HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ – Một góc nhìn so sánh PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI và PHÁP LUẬT DÂN SỰ (Phần 1)
AUCTION ACTIVITY – A COMPARISION VIEW BETWEEN COMMERCIAL AND CIVIL LAW (Part 1)
LÊ NGỌC THẠNH
Thạc sĩ Luật học, trường Đại học Lao động Xã hội (CSII thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Bài viết này nhằm so sánh hoạt động đấu giá trong pháp luật thương mại và pháp luật dân sự trên các lĩnh vực: Bán đấu giá, tài sản đưa ra bán đấu giá, người tổ chức đấu giá, thông báo, niêm yết đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tiến hành cuộc đấu giá. Trên cơ sở đó, tác giả bài viết đưa ra lựa chọn quy phạm áp dụng nhằm phục vụ mục đích của người có tài sản.
ABSTRACT
The aim of this article is to compare the auction activity between the commercial law and the civil law in the fields of: property auction, property put up for auction, the auction organizer, notification, posted up auctions, registering to bid, conduct the auction. On that basis, the author offers the option of applying regulations to serve the persons who have property.
x
x x
Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất [1]. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, khác với phương thức mua bán thông thường, người bán và người mua cùng nhau thảo luận về các nội dung có liên quan đến loại hàng hóa mà hai bên cần xác lập quan hệ hợp đồng, trong đấu giá hàng hóa, có thể là người bán tự mình tổ chức đấu giá, hoặc thông qua người tổ chức đấu giá do mình lựa chọn, công khai việc bán hàng hóa đến các đối tượng có quan tâm và lựa chọn người mua trả giá cao nhất trong số những người tham gia đấu giá.
Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) quy định: “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”[2]. Như vậy, với tư cách là bộ luật gốc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng, BLDS 2005 không những điều chỉnh các quan hệ dân sự phát sinh trong lĩnh vực đấu giá, mà còn điều chỉnh quan hệ kinh doanh, thương mại có liên quan đến lĩnh vực này, nếu trong pháp luật thương mại chưa điều chỉnh đến hoặc các bên lựa chọn. Để làm rõ nội dung trên, tác giả bài viết này sẽ phân tích những điểm khác nhau giữa đấu giá hàng hóa trong pháp luật thương mại với đấu giá tài sản trong pháp luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan hiện hành.
1. Về bán đấu giá
Cả đấu giá hàng hóa và bán đấu giá tài sản đều yêu cầu tính công khai trong quá trình tiến hành bán hàng hoặc tài sản được đưa ra đấu giá, với kỳ vọng của người chủ sở hữu hàng hóa hoặc tài sản là chọn được người mua, người trả giá cao nhất, với các phương thức sau:
– Trong pháp luật thương mại đã đưa ra hai phương thức để người chủ sở hữu hàng hóa đứng ra tổ chức bán hoặc người tổ chức đấu giá theo sự ủy quyền của người chủ sở hữu hàng hóa lựa chọn, đó là:
(i) Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;
(ii) Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng [3].
– Trong BLDS 2005 từ Điều 456 đến 458 quy định về: bán đấu giá, thông báo bán đấu giá, thực hiện bán đấu giá, bán đấu giá bất động sản. Đây chỉ là những quy định chung, mang tính nguyên tắc, còn các nội dung cụ thể, chi tiết được quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành BLDS 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan là Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ Về bán đấu giá tài sản (NĐ 17); theo đó, Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định này. Phương thức trả giá lên là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất [4].
Như vậy, khác với phương thức trả giá trong pháp luật dân sự chỉ quy định duy nhất là phương thức trả giá lên; trong pháp luật thương mại còn quy định phương thức đặt giá xuống. Thoạt nhìn tưởng chừng có sự khác biệt, song về bản chất, xét dưới góc độ sự kỳ vọng của người chủ sở hữu bán hàng hóa hay người đấu giá tài sản thì cùng gặp nhau ở chỗ: hàng hóa, tài sản của họ được bán ra với giá cao nhất, cho dù áp dụng phương pháp nào.
2. Về tài sản đưa ra bán đấu giá
Theo pháp luật thương mại thì tài sản đưa ra bán đấu giá là hàng hóa, bao gồm: tất cả động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, và những vật gắn liền với đất đai [5].
Theo pháp luật dân sự thì Tài sản bán đấu giá là động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật; cụ thể như sau: (i) Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án [6]; (ii) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (iii) Tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá; (iv) Tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (v) Các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật [7].
Mặc dù, hàng hóa được đưa ra đấu giá trong pháp luật thương mại chỉ nhấn mạnh đến động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; tuy nhiên, với cách quy định trong cụm từ: “những vật gắn liền với đất đai” đã hàm ý cả hàng hóa là bất động sản. Còn trong NĐ 17, các loại tài sản được đưa ra bán đấu giá cũng bao gồm cả động sản và bất động sản như trong pháp luật thương mại; tuy vậy đa dạng hơn về loại hình tài sản, và chỉ là những tài sản hiện hữu, tồn tại có thực ngay tại thời điểm tổ chức đấu giá, không bao gồm các loại tài sản hình thành trong tương lai.
3. Về người tổ chức đấu giá
Pháp luật thương mại quy định chủ sở hữu hàng hóa có thể tự đứng ra tổ chức đấu giá hàng hóa. Lúc này, người tổ chức đấu giá và người bán hàng là một; hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá [8].
Trong khi đó, Người có tài sản bán đấu giá trong pháp luật dân sự, ngoài chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản, còn có người có trách nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật [9], nghĩa là chủ thể đa dạng hơn, ngoài cá nhân, tổ chức lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán tài sản thuộc sở hữu của mình, còn có chủ thể đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước địa phương các cấp, cơ quan thi hành án,…Người tổ chức đấu giá tài sản có thể là: các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập; doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp; hoặc là Hội đồng bán đấu giá tài sản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập [10].
Nếu như thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá không bị ràng buộc, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ đấu giá, thì Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên, tức là người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá [11]; còn đối với Hội đồng bán đấu giá tài sản phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức này cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản của Hội đồng, trừ Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá [12].
Qua đó, có thể thấy rằng, yêu cầu về tổ chức đấu giá trong pháp luật dân sự chặt chẽ hơn, có lẽ do tài sản được đưa ra đấu giá chủ yếu là tài sản của nhà nước (như quyền sử dụng đất), hoặc là tài sản nhà nước tịch thu của các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, tài sản phải thi hành án,…; trong khi đó, quyền quyết định trong đấu giá hàng hóa thuộc về người chủ sở hữu hoặc thương nhân được ủy quyền tổ chức đấu giá, hay nói cách khác, trong đấu giá tài sản mang dấu ấn của “pháp luật công”, còn đấu giá hàng hóa mang tính chất của “pháp luật tư”. Chính vì thế mà một số quy định sẽ được nêu ở phần sau cũng có sự khác biệt theo lý do này.
__________
[1] Khoản 1 Điều 185 Luật Thương mại năm 2005.
[2] Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[3] Khoản 2 Điều 185 Luật Thương mại năm 2005.
[4] Khoản 1 Điều 2 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
[5] Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005.
[6] Khoản 4 Điều 2 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
[7] Khoản 2 Điều 1 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
[8] Điều 186 Luật Thương mại năm 2005.
[9] Khoản 6 Điều 2 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
[10] Điều 14, Điều 19 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
[11] Khoản 2 Điều 15, Điểm a Khoản 2 Điều 16, Khoản 2 Điều 2 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
[12] Điểm b Khoản 1 Điều 21, Khoản 1 Điều 20 Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
Còn tiếp:
Mời xem: HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ – Một góc nhìn so sánh PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI và PHÁP LUẬT DÂN SỰ (Phần 2).