Hình tượng Long mã trên bình phong Huế

Tác giả bài viết: ĐẶNG MAI ANH

     Trong các công trình kiến trúc truyền thống ở Huế, đặc biệt là những kiến trúc cung đình và các công trình mang ý nghĩa tôn giáo như đền, chùa, miếu, phủ…, điêu khắc trang trí là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Các chủ đề, kiểu thức trong trang trí Huế, gần như càng lúc mang nhiều chức năng.

     Xét về nguồn gốc, kiến trúc Huế tiếp thu và kế thừa thành tựu kiến trúc truyền thống từ thời Lý, Trần, Lê và từ trong sâu thẳm, dễ dàng nhận thấy tình yêu dân tộc, nét văn hóa đặc trưng của một đất nước nông nghiệp lúa nước qua những hình tượng trang trí trên các công trình kiến trúc.

     Một nền văn minh lúa nước, một đời sống nông nghiệp hiện diện thật gần gũi trong các mảng trang trí trên các công trình kiến trúc Huế, với các hình tượng của hệ thực vật như Tứ quý (sen, cúc, trúc, mai), các loại cây: bách, bồ đề, chuối ba tiêu, lan, liễu, mẫu đơn…, các loại quả: đào, phật thủ, cam, lê, mãng cầu, nho… và hệ động vật: các hình tượng Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng), hình tượng các gia súc, gia cầm: gà, thỏ, trâu, chó, cá, mèo… được chạm khắc trên nhiều công trình; rồi hình tượng con người: Bát tiên, Thập bát La hán, Thọ Lão… Từ các hình ảnh đầy sống động, toát lên và ẩn chứa nhiều điều thú vị, nhiều triết lý, suy tư về cuộc sống và mỹ thuật của ông cha ta thời Nguyễn.

     Sự kết hợp giữa các hình trang trí trong các công trình kiến trúc của xứ Huế đều có dụng ý. Đó là những quy ước, những nguyên tắc cần phải tuân thủ. Theo những nghiên cứu về môtíp trang trí thời Nguyễn ở Huế, có những đề tài trang trí được nhà nước phong kiến quy định bằng văn bản dành cho từng đối tượng trong xã hội, ví dụ như việc sử dụng hình rồng, phụng; có đề tài với nhiều kiểu thức hình thành theo tư duy của người xưa, là sự kết-hợp giữa ý nghĩa và biểu tượng, trong đó sự thể hiện của các yếu tố: âm dương, giới tính để biểu hiện ước nguyện của tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, sự trường thọ, sự phúc đúc, sự phú quý…

     Các hình tượng trang trí trong kiến trúc Huế thường là những nhóm môtíp hoa văn tổng hợp hài hòa với kiến trúc. Trong đó, những môtíp tồn tại có tính độc lập phần lớn đều nằm ở nhóm các linh thú như rồng, lân, nghê, rùa, phượng, giao long, long mã… Những linh vật này luôn được gắn với biểu tượng vượt lên trên những ước vọng đời thường, là sự ước vọng của phúc, lộc, thọ, khang, ninh mà những hình tượng được thể hiện là những đại diện cho sinh mệnh của mỗi cá nhân con người và lớn hon cả là cộng đồng, lớn hơn nữa là của cả thiên hạ khi mang theo ước vọng về “quốc thái dân an”, “phong điều vũ thuận”.

     Trong tứ linh, linh thú tiêu biểu và đa dạng nhất trong kiến trúc cung đình Huế là con rồng. Rồng dường như xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Đây là con vật quyền lực lớn nhất, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và những khát vọng lớn nhất của con ngưòi. Con rồng thời Nguyễn xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi (cung điện, đền đài, phủ đệ, đền miếu, đình, chùa…), luôn uyển chuyển trong các môtíp trang trí với nhiều chất liệu tạo hình, đa dạng về thần thái và biến điệu dưới nhiều không gian khác nhau.

     Trong các công trình kiến trúc Huế, con vật có tần suất xuất hiện lớn thứ hai sau rồng là Long mã. Chính hình tượng Long mã đã tạo nên sự riêng biệt rất dễ nhận thấy và gây ấn tượng đối với mỗi người khi đặt chân đến xứ Huế. Đây là hình tượng thường được trang trí trên các cấu kiện gỗ ở chùa, thành bậc thềm các cung điện, lăng tẩm, trên các mảng tường trang trí và đặc biệt rất nhiều trên các bức bình phong. Ở Huế, hình tượng Long mã được tôn vinh là một linh thú đặc biệt trong văn hóa và nghệ thuật Phật giáo.

     Long mã, theo truyền thuyết, mang tư cách hoá thân của lân, xuất hiện vào khoảng thời Phục Hy và từ tích truyện vua Vũ trị thúy (nên thường được thể hiện trong tư thế chạy trên mặt nước đầy sóng dữ). Ở Việt Nam, hình tượng Long mã xuất hiện từ thế kỉ 16, rồi định hình và phổ biến từ thế kỉ 17 – 19. Tiêu biếu là các hình Long mã trên nhang án đặt ở toà Bái đường Văn Miếu (Hà Nội) và trên các bình phong trang trí ở Huế.

     Theo Trần Đức Anh Sơn, Long mã là con vật hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng ngựa: cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ” (Nguyễn Mạnh Bảo 1958: 41).

     Theo truyền thuyết, Long mã từ một hóa thân của lân đến truyền thuyết “Long mã phụ đồ” xuất hiện trên sông Hoàng Hà Trung Quốc. Nhiều kinh sách đã chép về truyền thuyết này. Trong Tự điển Cao Đài, Nguyễn Văn Hồng viết: “Vào thời thượng cổ bên Tàu, đời vua Phục Hy (2852-2737 trước TL), trên sông Hoàng Hà, thình lình một trận giông lớn nổi lên, nưóc sông dâng cao, có nổi lên một con quái đầu rồng mình ngựa, đứng khơi khơi trên mặt nước, trên lưng có nhiều đốm đen trắng xếp theo một trật tự đặc biệt và có mang một cây bửu kiếm. Dân chúng thấy chuyện lạ, vội cấp báo cho vua Phục Hy biết. Nhà vua liền đến nơi, đứng trên bờ sông quan sát. Vua Phục Hy là vị Thánh Đế nên biết con quái ấy là con Long mã, một loại thú linh hiếm có, ít khi xuất hiện. Ngài phán rằng, nếu phải nhà ngươi đem báu vật đến dâng cho Ta thì hãy lại đây, đến trước mặt Ta.

     Long mã như biết nghe tiếng người, từ từ đi vào bờ, đến trước mặt vua Phục Hy thì quỳ xuống.

     Vua Phục Hy thấy trên lưng Long mã có một bức đồ gồm 55 đốm, nhà vua ghi nhớ vị trí các đốm rồi gỡ lấy bửu kiếm. Xong, Long mã liền trở ra khơi và đi mất. Mực nước sông Hoàng Hà sụt xuống như cũ. Vua Phục Hy vẽ lại những đốm trên lưng Long mã, tạo thành một bức đồ, đặt tên là Hà đồ.

    Nhà vua quan sát các chấm này, kết hợp với sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên trong Trời Đất, nghĩ ra cách tượng trưng Âm Dương, Ngài vẽ ra được Bát Quái đồ, gọi là Tiên Thiên Bát Quái đồ”

     Như vậy, sự tích “Long mã phụ đồ” (Long mã mang bức đồ, về sau gọi là Hà Đồ) có liên quan mật thiết với nguồn gốc Kinh Dịch. Vì vậy, hầu hết các bức tượng Long mã đều thể hiện hình Bát Quái Tiên thiên trên lưng Long mã. Đó là do thiện ý người xưa muốn diễn dịch nguồn gốc của Bát Quái do Vua Phục Hy sáng tác từ sự trực nhận của Ngài trên bức đồ gồm 55 điểm đen trắng. Với “hệ thống” Hoàng Hà – Long mã – Hà Đồ – Bát quái – Kinh Dịch, Long mã đã trở thành một biểu tượng của vũ trụ quan Đông Phương.

     Đối với người phương Đông, Long mã là con ngựa rồng. Rồng là một linh vật, cùng với lân, quy, phụng hợp thành Tứ linh. Rồng thường ở trên cao, khi ẩn khi hiện trong mây, vùng vẫy khắp không gian, biểu trưng cho những gì có tính chất cao thượng, mạnh mẽ, linh hoạt, thuộc Dương, và thuộc Tiên thiên – về không gian là trục tung… Tuy không thuộc linh vật, mã là ngựa, nhưng là vật rất hữu dụng trong nhân gian, di chuyển nhanh trên mặt đất theo đường thẳng ngang, chở nặng, có sức bền bỉ, có nghĩa khí, thuộc Hậu thiên – về thời gian là trục hoành. Vì vậy, Long mã là hình tượng biểu hiện đầy đủ các phạm trù Âm Dương, Vũ trụ, sự kết hợp của Tiên thiên – Hậu thiên, và cuộc tiến hóa của vạn vật (ngựa hóa rồng).

     Bởi thế, tại các đình chùa, điện thờ, miếu mạo, phủ đệ, Long mã thường được khắc họa hay đúc tượng trên các vật thể như bình phong, hoành phi đế vừa trang trí chốn tôn nghiêm, vừa có công dụng phong thủy trừ tà, khử trược.

     Về hình tượng thể hiện hình Long mã, ở các nước có bản sắc văn hóa Đông phương như Trung Quốc, Việt Nam, tranh, tượng Long mã thường được thực hiện theo mẫu mình ngựa có vẩy rồng, đầu rồng, lưng mang bảng Bát quái Tiên thiên, thế đứng rất uy nghi, phong thái hùng dũng đang tiến về phía trước. Theo Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng, đồ án Long mã sau này thường được phối hợp với đồ án “Quy thư” (rùa mang sách), nên gọi là “Hà đồ – Lạc thư” (1991: 40).

     Tại Đền thánh Cao Đài Tây Ninh, tượng Long mã đứng trên Nghinh phong đài có ý nghĩa rất đặc biệt, đang tiến về phía Tây, đầu quay về phương Đông. Tại Thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà (Quận 2, Tp. HCM) tượng Long mã đứng chồm lên cột phướn có lẽ cũng có ý nghĩa đặc biệt về sự xuất hiện đạo Cao Đài.

     Trên mảnh đất Huế, hình tượng long mã, được điêu khắc, trang trí rất công phu, làm nổi bật ý nghĩa của một linh vật độc đáo trên các kiến trúc lăng tẩm. Long mã đi vào tiềm thức người dân Huế và trở thành hình tượng có thể nói đi đâu, bất cứ đâu trên đất Huế hình tượng này luôn xuất hiện trên hầu hết mọi công trình kiến trúc cổ xưa, tới những công trình được tôn tạo và trong những ấn phẩm văn hóa, những hoạt động tín ngưỡng và văn hóa ngày nay.

     Hình tượng Long mã trở thành biểu tượng Festival Huế 2002 – đây là năm ngựa, vì vậy theo sự giải thích của ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Phó Ban tổ chức Festival Huế các năm 2000, 2002, 2004, 2006: “Năm 2002 là năm con ngựa nên ban tổ chức sử dụng hình ảnh “long mã” (ngựa hóa rồng), một linh vật rất phổ biến trong trang trí truyền thống Huế làm biểu trưng thay cho con rồng, biểu trưng của Festival năm Canh Thìn 2000”.

     Từ năm 2004 tới nay, Long mã trờ thành biểu tượng linh vật chính thức cho Festival Huế, bởi đây là linh vật báo hiệu điềm lành, biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và niềm hạnh phúc vô song. Quan trọng nhất, hình tượng Long mã đã tồn tại chính thức tới nay tại mỗi Festival Huế – trở thành hình tượng đặc trưng của người dân xứ Huế. Vì vậy, nếu đến Huế trong những ngày tháng 6 này, sẽ gặp Long mã ở mọi nơi, mọi lúc: trong các cung điện, đền miếu; trên đường phố, đường làng; trong những chương trình truyền hình giới thiệu Festival Huế hằng đêm. Và, từ chỗ là linh vật của xứ Huế, Long mã đã trở thành linh vật của tháng 6, tháng của Festival Huế.

     Sự giải mã cho Long mã để trở thành biểu tượng của xứ Huế, hình tượng Long mã với nhiều ý nghĩa to lớn và trở thành đối tượng được gắn với rất nhiều vị trí của công trình kiến trúc: Long mã gắn với việc trị thuỷ; với hiện thân của chí khí tung hoành; mang ý nghĩa là con vật chuyển tải bầu trời, hiện thân của sức mạnh siêu linh, trí tuệ, báo hiệu sự xuất hiện của thánh nhân. Là con vật biểu tượng kết hợp cho không gian và thời gian, cho sự an bình. Tượng trưng cho sự tung hòanh của nam nhi, cho thời gian và không gian, Long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động … theo như nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền khi nói về biểu tượng trong cuốn Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa (viết chung cùng Trịnh Sinh): Mỗi thời đại có một nhận thức, một tư duy liên tưởng riêng về tôn giáo tín ngưỡng, về mối quan hệ giữa con người và thần linh. Và trong những kiến trúc cổ và hệ thống đồ thờ liên quan, biểu tượng trên các di vật là yếu tố xác định di tích ấy mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Và từ việc góp phần “thiêng hóa” kiến trúc thờ tự như vậy, biểu tượng xác định được vẻ đẹp tâm linh thánh thiện và ước vọng truyền đời của người nông dân trồng lúa nước tại Việt Nam. Từ sự giải mã “tiếng nói bí ẩn” trong di sản là sở hữu tấm “giấy thông hành” để tiếp cận và tìm hiểu những tầng văn hóa ấy của người xưa. Có rất nhiều điều hữu ích mà việc “giải mã” được các biểu tượng sẽ mang lại, đơn cử như trong công tác tu bổ, tôn tạo di sản… ở Huế, hình ảnh Long mã xuất hiện nhiều nhất trên các bình phong, một “sản phẩm đặc trưng” của người xứ Huế. Đó là hình ảnh Long mã lưng mang Hà đồ, chân lướt trên sóng nước, đầu vươn tới các tầng mây. Long mã cũng xuất hiện trên các cung môn, miếu môn trong hoàng cung triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh vật khác như rùa, kỳ lân hay chim phượng.

     Người Huế dựng bình phong ngay sau cửa ngõ vào để ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát ra từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Theo thuyết Ngũ hành, phía trước ngôi nhà thuộc hành Hỏa; phía phải thuộc hành Kim, tượng cho chủ nhân; phía trái thuộc hành Mộc, tượng cho thê thiếp, tài lộc, ti bộc (vợ, tiền của, đầy tớ); phía sau thuộc hành Thủy, tượng cho tử tôn (con cháu); còn trung tâm ngôi nhà thì thuộc hành Thổ. Theo nguyên lý Ngũ hành tưong sinh (Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ) thì có thổ trạch (đất/nhà) mới có chủ nhân (Kim); chủ nhân sinh ra con cháu (Thủy) và điều khiển thê thiếp, nô bộc (Mộc). Nếu ngôi nhà quay về phương Nam thì hành Hỏa càng thêm vượng, vì phương Nam thuộc hành Hỏa. Theo nguyên lý Ngũ hành tương khắc (Hỏa khắc Kim; Kim khắc Mộc; Mộc khắc Thổ; Thổ khắc Thủy; Thủy khắc Hỏa), Hỏa quá vượng sẽ gây tốn hại cho gia chủ (Kim). Vì thế cần phải có bình phong án ngữ phía trước để cản bớt Hỏa khí. Vì lý do này mà hầu hết các cung điện, đền thơ, đình làng, nhà thờ họ tộc, nhà của thường dân ở Huế đều có bình phong án ngữ phía trước. Người phương Đông vốn rất coi trọng phong thuỷ, họ cho rằng đó là một sức mạnh thần bí, nhìn không thấy, sờ không được, có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh và cuộc sống con người.

     Ở Huế, nơi tồn tại chếđộ phong kiến cuối cùng của Việt Nam, nhũng dấu vết các di tích lịch sử, về văn hóa, nếp sống cũng vẫn cồn mang nặng những gì của một thời đại “phong kiến” thể hiện rõ qua cách đặt để bình phong trong không gian sinh hoạt. Trong cuộc sống, một trong những cách khắc phục, hạn chế tối thiểu những yếu tố xấu, phát huy tối đa những yếu tố tốt về phong thuỷ cho môi trường cảnh quan, không gian sống của con người là dùng bình phong như một vật dụng phong thuỷ đa năng. Đây là một trong những cách khắc phục, hạn chế tối thiểu những yếu tố xấu, phát huy tối đa những yếu tố tốt về phong thuỷ cho môi trường cảnh quan, không gian sống của con người.

     Người Huế với những quan niệm trong tiềm thức tâm linh, quan niệm ứng xử với môi trường tự nhiên, sự xuất hiện của bức bình phong trở thành một yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc cổ, đặc biệt các công trình kiến trúc Huế thời Nguyễn. Đó cũng là sự khắc phục thiên nhiên của con người sống trên mảnh đất liên tục hứng những đợt gió mùa lạnh se thắt, nắng gắt cháy da, mưa dầm nhiều tháng, mùa gió Nam (Lào) hanh khô, cháy bỏng. Vì vậy, đã được con người trên mảnh đất Huế tổng kết và hình thành cách ứng xử đặc biệt tế nhị và hiệu quả với thiên nhiên, khí hậu của mảnh đất Huế.

     Trong một quy hoạch không gian rất tiêu biểu và đặc trưng của người Huế – đó là không gian nhà vườn, theo Nguyễn Thanh Hải: khi quy hoạch vườn là người ta sẽ xác định những cấu trúc phụ chung quanh ngôi nhà- toàn kiến trúc của khu vườn, như bình phong, non bộ, hồ nước… Phần lớn các nhà phong thủy đều cho rằng những công trình phụ này đều tạo nên do hai mục đích:

     Hỗ trợ và tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh của ngôi nhà và khu vườn.

     Ngăn chận những điều bất lợi có thể đến với chủ nhân cùng gia quyến.

     Sự hiện diện của bức bình phong trong không gian “nghệ thuật sắp đặt” ấy, cùng non bộ, vườn cây… của kiến trúc Huế đã góp phần tô điểm hoàn chỉnh hơn vẻ đẹp vốn có của không gian những ngôi nhà vuờn, vẻ uy nghi của những không gian thờ tự. Còn về ý nghĩa phong thủy, việc ngăn chặn những bất lợi, hay tạo những thuận lợi cho người chủ tuy có những ý nghĩa chung phần lớn tốt, song cũng được hiểu theo những cách giải khác nhau.

Bình phong thương được xây dựng cẩn thận bằng gạch đá, ngoài ý nghĩa về phong thuỷ còn là những công trình mang ý nghĩa trang trí thật sự. Về đại thể, tuy chỉ là một bức tường xây ngang nhưng kỳ thực kiểu dáng và cách thức trang trí của bình phong thật vô cùng phong phú. Kiểu bình phong phổ biến nhất có lẽ là kiểu cuốn thư nhưng có rất nhiều biến thể. Các đề tài trang trí trên bình phong cũng đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là những con vật trong Tứ linh, gồm long-lân-phuợng-quy.

     Và linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là Long mã. Trên các bức bình phong, tại các đình làng, các am miếu dân gian, hình tượng Long mã hay hổ cũng được sử dụng rất nhiều. Long mã được thế hiện theo điển tích “Long mã phụ Hà đồ”.

     Trải qua năm tháng, bình phong dần kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống. Kiến trúc Huế là một ví dụ điển hình bởi không nơi nào có nhiều bình phong như ở Huế, đây cũng là nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong cổ nhất, không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ… dường như nơi nào cũng hiện diện những bức bình phong được trang trí cầu kỳ, tinh xảo mang nhiều ý nghĩa.

     Bình phong Long mã nổi tiếng nhất ở Huế chính là bức bình phong xây dựng năm Thành Thái bát niên (1896) ở trường chuyên Quốc học Huế, bức bình phong nhìn ra đường Lê Lợi. Long mã trên bình phong này là nguyên mẫu của hình ảnh Long mã trên logo của Festival Huế.

     Một số khu di tích còn bảo tồn được nhiều bức bình phong cổ có giá trị nghệ thuật cao. Sự cách điệu tạo hình của hình Long mã trong một tổng thể bình phong có nhiều hình thức thể hiện và tạo hình bằng nhiều chất liệu khác nhau: trổ thủng, đắp nổi, vẽ màu, khảm sành sứ, thủy tinh… mỗi cách tạo hình khác nhau đều tạo nên những hình Long mã mang nguyên giá trị ý nghĩa tuy cách tạo hình có những khác biệt đôi chút do những quan niệm, tay nghề của mỗi phường thợ tạo thành…

     Bình phong tại đình Kim Long, phường Kim Long, thành phố Huế, đây là ngôi đình nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, rất đẹp, bức bình phong này vào năm 2009 khi lần đầu tới Huế, ghé thăm ngôi đình hoang vắng bức bình phong hình cuốn thư ấn tượng như có gì đó cuốn hút bởi sự thâm trầm rất Huế, với hình Long mã đầy sống động trong một không gian hoang vắng. Sau này khi tìm hiểu sự liên quan giữa bức bình phong và thuật phong thủy, thật trùng với quan điểm của một tác giả về giá trị của những bức bình phong: Thật sự là những kiệt phẩm của các nghệ nhân tiền bối mà mỗi khi chiêm lãm, con người ta có cảm giác như bị mê hoặc, hút hồn. Không biết do chúng quá đẹp hay bởi chúng hội tụ được những điều thần bí của phong thủy ? Tới năm 2012, khi quay lại đình Kim Long, sự thay đổi của không gian ngôi đình không còn hoang vắng, được trùng tu khang trang hơn, bức bình phong vẫn đứng đó, đã được chỉnh trang lại nhưng vẫn mang được nét cổ kính, vẫn hình Long mã được tạo hình đắp nổi, khảm sành sứ, nhưng ấm cúng hơn bởi không gian được trùng tu lại không còn hoang vắng lạnh lẽo. Bức bình phong Long mã được khảm sành sứ, với gam màu chủ đạo của màu xanh lam, Long mã với thế phi lướt trên sóng nước cách điệu.

     Hình thức trổ thủng trong việc tạo hình bình phong của người Huế, tạo nên một hình thức trang trí nhưng cũng với ý nghĩa văn hóa trong ứng xử, theo Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Huế: Bình phong thủng, không chỉ với ý nghĩa chắn gió, mà biểu hiện của người Huế không bao giờ tuyệt đối quá, hơi uyển chuyến. Vì vậy, những hình trang trí trổ thủng trên bình phong, đó vừa là điểm nhấn trang trí vừa là cái gương trong mà người khách có thể qua đó báo với chủ nhà về sự hiện diện của mình trước cổng, đồng thời khi người chủ nhà sửa soạn xong xuôi cho việc đón tiếp, sẽ ra đứng trước cửa, người khách nhìn qua ô thủng đó và biết được thời điếm mình nên đi vào, tránh sự bất ngờ, cập rập cho việc tiếp đón. Chi tiết tưởng như giản đơn của kiến trúc phong thuỷ nhưng lại là một sự tinh tế vô cùng bởi nó góp phần hoàn thiện và tạo nét khác biệt cho văn hoá phương Đông.

     Trên bình phong tại đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, nằm trên đường Phan Chu Trinh, bên dòng sông An Cựu và một số bình phong ở Huế, hình Long mã được tạo hình phẳng, không nổi về hình khối, sự liên kết của hình trổ thủng bằng chính hình Long mã, để giữa sự liên kết hình Long mã với hình dáng lớn của bình phong, hình Long mã cũng vì thế có những biến thể khác nhau của các chi tiết như hoa văn, mây, sóng nước để liên kết giữa các chi tiết trong tổng thể bình phong. ■

     Chú thích:

1. Kim Long là tên của một ngôi 1àng thuộc đất Hà Khê xưa, nằm ở bờ Bắc sông Hương (Thừa Thiên – Huế). Năm 1636, một năm sau khi lên ngôi, vị chúa thứ ba xứ Đàng Trong Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa nhà Nguyễn từ xã Phước Yên, huyện Quảng Điền về đây, xứ đất này đổi thành Kim Long (Rồng vàng). Làng Kim Long nơi đóng phủ chúa trở thành phủ Kim Long. Phủ Kim Long tồn tại 51 năm, sau đó phủ chính được dời về làng Phú Xuân vào năm 1687; phủ Kim Long trở thành miếu thờ Thái Tông nhà Nguyễn. Thời vua Nguyễn, đất làng Kim Long là nơi ở của nhiều ông hoàng bà chúa, các vị đại thần khoa bảng; là nơi lập nhà vườn cực kỳ lý tưởng. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Huế Phan Thuận An, cố đạo Alexandre de Rhodes đã mô tả Kim Long như là một thành phố lớn. Ông cho rằng phủ chúa lúc ấy rất khang trang, nhà cửa xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kềo chạm trổ tinh vi, nhà nào chung quanh cũng có vườn. Vùng Kim Long xưa con gái rất đẹp, thời còn tại vị vua Thành Thái hay vi hành và có thơ rằng: “Kim Long có gái mỹ miều Trẫm yêu trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”.

     2. Đền thơ Đức Thánh Trần ở Huế, tại 86 trên đường Phan Chu Trinh, đền hướng đền ra dòng sông An Cựu. Ngôi Đền rộng hơn 5000m2 được vua Duy Tân “sắc tứ” (vua ban tên gọi) Tân Phẩm Linh Từ vào tháng 2 năm Giáp Dần 91914). Vị có công khai sáng ra đền thơ là bà Tôn Nữ Thị Minh, bà mất năm 1925, con trai là Nguyễn Đình Thuyên, một thanh đồng đệ tử trung kiên, kế tục lo việc thờ phụng.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 452, tháng 10, năm 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hình tượng Long mã trên bình phong Huế (Tác giả: Đặng Mai Anh)