HOẠT ĐỘNG QUAN HỆ CÔNG CHÚNG tại TP HỒ CHÍ MINH nhìn từ TOẠ ĐỘ VĂN HOÁ
PHẠM THỊ THANH THẢO
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP Hồ Chí Minh)
1. PR và hoạt động PR tại TP Hồ Chí Minh
1.1. Cũng như nhiều khái niệm khác, PR có hàng trăm định nghĩa. Chúng tôi đưa ra khái niệm: “PR là hình thức hoạt động của truyền thông đại chúng, được xây dựng, duy trì, phát triển bên trong và bên ngoài tổ chức nhằm tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp với công chúng”.
1.2. Hoạt động PR là thực tiễn vận dụng của PR. Theo cách chia của hai nhà nghiên cứu người Australia là Jane Johston và Clara Zawawi [7, tr. 9-10], PR được chia thành 20 hoạt động. Ở TP Hồ Chí Minh, PR tập trong lĩnh vực kinh tế. Người viết chú trọng vào ba hoạt động tiêu biểu của PR trong doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh:
(1) Quan hệ truyền thông là hoạt động thiết lập mối quan hệ của PR với các cơ quan báo, đài.
(2) Quan hệ cộng đồng là xây dựng và phát triển mối quan hệ với nhiều nhóm công chúng, phục vụ lợi ích mang tính nhân văn cho số đông.
(3) PR nội bộ là thiết lập và củng cố mối quan hệ với những thành viên trong tổ chức.
2. Hoạt động PR tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ không gian
2.1. Nét nổi bật của TP Hồ Chí Minh là vị trí “đắc địa” nằm ở trung tâm Nam Bộ và là cửa ngõ giao thông, thuận lợi cả đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không. Đặc biệt, thành phố cảng sông này gần biển, mặt hướng ra biển Đông. Con sông Sài Gòn độ sâu vừa phải, hệ thống sông dày đặc, các ghe, tàu ra vào tấp nập “TP Hồ Chí Minh giống như Huế, không có hồ giữa lòng đô thị, nhưng có hàng trăm sông ngòi, kênh rạch, sức chảy của hàng trăm kênh ngòi, sông rạch đã tạo nên sức lưu thông năng động của địa – văn hoá trên vùng đất mới” 1. Thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hoà, ít khi xảy ra bão lụt, lượng nước ngọt quanh năm. Điều đó, tạo vị thế lí tưởng cho TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế năng động và cởi mở.
2.2. Yếu tố “thị” đậm đặc, TP Hồ Chí Minh là giao điểm của các nền văn hoá trong và ngoài nước. “Đô thị đặc biệt” này có vai trò trở thành nơi dẫn đầu trong cả nước về kinh tế “Xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn với cả khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” 2. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 40% vốn và dự án đầu tư nước ngoài, tiếp hàng triệu khách quốc tế trong năm và có hàng ngàn đại diện, văn phòng của quốc gia và thế giới. Tốc độ đô thị hoá của TP Hồ Chí Minh nhanh. Năm 2003, TP Hồ Chí Minh có 12 quận, 6 huyện, nay đã thành 19 quận, 5 huyện,…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cởi mở và ngày càng ý thức giá trị thương hiệu. Nhu cầu về hoạt động PR chuyên nghiệp và công ti tư vấn PR nảy sinh. Những công ti chuyên nghiệp tham gia vào thị trường PR tại TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều như Cát Tiên Sa, VMC, AVC, Mai Thanh, Venus, Max Communication, Ocean, Young and Rubicam…Các công ti dịch vụ này đang làm chủ trên sân nhà. Điều đó chứng tỏ, môi trường tại TP Hồ Chí Minh có những điều kiện cần và đủ để phát triển các hoạt động PR.
2.3. Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn trong cả nước. TP Hồ Chí Minh đã hình thành nền kinh tế tri thức. Ngành PR được đào tạo trong các trường đại học từ năm 2008, chỉ sau Hà Nội. Hiện nay, chuyên ngành PR được đào tạo tại một số trường đại học như Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học, Trường Đại học Công nghệ… Một số khoá đào tạo ngắn hạn về kĩ năng, nghiệp vụ PR: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế… Chính lực lượng này, bổ sung nguồn nhân lực không nhỏ giúp PR tại TP Hồ Chí Minh phát triển dần. Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác ngành PR mở ra khá muộn, khoảng 2012. Phần nhiều các tỉnh, thành chưa mở ngành PR vì nhu cầu việc làm thấp. Và không ít những tỉnh, thành khác chưa ý niệm về hình thành khoá bồi dưỡng về PR.
2.4. TP Hồ Chí Minh là nơi nhiều có cơ quan báo chí nhà nước và tư nhân. Đây cũng chính là môi trường tốt cho các hoạt động PR đi vào thực tiễn và nhanh chóng đến với công chúng. Thêm vào đó, TP Hồ Chí Minh là nơi các hoạt động từ thiện, phong trào xã hội diễn ra sôi nổi. Những bữa cơm cho người nghèo, quyên góp xây nhà tình thương, quyên góp giúp người hoả hoạn… TP Hồ Chí Minh có những chương trình vì cộng đồng lan ra cả nước và thế giới như phong trào xoá đói giảm nghèo. Đây là mảnh đất thuận lợi cho PR cộng đồng thực hiện trách nhiệm xã hội.
Tất cả những điều kiện trên tạo cơ sở cho TP Hồ Chí Minh hình thành và phát triển nghề PR. Trong khi đó, các tỉnh, thành khác PR vẫn đang hình thành hoặc manh nha.
___________
1. Nguyễn Thanh Tuấn, Biến đổi văn hoá đô thị Việt Nam hiện nay, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 62.
2. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.
3. Hoạt động PR tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ chủ thể
3.1. Chủ thể của hoạt động PR tại TP Hồ Chí Minh chính là người làm nghề PR. Người chọn nghề PR tại đây tính cách cởi mở, hoà đồng, dễ tiếp nhận cái mới, ảnh hưởng bởi tính cách văn hoá của người TP Hồ Chí Minh. Tính phóng khoáng và năng động của người TP Hồ Chí Minh tiêu biểu nhất cho người Nam Bộ. Họ thích sự chủ động, tự do sáng tạo và tôn trọng tự do của người khác, thích nghi nhanh với hoàn cảnh, luôn tìm cách để giải quyết vấn đề, “chạy” theo thay đổi phương án và kế hoạch một cách nhanh chóng. Tuy vậy, họ cũng hết sức dung hoà, không quá câu nệ, phân biệt trong công việc hay địa vị “có sự dung hoà giữa nếp sống cương trực, thẳng thắn bộc bạch, phóng khoáng của người nông dân Nam Bộ với nếp sống kỉ cương, kỉ luật của người công nhân công nghiệp” 1. Phần lớn những người chọn theo nghề PR là giới trẻ, chiếm 86% độ tuổi 22 – 35 tuổi. Họ nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm.
Người làm PR ảnh hưởng tư duy của nhiều tộc người. Họ tiếp thu văn hoá kinh doanh của người Hoa là chú trọng chữ tín, xem khách hàng, đối tác là thượng đế. Họ học hỏi tác phong công nghiệp của phương Tây. Người làm PR tại TP Hồ Chí Minh có điều kiện để tự tạo thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp. Vì vậy, tính năng động trong tiếp thu văn hoá các vùng, miền của người TP Hồ Chí Minh nói chung và người làm nghề PR nói riêng phù hợp với lợi ích kinh tế và giá trị cuộc sống hiện đại.
3.2. Do PR là ngành mới, đội ngũ người làm PR tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung chủ yếu từ chuyên ngành khác. Nhân lực PR tại TP Hồ Chí Minh phần đông chuyển từ kinh tế sang như tiếp thị, quản trị kinh doanh, tài chính – kế toán, báo chí,… Đội ngũ PR Hà Nội tốt nghiệp các ngành liên quan đến chính trị và đối ngoại chiếm đa số hơn: Quan hệ quốc tế, ngoại thương, báo chí, hành chính,… Sự khác biệt này là nét đặc trưng của PR tại TP Hồ Chí Minh tập trung trong doanh nghiệp, PR Hà Nội chú trọng hoạt động trong chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.
Bên cạnh đó, lực lượng PR là những người ở nước khác về mang những kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng nghề. Phần lớn họ tốt nghiệp sau đại học đúng chuyên ngành PR ở những nước tiên tiến như Anh, Mĩ, Pháp… Họ là cầu nối, giao lưu kinh tế và văn hoá. Tuy nhiên, lực lượng này chiếm tỉ lệ thấp, dưới 10%.
___________
1. Nguyễn Sĩ Đồng – Đinh Phương Duy, Nếp sống thị dân ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp, 2013, tr. 25.
4. Hoạt động PR tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ thời gian
PR hiện đại xuất hiện trên thế giới khoảng thế kỉ XIX. PR du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỉ XX. Nhìn chung, PR Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn hình thành. PR tại TP Hồ Chí Minh trải qua hai thời kì:
4.1. PR hình thành (từ năm 1990 đến năm 2000)
Những năm 90 của thế kỉ XX, PR tại TP Hồ Chí Minh hình thành. Đây là thời kì chuyển từ nền kinh tế khép kín sang kinh tế mở và giao lưu quốc tế. Hàng loạt công ti tư nhân ra đời. Nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất được mở ra. Hình thức kinh doanh hiện đại của phương Tây đi vào thực tiễn. Nổi bật là sự ra đời của siêu thị tại TPHM. Sau đó, mô hình khách hàng tự chọn hàng hoá này mở rộng ra Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Xu hướng toàn cầu hoá lan nhanh thành phố năng động. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. Họ chính là cầu nối, giới thiệu và đưa mô hình PR của phương Tây vào TP Hồ Chí Minh. Các doanh nhân TP Hồ Chí Minh dễ nắm bắt cái mới nên nỗ lực trong việc tiếp cận thị trường. Sách PR được dịch ra ngày càng nhiều. PR dần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những họp báo, hội thảo…
Giai đoạn đầu, PR tại TP Hồ Chí Minh phát triển hoạt động quan hệ báo chí. Các doanh nghiệp chưa phân định chức danh rõ ràng nhưng đã có bộ phận liên lạc, cung cấp thông tin cho giới báo chí. Những nhân viên PR này đa số là thư kí hoặc nhân viên văn phòng. Đó là công việc họ phải kiêm nhiệm. Vì thế, chuyên môn và kiến thức chuyên sâu về PR hầu hết họ tự mầy mò từ thực tiễn.
Quan hệ cộng đồng của PR tại TP Hồ Chí Minh mang tính tự phát, phong trào nhỏ lẻ. Các cá nhân là tiểu thương, doanh nghiệp…đứng ra phát động phong trào giúp đỡ vì người nghèo. Họ tổ chức những chương trình này mang tính hỗ trợ cộng đồng và chưa tạo thành những chiến dịch bài bản. Tuy vậy, đây là những dấu hiệu đáng mừng, dự báo PR cộng đồng phát triển.
4.2 PR phát triển (từ năm 2000 đến nay)
Cuối năm 2003, đề án xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam đến 2010 được khởi động. Tầm quan trọng của PR được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo Al Ries 1 một trong những chuyên gia nghiên cứu về PR hàng đầu trên thế giới cho rằng, thế kỉ XXI là thế kỉ vàng son của PR. Sử dụng PR để xây dựng thương hiệu đang là xu hướng trong ngành kinh doanh trên toàn cầu. TP Hồ Chí Minh trở thành điểm hẹn cho các nhà đầu tư quốc tế. Tiêu biểu là tập đoàn Intel cam kết đầu tư hơn 600 triệu USD vào TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhu cầu về hoạt động PR chuyên nghiệp tại thành phố phía Nam này nảy sinh. Từ đó, các công ti tư vấn, dịch vụ về lĩnh vực PR phát triển khá mạnh. Các công ti PR chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tham gia vào thị trường PR ngày càng nhiều: Max Communication, Venus, Galaxy, Mai Thanh, Cát Tiên Sa, Đất Việt… Thị trường PR tăng trưởng trung bình 30%/năm. Vì vậy, chuyên viên PR trong các công ti sự kiện, nhân viên PR trong doanh nghiệp hình thành. Xu thế của các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh là tự sáng tạo những chiến dịch PR mang bản sắc thương hiệu mình. Vinamilk, Kinh Đô tự tổ chức sự kiện PR.
Doanh nghiệp ý thức về trách nhiệm cộng đồng và giá trị lâu dài của thương hiệu. Giai đoạn này, các dự án vì cộng đồng diễn ra khá rầm rộ, thu hút được sự quan tâm của công chúng như Tôi yêu Việt Nam của Honda Việt Nam, Đèn đom đóm của hãng sữa cô giá Hà Lan, Áo trắng cho trẻ em nghèo của Omo, “Nụ cười trẻ thơ” của P/S, Toshiba tài trợ cho chương trình Wordcup, Những cô gái chân dài của hãng phim Thiên Ngân…
Có thể nói, trước kia, PR truyền thông hình thành thì nay đã phát triển. Mối quan hệ PR và báo chí ngày càng được chuyên nghiệp hoá. PR cộng đồng trước 2000 mang tính tự phát thì hiện nay đã có sự kết hợp tính trách nhiệm xã hội với xây dựng giá trị thương hiệu. Dù PR nội bộ còn mới mẻ nhưng nó càng được doanh nghiệp chú ý và phát triển như PR 2.0 trên mạng xã hội, tạp chí nội bộ, báo cáo doanh nghiệp theo quý,… giúp các thành viên trong doanh nghiệp hiểu biết về
nhau hơn. Ý thức được tầm quan trọng của PR, hầu hết tổ chức, doanh nghiệp hiện nay đều có bộ phận PR nội bộ. Tuy vậy, đa số PR nội bộ tại TP Hồ Chí Minh và Việt Nam thường là kiêm nhiệm, chưa mang tính chuyên biệt như PR các nước ở phương Tây.
___________
1. Al Rice A & Ries L (Biên dịch: Vũ Tiến Phúc – Trần Ngọc Châu – Lý Xuân Thu), Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004.
5. Kết luận
Tóm lại, thực tiễn PR tại TP Hồ Chí Minh tập trung vào ba mảng chính là quan hệ truyền thông, quan hệ cộng đồng và PR nội bộ. Về không gian, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm đào tạo nền kinh tế tri thức, cửa ngõ giao thương quốc tế. Về chủ thể, người làm PR tại TP Hồ Chí Minh mang những nét đẹp văn hoá tiêu biểu cho tính cách của người Nam Bộ như mở thoáng, năng động… phù hợp với nghề mới mẻ, hiện đại như PR. Về thời gian, PR tại TP Hồ Chí Minh hình thành từ những năm 90 của thế kỉ XX, nhưng đến thế kỉ XXI, PR mới thực sự có hình dạng. So với Hà Nội, PR tại TP Hồ Chí Minh chưa mang nét đặc trưng về PR trong vận động hành lang. Tuy nhiên, PR tại TP Hồ Chí Minh phát triển khá sôi nổi về lĩnh vực kinh tế. Hiểu được sự khác biệt này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp định hướng phát triển và xây dựng thương hiệu bằng công cụ PR.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. Nguyễn Sĩ Đồng – Đinh Phương Duy, Nếp sống thị dân ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp, 2013.
2. Đinh Thị Thuý Hằng (chủ biên), PR lí luận và thực tiễn, NXB Lao động – Xã hội, 2012.
3. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.
4. Nhiều tác giả, Quan hệ công chúng – Lí luận và thực tiễn (Kỉ yếu hội thảo), NXB Chính trị Quốc gia, 2007.
5. Al Rice A. & Ries L., (Biên dịch: Vũ Tiến Phúc – Trần Ngọc Châu – Lí Xuân Thu), Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi, NXB Trẻ, 2004.
6. Nguyễn Thanh Tuấn, Biến đổi văn hoá đô thị Việt Nam hiện nay, NXB Văn hoá Thông tin, 2006.
B. Tiếng nước ngoài
7. Jane Johnston và Clara Zawawi, Public Relations: Theory and Practice (3rd ed), Allen & Unwin, Crows Nest, 2009.