấy chồng không theo Islam giáo. Từ năm 1987, ở hầu hết các vùng của Indonesia, việc kết hôn khác tôn giáo là không được phép (Pompe 1988). Ở góc độ này, chính sách của Munawir Syadzali là sự trở lại các quy định khắt khe trong hôn nhân của Islam giáo.

     Năm 1993, Tổng thổng Suharto bổ nhiệm bác sỹ y khoa Tarmizi Taher làm Bộ trưởng Bộ Tôn giáo tương ứng với nhiệm kỳ thứ 6 của Suharto trong vai trò tổng thống và là người đứng đầu chính phủ. Taher khởi nghiệp trong quân ngũ với cương vị là tuyên úy Islam giáo. Một số nhà quan sát cho rằng, ông là một trường hợp tiêu biểu cho việc trở lại thời kỳ bè phái. Số lượng của các bộ trưởng là người Kitô giáo tham gia vào nội các mới giảm từ 6 xuống 3 (trong số 40 thành viên nội các), và họ mất đi vai trò nắm giữ các vị trí quan trọng như Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế. Cái gọi là RMS – chữ cái viết tắt của 3 vị Bộ trưởng (Radius Prawiro: Bộ trưởng Tài chính, Mooy: Giám đốc Ngân hàng Trung ương, và Sumarlin: Bộ trưởng Bộ Kinh tế) được kế nhiệm bằng hai người là tín đồ Islam giáo có uy tín và một là người Công giáo. Cùng với việc bổ nhiệm các chức vụ khác, việc bổ nhiệm trên được coi là bước tiếp theo trong định hướng penghijanan (nghĩa đen: làm xanh/xanh hóa (greening)) của Chính phủ Indonesia; màu xanh ở đây được hiểu là màu liên quan đến Islam giáo và Nhà tiên tri Muhammad.

     (Kỳ sau đăng tiếp)

     Chú thích:

     1. Cf. Steenbrink 1990a, 1900b, và 1993, chương 7.

     2. Về sự thay đổi tư tưởng từ 1965 đến 1970 (xem Steenbrink, 1972), Khổng giáo khoảng những năm đầu 1960 cũng được coi là một tôn giáo, nhưng cuối cùng có 5 tôn giáo được công nhận, do đó nó cũng hiển thị trong hệ thống cấu trúc của Bộ Tôn giáo. Năm tôn giáo có thể liên quan đến khuynh hướng của người Indonesia chia tính phổ quát thành 5 phạm vị quyền lực (macapat).

     3. Họ có được sự công nhận trên diễn đàn quốc tế nhiều hơn là trong chính sách trong nước. David Barrett công bố vào năm 1982 (tr. 382) tỷ lệ phần trăm không dưới 36,4% “người theo tôn giáo mới” (New Religionist) vào giữa năm 1975; trong một điều tra chính thức con số 36,4% thuộc về tín đồ Islam giáo. Về tranh luận, xem Stange 1990 trong bài viết của Woodward 1998. Số liệu về tín đồ các tôn giáo theo điều tra của chính phủ năm 1980, Islam giáo chiếm 88%, Tin Lành chiếm 5,8%, Công giáo chiếm 2,9%, Hindu giáo chiếm 2%, và Phật giáo khoảng 1,5%.

     4. Quốc hội Indonesia (MPB: Majelis Permusyawaratan Rakyat) là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội chỉ họp một lần trong nhiệm kỳ 5 năm để xác định nguyên tắc chỉ đạo tổng quát chính sách quốc gia cho 5 năm tiếp theo.

     5. Đối với những người chưa quen thuộc với đất nước Indonesia, cách ghi nhớ dễ dàng về nó là đảo Java có khoảng 100 triệu người, 1/3 sống ở tỉnh Tây Java là người Sundan.

     6. Bài phát biểu của Tổng thống Suharto ngày 21/6/1975 tại lễ khai mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ nhất thành lập tổ chức ở Majelis Ulama; dẫn theo Hasjim 1980: 320.

Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, số 10(148), 2015, 31-48

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hệ tư tưởng Pancasila và tư tưởng thần học về tôn giáo của Muslim Indonesia (Tác giả: Rarel A. Steenbrink ; Trương Thúy Trinh dịch)